NIỀM VUI DƯỚI ĐẤT, NIỀM VUI TRÊN TRỜI. Chú giải Tin Mừng CN XXIV TN C (Lc 15,1-32) [1]
Bản văn và dịch sát
nghĩa
Hy
Lạp |
Việt |
1 Ἦσαν δὲ αὐτῷ ἐγγίζοντες πάντες οἱ τελῶναι καὶ
οἱ ἁμαρτωλοὶ ἀκούειν
αὐτοῦ. 2 καὶ διεγόγγυζον οἵ
τε Φαρισαῖοι καὶ οἱ γραμματεῖς λέγοντες ὅτι οὗτος ἁμαρτωλοὺς προσδέχεται καὶ συνεσθίει αὐτοῖς. 3 Εἶπεν δὲ πρὸς αὐτοὺς
τὴν παραβολὴν ταύτην λέγων· 4 τίς ἄνθρωπος ἐξ ὑμῶν
ἔχων ἑκατὸν πρόβατα καὶ ἀπολέσας ἐξ αὐτῶν ἓν οὐ καταλείπει τὰ ἐνενήκοντα ἐννέα ἐν τῇ
ἐρήμῳ καὶ πορεύεται ἐπὶ τὸ ἀπολωλὸς ἕως εὕρῃ αὐτό; 5 καὶ εὑρὼν ἐπιτίθησιν ἐπὶ τοὺς ὤμους αὐτοῦ χαίρων 6 καὶ ἐλθὼν εἰς τὸν οἶκον συγκαλεῖ τοὺς φίλους καὶ τοὺς γείτονας
λέγων αὐτοῖς· συγχάρητέ μοι, ὅτι εὗρον τὸ πρόβατόν μου τὸ ἀπολωλός. 7 λέγω ὑμῖν ὅτι οὕτως χαρὰ ἐν τῷ
οὐρανῷ ἔσται ἐπὶ ἑνὶ ἁμαρτωλῷ μετανοοῦντι ἢ ἐπὶ ἐνενήκοντα
ἐννέα δικαίοις οἵτινες οὐ χρείαν ἔχουσιν μετανοίας. 8 Ἢ τίς γυνὴ δραχμὰς ἔχουσα δέκα ἐὰν ἀπολέσῃ
δραχμὴν μίαν, οὐχὶ ἅπτει λύχνον καὶ σαροῖ τὴν
οἰκίαν καὶ ζητεῖ ἐπιμελῶς ἕως οὗ εὕρῃ; 9 καὶ εὑροῦσα συγκαλεῖ
τὰς φίλας καὶ γείτονας λέγουσα· συγχάρητέ μοι, ὅτι εὗρον τὴν δραχμὴν ἣν ἀπώλεσα. 10 οὕτως, λέγω ὑμῖν,
γίνεται χαρὰ ἐνώπιον τῶν ἀγγέλων τοῦ
θεοῦ ἐπὶ ἑνὶ ἁμαρτωλῷ
μετανοοῦντι. (Lk. 15:1-10 BGT) |
1 Bởi vì tất cả những
người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi thường
đến với Đức Giêsu để nghe Người, 2 và những người
Pharisêu và các
Kinh Sư cứ kêu
trách, nói rằng: “Ông ấy tiếp đón những người tội lỗi
và cùng ăn với chúng”. 3 Người mới nói cùng họ dụ ngôn này, rằng: 4. “Người nào trong các
ông có một trăm con chiên và một trong chúng bị lạc, lại không để chín mươi chín con lại trong
sa mạc và ra đi vì con chiên lạc ấy
cho đến khi tìm được
nó. 5 Và khi tìm được rồi,
ông vui mừng đặt nó lên đôi vai của mình. 6 Khi về đến nhà, ông gọi các bạn hữu và những người hàng
xóm, nói cùng họ rằng: ‘Hãy chung vui với tôi,
vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên lạc’ 7 Tôi bảo các ông trên
trời cũng sẽ có niềm vui như thế, vì một người tội lỗi hoán cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần có sự hoán cải. 8 Hay người phụ nữ nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng,
lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kiếm cách cẩn thận
cho đến khi tìm được? 9 Khi tìm được rồi,
bà gọi những người bạn và những người hàng xóm, nói rằng: ‘Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã
tìm thấy đồng bạc mà tôi đã đánh mất’”. 10 Như thế, tôi bảo các
ông, sẽ có niềm vui trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hoán cải. |
Bối cảnh
Tình huống những người Pharisêu và Kinh Sư, lẩm bẩm kêu ca về việc những
người thu thuế và những người tội lỗi, nhắc nhớ đến sự kiện Đức Giêsu đến dùng
bữa tại nhà nhân viên thu thuế Lêvi, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi
cùng ăn với Người (Mc 2,15; Lc 5,29). Những người Pharisêu và các Kinh Sư cũng
đặt vấn đề tại sao họ lại ăn uống với những loại người này (Mc 2,16; Lc 5,30).
Câu chuyện Đức Giêsu cho một người phụ nữ tội lỗi đụng chạm và xức dầu tại nhà
một người Pharisêu (Lc 7,36-50), cũng để lại nhiều nghi vấn trong lòng người Pharisêu.
Câu chuyện Đức Giêsu thăm nhà ông Dakêu (Lc 19,1-10), một thủ lãnh của những
người thu thuế, cũng để lại nhiều tiếng xầm xì trong lòng dân chúng (Lc 19,7).
Chủ đề “mất” và “tìm” liên kết chặt chẽ đến lời khẳng định của Đức Giêsu trong
câu chuyện về Dakêu: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10;
Cf. Mc 2,17; Mt 9,13; Lc 5,32).
Cấu trúc
Ngoài phần dẫn nhập (Lc 15,1-3) giới thiệu về các nhân vật cũng như hoàn
cảnh để Đức Giêsu kể dụ ngôn, Lc 15,4-10 gồm có hai dụ ngôn có cấu trúc rất giống
nhau, và cùng được kết thúc với một kết luận của Đức Giêsu.
Bối cảnh: Nhân vật và nhân dịp (1-3) Dụ ngôn I (4-7): Người đàn ông và con
chiên lạc Có một trăm
con chiên mất một con để chín mươi chín
con lại và đi tìm tìm được ăn mừng với bạn bè
và những người thân cận Kết luận: Vui mừng trên trời, một người tội lỗi hoán cải Dụ ngôn II (8-9): Người phụ nữ và đồng bạc
bị mất Có mười đồng
bạc mất một đồng đốt đèn và quét nhà
để tìm kiếm cẩn thận tìm được Ăn mừng Kết Luận: Niềm vui trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa, một người tội lỗi
hoán cải |
Một số điểm chú giải
1. Người
thu thuế và người tội lỗi: Cặp nhân vật “những người thu thuế” và
“những người tội lỗi” thường đi chung với nhau. “Những người thu thuế” được định
nghĩa bằng nghề nghiệp của họ, trong khi “những người tội lỗi” được định nghĩa
bằng nhân cách đạo đức của họ. Thỉnh thoảng “những người thu thuế” đi chung với
“những cô gái điếm” (cũng là những người tội lỗi) (Mt 21,31.32). Người thu thuế
cũng được đồng hóa với người tội lỗi (x. Lc 19,7). Điều mà cặp nhân vật này có
chung là họ đều bị những người Do Thái đương thời khinh bỉ, ghét bỏ.[2]
Những người thu thuế bị ghét bỏ, vì họ là những người làm việc cho đế quốc. Nhất
là, họ thường tham lam “thu hơn những gì đã được ấn định” (Lc 3,13) và gây đau
khổ cho những người đồng hương. Những người tội lỗi bị khinh dể, vì họ xa rời
Thiên Chúa, tách ra khỏi Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện. May mắn thay, cặp nhân
vật này là những đối tượng mà Đức Giêsu muốn kêu gọi: “Ta không đến để kêu gọi
người công chính mà là những người tội lỗi” (Mc 2,17; Mt 9,13; Lc 5,32). Bằng
chứng là họ thường được Đức Giêsu đồng hành, dạy dỗ, ăn uống với (Mc 2,15; Lc
5,30; 7,34; 15,1). Khác với các tác giả khác, tác giả Luca gắn liền câu chuyện
“xức dầu Đức Giêsu” với một người phụ nữ tội lỗi vô danh trong thành (Lc
7,36-50). Chuyện xảy ra khi Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người Pharisêu
tên là Simôn. Một người phụ nữ tội lỗi đã đi vào và “đứng đằng sau, sát chân
Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên”.
Ông Simôn đã nghi vấn về tư cách ngôn sứ của Đức Giêsu, khi Người để cho người
phụ nữ tội lỗi làm như thế. Câu chuyện kết thúc với lời tuyên bố tha tội và ơn
cứu độ dành cho người phụ nữ ấy. Luca cũng là tác giả duy nhất ghi lại câu chuyện
hoán cải của người trộm lành trên thánh giá (Lc 23,39-43). Tác giả Luca ghi lại
nhiều chi tiết tích cực về những người thu thuế: (1) Những người thu thuế đến
xin chịu Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả và hỏi ông về điều mà họ phải làm để tỏ
lòng hoán cải (Lc 3,12); (2) Những người thu thuế nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng
Công Chính (Lc 7,29); (3) Dụ ngôn người thu thuế cầu nguyện qua việc nhìn nhận
tội lỗi của mình và được nên công chính (Lc 18,9-14); (4) Ông Dakêu, thủ lãnh
những người thu thuế, hoán cải và được cứu độ; (5) Ơn gọi của ông Lêvi, một người
thu thuế (chuyện này có trong Mc và Mt). Trong bối cảnh dụ ngôn này, cặp nhân vật
này cũng được tác giả Luca mô tả với cái nhìn tích cực, vì họ dù tội lỗi nhiều
nhưng thường đến và nghe Đức Giêsu giảng dạy, được đồng bàn với Đức Giêsu. Động
từ “đến gần”, được dùng ở thể phân từ, thì hiện tại (Ἦσαν … ἐγγίζοντες), diễn tả một hành
động kéo dài liên tục (họ cứ tiếp tục đến để nghe Người). Mệnh đề chỉ mục đích
“để nghe Người” đồng hóa nhóm người này như là những người đáp trả lại lời mời
gọi của Đức Giêsu ở cuối chương 14: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe” (Lc
14,35b).[3] Đức Giêsu cũng công bố một tương lai tươi sáng cho những người
thu thuế và những cô gái điếm (những người tội lỗi): “Tôi bảo thật các ông: Những
người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông [những
người Thượng Tế và Kỳ Mục] vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông
mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm thì
tin” (Mt 21,31-32). Tv 51 nói về viễn cảnh những người tội lỗi trở về khi họ được
dạy về đường lối Chúa: “Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho những người tội lỗi, ai
lạc bước sẽ trở lại cùng Người” (Tv 51,15). Ông Phaolô nhìn nhận rằng: “Đây là
lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô đã đến thế gian để cứu những
người tội lỗi mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1,15). Những người thu thuế và những
người tội lỗi có thể tương ứng với “con chiên lạc” trong dụ ngôn thứ nhất và “đồng
bạc bị mất” trong dụ ngôn thứ hai, vì cuối mỗi dụ ngôn, Đức Giêsu đều chốt lại
với câu kết luận liên quan đến “một người tội lỗi hoán cải”.
2. Những
Kinh Sư và những người Pharisêu: Đối lại với cặp nhân vật “người thu thuế-người
tội lỗi” là cặp nhân vật “người Kinh Sư-người Pharisêu”. Đây là cặp nhân vật được
những người Do Thái đương thời tôn trọng, yêu mến vì sự hiểu biết và những thực
hành đạo đức. Họ là những người công chính theo nghĩa là những người giữ Lề Luật
(Mt 5,20). Họ chịu trách nhiệm giảng dạy dân chúng (Mt 23,2). Tuy nhiên, họ thường
được mô tả như là những cặp nhân vật “phản diện” trong các sách Tin Mừng. Họ
thường tranh cãi với Đức Giêsu về truyền thống của tiền nhân (Mc 7,1-3). Tranh
luận về luật “chữa bệnh vào ngày Sabát” (Lc 6,6). Họ nghĩ Đức Giêsu phạm thượng
khi Người tuyên bố tha tội cho người bại liệt (Lc 5,21). Họ căm giận Đức Giêsu
và gài bẫy để bắt lỗi Đức Giêsu (Lc 11,53-54). Họ thường trách cứ và lấy làm
khó hiểu, khi Đức Giêsu ăn uống và làm bạn với những người thu thuế và những
người tội lỗi (Lc 5,30; 15,1). Trong Tin Mừng Mátthêu, họ được gọi là “giả
hình” nhiều lần (Mt 23,13.14.15.23.25.27.29). Trong bối cảnh này, họ xuất hiện
như cặp nhân vật không hài lòng với sự kiện Đức Giêsu chào đón cặp nhân vật
“người thu thuế-người tội lỗi”. Họ được mời gọi chia sẻ lòng thương xót của
Chúa dành cho những người tội lỗi. Những Kinh Sư và những người Pharisêu có thể
tương ứng với “chín mươi chín người công chính không cần phải hoán cải”. Dầu vậy, cũng không nhất thiết như thế, vì Đức
Giêsu dường như không nhằm chỉ trích những người Pharisêu khi kể những dụ ngôn
này.
3. Dụ
ngôn: Danh từ dụ ngôn được dùng ở số
ít (τὴν παραβολὴν ταύτην: Dụ ngôn này), nhưng thực ra, Đức Giêsu kể một loạt ba dụ ngôn: Người đàn ông và con
chiên lạc (15,4-7); Người phụ nữ và đồng bạc bị mất (15,8-10); Người cha và hai
người con (15,11-32). Như thế, danh từ dụ ngôn, dùng ở số ít có thể hiểu là dụ
ngôn “ba trong một” vì ba dụ ngôn này diễn tả cùng một chủ đề “sự tha thứ và
đón nhận cách quảng đại” và đỉnh cao là dụ ngôn thứ ba, nói về tương quan giữa
người cha và những người con trong gia đình.
4.
Cứ lẩm bẩm kêu trách (διεγόγγυζον): Động từ được dùng để mô tả hành động của
nhóm những người Pharisêu, là một động từ ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một
hành động kéo dài chưa có hồi kết. Họ cứ “càu nhàu”. Nội dung của lời “càu
nhàu” là: “Ông này cứ chào đón và ăn uống với họ (những người thu thuế và những
người tội lỗi). Sự càu nhàu này giả định một điều cấm kỵ, không cho phép một
người thầy, một vị ngôn sứ như Đức Giêsu tiếp xúc với những người tội lỗi. Theo quan điểm của những bậc thầy Do Thái, có một ranh giới phân biệt giữa những người
công chính và những người tội lỗi. Họ không thể đồng bàn với nhau. Đức Giêsu muốn
xóa bỏ ranh giới này để kéo họ lại gần với nhau. Trong văn hóa của người Đông
Phương, chào đón một người đến đồng bàn là một vinh dự. Đó là một sự trao ban
bình an, sự tin tưởng, tình huynh đệ và sự tha thứ. Nói tóm lại, chia sẻ bàn ăn
là chia sẻ cuộc sống. Trong Do Thái giáo nói riêng, tình bằng hữu đồng bàn có
nghĩa là tình bằng hữu trước mặt Chúa, vì việc ăn một miếng bánh được một người
đồng bàn bẻ ra là chia sẻ cùng một lời chúc lành, mà người chủ nhà đã nói trên
tấm bánh chưa được bẻ ra. Như thế, việc Đức Giêsu chào đón và đồng bàn với những
người thu thuế và những người tội lỗi, không chỉ là một sự kiện ở cấp độ xã hội,
không chỉ là một lòng nhân đạo bất thường hay sự quảng đại mang tính xã hội hay
là sự cảm thông của Người với những người bị ghét bỏ, nhưng phải có một ý nghĩa
sâu sắc hơn. Đó là một biểu lộ của sứ vụ cứu độ, một tình yêu cứu chuộc dành
cho những người tội lỗi.[4] Người bao hàm những người tội lỗi vào trong
cộng đoàn cứu độ. Sự “càu nhàu” này là bối cảnh để Đức Giêsu kể dụ ngôn kép.
Tác giả Mátthêu cũng ghi lại dụ ngôn “con chiên lạc” (18,12-14), nhưng đặt
trong bối cảnh những bài giảng liên quan đến đời sống cộng đoàn (Mt 18). Tác giả
Tin Mừng thánh Tôma (Một ngoại thư, không được nhận vào Quy Điển) giới thiệu dụ
ngôn “con chiên lạc” như là một dụ ngôn về Nước Trời: “Đức Giêsu nói: Vương Quốc
như là một người chăn chiên có một trăm con chiên …” (TM Tô-ma, 107).[5]
5. “Người nào trong các ông ? … Người phụ nữ
nào?” (τίς ἄνθρωπος ἐξ ὑμῶν …
τίς
γυνὴ): Cách đặt câu hỏi tu từ này giả định trước một câu trả lời khẳng định:
Đúng vậy, ai cũng làm như thế… người phụ nữ nào cũng làm như vậy.[6]
Đây cũng chính là cách đặt câu hỏi Đức Giêsu đặt ra với các nhà thông luật và
những người Pharisêu về luật cấm làm việc vào ngày Sabát: “Ai trong các ông, có
người con trai hay con bò bị rơi xuống giếng vào ngày Sabát, lại không kéo nó
lên ngay lập tức” (Lc 14,5); “Ai trong các ông, vào ngày Sabát, không cởi dây
bò hay lừa ra khỏi chuồng và dẫn nó đi uống nước? (Lc 13,15) Câu trả lời chắc chắn là: “Đúng vậy. Ai cũng sẽ
kéo nó lên ngay lập tức, ai cũng sẽ dẫn nó đi uống nước”. Khi đặt câu hỏi như vậy
Đức Giêsu không những thu hút họ vào câu chuyện của mình, mà còn dẫn họ theo
quan điểm, ý hướng của mình. Sự đồng tình với câu trả lời “khẳng định” bao hàm
tất cả các hành động của nhân vật trong câu chuyện: Mất một con – bỏ chín mươi
chín con trong sa mạc … tìm cho đến khi tìm được … đặt lên vai … quy tụ bạn bè
và những người hàng xóm … mời gọi chung vui vì đã tìm lại được con chiên lạc; Mất
một đồng … đốt đèn … quét nhà … tìm kiếm cẩn thận … tìm được … quy tụ bạn bè
và những người hàng xóm … mời gọi chung vui, vì đã tìm được đồng bạc bị mất.
6. Một người đàn ông … một người phụ nữ:
Trong câu chuyện thứ nhất, nhân vật chính rất có thể là một người đàn ông. “Người
nào trong các ông”, nghĩa là, người nào trong “các Kinh Sư và những người Pharisêu”,
là những người đàn ông. Hơn nữa, tính chất công việc, người chăn chiên trong sa
mạc, và đi tìm chiên trong sa mạc không thể là người phụ nữ được. Đối lại với
người đàn ông chăn chiên nơi sa mạc với những con chiên, là một người phụ nữ ở
trong nhà với túi tiền. Người đàn ông ứng với những khách mời đến chung vui vào
cuối dụ ngôn là những người bạn và những người hàng xóm nam giới (τοὺς
φίλους καὶ τοὺς γείτονας); Những người khách mời đến chung vui với người
phụ nữ phải là nữ giới (τὰς φίλας καὶ γείτονας). Luca là tác giả duy nhất
có dụ ngôn “người phụ nữ và đồng bạc bị mất”, và dụ ngôn này được đặt ngay sau
dụ ngôn “người đàn ông và con chiên lạc”. Cách sưu tập và soạn thảo này cho thấy
tác giả Luca dường như muốn cân bằng vai trò của phụ nữ và nam giới trong Tin Mừng
của mình. Tác giả thường có thói quen kể xen kẽ câu chuyện của người đàn ông với
câu chuyện của một người phụ nữ.[7]
Vai trò của phụ nữ là một trong những điểm thần học nổi bật của Tin Mừng thứ ba,
so với các Tin Mừng còn lại. Nơi Tin Mừng này, độc giả gặp thấy, những trình
thuật về “Thời Thơ Ấu” có liên quan đến Đức Maria, nữ ngôn sứ Anna. Những trình
thuật liên quan đến những người phụ nữ khác như là bà góa thành Nain (7,11-17),
nhóm những người phụ nữ đồng hành với Đức Giêsu và các môn đệ (8,1-3), người phụ
nữ tội lỗi xức dầu cho Đức Giêsu (7,36-50), hai cô Maria và Mátta (10,38-42),
người phụ nữ và đồng bạc bị mất, người góa phụ dâng hai đồng tiền kẽm (21,1-4),
những người phụ nữ chứng kiến cái chết và sự mai táng của Đức Giêsu (24,49.55-56).[8]
7. Một trăm con chiên… mười đồng bạc[9]:
Tỉ lệ rõ ràng giảm dần giữa hai dụ ngôn. Từ một phần trăm (một trăm con chiên,
lạc mất một con), giảm xuống còn một phần mười (mười đồng bạc, mất một đồng). Nếu
đọc tiếp dụ ngôn thứ ba, tỉ lệ giảm xuống còn một phần hai (hai người con). Số
lượng tài sản sở hữu càng giảm thì số lượng mất càng tăng lên. 1/100 nhỏ hơn
1/10 nhỏ nhỏ hơn 1/2.(1/100 < 1/10 < 1/2). Đây đều là những con số cho thấy
sự hoàn hảo, tròn đầy: 2 (một cặp); 10 (điểm mười, một chục); 100. Việc thiếu
đi một làm cho con số không còn trọn vẹn nữa.
8. Bỏ lại chín mươi chín con trong sa mạc …
tìm cho đến khi tìm được … đốt đèn và quét nhà để tìm cẩn thận: Số lượng mất
ít hay nhiều, bị mất vì lý do gì, vật nuôi hay tiền bạc, chủ nhân đàn ông hay
phụ nữ, điểm chung là sự quyết tâm tìm kiếm. Trong dụ ngôn thứ nhất, sự quyết
tâm được diễn tả bằng hai hành động: (i) Bỏ lại chín mươi chín con trong sa mạc;
(ii) Tìm cho đến khi tìm được. Bỏ lại chín mươi chín con trong sa mạc có thể được
hiểu theo hai cấp độ. Thứ nhất, đó là hành động bình thường của những người
chăn bò, chăn chiên. Khi một con bị lạc mất, người chăn chiên không ngần ngại rời
đàn chiên để đi kiếm con chiên lạc, vì đàn chiên còn lại vốn ổn định, không bị
mất.[10]
Thứ hai, người ta có thể dựa vào cụm động từ “bỏ lại… trong sa mạc” để cho thấy
người chăn chiên quá bận tâm đến con chiên bị mất, đến nỗi quên đi đàn chiên
còn lại cũng có thể bị nguy hiểm, hoặc lạc mất. Liên từ “cho đến khi” (ἕως)
được đặt trước động từ “tìm được, tìm thấy” diễn tả sự quyết tâm, kiên trì của
người chăn chiên. Ông không quản ngại thời gian, vượt bao nhiêu khó khăn, đi
quãng đường bao xa cho đến khi tìm được con chiên lạc mới thôi. Ở dụ ngôn thứ
hai, Đức Giêsu cũng cho thấy mức độ quyết tâm của người phụ nữ qua hai hành động
“đốt đèn”, “quét nhà”. Đốt đèn để làm sáng mọi ngóc ngách của căn nhà vách đất
kín, thiếu ánh sáng mặt trời từ bên ngoài. Quét là phương pháp tốt nhất để tìm
những vật nhỏ như đồng bạc, trong mọi góc của căn nhà có nền bằng đất nện hoặc
đá, không mấy bằng phẳng.[11]
Trạng từ “cẩn thận, chăm chỉ” (ἐπιμελῶς) được đặt sau động từ “tìm kiếm”
nhằm nhấn mạnh thái độ tìm kiếm, cùng với liên từ “cho đến
khi” (ἕως) được đặt trước động từ “tìm thấy, tìm được” nhấn mạnh sự kiên
trì của người phụ nữ.[12] Sự
kiên trì tìm kiếm của cả hai nhân vật trong câu chuyện là những hình ảnh sống động
cho quan tâm, tìm kiếm liên lỉ của Chúa, nhưng không gột tả hết được mức độ, cường
độ tìm kiếm của Người đối với những người tội lỗi, bất chính.[13]
9. “Quy tụ” … “Chung vui”: Cả hai động từ
này đều được lặp lại hai lần với cùng một cách chia: Một lần cặp động từ này được
dùng cho người đàn ông chăn chiên và lần kia cho người phụ nữ. Điểm đặc biệt
chung của cả hai động từ này là cả hai đều có tiền tố là một giới từ “với,
cùng” diễn tả một sự bao gồm, cùng nhau, làm gì đó. Động từ “συνκαλέω” có nghĩa là “gọi đến cùng” hay có thể nói
trải ra là “quy tụ”, “tập họp”, “mời mọi người đến với mình”. Động từ “συγχαίρω” có nghĩa là “mừng vui với”, “chia sẻ niềm vui với”, “hưởng
niềm vui với”. Như vậy, cả người đàn ông chăn chiên và cả người phụ nữ đều
không ngại tốn kém để mời gọi nhiều người đến để chia sẻ niềm vui với mình, niềm
vui của người tìm được con chiên hay đồng bạc bị mất. Hành động của hai người
này có thể lý giải theo ba cách: (i) Niềm vui tìm lại được tài sản bị mất là niềm
vui quá lớn, không thể không ăn mừng; (ii) Niềm vui chỉ có ý nghĩa thật sự khi
nó được chia sẻ với những người khác; (iii) Tính cộng đoàn, tình bằng hữu trong
xã hội con người (người ta luôn cảm thấy cần phải chia sẻ vui buồn với người
khác, vì không ai sống một mình). Có thể nói rằng, Lc 15,4-10 là một một đoạn
văn đầy niềm vui và chung vui. Có đến năm lần Đức Giêsu đề cập đến niềm vui và
tiệc mừng (5.6.7.9.10). Từ niềm vui cá nhân biến thành niềm vui tập thể. Niềm
vui của người đàn ông tìm được con chiên lạc và niềm vui của người đàn bà tìm
được đồng bạc bị mất, trở thành niềm vui của tất cả các bạn hữu và những người
hàng xóm.
10. “Cũng vậy, cùng một thể thức” (οὕτως):
Sau hai dụ ngôn, Đức Giêsu đều kết thúc bằng một câu được xem như là lời giải
thích của Người. Đây là cách hành văn theo kiểu quy nạp. Đức Giêsu đi từ luận cứ
cụ thể dẫn đến kết luận bao trùm. Câu kết luận bắt đầu bằng trạng từ “cũng vậy”,
diễn tả sự so sánh, đối chiếu giữa dụ ngôn và thực tế trên trời. Hay nói đúng
hơn đó là một sự so sánh giữa niềm vui của những người dưới đất và niềm vui của
thế giới thần linh. Cấu trúc của câu kết luận của Đức Giêsu bao gồm bốn thành
phần: “Một trạng từ” chỉ sự so sánh
(cũng vậy) + niềm vui + nơi chốn (trên trời, trước mặt các thiên thần) + lý do
(một người tội lỗi hoán cải). Đức Giêsu mượn những câu chuyện hiển nhiên ở trần
gian để minh họa cho chuyện thực tế trên trời. Người mượn niềm vui tìm thấy tài
sản để nói về niềm vui tìm thấy người tội lỗi.
11. “Một người tội lỗi hoán cải” (ἑνὶ
ἁμαρτωλῷ μετανοοῦντι): Danh
xưng “người tội lỗi” được lặp lại ba lần trong đoạn văn này (15,1.7.10). Nhân vật
này nối kết phần dẫn nhập với cả hai phần kết của hai dụ ngôn. Những người tội
lỗi cứ đến với Đức Giêsu để nghe Người, theo Đức Giêsu, là “người tội lỗi hoán
cải”. “Người tội lỗi hoán cải” ở đây cũng bao gồm cả “những người thu thuế” được
nói đến trong phần dẫn nhập nữa. Giới từ chỉ lý do – “vì” (ἐπὶ) – được đặt
trước mệnh đề danh từ “một người tội lỗi hoán cải”, làm rõ lý do tại sao có niềm
vui ở trên trời hay trước mặt các thiên sứ. Ở câu kết luận của dụ ngôn thứ nhất,
có thêm vế so sánh “hơn chín mươi chín người công chính không phải hoán cải”.
Có thể người ta cũng chờ đợi vế so sánh tương tự như thể ở câu kết luận của dụ
ngôn thứ hai: “Hơn là chín người không cần hoán cải”, nhưng Đức Giêsu không lặp
lại ý tưởng đó, mặc dù sẽ chẳng có vấn đề gì nếu Người lặp lại vế so sánh ấy. Vấn
đề Đức Giêsu muốn nhấn mạnh là niềm vui khôn tả nơi thiên cung, khi có một người
tội lỗi hoán cải, chứ không phải mỉa mai người công chính.[14] Cụm
giới từ “trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa” diễn tả một niềm vui tập thể.
Có một sự đảo ngược trong cấu trúc của câu kết luận này với cấu trúc diễn tả
hành động của cả hai nhân vật trong hai dụ ngôn. Người đàn ông tìm thấy con
chiên lạc và người phụ nữ tìm thấy đồng bạc bị mất, trong khi đó ở câu kết luận
chủ thể là người tội lỗi hoán cải, không đề cập đến người tìm kiếm. Cấu trúc
này hòa hợp với câu mở đầu khi tác giả cho biết những người tội lỗi tìm đến với
Đức Giêsu: “Những người thu thuế và những người tội lỗi cứ đến để nghe Người”
và Đức Giêsu “chào đón và ăn, uống với họ” (15,1-2). Nó cũng phù hợp với hành động
của người con thứ trong dụ ngôn “người cha và hai người con”, trong đó người
con thứ tự ra đi và tự tìm về với cha mình. Tác giả Luca, ngay từ đầu Tin Mừng,
đã cho thấy những người thu thuế đến cùng ông Gioan Tẩy Giả để thỉnh vấn ông về
những điều họ phải làm trong tiến trình hoán cải (Lc 3,12). Những câu chuyện Đức
Giêsu làm bạn với những người thu thuế và những người tội lỗi, cũng được tác giả
nhấn mạnh. Đặc biệt câu chuyện về ơn hoán cải của người thủ lãnh của những người
thu thuế, Dakêu (Lc 19,1-10), cùng với hành vi ban nước Thiên Đàng ngay lập tức
cho một người trộm cướp (người tội lỗi) hoán cải, cho thấy việc chào đón và vui mừng khi người tội lỗi hoán cải là điều hiển nhiên với Đức Giêsu.
Bình Luận Tổng
Quát
Trên hành trình lên Giêrusalem, có nhiều
người đến với Đức Giêsu để nghe Người giảng, trong đó, có cả những người “thu
thuế” và “những người tội lỗi”. Họ là những thành phần bị những người sống theo
lề luật như những người Pharisêu và Kinh Sư phân biệt đối xử. Đây là những người
lãnh đạo tinh thần của đa phần người Do Thái thời bấy giờ. Việc Đức Giêsu tiếp
xúc gần gũi, đặc biệt là đồng bàn với những người thu thuế và những người tội lỗi
là điều cấm kỵ. Chính vì thế, họ luôn luôn “càu nhàu” khi thấy Đức Giêsu cứ
chào đón niềm nở những người này và ăn uống với họ. Đối với Đức Giêsu, việc
chào đón và đồng bàn với những người bị lạc mất là điều hiển nhiên, vì mục đích
hành trình nhập thể của Người là để đồng hành với những người như thế: “Con Người
đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10; Mt 18,11); “Tôi không đến để kêu gọi
những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi hoán cải” (5,32; cf.
Lc 13,1-5; 16,30; 24,47). Hiệu quả tỏ tường của những lời mời gọi hoán cải của
Người là những ơn hoán cải ngoạn mục: Cuộc hoán cải của người thu thuế Lêvi (Lc
5,27-28); Cuộc hoán cải của người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,36-50); Cuộc hoán cải của
thủ lãnh thu thuế (Lc 19,1-10); Cuộc hoán cải của người trộm cướp (23,40-43).
Dĩ nhiên, Đức Giêsu rất mừng vui vì những người tội lỗi hoán cải này. Tuy
nhiên, Người cũng không thể bỏ qua suy nghĩ, quan điểm của những người đang cố
gắng sống Lề Luật Chúa cách tốt lành, tạm gọi là “những người công chính”. Người
cũng phải bận tâm làm sao để mời gọi những người như nhóm “Pharisêu” và “các Kinh
Sư” có thể chung vui với mình, làm sao để nối kết một cộng đoàn gồm những người
đã có thói quen sống theo Luật Chúa và những người vốn có lối sống không lành mạnh,
nay được ơn hoán cải.[15] Đức
Giêsu dùng hai dụ ngôn diễn tả tính hiển nhiên trong cách cư xử của người đương
thời. Chuỗi hành động mà những người đương thời thường làm khi bị mất tài sản
là: Làm mọi cách – tìm cho đến khi tìm được – quy tụ bạn bè và những người hàng
xóm lại – mời gọi ăn mừng. Trong hai dụ ngôn (có thể gọi là dụ ngôn kép), cả
người đàn ông mất chiên và người đàn bà mất đồng bạc đều hành động như nhau. Họ
rất vui mừng vì tìm được tài sản bị mất, nhưng họ không muốn vui một mình. Họ
muốn niềm vui của mình được nhân rộng và trọn vẹn khi được nhiều người chung
vui, mặc dù có thể họ phải chi phí tốn kém hơn phần tải sản họ vừa tìm lại được.
Từ câu chuyện đời thường, trên trái đất, Đức Giêsu hướng đến thực tại cứu độ,
trên trời. Từ con chiên và đồng bạc bị mất được tìm thấy, Đức Giêsu chuyển qua
hình ảnh người tội lỗi hoán cải. Từ niềm vui của những người tìm thấy tài sản bị
mất Đức Giêsu tỏ lộ niềm vui của các thiên sứ trên trời. Một người tội lỗi chắc
chắn giá trị gấp ngàn lần nếu so với một con chiên hay một đồng bạc. Một con
chiên, một đồng bạc, chỉ là một của sở hữu nay còn mai mất; trong khi đó, một
con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có giá trị vĩnh cửu và duy nhất. Sự hoán
cải của một người tội lỗi đồng nghĩa với việc người này được đồng bàn với Chúa
trên quê trời. Đó là một niềm vui tập thể và vĩnh cửu. Nếu như sự kiện người ta
tìm lại được phần tài sản bị mất cần được chung vui như thế, thì việc Thiên
Chúa tìm lại được những đứa con yêu quý của mình cần phải được chung vui gấp bội.
Sự chào đón niềm nở của Đức Giêsu, niềm vui tìm thấy tài sản bị mất của các
nhân vật trong câu chuyện và niềm vui của triều thần thiên quốc, khi một người tội
lỗi hoán cải, mở ra chân trời hy vọng và mời gọi trở về cho tất cả những người
tội lỗi trên thế gian này. Qua mọi thời đại, thông điệp Tin Mừng của Đức Giêsu
vẫn được rao giảng, và vẫn có nhiều người tội lỗi trở về với Chúa. Khi đó, lời
mời gọi hãy hòa hợp, chung vui với Chúa và triều thần thiên quốc, vẫn được gửi
đến những người xưa nay vẫn đang sống tốt trong gia đình Thiên Chúa. Cả hai dụ
ngôn, (hay là dụ ngôn kép) đều có kết thúc mở. Không có một phản ứng đáp trả
nào từ những người Pharisêu và Kinh Sư. Kết thúc mở của của dụ ngôn, mở ra chân
trời đáp trả cách tự do cho nhóm Kinh Sư và Pharisêu trong câu chuyện và cho
chính độc giả Kitô hữu qua mọi thời đại, đặc biệt là những người vẫn đang cố gắng
sống tốt căn tính Kitô hữu, hay ơn gọi làm con Chúa mỗi ngày. Họ có sẵn sàng
chung vui với Chúa, và với những người anh chị em tội lỗi có ơn hoán cải hay
không? Tất cả đều tùy thuộc vào sự đáp trả tự do và quảng đại của mỗi người.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1]
Nên đọc thêm chú giải Lc 15,11-32 trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: HAI NGƯỜI CON LẠC. Chú giải Tin Mừng
CN IV MC C (Lc 15,1-3.11-32) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[2]
“In this Gospel they stand for the outcasts, the
irreligious, and the immoral; in this episode they flock to Jesus as they had
to John the Baptist in 3:12–13, anxious to hear him” [J.A. Fitzmyer,
The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – L ondon 2008)
28A, 1075].
[3]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP
3; Collegeville 1991) 235.
[4]J. Jeremias, New Testament Theology (New
York: Charles Scribner’s Sons, 1971) 115.
[5]
X. K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive
Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 88.
[6] V. L. Pederson,
“Restoration and Celebration. A Call for Inclusion in Luke 15:1-10,” CurTM 41
(2014) 110–18, 115; “An examination of the contexts shows that the expected
answer in all these cases is “No one,” which, since the question in 15:4 is
asked as a negative (“will he not leave?”), means that any shepherd would leave
the ninety-nine and go find the lost sheep” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 91).
[7] “It is typical
of Luke to match a male example with one involving a woman (d. 1:6-7; 2:36-38;
4:25, 38; 7:11-15, 36-50; 8:1-3, 19-21, 43-56; 10:38-42; 11:27; 13:10-17)” (L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 236).
[8]
M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical
Commentary (ed. J.E.A. Chiu et
al.) (New York – London 2018) 1033.
[9] “In the first century a drachma was about the equivalent of a
denarius, usually one day’s pay for a day worker (see Tob5:14)” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 100).
[10] “Care for one sheep
does not preclude care for all the sheep, and certainly some provision would be
made for the ninety-nine, to leave them either in some enclosure or more likely
with another shepherd” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 93).
[11] “Houses typically were small and, if they had windows, the
windows would be small, so light would be limited. The floors were either
beaten earth or stone. Near Capernaum where basalt stone is plentiful, such
stones were used for some floors. In fact, coins were found by archaeologists
in the cracks of the floor in “Peter’s house” in Capernaum.” [x. S.M. Praeder, The Word in Women’s
Worlds. Four Parables (Wilmington 1988)
41; P. Richardson, Building Jewish in
the Roman East (Waco 2004) 76-81].
[12]
“Three acts describe her unwearied, unstinted
effort to find the lost coin. The darkness of an ancient (probably windowless)
house in Palestine is alluded to” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1081).
[13] “If a woman will search diligently for a lost coin, how much
more will God diligently search for his lost people? The woman corresponds to
God in the analogy, just as other female actions or attitudes are compared to
God’s in the OT”
(K.R. Snodgrass, Stories with Intent,
100).
[14]
“If by the ninety-nine are meant the Scribes and
Pharisees, then the conclusion is ironic—i.e. over ninety-nine allegedly
upright persons. But it may only be a typically Lucan way of exaggerating God’s
joy at a repentant sinner” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1078).
[15] “The primary function of this parable for Jesus was a defense
of his deliberate association with and eating with people known to be sinners” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 96).
No comments:
Post a Comment