Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy
Lạp |
Việt |
1 Ἔλεγεν δὲ καὶ πρὸς τοὺς μαθητάς· ἄνθρωπός τις ἦν πλούσιος ὃς εἶχεν οἰκονόμον, καὶ οὗτος διεβλήθη αὐτῷ ὡς διασκορπίζων τὰ ὑπάρχοντα αὐτοῦ. 2 καὶ φωνήσας αὐτὸν εἶπεν αὐτῷ· τί τοῦτο ἀκούω περὶ σοῦ; ἀπόδος τὸν λόγον τῆς οἰκονομίας σου, οὐ γὰρ δύνῃ ἔτι οἰκονομεῖν. 3 εἶπεν δὲ ἐν ἑαυτῷ ὁ οἰκονόμος· τί ποιήσω, ὅτι ὁ κύριός μου ἀφαιρεῖται τὴν οἰκονομίαν ἀπ᾽ ἐμοῦ; σκάπτειν οὐκ ἰσχύω, ἐπαιτεῖν αἰσχύνομαι. 4 ἔγνων τί ποιήσω, ἵνα ὅταν μετασταθῶ ἐκ τῆς οἰκονομίας δέξωνταί με εἰς τοὺς οἴκους αὐτῶν. 5 καὶ προσκαλεσάμενος ἕνα ἕκαστον τῶν χρεοφειλετῶν τοῦ κυρίου ἑαυτοῦ ἔλεγεν τῷ πρώτῳ· πόσον ὀφείλεις τῷ κυρίῳ μου; 6 ὁ δὲ εἶπεν· ἑκατὸν βάτους ἐλαίου. ὁ δὲ εἶπεν αὐτῷ· δέξαι σου τὰ γράμματα καὶ καθίσας ταχέως γράψον πεντήκοντα. 7 ἔπειτα ἑτέρῳ εἶπεν· σὺ δὲ πόσον ὀφείλεις; ὁ δὲ εἶπεν· ἑκατὸν κόρους σίτου. λέγει αὐτῷ· δέξαι σου τὰ γράμματα καὶ γράψον ὀγδοήκοντα. 8 καὶ ἐπῄνεσεν ὁ κύριος τὸν οἰκονόμον τῆς ἀδικίας ὅτι φρονίμως ἐποίησεν· ὅτι οἱ υἱοὶ τοῦ αἰῶνος τούτου φρονιμώτεροι ὑπὲρ τοὺς υἱοὺς τοῦ φωτὸς εἰς τὴν γενεὰν τὴν ἑαυτῶν εἰσιν. 9 Καὶ ἐγὼ ὑμῖν λέγω, ἑαυτοῖς ποιήσατε φίλους ἐκ τοῦ μαμωνᾶ τῆς ἀδικίας, ἵνα ὅταν ἐκλίπῃ δέξωνται ὑμᾶς εἰς τὰς αἰωνίους σκηνάς. 10 Ὁ πιστὸς ἐν ἐλαχίστῳ καὶ ἐν πολλῷ πιστός ἐστιν, καὶ ὁ ἐν ἐλαχίστῳ ἄδικος καὶ ἐν πολλῷ ἄδικός ἐστιν. 11 εἰ οὖν ἐν τῷ ἀδίκῳ μαμωνᾷ πιστοὶ οὐκ ἐγένεσθε, τὸ ἀληθινὸν τίς ὑμῖν πιστεύσει; 12 καὶ εἰ ἐν τῷ ἀλλοτρίῳ πιστοὶ οὐκ ἐγένεσθε, τὸ ὑμέτερον τίς ὑμῖν δώσει; 13 Οὐδεὶς οἰκέτης δύναται δυσὶν κυρίοις δουλεύειν· ἢ γὰρ τὸν ἕνα μισήσει καὶ τὸν ἕτερον ἀγαπήσει, ἢ ἑνὸς ἀνθέξεται καὶ τοῦ ἑτέρου καταφρονήσει. οὐ δύνασθε θεῷ δουλεύειν καὶ μαμωνᾷ. (Lk. 16:1-13 BGT) |
1 Rồi Người nói cùng các môn đệ: Người đàn ông nọ
giàu có, người có một quản lý, ông được cho biết
là anh ta phân tán tài sản của ông. 2 Sau khi gọi anh này đến, ông nói cùng anh: ‘Ta
nghe điều gì về anh đó? Hãy trả lại công việc quan lý của anh, vì anh không
thể quản lý nữa.’ 3 Người quản lý mới
nghĩ trong chính mình, tôi phải làm gì đây? vì
ông chủ đã lấy công việc quản lý khỏi tôi rồi. Tôi không khỏe đủ để cuốc đất,
xin ăn thì xấu hổ. 4 Tôi biết phải làm gì rồi,
để một khi tôi rút khỏi không việc quản lý, người ta sẽ đón tôi vào nhà của họ. 5 Sau khi gọi từng con nợ của ông chủ đến, anh
nói cùng người thứ nhất: ‘Ông nợ của ông chủ tôi bao nhiêu?’ 6 Ông ta trả lời: ‘Một trăm bình dầu ô-liu.’[1]
Anh ta mới nói cùng ông: ‘Cầm lấy giấy nợ của ông, ngồi xuống mau, viết năm
mươi thôi.’ 7 Rồi, anh nói cùng người khác: “Ông nợ bao
nhiêu?” Ông nói: “Một trăm kopos lúa
miến”.[2]
Anh nói cùng ông: “Cầm giấy nợ của ông, viết tám mươi thôi” 8 Ông chủ khen người quan
lý bất chính, vì anh ta đã hành động khôn
ngoan. Vì con cái của thời này khôn ngoan hơn con cái của ánh sáng,
trong việc đối xử với thế hệ của họ. 9 Thầy nói cùng anh em, hãy tạo nên người thân cho chính mình từ những tài sản bất
chính,[3] để khi hết tiền,
họ sẽ đón rước anh em vào trong những chiếc lều ở
vĩnh cửu” 10 Người trung tín trong
việc nhỏ hơn thì cũng trung
tín trong việc lớn hơn; người bất trung trong việc
nhỏ hơn thì cũng bất trung trong việc lớn hơn. 11 Nếu anh em không
trở nên những người trung tín với của cái bất chính, ai tin tưởng giao tài sản chân thật cho anh em? 12 Nếu anh em không trở
nên những người trung tín với tài sản của
người ta, ai sẽ trao tài sản của anh em cho anh
em? 13 Không ai có thể phục vụ
cho hai ông chủ, vì hoặc nó sẽ ghét người này mà yêu người kia; hoặc sẽ
gắn liền với người này mà khinh chê người kia. Anh em không thể phục vụ cả Tài Sản và
Thiên Chúa. |
Bối Cảnh
Chủ đề liên quan đến giàu có, tài sản, tiền
bạc trong Lc 16,1-10 nối kết chặt chẽ với những đoạn Tin Mừng sau đó. Tiếp sau
đoạn này là nhận xét của tác giả về thói ham mê tài sản của những người Pharisêu
(Lc 16,14) và sau đó ít lâu là dụ ngôn “ông nhà giàu và ông Ladarô nghèo khổ” (Lc 16,19-31), với đoạn kết là số phận trái
ngược của hai người: đau khổ của người giàu và hạnh phúc của ông Ladarô nghèo
khổ. Xa hơn chút nữa là câu chuyện về người thủ lãnh giàu có không thể theo Đức
Giêsu vì ông ta rất giàu (Lc 18,18-23) và kết luận của Đức Giêsu về sự thật phũ
phàng “người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,24-25). Câu chuyện hoán cải
của ông Dakêu (19,1-10), trong đó ông đã hứa “bán nửa tài sản và cho người
nghèo khổ” cũng như “sẵn sàng bồi thường gấp bốn nếu ông có chiếm đoạt của ai”,
cũng không nằm ngoài chủ đề “phục vụ Thiên Chúa-Phục vụ Mammonas”. Lời mời gọi
từ bỏ hết những gì mình có, để trở nên môn đệ của Đức Giêsu trong đoạn văn trước
đó (Lc 14,28-33) cũng liên kết chặt chẽ với chủ đề này. Sự phung phí tài sản của
người quản lý gợi nhớ đến sự phung phí tài sản của người con thứ, trong dụ ngôn
“người cha nhân hậu” ngay trước đó (15,11-32). Điều đáng chú ý là hầu hết
chương 16 được sắp xếp theo chủ đề và liên quan đến tiền, một trong những mối
quan tâm mạnh nhất của tác giả Luca trong cả Tin Mừng và Công Vụ.[4]
Những khái niệm như “quản lý”, “trung tín” “khôn ngoan” gợi nhớ đến dụ ngôn nói
về tỉnh thức trong đó người quản gia trung tín, khôn ngoan luôn luôn chăm sóc
và phân phát thức ăn cho gia nhân đúng kỳ hạn (x. Lc 12,41-46). Khái niệm “lều ở
vĩnh cửu” là hình ảnh hạnh phúc cánh chung liên kết với hình ảnh những người đi
vào qua cửa hẹp, và nhiều người phải ở ngoài khi chủ nhà trỗi dậy và khóa cửa lại
(x. Lc 13,22-27).
Cấu trúc
Một số điểm chú giải
1.
Có một
quản lý… bất chính … khôn ngoan: Danh xưng người quản lý (οἰκονόμος: oikonomos) được ghép bởi hai danh từ
“oikos” (ngôi nhà) và “nomos” (luật, nguyên tắc), có thể được hiểu là người thừa
hành quản lý những việc trong nhà thay ông chủ, đặc biệt khi ông chủ vắng nhà,
cũng có thể gọi là quản lý nhà, quản gia.[5]
Đức Giêsu nói đến một người “quản lý trung tín khôn ngoan” (ὁ πιστὸς οἰκονόμος ὁ φρόνιμος). Công việc của người
này là “phân phát thức ăn lương bổng” cho các đầy tớ trong nhà đúng kỳ hạn (Lc
12,42). Nếu làm tốt công việc này, anh có thể được ông chủ giao nhiều quyền
hơn: Trông coi tất cả tài sản của ông chủ (Lc 12,44). Trong dụ ngôn này, đầu
tiên người này được mô tả như là người làm thất thoát, phung phí (διασκορπίζων)
tài sản của ông chủ. Nghĩa là, ông đã không sử dụng tài sản mà ông chủ giao cho
một cách đúng đắn. Chính vì vậy, ông chủ có ý định sa thải anh. Sau khi anh cho
gọi từng con nợ của chủ đến để giảm nợ, người thì năm mươi phần trăm, người thì
hai mươi phần trăm, anh ta được Đức Giêsu gọi là người “người quản lý bất
chính” (τὸν οἰκονόμον τῆς ἀδικίας), chứ không phải là ông chủ. Sự bất chính của anh ta có thể
biểu hiện từ hai việc: (i) phung phí tài sản của ông chủ (động từ phung phí giống
với động từ dùng cho người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, x. Lc
15,13), và (ii) tự ý giảm nợ cho nhiều con nợ của ông chủ; hoặc là tổng hợp cả
hai hành động này.[6]
Nói chung, cả hai hành động đều mang đến sự thiệt hại tài chính của ông chủ.
Qua lời khen của ông chủ, độc giả có thể khám phá ra có một loại quản lý đặc biệt
“quản lý bất chính khôn ngoan” khác với “quản lý trung tín khôn ngoan” mà Đức Giêsu
đã nói trước đó (Lc 12,42). Ông ta, bất chính trong cách sử dụng tài sản của
ông chủ, nhưng lại khôn ngoan trong cách lấy lòng người khác để tạo mối tương
quan tốt. Ông chủ chỉ khen về sự khôn ngoan, khéo léo của anh và lơ đi sự thiệt
hại anh ta gây ra, khi giảm nhiều nợ cho các con nợ của ông.[7]
Nếu không xét về mặt đạo đức, chỉ xét về tài xoay xở quan lý, thì anh này quả
là tài giỏi.[8] Có
thể nói mục đích của ông này khá tốt, vì vừa có thể làm vui lòng những con nợ
đau khổ, vừa tạo dựng được hình ảnh vị ân nhân trong lòng họ. Tuy vậy, cách làm
của ông là “bất chính” về mặt đạo đức. Dường như đây không phải là mẫu người lý
tưởng mà Đức Giêsu muốn các môn đệ học theo. Mẫu người quản lý theo Đức Giêsu
phải là người trung thành và khôn ngoan.
2.
Tôi
phải làm gì đây … Tôi biết phải làm gì rồi… hành động khôn ngoan: Câu hỏi
và tự trả lời, vấn nạn và giải pháp. Người quản gia có giải pháp cho riêng
mình. Tượng trưng cho việc ông làm là gọi từng con nợ đến để tha nợ cho họ. Ông
đã giúp họ tạo hóa đơn giả nhằm giảm bớt số nợ cho họ. Dụ ngôn chỉ nêu lên tình
huống của hai con nợ tượng trưng. Thực tế, có thể người quản gia này còn gọi
nhiều người hơn nữa, và giảm nợ nhiều hơn nữa. Cách hành động này được ông chủ
khen là khôn ngoan.[9]
Khôn ngoan vì anh đã xử lý tình huống một cách tốt nhất để giải thoát chính
mình. Không những giải quyết được vấn đề của mình mà ông còn được tiếng tốt, được
họ chào đón vào nhà của họ như là một ân nhân.
3.
Người
ta sẽ đón tôi vào nhà của họ … lều ở vĩnh cửu: Mục đích của anh là quá rõ
ràng. Đây không phải là vì lòng trắc ẩn, cảm thông trước khó khăn, nghèo nàn của
các con nợ mà vì muốn mua chuộc lòng họ. Những con nợ này không có tiền, nhưng
lòng biết ơn thì họ có thừa. Người quản lý biết rõ điều đó, nên đã toan tính
cách có lợi nhất cho mình. Tương tự, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy “hãy tạo
ra những người thân” để khi cạn tiền thì còn tình, những người thân sẽ đón rước
mình vào “chiếc lều vĩnh cửu”. Hình ảnh “cái lều” nghe có vẻ là tầm thường và bấp
bênh. Xuất phát từ văn hóa du mục ở vùng Cận Đông ngày xưa. Các gia đình du mục
thường xuyên sống trong những căn lều tạm bợ. Thiên Chúa của những người du mục
cũng du mục với dân và cũng ở trong những căn lều như thế. “Lều Hội Ngộ” [אֹ֣הֶל מוֹעֵדָ] (σκηνή τοῦ μαρτυρίου) là thuật ngữ diễn tả nơi ở đặc biệt của Thiên Chúa giữa dân Giao Ước trong suốt bốn mươi năm lang thang trong sa mạc (Xh 27,21; 28,43; 29,10.11.30…). Mọi sinh hoạt tôn giáo của dân
Giao Ước đều xảy ra xung quanh chiếc Lều Hội Ngộ này. Như thế, chiếc lều là nơi
Thiên Chúa ngự giữa dân Người. Như tác giả Tin Mừng thứ tư diễn tả “Lời đã làm
người và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14). “Lều ở vĩnh cửu” là cách nói cánh
chung,[10]
diễn tả một nơi ở vĩnh cửu với Chúa trên quê trời, với Chúa. Tác giả Thánh Vịnh
đề cập đến ước ao được ở trong lều vĩnh viễn: “Hãy để con được cư ngụ trong lều
của Ngài vĩnh cửu” (Tv 61,4). “Khi hết tài sản” có thể là thời điểm, mà người
ta đã tiêu xài hết những gì mình có vào việc giúp đỡ người nghèo và công ích,
không còn tài sản để phụ thuộc vào nữa. Có thể hiểu rộng ra, “khi hết tiền”
cũng có thể được hiểu rộng ra là “cái chết hay sự tận cùng của thời gian, nghĩa
là khi sự giàu có vật chết của thế gian qua đi, khi những sở hữu của thế gian
này kết thúc”, không còn giá trị nữa.[11]
4. Con cái của thời này … con cái của ánh sáng: “Con cái thời này” trước hết là người quản lý trong câu chuyện và “những người cùng thế hệ” là những “con nợ” của ông chủ. “Con cái thời này” có thể được hiểu rộng ra cho tất những người thuộc thời Đức Giêsu, thậm chí cho bao quát hết tất cả những ai sống trên thế gian này qua mọi thời đại, đối lại với những người thuộc thời cánh chung, hay thời kế tiếp, thời con người được phục sinh. Khi trả lời cho câu hỏi hóc búa của những người Xađốc về tình huống giả sử một người lấy bảy anh em làm chồng, thì khi sống lại, người này sẽ là vợ của ai, Đức Giêsu đã nói: “Con cái thời này cưới vợ, lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng đi đến thời ấy, và được sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng không lấy chồng (Lc 20,34). Cụm giới từ chỉ thời gian “thời này” (ἐν τῷ καιρῷ τούτω) được hiểu đối lại với “thời sẽ đến” (ἐν τῷ αἰῶνι τῷ ἐρχομένῳ): “Thầy bảo thật anh em, không có ai đã bỏ nhà cửa, hay sự sống, anh em hay cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, sẽ không lãnh nhận được nhiều lần hơn trong thời này và sự sống đời đời ở thời sẽ đến” (Lc 18,30). Ở đây, con cái đời này đối lại với con cái ánh sáng. “Con cái ánh sáng” có thể là những người đứng về phía Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, các môn đệ Kitô hữu. Đức Giêsu được gọi là “ánh sáng mặc khải cho dân ngoại” (Lc 2,32). Đức Giêsu nhiều lần tự giới thiệu mình là “ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,5; 12,46). Các môn đệ cũng được Đức Giêsu mời gọi trở thành “ánh sáng cho trần gian” qua lối sống theo Đức Giêsu (Mt 5,14). Người cũng mời gọi họ “hãy tin vào ánh sáng, để anh em có thể trở thành những người con của ánh sáng” (Ga 12,36). Tác giả thư 1 Tx thừa nhận rằng “tất cả chúng ta là những người con của ánh sáng, con cái của ban ngày, chúng ta không thuộc về đêm hay thuộc về sự tối tăm” (1 Tx 5,5; Cf. Ep 5,8;). Các tông đồ được Chúa “đặt làm ánh sáng cho muôn dân” để mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất (Cv 13,47). Đức Giêsu phục sinh xuất hiện với ông Phaolô dưới hiện tượng “ánh sáng chói loà” (Cv 9,3; Cv 22,6.9.11; 26,13). Có lẽ Đức Giêsu mong đợi “con cái ánh sáng”, những người theo Người hãy tận dụng cơ hội, mưu trí trong việc “tạo ra những người thân”, làm ánh sáng cho muôn dân, như Người mời gọi ngay sau đó.[12]
Người quản lý, con cái đời này đã biết cách xử lý tình huống để mang lại lợi ích tốt nhất cho cuộc sống đời này, trong khi đó, con cái ánh sáng vẫn chưa biết cách sống khôn ngoan để thừa hưởng cuộc sống mai sau.[13]
5. Tạo nên người thân: Sau dụ ngôn người quản gia bất chính, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “hãy làm nên những người thân”. Danh từ “φίλους” thường được các dịch giả hiểu là “những người bạn” (friends: ESV, NRS; Amis: TOB; Amicos: VUL; Amici: CEI; Bạn bè: CGKPV), riêng bản dịch tiếng việt của tác giả Nguyễn Thế Thuấn hiểu là “thân nghĩa”. Cách hiểu này xem ra hợp lý hơn, vì “φίλους” có thể hiểu là “người yêu, người thương”, những người thân thương đặc biệt giữa các thành viên trong gia đình Thiên Chúa, không dựa trên huyết tộc trần gian. Những người này không chỉ là “bạn bè” bình thường, mà là những người sẵn sàng đón tiếp người quản lý vào ở trong nhà mình, cũng như “những người thân” sẵn sàng đón tiếp người “làm người thân” với họ, vào ngôi lều vĩnh cửu. Người Việt Nam thường dùng câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, để diễn tả sự cần thiết của mối tương quan hàng xóm trong văn hóa Việt Nam, đôi khi còn cần thiết hơn tương quan với anh em ruột thịt ở xa. Tác giả J. Green trưng dẫn một thực tế bối cảnh văn hóa thời Hy Lạp – Rôma giúp hiểu cách nói “làm bạn”, theo đó tình bạn và những xem xé tình hìnht kinh tế không tách rời nhau. Những người bạn trong thế giới Rôma cổ đại có thể là ở mức “siêu”, “tương đối”, “thấp hơn” tùy theo nguồn lực kinh tế tương ứng của họ… sử dụng tiền để làm bạn đơn giản đề cập đến thực tế xã hội: sự trao đổi tiền bạc tạo nên và duy trì hay làm vững chắc mọi hình thức tình bạn”.[14]
6. Tài sản bất chính: Đức Giêsu dạy phải dùng “tài sản bất chính” để “tạo ra những người thân”. Nếu xét trên nguyên tắc luân lý cơ bản “mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu”, thì cách nói của Đức Giêsu gây ra ít nhiều bối rối. Mục đích “tạo ra những người thân” là chính đáng và cần thiết, nhưng nếu dùng “tiền của bất chính” để đạt được mục đích ấy thì xem ra khó chấp nhận được. Giống như cách người quản lý đã làm: Dùng khoản người ta nợ ông chủ để mua lấy lòng những con nợ, tạo ra “những người thân” có thể đón tiếp mình. Như thế, phải hiểu thế nào về khái niệm “tiền của bất chính”? Có thể Đức Giêsu không muốn nói đến một loại tiền của cụ thể được kiếm bằng cách thức không ngay chính, hay người ta thường gọi là tiền không sạch (cần phải rửa tiền mới xài được). Người chỉ muốn nói đến đặc tính xấu xa của tiền của nói chung. Tác giả L. Johnson đề xuất hai lối giải thích về sự xấu xa của tiền của nói chung trong bối cảnh này: (i) Lối dùng tiền của người quản lý hay (ii) Khả năng tiền của trở thành một ngẫu tượng thờ cúng trong 16,13. Trong các bản văn của cộng đoàn Qumran, người ta tìm thấy những khái niệm tương tự như “sự giàu bạo lực” (1 QS 10,19) và “sự giàu có xấu xa” (CD 6,15). Tác giả, J. Fitzmyer nghĩ rằng nên hiểu cụm từ “tiền của bất chính” như là “tiền của dẫn đến sự bất chính”, nhấn mạnh khuynh hướng hay cám dỗ xấu xa của tiền của, biến những ai theo đuổi nó thành nô lệ và dẫn đến những hình thức bất chính.[15] Đức Giêsu luôn cảnh báo rất mạnh về tác hại nguy hiểm của sự giàu có khi Người thừa nhận: Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa, thậm chí khó hơn việc con lạc đà chui lọt qua lỗ kim (x. Lc 18,25; Mc 10,25; Mt 19,24). Thậm chí, Người còn xem giàu có hiện thời như là một bất hạnh: “Khốn khổ cho anh em là những người giàu, vì anh em đã nhận được phần an ủi rồi” (Lc 6,24). Đặc tính xấu xa của tiền bạc có thể tìm thấy nơi dụ ngôn "người cha nhân hậu", khi nó làm băng hoại tư cách đạo đức của người con thứ, làm cho anh thành thân tàn ma dại (Lc 15,11-32); Trong dụ ngôn "người phú hộ giàu cô và anh La-da-rô nghèo khó, khi nó khiến ông nhà giàu vô tâm hưởng thụ mà quên đi người ngheo đói trước cửa nhà mình (Lc 16,19-31); nơi dụ ngôn người đàn ông có ruộng vườn sinh nhiều hoa lợi và ông cảm thấy an tâm ăn xài nhiều năm mà quên đi người ta sẽ đòi mạng sống của ông ngay đêm hôm ấy (Lc 12,16-21). Dùng tài sản bất chính để “tạo ra những người thân” có thể hiểu theo hai hướng: (i) Thực hành cho đi mà không mong đền trả (Lc 6,32-35); (ii) Cho những người mà không có khả năng cho lại mình: Phân phát từ thiện, làm phúc cho người nghèo khổ, túng thiếu.[16] Các môn đệ được mời gọi tránh lối sống của ông nhà giàu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô” (Lc 16,19-31) hay chọn lựa không theo Chúa của người thủ lãnh giàu có (18,18-23). Trái lại, hãy xem ông Dakêu (19,1-10) là một mẫu gương của việc sử dụng tài sản bất chính để đạt ơn cứu độ.
7. Người trung tín … người bất trung… những việc nhỏ … những việc lớn: Đức Giêsu chuyển qua nói đến hai đặc tính luân lý trái ngược của một con người chung chung: Trung tín và bất trung. Những người trung tín trong điều nhỏ hơn thì trung tín trong điều lớn hơn; ngược lại, những người bất trung trong điều nhỏ, cũng bất trung trong điều lớn. Dường như Đức Giêsu muốn ngụ ý rằng, người bất trung thì dù nơi điều nhỏ hơn hay điều lớn hơn điều bất trung. Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của một con người không thay đổi. Người có bản chất trung tín thì luôn trung tín trong mọi việc từ nhỏ đến lớn và ngược lại. Chuyện nhỏ ở đây có thể là cách dùng tiền của và chuyện lớn hơn có thể là cách thức đáp trả lời mời gọi của Chúa.[17] Trong dụ ngôn “mười nén bạc”, “việc nhỏ” được hiểu như là thành quả làm việc sinh lợi với nén bạc ông chủ trao cho: “Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, hãy cai trị mười thành” (Lc 19,17).
8. Người trung tín với tài sản bất chính … tài sản chân thật: Câu hỏi ngụ ý rằng người không trung tín với tài sản bất chính, thì sẽ không được tín thác tài sản chân thật. Tài sản chân thật (“τὸ ἀληθινὸν”) đối lại với tài sản bất chính (τῷ ἀδίκῳ
μαμωνᾷ). Mục đích là được trao phó tài sản chân thật. “Tài sản bất chính” như đã nói trên, là “tài sản” làm cho con người có nguy cơ sống không công chính. “Tài sản chân thật” có thể là “kho tàng trên trời” được mua lấy bằng cách bán đi tài sản mà phân phát từ thiện (Lc 12,33). Đó cũng có thể là “sở hữu sự sống đời đời” (Lc 10,25; 18,18).[18] Trung tín trong việc sử dụng “tài sản bất chính” nghĩa là biết dùng tiền của, vật chất đời này để “tạo ra những người thân”, như đã nói trên, và cuối cùng, được cùng với những người thân sum họp trong “chiếc lều vĩnh cửu” trên trời.
9.
Người
trung tín với tài sản người ta… tài sản của anh em: Tiếp tục với đề tài
trung tín với tài sản. Danh từ “tài sản” (mammonas) không được nhắc lại ở 9,12.
Đức Giêsu chỉ dùng một tính từ làm danh từ với mạo từ xác định “cái của người
khác” (τῷ ἀλλοτρίῳ).
Cách dùng tương tự, đối lại với “cái của người khác” là “cái của anh em” (τὸ ὑμέτερον).
Trong mạch văn nói về sự trung tín với “tài sản”, và tính từ trung tín (πιστός) được dùng nối tiếp với cả câu trước và câu sau, có thể hiểu “cái của người
khác” và “cái của anh em” như là “tài sản của người khác” và “tài sản của anh em”.
Tác giả Fitzmyer đưa ra cách giải thích cụm từ “cái của anh em” như sau: “Cái của anh em” có thể hiểu là điều mà một người được thừa kế. Danh ngữ đó cũng có thể được hiểu là sự trái ngược giữa tài sản vật chất, nay còn mai mất, vốn không thuộc sở hữu của con người và phần thưởng mà Chúa ban (Lc 6,23; Mt 5,12), vốn thuộc về con người mãi mãi.[19] Cách cư xử của người quản gia trong dụ ngôn có thể được hiểu theo hai chiều hướng: Anh vừa trung tín với “tải sản của người khác” vừa “không trung tín”. Người quản lý trung tín với “tài sản của người khác” khi anh phung phí tài sản của ông chủ và tiếp tục tự ý giảm nợ cho các cơn nợ. Anh trung tín với “tài sản của người khác” (hiểu như là tài sản vật chất chóng
qua), để tạo lập tình thân với các con nợ, qua đó được họ đón rước vào nhà. Đức Giêsu đặt giả định bằng mệnh đề “nếu”: Nếu anh em không là người trung tín với “tài sản của người khác” thì ai có thể tín thác “tải sản của anh em cho anh em”. Có nghĩa là chỉ khi nào người ta trung tín với tài sản vật chất dưới đất hiện thờ, thì người ta mới được tín thác tài sản thiêng liêng trên trời trong tương lai.
10. Không thể phục vụ hai ông chủ: Mammon và Thiên Chúa: Từ vai trò người sử dụng tài sản, Đức Giêsu bỗng nhiên chuyển sang vai trò làm tôi tớ, làm người phục vụ.[20]
Đức Giêsu quay trở lại vai trò chính yếu của người quản gia trong nhà của ông chủ. Vai trò người quản gia, vốn là một người nô lệ[21] trong gia đình những ông chủ giàu có, là nhằm phục vụ ông chủ, chứ không phải phục vụ tiền của. Tiền của từ địa vị vật dụng bỗng được nhân cách hóa thành ông chủ và được đặt ngang hàng với Thiên Chúa. Rõ ràng, đã có một sự rối loạn về đánh giá tiền của và Thiên Chúa. Danh từ “mammon” (μαμωνᾶς) được sử dụng ba lần trong đoạn văn này. Hai lần danh từ này đi kèm với tính từ, và danh từ bất chính (16,9: τοῦ
μαμωνᾶ τῆς ἀδικίας; 16,11: τῷ ἀδίκῳ μαμωνᾷ). Lần thứ ba danh từ này được nhân cách hóa thành ông chủ, trở thành đối tượng được người khác phục dịch. Nó được đặt ngang hàng với Thiên Chúa, Đấng mà người ta phải phục vụ. Chính vì thế, danh xưng này nên được hiểu là thần Mammonas (viết hoa). Ở trong văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam, có lẽ bắt nguồn từ Trung Quốc, có thờ ông “Thần Tài”, vị thần mà những người thờ ông, tin rằng ông có khả năng mang lại tài lộc cho họ. Hình ảnh đó giúp người ta liên tưởng đến thần “Mammonas” trong bản văn này. Mammonas vốn không phải là một vị thần. Nó chỉ là khối vật chất, nhưng nhiều người đã yêu mến, tôn sùng nó như một vị thần, có thể vì họ cảm thấy nó mang lại nhiều lợi lộc trần thế cho họ. Francis Bacon, một triết gia người Anh (1561 – 1626) đã từng nói rằng: “Tiền là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu” (« Money is a great servant but a bad master »). Tuy triết gia không đá động gì đến Thiên Chúa, nhưng quan điểm của ông không khác gì của Đức Giêsu, tiền chỉ nên là đầy tớ, không nên là ông chủ. Lý do Đức Giêsu đưa ra cho việc người ta không thể phục vụ cả hai ông chủ cùng một lúc được là vì “hoặc sẽ yêu ông chủ này và ghét ông chủ kia, hoặc tận tâm với ông chủ này mà khinh thường ông chủ kia”.
Bình luận tổng quát
Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu
tiếp tục giảng dạy các môn đệ về những giá trị Tin Mừng quan trọng cần thiết
cho ơn cứu độ và sự sống đời đời. Sau khi mời gọi những người Kinh Sư và những
người Pharisêu chung vui với những người anh chị em hoán cải trở về với Chúa
(Lc 15,1-32), Đức Giêsu quay qua các môn đệ với bài giảng cách thức làm thế nào
để thoát khỏi thói ham mê tiền bạc của những người Pharisêu, cũng như những người
đương thời cách tốt nhất (Lc 16,1-13). Mục tiêu của các môn đệ là được chào đón
vào ở trong “chiếc lều vĩnh cửu”. Là môn đệ của Đức Giêsu, Đấng là “ánh sáng thế
gian, các môn đệ được mệnh danh là con cái của ánh sáng, và được mời gọi làm
“ánh sáng cho muôn dân”. Tuy nhiên, những người con cái của ánh sáng này nhiều
khi chưa khôn ngoan, sáng suốt đủ như con cái của thời này, để thành công trên
con đường đi vào “nơi ở vĩnh cửu”. Dụ ngôn người quản gia bất chính (bất trung)
kết thúc bằng việc ông chủ khen anh khôn ngoan, vì anh đã biết cách xử lý tình
huống khủng hoảng một cách tốt đẹp. Anh có thể bị mất việc, vì đã phung phí tài
sản của ông chủ, nhưng anh vẫn có thể sống tốt và thậm chí là có thể sống nhàn
hạ hơn, hạnh phúc hơn, vì anh đã tha những khoản nợ rất lớn cho các con nợ của
ông chủ. Cách làm ấy có thể là bất chính, vì anh đã sử dụng tài sản không phải
của mình, nhưng xét về cách thức xoay sở, ứng biến của người quản lý, thì anh
quả là khôn ngoan. Nhờ cách xử lý đó, dù anh được gọi là bất chính, nhưng lại
trở thành ân nhân của nhiều người, được người ta yêu thương, đón tiếp nồng hậu
và thậm chí ông chủ cũng nể phục kỹ năng quản lý của anh. Đường vào Nước Trời, vào nơi ở vĩnh cửu của
con cái ánh sáng không thể thiếu sự chào đón của những người thân và chính
Chúa. Chính vì thế, họ được mời gọi phục vụ một mình Thiên Chúa mà thôi. Muốn
chuyên tâm phục vụ một mình Thiên Chúa, những người con của ánh sáng phải từ bỏ
Mammonas. Mammonas được mệnh danh “tài sản bất chính”, bởi vì đặc tính phá hủy
của nó. Nó có thể làm cho người ta băng hoại về mặt đạo đức khi làm mọi cách để
trở nên giàu có và khi họ dùng nó vào những thú vui hưởng thụ không lành mạnh.
Nó cũng có thể khiến người ta thành những đầy tớ tôn sùng nó như thần tượng và
quên đi Thiên Chúa. Những người con của ánh sáng sẽ thoát khỏi được sự phá hủy
của nó, khi họ biết nghe theo lời khuyên của Đức Giêsu, dùng tất cả tài sản của
mình để nối kết tình thân với nhiều người. Mammonas rất hữu ích nếu nó được
dùng cho công ích, dân sinh, giúp đỡ những người nghèo đói, túng thiếu. Tạo ra
được nhiều người thân bằng tiền bạc là cách người ta xóa bỏ được ranh giới giữa
giàu, nghèo trong xã hội một cách hữu hiệu và gầy dựng một bầu khí yêu thương,
yên bình. Ngược lại, tôn sùng của cải có thể làm cho người ta dư đầy, sung túc,
sướng vui về thể xác nhưng sẽ có nguy cơ hạn chế tình thân và thậm chí mất đi
cơ hội vào “chiếc lều vĩnh cửu” vì đã được “phần an ủi rồi” (Lc 6,24).
Ngày 19-21/11/2020 giữa lúc thế giới đang
phong tỏa khắp nơi vì đại dịch Covid, tại thành Assisi, quê hương của thánh Phanxicô
Assisi một sự kiện quốc tế đặc biệt được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của
hơn 2000 doanh nhân và sinh viên dưới 35 tuổi trên toàn thế giới. Sự kiện đặc
biệt này mang tên “Nền Kinh Tế Phanxicô”. Đức giáo hoàng Phanxicô muốn các
doanh nhân trẻ suy nghĩ về một nền kinh tế theo công thức: Kinh tế + Tình huynh
đệ × Phát triển = Tương
Lai. Ý tưởng về nền kinh tế này được Đức cha Domenico Sorrentino của Assisi nhấn
mạnh: “Thánh Phanxicô đã hiểu rằng tiền bạc chỉ là một công cụ. Như vậy, nó được
phục vụ cho việc xây dựng một nền kinh tế tốt đẹp, giàu ý nghĩa và quà tặng,
không loại trừ ai, nó phải hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và đặc biệt
là người bần cùng nhất”. Đức giáo hoàng diễn giải về nền kinh tế do ngài đề xuất
rằng: “Các doanh nhân trẻ phải là những động cơ của sự thay đổi, nhắm đến mục
đích kiến tạo bằng những phương thức khác nhau để hiểu về nền kinh tế và sự tiến
bộ, để bài trừ nền văn hóa loại trừ, để mang lại tiếng nói cho những người không
có tiếng nói, để đề ra những lối sống mới. Bao lâu chế độ kinh tế và xã hội của
chúng ta chỉ tạo nên nạn nhân, dù một người bị loại trừ mà thôi, thì sẽ không
có lễ hội huynh đệ đại đồng”. Nữ tu A. Smerilli, Tổng thư ký Bộ phát triển nhân
bản toàn diện, trong buổi họp báo giới thiệu về kỳ họp mặt về “nền Kinh Tế Phanxicô”
năm nay (22-24/09/2022) đã diễn tả “Nền Kinh Tế Phanxicô là nối kết lời ngôn sứ
của cả hai thông điệp của Đức giáo hoàng Phanxicô: “Laudato Sì” và “Fratelli
Tutti”, can đảm chạm đến, ôm lấy sự thanh bần của thánh Phanxicô Assisi.[22] Đức
giáo hoàng là một vị ngôn sứ của thời đại. Ngài đang muốn hiện thực hóa những
giá trị Tin Mừng của Đức Giêsu về cách thức sử dụng tài sản, của cải của con
cái Chúa trên hành trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Thiên Đàng, nơi ở vĩnh cửu
phải là nơi có Chúa và có những người thân. Khái niệm “những người thân” không
giới hạn không gian, hay huyết thống, nhưng mở rộng ra cho những người luôn biết
quan tâm san sẻ yêu thương với người khác trong đời sống thương ngày.
Lm.
Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “Một trăm
patos dầu ô-liu tương đương với khoảng 800 hay 900 gallons, sản lượng của khoảng
150 cây dầu ô-liu và tương đương với lương 3 năm của một người lao động bình
thường” [K.R. Snodgrass, Stories with
Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018)
315].
[2] 100 korpos lúa miến có thể là khoảng 1.100 dạ, có thể
đủ nuôi 150 người trong một năm sản phẩm của 100 mẫu bằng 7,5 năm lương của một
người làm động bình thường [x.Douglas E. Oakman,
“Jesus and Agrarian Palestine: The Factor of Debt,” in Society of Biblical Literature 1985 Seminar Papers (ed.
Kent Harold Richards) (Atlanta, 1985) 71; James Breech, The Silence of Jesus (Philadelphia:
Fortress, 1983) 107-108; andJeremias, The
Parables of Jesus, 181].
[3] “A few scholars have suggested that ek in v. 9 does not
mean “make friends from unrighteous mammon,”
but, in keeping with
the Aramaic word min, “make friends apart
from (or without)
unrighteous mammon” [J.C. Wansey, “The Parable of the Unjust
Steward: An Interpretation,” ExpTim 47
(1935-36) 39-40].
[4]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 314.
[5] He was often himself a slave (cf. 12:42) who managed
the household for a "master" (kyrios) or "master of the
household" (oikodespotls) [L.T.
Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegevile 1991) 243].
[6] “it is his actions in vv. 5-7 that qualify him for this
label, not his squandering of goods in v. 1. Given the very large amounts of
the reductions (three years’ wages), if the steward had been taking in such
amounts as his own, he would hardly be in an immediate crisis, and further, in
v. 5 the amounts are clearly owed to the master” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 318-319).
[7]
“The master commends the manager for his shrewdness, while the narrator of the
parable, Jesus, identifies the manager as “dishonest.” That is, the master does
not commend his manager for his dishonesty, but for his prudence in business
affairs” [J.B. Green, The Gospel of Luke
(NICNT; Grands Rapids 1997) 593].
[8] “The manager is praised for having the qualities of a
manager! He responded to a crisis appropriately to his circumstances. It is
this quality of responsiveness rather than the possible morality of the action
that is the object of praise” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 245).
[9]
“This is by far the most difficult question. The text gives
us no clues. Only two options exist: the steward is praised because he did
something either just and effective or unjust but
effective” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 321).
[10]
“It clearly has an eschatological connotation” [J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction,
translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A,
1110].
[11]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 322.
[12]
“Christians can learn something from the prudence of such people” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1106).
[13]
K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 322.
[14]
J.B. Green, The Gospel of Luke,
593-594.
[15]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1109.
[16]
“In itself, the saying does not go into detail. It could be almsgiving, which
would fit into a Lucan theme in the Gospel” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1107); J.B. Green, The Gospel of Luke,
594.
[17] “The implied contrast is between the lesser thing which is
the use of money and the greater thing which is the response to God” (L.T. Johnson, The Gospel of
Luke, 246).
[18] “True wealth, which obviously points to eternal possessions
not belonging to this world” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 322).
[19]
J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1110.
[20]
“it fits well into his own treatment of the ideal Christian attitude toward
material possessions” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1107).
[21]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke,
243.
No comments:
Post a Comment