Thursday, 11 August 2022

BÌNH AN VÀ CHIA RẼ. Chú Giải Tin Mừng CN XX TN C (Lc 12,49-53)

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

49 Πῦρ ἦλθον βαλεῖν ἐπὶ τὴν γῆν, καὶ τί θέλω εἰ ἤδη ἀνήφθη.

 50 βάπτισμα δὲ ἔχω βαπτισθῆναι, καὶ πῶς συνέχομαι ἕως ὅτου τελεσθῇ.

 51 δοκεῖτε ὅτι εἰρήνην παρεγενόμην δοῦναι ἐν τῇ γῇ; οὐχί, λέγω ὑμῖν, ἀλλ᾽ ἢ διαμερισμόν.

 52  ἔσονται γὰρ ἀπὸ τοῦ νῦν πέντε ἐν ἑνὶ οἴκῳ διαμεμερισμένοι, τρεῖς ἐπὶ δυσὶν καὶ δύο ἐπὶ τρισίν,

 53 διαμερισθήσονται πατὴρ ἐπὶ υἱῷ καὶ υἱὸς ἐπὶ πατρί, μήτηρ ἐπὶ τὴν θυγατέρα καὶ θυγάτηρ ἐπὶ τὴν μητέρα, πενθερὰ ἐπὶ τὴν νύμφην αὐτῆς καὶ νύμφη ἐπὶ τὴν πενθεράν.

 (Lk. 12:49-53 BGT)

49 Thầy đã đến để ném lửa trên mặt đất và Thầy ước muốn sao cho lửa ấy đã bừng cháy lên rồi.

50 Nhưng Thầy có một phép rửa để chịu và Thầy đau khổ biết bao cho đến khi nó được hoàn tất.

51 Các con nghĩ rằng Thầy đã đến để ban tặng bình an cho trên trái đất sao? Không phải, Thầy bảo các con, nhưng là sự phân chia.

52 Vì từ bây giờ, sự chia rẽ sẽ xảy ra giữa năm người trong cùng một gia đình, ba chống lại hai, hai chống lại ba.

53 Họ sẽ bị chia rẽ, cha chống lại con trai, con trai chống lại cha, mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại con dâu, con dâu chống lại mẹ chồng.

Bối Cảnh

Lc 12,49-53 được trích ra từ loạt những trình thuật về sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu trên hành trình lên Giêrusalem (9,51 – 19,27). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn Lc 12,49-53 tiếp nối ngay sau đoạn văn nói về chủ đề xét xử và trừng phạt của thời cánh chung: “Đầy tớ nào biết ý của ông chủ mà không sẵn sàng hay không làm theo ý ông thì sẽ bị đánh đòn nhiều, còn người không biết mà làm điều đáng trách phạt thì bị đánh đòn ít hơn” (Lc 12,47-48). Tiếp theo ngay sau đoạn văn này cũng là một đoạn văn diễn tả sự phán xét và hình phạt: “Anh sẽ không ra khỏi đó [ngục] trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Lc 13,59). Lc 12,49-53 đề cập đến lửa có thể là lửa thanh luyện và xét xử, đã được nói đến trong lời rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả ở những trang đầu của Tin Mừng: “Cây rìu đã nằm dưới gốc cây, bất cứ cây nào không sinh hoa trái thì phải được chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9; Cf. 3,17). Lửa cũng là phương tiện mà hai môn đệ Gioan-Giacôbê muốn dùng để tiêu diệt những người làng Samari không tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ (Lc 9,54). Đề tài xung đột, bất hòa giữa những người thân trong gia đình, gợi nhớ đến những lời cảnh báo mãnh liệt về chọn lựa của người môn đệ. Nhiều lúc họ phải bỏ cả gia đình, người thân để đi theo Chúa. Chủ đề “phép rửa”, hiểu theo nghĩa ẩn dụ, nối kết chặt chẽ với những lời tiền báo liên quan đến cuộc xuất hành mà Người phải hoàn tất tại Giêrusalem (Lc 9,31; Cf. 9,22; 9,43b-45; 18,31-34).

  Cấu Trúc

Ném lửa vào mặt đất

Ước muốn cho lửa bùng cháy (49)

Phép rửa phải chịu

Khát mong nó được hoàn tất (50)

Không phải ban bình an

Nhưng là sự phân chia (51)

Sự phân chia trong gia đình (52-53)

ba chống lại hai, hai chống lại ba

cha chống lại con trai, con trai chống lại cha,

mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ,

mẹ chồng chống lại con dâu, con dâu chống lại mẹ chồng.

Một số điểm chú giải

1.     Ném lửa trên mặt đất: Lửa có nhiều ý nghĩa ẩn dụ khác nhau trong các sách Tin Mừng. Ông Gioan Tẩy Giả nói đến một phép rửa bằng “lửa” song song với phép rửa bằng “Thánh Linh” (Mt 3,11). Lửa này có thể mang ý nghĩa thanh tẩy, thanh luyện và làm biến đổi (Mc 9,49).[1] Ông cũng nói đến “lửa” hỏa ngục, mang ý nghĩa trừng phạt, tiêu hủy (Mt 3,12). Cả hai ý nghĩa trái ngược về “lửa” ở đây đều được ông Gioan áp dụng cho Đấng Kitô sắp đến. Đức Giêsu cũng nhiều lần nói đến “lửa hỏa ngục” hay “lửa đời đời” trừng phạt những người làm điều bất chính (Lc 3,9.17; 16,24; Mt 5,22; 7,19; 13,40-42.50; 18,8-9; Mc 9,43).[2] Động từ “ném” (lửa), được sử gia Josephus dùng để diễn tả sự giận dữ của thần linh trong câu nói tương tự như câu nói của Đức Giêsu: “Ném một cơn thịnh nộ xuống trên mặt đất không giống như bất cứ cái nào khác” (μηδεμίαν ὀργὴν ἐπὶ τὴν γῆν ὁμοίαν βαλεῖν) (Ant.1.3,7 §98).[3] Đức Giêsu cũng nhắc đến câu chuyện thành Xơđôm bị lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt (Lc 17,29). Trước đoạn văn này ít lâu, các môn đệ đã hỏi ý Đức Giêsu xem Người có muốn họ khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy những người làng Samari vì không đón Người (Lc 9,54). Hình ảnh này gợi nhớ đến sự kiện ngôn sứ Êlia khiến lửa từ trời xuống tiêu diệt các ngôn sứ của thần Baal (1 V 18,36-40) và các quân nhân của vua Akhát (2 V 1,10.12.14). Trong bối cảnh trực tiếp, vì cả hai đoạn văn trước đó đều nói đến sự xét xử và trừng phạt, nên “lửa” mà Đức Giêsu ném vào mặt đất và ước mong cho nó bùng lên, rất có thể là “lửa” mang ý nghĩa xét xử thời cánh chung đã được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu.[4] Tuy nhiên, vì mục đích của Đức Giêsu là đến để tìm những con chiên lạc, và cứu những người có nguy cơ bị hư mất, nên “lửa” mà Người mong muốn bừng cháy cũng mang tính thanh luyện và biến đổi nữa.[5] “Lửa” cũng là món quà của Thần Khí (Lc 3,16; Cv 2,3).[6]

2.     Một phép rửa để chịu: L. Johnson nghĩ rằng “Phép Rửa” ở đây có thể hiểu theo hai ý nghĩa: (1) Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu; (2) Phép rửa trong Thần Khí” tại Lễ Ngũ Tuần.[7] Ý nghĩa thứ hai xem ra không phù hợp bởi vì Đức Giêsu không chịu Phép Rửa trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi hai anh em Gioan và Giacôbê đến xin Người cho họ được ngồi hai vị trí cao nhất trong nước Người, Đức Giêsu hỏi liệu họ có thể uống được chén mà Người sẽ uống và chịu “phép rửa mà Người sẽ chịu” (Mc 10,35-40) và họ đã trả lời là “được”. Trong Vườn Cây Dầu, ngay trước thềm của cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha “cất chén này khỏi” Người (Lc 22,42). Chén này rõ ràng là những đau khổ và sự chết mà Người sắp phải chịu. Vì “Phép Rửa” đi song song với “chén”, nên nó mang cùng một ý nghĩa.  Vì đoạn Tin Mừng này nằm trong số những trình thuật về hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu, trong đó, Đức Giêsu có đến ba lần dạy các môn đệ cách đặc biệt về mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh (9,21-22; 9,43b-45; 18,31-34), nên “phép rửa” trong bối cảnh này có thể hiểu là “đau khổ và sự chết”.[8] Thánh Phaolô diễn tả hành vi “dìm vào nước thanh tẩy” mà người Kitô hữu chịu như là “dìm vào trong cái chết” của Đức Kitô (Rm 6,3.4). Hiệu quả của Phép Rửa là các Kitô hữu “được nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết… con người cũ được đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô” (Rm 6,5-6; Cf. Cl 2,12).

3.     Đau khổ biết bao: Động từ “συνέχω” trong tiếng Hy Lạp dùng ở thể bị động (συνέχομαι) có nghĩa là đau khổ, ức chế về tinh thần. Đức Giêsu diễn tả sự khao khát, đến mức khổ tâm trong tiến trình chờ đợi phép rửa. Trên thực tế, Người đang trên đường lên Giêrusalem và cuộc khổ hình thập giá không bao lâu nữa sẽ diễn ra, nhưng vì sự nhiệt tâm thi hành thánh ý Chúa Cha, làm cho Người luôn luôn bận tâm mãi cho đến khi kế hoạch cứu độ được hoàn tất.

4.     Ban tặng bình an … là sự phân chia: Tác giả Mátthêu dùng cặp khái niệm đối lập “sự hòa bình” và “thanh gươm” trong khi tác giả Luca dùng cặp đối từ: “Sự bình an”
 và “sự chia rẽ”. Tác giả Mátthêu có lẽ nhấn mạnh hơn đến bầu khí chiến tranh (thanh gươm), đối lại với sự hòa bình; còn tác giả Luca nhấn mạnh đến bản chất sự “chia rẽ, phân chia”, đối lại với sự hòa hợp hiệp nhất (bình an).[9] Có lẽ vì nhấn mạnh đến bầu khí chiến tranh, nên tác giả Mátthêu sau đó còn chốt lại một câu liên quan đến kẻ thù: “Kẻ thù của người ta chính là những thành viên trong gia đình mình” (Mt 10,36). Dù nhấn mạnh ý tưởng nào đi nữa, lời nói của Đức Giêsu ẩn chứa một sự mâu thuẫn khó có thể đón nhận được. Tuy nhiên, nó lại diễn tả một thực tế đang diễn ra trên hành trình sứ vụ của Người. Sự chào đời của Người đã mang đến một không khí bình an cho dương thế: “Bình an dưới thế cho những người thiện tâm” (Lc 2,14). Ông Dacarias cũng đã tiên báo Đấng Kitô như là Vầng Đông dẫn người ta tiến bước vào đường nẻo bình an (Lc 1,79). Những lúc chữa bệnh, Đức Giêsu thường ban bình an cho những người đã khỏi bệnh: “Đức tin của con đã cứu chữa con, hãy đi bình an” (Lc 7,50; 8,48). Người dặn các môn đệ mang lời chúc bình an cho bất cứ nơi đâu họ đặt chân đến (Lc 10,5-6). Dầu vậy, không phải tất cả mọi người đều có thể đón nhận sự bình an của Người. Có thể nói rằng, Người không chủ ý tạo ra sự chia rẽ nhưng giáo huấn, lối sống, lẽ sống của Người tự chúng tạo ra một sự phân chia giữa những người đón nhận và không đón nhận Người.[10] Ngay từ đầu Tin Mừng, ông Simêon và Gioan Tẩy Giả đã báo hiệu về khả năng phân rẽ dân Ítrael của Đức Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítrael ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho nhiều người chống đối, và như vậy, những ý nghĩ trong thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2,34-35); “Chiếc sàng trong tay Người, để làm sạch sân thóc, để thu gom những lúa mẩy vào kho, còn vỏ trấu thì đốt đi bằng lửa không hề tắt” (Lc 3,17).[11] Trên hành trình sứ vụ, có rất nhiều đám đông đi theo Người (Mt 8,1; 9,36; Mc 3,20; Lc 4,42). Người tuyển chọn Nhóm Mười Hai để ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng (Mc 3,14; Lc 6,13; 8,1), nhóm các môn đệ (Mt 5,1; 10,1.17; Mc 1,21). Có rất nhiều người không đón nhận Người, thậm chí là thù ghét và muốn giết chết Người. Tác giả Luca cho thấy Đức Giêsu khai mạc sứ vụ ngay làng quê Nadarét, giữa những người thân quen, và đã bị phản ứng gay gắt đến mức những người đồng hương muốn giết Người bằng cách xô xuống vực (Lc 4,16-30). Cuối cùng, Người bị giết chết bởi âm mưu đổ vạ, cáo gian của giới chức Do Thái với sự ủng hộ của dân chúng. Đức Giêsu là hoàng tử bình an. Người đến để mang bình an cho nhân loại, chỉ khi người ta không theo Người, không đón nhận Người, sự chia rẽ mới xảy đến.

5.     Trong cùng một gia đình: Hình ảnh phân chia giữa năm người trong một gia đình là hình ảnh sống động và đỉnh cao của sự chia rẽ. Nếu như ngay cả các thành viên trong một gia đình mà còn có sự phân chia, thì sự phân chia giữa những người khác với mối dây liên hệ khác, quả là bình thường. Sự phân chia này đến từ sự chọn lựa giữa Đức Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng là “con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6), và những người khác, dù có mối tương quan ruột thịt nhưng không đảm bảo mức độ hoàn hảo, đảm bảo ơn cứu độ cho những người theo. Chọn lựa theo Chúa là một chọn lựa tốt nhất và đúng đắn nhất.[12] Thế nhưng, sự từ bỏ là quá lớn và đôi khi có phần nghịch lý, khó có thể đón nhận được. Đức Giêsu thường đưa ra những lời mời gọi sự từ bỏ mãnh liệt như: “Ai đến với tôi mà không ghét cha và mẹ của mình, vợ, con cái, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26); hay “Ai yêu cha và mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai và con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). Những lời mời gọi kiểu như thế, có lẽ, chỉ dành cho những đối tượng có cha mẹ, hoặc người thân không tin theo Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng cảm nghiệm sự xung đột với những người anh em của Người: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21); “Thậm chí những người anh em của Người không tin vào Người” (Ga 7,5). Những người tin theo Đức Giêsu không nhất thiết phải bỏ cha mẹ và người thân của mình. Họ thậm chí còn mở rộng tương quan gia đình ra đến vô tận, vì Đức Giêsu đã khẳng định những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em của Người và là mẹ của Người (Lc 8,19-21; Mc 3,31-35; Mt 12,50).  

6.   Cặp chia rẽ: Cha - con trai, mẹ - con gái, mẹ chồng - con dâu: Sau khi nói dẫn giải về sự chia rẽ đến từ năm thành viên trong cùng một gia đình, Đức Giêsu minh họa tượng trưng ba cặp đối tượng chia rẽ cụ thể: Cha-con trai; mẹ-con gái; mẹ chồng-con dâu.[13] Mối quan hệ giữa những đối tượng này là những mối tương quan căn bản nhất trong gia đình.[14] Ba cặp làm thành sáu đối tượng, nhưng có thể là chỉ có năm người, vì “người mẹ” cũng có thể là “mẹ chồng”. Đức Giêsu trích câu nói của ngôn sứ Mikha, nhưng chỉnh sửa đôi chút để nó trở nên mạnh mẽ hơn: “Các ngươi đừng tin tưởng bạn bè, đừng trông cậy vào người thân cận, với kẻ chung chăn gối,… quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, con dâu chống lại mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6).[15] Những người đi theo Đức Giêsu, có thể quay lưng lại với niềm tin và những thực hành của tiền nhân, như các cáo buộc mà những người lãnh đạo Do Thái thường đưa ra cho Đức Giêsu và các môn đệ: Không rửa tay trước khi dùng bữa (Mc 7,3; Mt 15,2); Vi phạm ngày Sabát (Lc 6,1-5; Mc 2,23-28; Mt 12,1-8); Không giữ chay (Lc 5,33-39; Mc 2,18-22; Mt 9,14-17); ăn uống với những người tội lỗi và những người thu thuế (Mc 2,15; Lc 15,1). Trong bối cảnh thực tế của cuộc xung đột giữa những người giữ đạo truyền thống là Do Thái giáo, tôn giáo vốn bao trùm và ăn sâu vào từng cộng đoàn Do Thái, với một nhóm người đi theo Đức Giêsu, gọi là Kitô hữu, sự xung đột giữa các thành viên trong gia đình là không thể tránh khỏi. Các thành viên trong gia đình Do Thái có thể có những xung đột với gia quyến của mình trong chọn lựa theo Chúa Giêsu. Tác giả F.Bovon nói về một khởi đầu của cuộc sáng tạo, một tiến trình tái thiết lập dân Chúa không dựa trên máu huyết, những ưu thế mang tính kế thừa, hay truyền thống xã hội nhưng dựa trên đức tin, sự trở về với Chúa.[16]

Bình luận tổng quát

Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu tỏ lộ rằng Người đã đến ném lửa vào mặt đất và ước mong rằng lửa ấy đã bùng cháy lên. Ngọn lửa mà Đức Giêsu mang đến là một ngọn lửa có tính thanh tẩy và biến đổi lòng người. Tuy vậy, đó cũng là một ngọn lửa xét xử và trừng phạt như ông Gioan Tẩy Giả đã nói trước số phận của những “cây không sinh hoa trái”, rằng chúng sẽ bị chặt đi và bị quăng vào lửa. Ngọn lửa mà Người khao khát bừng cháy lên cũng là là ngọn lửa của Thánh Linh, vì Đức Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh và lửa. Ngọn lửa này đã thực sự bừng cháy lên vào biến cố ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2,1-13), biến cố đánh dấu ngày khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ. Nhưng trước khi ngọn lửa này bùng lên, Đức Giêsu phải chịu một “phép rửa”, sự tận tâm cho phép rửa này luôn đốt cháy lòng người mãi cho đến khi nó được hoàn tất. Đó là cuộc xuất hành Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem, đồng nghĩa với biến cố tử nạn và phục sinh. Sự lưu tâm, khắc khoải cho sứ vụ chịu nạn được thể hiện rõ nét qua việc nhiều lần Người dạy đi, dạy lại biến cố này cho các môn đệ. Biến cố khổ nạn của Người chính là đỉnh cao tình yêu tự hiến của Đấng Kitô, Thiên Chúa làm Người, dành cho nhân loại, để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Biến cố ấy cũng cho thấy chóp đỉnh của sự chia rẽ trong dân Ítrael trước Đấng Kitô. Có rất nhiều người đến để nghe Người, được chữa lành bệnh, được ăn bánh no nê, được tha thứ tội lỗi, được biến đổi cuộc đời. Có nhiều người được gọi làm môn đệ và được chọn làm Tông Đồ để ở với Người và để Người sai đi. Tiếc thay, cũng có rất nhiều người chống đối, thù ghét và muốn giết chết Người. Sự chia rẽ, đôi khi xảy ra thậm chí giữa những người thân trong một gia đình. Đó là sự phân rẽ tất yếu giữa những người từ chối Đấng Kitô cũng như giáo huấn của Người, với những người chọn lựa trở thành thành viên của gia đình của Chúa Kitô, một gia đình được nối kết không dựa trên tương quan huyết tộc, chủng tộc, truyền thống thừa kế, nhưng dựa trên niềm tin và tình yêu dành cho Đấng Kitô, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Những người tin theo Đấng Kitô không chủ ý muốn chia rẽ, tách khỏi cộng đoàn những người không tin, nhất là những thành viên trong gia đình theo huyết tộc, nhưng họ bị những người ấy loại trừ. Lẽ ra, Đấng Kitô là nguồn bình an đích thực cho toàn thể nhân loại, nhưng không phải tất cả mọi người đều mong ước đón nhận bình an đích thực, bởi có nhiều người đang theo đuổi một sự bình an giả tạo. Họ đặt cứu cánh của mình nơi của cải, vật chất, tiền tài, danh vọng, hưởng thụ, khoái lạc nơi trần gian tạm thời. Đức Giêsu vẫn khao khát chịu “phép rửa” khổ nạn và sự chết để làm cho ngọn lửa thanh tẩy của Thánh Linh được bùng lên, tẩy rửa toàn thể nhân loại, hầu mang lại ơn cứu độ, nguồn hạnh phúc viên mãn tròn đầy. Tiếc thay, không phải tất cả mọi người trên thế gian này đều đón nhận tình yêu tự hiến của Người. Chính vì thế, Đức Kitô phải đau đớn thừa nhận rằng Người không chỉ là căn nguyên của sự bình an, mà Người cũng là nguyên cớ cho sự phân rẽ trong nhân gian, dẫu rằng đó không phải là ý muốn của Người.

Ngày nay, những giá trị kitô giáo vẫn tạo nên sự xung đột, và phân rẽ giữa những người thân trong gia đình. Đó là sự chia rẽ giữa các bậc cha mẹ, ông bà vẫn giữ thói quen đi Lễ, và những thực hành đạo đức và những người con người cháu không muốn đi Lễ nữa, vì không tìm thấy ý nghĩa gì nơi Thánh Lễ. Đó là sự chia rẽ giữa những người con, người cháu không còn dám đón nhận con cái Chúa ban, dẫn đến việc ngừa thai, thậm chí phá thai như một chọn lựa bình thường của dân ngoại, với những người cha, người mẹ luôn muốn bảo vệ sự sống theo Luật Chúa truyền. Đó cũng là sự đấu tranh, xung đột giữa thế hệ trẻ dễ dàng chọn lựa giải pháp ly hôn khi cơm không lành, canh không ngọt, với thế hệ cha mẹ luôn trung thành với mối dây hôn phối mà Chúa đã kết hợp, dù có phải chịu bao đau khổ trong đời sống vợ chồng. Sống giữa một thế giới dân ngoại, người kitô hữu cần một đức tin mạnh mẽ, lòng cậy vững vàng và tình yêu sâu đậm, để có thể giữ vững lòng trung thành với những giá trị Tin Mừng tốt lành và đúng đắn mà Đức Giêsu đã dạy.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] “In the OT it is sometimes used as a means of purification (Lev 13:52; Num 31:23), of discernment or discrimination (Jer 23:29; Isa 33:14), and of judgment (Gen 19:24; Exod 9:24; Ps 66:12 [joined with water]; Isa 43:2). Cf. 1 Enoch 91:9; 100:1–2, 9; Luke 3:9; 9:54. Whichever of these nuances one prefers, the “fire” has also to be related to that of Luke 3:16, the effect of which is now seen to touch even “the earth” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 996].

[2] “The first is the metaphor of fire, in this co-text clearly the fire of judgment, portended in such passages as 3:9, 17; 9:54” (J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 509; “He came “to cast … a fire … upon the earth,” which suggests the idea of punishment, a fire that falls from heaven such as the one that the Lord poured out (βρέχω) on Sodom and Gomorrah (Gen 19:24; cf. Luke 17:29), and that Elijah caused to come down (καταβαίνω) on King Ahaziah’s servants” [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis, MN 2013) 248-249].

[4] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1997) 207.

[5] “The saying would thus correspond to the sometimes enigmatic language of parables of which the Master was fond. He certainly knew that he had been vested with a salvific mission, but he also believed that his God is not weak and that he will punish (hence the image of fire) those who will not think along the lines of the kingdom” (F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27, 249).

[6] “Although Luke, on the other hand, did not take the seriousness of the judgment (17:31–35; 18:7; 21:25–28) lightly, here he was thinking instead of the fire of the good news and of the Holy Spirit” (F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27, 250).

[7] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 207.

[8] “Jesus himself had emphasized the centrality of suffering and death in the consummation of God’s purpose” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 511); “Bultmann speaks of it as Jesus’ “martyrdom”; others speak even more bluntly of his death” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 995).

[9] “The word “division” conjures up different meanings than the word “sword.” Division is caused by several wills each of which bears a share in the responsibility” (F. Bovon, Luke 2, 252).

[10] “It is quite possible that Jesus realized during the course of his ministry that his continued preaching of the kingdom and of God’s word was meeting with staunch and growing opposition from opponents who might one day adopt extreme measures against him” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 994).

[11] J.B. Green, The Gospel of Luke,511.

[12] “The Lukan Christ does not require that there be division. He does not invite members of the same family to rise up against each other. On the contrary, he makes an appeal to humans on behalf of the gospel. But once this fire begins to spread, neutrality is no longer an appropriate stance. Some accept the good news, others reject it, as may be observed even inside families” (F. Bovon, Luke 2,253).

[13] “A daughter-in-law had in common with her mother-in-law that they had both been uprooted from their original family setting” (F. Bovon, Luke 2,253).

[14] Ibid.

[15] “He now spells out a mode which that discord may take: division within families, even alluding to the lament of the prophet Micah (7:1–7) about the disappearance of the godly from the earth and the consequent state of human society in which not only neighbors, but even members of families suffer” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,995).

[16] “It was because they were in the process of reestablishing Israel, of gathering it and then reconstituting it. It was to be based on new principles: no longer blood, hereditary privileges, or social customs, but faith, returning to God, and unlimited love without family or ethnic limits. There was also to be a break with one’s personal, religious, and patriotic past; membership in a new community” (F. Bovon, Luke 2,252).

No comments:

Post a Comment