Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
19 Ἄνθρωπος δέ τις ἦν πλούσιος,
καὶ ἐνεδιδύσκετο πορφύραν καὶ βύσσον εὐφραινόμενος καθ᾽ ἡμέραν λαμπρῶς. 20 πτωχὸς δέ τις ὀνόματι Λάζαρος ἐβέβλητο πρὸς τὸν
πυλῶνα αὐτοῦ εἱλκωμένος 21 καὶ ἐπιθυμῶν χορτασθῆναι
ἀπὸ τῶν πιπτόντων ἀπὸ τῆς τραπέζης τοῦ πλουσίου· ἀλλὰ καὶ οἱ κύνες ἐρχόμενοι ἐπέλειχον τὰ ἕλκη αὐτοῦ. 22 ἐγένετο δὲ ἀποθανεῖν τὸν πτωχὸν καὶ ἀπενεχθῆναι αὐτὸν
ὑπὸ τῶν ἀγγέλων εἰς τὸν κόλπον Ἀβραάμ· ἀπέθανεν
δὲ καὶ ὁ πλούσιος καὶ ἐτάφη. 23 καὶ ἐν τῷ ᾅδῃ ἐπάρας
τοὺς ὀφθαλμοὺς αὐτοῦ, ὑπάρχων ἐν βασάνοις,
ὁρᾷ Ἀβραὰμ ἀπὸ μακρόθεν καὶ Λάζαρον ἐν τοῖς κόλποις αὐτοῦ. 24 καὶ αὐτὸς φωνήσας εἶπεν· πάτερ Ἀβραάμ, ἐλέησόν με καὶ
πέμψον Λάζαρον ἵνα βάψῃ τὸ ἄκρον τοῦ δακτύλου αὐτοῦ ὕδατος καὶ καταψύξῃ τὴν γλῶσσάν μου, ὅτι ὀδυνῶμαι ἐν τῇ φλογὶ ταύτῃ. 25 εἶπεν δὲ Ἀβραάμ· τέκνον,
μνήσθητι ὅτι ἀπέλαβες τὰ ἀγαθά σου ἐν τῇ ζωῇ
σου, καὶ Λάζαρος ὁμοίως τὰ κακά· νῦν δὲ ὧδε παρακαλεῖται,
σὺ δὲ ὀδυνᾶσαι. 26 καὶ ἐν πᾶσιν τούτοις μεταξὺ ἡμῶν καὶ ὑμῶν χάσμα μέγα ἐστήρικται, ὅπως οἱ θέλοντες διαβῆναι ἔνθεν
πρὸς ὑμᾶς μὴ δύνωνται, μηδὲ ἐκεῖθεν πρὸς ἡμᾶς διαπερῶσιν. 27 εἶπεν δέ· ἐρωτῶ σε οὖν, πάτερ, ἵνα πέμψῃς αὐτὸν εἰς τὸν οἶκον τοῦ πατρός
μου, 28 ἔχω γὰρ πέντε ἀδελφούς, ὅπως διαμαρτύρηται
αὐτοῖς, ἵνα μὴ καὶ αὐτοὶ ἔλθωσιν εἰς τὸν τόπον
τοῦτον τῆς βασάνου. 29 λέγει δὲ Ἀβραάμ· ἔχουσιν Μωϋσέα καὶ τοὺς προφήτας· ἀκουσάτωσαν
αὐτῶν. 30 ὁ δὲ εἶπεν· οὐχί, πάτερ Ἀβ ραάμ, ἀλλ᾽ ἐάν τις ἀπὸ νεκρῶν πορευθῇ πρὸς αὐτοὺς μετανοήσουσιν. 31 εἶπεν δὲ αὐτῷ· εἰ Μωϋσέως
καὶ τῶν προφητῶν οὐκ ἀκούουσιν, οὐδ᾽ ἐάν τις ἐκ
νεκρῶν ἀναστῇ πεισθήσονται. (Lk. 16:19-17:1 BGT) |
19 Có một người đàn ông nọ giàu có và thường mặc áo vải đỏ tía và vải lụa, hưởng thụ xa xỉ mỗi ngày. 20 Có một người nghèo tên là Ladarô, mình phủ đầy những
ghẻ lở, được đặt trước cổng nhà ông ta, 21 Và ao ước được ăn no từ những thứ rơi xuống
từ bàn của ông nhà giàu, nhưng những con chó đến
liếm những vết thương của ông 22 Chuyện xảy ra là ông nhà nghèo chết
và được các thiên sứ mang đi vào lòng tổ phụ Ápraham nhưng
ông nhà giàu cũng chết và được chôn cất. 23 Và trong âm phủ[1], ông ngước mắt
lên, trong khi đang ở trong cơn tra tấn, nhìn
thấy ông Ápraham từ đằng xa và ông Ladarô ở trong lòng của
ông [Ápraham]. 24 Ông ta kêu lên, nói rằng: ‘Cha Ápraham
ơi! Xin thương xót con và xin sai ông Ladarô, để
ông có thể nhúng đầu ngón tay của ông vào nước và làm
mát lưỡi của con, vì con đang chịu đau khổ
trong ngọn lửa nóng này.’ 25 Nhưng ông Ápraham nói: ‘Này con,
hãy nhớ rằng vì con đã lãnh nhận những điều tốt lành
của con trong cuộc sống của con, còn ông Ladarô
tương tự nhận điều bất hạnh, nên ở đây ông được an ủi, còn con phải
chịu đau khổ. 26 Ngoài những điều như thế, có một vực thẳm
lớn đã được thiết lập giữa con và chúng tôi, để những người muốn băng
qua bên con từ đây cũng không thể, và từ nơi đó đến chúng tôi cũng không băng
qua được.’ 27 Ông ta nói: ‘Vậy thì, cha ơi, con cầu
xin cha để cha có thể sai ông ấy [Ladarô] đến nhà của
cha con. 28 Vì con có năm người anh em nữa, để
ông ấy có thể làm chứng cho họ, để họ không phải
đi vào nơi cực hình này.’ 29 Nhưng ông Ápraham nói rằng: ‘Họ đã có ông Môsê
và các ngôn sứ, hãy để họ nghe các ông ấy.’ 30 Ông ta nói: ‘Dạ không, thưa cha Ápraham, nhưng nếu có ai đó đến từ những kẻ chết đến với họ, thì họ sẽ
hoán cải.’ 31 Ông Ápraham nói cùng ông ấy: ‘Nếu họ không
nghe ông Môsê và các ngôn sứ, thì dù có ai đó
sống lại từ trong những kẻ chết, họ cũng không
bị thuyết phục.’ |
Bối cảnh
Lc 16, 19-31 nằm trong bối cảnh chương mười
sáu của Tin Mừng Luca, là một chương có nhiều lời dạy liên quan đến tiền bạc.
Trước câu chuyện này là câu chuyện ‘người quản gia bất lương khôn ngoan” (Lc
16,1-8), trong đó, người quản gia đã khôn khéo tha các khoản nợ cho các con nợ
của ông chủ, để được họ đón tiếp khi bị cất chức quản gia. Tiếp theo câu chuyện
này, Đức Giêsu dạy các môn đệ “hãy dùng tiền của bất chính để tạo lập người
thân” để được đón tiếp vào “chiếc lều vĩnh cửu” (Lc 16,9); Rồi lời cảnh báo
quan trọng “không ai có thể phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ tiền của được” (Lc
16,13). Trong bối cảnh rộng hơn, bối cảnh của những trình thuật về hoạt động của
Đức Giêsu trên đường lên Giêrusalem (Lc 9,51 – 19,27), đoạn Tin Mừng này nối kết
mật thiết với trình thuật “người thủ lãnh giàu có muốn theo Đức Giêsu nhưng thất
bại (Lc 18,18-23), cùng với kết luận về thực tế “người giàu khó vào Nước Thiên
Chúa” (Lc 18,24-25). Nó cũng không xa lạ với câu chuyện kể về sự hoán cải của
người thủ lãnh thu thuế Dakêu (Lc 19,1-10). Đề tài hoán cải nối kết toàn bộ Tin
Mừng từ đầu đến cuối: Từ lời rao giảng Phép Rửa Hoán Cải để được ơn hoán cải của
ông Gioan Tẩy Giả (Lc 3,3), đến mệnh lệnh Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng
một thông điệp tương tự vào cuối Tin Mừng (Lc 24,47). Sự trái ngược số phận giữa
ông Ladarô và ông nhà giàu trước và sau cái chết gợi nhớ đến những mối phúc và
những mối họa của Đức Giêsu Luca: “Phúc cho anh em là những người nghèo, vì Nước
Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20)…Khổ thay cho anh em là những người giàu có,
vì anh em đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Sự đảo ngược số phận của
người nghèo và người giàu cũng được tìm thấy trong bài ca Magnificat của Đức
Maria (Lc 1,46-55).
Cấu trúc
Câu chuyện dụ ngôn có thể được chia thành hai phần. Phần thứ
nhất (A) mô tả hai số phận trái ngược, giữa hai nhân vật ông nhà giàu và ông Ladarô
trước và sau cái chết. Phần thứ hai (B) là câu chuyện xoay quanh cuộc đối thoại
giữa ông nhà giàu và ông Ápraham. Những lời cầu xin của ông nhà giàu bị chối từ
với những lý do tương ứng kèm theo.
(A) Hai số phận trái ngược của
hai nhân vật (16,19-23) Trước khi chết: Người giàu:
Không tên – giàu – mặc đồ đẹp – hưởng thụ xa xỉ mỗi ngày (19) Người
nghèo: Tên Ladarô – nghèo – khổ vì bệnh tật – nằm trước cổng – ao ước ăn
đồ rơi xuống – chó liếm vết thương (20-21) Sau khi chết: Người
nghèo: Chết – được các thiên sứ mang đi - trong lòng ông Ápraham (22a) Người giàu:
Chết – được chôn – nơi lòng đất- thấy ông Ápraham từ đằng xa (22b-23) (B) Những lời cầu xin của người
giàu (16,24-31): Cầu xin I: Sai ông Ladarô làm mát lưỡi (24) Không được
và lý do: Trước nhận điều may lành – giờ đau khổ Trước nhận điều bất hạnh - giờ hạnh phúc
(25) Thực tế
không thay đổi: Hai bên không thể tiếp cận nhau (26) Cầu xin II: Sai ông Ladarô đến làm chứng cho nhà cha con hoán cải (27-28) Không được
và lý do: Có ông Môsê và các ngôn sứ rồi (29-31) |
Một số điểm chú giải
1. Một người đàn ông nọ giàu có … Có một người
nghèo tên là Ladarô: Đức Giêsu giới thiệu hai nhân vật của câu chuyện đầy
ngụ ý. Hai nhân vật này có địa vị xã hội trái ngược nhau: Người giàu và người
nghèo. Người giàu được định danh bằng sự giàu có, ông ta không được nhắc tên.
Người nghèo được gọi bằng chính địa vị kinh tế của ông, nhưng ông được gọi bằng
một cái tên, Ladarô. Danh xưng này được lặp lại đến bốn lần (16,20.23.24.25)
bên cạnh danh xưng Ápraham và Môsê. Việc lặp lại danh xưng này cho thấy vị thế
của ông trong dụ ngôn và trước mặt Thiên Chúa. Danh xưng Ladarô là viết tắt của
danh xưng “Eliazar”, có nghĩa là “Thiên Chúa giúp đỡ”. Quả thật, Thiên Chúa
luôn ở bên cạnh ông, đặc biệt ban cho ông vị trí đặc biệt sau khi chết.[2]
Ông Ladarô tượng trưng cho những người nghèo, bệnh tật, đau khổ, còn ông nhà
giàu, cùng với năm anh em của ông là tượng trưng cho những người giàu thời bấy
giờ.
2. Mặc áo vải tía và vải lụa … phủ đầy những
ghẻ lở, được đặt trước cổng: Cách ăn mặc của hai nhân vật cho thấy rõ ràng
sự trái ngược, sướng – khổ của hai nhân vật. Trong khi ông nhà giàu khoác lên
mình những tấm vải lụa, vải màu đỏ tía đắt tiền, ông nhà nghèo khoác lên mình lớp ghẻ
lở của bệnh tật.[3] Vải màu đỏ tía, là một loại vải nhuộm đắt tiền quý hiếm, dùng cho nhà vua[4],
hoặc là những người giàu có vùng Cận Đông thuở xưa.[5]
Lớp ghẻ lở lộ ra, cho thấy ông nhà nghèo không có trang phục đàng hoàng, hoặc
là rách nát, hoặc là không mặc gì cả. Ông đã được đặt trước cổng (ἐβέβλητο
πρὸς τὸν πυλῶνα) ông nhà giàu từ bao giờ. Động từ “đặt” được chia ở thể
bị động (ἐβέβλητο: ông đã được đặt),
cho thấy ông không thể tự mình đến đây, nhưng có ai đó đã đặt ông ở đây từ bao
giờ. Phải chăng ông không thể di chuyển được, và người nào đó đã mang ông đến
đây? Phải chăng tác nhân của động từ đặt chính là Thiên Chúa? Người muốn thử
lòng ông nhà giàu? Tác giả J. Fitzmyer nhấn mạnh bệnh tật của ông nhà nghèo khi
cho rằng động từ “ballo” (ném, đặt) được chia ở thể bị động diễn tả sự bất toại
của người này. Có thể người này không thể đi lại bình thường.[6]
3. Hưởng thụ xa xỉ mỗi ngày… ao ước được ăn no
từ những thứ rơi xuống từ bàn của ông nhà giàu: Sau khi mô tả sự trái ngược
về áo mặc của hai nhân vật, Đức Giêsu tiếp tục khắc họa sự trái ngược về điều
căn bản khác, “cơm ăn”. Ông nhà giàu tổ chức tiệc tùng xa xỉ mỗi ngày,[7]
trong khi ông Ladarô chỉ ao ước được ăn những gì thực khách vô tình làm rơi xuống
bàn, hoặc là họ cố tình quăng xuống bàn khi không muốn ăn nữa.[8]
Đó cũng có thể là một loại bánh dùng làm khăn lau tay và rồi sau đó được ném xuống
bàn trong những bữa ăn thường ngày.[9]
Đó là những thức ăn dành cho những con chó. Trong câu chuyện “chữa lành con gái
người phụ nữ Canaan” (Mt 15,21-28), Người phụ nữ Canaan đã khiêm tốn thưa cùng
Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những con chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của
ông chủ rơi xuống” (Mt 15,27; Mc 7,28). Ông được đặt trước cổng và chỉ ao ước
được ăn no từ những đồ rơi xuống ấy. Ngược lại, trạng từ “xa xỉ” (λαμπρῶς)
bổ nghĩa cho cả động từ “mặc” và động từ “tổ chức tiệc tùng” diễn tả một sự
sang trọng, dư thừa đến hoang phí trong cách ăn, mặc của ông nhà giàu. Cụm giới
từ chỉ thời gian “hằng ngày”, bổ nghĩa cho động từ “tổ chức hưởng thụ”, diễn tả
mức độ hưởng thụ đều đặn, thường xuyên của ông nhà giàu. Không phải lâu lâu mới
có một bữa tiệc, nhưng ngày nào cũng có tiệc tùng như vậy.
4. Những con chó (οἱ κύνες): Những
con chó xuất hiện như là những người bạn duy nhất của ông Ladarô, khi chúng đến
liếm những vết lở loét trên người ông. Động từ “liếm” được chi ở thì “chưa hoàn
thành” (ἐπέλειχον), diễn tả một hành động kéo dài, hoặc theo thói quen của
những con chó này. Trong khi ông chủ vui vẻ tiệc tùng với gia quyến và bạn hữu
của ông, thì những con chó của ông đến làm bạn với người nghèo ở trước cổng nhà
ông. Hình ảnh “những con chó” xuất hiện cùng lúc với hình ảnh “những thứ rơi xuống
từ bàn” dường như ám chỉ rằng, ông Ladarô không bao giờ có cơ hội được ăn những
thứ từ trên bàn rơi xuống, vì đó là thức ăn của những con chó này. Điều an ủi
duy nhất ông có thể có được là sự “liếm láp” của mấy con chó.[10]
Tuy vậy, sự liếm láp của những con chó cũng có thể đẩy số phận của ông thêm hẩm
hiu vì chỉ có những con chó mới quan tâm đến ông.[11]
5. Chết và được các thiên sứ mang đi … Chết và
được chôn cất: Số phận của ông Ladarô bắt đầu thay đổi khi ông chết. Nguyên
nhân cái chết của ông có thể là do bệnh tật và sự đói bụng thường xuyên. Nếu
như trước đó ông đã “được đặt” (ἐβέβλητο) trước cổng nhà của
ông nhà giàu, thì giờ đây “ông được mang đi” (ἀπενεχθῆναι). Tác nhân của động
từ bị động “được đặt” không được nhắc đến. Ai đã “đặt” ông ta ở đó? Tác nhân của
hành động “được mang đi” được định rõ là “bởi các thiên sứ” (ὑπὸ τῶν ἀγγέλων).
“Thiên sứ” (τῶν ἀγγέλων) là những sứ giả của Chúa (Lc 1,26). Như thế, thiên sứ
cũng có thể là tác nhân đã đặt ông Ladarô trước cổng nhà của ông nhà giàu, để
cho ông cơ hội bày tỏ lòng thương cảm. Thiên sứ đã mang ông đến, giờ đây thiên
sứ lại mang ông đi. Dường như ông không được chôn cất. Một số tác giả tăng thêm
bi kịch của cuộc đời ông nhà nghèo, khi cho rằng ông bị người ta bỏ rơi không
chôn cất. Đó là số phận của một con người bi thảm trong truyền thống Do Thái.[12]
“Được thiên sứ mang đi” báo trước một tương lai tươi sáng, một số phận đổi
thay. Ông nhà giàu cũng chết, nhưng ông không được các thiên sứ mang đi như ông
Ladarô. Ông được chôn cất.
6. Trong lòng ông Ápraham … nơi âm phủ… từ đằng
xa: Vị trí trong lòng ông Ápraham tượng trưng cho nơi ở của các tổ phụ và
là người công chính. Nói cách khác, trong lòng ông Ápraham cũng là trong Nước
Trời, tại bữa tiệc cánh chung, nơi mà ông Ladarô được vinh dự ngồi trong lòng tổ
phụ Ápraham.[13]
Thật vậy, Đức Giêsu nhiều lần bật mí về nơi ở của ông Ápraham: “Bấy giờ anh em
sẽ phải khóc lóc và nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng
tất cả các ngôn sứ ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình thì lại bị đuổi ra ngoài”
(Lc 13,28-29; Mt 8,11). Nơi ở của ông Ladarô ở phía trên, trong khi nơi ở của
ông nhà giàu ở phía dưới. Ông nhà giàu phải ngước mắt lên (ἐπάρας τοὺς ὀφθαλμοὺς αὐτοῦ)
mới nhìn thấy ông Ápraham và ông Ladarô. Trong khi khoảng cách giữa ông nhà
giàu và ông Ápraham được diễn tả là “từ đằng xa” (ἀπὸ μακρόθεν),
khoảng cách giữa ông Ladarô với ông Ápraham không thể ngắn hơn: “Ở trong lòng” của ông Ápraham. Vị trí “trong
lòng” được nhắc lại hai lần: “Được mang đi vào lòng của ông Ápraham” (16,22) và
“ông Ladarô đang ở trong lòng ông [Ápraham]” (16,23). Đây chính là vị trí thân
thương nhất, gần gũi nhất, mà chỉ có “người môn đệ Đức Giêsu yêu” có được trong
tương quan với Người: “Một trong các môn đệ đang ngồi trong lòng của Đức Giêsu,
Người mà Đức Giêsu yêu” (Ga 13,23). Như vậy, ông Ladarô không những được ở
trong Nước Thiên Chúa với ông Ápraham mà còn rất gần gũi, thân thiết với ông.
7. Ở trong cơn tra tấn … ngọn lửa nóng cháy …
phải chịu đau khổ…nơi cực hình: Cùng với nơi ở phía dưới, trong nơi âm phủ,
một nơi chốn dành cho những linh hồn người chết khi đang chờ phán xét. Xem ra,
đây là một nơi trừng phạt dành người giàu này. Nhiều cách diễn tả tình trạng
đau khổ của ông được sử dụng: “Đang ở trong sự tra tấn”; “Đau đớn với ngọn lửa này”;
“Nơi đau đớn này”. Xem ra, ông nhà giàu vừa bị tra tấn vừa bị thiêu đốt, hoặc
là bị tra tấn bằng hình thức thiêu đốt. Hình phạt cánh chung nối kết với “lửa
không hề tắt” thường xuyên được các tác giả Tin Mừng sử dụng (Lc 3,9.17; Mc
9,43.48; Mt 3,12). Lời cầu xin “ông Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước và làm
mát lưỡi” cho thấy ông đang đau đớn vì nóng. Việc ông nhà giàu nhìn thấy và nhận
ra ông Ladarô chứng tỏ rằng ông đã từng nhìn thấy ông Ladarô trước cổng nhà
mình và thậm chí còn biết tên ông rõ ràng.[14]
Chi tiết này làm tăng trách nhiệm đã không đoái hoài đến người đàn ông nghèo
khó này, người mà ngày ngày ở trước cổng nhà ông. Những con chó của ông đã dùng
lưỡi của chúng, để xoa dịu vết thương cho ông Ladarô, còn ông không làm gì cả,
nên lưỡi của ông giờ đây cần những giọt nước để làm dịu cơn nóng nhưng không được.
8. Cha Ápraham ơi … con ơi: Cách gọi thân
thương “cha Ápraham ơi” cho thấy ông này là một người Do Thái và biết rõ tổ phụ
Ápraham. Niềm tự hào về ơn cứu độ khi có nguồn gốc “con cháu tổ phụ Ápraham” đã
bị cả ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu phê bình. Ông Gioan Tẩy Giả đã nói cùng
nhóm Pharisêu và Xađốc rằng: “Đừng tự nghĩ rằng: ‘Chúng tôi có cha Ápraham’, vì
tôi nói cho các ông hay, Thiên Chúa có thể nâng những hòn đá này lên thành những
đứa con của ông Ápraham” (Mt 3,9; Lc 3,8).[15]
Khi những người Do Thái tự hào mình là “dòng dõi ông Ápraham” nên không làm nô
lệ cho ai, Đức Giêsu cho biết họ làm nô lệ cho tội lỗi khi họ phạm tội (Ga
8,33-34). Họ nhìn nhận ông Ápraham là cha của mình, nhưng lại không làm những
việc ông Ápraham làm, vì họ tìm cách giết Đức Giêsu, điều này ông Ápraham không
làm (Ga 8,39-40). Đức Giêsu cũng đã từng cảnh báo rằng: “Từ Đông, Tây, nhiều
người sẽ đến dự tiệc cưới Nước Trời với các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp còn
con cái Nước Trời thì bị quăng ra nơi tối tăm. Ở đó người ta sẽ phải khóc lóc,
nghiến răng” (Mt 8,11-12). Gọi Ápraham là cha, nhưng không làm những điều ông Ápraham
làm, thì nguy cơ bị loại ra khỏi tiệc cưới Nước Trời và chịu cực hình muôn kiếp.
Đáp lại cách gọi của ông nhà giàu, ông Ápraham cũng nhận ra ông và gọi ông cách
thân thương là “con ơi” (τέκνον), nhưng khoảng cách giữa hai người giờ
đây quá xa.
9. Đã lãnh nhận những điều tốt lành … lãnh nhận
những điều bất hạnh: Cái lý mà ông Ápraham đưa ra cho lời thỉnh cầu của ông
nhà giàu là “cả cuộc đời ông đã lãnh nhận những điều tốt lành” nên giờ đây “chịu
đau khổ”. Cái lý này dường như hơi vô lý, vì nó không nói lên lỗi lầm gì của
ông nhà giàu, để ông phải bị trừng phạt như thế. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với
những mối phúc và những mối họa mà Đức Giêsu đã dạy thì rất phù hợp: “Phúc cho
anh em là những người nghèo, Nước Thiên Chúa là của anh em; Khổ thay cho anh em
là những người giàu, vì anh em đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,20.24). Người
giàu cả cuộc đời đã được an ủi trong cách ăn mặc sang trọng và ăn uống linh
đình hằng ngày”. Ngược lại, ông Ladarô, vì là người nghèo, nên được hưởng Nước
Thiên Chúa. Hơn nữa, vì ông chưa được phần an ủi, nên “ở đây, ông được an ủi”.
Được an ủi đồng nghĩa với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Số phận của hai nhân vật
này sau khi chết cũng phản ánh cách làm của Chúa được Đức Maria nói đến trong
bài ca “Magnificat”: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ
khiêm nhường; Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có lại đuổi về tay
trắng” (Lc 1,52-53).
10. Vực thẳm đã được thiết lập: Lý do kế tiếp ông Ápraham đưa ra là có một “vực thẳm
lớn”[16]
ngăn cách giữa hai bên, khiến họ không thể nào tiếp xúc trao ban gì cho nhau,
ngoại trừ nhìn thấy nhau và nói chuyện được với nhau. Động từ “thiết lập” được
chia ở thể bị động (ἐστήρικται), có thể tác nhân chính là Thiên
Chúa. Chính Thiên Chúa đã thiết lập vực thẳm lớn đó. Giải pháp dùng đầu ngón
tay, nhúng vào nước, làm mát lưỡi, không thể áp dụng được. Có lẽ, ông Ápraham
muốn nói đến một tình trạng xa cách vĩnh viễn của hai thế giới trong ngày cánh
chung. Nó tương tự như hình ảnh một khi chủ nhà đứng dậy và đóng cửa lại, thì
những người ở ngoài bị xem như là những người xa lạ, dù họ có đưa ra chứng cứ
là họ đã từng ăn uống trước mặt ông chủ và ông đã từng giảng dạy trên đường phố
của họ (Lc 13,25-27). Vì ông nhà giàu không để ý đến khoảng cách gần gũi giữa
ông Ladarô và ông khi ông Ladarô ở ngay trước cổng nhà ông, nên giờ đây ông phải
ở xa ông Ladarô. Xa vì khoảng cách, xa vì vực thẳm. Khoảng cách này không thể
được lấp đầy.
11. Làm chứng … hoán cải: Đây là ngôn ngữ
quen thuộc của Tin Mừng Luca. Vào cuối Tin Mừng Luca, Đức Giêsu truyền lệnh cho
các môn đệ “phải nhân danh Người mà rao giảng phép rửa của lòng hoán cải, để được
ơn tha thứ”… và chính các môn đệ là “chứng nhân của những điều này” (Mầu nhiệm
khổ nạn – phục sinh). Sách Công Vụ ghi lại việc các môn đệ làm chứng và kêu gọi
dân chúng hoán cải, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu để được ơn tha thứ (Cv
2,38). Ông nhà giàu đinh ninh rằng có một người sống lại từ giữa những người chết,
sẽ làm chứng và mang lại ơn hoán cải cho cả “nhà cha” ông.[17]
12. Môsê và các ngôn sứ … người sống lại từ
trong những kẻ chết: Các nhân vật như Môsê và các ngôn sứ là những nhân vật
đại diện cho Chúa. Chính ông Môsê cũng là một ngôn sứ, người duy nhất được thấy
Chúa mặt giáp mặt. Trong dân Ítrael, không còn một ngôn sứ nào được Thiên Chúa
biết rõ, mặt giáp mặt, như ông Môsê (Đnl 34,10). Ông có thể đàm đạo với Chúa
như hai người bạn với nhau (Xh 33,11). Các ngôn sứ qua mọi thời đại cũng là sứ
giả, mà Chúa trao ban sứ vụ nói lời của Người cho dân. Đại từ ngôi thứ ba số
nhiều, giống đực, làm túc từ của động từ “nghe” (hãy để họ nghe các ông ấy: ἀκουσάτωσαν αὐτῶν)
ngụ ý rằng ông Môsê và các ngôn sứ cụ thể. Tuy nhiên, vào thời Đức Giêsu kể dụ
ngôn này, ông Môsê và các ngôn sứ thời Cựu Ước không còn nữa. Vì thế, “Môsê và
các ngôn sứ” có lẽ nên hiểu là tượng trưng cho toàn bộ sách thánh Cựu Ước.
Thánh Kinh Do Thái giáo, (hay phần Cựu Ước của Kitô giáo), được chia thành ba
phần: (i) Luật (Torah); (ii) Các ngôn sứ (Neviim); (iii) Các văn phẩm (Ketuvim).
Phần đầu tiên gồm năm cuốn sách đầu tiên của Sách Thánh, thường được gọi là Ngũ
Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi Dân Số, Đệ Nhị Luật). Đây là phần quan trọng nhất
và thường được gọi là “Ông Môsê”, có lẽ vì theo truyền thống, người ta tin là
do ông Môsê viết. Trong câu chuyện này, thuật ngữ “Môsê và các ngôn sứ” được lặp
lại hai lần (16,29; 16,31). Trong câu chuyện “Hai môn đệ trên đường Emmaus” Đức
Giêsu đã giải thích cho hai môn đệ những điều liên quan đến Người trong toàn bộ
Sách Thánh, bắt đầu từ “Môsê và tất cả các ngôn sứ” (24,27). Tác giả cũng dùng
thuật ngữ tương tự để ám chỉ Sách Thánh: Lề Luật và các ngôn sứ (Lc 16,16). Tác
giả Gioan cũng dùng cách nói “Môsê và các ngôn sứ” để chỉ Sách Thánh Cựu Ước
(Ga 1,45). Tác giả Mátthêu gọi là “Luật và các ngôn sứ” (Mt 5,17; 7,12). Các
tác giả Tin Mừng còn dùng thuật ngữ “các sách thánh” (αἱ γραφαὶ, Thánh
Kinh) để nói về Thánh Kinh Cựu Ước (x. Mt 21,42; 22,29; 26,54; Mc 12,10.24;
15,28; Lc 4,21; 24,32.45; Ga 2,22; 5,39; 7,42). Chỉ có tác giả Luca liệt kê đầy
đủ ba phần của Sách Thánh Do Thái (Luật Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh) và
một lần duy nhất: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả
những điều đã được chép về Thầy trong Luật Môsê, cách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh phải
được hoàn tất” (Lc 24,44).[18]
Đối lại với “Môsê và các Ngôn Sứ” là “người sống lại từ giữa những người chết”[19],
Sách Thánh, đối lại với một nhân chứng cụ thể trở về từ giữa những người chết.
13. Hãy nghe[20]
… không bị thuyết phục: Lời thỉnh cầu thứ hai của ông nhà giàu là xin sai
ông Ladarô về dương gian, để làm chứng cho năm anh em còn lại của ông, để họ
không phải đi vào nơi cực hình như ông cũng bị chối từ. Lời thỉnh cầu này cho
thấy ông bắt đầu tỉnh ra, và biết quan tâm đến những người nhà của mình, rất có
thể cũng đang có lối sống hưởng thụ xa xỉ như ông đã từng sống. Theo ông nhà
giàu, người sống lại trở về có giá trị chứng nhân mãnh liệt cho sự hoán cải hơn
là Sách Thánh. Ông Ápraham không nghĩ như vậy. Đối với ông, “lắng nghe” Sách
Thánh có giá trị tác động hoán cải lớn hơn người sống lại trở về. Nếu họ không
“lắng nghe” “Môsê và các ngôn sứ” thì “người phục sinh từ những người chết” họ
cũng không bị thuyết phục. Hoán cải là một quá trình thành tâm lắng nghe Lời
Chúa và biến đổi đời sống, chứ không phải là vì sợ hãi hình phạt, hay muốn được
thưởng mà vội vã quay về trong một khoảnh khắc.
Bình luận tổng quát
Trên
hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu tiếp tục giảng dạy những giáo huấn quan trọng
liên quan đến vận mệnh của cả đời người. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu hay là hình
phạt vĩnh cửu. Hạnh phúc Nước Thiên Chúa vốn là món quà nhưng không của Chúa và
không ai có thể làm cho mình thật sự xứng đáng được hưởng. Con người chỉ có thể
làm hết sức mình có thể để làm cho mình ngày càng phù hợp hơn mà thôi. Câu chuyện
dụ ngôn “ông nhà giàu và ông Ladarô nghèo” là ví dụ sống động cho hai số phận
trái ngược giữa hai người trước và sau khi chết. Ông nhà giàu rất sung sướng mọi
bề khi còn sống, đã phải chịu cảnh đau đớn khốn cùng sau khi chết. Ông Ladarô
đau khổ, khốn cùng khi còn sống, đã được an ủi, được ở vị trí tốt nhất, hạnh
phúc nhất, sau khi chết. Có thể nói là ông không phải trải qua một phút giây
nào trong nơi dành cho kẻ chết. Ông được các thiên sứ rước thẳng lên đưa vào
lòng tổ phụ Ápraham. Ông đã được hưởng mối phúc của người cùng khổ trong khi
còn sống trên dương gian, còn ông nhà giàu chuốc lấy sự khốn khổ của người quá
giàu có dư thừa trên dương gian. Nhìn thoáng qua, ông Ladarô dường như không có
công trạng gì rõ ràng để đáng được thưởng cả.[21]
Tuy thế, nếu đặt ông trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu,
hành trình tiến vào cuộc khổ nạn, vác thập giá và cuối cùng chịu chết trên thập
giá, thì quãng đời đói khổ trăm bề của ông là một hành trình thập giá bước theo
Đức Giêsu trọn vẹn. Tương tự, dựa trên lời của tổ phụ Ápraham, ông nhà giàu dường
như không có gì đáng trách cả. Ông Ápraham chỉ nói rằng vì cả đời con nhận tất
cả những điều tốt lành rồi, nên giờ con phải chịu cùng khổ. Tuy nhiên, việc ông
nhà giàu hy vọng năm người anh em còn lại của mình “sẽ hoán cải” (Lc 16,30),
cho thấy rằng ông đã nhận ra lối sống của mình có vấn đề.[22]
Hoán cải là một tiến trình thay đổi trí lòng để suy nghĩ và hành động theo
thánh ý Chúa. Nghe theo “Môsê và các Ngôn Sứ”, nghĩa là nghe theo lời dạy của
Sách Thánh là con đường hoán cải mà ông Ápraham đề xuất cho năm người anh em
này. Có lẽ ông nhà giàu đã nhận ra rằng mình quá thỏa mãn, no đủ trong lối ăn mặc
hưởng thụ xa hoa của mình mà quên đi người anh em nghèo khổ ở trước cổng nhà
mình. Bao nhiêu ngày ông vui sướng tiệc tùng là bấy nhiêu ngày ông Ladarô đau
khổ, đói khát, ao ước được ăn no từ những gì rơi xuống từ bàn tiệc của ông. Sự
xuất hiện của những con chó càng khắc họa rõ nét sự dửng dưng của ông nhà giàu
và số phận bi thảm của ông Ladarô. Sự tồn tại của những con chó khiến cho giấc
mơ được ăn no từ những gì rơi từ bàn ăn xuống tan thành mây khói, vì những mảnh
vụn rơi xuống từ bàn ăn vốn là những thức ăn dành cho những con chó. Hình ảnh
những con chó hằng ngày đến liếm các vết thương vừa tỏ lộ một niềm an ủi nhỏ
nhoi cho ông Ladarô, vừa cho thấy sự thấp kém của người nhà giàu trong nền văn
minh tình thương. Có thể nói rằng, sự nhạy cảm của ông với đau khổ của những
người cùng khổ, không bằng sự nhạy cảm của những con chó. Trong đau đớn khốn
cùng, ông bỗng nhận ra lỗi lầm và ao ước một tương lai khả quan hơn cho năm người
anh em còn lại. Cách duy nhất để tránh đi vào nơi cùng khổ là “hoán cải”. Cách
thức hoán cải của những người nhà giàu có thể giống như cách thức của ông
Dakêu, phân phát phân nửa tài sản cho người nghèo, và đền gấp bốn cho những cái
mà ông đã chiếm đoạt (Lc 19,8); hay là làm theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy
dùng tiền của bất chính mà tạo lấy người thân, hầu khi hết tiền của, họ sẽ đón
rước anh em vào chiếc lều vĩnh cửu” (Lc 16,9). Ông Ladarô vẫn còn ở cổng nhà.
Những người giàu phải nhanh chóng nối kết với ông bằng hành động yêu thương,
chia sẻ, săn sóc, trước khi quá muộn.[23]
Cuối cùng, sự hoán cải đầy đủ phải bao gồm sự từ bỏ tất cả những gì mình có, thậm
chí mạng sống mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà đi theo Đức Giêsu (Lc
9,23; 14,27; Cf. Mc 10,29; Mt 16,25;).
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Hebrew šĕ’ôl refers
to the place of the dead, but most times does not appear to mean anything more
than “the grave” or “death.” Israel’s neighbors did not use this word to
describe life after death, and the OT gives almost no information about šĕ’ôl other than that it is down, dark, and silent. Hądēs, the word
the LXX typically uses to translate šĕ’ôl, referred in Greek thought first to the god of
the underworld and then to the place. Various descriptions of the place of the
dead appear in Greek writings, and especially in Judaism a variety of
eschatological conceptions is attested from 1 Enoch on. Sometimes the places of both punishment and reward are in the
heavens, and sometimes both the wicked and the righteous are in hądēs — note
that Jesus is assumed to be in hądēs in Acts
2:27 [K.R.
Snodgrass, Stories with Intent. A
Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 334].
[2] J. D. M. Derrett, “Fresh Light on St. Luke XVI: II. Dives
and Lazarus and the Preceding Sayings,” NTS
7 [1961], 364-380; “it is a fitting
name for the beggar in this parable, who was not helped by a fellow human
being, but in his afterlife is consoled by God”
[ J.A. Fitzmyer, The
Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven
– London 2008) 28A, 1131].
[3]
“We are told, he is covered with sores—a condition that undoubtedly marked him
as unclean. The term used in his description suggests that Lazarus would even
have been regarded as suffering from divine punishment” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grands Rapids
1997) 605].
[4] “His garments, described in OT
terms (Prov 31:22), insinuate that he lived like a king. “Purple and fine
linen” were also the gifts given to Sarai, when Pharaoh restored her to her
husband in the Genesis Apocryphon”
(1QapGen 20:31) (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV,
1130).
[5] “Purple was rare and expensive because of the difficult
process of obtaining the best dye from marine snails.” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 329);
“Phải mất 60.000 con ốc sên biển để làm được 1 pound chất nhuộm đỏ tía, làm cho
nó trở nên hiếm và đắt giá. Có loại chất nhuộm đỏ tía rẻ hơn và kém chất lượng
hơn được làm từ cây cỏ và rể cây thiên thảo” [vănThanh Nguyễn, “Acts”, The Jerome Biblical Commentary for the
Twenty-first Century (ed. J. J. Collins et al.) (London – New York – New
Delhi – Oxford – Sydney 2020) 1501].
[6] “The pass. of ballein is often used to describe an
afflicted person, bedridden or crippled. See Rev 2:22; Matt 8:6, 14; 9:2” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1131); “Lazarus has no
home, but has been thrown down at the wealthy man’s gate. This may
mark him as a cripple (cf. Matt 8:6, 14; 9:2; Rev 2:22), a condition that would
help to explain his tragic circumstances”
(J.B. Green, The Gospel of Luke,
606).
[7]
“Legends concerning King Agrippa II have it that, on a daily basis, he hosted a
meal of banquet proportions this is precisely the picture Jesus paints of this
wealthy man. In the story of the lost son (15:11–32), a feast is used to signal
a special occasion, with a calf killed in order to feed as many as a hundred
guests” (J.B. Green, The Gospel of Luke,
605).
[8] “The food that fell from the rich man’s table is not food
that fell accidentally, but pieces of bread used to
wipe the hands that
were then thrown under the table”
(K.R. Snodgrass, Stories with Intent,
329).
[9]
“Lazarus longed to eat what was apparently scavenged by dogs from the food that
fell from the wealthy man’s plentiful table. These would have included morsels
of food that fell from the table, to be sure, but also the loaves of bread that
served as napkins and were then tossed from the table at the daily repast”
([J.B. Green, The Gospel of Luke,
606, trích lại trong Jerimias, Parables,
184; Herzog, Parables, 118).
[10] Tác giả J. Fitzmyer có cái nhìn
tiêu cực về sự hiện diện của những con chó: “The attention of the dogs has only
added to his miseries. The description of the beggar is vivid and detailed to
bring out the lack of concern for him on the part of the rich man” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1132).
[11]
“These curs have not come to “lick his wounds” (as we would say), but to abuse
him further and, in the story, to add one more reason for us to regard him as
less than human, unclean, through-and-through an outcast” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 606).
[12] “left unburied by human beings,
he was carried off by heavenly beings. This seems to reflect the belief found
in Shepherd of Hermas, Vis. 2.2, 7; Sim. 9.27, 3; and still later in
Diogenes Laertius, Lives 8.3” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1132); “In Jewish
tradition, to be refused burial, to be left exposed as carrion for scavenger
animals (like dogs, v 21), was tantamount to bearing the curse of God” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 607).
[13] “The bosom of Abraham is clearly an image of honor and may
also point to intimacy (as in John 1:18), but
most likely Luke intends his reader to think of the
eschatological banquet (13:28-30) and of Lazarus having the place of honor at
the table next to Abraham (cf. John 13:23)” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 330); “J. Green nghĩ rằng cả hai người đều ở
trong âm phủ, chỉ là khoảng cách xa nhau thôi (x. J.B. Green, The
Gospel of Luke, 607). Điều này có vẻ không hợp lý, vì hai vị trí thập cao
khác nhau và có vực thẳm ngăn cách giữa hai bân.
[14] “The rich man recognizes the
beggar and mentions him by name. This detail implies that he was known to the
rich man in life as the beggar at his door. His request is callous, stemming
from his selfish concern” (J.A. Fitzmyer,
The Gospel according
to Luke X–XXIV, 133).
[15] “That the rich man calls Abraham “father” and Abraham calls
him “child” creates an oxymoron: a child of Abraham is in the place of torment.
In this way the parable reinforces the warning in Matt 3:8-10/Luke 3:8-9 that
no one should presume to say “We have Abraham as father.” Rather, the children
of Abraham are those who obey Moses and the prophets and share their wealth
with the poor”
(K.R. Snodgrass, Stories with Intent,
333-334.)
[16] “an unbridgeable gulf between
the locale of bliss and that of torment” (J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1133).
[17] “might go as an eyewitness and
bear testimony under oath (BAGD 186; cf. Acts 18:5), not only that there is a
life after death, but that retribution for one’s conduct is part of it” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1134).
[18] Xem thêm “Mô-sê, cách Ngôn Sứ
và các Thánh Vịnh” trong LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα
ζωῆς αἰωνίου: CHIA TAY TRONG NIỀM VUI. Chú Giải Tin Mừng CN Chúa Thăng Thiên,
Năm C (Lc 24,46-53) (josephpham-horizon.blogspot.com)
[19]
“The idea of the dead returning to visit the living was common in the ancient
world, with some literary expressions of this idea oriented toward the return
of the dead for the purpose of revealing his or her own fate or the fate of
others in the next world” (J.B. Green, The
Gospel of Luke, 609).
[20]
““Hearing” has a prominent role in Luke-Acts, where it either entails belief or
is a necessary precursor to faith or repentance. “To repent,” especially in
Acts, is often mentioned explicitly as the appropriate response to God’s
salvific work; in the Gospel, it is sometimes portrayed as radical renunciation
of one’s possessions (e.g., 5:11, 28; 12:32–34; 14:25–33)” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 609).
[21] “No reason is given for Lazarus’s positive fate, a narrative
move that engages the reader. At least though, the parable must be understood
as expressing God’s identification with the poor” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 333).
[22] “The fact that he wants his brothers to repent (v. 30) shows
that he recognizes his own error. Surely his judgment is based on the injustice of the juxtaposition of his wealth and Lazarus’s poverty and his neglect to do anything about
it”
(R.Bauckham, “The Rich Man and Lazarus:
The Parable and the Parallels”, The Fate of the Dead. Studies on the Jewish and
Christian Apocalypses (NovTSup 93; Leiden 1998) 104-107; R.L. Rohrbaugh, The Biblical Interpreter. An Agrarian Bible in an Industrial Age
(Philadelphia 1978) 78-85.333).
[23] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 336.