Friday, 4 February 2022

TỪ NGHỀ NGƯ PHỦ ĐẾN ƠN GỌI TÔNG ĐỒ. Chú giải Tin Mừng CN V TN C (Lc 5,1-11)

 Bản văn và dịch sát nghĩa 

Hy Lạp

Việt

1 Ἐγένετο δὲ ἐν τῷ τὸν ὄχλον ἐπικεῖσθαι αὐτῷ καὶ ἀκούειν τὸν λόγον τοῦ θεοῦ καὶ αὐτὸς ἦν ἑστὼς παρὰ τὴν λίμνην Γεννησαρὲτ

 2  καὶ εἶδεν δύο πλοῖα ἑστῶτα παρὰ τὴν λίμνην· οἱ δὲ ἁλιεῖς ἀπ᾽ αὐτῶν ἀποβάντες ἔπλυνον τὰ δίκτυα.

 3  ἐμβὰς δὲ εἰς ἓν τῶν πλοίων, ἦν Σίμωνος, ἠρώτησεν αὐτὸν ἀπὸ τῆς γῆς ἐπαναγαγεῖν ὀλίγον· καθίσας δὲ ἐκ τοῦ πλοίου ἐδίδασκεν τοὺς ὄχλους.

 4  Ὡς δὲ ἐπαύσατο λαλῶν, εἶπεν πρὸς τὸν Σίμωνα· ἐπανάγαγε εἰς τὸ βάθος καὶ χαλάσατε τὰ δίκτυα ὑμῶν εἰς ἄγραν.

 5  καὶ ἀποκριθεὶς Σίμων εἶπεν· ἐπιστάτα, δι᾽ ὅλης νυκτὸς κοπιάσαντες οὐδὲν ἐλάβομεν· ἐπὶ δὲ τῷ ῥήματί σου χαλάσω τὰ δίκτυα.

 6  καὶ τοῦτο ποιήσαντες συνέκλεισαν πλῆθος ἰχθύων πολύ, διερρήσσετο δὲ τὰ δίκτυα αὐτῶν.

 7  καὶ κατένευσαν τοῖς μετόχοις ἐν τῷ ἑτέρῳ πλοίῳ τοῦ ἐλθόντας συλλαβέσθαι αὐτοῖς· καὶ ἦλθον καὶ ἔπλησαν ἀμφότερα τὰ πλοῖα ὥστε βυθίζεσθαι αὐτά.

 8  Ἰδὼν δὲ Σίμων Πέτρος προσέπεσεν τοῖς γόνασιν Ἰησοῦ λέγων· ἔξελθε ἀπ᾽ ἐμοῦ, ὅτι ἀνὴρ ἁμαρτωλός εἰμι, κύριε.

 9  θάμβος γὰρ περιέσχεν αὐτὸν καὶ πάντας τοὺς σὺν αὐτῷ ἐπὶ τῇ ἄγρᾳ τῶν ἰχθύων ὧν συνέλαβον,

 10  ὁμοίως δὲ καὶ Ἰάκωβον καὶ Ἰωάννην υἱοὺς Ζεβεδαίου, οἳ ἦσαν κοινωνοὶ τῷ Σίμωνι. καὶ εἶπεν πρὸς τὸν Σίμωνα Ἰησοῦς· μὴ φοβοῦ· ἀπὸ τοῦ νῦν ἀνθρώπους ἔσῃ ζωγρῶν.

 11  καὶ καταγαγόντες τὰ πλοῖα ἐπὶ τὴν γῆν ἀφέντες πάντα ἠκολούθησαν αὐτῷ.

 (Lk. 5:1-11 BGT)

1 Chuyện xảy ra là khi đám đông chen lấn Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa và khi Người đang ở bên bờ hồ Ghênnêxarét,

2 Người thấy hai chiếc thuyền bên bờ hồ, trong khi những ngư phủ đã ra khỏi thuyền, và đang giặt lưới.

3 Sau khi lên một chiếc thuyền, chiếc thuyền của ông Simôn, Người yêu cầu ông chèo ra xa khỏi đất liền một chút, và sau khi ngồi xuống, Người dạy đám đông từ chiếc thuyền.

4 Sau khi dừng buổi giảng dạy, Người nói cùng ông Simôn: “Hãy đẩy thuyền vào chỗ nước sâu mà thả lưới để bắt [cá]”

5 và để trả lời, ông Simôn nói rằng: “Thưa thầy, chúng con đã làm việc cật lực suốt đêm mà không bắt được gì, nhưng dựa trên lời của thầy, con sẽ thả lưới.”

6 Sau khi làm điều ấy, họ bủa vây được rất nhiều cá, khiến lưới của họ cứ rách ra.

7 Và họ ra hiệu cho những bạn chài trên chiếc thuyền khác đến trợ giúp họ. Những người này đến và làm đầy cả hai thuyền đến nỗi họ bắt đầu chìm.

8 khi thấy như vậy, ông Simôn Phêrô quỳ gối xuống trước Đức Giêsu và nói rằng: “Hãy đi khỏi con vì con là con người tội lỗi, lạy Chúa”

9 vì ông và tất cả những người ở với ông đều kinh ngạc vì mẻ cá mà họ bắt được.

10 hai ông Giacôbê và Gioan, những người con của ông Dêbêđê, những bạn chài của ông Simôn cũng vậy, và Đức Giêsu nói cùng ông Simôn: “Đừng sợ! Từ bây giờ ông sẽ là người đánh bắt người ta”

11 Sau khi mang thuyền vào đất liền, và bỏ hết mọi sự, họ đi theo Người.

B

        Bối cảnh: Lc 5,1-11 nằm sau đoạn Tin Mừng nói về ơn gọi rao giảng Tin Mừng cho các thành khác của Đức Giêsu: “Tôi phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa vì tôi được sai đến cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Câu chuyện Lc 5,1-11 là sự hiện thực hoá sứ vụ ấy khi Đức Giêsu di chuyển đến thánh Ghennêxarét để giảng dạy. Người đã tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên để cộng tác và tiếp nối sứ vụ giảng dạy của Người. Chủ đề tuyển chọn người tội lỗi làm Tông Đồ trong đoạn này lại được tiếp nối bằng câu chuyện tuyển chọn nhân viên thuế vụ tên là Lêvi, với tuyên bố chắc nịch về mục đích của Đức Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính mà để kêu gọi những người tội lỗi” (Lc 5,27-32). Đây cũng là chủ đề diễn tả sứ vụ của Đức Giêsu được diễn tả trong toàn Tin Mừng: Là bạn bè của những người tội lỗi, là người giải thoát những ai bị tù ngục và cùng khổ (4,18-19). Nô lệ tội lỗi là hình thức tù ngục tệ hại nhất của phận người. Ngược với sự đáp trả nhiệt thành quảng đại của những người tội lỗi là sự kỳ thị, đối kháng, nghi ngờ của nhóm Kinh Sư và Pha-ri-sêu (5,17-26).

        Cấu trúc: Câu chuyện Lc 5,1-11 gồm có phần bối cảnh nói về một buổi giảng dạy bên bờ hồ Ghennêxarét. Sau khi giảng dạy, Đức Giêsu chứng tỏ Người có uy quyền giảng dạy bằng một phép lạ chuyển bại thành thắng cho ông Simôn và các bạn chài lưới. Trước mẻ cá lạ lùng, ông Simôn kinh ngạc và thú nhận thân phận tội lỗi của mình. Phần kết là ơn gọi của ông Simôn và đồng bạn.

Bối cảnh: Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ Ghennêxarét (5,1-3)

Thả lưới cá: Từ thất bại đến thành công (5,4-7)

Phản ứng của ông Phêrô và đồng bạn: Ngạc nhiên và cảm thấy bất xứng (5,8-10a)

Ơn gọi lưới người ta: Mời gọi và đáp trả (5,10b-11)

Một số điểm chú giải

1.     Hồ Ghennêxarét: Ở miền bắc đất Palestin có một hồ nước ngọt lớn thường được gọi là hồ Galilê, với chiều dai khoàng 21 kilômét và chiều ngang khoảng 13 kilômét. Hồ nằm sâu 209 mét dưới mực nước biển, và là hồ nước ngọt thấp nhất trên thế giới. Cùng với sông Giorđan, hồ Galilê là nguồn cung cấp nước chính yếu cho toàn lãnh thổ Palestin. Hồ Galilê thường được gọi với ba tên khác nhau trong các sách Tin Mừng: Hồ Galilê (Mt 4,13.18; 15,29; Mc 1,16; 7,31; Ga 6,1), hồ Ghennêxarét (Mt 14,34; Mc 6,53; Lc 5,1) và hồ Tibêria (Ga 6,1; 21,1). Được gọi là hồ Ghennêxarét vì bên cạnh bờ hồ có một quận có tên gọi là Ghennêxarét[1], và tên gọi Tibêria cũng có nguồn gốc tương tự, nhưng Tibêria là một thành phố phát triển giàu có hơn Ghennêxarét. Ngoài câu chuyện này, Ghennêxarét còn gắn liền với chuyện người ta mang tất cả những người bệnh đến với Đức Giêsu và Người đặt tay chữa lành chúng tất cả (Mt 14,34-36; Mc 6,53-56).

2.     Hai chiếc thuyền bên bờ hồ: Việc giới thiệu hai chiếc thuyền ngay từ khởi đầu nhằm chuẩn bị cho sự kiện ông Phêrô làm hiệu cho những người bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp khi ông kéo được mẻ cá lạ lùng.[2] Một chiếc thuyền của ông Simôn, và chiếc thuyền kia rất có thể là của ông Giacôbê và Gioan. Chiếc thuyền cũng là hình ảnh của đoàn lữ hành trần gian, hay Giáo Hội. Đây là một trong những hình ảnh quen thuộc với dân chúng sống chung quanh hồ Galilê và cho chính các môn đệ là những người chài lưới. Đức Giêsu và các môn đệ thường thực hiện những chuyến hải trình bằng thuyền, trên biển hồ Galilê và cũng đã từng trải qua sóng gió với nhau (Mc 6,45-51; Mt 14,22-33; Ga 6,16-21). Hình ảnh những chiếc thuyền ở bên bờ, và các ngư phủ đã ra khỏi thuyền, cho thấy chiếc thuyền không đi chuyển, bị dộng, nhưng với sự xuất hiện của Đức Giêsu nói lại trở lại chuyển động. Trước tiên, chiếc thuyền trở thành bục giảng lý tưởng của Đức Giêsu. Sau nữa, nó lại một lần nữa ra khơi theo lệnh của Chúa và chở về nhiều cá.

3.     Người dạy đám đông từ chiếc thuyền: Bờ hồ là khung cảnh để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi sau đó. Đó cũng là nơi thuận tiện để tập trung dân chúng trong bối cảnh giảng dạy: Người dạy ở trên thuyền và người nghe ở trên bờ. Gió biển hồ cũng là một yếu tố thuận lợi mà Đức Giêsu có thế lợi dụng để giọng nói được vang xa hơn, trong thời đại mà hệ thống khuếch đại âm thanh chưa được phát minh. Động từ dạy được chia ở thì chưa hoàn thành diễn tả hành động kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Giảng dạy là hoạt động chính yếu của Đức Giêsu. Trong phần giới thiệu tổng quát, tác giả Luca đã giới thiệu là Đức Giêsu trở về Galilê với quyền năng Thánh Kinh và “cứ dạy trong các hội đường của họ” (Lc 4,15). Tác giả Máccô ghi lại rất nhiều lần Đức Giêsu giảng dạy (Mc 1,21; 2,13; 4,2; 9,31; 10,1; 11,17). Nội dung lời giảng dạy không được ghi chú và phản ứng của dân chúng cũng không được ghi chú.

4.     Chỗ nước sâu: Chỗ nước sâu là chỗ dành cho những con cá lớn. Đánh bắt xa bờ là đánh bắt ở chỗ nước sâu và ngư phủ luôn đánh bắt được cá lớn hơn, với số lượng lớn hơn so với việc đánh bắt gần bờ. Chỗ nước sâu cũng là biểu tượng cho hành trình truyền giáo của các môn đệ và các tín hữu sau này, họ phải thực hiện những chuyến hải trình xa xôi vượt biển khơi, đi vào sâu trong lòng thế giới để loan Tin Mừng, thực hiện sứ vụ “đánh bắt người ta” như Đức Giêsu mời gọi sau đó.

5.     Làm việc cật lực suốt đêm … không bắt được gì: Động từ “lao động cật lực” (κοπιάσαντες) cùng với ngữ trạng từ “suốt cả đêm” (δι᾽ ὅλης νυκτὸς) được đặt trước động từ như để nhấn mạnh thời gian lao động hết sức: “Thưa thầy, suốt cả đêm chúng con đã làm việc cật lực mà không bắt được bất cứ một con cá nào”. Đại từ bất định, mang nghĩa phủ định (οὐδὲν), bổ nghĩa cho động từ “bắt” nhấn mạnh sự thất bại toàn tập của chuyến đánh cá vừa qua của ôn Simôn và đồng bạn. Câu trả lời của ông Simôn không chỉ diễn tả sự thất vọng, chán chường của ông, mà còn là một lời thách thức cho Đức Giêsu, người thầy chỉ biết giảng dạy Tin Mừng. Trạng từ thời gian ban đêm (νυκτὸς) đối lại với thời gian “ban ngày”. Thời gian lưới cá vất vả suốt đêm của các ngư phủ không mang lại được kết quả nào, đối lại với thời gian “lưới người” ban ngày của Đức Giêsu mang lại sự bội thu.[3] Cụ thể, Người thu nhận được bốn môn đệ ngon lành sau chuyến giảng dạy này. Cũng một chiếc thuyền ấy, những người đánh cả chuyên nghiệp không thu lượm được con cá nào, nhưng sứ giả Tin Mừng thu lượm được cả cá, lẫn người.

6.     Lời của thầy: Lời mà Đức Giêsu nói cùng ông Simôn Phêrô song song với Lời của Thiên Chúa mà đám đông chen lấn để nghe vào đầu câu chuyện này (5,1). Đám đông đã nghe Lời Chúa và không phản ứng gì còn ông Simôn nghe lời Đức Giêsu và đã làm theo. Lời của Đức Giêsu trong bối cảnh cụ thể là “hãy mang thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu trong bối cảnh toàn bộ Tin Mừng, là toàn bộ lời rao giảng, những hành động và lối sống của Người. Những người dám nghe và thực hành lời của Đức Giêsu được ví như “người khôn xây nhà trên đá, dù mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24; Lc 6,47). Lời của Đức Giêsu là Thần Khí và là sự sống (Ga 6,63) và giữ lời của Đức Giêsu là chứng tỏ rằng mình yêu mến Người: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu mến người ấy. Cha Ta và Ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Nghe lời của Đức Giêsu, nghĩa là làm theo những điều người dạy và hơn nữa rập khuôn theo lối sống của Người. Câu trả lời của ông Simôn, “nhưng theo lời Thầy con xin thả lưới”, âm vang câu trả lời của Đức Maria trong Lc 1,34.38.[4] Dù Đức Maria thấy khó hiểu điều sứ thần nói, nhưng bà đã thuận theo thánh ý Chúa.

7.     Vây được rất nhiều cá: Hiệu quả của việc làm theo lời của Đức Giêsu là “vây được rất nhiều cá”. Đây là một hình ảnh đẹp trong loạt những hình ảnh đối nghịch nhau diễn tả sự chuyển động từ tiêu cực đến tích cực, từ đêm đến sáng, từ không có gì đến có nhiều. Những hình ảnh đối nghịch có thể kể đến là: Thầy dạy và các ngư phủ chuyên nghiệp; đêm và ngày; làm việc cật lực và làm việc nhẹ nhàng; suốt đêm và một khoảnh khắc ban ngày; không bắt được gì và vây được nhiều cá đến nỗi lưới cứ rách ra; một thuyền ra khơi và hai thuyền đầy cá đến nỗi gần chìm; một mình ông Simôn làm theo lời Đức Giêsu và cuối cùng tất cả các bạn chài cùng tham gia. Lưới rách ra vì nhiều cá có lẽ là kinh nghiệm đầu tiên trong cuộc đời của Simôn và đồng bạn.[5] Tất cả đều kinh ngạc trước mẻ cá này.

8.     Người tội lỗi: Sau mẻ cá lạ lùng ông Phêrô như bị khuất phục hoàn toàn.[6] Trái với nổi thất vọng, chán chường và lời nói có vẻ thách thức trước đó, giờ đây ông quỳ gối xuống trước mặt Đức Giêsu. Ông Simôn, trong khoảnh khắc chấn động của nội tâm, không còn nghĩ gì đến chiếc thuyền đầy cá. Điều ông nghĩ đến duy nhất lúc ấy là thân phận tội lỗi của mình. Đó là một cuộc gặp gỡ đích thực giữa Đấng “giải thoát dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21), Đấng thường lui tới ăn uống, bầu bạn với những người thu thuế và những người tội lỗi (Lc 15,1-3) và một tội nhân. Không ai biết được ông Simôn, một người chài lưới chất phác, có tội gì ghê gớm, nhưng thái độ của ông cho thấy một cuộc tiếp xúc thật sự giữa sự thánh thiêng và cái gì đó phàm tục, giữa nhân loại tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện. Sự nhạy cảm ấy làm cho ông nhận ra mình bất xứng, tanh hôi trước Đấng Thánh của Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc hối hận này là hình ảnh báo trước cho một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định vận mạng của ông sau này. Trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu ông đã chối Đức Giêsu ba lần, nhưng Đức Giêsu đã đoái nhìn đến ông với một đôi mắt nhân từ, nhờ đó, ông đã thay đổi hoàn toàn.

9.     Thưa thầy (ἐπιστάτα)…lạy Chúa (κύριε): Cách xưng hô của ông Simôn đã biến đổi từ “thưa thầy” (epistates) cho đến “lạy Chúa” (Kyrios). Danh xưng “thầy” (epistates) là danh xưng dành cho Đức Giêsu chỉ có trong Tin Mừng Luca.[7] Ông Phêrô là người sử dụng nhiều nhất. Có đến bốn lần (trong toàn bộ sáu lần), ông dùng danh xưng này để gọi Đức Giêsu (Lc 5,5 ; 8,24.45 ; 9,33). Ngoài ông Phêrô, ông Gioan cũng dùng danh xưng này một lần để gọi Đức Giêsu (Lc 9,49). Không chỉ các môn đệ mà những người phong hủi cũng gọi Đức Giêsu với danh xưng này: “Lạy thầy Giêsu xin thương xót chúng tôi” (Lc 17,13). Điều này cho thấy rằng đây là danh xưng phổ biến mà người ta dành cho một bậc thầy thời ấy chứ không phải là cách gọi riêng của các môn đệ dành cho thầy mình. So với danh xưng “epistates” (thầy), danh xưng “kyrios” (chủ, Chúa, Ngài) được dân chúng, cũng như các môn đệ dùng nhiều hơn trong Tin Mừng để gọi Đức Giêsu. Riêng trong Tin Mừng Luca, có đến 18 (trong toàn bộ 27 lần) lần danh xưng này được dùng cho Đức Giêsu. Những nhân vật dùng danh xưng này cho Đức Giêsu bao gồm: Các môn đệ (9,54; 10,17; 11,1 ; 17,37; 22,38.49), những người được gọi (9,59.61), người phong hủi (5,12), một người nào đó (13,23), người mù (18,41), người đại đội trưởng (7,6), cô Mát-ta (10,40), ông Dakêu (19,8). Riêng ông Phêrô gọi Đức Giêsu bằng danh xưng này ba lần (5,8; 12,41; 22,33). Ngoài lần này (5,8), ông còn gọi Đức Giêsu để hỏi rằng liệu Đức Giêsu dùng dụ ngôn “đầy tớ sẵn sàng chờ đợi chủ » cho riêng các môn đệ hay cho tất cả mọi người (Lc 12,35-41). Lần thứ hai là lần ông long trọng hứa với Đức Giêsu sẽ cùng chết với Người: “Lạy Chúa, con sẵn sàng đi với Người vào tù hay vào cõi chết” (22,33). Như vậy, có thể nói rằng, bình thường ông Phêrô hay dùng danh xưng “thầy” (epistates) để gọi Đức Giêsu nhưng trong những phát biểu quan trọng, ông dùng danh hiệu “Chúa, chủ, Ngài”. Đặc biệt trong trình thuật này, ông đã có hai cách dùng khác nhau, cách gọi đầu tiên (thưa thầy !), dùng để diễn tả sự tôn trọng dành cho một vị thầy dạy, trước khi xảy ra phép lạ; cách thứ hai (Lạy Chúa !), dùng để diễn tả sự nhận biết về một ngôn sứ của Chúa, cùng với sự thánh thiêng của Người, đồng thời lột trần thân phận tội lỗi của ông.

10.  Bỏ hết mọi sự … Đi theo Người : Hai hành động này phải đi cùng với nhau. Muốn “đi theothì phải “từ bỏ”. Tính từ “tất cả” (πάντα) đi sau động từ “từ bỏ” diễn tả sự triệt  để của hành vi từ bỏ. Trong khi ông Simôn cầu xin Đức Giêsu: “Hãy đi khỏi con (ἔξελθε ἀπ᾽ ἐμοῦ), vì con là một con người tội lỗi”, Đức Giêsu lạị chọn gọi ông làm những người “đánh bắt người ta”. Ngữ giới từ “từ bây giờ” được dùng nhiều lần trong các tác phẩm của tác giả Luca (1,48 ; 2,52 ; 22,18.69 ; Cv 18,6) nhấn mạnh sự cắt đứt với quá khứ của ông Simôn và các môn đệ. Sự cắt đứt dứt khoát này được cụ thể hoá trong việc bỏ mọi sự và đi theo Đức Giêsu (5,11).[8] Đây quả thực là một kết quả mỹ mãn cho lần giảng dạy của Đức Giêsu trên bờ hồ Ghennêxarét. Đức Giêsu khởi đầu bằng việc giảng dạy cho dân chúng nhưng lại kết thúc bằng việc thu nhận bốn môn đệ đầu tiên. Khởi đầu câu chuyện, Người dùng thuyền của ông Simôn để giảng dạy và các ngư phủ dường như dửng dưng giặt lưới ngoài thuyền; kết thúc câu chuyện, ông Simôn làm theo lời Người, thả lưới, bắt được nhiều cá và nhất là bỏ hết mọi sự để theo Người. Sau phép lạ bắt được mẻ cá không tưởng, họ chợt nhận ra chân thiện mỹ, nhận ra lẽ sống và lối sống mà họ phải theo đuổi. Đó là sứ vụ theo Chúa. Sứ vụ ấy vượt xa khỏi những mối lợi kinh tế hay bất cứ thứ gì mà họ đã thu tích bấy lâu. Ông Simôn cùng đồng bạn là biểu tượng cho sự hoán cải (metanoia), thay đổi cuộc sống cách hoàn toàn để mặc lấy lối sống của Chúa. Sự tử bỏ của cải trong Tin Mừng Luca là biểu tượng của việc từ bỏ chính mình.[9]

Bình luận tổng quát

Lc 5,1-11 là câu chuyện nằm trong loạt trình thuật nói về việc giảng dạy và làm phép lạ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, trình thuật hiện tại là một trình thuật đặc trưng về ơn gọi Tông Đồ. Ơn gọi này phát xuất từ Đức Giêsu và với sự cộng tác của những người xem ra thấp hèn trong cái nhìn của những người đồng hương. Câu chuyện của Luca dường như là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai câu chuyện của hai tác giả Tin Mừng khác nhau. Câu chuyện thứ nhất của tác giả Máccô (và của Mátthêu), kể về việc Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20; Mt 4,18-22). Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của tác giả Gioan, kể về sự kiện Đức Giêsu phục sinh tỏ mình ra cho các môn đệ trên biển hồ Tibêria, lúc các ông đang quay về công việc đời thường. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa câu chuyện của Gioan và câu chuyện của tác giả Luca. Tác giả J. Fitzmyer liệt kê ít nhất 10 điểm khác giống nhau giữa hai câu chuyện này : (i) Các môn đệ đánh cá suốt đêm và không bắt được gì; (ii) Đức Giêsu chỉ dẫn đánh bắt cá lại ; (iii) Họ theo chỉ dẫn và lưới đầy cá; (iv) Mẻ cá ảnh hưởng đến chiếc lưới; (v) Ông Simôn phản ứng với mẻ lưới; (vi) Đức Giêsu được gọi là “Chúa”; (vii) Những người khác tham gia vào mẻ lưới nhưng không nói gì; (viii) Sự đi theo xảy ra vào cuối câu chuyện ; (xix) Mẻ cá biểu trưng cho sự thành công của nỗ lực truyền giáo; (x) Những từ giống nhau được sử dụng, đặc biệt là cách gọi tên kép Simôn Phêrô, vốn chỉ xảy ra trong câu chuyện này của tác giả Luca.[10] Sự kết hợp tài tình của tác giả Luca vừa giải quyết được thắc mắc về tình tiết gấp gáp ngắn gọn trong trình thuật Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Đức Giê-su đi ngang qua và gọi các ông); vừa lý giải tại sao tông đồ trưởng Simôn Phêrô có vị thế trổi vượt hơn các Tông Đồ khác. Sự việc thuyền của ông Simôn được chọn làm bục giảng và sau đó câu chuyện xảy ra với riêng ông dẫn đến việc ông được tuyển chọn đầu tiên cho thấy ông có vị thế nổi bật so với những môn đệ còn lại, những người tham gia vào lời mời gọi của ông và đáp trả cùng với ông.[11] Tác giả Luca cho thấy sự kiện Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên có khung cảnh là một dấu lạ làm cho các ông phải khuất phục.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc đám đông chen lấn Đức Giêsu để nghe Lời của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa là lời được Đức Giêsu giảng dạy và cũng là chính Đức Giêsu. Nội dung lời giảng dạy không được ghi lại. Chỉ biết rằng, sau khi kết thúc giảng dạy Đức Giêsu dường như tách khỏi đám đông để gặp gỡ một con người cụ thể. Người đó chính là chủ của một trong hai chiếc thuyền trống mà Đức Giêsu đã chọn làm bục giảng. Simôn Phêrô được diễn tả là một trong những người đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới sau một đêm làm ăn thất bại. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại “lôi” ông vào thuyền để đưa chiếc thuyền ra xa bờ một chút. Ông Simôn bỗng chốc trở thành người “trợ giảng bất đắc dĩ », chuẩn bị bục giảng cho thầy Giêsu. Có lẽ ông đã từng biết Đức Giêsu trước đó vì Người đã đến nhà bà mẹ vợ của ông để chữa lành bệnh sốt cho bà (Lc 4,38-39), nhưng không mấy ấn tượng. Hôm nay, Đức Giêsu đến gặp ông. Người từ bước đối thoại với ông. Sau những lời giảng dạy chung dành cho dân chúng từ chiếc thuyền của ông, Người lại mời gọi ông “mang thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Với kinh nghiệm của một người đánh cá chuyên nghiệp, ông đã cố gắng giải thích cho Đức Giêsu hiểu rằng lời khuyên của Người chẳng có ích gì. Họ đã vất vả làm việc suốt cả đêm mà không bắt được gì, thì bây giờ, giữa ban ngày làm sao bắt được cá. Hơn nữa, Đức Giêsu chỉ là một thầy giảng, biết gì về việc đánh cá mà khuyên. Tuy nhiên, vì cả nể thầy Giêsu, ông sẵn sàng thả lưới lại lần nữa. Có thể nói rằng, tuy ông không chen lấn để nghe Lời Chúa, nhưng ông đã nghe và làm theo chỉ dẫn của Đức Giêsu. Kết quả của cuộc đánh bắt, ban ngày, trong chốc lát, là quá sức tưởng tượng của ông. Phép lạ mẻ cá lạ lùng ấy đã giúp ông mở mắt ra và gặp được chính Chúa. Từ cách xưng hô “thưa thầy” như bao người khác, ông chuyển thành cách gọi dành cho thần linh “lạy Chúa”. Hơn nữa, ông bỗng nhận ra thân phận tội lỗi của mình trước một Đấng thánh thiện. Ông cảm thấy mình không xứng đáng được ở gần Đức Giêsu, và mời Người đi xa khỏi ông. Nghịch lý thay, Đức Giêsu lại muốn ông luôn ở bên cạnh Người, thậm chí còn đặt ông làm người đứng đầu nhóm Mười Hai. Đức. Đó là cách hành xử của Đấng Mêsiah đến để tìm và cứu những gì đã mất, để kêu gọi những tội lỗi ăn năn hối cải. Có thể nói rằng, ông Simôn đã nhạy cảm đủ để thấy mình nhơ bẩn trước sự tinh tuyền của Chúa. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nhận thức đủ tội lỗi của mình cho đến khi ông chối Chúa ba lần và gặp lại Chúa sau phục sinh trong câu chuyện của tác giả Gioan (Ga 21,1-19).

Có nhiều lúc trong cuộc đời, vào lúc thất bại trong công việc làm ăn thường ngày, chán chường, thất vọng, Đức Giêsu đi qua và giảng dạy. Người mời gọi những người thợ kinh nghiệm lâu năm dám tin vào Người để làm điều trái ngược với tự nhiên, như kiểu đánh cá giữa bàn ngày. Nếu dám tin và dám thử làm theo hướng dẫn của Đức Giêsu thì sẽ có dấu lạ. Dấu lạ của Chúa phải mang đến cho người ta nhận thức về sự hiện diện của Chúa trong đời mình và nhận ra con người mình cách rõ ràng, để rồi nhờ lòng nhân hậu Chúa, con người sẽ được biến đổi để nên giống Chúa hơn, và chỉ biết sống cho Chúa mà thôi.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] Gennesaret is the Greek name of a small, fertile, and heavily populated district west of the lake that some writers refer to as the Sea of Galilee” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 565].

[2] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids, 1997) 231; “In mentioning “two boats,” Luke consciously prepares for the miracle in v. 6 and the summoning of the second boat” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 566).

 [3] J.B. Green, The Gospel of Luke, 232.

[4] Ibid; L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1991) 90.

[5] Most transparent is the nexus between catching fish and proclaiming the word: success in fishing, under Jesus’ authority, is a prophetic symbol for the mission in which Peter and the others will participate, while Jesus himself, in his word and miraculous deed, is himself engaged in “catching” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 233).

[6]The miraculous regularly leads to faith in Luke; although Peter’s response is not explicitly one of faith, he does respond in trust and discipleship” (Ibid.).

[7] Only Luke uses it, whereas the Synoptic parallels have either didaskale, “Teacher,” or rabbi, “Rabbi” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 566).

[8]J.B. Green, The Gospel of Luke, 235.

[9]L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 90.

[10] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX,  561.

No comments:

Post a Comment