Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
17 Καὶ καταβὰς μετ᾽ αὐτῶν ἔστη ἐπὶ τόπου πεδινοῦ, καὶ ὄχλος πολὺς μαθητῶν αὐτοῦ, καὶ πλῆθος πολὺ τοῦ λαοῦ ἀπὸ πάσης τῆς Ἰουδαίας καὶ Ἰερουσαλὴμ καὶ τῆς παραλίου Τύρου καὶ Σιδῶνος, 18 οἳ ἦλθον ἀκοῦσαι αὐτοῦ καὶ ἰαθῆναι ἀπὸ τῶν νόσων αὐτῶν· καὶ οἱ ἐνοχλούμενοι ἀπὸ πνευμάτων ἀκαθάρτων ἐθεραπεύοντο, 19 καὶ πᾶς ὁ ὄχλος ἐζήτουν ἅπτεσθαι αὐτοῦ, ὅτι δύναμις παρ᾽ αὐτοῦ ἐξήρχετο καὶ ἰᾶτο πάντας. 20 Καὶ αὐτὸς ἐπάρας τοὺς ὀφθαλμοὺς αὐτοῦ εἰς τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ ἔλεγεν· Μακάριοι οἱ πτωχοί, ὅτι ὑμετέρα ἐστὶν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ. 21μακάριοι οἱ πεινῶντες νῦν, ὅτι χορτασθήσεσθε. μακάριοι οἱ κλαίοντες νῦν, ὅτι γελάσετε. 22 μακάριοί ἐστε ὅταν μισήσωσιν ὑμᾶς οἱ ἄνθρωποι καὶ ὅταν ἀφορίσωσιν ὑμᾶς καὶ ὀνειδίσωσιν καὶ ἐκβάλωσιν τὸ ὄνομα ὑμῶν ὡς πονηρὸν ἕνεκα τοῦ υἱοῦ τοῦ ἀνθρώπου· 23 χάρητε ἐν ἐκείνῃ τῇ ἡμέρᾳ καὶ σκιρτήσατε, ἰδοὺ γὰρ ὁ μισθὸς ὑμῶν πολὺς ἐν τῷ οὐρανῷ· κατὰ τὰ αὐτὰ γὰρ ἐποίουν τοῖς προφήταις οἱ πατέρες αὐτῶν. 24 Πλὴν οὐαὶ ὑμῖν τοῖς πλουσίοις, ὅτι ἀπέχετε τὴν παράκλησιν ὑμῶν. 25 οὐαὶ ὑμῖν, οἱ ἐμπεπλησμένοι νῦν, ὅτι πεινάσετε. οὐαί, οἱ γελῶντες νῦν, ὅτι πενθήσετε καὶ κλαύσετε. 26 οὐαὶ ὅταν ὑμᾶς καλῶς εἴπωσιν πάντες οἱ ἄνθρωποι· κατὰ τὰ αὐτὰ γὰρ ἐποίουν τοῖς ψευδοπροφήταις οἱ πατέρες αὐτῶν. (Lk. 6:17-26
BGT) |
17 Sau khi đi xuống
cùng họ, Đức Giêsu đứng ở một
nơi bằng phẳng. Tại đó, đám đông môn đệ của Người, và nhiều đám đông
dân chúng từ khắp miền Giuđê, cũng như từ miền duyên hải Tyros và Xiđônos, 18 những người đến
để nghe Người và để được chữa khỏi những bệnh tật của họ. Những kẻ bị các tinh
thần ô uế làm khổ, cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông
cứ tìm mọi cách để sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người đi ra, cứ chữa
lành tất cả. 20 Đức Giêsu ngước mắt lên về phía các môn đệ và nói: “Phúc cho những người nghèo khó, 21 “Phúc cho những người bây giờ đang đói, vì anh em sẽ được no đầy.
“Phúc cho những người bây giờ đang khóc, vì
anh em sẽ vui cười. 22 “Phúc cho anh em
khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, loại trừ, sỉ
vả và bị loại bỏ tên như những người xấu xa. 23 Ngày đó, anh em
hãy vui mừng và nhảy lên,
vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên
trời thật nhiều vì các ngôn sứ cũng đã từng bị
cha ông họ đối xử như thế. 24 “Nhưng khốn cho
các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã
được phần an ủi của mình rồi. 25 “Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no đủ,
vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những
kẻ bây giờ đang cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ và khóc than. 26 “Khốn cho các
ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn
sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế. |
Bối
cảnh: Bài giảng về các mối phúc và các mối hoạ của Đức Giêsu (Lc 6,17-26) được
tác giả Luca đặt trong bối cảnh ngay sau khi Đức Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai
(Lc 6,12-16). Những mối phúc và những mối hoạ này Đức Giêsu giảng trước tiên dành
cho các Tông Đồ, những người vừa được tuyển chọn. Chính vì thế, khởi đầu các mối
phúc Luca giới thiệu rằng, “Đức Giêsu ngước mắt lên về phía các môn đệ của Người,
nói rằng” (6,20).[1] Các mối phúc đề cập đến cái
phúc của những người bị thiệt thòi, bách hại đủ loại. Lời dạy của Đức Giêsu về
việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ghét mình (Lc 6,27-29) như
cách mà các môn đệ phải sống các mối phúc được dạy trước đó. Trong bối cảnh toàn
Tin Mừng, các mối phúc trong Tin Mừng Luca chia sẻ một phần nguồn văn với Tin Mừng
Mátthêu. Tác giả Mátthêu nói đến tám mối phúc trong khi đó tác giả Luca chỉ nói
bốn, nhưng thêm vào bốn mối hoạ, vốn không có trong Tin Mừng Mátthêu.
Cấu trúc: Lc 6,17-26 gồm có hai phần. Phần thứ nhất
giới thiệu tổng quát về sứ vụ giảng dạy và chữa lành của Đức Giêsu. Phần thứ
hai khai triển một bài giảng của Người theo cấu trúc song song. Bốn mối phúc
trong các thành phần A, B, C và D lần lượt song song với bốn mối họa trong các thành
phần A’, B’, C’ và D’. Mỗi thành phần diễn tả hai số phận trái ngược nhau của
hai loại người trong hai thời điểm khác nhau: Bây giờ và trong tương lai.
Giới thiệu tổng quát về sứ vụ giảng
dạy và chữa lành (6,17-19) Bốn mối phúc (6,20-23) A. Những
người nghèo khổ - Nước Thiên Chúa B. Những người
đói – Sẽ được no đầy C. Những
người đang khóc – sẽ cười D. Những
người bị bách hại – phần thưởng nhiều – các ngôn sứ Bốn mối hoạ (6,24-26) A’. Những
kẻ giàu có – đã được phần an ủi của mình rồi B’. Kẻ bây
giờ đang được no đủ – sẽ phải đói C’. Những
kẻ bây giờ đang cười – sẽ phải sầu khổ và khóc than D’. Những
người được mọi người ca tụng – các ngôn sứ giả |
Một vài điểm chú giải
1. Một
nơi bằng phẳng: Khác với tác giả Mátthêu, người diễn tả Đức Giêsu lên núi và
ngồi xuống trong tư thế giảng dạy của ông Môsê (Mt 5,1), tác giả Luca diễn tả Đức
Giêsu đi xuống núi và đứng tại một nơi bằng phẳng (Lc 6,17). Chính vì thế, bài
giảng của trong Tin Mừng Mátthêu thường được gọi là “Bài Giảng trên núi”, còn bài
giảng trong Tin Mừng Luca thường được gọi là “Bài Giảng dưới đồng bằng”.[2] Hơn
nữa, vị ngôn sứ Giêsu của tác giả Luca có một vị thế dường như bình dân hơn vị
ngôn sứ Giêsu của tác giả Mátthêu. Mátthêu nhấn mạnh đến Luật và ông Môsê vì độc
giả mà tác giả hướng đến trước tiên là những người Do Thái trở lại đạo và chưa
trở lại đạo. Luca không phác hoạ Đức Giêsu như là một ông Môsê mới vì độc giả ông
nhắm đến trước tiên là những người gốc dân ngoại trở lại đạo. Đồng bằng được phác
hoạ như là nơi Đức Giêsu gặp gỡ dân Người.[3] Người
ở giữa họ chứ không phải ở cao hơn họ.
2. Những
người nghèo – những kẻ giàu: Tác giả Mátthêu nói đến những người nghèo khó
về tinh thần. Đó là những người nghèo khó về vật chất, dẫn đến những khốn
khổ về tinh thần. Tác giả Luca nói cụ thể đến những người nghèo về
vật chất, nhưng không đề cập gì đến yếu tố tinh thần. Nghịch lý trong cách Thiên
Chúa đối đãi người nghèo và người giàu ở “trong những mối phúc” gợi nhớ đến số
phận những người mà Đức Maria đã đề cập đến trong bài ca tụng “Magnificat”: “Những
kẻ đói, Chúa làm cho thỏa mãn những điều tốt lành và những người giàu, Người đuổi
về tay trắng” (Lc 1,53). Những “người nghèo” là đối tượng đầu tiên được nhắm đến
trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Đấng Kitô: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo” (Lc
4,18; x. 7,22). “Những người nghèo” cũng là những thực khách mà Đức Giêsu đề xuất
chủ tiệc nên mời đầu tiên trong các bữa tiệc: “Khi đãi tiệc, ông hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14,13; x. 14,21). Nghịch lý giữa
số phận của những người nghèo và những người giàu ở đời này và đời sau được tác
giả Luca mô tả một cách sống động trong câu chuyện “ông nhà giàu và người ăn mày
Ladarô”, chỉ có trong Tin Mừng Luca (Lc 16,19-31). Trong khi “những người nghèo”
được ban thưởng “Nước Thiên Chúa”[4] (Lc
6,20), phần thưởng lớn nhất của đời người, “những người giàu” được báo trước những
ngăn trở lớn lao trên đường vào Nước Chúa: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,25; Mc 10,25; Mt 19,24). Một ví dụ
cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa là câu chuyện “người thủ lãnh giàu
có tham vấn về bí quyết để vào Nước Thiên Chúa. Trước lời khuyên “bán hết những
gì ông có mà phân phát cho người nghèo”, ông này đã buồn bã bỏ đi vì “ông rất
giàu” (Lc 18,18-23; 19,16-22; Mc 10,17-22). Người giàu có đã được nhận “phần an
ủi” rồi. Phần an ủi là điều gì đó mà người ta bám vào và thấy đủ. Phần an ủi của
những người giàu là sự giàu có của họ. Nó ngược lại với phần an ủi của người
nghèo là Nước Thiên Chúa.[5] Dĩ
nhiên, tác giả Luca không tuyệt đối hoá về số phận bi thảm của những người giàu
trước phần thưởng Nước Trời. Với câu chuyện hoán cải tuyệt vời của người đứng đầu
ngành thuế vụ tên là Gia-kêu (chỉ có trong Tin Mừng Luca), tác giả Luca đã cho
thấy ơn cứu độ vẫn có thể đối với người giàu (Lc 19,1-10). Tuy nhiên, họ phải có
sự thay đổi ngoạn mục bằng việc từ bỏ của cải và hướng đến người nghèo. Ông Giakêu
đã tặng phân nửa tài sản của ông cho người nghèo và xin đền gấp bốn cho những
thiệt hại mà ông đã gây ra cho người khác. Ông Giuse Arimathea cũng là một ví dụ
khác minh chứng cho ơn cứu độ dành cho người giàu (Mt 27,57). Điều này chứng tỏ
rằng không phải tất cả những người giàu có đều bị chúc dữ hết. Người giàu có bị
chúc dữ chỉ khi họ thỏa mãn trong những của cải và đam mê trần tục, mà không lo
tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu của tác giả Luca kể câu chuyện về một người
phú hộ, sau khi thu tích của cải lương thực đầy kho lẫm, đã tự nhủ rằng: “Hồn
ta hỡi mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, ăn uống
vui chơi cho đã”. Tuy nhiên, Chúa bảo ông ta rằng: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi
lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Cuối cùng, Đức Giêsu
kết luận rằng: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy đó” (Lc 12,16-21). Một loại người giàu
bị nguyền rủa nữa là những người ăn uống thỏa thuê, và dửng dưng những số phận
nghèo đói, cùng khổ chung quanh mình. Đức Giêsu của Luca cũng kể một dụ ngôn về
một ông nhà giàu mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc cho
một người cùng khổ tên là Ladarô ngày ngày nằm trước cổng nhà ông, thèm ăn những
thứ trên bàn rơi xuống (Lc 1619-31). Câu chuyện kết thúc với số phận trái ngược
giữa hai người sau khi chết: “Ông Ladarô được nằm trong lòng tổ phụ Ápraham”
trong khi ông nhà giàu “ở dưới âm phủ, đang chịu cực hình, bị lửa thiêu đốt”. Số
phận trái ngược của ông nhà giàu sau khi chết được tổ phụ Ápraham lý giải rằng:
“Con ơi, suốt cả đời, con đã nhận phần phước của con rồi; Còn Ladarô suốt một đời
chịu toàn những bất hạnh” (Lc 16,25).
3. Những
người đói – những kẻ no đầy: Cặp nghịch lý “phúc-hoạ” thứ hai như muốn
cụ thể hoá hơn cái nghèo. Những người đói dĩ nhiên cũng là những người nghèo.[6]
Trong khi Đức Giêsu của Mátthêu nói về sự “đói” và “khát” sự công chính (Mt
5,6)[7], tác
giả Luca dường như chỉ muốn nói đến cơn đói thể lý thật sự (những người đang đói).
Những người bây giờ đang đói sẽ được no đủ trong tương lai. Có thể tác giả Luca
muốn nói đến một sự no thoả trong bữa tiệc Nước Trời, vì người nghèo sẽ được làm
công dân Nước Trời và họ sẽ được no thỏa trong bữa tiệc Nước Trời. Đó là cái no
thỏa của anh Ladarô, khi được ở trong lòng tổ phụ Ápraham.
4. Những
người đang khóc – những kẻ đang cười[8]: Danh xưng “những
người đang khóc” diễn tả thân phận của những con người cùng khổ, khiến họ phải biến
thành những người luôn luôn khóc. Đó là số phận những người con Chúa bị bách hại,
những người sống trong cảnh lầm than, cơ hàn nhưng luôn biết đặt niềm tin tưởng
nơi Chúa. Tác giả Mátthêu nói đến tiếng khóc của bà Ra-khen, tượng trưng cho tiếng
khóc của bao bà mẹ khóc thương con mình vì bị vua Erodes giết hại (Mt 2,18). Tin
Mừng Máccô kể về tiếng khóc của người nhà trước sự ra đi của con gái ông Giaia
(Mc 5,38-39; Lc 8,52). Đó cũng có thể là những người đang khóc cho tình yêu, thương
xót người thân qua đời. Cô Maria đã khóc thương em mình là Ladarô. Những người
Do thái đi với cô cũng khóc, còn Đức Giêsu thì thổn thức trong lòng và xao xuyến
(Ga 11,33). Đức Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì nó đã không nhận biết Người
(Lc 19,41). Đó cũng có thể là những giọt nước mắt hối hận vì những lỗi lầm đã
qua. Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại tiếng khóc thảm thiết của ông Phêrô sau khi chối
Chúa ba lần (Lc 22,62; Mc 14,72). Tương tự, người phụ nữ tội lỗi đã mạo muội tiến
vào bữa tiệc, khóc ướt chân Chúa, lấy tóc mình mà lau và đã được tha thứ lỗi lầm
(Lc 7,38). “Đau buồn và khóc lóc” cũng là hành động của những người “đã từng ở
với Đức Giêsu” trước cái chết của Người (Mc 16,10); của những người phụ nữ vừa “đấm
ngực vửa than khóc Người” trong hành trỉnh khổ nạn của Người (Lc 23,27-28); của
bà Maria Mácđala bên mộ Chúa (Ga 20,11.13.15); của những người sùng đạo dành
cho ông Stêphanô (Cv 8,2). Đó là những tiếng khóc đau buồn và thất vọng vì đánh
mất Chúa, thương người tử đạo. Đức Giêsu đã tiền báo về tiếng khóc này khi nói
rằng “sẽ đến giờ chàng rể bị đem đi, lúc đó họ mới ăn chay”, nghĩa là than khóc
(Mt 9,15) hay “anh em sẽ khóc lóc than van còn thế gian sẽ vui mừng; anh em sẽ
lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Những tiếng
khóc thương cho người thân, khóc cho số phận bị bách hại, khóc vì những lỗi lầm
của mình bây giờ sẽ giúp của những người tin vào Chúa thoát khỏi “sự khóc lóc
nghiến răng” (Lc 13,28; Mt 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30) vì phải xa cách
Chúa muôn đời. Ngược lại, những người đang cười hả hê vì gây ra nổi đau cho người
khác, hay là cười dửng dung trước nỗi đau của người khác, hoặc cười trong sự hưởng
thụ, lạc thú, “làm điều bất chính”, mà không biết khóc cho lỗi lầm của mình (Lc
13,27). Những người này sẽ trở thành những người “khóc lóc và nghiến răng” (ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς
τῶν ὀδόντων) ở đời sau.
5. Những
người bị bách hại – những kẻ được ca tụng: Những sự bách hại mà các môn đệ
phải chịu được liệt kê là “bị người ta oán ghét, loại trừ, sỉ vả và bị xóa tên
như những người xấu xa”. Thánh Luca ghi lại nhiều chi tiết hơn về những hình thức
bách hại: Bị bắt, ngược đãi, nộp cho thượng hội đồng, bỏ tù, bị điệu ra trước mặt
quan quyền và vua chúa, bị cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp, bị giết
chết (x. Lc 21,12-17). Các môn đệ trong cơn bách hại được trong bối cảnh này được
ví như những vị ngôn sứ. Quả vậy, những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước đã bị bách
hại vì trung thành bảo vệ giáo huấn của Chúa (x. câu chuyện của ngôn sứ Êlia
trong 1 V 18 – 19). Hơn hết, Đức Giêsu là một vị ngôn sứ bị bách hại vì những
giá trị Tin Mừng mà Người rao giảng. Ông Gioan Tẩy giả, những người dọn đường
cho Người cũng đã đạt đến đỉnh cao của sứ vụ bằng cách chết cho công lý và sự
thật (Mt 14,1-12; Mc 6,17-29). Thực tế, tất cả các môn đệ đều bị bách hại và hầu
hết họ đều chịu tử đạo, bắt đầu từ thánh Stêphanô (Cv 8, 55-60). Ông Giacôbê là
Tông Đồ đầu tiên được phúc tử đạo (Cv 12,2).[9]
Đối lại với những người bị bách hại là những
người đời được ca tụng (nghĩa đen: Người đời nói tốt).[10]
Những người này được ví như những ngôn sứ giả. Ngôn sứ giả là những người dẫn dân
Chúa đi lầm đường lạc lối và là những người tìm hư danh, lợi lộc cho riêng mình.
Ngôn sứ Giêsu luôn làm vinh danh Thiên Chúa. Người làm phép lạ để Thiên Chúa được
chúc tục, ngợi ca. Người không tìm vinh quang cho riêng mình. Sau phép lạ chữa
lành người bại liệt, dân chúng “sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài
người được quyền năng như thế” (Mt 9,8; Mc 2,12; Lc 5,25.26; xem thêm Mt 15,31;
Lc 7,16; 13,13). Trong câu chuyện “mười người phong hủi” (chỉ có trong Tin Mừng
Luca), khi thấy một người khỏi bệnh trở lại “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”, Đức
Giêsu hỏi rằng “không phải mười người đều được sạch sao. Thế thì, chín người
kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?” (Lc 17,15.17). Điều đó
chứng tỏ rằng Đức Giêsu cũng muốn hướng dân chúng, đặc biệt là những người được
chữa lành lên Chúa, chứ không phải làm cho họ hướng về Người. Những cụm từ như “nhiều
phần thưởng trên trời” (dành cho những ngôn sứ thật), “được mọi người ca ngợi”
(dành cho ngôn sứ giả), làm cho người ta liên tưởng đến lời dạy của Đức Giêsu
liên quan đến cầu nguyện, ăn chay, và trao ban (bố thí). Những người “đạo đức
giả”, vì thích phô trương để tìm sự tán thưởng của người đời, nên “họ nhân được
phần thưởng rồi” (ἀπέχουσιν
τὸν μισθὸν αὐτῶν, Mt 6,2.5.16). Ngược lại, những người môn đệ
của Chúa, khi làm tất cả mọi việc lành trong sự kín đáo, người đời không biết,
không ca tụng, thì lại được Chúa Cha “trả lại cho” (Mt 6,4.6.18).
Bình luận tổng quát
Sau khi cầu nguyện và tuyển chọn Mười Hai Tông Đồ (Lc
6,12-16), Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy các ông những điều tâm huyết và quan trọng
cho cuộc đời các ông. Có những sự khác nhau khá rõ giữa chân dung Đức Giêsu của tác giả Luca và của tác giả Mátthêu. Trong khi Đức Giêsu của tác giả Mátthêu lên núi và ngồi
giảng như một Môsê mới, Đức Giêsu của tác giả Luca lại từ trên núi đi xuống đất
bằng và đứng giảng như một diễn giả bình dân, giữa dân chúng. Nếu như Đức Giêsu
của Mátthêu nói đến tám mối phúc, thì Đức Giêsu của tác giả Luca chỉ nói đến bốn
mối phúc, nhưng kèm theo bốn mối họa. Hơn nữa, trong Luca, Đức Giêsu dùng ngôi
thứ hai số nhiều, như muốn trực tiếp nói đến các Tông Đồ trước tiên (phúc cho
những ai … vì anh em sẽ/ của anh em…), còn Đức Giêsu của tác giả Mátthêu
lại dùng đại từ ngôi thứ ba số nhiều (phúc cho những ai… vì họ sẽ/ của họ).
Đức Giêsu của tác giả Luca nhắm trực tiếp đến các Tông Đồ và những hoàn cảnh thực tế của họ. Trước
tiên, họ là những người “nghèo” vì họ đã từ bỏ mọi sự, của cải, nhà cửa, cha mẹ,
anh chị em, để theo Chúa. Đó là một cuộc hoán cải triệt để sau khi nghe theo lời
mời gọi của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn. Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy hoán cải
và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15; Mt 4,17). Vì họ chấp nhận bỏ tất cả mọi sự để
theo Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, nên “Nước Thiên Chúa” chính là phần
thưởng của họ. Đây là niềm an ủi lớn lao dành cho những người nghèo trong xã hội.
Đó cũng là mục tiêu và phần thưởng lơn lao nhất dành cho những ai chấp nhận sống
nghèo, không bận tâm vật chất để dành thời gian theo đuổi những giá trị Tin Mừng.
Phần thưởng này trước tiên dành cho các Tông Đồ, nhưng nó cũng được trao cho những
ai tin theo Chúa Kitô. Tương tự như những người nghèo, những người đói cơm, thiếu
áo cũng được Chúa chăm sóc giữ gìn. Đó là những người không bận tâm cho “mạng sống
lấy gì mà ăn”, hay lo lắng cho “thân thể lấy gì mà mặc”, nhưng lo tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và sự công chính của Người (Lc 12,22; Mt 6,25). Cái no đủ của những
người đói là cái no đủ vì được ở với Chúa đời này, và nhất là hạnh phúc viên mãn
đời sau. Hình ảnh của ông Ladarô ở trong lòng tổ phụ Ápraham (Lc 16,23) là một minh
họa cụ thể cho sự no đầy của người nghèo. Những người theo Chúa là những ngưới
biết khóc thương người khác và khóc cho những lỗi lầm thiếu xót của mình để được
Chúa ban cho niềm vui trong tương lai. Số phận của những người môn đệ của Đức Giêsu
cũng giống như số phận của những người ngôn sứ thật xưa nay, và nhất là, số phận
của chính thầy Giêsu. Họ sẽ bị bắt bớ, loại trừ, đánh đập, cầm tù và thậm chí bị
giết chết, nhưng họ sẽ được nhiều phần thưởng trên Nước Trời. Chung quy lại, phần
thưởng Nước Thiên Chúa bao gồm tất cả mọi phần thưởng, vì khi ở trong Nước Thiên
Chúa, người ta được no thỏa, được vui cười thỏa thích và có những phúc lợi như
mình mong ước.
Ngược lại, những người giàu có, một khi thỏa mãn với những
kho tàng vật chất của mình, chè chén say sưa, mặc toàn lụa là gấm vóc mà không
bận tâm đến những giá trị Tin Mừng, dửng dung trước những mảnh đời bất hạnh, thì
chắc chắn sẽ không được hưởng “Nước Trời” cùng những niềm vui vĩnh cửu trong đó.
Những người vui cười trước nỗi đau của kẻ khác, hay vui thỏa với những thành công
hiện tại, cười trong lạc thú, và làm điều bất chính ở đời này, sẽ phải trở thành
những người “khóc lóc và nghiến răng” trong sự sống đời sau. Những người ngôn sứ
giả, những người chỉ biết tìm sự tán thưởng, ca ngợi của người khác, không dám đón
nhận những đau khổ vì sứ vụ thì sẽ không có phần thưởng nào trên quê trời nữa.
Chung quy lại, những người giàu, người vui cười, người thích được ca tụng sẽ không
được ở trong Nước Thiên Chúa và không được hạnh phúc đời đời với Chúa, bởi họ chọn lựa sự sung túc tạm thời trên trần gian này, mà quên đi Chúa và hạnh phúc vĩnh cửu trong Người.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “Presented as an instruction to “disciples” (6:20),
it is intended to shape their conduct. But it has also to be related to the
mission of Jesus as presented thus far in the Gospel: he has come to preach to
the poor, the prisoners, the blind, and the downtrodden of his day (in the
words of Isaiah, quoted in 4:18)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New
Haven – London 2008) XXVIII, 629).
[2] “The
“sermon on the plain,” as it is usually called (because of 6:12, 17), is the
counterpart of the Matthean “sermon on the mount” (5:1–7:27)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 627).
[3] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 623.
[4] “The good fortune of the poor
is that theirs is the kingdom of God. Luke has the second person form, “yours,”
for Matthew’s third person, “theirs.” An awkward construction is created by the
lack of a corresponding second person indication in the first half of the
beatitude. This suggests that Luke may be secondary. The possessive is placed
in the emphatic first position” [J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC;
Dallas 2002) 35A, 283].
[5]
L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1991) 108; “Jesus’
words imply that a certain shortsightedness, induced by that status, leads such
persons to think that there is nothing more to have” (J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 636).
[6] “Hunger and weeping are not to be considered as separate
conditions from poverty but as characteristic manifestations of poverty” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 283).
[7] “Matthew has “hunger and
thirst for righteousness.” The “for righteousness” corresponds to Matthean
interests and is likely to be his addition: after his narrowing to the
attitudinal of the beatitude of the poor he uses the beatitude of the hungry to
develop an aspect of the poor’s openness to God” (Ibid.).
[8] “Laughter” is to be
understood here as the carefree expression of contentment with the success of
the present. In OT Wisdom literature it is sometimes the mark of the fool (Sir
21:20; 27:13; Qoh 7:6), and the Lucan Jesus may be alluding to such an attitude”
(J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX, 636-637).
[9] X.
L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 107.
[10] “Though Luke in general sets great store upon good public
reputation (cf. Dupont, Béatitudes 3:89–94), he must ultimately limit
its validity as a test of truth: truth lies with the persecuted rather than
with those who gain public recognition” (J.
Nolland, Luke 1:1-9:20, 288).
No comments:
Post a Comment