Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
39 Εἶπεν δὲ καὶ παραβολὴν αὐτοῖς· μήτι δύναται
τυφλὸς τυφλὸν ὁδηγεῖν; οὐχὶ ἀμφότεροι εἰς βόθυνον ἐμπεσοῦνται; 40 οὐκ ἔστιν μαθητὴς ὑπὲρ τὸν διδάσκαλον·
κατηρτισμένος δὲ πᾶς ἔσται ὡς ὁ διδάσκαλος αὐτοῦ. 41 Τί δὲ βλέπεις τὸ κάρφος τὸ ἐν τῷ ὀφθαλμῷ τοῦ
ἀδελφοῦ σου, τὴν δὲ δοκὸν τὴν ἐν τῷ ἰδίῳ ὀφθαλμῷ οὐ κατανοεῖς; 42 πῶς δύνασαι λέγειν τῷ ἀδελφῷ σου· ἀδελφέ, ἄφες
ἐκβάλω τὸ κάρφος τὸ ἐν τῷ ὀφθαλμῷ σου, αὐτὸς τὴν ἐν τῷ ὀφθαλμῷ σου δοκὸν οὐ
βλέπων; ὑποκριτά, ἔκβαλε πρῶτον τὴν δοκὸν ἐκ τοῦ ὀφθαλμοῦ σου, καὶ τότε διαβλέψεις
τὸ κάρφος τὸ ἐν τῷ ὀφθαλμῷ τοῦ ἀδελφοῦ σου ἐκβαλεῖν. 43 Οὐ γάρ ἐστιν δένδρον καλὸν ποιοῦν καρπὸν
σαπρόν, οὐδὲ πάλιν δένδρον σαπρὸν ποιοῦν καρπὸν καλόν. 44 ἕκαστον γὰρ δένδρον ἐκ τοῦ ἰδίου
καρποῦ γινώσκεται· οὐ γὰρ ἐξ ἀκανθῶν συλλέγουσιν σῦκα οὐδὲ ἐκ βάτου σταφυλὴν
τρυγῶσιν. 45 ὁ ἀγαθὸς ἄνθρωπος ἐκ τοῦ ἀγαθοῦ
θησαυροῦ τῆς καρδίας προφέρει τὸ ἀγαθόν, καὶ ὁ πονηρὸς ἐκ τοῦ πονηροῦ προφέρει
τὸ πονηρόν· ἐκ γὰρ περισσεύματος καρδίας λαλεῖ τὸ στόμα αὐτοῦ. (Lk. 6:39-45 BGT) |
39 Đức
Giêsu còn nói với họ câu tục ngữ này: “Người mù có thể dẫn dắt người mù được
không? Cả hai lại không té xuống giếng sao?” 40 Học
trò không ở trên thầy, mỗi người khi được đào tạo đầy đủ chỉ bằng thầy của
anh ta mà thôi. 41 Sao
anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của
chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao
anh lại có thể nói với người anh em: “Này người anh em, hãy để tôi lấy cái
rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong
con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước
đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! 43 “Không
có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng chẳng có cây nào xấu mà lại sinh quả
tốt. 44 Vì
người ta sẽ biết cây từ hoa trái của chính nó. Từ bụi gai, người ta không bao
giờ thu hoạch được vả, từ cây mâm xôi, người ta cũng không thu hoạch được
chùm nho. 45 Người
tốt sinh ra điều tốt lành từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu sinh ra cái xấu
từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” |
Bối cảnh
Lc 6,39-45 nằm trong bối cảnh của
“Bài giảng dưới đồng bằng” (Lc 6,17-49). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này
tiếp theo ngay sau những chỉ dẫn nhằm thể hiện căn tính của “những người con của
Đấng Tối Cao”: Yêu kẻ thù, làm điều tốt lành, cho đi mà không đòi hỏi đáp đền,
không xét xử, không kết án, và luôn thứ tha (Lc 6, 27-38). Có sự nối kết khá rõ
giữa lời dạy không xét xử, không kết án ở đoạn trước và lời khuyên: “Hãy nhìn
thấy và lấy cái xà trong mắt của mình, rồi mới giúp người khác lấy cái rác
trong mắt họ”. Danh xưng “những người đạo đức giả” gợi nhớ đến những nhân vật cụ
thể mà tác giả đề cập ở những nơi khác: Những người Pharisêu (Lc 12,1); đám
đông (Lc 12,56) và ông trưởng hội đường (13,15). Những người đạo đức giả không
có trái tim trong sáng, nên sẽ không có những hành động tốt lành. Đoạn văn lại
được tiếp nối bằng lời mời gọi làm những gì Đức Giêsu dạy (6,46) để không trở
thành những người dẫn đường mù quáng, hay những kẻ đạo đức giả.
Cấu trúc
(I) Bức tranh
3 phần: (a)
Người mù không thể dẫn dắt người mù (39) (b)
Học trò không ở trên thầy (40) (c)
Kẻ đạo đức giả: Thấy cái rác nhưng không thấy cái xà (41-42) (II) Cây tốt & cây xấu; người
tốt – người xấu: (a)
Cây tốt không sinh trái xấu – cây xấu không sinh trái tốt (43-44) (b)
Người tốt sản sinh ra những cái tốt – Người xấu sinh ra những cái xấu (45) |
Một số điểm chú giải
1.
Dụ ngôn (παραβολή, parabole):
Danh từ “parabole” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “dụ ngôn” (CGKPV); “câu
ví” (NTT). Ngoài ra, người ta còn hiểu danh từ này với nhiều nghĩa khác nữa
như: “Sự minh họa”; “lời nói”; “châm ngôn”; “câu chuyện”.[1] Trong bối cảnh này, có thể,
tốt hơn nên hiểu theo nghĩa “câu ví” như cách hiểu của dịch giả NTT, hoặc là
“châm ngôn”, “thành ngữ” hơn là “dụ ngôn”, bởi vì sau đó Đức Giêsu đã nói những
câu ngắn gọn để trình bày giáo huấn của mình.
2.
Người mù: Người mù là chủ từ của động từ “dẫn dắt” (ὁδηγέω, hodeghéo). Động từ này có nghĩa đen là “dẫn đường”, và nghĩa bóng là “dạy”, “hướng dẫn”. “Người mù” (τυφλος) cũng có thể hiểu theo hai tầng ý nghĩa: (1) Một người không nhìn thấy về thể lý; (2) Một người mù quáng về tâm linh. Thực tế, một người không nhìn thấy đường thì không thể dẫn đường cho người không nhìn thấy đường khác được. Cả hai sẽ có nguy cơ vấp ngã và lọt xuống giếng. Câu hỏi đầu tiên được bắt đầu bằng tiểu từ “μήτι” trong tiếng Hy Lạp, ngụ ý câu trả lời là “không” (không, người mù không thể dẫn đường cho người mù). Câu hỏi thứ hai lại bắt đầu bằng tiểu từ “οὐχὶ”, ngụ ý câu trả lời là “có” (vâng, cả hai sẽ rơi xuống giếng).[2] Từ thực tế đó, Đức Giêsu muốn nói đến những người mù tối về tâm linh, những người thiếu đức tin.[3] Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu dùng chính câu tục ngữ này để nói về những người Pharisêu: “Cứ mặc kệ họ (những người Pharisêu). Họ là những người mù dẫn dắt người mù. Người mù mà lại dắt người mù thì cả hai sẽ rơi xuống giếng” (Mt 15,14). Những người Pharisêu và Kinh Sư được gọi là “những người chỉ dẫn mù quáng”: “Khốn cho các ngươi, những người chỉ dẫn mù quáng” (ὁδηγοὶ τυφλοὶ). Đức Giêsu lặp lại danh xưng “mù quáng” đến năm lần trong chương 23 để gọi những Kinh Sư và Pharisêu (23,16.17.19.24.26). Họ là những người chỉ dẫn mù quáng vì họ đã hiểu sai giáo huấn của Chúa và hướng dẫn người dân đi lầm đường, lạc lối. Thánh Phaolô nói về một sự mù quáng khác, mù quáng của những người “không tin”: “Vị thần của thế gian này đã làm mù tâm trí của những người không tin, làm cho họ không thấy ánh sáng Tin Mừng về vinh quang của Đức Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa” (2 Cr 4,4). Trong hành trình rao giảng công khai, Đức Giêsu từng chữa lành nhiều người mù về thể lý giống như lời ngôn sứ đã nói về sứ mạng của Người: “Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, giải thoát những ai cùng khổ” (Lc 4,18; x.7,21.22). Tuy nhiên, sự sáng về đức tin, sự nhìn thấy Chúa và tin vào Người mới là mục đích mà Đức Giêsu muốn nhắm đến khi mở mắt cho họ. Trong bối cảnh này, tác giả Luca không cho thấy một sự chỉ trích nào nhắm vào những người Pharisêu hay Kinh Sư. Đức Giêsu đang nói cùng các môn đệ. Họ không thể trở thành những người chỉ dẫn cho người khác trong tương lai nếu họ không hiểu rõ giáo huấn của Người. Giáo huấn của Đức Giêsu trong bối cảnh này rất có thể là tình yêu tuyệt đối, lòng quảng đại vô hạn và lòng thương xót như Cha trên trời. Nếu họ không thấm nhuần, không xác tín và không sống những điều ấy thì họ có nguy cơ trở thành những kẻ dẫn đường mù quáng cho kẻ khác. Hơn nữa, lời nhắc nhở của Đức Giêsu cũng có thể cảnh báo các môn đệ là đừng đi theo những kẻ dẫn đường mù quáng như các Kinh Sư và những người Pharisêu: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12,1).
3.
Giếng (βόθυνος, bóthynos): Danh từ “bóthynos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là hố sâu, hay là “giếng”. Rơi xuống giếng là một tình trạng rất nguy hiểm, khẩn cấp. Một con chiên rơi xuống giếng trong ngày Sabát, người ta cũng phải nắm lấy nó và kéo lên khỏi giếng nhanh nhất có thể (Mt 12,11). Tình trạng “rơi xuống giếng” cho thấy rằng người mù dẫn dắt người mù sẽ mang lại tai họa khôn lường.[4] Người mù về thể lý rơi xuống giếng có nguy cơ chết về thể lý; Người mù về tâm linh rơi xuống giếng của lầm lạc, tội lỗi có thể chết linh hồn đời đời.[5]
4.
Trò … thầy: Câu châm ngôn tiếp theo nói về tương quan đẳng cấp giữa “thầy – trò”. Câu châm ngôn này có vẻ không phù hợp với xã hội hiện đại, vì thực tế có rất nhiều học trò có thể hơn thầy của mình nhiều. Tuy nhiên, trong thế giới cổ xưa, trước khi những kiến thức sách vở được lan rộng khắp nơi, một học trò phụ thuộc chủ yếu vào chỉ dẫn của thầy mình.[6] Nếu áp dụng cho tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ thì luôn luôn đúng. Các môn đệ được kỳ vọng sau khi được “đào tạo đầy đủ” (κατηρτισμένος) trở nên giống Đức Giêsu, thầy của họ, để trở thành thầy dạy của người khác. Câu châm ngôn này liên quan mật thiết với câu châm ngôn trước đó về khả năng người mù dẫn dắt một người mù. Để trở thành “người dẫn đường không mù quáng”, các môn đệ phải học cùng Đức Giêsu để trở nên sáng mắt như Đức Giêsu. Câu châm ngôn nói về tương quan đẳng cấp giữa thầy và trò, được tác giả Mátthêu đặt vào bối cảnh hoàn toàn khác với tác giả Luca. Đức Giêsu của Mátthêu nói câu này trong bối cảnh của sự bách hại: “Người môn đệ không ở trên thầy mình, người đầy tớ không ở trên chủ của mình. Người môn đệ được như thầy, người đầy tớ được như chủ đã đủ rồi. Nếu người ta gọi chủ nhà là Beelzebul, thì người ta còn gọi người nhà bằng tệ hơn nữa” (Mt 10,24-25). Trong bối cảnh này, câu châm ngôn ngụ ý các môn đệ có thể bị bách hại như Đức Giêsu là cùng, không hơn nữa. Đức Giêsu của tác giả Gioan áp dụng câu châm ngôn này hai lần: (1) Trong bối cảnh sau khi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi, nếu anh em biết những điều này, anh em sẽ là những người có phúc nếu anh em làm những điều này” (Ga 13,16). Trong bối cảnh này, tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ là tương quan về cách thức phục vụ lẫn nhau. (2) Trong bối cảnh Đức Giêsu nói về sự bách hại: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em, tôi tớ không lớn hơn ông chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Tác giả Luca không đặt câu châm ngôn này trong bối cảnh trực tiếp nói đến sự bách hại rõ ràng, nhưng trong bối cảnh “đào tạo, học hành”. Các môn đệ phải học nơi Đức Giêsu tất cả những gì Người dạy, Người làm. Họ cũng phải học nơi Người bài học “yêu kẻ thù” và “làm điều tốt lành cho những người ghét họ”. Đó cũng là cách thức mà họ áp dụng mối phúc thứ tư “phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, xỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” (Lc 6,22). Trở nên giống thầy Giêsu có thể chỉ qua công việc của Đấng Kitô và một mối tương quan đức tin với Người.[7]
5.
Người đạo đức giả (ὑποκριτής, hypokrites): Hypokrites là danh xưng dùng để diễn tả các diễn viên trên sân khấu trong thế giới Hylạp, Rôma.[8] Những diễn viên thời xưa thường đeo mặt nạ để hóa thân thành một nhân vật mà mình thủ vai. Khán giả hiếm khi biết được gương mặt thật của một diễn viên phía sau mặt nạ ấy. Ngày nay với công nghệ làm đẹp, hóa trang, bằng phấn son, các diễn viên cũng có thể hóa thân một cách đơn giản mà không cần đeo mặt nạ. Đức Giêsu thường dùng danh xưng này để diễn tả những người “đạo đức giả”, những người sống hai mặt, đánh lừa thiên hạ trong những thực hành đạo đức (Mt 6,2.5.16), ngôn hành bất nhất (Mc 7,6; Mt 15,7; 23,3). Đức Giêsu gọi đích danh những người Pharisêu là đạo đức giả: “Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaiah đã nói tiên tri rất đúng về các ngươi rằng: Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mt 15,8). Đức Giêsu của tác giả Luca thì đồng hóa thói đạo đức giả với “men Pharisêu” (Lc 12,1). Đám đông cũng bị gọi là “đạo đức giả” khi họ biết nhận xét cảnh sắc đất trời mà không biết thời đại Mêsiah (Lc 12,56). Ông trưởng hội đường cũng bị gọi là “kẻ đạo đức giả” khi ông tỏ ra bực tức vì Đức Giêsu chữa bệnh vào ngày Sabát (Lc 13,15).[9] Trong bối cảnh này, kẻ đạo đức giả là kẻ làm ra bộ mình hiểu biết về lỗi lầm của người khác nhưng lại thiếu cái nhìn tỏ tưởng về chính mình.[10]
6.
Cái rác (κάρφος, karphos) … cái xà (δοκός, dokos): Cái rác (karphos) là một mảnh gỗ nhỏ, hay vỏ trấu, hay cọng rơm. Cái xà (dokos) là thanh xà ngang chính của một ngôi nhà.[11] Đức Giêsu dùng hai vật thể có kích thước hoàn toàn trái ngược nhau để diễn tả sự nghịch lý trong cái nhìn của những “kẻ giả hình”. Trong khi không để ý gì đến “cái xà” to lớn nơi con mắt của mình, thì họ lại để ý[12] đến “cọng rác” nhỏ xíu trong con mắt người “anh em” của mình. Cái rác và cái xà là tượng trưng cho những lỗi lầm cần sửa chữa của người khác. Người thấy “cọng rác” không đơn giản chỉ là nhìn thấy nhưng còn chỉ trích, soi mói, bới móc và muốn người khác phải sửa đổi lỗi lầm nhỏ, trong khi chính người ấy lại không nhìn thấy những lỗi lầm, thói hư, tật xấu to lớn của mình.[13] Tương tự như ca dao Việt Nam có câu “chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đây cũng có thể là thái độ của những kẻ tiểu nhân, những người độ lượng với chính mình, trong khi luôn khắt khe, đòi hỏi những người khác.
7.
“Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, hypokrites”: Đức Giêsu mời gọi “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình đã, hypokrites” nghĩa là hãy để ý đến tâm hồn mình, hãy đừng tỏ ra mình đạo đức, công chính, thánh thiện hơn người khác. Khi tỏ ra mình thánh thiện đạo đức hơn những người khác, những kẻ giả hình đang lừa dối người khác và lừa dối chính họ. Một khi trái tim không thật sự trong sáng, tâm hồn không trong sạch đủ, nói theo ngôn ngữ của Đức Giêsu, một khi còn “cái xà trên mắt” thì người ta không thể nhìn rõ để giúp người khác lấy “cọng rác” ra được. Trong bối cảnh trực tiếp, cách nói này có thể liên quan đến câu châm ngôn “người mù không thể dẫn dắt người mù được”, vì “cả hai sẽ rơi xuống giếng”. Cái xà nằm trên mắt làm cho người ta bị mù, không thể hướng dẫn người khác lấy cọng rác của họ.[14] Nếu mở rộng hơn một chút, cách nói này có sự liên kết với lời dạy “anh em đừng xét xử, đừng kết án, và hãy thứ tha” trong đoạn văn trước đó (Lc 6,37).[15] Tác giả Mátthêu đặt câu tục ngữ về “cái xà-cọng rác” nằm ngay sau lời khuyên “đừng xét xử, đừng kết án, và hãy thứ tha” (x. Mt 7,1-5). Cách bố trí này cho thấy “muốn lấy cọng rác cho người khác mà không để ý đến cái xà trong mắt mình” liên quan mật thiết đến sự xét xử, kết án và thiếu khoan dung với lỗi lầm của người khác.
Phải chăng Đức Giêsu cấm sửa lỗi những người khác? Có lẽ là không. Tác giả ghi lại những chỉ dẫn chi tiết liên quan đến một quy trình sửa lỗi anh em trong cộng đoàn: Bước 1: Gặp riêng người anh em đó – Bước 2: Mang theo một hay hai người nữa – Bước 3: Thưa với Hội Thánh (Mt 18,15-18). Trong bối cảnh này, Đức Giêsu cũng nói rằng “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong mắt người anh em của anh”. Đức Giêsu không cấm sửa lỗi cho người khác, nhưng bất kỳ cố gắng nào nhằm sửa lỗi người khác cũng đòi hỏi sự xét xử nghiêm túc chính mình trước.[16] Cả hai chiều: Tự xét xử bản thân và sửa lỗi cho nhau cũng được khuyến khích ở đây. Lỗi lầm là lỗi lầm, bất cứ nó thuộc về ai, chúng ta cũng phải xét xử nó với cùng một nguyên tắc, nhưng trước tiên nguyên tắc phải được áp dụng cho bản thân mình. Những người môn đệ phải xét xử chính mình trước khi cố gắng sửa lỗi người khác.[17]
8.
Cây tốt … trái tốt … cây xấu … trái xấu: Đức Giêsu tiếp tục dựa trên một quy luật vật lý bình thường “cây tốt thường sinh trái tốt, và cây xấu thường sinh quả xấu”. Mỗi cây được nhận biết bởi hoa trái của chính cây ấy. Ví dụ mà Đức Giêsu đưa ra cho những trái tốt gồm hai loại: “những trái vả” và “những quả nho” và hai loại cây xấu tương ứng là “những bụi gai” và “cây mâm xôi” (một loại cây gai dại, có trái chín màu nho). Trong Tin Mừng Nhất Lãm, bụi gai được biết đến như một tác nhân bóp nghẹt hạt giống Nước Trời, khiến nó chết nghẹt (Mc 4,7.18; Mt 13,7.22; Lc 8,7.14). Điều này ngụ ý rằng “cây nho” là cây tốt và sinh ra những quả nho là loại quả tốt cũng như cây vả là loại cây tốt và mang lại hoa trái tốt.
9.
Người tốt … điều tốt lành … người xấu … điều xấu: Câu tục ngữ “xem quả thì biết cây” nhằm áp dụng cho con người và những hành vi tương ứng của anh/chị ta: “Người tốt sinh ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu sinh ra cái xấu từ kho tàng xấu”. Một lần nữa, khác với tác giả Luca, tác giả Mátthêu đặt câu tục ngữ này vào trong bối cảnh Đức Giêsu đang tranh luận với những người Pharisêu. Đức Giêsu áp dụng câu nói này cách thẳng thừng, có phần nặng nề, cho những người Pharisêu: “Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được?” (Mt 12,34). Lý do là những người Pharisêu đã xuyên tạc rằng Đức Giêsu dựa vào thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ (Mt 12,24). Tác giả Luca không bận tâm đến việc chỉ trích những người Pharisêu, có lẽ vì cộng đoàn của ông gồm những người dân ngoại, không có nhiều xung đột với nhóm người Pharisêu. Lời dạy của Đức Giêsu chủ yếu nhắm đến các môn đệ.[18] Họ phải chứng tỏ họ tốt lành bằng những hành động tốt lành của họ.[19] Tác giả J. Fitzmyer cho rằng phần này nối kết rõ ràng với phần trước đó ở chỗ: Một người xấu không thể mang lại cho người khác một chỉ dẫn tốt qua việc chỉ trích mà thôi; Những hành động của một người phải đi trước và cho thấy rằng người ấy thực sự là tốt lành. Rất có thể là những hình ảnh “bụi gai”– “những cây mâm xôi” ở đây ám chỉ những hành động của những thầy dạy giả hiệu và những ngôn sứ giả trong cộng đoàn Kitô hữu.[20]
10.
“Từ kho tàng tốt/ kho tàng xấu của lòng mình”: Người tốt có kho tàng tốt trong trái tim của mình. Những hành động của con người bộc lộ tình trạng con tim của anh ta.[21] Những người “đạo đức giả” có trái tim gian dối. Những hành động của họ sẽ không thể tốt lành được. Trái tim là nguồn của sự tốt lành hay xấu xa.[22] Đức Giêsu đã nói rằng từ lòng người (ἐκ τῆς καρδίας) phát xuất những ý định xấu: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không ai tự bản chất là xấu và không bao giờ có thể trở nên tốt lành được; cũng không ai tự bản chất là tốt lành và không bao giờ có khuynh hướng làm điều xấu.[23] Mỗi người với ý chí, lý trí, và tự do của mình có thể biến đổi từ người xấu trở nên người tốt và những hành vi tốt lành cho thấy lòng tốt của con người.
Bình luận tổng quát
Bài giảng dưới đồng bằng được Đức Giêsu tiếp tục với những lời dạy pha lẫn giữa dụ ngôn và tục ngữ, châm ngôn. Đầu tiên là hai câu hỏi liên quan đến khả năng dẫn dắt của những người mù và hậu quả nghiêm trọng của nó. Người mù dĩ nhiên không thể dẫn dắt người mù khác được vì không nhìn thấy gì. Nếu cố gắng làm điều không thể thì hậu quả tất yếu là cả hai sẽ rơi xuống giếng. “Rơi xuống giếng” là rơi vào địa ngục thẳm sâu và có nguy cơ chết đời đời. Người mù có thế ám chỉ đến những người dẫn đường mù quáng, như là những người Pharisêu và các Kinh Sư, vì họ hướng dẫn không đúng về “sự thề thốt” (Mt 23,16-22); Họ hướng dẫn người ta giữ luật thập phân nhưng lại bỏ qua công lý, lòng nhân và lòng thành tín (Mt 23,23-24). Những người mù còn có thể là những người thiếu đức tin và lòng mến. Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã từng chữa lành nhiều người mù, nhưng điều Người nhắm đến tiên quyết là những người mù phải nhìn thấy được và bước theo Người trên con đường Người đi. Khi nêu lên câu tục ngữ này, Đức Giêsu vừa cảnh báo để các môn đệ đừng đến với những người thầy mù quáng, đồng thời vừa mời gọi các môn đệ học cùng Người để trở thành những người dẫn đường sáng suốt. Theo quan điểm thời Đức Giêsu, học trò không vượt trên thầy của mình, Đức Giêsu cũng chỉ mong các môn đệ được như Người khi họ hoàn thành quá trình đạo tạo. Kiến thức và thực hành mà họ phải có bao gồm tất cả những điều Đức Giêsu dạy và làm. Trong bối cảnh này, những lời Đức Giêsu dạy là yêu thương kẻ thù, làm điều tốt lành cho những người thù ghét, không xét xử, không kết án, thứ tha tất cả, có lòng thương xót tha thứ, và cho đi mà không mong đáp đền. Đức Giêsu cũng làm tất cả những điều ấy và nhất là chịu bách hại và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người. Các môn đệ cũng không tránh khỏi sự bách hại và chết đi vì tình yêu như thế. Trên hành trình học hỏi và thực tập, các môn đệ cũng có nguy cơ rơi vào thói đạo đức giả khi cho mình hơn người khác trên đường nhân đức, để rồi phán xét kẻ khác. Đó cũng là một sự mù lòa vì để cho cây xà che mắt mình. Khi không có trái tim tinh tuyền, không nhìn nhận đúng con người của mình, không phán xét mình một cách nghiêm túc, người ta không đủ sáng suốt, thành tâm, thiện chí để góp ý cho người khác. Người quân tử thường khắt khe với lỗi lầm của mình nhưng độ lượng với lỗi lầm của người khác; Ngược lại kẻ tiểu nhân luôn đòi hỏi người khác mà dễ dãi với bản thân mình. Tiêu chuẩn mà Đức Giêsu đưa ra là: “Lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi mới thấy rõ mà lấy cọng rác cho người khác”. Muốn sửa lỗi cho người khác, trước hết các môn đệ phải chứng tỏ mình tốt, ví như không còn cái xà trên mắt mình. Tốt hay xấu đều được bộc lộ ra bằng những hành động cụ thể. Những hành động tốt lành đến từ kho tàng lòng tốt của người tốt; Ngược lại từ kho tàng của người ác tâm chỉ tìm thấy những hành động xấu xa, đê tiện.
Những tưởng rằng những lời dạy này dành riêng cho các môn đệ hay các linh mục, giám mục. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta, ở vị trí này hay vị trí khác, lúc này hay lúc khác, đều được trao cho vai trò dẫn dắt người khác. Ví dụ như trách nhiệm hướng dẫn con cái của các bậc cha mẹ; Tương tự, trách nhiệm hướng dẫn của những người ông, người bà, anh, chị, chú, bác, cô, dì trong tương quan huyết thống; Trách nhiệm của giáo sư, thầy, cô giáo trong việc hướng dẫn chủng sinh, học sinh bao thế hệ; Cách chung, trách nhiệm nâng đỡ, góp ý, cho nhau giữa người đồng bạn, giữa các tín hữu… Như thánh Phaolô đã khuyên: “Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1). Muốn thực thi trách nhiệm dẫn đường cách hiệu quả, mỗi người phải học cùng Đức Giêsu, để suy nghĩ như Người, làm như Người và nói như Người. Nên giống Đức Giêsu trong bối cảnh này là: “Có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ”, thể hiện qua sự tha thứ vô cùng, và trao ban vô hạn; có kho tàng trái tim tốt được thể hiện ra bằng những hành động tốt lành; Biết yêu kẻ thù và làm điều tốt lành cho những người ghét mình. Đó là một tình yêu không biên giới loại bỏ mọi sự thù ghét; Xóa bỏ mọi hận thù, chiến tranh để chỉ còn lại sự hòa bình vĩnh cửu, mọi nơi, mọi lúc, cho mọi người trên thế gian này.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] R.C. Blight, An
Exegetical Summary of Luke 1-11 (Dallas, 2008) 266.
[2] The first rhetorical question expects the answer ‘No’ and
the second question expects the answer ‘Yes’ (R.C. Blight, An Exegetical Summary of Luke 1-11, 267); [2] D.L.
Bock, Luke Volume 1: 1:1-9:50. Baker exegetical commentary on the New
Testament (Grand Rapids, 1994) 611; F.
Bovon– H.Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of
Luke 1:1–9:50
(Hermeneia; Minneapolis 2002) 248.
[3] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand
Rapids, 1997) 278.
[4] D.L. Bock, Luke Volume
1: 1:1-9:50, 611.
[5] “the image of the pit
alludes to a Hebrew Bible proverb about the inescapability of God’s judgment” (F. Bovon– H.Koester, Luke 1. A
commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 249).
[6] I.H. Marshall, The
Gospel of Luke (NIGTC; Exeter 1978) 269.
[7] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A
commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 249.
[8] W. Arndt, et al., A Greek-English lexicon of the New Testament and
other early Christian literature, “ὑποκριτής”, 1038.
[9] L.T. Johnson, The
Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2003) 114.
[10] “Jesus indicts persons who attempt to substantiate
their own piety through censuring the shortcomings of others as acting
inconsistently. Their hearts and actions are inconsistent. While they
themselves posture for public adulation, their behavior is not determined by
God” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 279).
[11] D.L. Bock, Luke Volume 1: 1:1-9:50, 614.
[12] Κατανοέω: Chú ý, quan sát, thấy, khám phá, nhận thức, quan tâm, ý thức, để ý (R.C. Blight, An Exegetical Summary of Luke 1-11, 269).
[13] “Most men know less about their own faults than about their brother’s.” [A.
MacLaren, Expositions of Holy Scripture: Luke 1-12 (Bellingham 2009) 132].
[14] “A man may be partly blind because some foreign body has
got in” (A. MacLaren, Expositions
of Holy Scripture: Luke 1-12, 132).
[15] “The disciples are to be
leaders of people, but they cannot be blinded guides; they must see the way
first. In the context of “not judging,” the saying about blindness might seem
to refer to one’s own faults” [J.A.
Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes
(Anchor Yale Bible; New Haven; London 2008) XXVIII, 641].
[16] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 642;
“Nor is the possibility of reproof ruled out of court, since Jesus allows that,
in the right circumstances, one can remove a “speck” from a neighbor’s eye” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 279).
[17] A. Plummer, A critical
and exegetical commentary on the Gospel According to S. Luke (London 1896)
191.
[18] I.H. Marshall, The Gospel of Luke
(NIGTC; Exeter 1978) 271.
[19] “Jesus thus speaks of
one’s “fruit” as his or her signature, exposing the heart” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 279).
[20] J.A. Fitzmyer, The Gospel
according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes,
643.
[21] L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 114.
[22] I.H. Marshall, The
Gospel of Luke (NIGTC; Exeter 1978) 273.
[23] The Pulpit Commentary:
St. Luke (H. D. M. Spence-Jones, Ed.) (Bellingham 2004) 149.
No comments:
Post a Comment