Wednesday 10 February 2021

"VÌ CHẠNH LÒNG THƯƠNG, NGƯỜI ĐƯA TAY, CHẠM VÀO ANH"

Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật VI TN B (Mc 1,40-45)

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lp

Việt

40 Καὶ ἔρχεται πρὸς αὐτὸν λεπρὸς παρακαλῶν αὐτὸν [καὶ γονυπετῶν] καὶ λέγων αὐτῷ ὅτι ἐὰν θέλῃς δύνασαί με καθαρίσαι.

 41 καὶ σπλαγχνισθεὶς ἐκτείνας τὴν χεῖρα αὐτοῦ ἥψατο καὶ λέγει αὐτῷ· θέλω, καθαρίσθητι·

 42 καὶ εὐθὺς ἀπῆλθεν ἀπ᾽ αὐτοῦ ἡ λέπρα, καὶ ἐκαθαρίσθη.

 43 καὶ ἐμβριμησάμενος αὐτῷ εὐθὺς ἐξέβαλεν αὐτὸν

 44 καὶ λέγει αὐτῷ· ὅρα μηδενὶ μηδὲν εἴπῃς, ἀλλ᾽ ὕπαγε σεαυτὸν δεῖξον τῷ ἱερεῖ καὶ προσένεγκε περὶ τοῦ καθαρισμοῦ σου ἃ προσέταξεν Μωϋσῆς, εἰς μαρτύριον αὐτοῖς.

 45 Ὁ δὲ ἐξελθὼν ἤρξατο κηρύσσειν πολλὰ καὶ διαφημίζειν τὸν λόγον, ὥστε μηκέτι αὐτὸν δύνασθαι φανερῶς εἰς πόλιν εἰσελθεῖν, ἀλλ᾽ ἔξω ἐπ᾽ ἐρήμοις τόποις ἦν· καὶ ἤρχοντο πρὸς αὐτὸν πάντοθεν.

 (Mk. 1:40-45 BGT)

 

40 Rồi, một người cùi đến với Người, kêu cầu Người [quỳ gối xuống] và nói cùng Người rằng: “Nếu Ngài muốn Ngài có thể làm cho tôi được sạch

41 Và vì thương xót, Người giơ tay ra, đụng vào anh ta và nói: “Tôi muốn, anh hãy được sạch

42 Và ngay lập tức bệnh cùi rời khỏi anh ta và anh ta được thanh tẩy.

43 Và sau khi nghiêm cấm anh ta, Người đuổi anh ta đi.

44 Người nói cùng anh ta: “Coi chừng! không được nói điều gì với một ai (sát chữ: nói không gì với không một ai) nhưng anh hãy đi trình diện cho các tư tế dâng lễ vật liên quan đến sự thanh tẩy của anh, điều mà ông Môsê đã truyền lệnh, để làm bằng chứng cho họ”

45 Nhưng sau khi ra khỏi đó anh ta bắt đầu rao giảng rất nhiều và nói với mọi người sự kiện đó, đến nỗi Người không thể đi vào thành nào một cách công khai, nhưng Người ở ngoài những nơi hoang vắng. Và họ đến với Người từ các hướng khác nhau.

 

 

Bối cảnh

Đoạn văn trước kết thúc bằng một câu tóm kết tổng quát về hành trình rao giảng và trừ quỷ của Đức Giêsu: “Người đi khắp cả vùng Galilê rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ” (1,39). Mc 1,40-45 tách biệt khỏi trình thuật trước đó bằng sự chuyển đổi về nhân vật và cốt truyện. Nó khởi đầu bằng việc một bệnh nhân phong cùi đến với Đức Giêsu. Tiếp theo đó là phép lạ chữa lành và lệnh cấm không được nói cho ai về sự việc. Đoạn văn lại kết thúc bằng câu tóm kết: Đức Giêsu ở trong những nơi sa mạc và người ta khắp các ngả đường đến với Người. Đoạn sau đó lại đánh dấu sự thay đồi về nơi chốn khi Đức Giêsu quay về nhà ở Caphácnaoum. Như thế, đoạn văn này nằm cuối chương một, là đoạn kết của hành trình rao giảng thứ nhất của Đức Giêsu ngoài thành Caphácnaoum. Hành trình này được tóm kết bằng việc rao giảng và trừ quỷ, chỉ có một phép lạ chữa bệnh duy nhất được ghi lại. Đó là phép lạ thanh tẩy người phong cùi.

Cấu trúc

Trình thuật Mc 1,40-45 có những yếu tố song song với nhau. Bản văn khởi đầu và kết thúc bằng động từ đến (erkhomai). Đây là cấu trúc đóng khung inclusio: mở đầu và kết thúc bằng cùng một yếu tố. 1,40 mở đầu việc người phong hủi đến với Đức Giêsu. 1,45 kết thúc với việc nhiều người từ nhiều ngả đến với Đức Giêsu. Diễn tiến câu chuyện được nối kết chặt chẽ bằng những yếu tố song song. Người phong hủi xin Đức Giêsu làm cho anh ta được sạch theo như ý Người muốn// Đức Giêsu bày tỏ ý muốn và làm cho anh ta được sạch. Tiếp theo sau đó là lệnh cấm của Đức Giêsu: không được nói với ai về bất cứ chuyện gì (1,42)// lệnh cấm không được thi hành: rao giảng và nói với mọi người về mọi chuyện (1,45a). Sau đây là một phác họa để độc giả thấy phần nào cấu trúc của câu chuyện.

A. Người phong cùi đến với Đức Giêsu

B. Xin tẩy sạch: nếu Thầy muốn – hãy làm cho tôi được sạch (1,40)

B’. Tẩy sạch: Ta muốn – hãy được sạch (1,41)

C. Đức Giêsu: Nghiêm cấm – đuổi đi: Không được nói vơi bất kỳ ai về bất cứ điều gì (1,42)

C’. Người cùi: Đi ra – rao giảng – nói với mọi người về mọi chuyện (1,45a)

A’. Nhiều người từ nhiều ngả đến với Đức Giêsu (1,45b)

 

Một số điểm chú giải

1.     “Một người cùi kêu cầu Người”:λεπρὸς”, một người mắc bệnh phong cùi trong tiếng Việt. Thật ra, từ nay trong tiếng Hy Lạp diễn tả nhiều tình trạng khác nhau trong đó da bị nổi vảy sần sùi, hoặc tấy đỏ, chảy nước. Nó không phải là là bệnh liên quan đến trùng Hansen như người ta gọi ngày này. Như sách Lêvi chương 13-14 diễn tả, bệnh thường là bệnh phát triển nhanh và người ta sẽ khỏi, còn bệnh cùi hủi kéo dài nhiều nằm và không thể chữa khỏi.[1] Sách Lêvi (sách thứ 3 trong Bộ Ngũ Thư), liệt kê rất nhiều chứng bệnh ngoài da và Đức Chúa nói với ông Môsê hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp. Họ sẽ được tư tế Aharon thăm khám và tuyên bố là ô uế hay không (Lv 13,3). Những người được xem là có bệnh hủi và bị tuyên bố là ô uế thì bị cách ly bảy ngày. Sau bảy ngày lại được thăm khám nếu vết lở loét còn thì lại cô lập cách ly thêm bảy ngày nữa (Lv 13,4-5). Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế, ô uế!” bao lâu còn mắc bệnh thì nó còn ô uế; khi nó ô uế thì nó phải ở riêng ra, chỗ của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Như vậy, nỗi đau đớn khốn cùng của người bệnh hủi không chỉ là đau đớn về thể xác, nhưng còn là đau đớn về tinh thần tâm linh. Họ không được ở chung với người thân, dân làng. Họ bị xem là ô uế. Mà ô uế là ngược lại với thánh thiện, không thuộc về Thiên Chúa. Người đàn ông này chắc chắn không ở trong làng cùng với người ta. Anh ta tiếp cận với Đức Giêsu ở một nơi nào đó ngoài khu dân cư. So với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Luca có thêm một câu chuyện chữa lành mười người phong hủi. Mười người này phải đứng xa xa và kêu lớn tiếng, chứ không được tiếp cận (17,13). Trong trình thuật này người này không phải đứng xa và kêu lớn tiếng. Nhiều bản thảo còn thêm hành động “anh ta quỳ xuống” và trong bản của Mátthêu, cũng ghi lại hành động quỳ xuống này (Mt 8,2).

2.     “Nếu Ngài muốn… Ta muốn”: Điều đáng ghi nhận ở đây là anh ta cầu xin trong tư thế hỏi ý của Đức Giêsu. Sự cầu xin đã giả thiết một niềm tin tưởng thật sự vào khả năng chữa lành của Đức Giêsu. Trước đó Máccô đã cho độc giả biết là Đức Giêsu đã chữa lành mẹ vợ của Simon và vô số bệnh nhân đủ các loại (Mc 1,31.34). Danh tiếng Người được truyền ra khắp vùng lân cận miền Galilê (1,28). Người hủi này chắc chắn đã nghe và đã tin và hy vọng vào Đức Giêsu. Nhưng điều đáng nói là anh ta nói rằng “nếu Ngài muốn”. Mẫu thức này gợi nhớ độc giả về lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, trong giây phút khốn cùng Đức Giêsu cũng xin cùng Chúa Cha là “hãy theo ý Cha” (Mt 26,42; Cf. Lc 22,42). Đức Giêsu xem việc thi hành ý muốn của Đấng đã sai Người là lương thực của chính mình (Ga 4,34). Sự đau đớn về bệnh tật không làm cho người đàn ông này quên đi nhân cách sống của một tín hữu, thể hiện qua việc đặt ý muốn của Đấng Chúa sai đến trên ý muốn của riêng mình. Đáp trả lại đức tin trưởng thành của anh ta, Đức Giêsu không ngần ngại đáp trả: “Ta muốn”. Đó là một lời đáp trả hoàn hảo cho một lời cầu xin hợp lòng Chúa. Chúa, dĩ nhiên, muốn ban ơn chữa lành cho những người có niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, dù Chúa có làm hay không.

3.     Chạnh lòng thương… đưa tay ra…chạm lấy anh”: Sau khi nghe lời cầu xin của anh ta, Đức Giêsu thực hiện một loạt 3 hành động. Động từ “σπλαγχνίζομαι” có nghĩa là (chạnh lòng thương, cảm thông, thương xót), được chia ở dạng phân từ (V-ing trong tiếng Anh), rất có thể là diễn tả nguyên nhân: “vì Người chạnh lòng thương nên…”. Các bản dịch hiện đại đều bỏ qua cách dùng của phân từ này. Họ chỉ dịch hành động chung chung: “Người chạnh lòng thương” (CGKPV); “Pris de Pitié” (TOB) ; “moved with pity” (ESV) ; “ne ebbe compassione” (CEI). Động từ này được dùng đa số cho Đức Giêsu cách trực tiếp hoặc ám chỉ. Nó được dùng để diễn tả lòng xót thương của người cha trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,20). Người Samaritano nhân hậu trong dụ ngôn cũng “chạnh lòng thương” khách bị nạn (Lc 10,33). Đức Giêsu “chạnh lòng thương” vì đám đông bơ vơ như đàn chiên không có mục tử (Mt 9,36; cf. 14,14; Mc 6,34). Đức Giêsu cũng “chạnh lòng thương” bà góa thành Nain có con trai một bị chết. Rõ ràng, động từ “chạnh lòng thương”  là động từ mang nhãn hiệu độc quyền của Đức Giêsu. Mỗi khi Người “chạnh lòng thương”, Người đều làm những phép lạ cụ thể và cao cả. Phát xuất từ con tim yêu thương, Đức Giêsu đã không ngần ngại đưa tay ra, và chạm vào anh ta. Như đã nói trên, theo luật của sách Lêvi, người ta phải tránh lại gần hay tiếp xúc những người bệnh này, nhưng Đức Giêsu chẳng những tiếp xúc mà Người còn chạm vào anh ta. Đức Giêsu khác với ngôn sứ Êlisa, người cũng chữa bệnh cùi cho ông Naaman. Ông tránh tiếp xúc với người đàn ông bị bệnh hủi (1 V 5,1-14).[2] Đụng chạm vào người bị ô uế làm cho người ta ra ô uế.[3] Trong Phép lạ chữa lành cho mười người phong hủi, Đức Giêsu cũng đứng từ xa và bảo mười người ấy “hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17,11). Đụng chạm vào Đức Giêsu là một trong những dấu chứng chữa lành. Người đàn bà bị bệnh băng huyết chạm vào áo choàng của Đức Giêsu đã được chữa lành (Mc 5,27.30.31; Mt 9,20; Lc 8,44.46.47). Đức Giêsu chạm vào lưỡi người bệnh câm điếc, sau khi nhổ nước miếng nhằm chữa lành anh ta (Mc 7,33). Người chạm vào mắt hai người mù để chữa lành họ (Mt 9,29). Người chữa lành một người mù khác ở Jericho cũng cùng một phương thức (Mt 20,34). Tuy chạm vào một người phong hủi là một điều cấm kỵ, nhưng Người đã làm thế để chứng tỏ lời nói của Người là: “Ta muốn” (1,41).[4]

4.     Sạch”: Động từ “làm cho sạch” được sử dụng 3 lần trong một đoạn văn ngắn và thêm một danh từ “sự sạch”. Đây là động từ lặp lại nhiều nhất trong đoạn này. Đây có thể được xem là động từ chủ đạo trong đoạn văn này. Bệnh phong hủi không chỉ là một loại bệnh thông thường nhưng nó liên quan đến yếu tố thanh sạch. Đối lại với yếu tố thanh sạch là sự ô uế. Sự thanh sạch được nói đến trong sách Lêvi như một yếu tố của sự thánh thiện, thuộc về Thiên Chúa, hoặc dành riêng cho Chúa. Ngược lại sự ô uế là yếu tố tách rời khỏi Thiên Chúa. Người bị ô uế như mắc loại bệnh này không được tham dự vào bất cứ nghi lễ cộng đồng nào và dĩ nhiên họ bị tách rời khỏi dân thánh (Lv 13,3-4.7.45-46). Người chịu trách nhiệm thăm khám và tuyên bố về tình trạng ô uế của một người bệnh hủi là các tư tế. Tư tế là những chức sắc đại diện dân để dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Chính vì thế mà sau khi khỏi bệnh họ phải dâng lễ tế để đền tội và được thánh hiến trở lại (Lv 14,2-19). “Trở nên sạch” có ý nghĩa về mặt nghi lễ và đức tin hơn là về bệnh tật. Chính vì thế mà bệnh nhân này xin Đức Giêsu làm cho anh ta được sạch chứ không xin được khỏi bệnh. Và Đức Giêsu cũng đáp trả lại với anh ta là: hãy được sạch chứ không phải là hãy được lành bệnh. Nghĩa là anh ta mong ước được trở lại thuộc về Thiên Chúa, không muốn rời xa Thiên Chúa nữa. Và mong ước này dĩ nhiên là đẹp lòng Đức Giêsu.

5.     Bệnh cùi rời khỏi anh”: cách diễn tả này giống với lối diễn tả trong phép lạ chữa lành mẹ vợ của ông Simon. “Cơn sốt rời khỏi” mẹ vợ của Phêrô (Mc 1,31) giống như “bệnh cùi” rời khỏi anh ta. R. France lý giải rằng cách nói này trong trường hợp bệnh phong có thể diễn tả các triệu chứng ngoài da của người bị bệnh biến mất một cách tỏ tường.[5] Tuy nhiên, không giống như căn bệnh của mẹ vợ ông Simon, sau khi bệnh hủi rời đi thì cần thêm một tuyên bố nữa: “Anh ta được thanh sạch” (Mc 1,42) bởi vì mong muốn cuối cùng của anh ta là “được thanh sạch”. R. Guelich cho rằng sự chữa lành của Đức Giêsu vượt xa hơn là một tuyên bố mang tính cách tư tế về một sự thanh sạch thuộc về nghi lễ. Phép lạ là công trình của Thiên Chúa, vì các tư tế không có khả năng chữa lành bệnh. Họ chỉ xem xét, kiểm tra để biết là người ấy có bệnh, và lành bệnh thế nào mà thôi. Theo Do Thái giáo, chỉ có Chúa mới có khả năng chữa lành người phong hủi hoặc làm cho người chết sống lại.[6]

6.     “Nghiêm cấm… đuổi đi”: Trước đó, độc giả đã nghe hai lần Đức Giêsu cấm không cho quỷ lên tiếng. Khi Người trừ quỷ một người trong hội đường Caphácnaoum. Thần ô uế đã nói là biết Người là ai. Nó nói “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(1,24) và Đức Giêsu đã quát nó là “im đi” (1,25). Sau đó, Máccô lại cho độc giả biết rằng “Người trừ nhiều quỷ nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Người” (1,34). Lần này Đức Giêsu lại nghiêm cấm một bệnh nhân tiết lộ “bất cứ điều gì, cho bất cứ ai”(nghĩa là không gì cả). Động từ “ἐμβριμάομαι”(cấm đoán một cách gay gắt) được dùng ở thể hiện tại phân từ, thì aorist một lần duy nhất trong Tân Ước (ἐμβριμησάμενος). Cách dùng này nhằm nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của lệnh cấm của Đức Giêsu. Cách dùng của hiện tại phân từ của động từ này rất có thể là chỉ thời gian: “Sau khi nghiêm cấm…”. Động từ chính phía sau động từ này cũng rất mạnh: “Người đuổi anh ta ra khỏi”. Động từ “đuổi đi” (ἐκβάλλω) được dùng nhiều lần để chỉ việc trục xuất quỷ (1,34.39; 3,15…). R. France ghi nhận sự lạ lùng đến mức ngạc nhiên trong cách dùng từ của Máccô.  Theo ông, động từ “ἐμβριμάομαι”cổ điển được dùng để diễn tả “cơn thịnh nộ của động vật”(ngựa), ở đây được dùng diễn tả cảm xúc mạnh mẽ của Đức Giêsu. Cùng với động từ ἐκβάλλω nó không cho thấy một cách đối xử tử tế.[7] Lệnh cấm này thuộc bí mật Mêsiya của Tin Mừng Máccô. Dường như Đức Giêsu không mong muốn người ta nhận biết Người như là một người làm phép lạ chữa bệnh mà thôi. Nội dung lệnh cấm là một lối dùng từ phủ định kép “μηδενὶ μηδὲν εἴπῃς” (không nói gì cho không ai). Hai từ phủ định được đặt trước động từ nói nhằm nhấn mạnh mệnh lệnh. Đức Giêsu không cho anh ta nói nhưng lệnh cho anh ta đi trình diện với tư tế. Vấn đề là anh ta được trở lại với cộng đoàn, được tuyên bố là thanh sạch càng sớm càng tốt chứ không phải tôn vinh phép lạ của Đức Giêsu. Anh ta phải đi trình diện với tư tế vì chỉ có các tư tế mới có quyền tuyên bố anh đã được sạch và cho anh trở về với cộng đồng.

7.     Dâng lễ vật theo luật Môsê”: Sách Lêvi 14,1 – 31 chỉ dẫn rất cụ thể về những nghi thức và con vật phải dâng theo luật thanh tẩy, bao gồm những lễ vật, với những tiêu chuẩn cụ thể dành cho người nghèo. Lễ vật bao gồm: “Hai con chim còn sống và thanh sạch, gỗ bá hương, phẩm cánh kiến và cành hương thảo” (Lv 14,5); “hai con chiên đực toàn vẹn, một con chiên cái toàn vẹn, một tuổi, mười ba lít rưỡi tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm” (Lv 14,10). Nếu nó nghèo “thì chỉ bắt một con chiên đực dùng làm lễ đền tội… bốn lít tinh bột nhào với dầu làm lễ phẩm… một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non” (Lv 14,21-22). Tiến trình bình thường hóa thân phận của người này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn thanh tẩy (Lv 14,5-9). Giai đoạn thứ hai, sau khi cách ly bảy ngày, là giai đoạn đền tội (Lv 14,10-18).

8.     Rao giảng và kể với mọi người”: Với lệnh cấm được diễn tả một cách nghiêm túc đến nghiêm trọng như thế, người bệnh này lẽ ra phải tuân theo. Thế nhưng, anh ta dường như làm trái ngược lại hoàn toan với những điều Đức Giêsu cấm đoán. Liên từ “δὲ” (nhưng) diễn tả sự trái ngược hoàn toàn. Động từ rao giảng được dùng trước hết cho ông Gioan, kẻ dọn đường (Mc 1,7), rồi cho Đức Giêsu (1,14.38), đến các môn đệ (Mc 3,14). Cụm từ “bắt đầu rao giảng” ở đây giống y như cấu trúc dùng cho người bị quỷ ám được trục xuất trong vùng Gerasa. Anh ta cũng “bắt dầu rao giảng trong miền thập tỉnh” (Mc 5,20). Chỉ khác ở chỗ là trong câu chuyện này Đức Giêsu khuyên anh này hãy “về nhà với bạn bè và kể cho họ nghe những điều Chúa đã làm cho anh và Người thương xót anh như thế nào” (5,20). Anh bệnh cùi trong câu chuyện này rao giảng rất nhiều và loan truyền chuyện đã xảy ra cho anh. Có lẽ anh ta thấy nhiệm vụ loan báo tin vui này cấp thiết hơn cả chuyện anh ta được các tư tế tuyên bố thanh sạch hay không. Điều mà người phong hủi loan truyền ở đây trong tiếng Hy Lạp là “τὸν λόγον” (lời). Trong ngữ cảnh này “lời” rất có thể có nghĩa là câu chuyện “được sạch” mà người này vừa trải nghiệm. Nhưng trong bối cảnh rộng hơn của Tin Mừng, “lời” có thể là Tin Vui, Tin Mừng của Chúa. Đó là Tin Mừng về sự đến gần của Nước Trời thể hiện qua quyền năng chữa lành của Đức Giêsu.[8]

9.     Ở trong những nơi hoang vắng”: “Nơi hoang vắng” thường đánh dấu những khoảnh khắc đặc biệt của Đức Giêsu. Đó là nơi Đức Giêsu chịu cám dỗ bốn mươi đêm ngày sau khi chịu phép rửa và trước khi đi rao giảng (Mc 1,12). Đó cũng là nơi nhiều lần Đức Giêsu gặp gỡ Chúa Cha trong những giờ cầu nguyện (Mc 1,35); là nơi Người khuyên các môn đệ lui vào và nghỉ ngơi (Mc 6,31.32). Cũng là nơi Đức Giêsu gặp gỡ, rao giảng và cho họ ăn (Mc 6,35; Mt 14,13.15). Dường như việc rao giảng của người phong hủi này có hiệu quả tiêu cực là làm cho Đức Giêsu không thể vào thành nào được. Tuy nhiên, cũng dường như nó có hiệu quả tích cực, dù Đức Giêsu ở trong sa mạc, nhưng người ta từ khắp các ngả đến với Người. Và sa mạc cũng là nơi giảng dạy quen thuộc của Người.

10.  “Người ta đến với Người từ các nẻo đường”: Trớ trêu thay, nơi hoang vắng trước đây là nơi người ta bắt buộc những người bệnh hủi phải ở thì giờ đây lại là nơi Đức Giêsu lưu lại. Nhưng dù ở trong sa mạc đi nữa thì Tin Vui về Đức Giêsu, rất có thể do người lành sạch này loan báo, đã kéo người ta từ khắp mọi nơi đến với Đức Giêsu. Máccô không nói tiếp là họ đến với Đức Giêsu để làm gì. Tuy nhiên, độc giả có thể suy đoán là họ lại nghe Đức Giêsu rao giảng, rồi chữa lành bệnh tật. Theo như bối cảnh của 6,34-35, Đức Giêsu thấy họ như “bầy chiên không có mục tử và Người giảng dạy họ nhiều điều”.

Bình luận

Cùng với phép lạ trừ quỷ (1,21-28) và phép lạ chữa lành bà mẹ vợ của ông Simon (1,29-31), phép lạ chữa lành bệnh phong trong đoạn Tin Mừng này là phép lạ thứ 3 trong chương một được Máccô ghi lại một cách chi tiết. Bệnh phong là một cách nói chung cho tất cả những người bị bệnh ngoài da, và không có thuốc chữa thời bấy giờ. Bệnh này không chỉ làm cho bệnh nhân đau đớn về mặt thể xác nhưng trên hết là họ phải chịu đau đớn khi bị xem như là ô uế. Ô uế là ngược với thanh sạch. Thanh sạch là một đặc tính quan trọng của dân thánh Chúa. Nó có thể là một yếu tố chứng tó sự thánh thiện. Người bị tuyên bố là ô uế không có quyền ở chung trại với dân thánh Chúa. Họ phải ở cách ly ngoài trại, theo luật Lêvi. Chúng ta có thể tưởng tượng như những người cách ly vì bệnh Covid thời nay vậy. Nhưng sự cách ly của bệnh Covid chỉ nhằm tránh sự lây lan về bệnh tật. Còn sự cách ly của người bệnh hủi là một sự phân biệt giữa sự thánh thiện và ô uế, giữa những người thuộc về Chúa và những người không thuộc về Chúa. Sự cách ly này đối với một người yêu mến Chúa còn đau khổ hơn cả chết nữa. Chính vì thế mà độc giả có thế hiểu là tại sao người bệnh này xin Đức Giêsu làm cho anh ta được sạch. Động từ “thanh tẩy” hay “làm cho sạch” được lặp lại đến 3 lần trong đoạn này. Anh ta khao khát được trở lại với dân thánh Chúa, được thuộc về Chúa, và tham gia các nghi lễ thờ cúng như dân thánh. Đức Giêsu là người Do Thái, Người dĩ nhiên hiểu được ngay nổi thống khổ của anh và niềm khao khát của anh. Hơn nữa, bệnh nhân này cho thấy mức độ trưởng thành về đức tin của anh. Anh xin Chúa nhưng lại để ngỏ cho ý muốn của Chúa được thể hiện. Đức Giêsu đã đáp lại lời thỉnh cầu đầy đức tin của anh bằng những hành động rất cụ thể. Ít nhất có ba hành động được diễn tả để hiện thực hóa câu đáp trả: “Tôi muốn” của Người. Vì Người “chạnh lòng thương” nên Người, “đưa tay ra”, và “chạm vào anh”. Bệnh nhân này chắc cũng giật mình trong chốc lát. Việc Đức Giêsu để cho anh ta tiếp cận đã là một điều cấm kỵ rồi. Đằng này, Người lại đưa tay chạm vào anh. Đức Giêsu không sợ bị ô uế khi phải chạm vào người ô uế sao? Dĩ nhiên là không, vì cái chạm của Người cùng với lời tuyên bố “anh hãy được sạch” đã vô hiệu hóa tác hại của bệnh hủi. Điều làm cho độc giả ngạc nhiên hơn nữa là Đức Giêsu lại dùng những hành động rất mạnh như “nghiêm cấm” và “đuổi anh ta đi”, không cho anh ta “nói bất cứ điều gì với một ai”. Người muốn anh ta đi ngay đến trình diện với tư tế và dâng lễ vật theo luật Môsê. Đức Giêsu cho thấy Người tôn trọng Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban qua ông Môsê như dân của Người vậy. Người bệnh phong được tư tế tuyên bố là ô uế và phải cách ly, sau đó cũng chính tư tế là người cử hành các nghi lễ thanh tẩy để tuyên bố người này lành sạch, có thể gia nhập cộng đồng. Tiến trình thanh tẩy theo luật này có thể kéo dài 8 ngày. Có lẽ chính vì thế mà Đức Giêsu không muốn anh này chờ lâu hơn nữa. Ngạc nhiên hơn, dù bị cấm đoán đến cách nghiêm túc như thế, anh này cứ rao giảng nhiều điều và loan truyền Tin Vui đến khắp mọi người. Không biết khi nào anh ta mới đi đến với các tư tế để được tuyên bố là thanh sạch. Tuy nhiên, sự di chuyển của anh ta khắp nơi và nói với mọi người cho thấy anh không bị cách ly khỏi xã hội nữa. Câu chuyện kết thúc đầy mỉa mai rằng: người được chữa lành trước đây bị buộc phải sống nơi hoang vắng thì nay lại di chuyển khắp nơi trong các thành, còn Đức Giêsu, Đấng chữa lành thì lại phải ở lại trong “nơi hoang vắng”. Tuy vậy, cái kết của câu chuyên vẫn đẹp như nó phải là: Dù Đức Giêsu lánh vào nơi hoang vắng, “Người ta từ khắp các ngả đường đến với Người”.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 205; Cf. J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 88.

[3] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 118.

[4] R. A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 74.

[6] R. A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 74.

[8] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 179-180.


No comments:

Post a Comment