Thursday, 4 February 2021

RAO GIẢNG-CẦU NGUYỆN-CHỮA BỆNH. Chú giải Tin Mừng CN V TN B (Mc 1,29-39); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

29  Καὶ εὐθὺς ἐκ τῆς συναγωγῆς ἐξελθόντες ἦλθον εἰς τὴν οἰκίαν Σίμωνος καὶ Ἀνδρέου μετὰ Ἰακώβου καὶ Ἰωάννου.

 30  ἡ δὲ πενθερὰ Σίμωνος κατέκειτο πυρέσσουσα, καὶ εὐθὺς λέγουσιν αὐτῷ περὶ αὐτῆς.

 31  καὶ προσελθὼν ἤγειρεν αὐτὴν κρατήσας τῆς χειρός· καὶ ἀφῆκεν αὐτὴν ὁ πυρετός, καὶ διηκόνει αὐτοῖς.

 32  Ὀψίας δὲ γενομένης, ὅτε ἔδυ ὁ ἥλιος, ἔφερον πρὸς αὐτὸν πάντας τοὺς κακῶς ἔχοντας καὶ τοὺς δαιμονιζομένους·

 33  καὶ ἦν ὅλη ἡ πόλις ἐπισυνηγμένη πρὸς τὴν θύραν.

 34  καὶ ἐθεράπευσεν πολλοὺς κακῶς ἔχοντας ποικίλαις νόσοις καὶ δαιμόνια πολλὰ ἐξέβαλεν καὶ οὐκ ἤφιεν λαλεῖν τὰ δαιμόνια, ὅτι ᾔδεισαν αὐτόν.

 35  Καὶ πρωῒ ἔννυχα λίαν ἀναστὰς ἐξῆλθεν καὶ ἀπῆλθεν εἰς ἔρημον τόπον κἀκεῖ προσηύχετο.

 36  καὶ κατεδίωξεν αὐτὸν Σίμων καὶ οἱ μετ᾽ αὐτοῦ,

 37  καὶ εὗρον αὐτὸν καὶ λέγουσιν αὐτῷ ὅτι πάντες ζητοῦσίν σε.

 38  καὶ λέγει αὐτοῖς· ἄγωμεν ἀλλαχοῦ εἰς τὰς ἐχομένας κωμοπόλεις, ἵνα καὶ ἐκεῖ κηρύξω· εἰς τοῦτο γὰρ ἐξῆλθον.

 39  Καὶ ἦλθεν κηρύσσων εἰς τὰς συναγωγὰς αὐτῶν εἰς ὅλην τὴν Γαλιλαίαν καὶ τὰ δαιμόνια ἐκβάλλων. (Mk. 1:29-39 BGT)

29 Và ngay lập tức sau khi Đức Giêsu ra khỏi hội đường, Người đi vào nhà của ông Simon và Anrê cùng với Giacôbê và Gioan.

30 Rồi, mẹ vợ của ông Simon đang được đặt nằm, đau đớn vì sốt và ngay lập tức họ nói với Người về bà

31 Sau khi tiến lại gần Người nâng bà dậy, và khi Người nắm lấy bàn tay bà, cơn sốt rời bà và bà phục vụ họ.

32 Chiều đến, khi mặt trời lặn, người ta mang đến cho người tất cả những người có bệnhnhững người bị quỷ ám.

33 Và toàn bộ thành tập trung ở cửa nhà.

34 Và Người chữa lành nhiều người bệnh khác nhau và trục xuất nhiều quỷ, nhưng Người không cho quỷ nói vì chúng đã biết Người.

35 Và vừa tảng sáng, lúc trời còn tối, sau khi thức dậy, Người đi ra và đến một nơi hoang vắng, ở đó Người cầu nguyện liên tục.

36 Và Phêrô và những người ở vơi ông tìm kiếm Người.

37 Sau khi tìm thấy Người, họ nói với Người là “tất cả mọi người đang tìm Thầy”.

38 Và Người bảo họ: “Chúng ta hãy đi đến những thị thành khác, để tôi rao giảng ở đó, bởi vì tôi đến vì việc này.

39 Và Người ra đi, rao giảng trong các hội đường của họ, trong toàn vùng Galilê và trừ quỷ.

 

Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật V Thường niên năm B (Mc 1,29-39) vẫn nằm trong chương một, Tin Mừng Máccô. Như thường lệ Tin Mừng Máccô với nhiều hoạt động được tường thuật ngắn gọn, súc tích và liên tục. Sau khi Đức Giêsu vừa ra khỏi hội đường, nơi Người giảng dạy và trừ quỷ trong ngày Sabát (Mc 1,21-28), Đức Giêsu liền đi đến nhà của Simon và Anrê. Trạng từ “εὐθὺς” (ngay lập tức) mà Máccô sử dụng kèm theo hành động của Đức Giêsu cho thấy hành động của Người dồn dập làm sao. “Lập tức sau khi ra khỏi hội đường, người đến nhà của Simon và Anrê”. Sự thay đổi về mặt không gian báo hiệu cho độc giả biết, trình thuật này dù liên tục với trình thuật trước, nhưng đây là một câu chuyện khác, một hoạt động khác trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu. Nhân vật cũng thay đổi ít nhiều. Bốn môn đệ đầu tiên hầu như có mặt. Đức Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan không có lý do gì vắng mặt. Bà mẹ vợ của Simon là một trong những nhân vật chính trong đoạn này, nhưng ngoài bà ra, còn có những bệnh nhân vô danh với nhiều loại bệnh và cả những người bị quỷ ám, những người thân của các bệnh nhân, rồi những thính giả của Đức Giêsu. Đây là một lượng nhân vật rất lớn và đến từ nhiều nơi khác nhau vì kết thúc trình thuật trước, người đọc đã nghe biết là danh tiếng của Đức Giêsu đã được đồn ra khắp tất cả những vùng chung quanh Galilê. Mc 1,39 lại cho thấy một hành trình mới của Đức Giêsu. Người lại ra đi rao giảng trong các hội đường khác trong toàn vùng Galilê. Đây là câu nói tổng kết và chuyển đổi hoạt động của Đức Giêsu.

Cấu trúc

Đoạn Tin Mừng này đóng khung bởi hai thay đổi về không gian của Đức Giêsu: Người đi vào nhà ông Simon (Mc 1,29) và Người lại đi ra đến những thành thị khác (1,39). Tuy nhiện, thành thật mà nói chủ đề của đoạn Tin Mừng này không thống nhất một cách lý tưởng để gom chung lại. Máccô tường thuật ít nhất 3 hoạt động riêng biệt của Đức Giêsu. Thứ nhất, Người chữa bệnh cho mẹ vợ của ông Simon, trong nhà của ông Simon (1,29-31). Đoạn sau đó là một bản tóm tắt mang tính tổng quát về hoạt động của Đức Giêsu có thể có cùng không gian là nhà của ông (1,32-34). Tiếp theo sau đó là tường thuật về việc Người rời nhà của ông Simon, ra nơi hoang vắng và cầu nguyện (1,35-37). Và cuối cùng, là mệnh lệnh, mời gọi đi đến các vùng khác để rao giảng (1,38) và Đức hiện thực hóa mệnh lệnh ấy (1,39). Nói như thế để thấy rằng có rất nhiều ý tưởng được bao gồm trong đoạn này, khi Phụng Vụ muốn gom đoạn này lại và đặt vào một Chúa Nhật. Tuy nhiên, có thể nối kết và phác họa tất cả hoạt động của Đức Giêsu trong đoạn này như sau: Chữa bệnh – trừ quỷ - cầu nguyện – rao giảng – trừ quỷ. Trong đó cầu nguyện có thể được xem là trung tâm trong các hoạt động này. Sau đây là một mô hình tương đối để có thể nhìn thấy phần nào cấu trúc của đoạn này:

A. Đi vào nhà và chữa bệnh (cc.29-31)

B. Tóm tắt tổng quát: trừ quỷ chữa bệnh (cc.32-34)

C. Đi ra nơi hoang vắng – cầu nguyện (cc.35-37)

B’. Mệnh lệnh đi đến những nơi khác để rao giảng – mục đích chính của sự ra đi (c.38)

A’. Ra đi rao giảng trừ quỷ (c.39)

 

Một số điểm chú giải

1.     “Đi vào nhà ông Simon và Anrê”: Sau khi trừ quỷ nơi hội đường (môi trường công cộng), Đức Giêsu đến nhà Simon và Anrê (tư gia). Tiếp theo sau trừ quỷ cho người không tên tuổi, có thể là xa lạ, Đức Giêsu quay trở về với những người bên cạnh mình: các môn đệ đầu tiên và người thân của họ. Simon và Anrê là hai môn đệ đầu tiên mà Đức Giêsu mời gọi và chọn lựa ngay lúc bình minh của sứ vụ công khai (Mc 1,16-17). Các ông đã lập tức bỏ chài lưới, công việc, nhà cửa… (mọi sự) để lang thang theo Người (Mc 1,18). Một tòa nhà lớn, được cho là nhà của Simon trong những khai quật gần đây tại Caphácnaoum, tiêu biểu cho giai đoạn Roma, với một loạt các phòng được bao quanh bởi hai sân. Một căn nhà như thế phù hợp với hình ảnh của một ngôi nhà được chung sống bởi hai gia đình (của Simon và Anrê), với mẹ vợ của ông Simon cùng ở đó.[1] Một thánh đường tám cạnh (khoảng thế kỷ thứ 5), được xây trên nền ngôi nhà gồm nhiều phòng này được cho là của Simon Phêrô nhờ những tranh vẽ trang trí của các Kitô hữu sơ khai ở trên tường.[2] Có thể nói rằng, mỗi bước đi trên hành trình của Đức Giêsu, là mỗi bước chân của sứ giả mang Tin Vui cho người khác. Người đi vào nhà ông Simon không đơn giản chỉ là để thăm viếng nhưng là để xoa dịu và chữa lành cơn đau bệnh tật của Mẹ vợ của ông.

2.     “Đau đớn vì sốt”: Trong thời cổ đại cơn sốt tự nó được coi như là căn bệnh hơn là một triệu chứng. Trong Lc 4,39 Đức Giêsu quát mắng cơn sốt. Hơn nữa, cơn sốt được mô tả như một đối tượng, chủ động rời bỏ bà, để bà yên. Những chi tiết này ngụ ý một sự thiếu sự phân biệt cách rõ ràng giữa bệnh tật và sự bị chiếm ngự bởi thần dữ.[3] Bệnh sốt này có thể tượng trưng cho nhiều cơn bệnh xảy ra trong đời thường của con người, những cơn bệnh làm cho người ta nằm bất động không di chuyển và hoạt động bình thường được. Ngay cả chuyện ăn uống cũng là một vấn đề. Tình trạng của bà được diễn tả bằng hai động từ diễn tả sự kéo dài và liên tục. Động từ “nằm” được chia ở thì vị hoàn (κατέκειτο), thể bị động. Thể bị động diễn tả một hành động bắt buộc, chẳng đặng đừng (đang bị nằm trên giường). Thì vị hoàn (imperfect) diễn tả một sự kéo dài. Tiếp theo sau đó là động từ “đau đớn vì sốt” thì chia ở thể phân từ (participle) cũng diễn tả một tình trạng kéo dài (đang đau đớn vì sốt).

3.     Nâng bà dậy”: Động từ “nâng dậy” có thể diễn tả hai ý nghĩa. Thứ nhất, vì bà đang nằm nên Đức Giêsu nâng bà dậy khỏi giường. Trong Tin Mừng Máccô đây là động từ đặc trưng được dùng trong các tường thuật về sự chữa lành (2,9.11; 3,3;5,41; 9,27; 10,49). Thứ hai, nghĩa sâu xa hơn là diễn tả mầu nhiệm chữa lành cả hồn lẫn xác. Động từ “nâng dậy” ở đây cũng có nghĩa là, nâng dậy từ cõi chết, làm cho ai đó sống lại. Máccô dùng động từ này nhiều lần để diễn tả sự sống lại của kẻ chết (6,14; 12,26; 14,28; 16,6). Động từ này cũng được sử dụng trong dấu lạ chữa lành cậu bé bị câm từ thuở mới sinh. Lúc thần câm xuất khỏi cậu bé thì cậu nằm bất động như xác chết và Đức Giêsu cầm tay nó, nâng nó dậy và nó liền chỗi dậy (Mc 1,27). Gioan dùng động từ này để diễn tả việc Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại (Ga 12,1.9.17). Rất nhiều lần Sách Công Vụ Tông đồ đã dùng động từ này để diễn tả mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu. Thiên Chúa đã “làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 3,15; 4,10; 5,30; 10,40). Thư thánh Phao lô cũng dùng động từ này với một ý nghĩa tương tự (1 Cr 15,4; Gl 1,1; Rm 4,24).

4.     “Nắm lấy bàn tay bà”: Sự đụng chạm về thể lý như đặt tay, nắm tay (5:23; 5,41; 7,32; 8,22)  cũng như mong ước của bệnh nhân bằng cách đơn giản chỉ đụng chạm vào người chữa bệnh (5:28; 6:56) phổ biến trong Tân Ước cũng như nơi những tường thuật ngoài Thánh Kinh. Theo J.R. Donahue – D.J. Harrington, những dấu hiệu này gia tăng hình ảnh của Đức Giêsu như một Đấng mang quyền lực Thần Khí, mà sự hiện diện của Người đem đến sự trọn vẹn.[4]  Hành động nắm tay xưa nay vẫn quen thuộc với người thầy thuốc. Đó có thể là cái nắm tay bắt mạch, kiểm tra nhịp tim. Đó cũng là cái nắm tay đo huyết áp trong thời y khoa hiện đại. Nắm tay cũng là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương, chuyền hơi ấm. Bắt tay cũng là cử chỉ chào hỏi thân thiện trong nhiều nền văn hóa. Đức Giêsu nắm lấy tay có thể vừa là cử chỉ yêu thương truyền hơi ấm, vừa là dấu chỉ của một thầy thuốc. Thầy thuốc này không chỉ chữa bệnh về thể xác nhưng cả tâm linh nữa. Khác với tường thuật về trừ quỷ trước đó (1,21-28), Đức Giêsu không nói một lời nào nhưng Người dùng sự chạm về thể lý.[5]

5.     Cơn sốt rời khỏi bà ấy”: Sự đụng chạm, nắm tay của Đức Giêsu có tác dụng chữa lành ngay lập tức. Danh từ cơn sốt trở thành chủ từ của động từ “rời đi” dường như là nhân cách hóa. Tuy nhiên, theo R. France, cách dùng này tương tự như Mt 8,15; Lc 4,39; Ga 4,52, là một thành ngữ tự nhiên, không nhất thiết là nhân cách hóa của cơn sốt.[6] Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thời ấy trong vùng Cận Đông, người ta hiểu bệnh tật như một dạng bị quỷ khống chế, ví như các loại quỷ câm, quỷ điếc được nói đến rất nhiều trong Tin Mừng. Tác giả Luca thay đổi đôi chút khi thêm rằng Đức Giêsu “khiển trách cơn sốt và nó rời khỏi bà”. Cách mô tả này cho thấy rõ cơn sốt là một đối tượng được nhân hoá.

6.     Bà phục vụ họ”: Động từ “διακονέω” có rất nhiều nghĩa: phục vụ, chăm sóc, phục vụ như một phó tế. R. France cho rằng trong bối cảnh này ý nghĩa có thể nhất là cung cấp thức ăn uống. Bà ta phục thể hiện vai trò được mong chờ của một người mẹ vợ trong gia đình bằng cách phục vụ những thức ăn đồ uống.[7] Hoạt động phục vụ của bà trước tiên thể hiện hiệu quả của dấu lạ mà Đức Giêsu đã làm. Với sự cầm tay và nâng dậy của Đức Giêsu người mẹ vợ của Simon đã chuyển từ trạng thái nằm liệt qua đi lại và phục vụ. Đây cũng chính là động từ được dùng trước đây để diễn tả sự phục vụ của các thiên sứ dành cho Đức Giêsu trong trình thuật về cám dỗ (1,13) và sau đó Đức Giêsu dùng để dạy về sự phục vụ cách khiêm tốn của Người: “Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,45).[8] J. Marcus ghi nhận sự lý thú khi lần xuất hiện cuối cùng của động từ “phục vụ” là trong 15,41, nơi cũng đề cập đến những phụ nữ, những người phục vụ Đức Giêsu khi “Người ở nơi Galilê”. Như thế, cách nào đó, một phần chính yếu của Tin Mừng Máccô được đóng khung bởi sự phục vụ mà các phụ nữ dành cho Đức Giêsu.[9]  Như thế, sự phục vụ của bà cũng có nghĩa là một sự phục vụ Tin Mừng, hoặc là chuẩn bị trước, báo trước, chứ không đơn giản chỉ là chuyện ăn uống.

7.     “Chiều đến, khi mặt trời lặn”: Sự thay đổi về mặt thời gian có thể đánh dấu thời gian làm việc của sứ giả Tin Mừng. Mặt trời lặn báo hiệu một bối cảnh nghỉ ngơi, thế nhưng Máccô lại cho độc giả biết là những người đến với Đức Giêsu càng tấp nập hơn. Những cách diễn tả như “tất cả những kẻ đau yếu và những người bị quỷ ám”; “cả thành tập trung lại tại cửa nhà” cho thấy sự tấp nập bận rộn quá mức của Đức Giêsu. Động từ “mang đến” được chia ở thì vị hoàn cũng cho thấy hành động “đưa” (các bệnh nhân và những người bị quỷ ám” đến với Đức Giêsu là một hành động kéo dài liên tục. Người ta có thể tưởng tượng khung cảnh nhà của Simon lúc ấy giống như một bệnh viện vậy.

8.     “Người chữa lành nhiều bệnh khác nhau và trục xuất nhiều quỷ”: Tính từ “πολλοὺς” cho thấy mức độ, số lượng những bệnh nhân được Đức Giêsu chữa và số người được trục xuất quỷ là nhiều, nhưng dường như nó không thể đáp ứng lại với tính từ “πάντας” (tất cả các bệnh nhân) hay “ὅλη” (toàn bộ thành phố). Đức Giêsu dường như không chữa hết tất cả mọi bệnh tật và trục xuất hết mọi người bị quỷ ám ở Caphácnaoum. Sau đó, người ta cùng với Phêrô tiếp tục tìm đến Người nhưng Người lại đi qua vùng khác.

9.     “Người không cho quỷ nói”: Lý do Người không cho quỷ lên tiếng là “vì chúng biết Người”. Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện trừ quỷ trong hội đường trước đó. Khi gặp Đức Giêsu quỷ đã la lên rằng: “Có chuyện gì giữa chúng tôi và ông, tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng thánh của Thiên Chúa” (1,24). Đức Giêsu cũng lập tức ra lệnh “câm đi” (1,25). Có thể có hai lý do có thể. Thứ nhất, quỷ không đủ tư cách để mặc khải thần tính của Đức Giêsu. Thứ hai, Người không muốn dân chúng hiểu lầm về tư cách Mêsia của Người chỉ giới hạn trong việc chữa bệnh và trừ quỷ. Nó có thể dẫn đến mê tín, và sùng bài cá nhân chứ không dẫn đến chiều sâu đức tin thật sự.

10.  “Vừa tảng sáng, lúc trời còn tối”: Đối lại với lối diễn tả về thời gian ở đoạn trước “lúc hoàng hôn buông xuống, lúc mặt trời đã đi ngủ” (1,32) là “hừng đông, lúc trời còn tối”. Cách diễn tả (gấp đôi về thời gian) này của Máccô vừa mang tính rõ ràng, cụ thể vừa có tính nhấn mạnh. Đây có thể là khoảng thời gian tốt nhất để Đức Giêsu có thể cầu nguyện. Các môn đệ chắc vẫn còn ngủ mê mệt vì vất vả tiếp khách vào tối hôm trước. Còn Đức Giêsu thì tỉnh táo đủ để có một khoảng thời gian riêng với Thiên Chúa Cha.

11.  “Nơi hoang vắng”: “|Sa mạc” là nơi thử thách của dân Israel nhưng đồng thời cũng là nơi họ gặp gỡ Chúa và đối diện với chính mình để Chúa huấn luyện họ suốt bốn mươi năm trước khi vào đất hứa. Sa mạc vừa đóng vai trò tích cực như là nơi ghi dấu sự cứu độ của Chúa và giao ước với dân (Gr 2,2-3; Hs 2,14-15; Tv 78, 12-53; Tv 105,39-45) và theo nghĩa tiêu cực như là một nơi thử thách và nổi loạn (Xh 16; Ds 11; Tv 78, 17-22, 32-41; 106,6-43).[10] Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu sa mạc là nơi lý tưởng để Người cầu nguyện, nói chuyện với Chúa Cha, sau khi có qúa nhiều hoạt động chữa bệnh và trừ quỷ trong ngày. Đó cũng là nơi mà Người mong muốn các môn đệ đi vào và nghỉ ngơi khi có quá nhiều người tới lui “đến nỗi họ không có thời gian ăn uống” (Mc 6,31.32). Đó cũng là nơi Đức Giêsu chịu thử thách, cám dỗ và đã vượt qua.

12.  “Người cầu nguyện”: Tin Mừng Máccô ghi lại ít nhất 4 lần Đức Giêsu cầu nguyện. Lần thứ nhất là trong bối cảnh này. Lần thứ hai là trong bối cảnh sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sau khi Người giải tán đám đông, Người “đi lên núi để cầu nguyện” (Mc 6,46; Mt 15,23). Lần thứ ba là lúc Đức Giêsu biến hình (Mc 9,2-8; Mt 17,1-8; Lc 9, 28-36).[11] Lần thứ tư là trong bối cảnh Người sắp bị bắt và bước vào cuộc thương khó (Mc 14,32.35; Lc 22,39). Động từ cầu nguyện trong hai lần: lần này và lần xảy ra trong bối cảnh Thương Khó đều được chia ở thì vị hoàn, diễn tả một hành động kéo dài (προσηύχετο). Lần sau trong vườn cây dầu Máccô ghi lại rõ ràng lời cầu nguyện của Đức Giêsu: “Abba, lạy Cha, tất cả mọi sự có thể đối với Cha. Xin hãy cất chén này xa con. Tuy nhiên không phải điều con muốn mà là điều Cha muốn” (Mc 14,35). Đức Giêsu cầu nguyện 3 lần với cùng một ý nguyện (Mc 14,39.41). Người cũng nhắc nhở các môn đệ là: “Hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi đi vào cơn cám dỗ” (14,38) nhưng tất cả họ đều ngủ cả. Trong bối cảnh này chúng ta không biết Đức Giêsu cầu nguyện gì, nhưng bối cảnh khá giống với bối cảnh sau phép lạ hóa bánh ra nhiều với hơn năm ngàn người tham dự. Lần này cũng là bối cảnh sau nhiều phép lạ chữa lành nhiều bệnh nhân và trừ nhiều quỷ, Đức Giêsu lại phải cầu nguyện. Đây có thể là một thói quen trong thời khóa biểu mỗi ngày của Đức Giêsu. Tuy nhiên, đó cũng có thể là trong bối cảnh đặc biệt khi cám dỗ thể hiện mình bằng những phép lạ, hay là ước vọng tìm thấy dấu lạ của Đức Giêsu nơi dân chúng đang dâng cao. Đức Giêsu không mong muốn được tôn vinh theo kiểu như thế và Người có lẽ cũng không mong muốn dân chúng tìm đến Người chỉ vì những dấu lạ như thế.

13.  “Simon và nhiều người đi với ông tìm kiếm Người”: Có lẽ đám đông vẫn chưa thỏa mãn bởi nhiều người được chữa bệnh và trừ quỷ. Họ mong muốn một ngày mới của Đức Giêsu lại bắt đầu như thế. Lối thông báo của Simon “Tất cả mọi người đang tìm Thầy” đã ẩn chứa điều ấy. Tất cả họ đều mong muốn như vậy. Nghĩa là Đức Giêsu lại trở về nhà ông Simon và lại chữa bệnh và trừ quỷ ở đó. Nhưng đó không phải là chương trình của Đức Giêsu. Sau khi cầu nguyện Người đã xác tín con đường của Người.

14.  “Đến những thành thị khác … để rao giảng”: Lối của Đức Giêsu là: “Chúng ta hãy đến các nơi khác, vào các nơi phố thị khác” và mục đích cũng như lý do Đức Giêsu đưa ra rất là cụ thể và rõ ràng: “Để mà (ἵνα) Thầy có thể rao giảng (κηρύξω) ở đó nữa, bởi vì (γὰρ) Thầy ra đi là để làm việc này”. Đức Giêsu rõ ràng nhấn mạnh đến hoạt động rao giảng hơn là làm những dấu lạ. Động từ rao giảng cũng là động từ nối kết Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu. Gioan xuất hiện, làm phép dìm trong hoang địa và rao giảng một phép dìm của lòng hoán cải để được ơn tha tội (Mc 1,4). Đức Giêsu cũng rao giảng nhưng nội dung rao giảng của Đức Giêsu là “Tin Mừng của Chúa” chứ không phải là “phép rửa của lòng hoán cải”.[12] Vấn đề là phải làm sao cho người ta thấy được sự cần thiết của một vương quốc Thiên Chúa và xây dựng nó cho chính mình. Động từ này cũng nối kết sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ. Người chọn nhóm Mười Hai với mục đích là để họ ở với Người và Người sai họ đi rao giảng (Mc 3,14). Điều này chứng tỏ rằng sứ vụ của Đức Giêsu có tính liên tục. Các tông đồ không chỉ rao giảng thông điệp của Chúa Giêsu nhưng còn rao giảng về Đức Giêsu, nhất là Đức Giêsu Phục Sinh. 1,39 tổng kết các hoạt động của Đức Giêsu: “Ra đi, rao giảng trong các hội đường trong toàn vùng Galilê, và trừ quỷ”. Câu tóm tắt này đã được cụ thể hóa trước đó trong trình thuật Mc 1,21-28, nơi mà Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường ở Caphácnaoum vào ngày Sabát và trừ quỷ. Giờ đây hoạt động của Người không còn giới hạn trong thành Caphácnaoum hay nhà của Simon nữa mà đã lan rộng ra toàn bộ lãnh thổ Galilê.

Bình luận

Sau phép lạ trừ quỷ tại hội đường Caphácnaoum danh tiếng Đức Giêsu đồn ra khắp các vùng lân cận (1,28). Lập tức, sau khi ra khỏi hội đường, Người đi vào nhà của ông Simon và Anrê. Người vào đó bởi Người biết rằng nơi đó có người đau khổ vì bệnh tật đang chờ đợi Người. Người ta nói cho Người nghe về tình trạng của bà, nhưng có lẽ chính Người biết rõ tình trạng của bà hơn ai hết. Đó là cơn bệnh về mặt thể lý làm cho bà phải nằm bất động nhiều ngày không di chuyển được. Ngay cả khi Đức Giêsu đến bà cũng vẫn không dậy nổi để tiếp đón. Đức Giêsu chủ động đến với bà. Người nâng bà dậy và cầm lấy tay bà. Sức mạnh thần linh, cùng với tình thương, hơi ấm tình người tình Chúa nơi Đức Giêsu đã làm cho cơn sốt biến mất. Bà thay đổi từ trạng thái nằm trên giường đến trạng thái phục vụ. Cái chạm, cái nắm tay của Đức Giêsu là những hành động mang tính chữa lành, có hiệu quả chữa lành. Người không nói câu nào từ đầu đến cuối của dấu lạ chữa lành. Sự “nâng dậy” của Đức Giêsu không chỉ nâng dậy khỏi sự khống chế của bệnh tật mà còn làm sống dậy một sức sống mới. Sự phục vụ của bà mẹ vợ của ông Simon không chỉ đơn giản là phục vụ chuyện ăn uống nhưng còn là phục vụ Tin Mừng, và sứ giả Tin Mừng. Cùng với phép lạ chữa lành mẹ vợ của Simon là vô vàn dấu lạ khác Đức Giêsu thực hiện nơi ngôi nhà của ông Simon. Ngôi nhà này dường như biến thành một bệnh viện dã chiến, nơi đó tất cả các bệnh nhân và những người bị quỷ ám được tập hợp. Máccô diễn tả bằng tính từ “tất cả” và “toàn bộ” thành phố. Đức Giêsu cho thấy mức độ làm việc của mình khi Người làm việc vào ban đêm sau khi mặt trời lặn, với một lượng bệnh nhân như thế. Vinh quang, sự cần thiết của công việc sứ vụ, không tách Đức Giêsu ra khỏi việc cầu nguyện. Thức khuya làm việc, sáng Người lại dậy sớm, khi bình minh chưa ló dạng để tìm gặp Chúa Cha. Cuộc gặp gỡ, nguyện cầu, trò chuyện với Chúa Cha là quá sức cần thiết đối với Đức Giêsu. Sau giờ cầu nguyện ấy Đức Giêsu quyết định tiếp tục ra đi rao giảng những nơi khác nữa. Mặc dù “tất cả mọi người” tìm kiếm Người. Người biết họ muốn gì. Cũng như bối cảnh của phép lạ hóa bánh ra nhiều, sau đó Người cũng lại ra đi. Có lẽ, Người không muốn người ta đến với Người chỉ vì những dấu lạ. Người không muốn họ tôn vinh Người. Mục đích của Người ra đi là loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nước ấy “đã đến gần”, nên “hãy hoán cải và Tin vào Tin Mừng”. Những dấu lạ nếu có thì cũng là để phục vụ cho mục đích ấy. Đoạn Tin Mừng này cho thấy Người chữa lành nhiều bệnh tật nhưng Người không chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Bệnh nhân thời của Người hay ngày nay vẫn còn rất nhiều. Điều Người mong ước là làm sao tất cả mọi người đều hoán cải và tin vào Tin Mừng. Đức Tin vào Tin Mừng giúp người ta vượt qua mọi nghịch cảnh mà vẫn sống tử tế, sống cho ra người. Nếu đức tin vào Tin Mừng bị điều kiện hóa vào những dấu lạ thì không còn thật sự là đức tin nữa mà là sự đổi chác, mua bán.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 81.

[2] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 196.

[3] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 82.

[4] Ibid.

[5] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids 2002) 108.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 82.

[10] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 61.

[11] Trong trình thuật về cuộc biến hình chỉ có Luca ghi rõ mục đích của Đức Giê-su cùng với 3 môn đệ đi lên núi là để cầu nguyện và đang khi cầu nguyện thì Người biến hình (Lc 9,28-29). Ngoài ra Luca cũng là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại việc Đức Giê-su cầu nguyện “suốt đêm” trước khi Người tuyển chọn và gọi tên 12 Tông Đồ. Luca cũng là tác giả đặt lời dạy Kinh Lạy Cha trong bối cảnh cầu nguyện: sau khi Đức Giê-su cầu nguyện xong thì một người trong nhóm các môn đệ thưa với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông” (Lc 11,1).

[12] A.Y. Collins – H.W. Attridge cho rằng Mc 1,14: Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng của Chúa song song với Mc 1,4: Gioan rao giảng phép rửa của lòng sám hối [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 153.

 

No comments:

Post a Comment