Saturday 7 November 2020

DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ ĐI ĐÓN CHÀNG RỂ , THIÊN ĐÀNG HỎA NGỤC HAI BÊN











 Bối cảnh: là một tiệc cưới. Nó diễn tả một niềm vui cho tất cả mọi người. Không ai phải buồn. Ống kính được chỉa vào một nhóm 10 cô trinh nữ trong đêm hôm ấy. Họ có bổn phận phải đón chàng rể và tháp tùng chàng vào phòng tiệc cưới và chung vui với chành rể. Muốn làm được nhiệm vụ ấy và hưởng được niềm vui của chú rể cách trọn vẹn họ phải có sự khôn ngoan, chuẩn bị một cách chu đáo. Dụng cụ quan trọng nhất trong cuộc đón rước này là những chiếc đèn. Và đèn chỉ có tác dụng khi nó cháy sáng. Đèn muốn cháy sáng thì phải có dầu. Đời vốn không như giấc mơ. Chàng rể đến đúng giờ thì tốt rồi nhưng khổ nỗi chàng rễ có lúc đến trễ. Các trinh nữ tháp tùng không có quyền hỏi là, sao chàng rể đến trể vậy?. Điều họ có thể làm là trang bị cho mình đầy đủ nhất có thể thì dù cho chàng rể có đến trễ thì họ cũng có thể sẵn sàng. Họ có thể ngủ nhưng đèn thì phải luôn cháy sáng.

Những điểm chú giải:

1.   Động từ diễn tả sự cảnh báo cao độ: hãy canh chừng, coi chừng (gregoreo Mt 24,42-43; 25,13; 26,38.41 trong vườn cây dầu). Chúng ta gặp thấy động từ này trong Mt 24,42-43. Trong Mt 24,42 Chúa Giê-su cảnh báo là hãy coi chừng vì anh em không biết Chúa của anh em đến ngày nào. Đây cũng là động từ được Chúa Giêsu dùng để cảnh báo các môn đệ trong vườn cây dầu (Mt 26,38.41). Họ đã không nghe lời cảnh báo của Chúa Giêsu. Họ ngủ li bì trong giờ khắc quyết định, khi Đức Giêsu phải cầu nguyện, lo lắng đến đổ mồ hôi máu. Dĩ nhiên, đây không chỉ nói về giấc ngủ về thể lý nhưng là giấc ngủ về phương diện thiêng liêng. Họ thiếu sự cầu nguyện, niềm tin, lòng can đảm, tín thác và trung thành với Chúa. Và rõ ràng cuối cùng họ đã sa ngã. Họ chạy tán loạn, mỗi người mỗi ngã, mảnh ai nấy chạy bỏ lại thầy bơ vơ một mình.

2.   Tính từ khôn ngoan (phronimos Mt 24,45;25,2.4.8.9). Matthew dùng tính từ này nhiều hơn bất kỳ tác giả sách Tân Ước nào. Matthew dùng đến 7 lần trong khi Luca dùng có 2 lần (Lc 12,42; 16,8) và cả Máccô và Gioan đều không dùng lần nào. Nó được dùng 5 lần trong các thư của thánh Phaolô (Rm 11:25; 12,26; 1 Cr 4,10; 10,15; 2Cr 11,19). Tính từ khôn ngoan được dùng đến 4 lần trong dụ ngôn này. Lần đầu tiên nó đi kèm với danh từ số năm (năm người khôn ngoan), 3 lần sau được dùng như là những danh từ với mạo từ xác định chỉ những kẻ khôn ngoan (những trinh nữa khôn ngoan). Ngoài dụ ngôn này, Matthew còn dùng tính từ này 3 lần khác nữa. (1) Mt 7:24 so sánh một người nghe lời Chúa Giêsu và đem ra thực hành với một người khôn ngoan xây nhà trên đá. Nhờ vậy, ngôi nhà được chắc chắn dù cho mưa, gió, lũ cũng không thể giật sập được. Sự khôn ngoan của người biết nghe và thực hành Tin Mừng của Chúa. (2) Trong Mt 10,16 Chúa Giêsu dạy các môn đệ là Ngài sai các môn đệ như chiên đi vào giữa bầy sói, cho nên các ông phải “khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu”. Đó là sự khôn ngoan để phản ứng, cư xử trước những kẻ bắt bớ.  (3) Mt 14:45 nói đến hai hình ảnh của hai người đầy tớ và số phận của họ. Một người thì khôn ngoan và trung tín. Anh ta sẽ được ông chủ đặt lên coi sóc mọi việc, mọi gia nhân trong nhà. Người kia thì xấu xa và sẽ bị ông chủ phanh thây, quăng vào chung với những kẻ giả hình. Ở đó anh ta phải khóc lóc và nghiến răng. Tính từ khôn ngoan rõ ràng là tính từ có tính quyết định trong dụ ngôn này. Sự khôn ngoan của các trinh nữ ở đây được cụ thể hóa bằng việcchuẩn bị thêm một bình dầu. Người việt nam hay gọi là sơ-cua. Một bình dầu sơ-cua. Người khôn ngoan và cẩn thận luôn luôn dự trù mọi phương án xấu nhất có thể và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Thế giới hiện đại, pin dự phòng là một trong những phương tiện không thể thiếu trong những chuyến đi xa. Sự khôn ngoan, chuẩn bị giúp cho đương sự không phải bị động, lúng túng và nhiều khi bế tắc trong nhiều tình huống. Tình huống lúng túng, bị động, phụ thuộc vào người khác của các cô trinh nữ khờ dại trong dụ ngôn này là một ví dụ điển hình. Người ta có thể vay mượn từ người khác, hoặc xin xỏ từ người khác, nhưng người khác không bị bắt buộc phải giúp bất cứ ai hỏi xin mình. Đó là quyền tự do riêng tư của họ. Trong trường hợp này những trinh nữ khôn ngoan đã trả lời là “không đủ cho cả các chị và cả chúng em”. Dĩ nhiên rồi, người ta chỉ chuẩn bị đủ cho người ta thôi, đâu có ai dự tính đến là những người khác sẽ thiếu và chuẩn bị cả cho người khác. Những cô trinh nữ khờ dại trở nên lúng túng bị động vì họ đã không chuẩn bị. Họ có thể đi mua, và thực tế họ đã đi mua, và mua được dầu nhưng có mua được cũng không có tác dụng gì nữa. Chàng rể đã vào phòng tiệc cưới và cửa đã đóng lại. Nhiệm vụ đi đón chàng rể của họ đã thất bại thảm hại. Họ phải đón chàng rể chứ không phải chàng rể đón họ. Chàng rể vào rồi thì còn cầm đèn để đón ai nữa. Trong cuộc đời, nhiều người thường hay lâm vào tình trạng bị động như thế và những điệp khúc “giá như” chuẩn bị trước, “phải chi” biết trước… cứ lặp lại cách tiếc nuối mà chẳng có tác cụng gì.

3.   Tính từ khờ dại, ngu ngốc (moros). Tính từ này được thánh Matthew sử dụng ít hơn (6 lần) so với tính từ khôn ngoan (7 lần). Ngoài 3 lần trong dụ ngôn này (ít hơn khôn ngoan 1 lần), Matthew cũng sử dụng tính từ này thêm 3 lần nữa. Trong Mt 5,22 “sự ngu ngốc” được xem như là hình thức chống lại người khác ở mức độ nghiêm trọng nhất (Chúa Giêsu liệt kê theo thứ tự 1. Ai giận anh em mình… 2. Ai mắng chửi anh em mình… 3. Ai nói (với anh em mình) là “đồ ngốc”). Hình phạt dành cho kẻ mắng anh em mình là “đồ ngốc” cũng là  hình phạt cao nhất: “đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt” trong khi hình phạt dành cho hai sự xúc phạm đầu tiên lần lượt chỉ là: “đáng bị xét xử” và “đáng bị đưa ra tòa”. Trong Mt 7,26 đối lại với những người nghe lời Chúa Giêsu và đem ra thực hành - những người được ví như người khôn xây nhà trên đá - những kẻ nghe lời Chúa Giêsu nhưng không đem ra thực hành thì được ví như người ngu dại xây nhà trên cát. Nhà của họ sẽ bị sụp đổ tan tành trước những trận mưa, lũ và gió bão. Trong Mt 23,17 Chúa Giêsu dùng tính từ này cùng với tính từ mù quáng để lên án những kinh sư và người pha-ri-sêu, là những là những kẻ dẫn đường mù quáng, vì họ cho rằng người ta có thể thề bằng đền thờ mà không bị trói buộc, trong khi thờ bằng vàng trong đền thờ thì bị trói buộc. Chúa Giêsu cho rằng vàng trong đền thờ thì không quan trọng bằng đền thờ là nơi làm cho vàng được thánh hiến. Như thế, ngu ngốc là một đặc tính đáng nguyền rủa và không thể chấp nhận được theo giáo huấn của Chúa Giê-su.

4.   Tính từ sẵn sàng (hetoimos 24,44; 25,10). Đây là một tính từ đặc trưng của Tin Mừng Matthew. Tính từ này có nghĩa là được chuẩn bị, hay là sẵn sàng. Trong bối cảnh này nó được dùng như danh từ có mạo từ xác định: những kẻ đã chuẩn bị, những kẻ đã sẵn sàng, theo chàng rể vào tiệc cưới. Tính từ này xuất hiện 3 lần khác nữa trong Tin Mừng Matthew. Trong một dụ ngôn về Nước Trời cũng liên quan đến tiệc cưới (22, 4.8), tiệc cưới, cỗ bàn được ông chủ thông báo với thực khách là đã “được chuẩn bị”, “đã sẵn sàng”. Nhưng nhiều thực khách đã không sẵn lòng đến dự. Mt 24,44 là một lời mời gọi mang tính cảnh báo “hảy sẵn sàng” vì Con Người sẽ đến vào ngày và giờ chúng ta không ngờ.

5.   Động từ trì hoãn (chronizo) được dùng hai lần trong Tin Mừng Matthew (Mt 24,48; 25,5). Mt 24,48 nói đến việc người đầy tớ có suy nghĩ rằng chủ anh ta trì hoãn, chưa đến, nên anh ta cứ mặc sức đánh đập các đầy tớ đồng môn và ăn uống xay xỉn. Chàng rể trong dụ ngôn này cũng trì hoãn, không đến đúng giờ nên các trinh nữ mệt và ngủ thiếp đi. Hành động trì hoãn  này có hai tác dụng: (1) Tính bất ngờ và (2) cơ hội để kiểm chứng sự tốt xấu của các đầy tớ (hay là các trinh nữ trong dụ ngôn này) qua sự chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng của họ. Động từ này rất quen thuộc với những ai di chuyển bằng tàu hay máy bay trong thời hiện đại. “delay” (trì hoãn) là điều chẳng ai muốn nhưng hành khách chẳng thể làm được gì ngoài việc sẵn sàng và chờ đợi. Sự bất ngờ thể hiện rõ trong lời căn dặn rằng không ai biết ngày hoặc giờ (Mt 24,36.42.44.50; 25,13). Đây cũng là ý tưởng rất đặc trưng của Tin Mừng Matthew. Trong Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu căn dặn đến năm lần sự bất ngờ này. Nói theo kiểu người Việt là “năm lần bảy lượt” Chúa Giêsu nói đến sự bất ngờ này. Như vậy, nó rất quan trọng, buộc những người đọc Tin Mừng Chúa phải quan tâm lưu ý nằm lòng, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

6.   Kiểu mẫu hai nhóm người: Trong Tin Mừng Mattheu người ta thường thấy kiểu kể chuyện đặt song hành hai nhóm người. Nhóm này khôn – nhóm kia dại, nhóm này sẵn sàng – nhóm kia không, nhóm này vào – nhóm kia ở ngoài, nhóm này bị chối từ – nhóm kia được đón nhận, nhóm này chung vui – nhóm kia buồn bã, thất vọng. Mt 7,13-20 cũng nói đến hai nhóm: nhóm này chọn cửa rộng – nhóm kia chọn cửa hẹp; dẫn đến nhóm này được cứu và nhóm kia bị diệt vọng; một nhóm cây tốt sinh quả tốt và nhóm cây xấu sinh quả sâu. Đặc biệt Mt 7,24-27 nói đến việc một nhóm người nghe và thực hành lời Chúa, được ví như người khôn xây nhà trên đá và dù cho mưa, lũ, gió cũng không làm sập được; nhóm khác nghe lời Chúa Giê-su mà không thực hành thì giống như người ngu xây nhà trên cát, khi mưa, lũ, gió đến nó sẽ sụp đổ tan tành. Mt 24,45-51 nói đến hai đầy tớ, một đầy tớ trung thành và khôn ngoan người sẽ được ông chủ đặt lên coi sóc mọi việc trong nhà và một đầy tớ xấu, sẽ bị ông chủ phanh thây, quẳng vào với những tên giả hình và nơi đó anh ta phải khóc lóc nghiến răng. Mt 24,40-41 nhấn mạnh đến việc một người bị đem đi còn người kia bị bỏ lại. Cấu trúc diễn ta hai nhóm người rất phổ biến trong Tin Mừng Matthew và nó diễn tả một cách sống động giữa hai sự chọn lựa và dẫn đến hai kết quả trái ngược nhau.

7.   Ghi chú về văn hóa: Tục rước đón dâu của miền Trung Cận Đông cổ đại có thế có hai dạng. Thứ nhất, chàng rể có thể ở tại nhà cha mình trong khi cô dâu được hộ tống bởi một đoàn tùy tùng đến nhà chú rể và chú rể chỉ việc rước cô dâu vào tiệc cưới nhà chú rể. Thứ hai, chú rể có thể cùng đoàn tùy tùng đến rước cô dâu từ nhà cha mẹ cô dâu đến nhà cha mẹ chú rể. Trong thời hiện đại, tiệc cưới được tổ chức chung một nhà hàng đặt sẵn, các đôi hôn nhân công giáo thường di chuyển từ thánh đường đến nhà hàng và phần rước dâu dường như không tồn tại. Trong dụ ngôn này có thể là trường hợp thứ hai.Đám cưới có thể được tổ chức ở nhà cô dâu, và chàng rể cùng nhà trai đến nhà cha mẹ cô dâu. Những cô trinh nữ sẽ được nhà gái chuẩn bị để đón chàng rể quý này vào phòng tiệc. Trong dụ ngôn này, tuy cô dâu không được nhắc đến, nhưng ta không thể tưởng tượng được một đám cưới thiếu cô dâu. Những trinh nữ chờ đợi được hiểu là đón chàng rể cùng với cô dâu chứ không phải một mình chàng rể. Đó là những vai phụ không thể thiếu được để tăng thêm niềm vui và long trọng trong ngày tân hôn của chú rể. Trong các tiệc cưới hiện đại, đoàn bưng quả cho chú rể thường được tuyển chọn rất kỹ lưỡng với những trai tân, gái trinh có ngoại hình và có chiều cao đều nhau theo cặp. Đó có thể được xem như là các trinh nữ trong truyền thống cổ xưa. Chỉ khác là tất cả đều được làm ban ngày nên họ không cần đèn. Thế nhưng, họ cũng phải chờ đợi chàng rể y chang như thế, nếu chàng rể không đến kịp giờ họ cũng phải chờ, đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ thì thôi.

Luận giải: Dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể nằm trong bối cảnh những bài giảng về thời cánh chung (thời cuối cùng) của Tin Mừng Matthew (ch.24 – 25). Đây là một trong những dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Matthew mà thôi.[1] Có nhiều nhà chú giải cho rằng dụ ngôn theo nguyên gốc có thể nói về Tiệc Cưới Nước Trời trong đó Chúa Giê-su là chàng rể, chính là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người và mời gọi họ vào tiệc vui với Ngài. Đối tượng người nghe lúc Chúa Giêsu giảng dạy có thể là những người đồng hương Do Thái. Đó cũng là một khả thi. Tuy nhiên, theo cách bố trí của Tin Mừng Matthew (dụ ngôn năm trong chương 24-25: bài giảng về thời cánh chung) thì dụ ngôn này rất có thể là nói về thời cánh chung, thời Chúa Giêsu đến lần thứ hai để phán xét và ban thưởng luận phạt những người có công và kẻ có tội. Và đối tượng mà dụ ngôn nhắm đến là tất cả mọi người tin trên toàn thế giới qua mọi thời đại. Dụ ngôn phân rõ ranh giới giữa hai nhóm trinh nữ có cùng nhiệm vụ và cùng vị trí thế nhưng sự chu đáo, sự khôn ngoan thì quá sức khác biệt. Năm người khôn ngoan thì biết chuẩn bị cho mình phương án dự phòng để họ có thể xoay sở trong tình huống khó khăn. Ngược lại, năm người khờ dại thì rõ ràng thiếu sự tiên liệu và không lo lắng cho đủ. Và hậu quả là như ông bà ta thường nói: “Người không biết lo xa, ắt sẽ buồn gần”. Kết quả đã cho thấy những người có phương án dự phòng cách khôn ngoan thì luôn có khả năng thành công trong mọi việc. Còn kẻ thiếu khôn ngoan, không biết lo lắng thì nguy cơ thất bại luôn rình chờ. Trong đời, có những may mắn thế nhưng không có nhiều và không phải lúc nào cũng gặp may được. Người khôn ngoan thì tự tạo ra sự chắc chắn cho mình chứ không phải cứ trông vào may mắn hay cậy dựa vào người khác. Trên đường đời luôn có những người tốt, thế nhưng, không phải lúc nào gặp khó khăn thì cũng có người tốt để cậy nhờ. Sự từ chối của những cô khôn ngoan không hẳn là sự ích kỷ, nhưng là không đủ cho cả hai, dầu của họ chỉ đủ dùng cho nhiệm vụ của họ. Dầu dùng cho ngày cánh chung được tích góp, chuẩn bị bằng cả cuộc đời của mỗi tín hữu chứ không phải là mua, hay xin xỏ trong chốc lát. Quả thế, những hành động yêu thương, bác ái; những cử chỉ thân thiện, tử tế với bạn hữu; những hy sinh của bản thân; những gọt dũa cho giống hình ảnh Thiên Chúa… tất cả những hoa trái ấy (dầu đèn của đức tin) mỗi cá nhân tự sinh ra mỗi người trong cuộc đời họ, không thể vay mượn của ai được. 

Sự xuất hiện cách bất ngờ của chàng rể đã làm cho các trinh nữ giật mình. Và dẫu vậy thì những kẻ đã có sự chuẩn bị chu đáo vẫn có thể trở tay kịp. Còn những kẻ thiếu sự tiên liệu thì trở tay không kịp. Lời cảnh báo của Chúa Giêsu “hãy coi chừng” cùng với lý do là “không biết giờ nào, ngày nào”, được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy tầm quan trọng của nó đối với đời người. Đó không đơn giản chỉ là bài học cho sự thành công của những công việc đời thường. Nhưng là, chọn lựa sống còn của con người cả đời này và đời sau nữa. Chàng rể là Chúa Giêsu đến lần cuối và những ai được vào tiệc cưới với Ngài là vào vĩnh viễn, còn những ai bị đứng ngoài là đứng ngoài thiên thu vạn đại. Tất cả đều phụ thuộc vào chọn lựa và sống mỗi ngày của chúng ta. Việc vào nước trời không phải là một chọn lựa nhất thời. Như kiểu các trinh nữ khờ dại, thấy chàng rể đến thì mới lật đật đi mua dầu. Đó là thái độ của những kẻ toan tính nhất thời. Đời sống ki-tô hữu phải là những chọn lựa và chiến đấu liên lỷ, không phải là một toan tính vào giờ chót của cuộc đời mình. Dĩ nhiên, Chúa ban ơn cứu độ cho nhiều người vào giờ chót như kẻ trộm lành chẳng hạn. Tuy nhiên, đó là giây phút gặp gỡ và quay về thật sự, chứ không phải anh ta toan tính rằng cả đời mình cứ làm ác, sống thoải mái, phạm đủ thứ tội đi rồi đến gần cuối đời quay trở về là vừa. Đó là toan tính của những kẻ bất chính và những người khờ dại. Vì Chúa đến bất ngờ, chẳng có ai làm chủ được mạng sống của mình và quyết định được giờ chết của mình. Những trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị mọi sự chu đáo để làm tròn sứ mạng đón rước chàng rể và được phần thưởng là chung vui với chàng rể. Những người tín hữu phải có sự chuẩn bị hơn thế nữa bởi lẽ người họ chờ đón không chỉ là chàng rể của một buổi tiệc cưới nhưng là người cha yêu thương của họ. Phần thưởng của họ không chỉ là một buổi tiệc cưới với những món ăn ngon và niềm vui trong một đêm, nhưng là niềm vui, sự hạnh phúc viên mãn đến tròn kiếp sau. Người ki-tô hữu khôn ngoan, luôn sống đẹp tình Chúa tình người, cư xử tử tế và đúng mực trong mọi việc với mọi người thì không cần quan tâm ngày giờ nào Chúa đến, vì thực tế Chúa đang ở trong tâm và trong từng hành động của họ rồi.

Joseph Pham Duy Thạch SVD



[1] Những dụ ngôn còn lại chỉ có trong Matthew mà thôi là: dụ ngôn cỏ lùng (13,24-30.36-43); dụ ngôn kho tàng và ngọc quý (13,44.52); dụ ngôn người tôi tớ không biết tha thứ (18,23-35), dụ ngôn những người nông dân làm vườn nho (20,1-16); dụ ngôn hai người con (21, 28-32) và dụ ngôn sự phán xét của các quốc gia (25,31-46).

No comments:

Post a Comment