Saturday, 7 November 2015

HAI BÀ GÓA VÀ CÁC KINH SƯ

Hai mẫu hình ảnh diễn tả hai tâm tình của hai loại người dành cho Thiên Chúa.
I.                  Mẫu hình ảnh thứ nhất: Hình ảnh các kinh sư và “lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền”
(1) Các kinh sư: Là những người mà Chúa Giê-su dặn các môn đệ phải dè chừng.
Lý do mà Người đưa ra là vì họ:
+ Ưa thích dạo quanh xúng xính trong bộ áo thụng;
+ Ưa thích được người ta chào hỏi nơi công cộng;
+ Ưa thích chiếm ghế danh dự trong các hội đường;
+ Ưa thích ngồi cỗ nhất trong các đám tiệc.
Đó có thể nói là những “cái ưa” mà chẳng mấy ai ưa. Họ thể hiện một thói hám danh một cách công khai, trơ trẽn. Tự đưa mình lên và tự mong muốn được người mến chuộng, tôn kính.
Họ là những người am hiểu Lời Chúa nhưng chẳng muốn sống Lời Chúa. Thay vì họ phải hướng lòng về Thiên Chúa và giúp dân chúng hướng về Thiên Chúa, thì họ tự biến mình thành trung tâm của mọi sự chú ý, mọi nơi mọi lúc, từ  những nơi công cộng, trong đám tiệc và ngay cả trong hội đường. Họ giảng Lời Chúa nhưng lại không hướng lòng về Chúa, và cũng không muốn người khác hướng lòng về Chúa. Họ muốn thu tất cả các vinh quang về phía họ, họ quên rằng người ta có tôn trọng họ là bởi vì họ là sứ giả của Thiên Chúa.
Không chỉ hám danh, các ông kinh sư còn là những kẻ hám lợi cách đê tiện. “Họ nuốt hết tài sản của các bà goá”. Các bà góa là những con người bất hạnh bởi vì họ không có gia đình riêng. Đa số họ là những người nghèo. Vậy mà các ông kinh sư nỡ nào lợi dụng lòng tốt của họ, nuốt hết tài sản của họ.
Việc “đọc kinh cầu nguyện” vốn là những hành động thể hiện lòng mến đối với Chúa thì các kinh sư lại “giả vờ” cầu nguyện lâu giờ, chứ không cầu nguyện thật. Họ chỉ đánh lừa con mắt người đời, đặc biệt là đánh lừa các bà góa để “nuốt hết tài sản” của các bà. Những việc phụng thờ Thiên Chúa lại bị thương mại hóa. Việc đọc kinh cầu nguyện chỉ là một vở tuồng để mang lại nhiều lợi tức cho bản thân các kinh sư.
Họ quên rằng là “Chúa dò xét con và Ngài biết rõ; biết cả khi con đứng con ngồi; con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa; đi lại hay nghỉ ngơi Chúa đều xem xét; mọi nẻo đường con đi Ngài quen thuộc cả” (Tv 139,1-4)
Mới đây trên mạng xã hội facebook người ta chia sẻ với nhau bài viết mang tựa đề “Linh mục Bùi Chu bị tố chơi sang vì mua xế hộp” của tác giả Trần Đình Khả. Đó là một thực tế gây nên sự đồng tình đau lòng, bức xúc, xót xa, trước cảnh xa hoa, phóng đãng của các vị “kinh sư”, “quan chức nhà thờ” của các linh mục thuộc giáo phận Bùi Chu. Những hình ảnh trái ngược biết nói đã làm cho đọc giả không khỏi ngẹn ngào, thổn thức: Những chiếc xe hơi bạc tỷ của các cha xứ miền quê đứng bên cạnh những mái nhà tranh siêu vẹo, giột nát của những con chiên nghèo nàn quê mùa của các “ổng cha”(xem chi tiết tại: http://saigonplanner.com/mot-linh-muc-giao-phan-bui-chu-bi6-to-choi-sang/). Rồi, hình ảnh gia đình của các ông bà cố (bố mẹ của các cha), đột nhiên giàu lên trội vượt sau khi con đỗ cha và đi làm cha xứ.
Đó phải chăng là một phần hình ảnh của các kinh sư thời Đức Giê-su đang tái hiện trong xã hội này? Hình ảnh của những người mục tử với lý tưởng dâng hiến: “dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc” đâu rồi? Mà lại xuất hiện những mục tử “đến để được hưởng thụ và được phục vụ” thế kia?
Chỉ có Chúa mới có quyền phán xét. Thế nhưng, nói như tác giả Trần Đình Khả, giáo dân chắc có quyền thắc mắc với Giám Mục Giáo Phận rằng: Có bao nhiêu linh mục mua xe hơi? Tiền ở đâu mà những vị này mua xe? Mua xe hơi để làm mục vụ hay để lòe thiên hạ? Đi tu để hiến mình vào nhà Chúa hay để vinh thân phì gia?
Kết cục: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”
(2) “Lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền”: Những tưởng là bỏ thật nhiều tiền thì được xem là quãng đại. Thế nhưng, khối tiền ấy lại chẳng có chút giá trị gì cả, bởi lẽ nó thiếu hẳn một tấm lòng. Đó chỉ là số tiền được “rút ra từ tiền dư bạc thừa”. Dư thừa nghĩa là không còn dùng đến nữa, không còn hữu dụng đối với người sở hữu nữa. Cơm thừa canh cặn thì người ta chỉ đổ cho heo, cho chó, cho súc vật. “Tiền dư bạc thừa” thì người ta vứt vào thùng tiền dâng cúng.
Thùng tiền dâng cúng là nơi để người ta dâng tấm lòng của mình thì lại bị biến thành xọt rác để người ta thải những của dư thừa. Có một sự xúc phạm không hề nhẹ. Đó là chưa nói đến thái độ vênh váo của kẻ giàu khi bỏ tiền dư bạc thừa vào thùng dâng cúng. Khuôn mặt họ ắt hẳn kênh kiệu, tự hào vì ta đây đã bỏ nhiều hơn kẻ khác. Có thể họ tìm dịp để tôn vinh bản thân, muốn người khác thấy mình quảng đại, bỏ nhiều hơn kẻ khác. Họ cũng hám danh như các vị “kinh sư đáng kính vậy”. Đền thờ là nơi để bày tỏ tấm lòng mến yêu thờ kính đối với Thiên Chúa, nay lại bị biến thành nơi để thi thố, thể hiện “cái tôi quảng đại” giả hiệu của nhiều người giàu.
Thực tế, có không ít người giàu có bỏ tiền ra giúp giáo phận, giúp giáo xứ để đánh bóng tên tuổi, và để mua ơn thánh. Để rồi có những dịp lễ lạc của người thân trong gia đình, họ đòi hỏi các cha, thậm chí Đức Cha phải dành cho họ một sự ưu tiên về mục vụ. Trong nhiều trường hợp, các cha đã phải “xé rào” để đáp ứng nhu cầu của họ, bởi vì họ là đại ân nhân cơ mà.
Ích gì đâu những kẻ “quăng vào” thùng tiền dâng cúng những “tiền dư bạc thừa”. Ích gì đâu những kẻ dám lấy tài sản của mình để cân đo đong đếm với ơn thánh của Chúa.
Ngược lại với hai hình ảnh phản cảm trên, là hai hình ảnh rất dễ thương của Tin Mừng.
II.               Mẫu hình ảnh thứ hai: Hai bà góa
(1) Bà góa thành Sa-rép-ta:
Đây chính là bà góa mà Đức Giê-su có lần nhắc đến khi Người về quê hương Nagia-rét giảng dạy nhưng bị những người đồng hương chối từ: “vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;  thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn” (Lc 4,25-26). Đoạn Tin Mừng này Đức Giê-su muốn minh chứng cho số phận nghiệt ngã của các ngôn sứ, ngay cả Người, cũng “không được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).
Đó là điều lạ kỳ. Một bà góa dân ngoại, lại đón tiếp một ngôn sứ người Do Thái. Hạn hán suốt 3 năm sáu tháng, dân chúng đang sống trong cảnh đói kém lầm than cực độ. Có thể nói là mỗi người đang giành giật lấy sự sống từng ngày cho mình. Bà góa này cũng không ngoại lệ.  Khi ngôn sứ Ê-li-a gặp bà, bà đang di lượm củi. Ngôn sứ ngỏ lời xin bà chút nước uống. Bà sẵn lòng. Khi ngôn sứ hỏi xin bà miếng bánh, thì bà ngập ngừng: "Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết" (1 V 17,12). Đó là chút bột ít ỏi để giữ lại mạng sống của bà và con bà thêm chút ít. Bà biết rằng bà và con bà sẽ chết sau khi dùng hết số bột này. Một cuộc đấu tranh tư tưởng ghê gớm liên quan đến mạng sống của chính bà và con bà trước lời thỉnh cầu của vị ngôn sứ Do Thái xa lạ.
Tuy nhiên, trước lời hứa của vị ngôn sứ: “Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:  Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất" (1V 17,14). Dẫu là một bà góa ngoại đạo, bà vẫn tin và lấy danh Đức Chúa của ngôn sứ Ê-li-a mà thề. Và giờ đây, thật lạ lùng, bà lại tin vào lời hứa của ngôn sứ Ê-li-a, mà quảng đại chia sẻ chút bột cứu mạng của bà và con bà cho vị ngôn sứ.
Chính niềm tin đã giúp bà góa vùng dân ngoại vượt lên chính nỗi sợ hãi cái chết, vượt lên chính bản năng sinh tồn tham sống sợ chết thường tình của con người để dám nghĩ đến kẻ khác trong những lúc ngặt nghèo.
Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người.

Chính vì thế mà phép lạ đã diễn ra. “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn”. Thế là, “bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày” (1V 17,15). Trong khi, sự ích kỷ lẽ ra có thể giết chết tất cả, thì sự quảng đại lại cứu sống tất cả một cách nhiệm mầu. Sau đó, ngôn sứ Ê-li-a còn làm một phép lạ khác là làm cho đứa con của bà bị bệnh, tắt thở được sống lại (1V 17, 17-24). Và cái kết tuyệt vời là bà góa thành Sa-rép-ta đã tin tuyệt đối vào ngôn sứ Ê-li-a và tin vào những lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ: “Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời ĐỨC CHÚA do miệng ông nói ra là đúng." (1V 17,24).

Dưới ánh sáng Tin Mừng, theo như dụng ý của Chúa Giê-su, thì chính Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Ê-li-a đến với bà góa này, để khơi dậy niềm tin tiềm ẩn trong lòng bà và để Người có thể thi ân giáng phúc cho bà (Lc 4,25-26). Những tưởng bà góa này đi bước trước với lòng quảng đại diệu kỳ, nhưng kỳ thực Thiên Chúa đã chủ động đến với bà với những ân huệ lớn lao hơn nhiều.

(2) Bà góa trong đền thờ thành Giê-ru-sa-lem.

Chắc hẳn trong dòng người tiến về thùng tiền dâng cúng hôm ấy bà là người nhỏ bé nhất.

Cái nhỏ bé thứ nhất là bà thiếu đi một gia đình bình thường "có đôi" như bao người khác. Hôn nhân được diễn đạt như là đỉnh cao, là kết quả, là ước mơ thành hiện thực của tình yêu đôi lứa. Gia đình được ví như là mái ấm, là tổ ấm của cuộc sống nhân sinh. Hình ảnh “góa chồng”, gợi lên một thân phận của một người phụ nữ bất hạnh “mẹ góa, con côi”. Một mình bà phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh và nuôi dạy con cái. Một mình bà bao năm chịu cảnh phòng không đơn chiếc. Sự bất hạnh trải dài từng ngày trên cuộc đời người phụ nữ này.

Cái nhỏ bé thứ hai là bà nghèo. Số tiền mà bà bỏ vào thùng tiền dâng cúng cho thấy bà nghèo đến mức nào. Nói theo ngôn ngữ của người Việt là “nghèo rớt mồng tơi”. Đời người chẳng lẽ chỉ có được “hai đồng tiền kẽm” thôi sao. Thánh Luca diễn giải thêm sự nghèo đói tận cùng của bà “trị giá bằng một phần tư đồng xu Rô-ma”. Nghĩa là tất cả tài sản của bà chưa tới một xu.

Cái nhỏ bé thứ ba là bà bị xem thường. Bà góa, nghèo, có thể dẫn đến thái độ xem thường của người khác. Giữa một dòng người hám danh, hám lợi từ các chức sắc Do Thái cho đến những kẻ giàu có trong xã hội Do Thái, thì bà trở nên nhỏ bé, chẳng đáng để tâm đến, thậm chí nhiều kẻ khinh thường bà nữa. Bà chắc hẳn cảm thấy cô đơn, rụt rè, mắc cỡ trước âm thanh leng keng phát ra từ đóng “tiền dư bạc thừa” của những kẻ giàu có quăng vào thùng tiền dâng cúng. Bà hẳn phải rón rén đi sau cùng, rồi rụt rè bỏ nhẹ hai đồng tiền kẽm lọt thỏm giữa đóng “tiền dư bạc thừa” của họ. Rồi bà cũng lặng lẽ rút lui cách âm thầm kín đáo giữa cái nhìn khinh dễ, những cái bĩu môi của mọi người.

Thế nhưng, trong dòng người tiến về thùng tiền dâng cúng hôm ấy, bà góa ấy bỗng bất ngờ trở thành kẻ lớn nhất, vĩ đại nhất.

Bà vĩ đại nhất vì bà có một tấm lòng quãng đại nhất. Chính Đức Giê-su đã xác nhận rằng: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Hẳn Đức Giê-su không muốn nói đến số tiền, nhưng là tấm lòng của bà.

Người giải thích thêm: “Bà rút ra từ cái túng thiếu của mình”. Sự nghèo đói, túng thiếu dễ cho con người ta cái quyền yên tâm nghĩ rằng mình không phải đóng góp gì cả. Vì mình nghèo, nên không cần đóng góp gì hết. KHi nào giàu có dư giả rồi mới phải đóng góp. Sự nghèo túng, cũng sẽ cho người ta cảm giác mặc cảm, mắc cỡ không dám dâng cúng vì sợ kẻ khác cười chê trước món tiền ít ỏi của mình. Sự nghèo túng cũng làm cho người ta cảm thấy rằng những gì mình dâng cúng sẽ chẳng đáng là bao, chẳng có ích gì, cho nên khỏi dâng cúng cũng được.

Cho nên, dám “Rút ra từ cái túng thiếu của mình” mà dâng cúng là một thái độ của người có bản lãnh dám vượt lên mọi rào cản về những suy nghĩ thiếu tích cực của số phận, để vẫn tiến đến đóng góp phần mình cho Thiên Chúa.

Bà không những là kẻ có bản lãnh dám “rút ra từ cái túng thiếu của mình”, nhưng còn quảng đại bỏ vào thùng tiền “tất cả tài sản của mình”. Một sự hiến dâng trọn vẹn, không giữ lại gì cho riêng mình. Sự hiến dâng ấy không chỉ là dâng những gì bà sở hữu nhưng là dâng chính mạng sống của mình, bởi vì đó là “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Nghĩa là khi bà dâng hết như thế là chấp nhận nguy cơ mình sẽ chết vì không còn gì để nuôi thân nữa. Thật không thể nào tưởng tượng một người phụ nữ góa bụa nghèo nàn lại có một lòng quảng đại táo bạo như thế.

Cũng một câu đó. “Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người”

Đức Giê-su đã lặng yên quan sát bà từ đầu. Lúc đầu, Người có vẻ hơi thất vọng với thói hám danh hám lợi, của những kẻ giàu có bỏ tiền du bạc thừa vào thùng tiền. Những với sự xuất hiện của người đàn bà góa này, Đức Giê-su cảm thấy được an ủi phần nào. Bà bỗng dưng thành “sao” trước mặt Đức Giê-su. Bà trở thành một người đáng được Thiên Chúa chú ý nhất. Bà trở thành mẫu gương mà Đức Giê-su muốn giới thiệu cho các môn đệ của mình.

      (3) Hình ảnh hai bà góa trong Đức Giê-su

Chúa Giê-su bắt gặp nơi hai người phụ nữ này một sự gần gũi thân thương đến lạ thường. Hình ảnh của hai bà chính là một phần hình ảnh của chính Chúa Giê-su trong cuộc tử nạn phục sinh. Người đã không dâng những “tiền dư bạc thừa”, những thứ thừa thãi, cho Thiên Chúa Cha và cho loài người. Người đã dâng chính thân mình, vì Người biết rằng: “Chúa không ưa lễ vật hy sinh lễ vật tinh tuyền, Chúa chỉ ưa chính bản thân con”.

Cái chết của Người trên thập giá là một hiện thực hóa cho lời dạy: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Hằng ngày trong Thánh Lễ, vị chủ tế, thay mặt Đức Giê-su tiếp tục trao ban và mời gọi nhân loại đón nhận: “Anh em hãy nhận lấy mà ăn. Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em… Anh em hãy cầm lấy mà uống. Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (Mt 26,26-28). Đó là một sự dâng hiến trọn vẹn nhất, dâng hiến những gì tốt đẹp nhất, dâng chính mạng sống của mình. Bà góa này đã không chết ngay khi dâng những đồng kẽm vô giá của mình, nhưng Đức Giê-su đã chết thật, đã dâng hiến trọn thân mình cho nhân loại.

Tạm kết

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 12,38-44) là một bức tranh sống động về tinh người được vẽ nên bởi hai màu chủ đạo tối – sáng  trái ngược nhau.

Một mặt tố cáo thói đạo đức giả, thói hám danh, hám lợi của những con người được xem là tận hiến cho Chúa: các kinh sư. Sự tham lam của họ nặng nề đến độ “nuốt hết tài sản” của những con người bất hạnh nhất trong xã hội Do Thái. Lẽ ra họ, phải là những người lưu tâm và chăm sóc các bà góa thì họ lại trở thành những kẻ hưởng lợi từ các bà góa. Sự tham lam được ngụy trang bằng vẻ bề ngoài thánh thiện đạo đức ấy, nhiều lúc đã đẩy những người đau khổ rơi vào tình trạng tay trắng khi dâng cúng hết cho họ.

“Dâng tất cả những gì mình có để nuôi thân” dĩ nhiên là một hình ảnh hiến dâng trọn vẹn. Thế nhưng, Thiên Chúa chắc không muốn đòi hỏi con cái mình phải dâng đến mức như thế. Chỉ có những con người tham lam độc ác, mới đẩy các các bà góa ngây thơ hiền lành lâm vào sự mê hoặc như thế.

Bên cạnh sự hám danh hám lợi của những kinh sư là hình ảnh xấu xí của những người giàu “rút ra từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó”. Họ biến thùng tiền dâng hiến thành xọt rác không hơn không kém. Hơn nữa, việc hiến dâng biến thành một phương tiện để tôn vinh bản thân, khoe khoang thành tích và mua chuộc ơn thánh. Những loại dâng cúng như thế chỉ làm cho “tiền mất tật mang” mà thôi. Bởi lẽ, những con người này không cần Thiên Chúa, họ chỉ cần được người đơi tôn vinh mà thôi.

     Ngược lại, hình ảnh hai bà góa: bà góa thành Sa-rép-ta và bà góa trong đền thờ thành Giê-ru-sa-lem là hai hình qua sáng ngời, vĩ đại về một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Hai người phụ nữ tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu sang về tấm lòng dành cho Thiên Chúa. Nó tượng trưng cho sự quảng đại trao ban của Thiên Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa đã trao ban chính con một yêu dấu cho nhân loại. Chúa Con, Đức Giê-su, đã sẵn sàng hiến dâng thân mình để chuộc tội cho nhân loại.

Lời mời gọi hãy bày tỏ một tấm lòng quảng đại tuyệt đối với Thiên Chúa vẫn còn để ngỏ cho tất cả mọi người ki-tô hữu qua mọi thời đại. Sự quảng đại như thế phải bắt người từ một niềm tin yêu, phó thác nơi quyền năng và tình yêu thương quan phòng của Chúa.

Lời nhắc nhở hãy "coi chừng những ông kinh sư" vẫn còn là đòi hỏi đặt ra cho các môn đệ Chúa qua mọi thời đại họ phải sẵn sàng "mang lấy mùi chiên", sẵn sàng "đến cho chiên được sống và sống dồi dào", sẵn sàng "đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ", sẵn sàng trao ban chứ không phải chỉ lãnh nhận cho riêng mình.

“Giáo hội được mời gọi để phục vụ, chứ không phải là một tổ chức liên quan đến tài chính. Các Giám mục và linh mục cần vượt thắng cám dỗ của ‘một đời sống hai mặt’, vì quá gắn bó với tiền của. Quả thật, có nhiều linh mục và Giám mục thay vì phục vụ, họ lại biến mình trở thành những ‘doanh nhân’ và ‘ủ ấm’ đời mình với tiện nghi, vật chất trong sự lập lờ, thiếu trong sáng.” Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ sáng hôm nay, 06.10, tại nhà nguyện thánh Marta.

fR. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment