Saturday, 23 August 2014

XÁC TÍN BA TRONG MỘT

 Năm 305, hoàng đế Dioclesianô, một hoàng đế Lamã nổi tiếng một thời bách hại kitô giáo, ra lệnh đúc những đồng tiền vàng với dòng chữ: Để kỷ niệm ngày Kitô giáo bị tiêu diệt.

Năm 1758, đại văn hào Voltaire nói tiên tri rằng: hai mươi năm nữa đạo Công giáo sẽ hết đời.

Năm 1850, chính khách P. Proudhon, cha đẻ của thuyết hỗ sinh, cũng đã quả quyết rằng: Các người đạo đức hãy lo giấy thông hành trước đi. Mười năm nữa sẽ không còn vị linh mục nào  để xức dầu cho đâu.
Và năm 1904, chính khách Émile Combes tuyên bố: ba tháng nữa bọn giáo sĩ phản động sẽ bị tiêu diệt.

Vậy mà, đã hơn 2000 năm trôi qua, với bao nhiêu mưu toan và hy vọng của thế lực chống đối kiểu như thế, Kitô giáo vẫn phát triển cách bền vững. Sự bền vững ấy được đặt nền tảng trên lời tuyên tín của thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 16,13-20).

Trước câu hỏi quan trọng của Đức Giêsu, “người ta bảo Con Người là ai?” Chúng ta thấy có 3 loại nhận thức khác nhau. Thứ nhất,  dân chúng thì đồng hóa Đức Giêsu với Gioan Tẩy Giả, Êlia, Giêrimia. Nghĩa là một trong những ngôn sứ lẫy lừng nhất thời quá khứ tái xuất hiện.

Nhận thức thứ hai, có người xem Đức Giêsu như là một ngôn sứ nào đó, không cụ thể là ngôn sứ nào. Đó là một ý niệm hết sức mơ hồ về Đức Giêsu.

Rõ ràng, dân chúng vẫn dành cho Đức Giêsu một vị thế khá cao, khi họ ví Ngài như là những ngôn sứ lẫy lừng nhất trong lịch sử của họ. Tuy nhiên, thật ra, cả hai nhận thức này đều chứng tỏ một điều rằng trong nhận thức của quần chúng con người thật của Đức Giêsu không hề tồn tại. Hay nói khác đi, không có một Đức Giêsu nào trên trần gian này. Đó chỉ là hình bóng của Gioan, Êlia, hay Giêrimia hoặc là một trong các vị ngôn sứ nào đó.

Nhận thức thứ ba là nhận thức của chính môn đệ thân tín. Trước câu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?”. Phêrô đáp: “Thầy là Đấng Ki-tô con Thiên Chúa Hằng Sống.” Đây được xem là một nhận thức hết sức hoàn hảo. Hoàn hảo bởi lẽ nó được Đức Giêsu đóng dấu chuẩn nhận; hoàn hảo bởi lẽ, ngay sau lời tuyên tín đó, Đức Giêsu lập tức gọi Phêrô là người có phúc; hoàn hảo bởi lẽ đó là mạc khải đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người. Và hoàn hảo bởi vì nội dung của nó biểu đạt cách chuẩn xác và đầy đủ căn tính của Đức Giêsu. Qua lời xác tín ngắn gọn ấy chúng ta có thể biết được căn tính của Đức Giêsu cách trọn vẹn.

Thứ nhất, Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, Đấng Mêsia, hay là Đấng được xức dầu. Đây là Đấng mà dân Ítraen hằng mong đợi trong một thời gian rất lâu dài. Đấng đó chính là niềm hy vọng mang lại ơn giải thoát cho toàn dân. Đây là chân lý về một tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa.

Thứ hai, Đức Giêsu không những là Đấng Thiên Sai, nhưng còn là con Thiên Chúa. Trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài là con. Ngài trội vượt hơn mọi ngôn sứ lẫy lừng nhất của thời Cựu Ước, bởi lẽ các ngôn sứ dẫu lẫy lừng đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ là sứ giả của Chúa, xuất thân từ loài người, còn Đức Giêsu là Chúa Con. Chân lý này đồng thời bộc lộ rằng Thiên Chúa chính là Cha. Ngài không chỉ là Ông Trời, là Chúa Tể vũ trụ, nhưng trên hết Ngài là một người cha. Chân lý này giúp cho con người nhìn nhận mối tương quan cha-con, một mối liên hệ gia đình mật thiết với Thiên Chúa.

Thứ ba, Thiên Chúa đó là Thiên Chúa hằng sống. Đó là chân lý về một Thiên Chúa vô biên vô tận, hằng hữu và vĩnh cửu. Chân lý này giúp con người hướng đến một cuộc sống vĩnh cửu. Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng: “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.” Đây là chân lý cho một niềm tin, niềm hy vọng vào sự phục sinh thân xác và một đời sống vĩnh cửu mai sau.

Dựa trên lời tuyên tín này Đức Giêsu đã có thể thiết lập Giáo hội và trao cho Phêrô quyền lãnh đạo. Đức Giêsu nói cùng Phêrô rằng: “Phêrô, anh là đá, trên đá này thầy sẽ xây Hội Thánh của thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Dĩ nhiên, nền tảng Giáo Hội không phải là một con người tên là Phêrô, nhưng nền tảng Giáo Hội là một Phêrô có một tuyên tín đúng đắn, chính xác về Đức Giêsu.

Một Phêrô gắn bó với xác tín ấy cho đến chết. Viên đá nền tảng của Hội Thánh chính là xác tín: “Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống”. Bao lâu Giáo Hội còn những người kế nhiệm của Phêrô, những Đức Giáo Hoàng có niềm xác tín như thế thì Giáo Hội ấy vẫn tồn tại vững bền. Và chắc chắn Giáo Hội sẽ luôn có những vị lãnh đạo có đầy đủ xác tín như thế, vì Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng: Quyền lực tử thần sẽ không bao giờ thắng được.

Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay cho phép chúng ta vui mừng hân hoan, tạ ơn Thiên Chúa vì sự vững bền, sự lớn mạnh của Giáo Hội giữa biết bao nhiêu thách đố của quyền lực sự dữ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta một niềm xác tín, là linh hồn, cốt lõi của đời sống Giáo Hội và của từng người trong chúng ta. Đó là niềm xác tín 3 trong một.

Thứ nhất, Đức Kitô chính là Đấng Chúa Sai đến, cũng là chính Chúa, là Đấng cứu độ duy nhất của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể được cứu độ, được hạnh phúc khi chúng ta tin vào Ngài và bước theo Ngài mà thôi.

Thứ hai, Thiên Chúa chính Cha của Đức Giêsu và cũng chính là Cha của mỗi người chúng ta, chúng ta là những người con trong gia đình Thiên Chúa. Và lẽ dĩ nhiên, không ai có thể xem Chúa là Cha nếu như không xem người khác là anh chị em của mình. Đó là điều nghịch lý không tưởng.

Và cuối cùng, niềm tin vào một Thiên Chúa hằng sống, sẽ hướng lòng chúng ta về trời cao, giúp chúng ta biết vun đắp, hy vọng một cuộc sống vĩnh cửu mai sau chứ không chỉ bám riết vào thế giới hiện tại, để rồi chết trong đó.

Nguyện xin Chúa ban ơn giúp sức để mỗi người chúng ta có được niềm xác tín chuẩn xác và hoàn hảo như Phêrô, để rồi chúng ta có thể xác định đâu là mục tiêu của đời mình, đâu là Đấng mình phải theo, đâu là việc chính yếu mình phải làm và đâu là mối tương quan mà mình phải có đối với anh chị em đồng loại. Đó thật sự là một xác tín tuyệt đối cần thiết cho hành trình làm người và làm con Chúa của mỗi người chúng ta. Amen.

Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment