Thursday 14 August 2014

MẸ LÊN TRỜI


Ngày 1 tháng 5 năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi tới tất cả các giám mục trên thế giới một thông điệp mang nhan đề Deiparae Virginis, với hai vấn nạn: Ngài có thể tuyên tín Đức Mẹ Lên Trời hay không, và các giám mục và cộng đoàn dân Chúa có muốn tuyên tín tín điều này hay không? 

Hầu hết các thư trả lời cho hai vấn nạn trên đều ủng hộ  (trong số 1181 giám mục chính tòa chỉ có 22 vị không đồng ý, nhưng chỉ có 6 vị là hồ nghi đó có phải là chân lý mạc khải hay không, chỉ có 3 trong số 206 Đại Diện Tông Tòa, 5 trong số 381 giám mục hiệu tòa không đồng ý). 

Và sau cùng, ngày 1 tháng 11, Lễ Các Thánh năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII, với Tông Hiến Munificentissimus Deus (MD) đã long trọng tuyên bố tính điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Tuy nhiên, niềm tin vào việc Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác đã xuất hiện rất sớm từ thế kỷ thứ VI bên Đông Phương và thế kỷ thứ VII bên Tây Phương.

Tuy nhiên, khi công bố một tín điều thì phải có những bằng chứng Thánh Kinh vững chắc. Thật khó, vì trong Thánh Kinh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước không có một chỗ nào nói rõ ràng là Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là tín điều này thiếu nền tảng Thánh Kinh. Bởi lẽ, chính Tông Hiến công bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, Munificentissimus Deus, đã khẳng định rằng: “Nền tảng cuối cùng của chân lý này là Thánh Kinh, khi trình bày cho ta thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Con Thiên Chúa, và luôn chia sẻ một số phận”.

Nền tảng Thánh Kinh mà Tống Hiến muốn nói đến gồm những đoạn sau:

Đoạn St 3,15, nói đến sự liên kết của Đức Maria, với tư cách là Eva mới, với Đức Kitô, trong tư cách là Adam mới, trong công trình cứu chuộc; đối lại với Eva cũ nối kết với Ađam cũ trong tội lỗi. Ađam mới là Đức Giêsu lên trời cả hồn lẫn xác, chẳng lẽ Evà mới vốn liên kết mật thiết với Đức Giêsu Ađam mới lại chịu cảnh thân xác hư hoại? điều nay xem ra vô lý.

Đoạn 1 Cr 15 trong bài đọc II Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nói đến hiệu quả của cuộc chiến thắng cái chết của Đức Kitô trên toàn Giáo Hội, thân thể của Ngài. có thể nói nếu có ai xứng đáng nhất được hưởng thành quả của sự chiến thắng sự chết của Đức Kitô đầu tiên, thì người đó chính là Đức Maria, vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh, xin vâng trọn đời thánh ý Chúa. Đức Maria là người đầu tiên được tham dự vào sự phục sinh, tận điểm của ơn cứu rỗi dành cho mọi kitô hữu.

Đoạn Lc 1,28 nói đến việc Đức Maria được gọi là “Đấng đầy ân sủng”. Điều này bao hàm cả ân sủng được cứu chuộc khỏi hủy hoại thân xác.

Đoạn Kh 12 trong bài đọc thứ I  Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nói đến một người nữ mặc áo mặt trời, cách nào đó ám chỉ Mẹ Maria lên trời vinh hiển.

Đoạn Xh 20,12 và Lv 19,3 nói về việc “tôn kính cha mẹ”. Việc Đức Mẹ lên trời hồn cả trời lẫn xác là điều phải đạo vì Đức Giêsu đương nhiên thực hiện điều răn Chúa dạy. Dĩ nhiên, Đức Maria không đương nhiên được hưởng đặc ân này vì Mẹ là mẹ Đấng cứu thế, kiểu như 'con cha cháu ông' nhưng Mẹ đã sống ơn gọi làm Mẹ và làm "tôi tớ Chúa" (như cách Mẹ gọi chính mình: này tôi là nữ tỳ của Chúa) cách trọn vẹn, mỹ mãn đến hơi thở sau cùng.

Có một điều ngạc nhiên là đoạn Tin Mừng theo thánh Luca  trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Lc 1,39-56), lại không được Tông Hiến nhắc đến trong khi tuyên tín tín điều Đức Maria Hồn Xác lên trời. Tuy nhiên, đoạn văn này xét trong tổng thể, lại có liên quan đến hai ý nghĩa thần học mà tín điều muốn nói đến.

Ý nghĩa thứ nhất: Xét trong tương quan giữa Đức Maria với Đức Kitô. Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác chính là thông dự vào hồng ân cứu chuộc của Chúa Kitô. 

Mẹ đã bước theo Đức Kitô cách trọn vẹn trên con đường thập tự, nên Mẹ được thông phần vào sự chiến thắng tội lỗi và sự phục sinh của Đức Kitô con Mẹ. Mẹ đã thông phần vào việc nối kết nhân loại với Chúa.

Cuộc viếng thăm người chị họ là cuộc viếng thăm đầy tình thân, đủ tình người. Nhưng trên hết đó là cuộc viếng thăm làm nảy sinh lời ca ngợi tình thương của Thiên Chúa. Làm nảy sinh mối tương giao kết thân giữa Thiên Chúa và con người. Hài nhi Gioan nhẩy mừng trước sự hiện diện của Mẹ. Riêng bà Êlisabét thì được đầy Thánh Thần. Bà không ngừng ca ngợi phúc phần mà Thiên Chúa ban tặng cho Đức Maria.

Ý nghĩa thứ hai: Xét trong tương quan với Hội Thánh, Đức Maria như là con người đầu tiên, người con ưu tú của Hội Thánh đón nhận ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô. Mẹ đang lãnh nhận nhiệm vụ cưu mang Con Thiên Chúa nhưng lại cảm nhận đó là một hồng ân thánh Chúa dành cho Mẹ. Trong cương vị là con dân của Chúa, Mẹ đã lên tiếng ngợi ca vẽ đẹp, sự toàn năng, và tình yêu Thiên Chúa.

Mẹ ca ngợi Chúa với cả linh hồn, vui mừng hớn hở, với cả thần trí. Mẹ không chỉ vui mừng, ca ngợi những ơn phúc Chúa dành cho riêng mình nhưng là những ân phúc Chúa đã thi ân cho người nghèo, cho người khiêm nhường, cho những ai kính sợ Người, và cho Ítraen tôi tớ của Người.

Mừng Lễ Đức Maria hồn xác lên trời hôm nay. “Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng”. Lời cầu xin ấy chỉ hiệu nghiệm khi nó đồng thời khởi phát trong lòng mỗi người chúng ta một lòng yêu mến Nước Chúa, một chọn lựa ưu tiên dành cho thiên đàng, một sự tìm kiếm liên lỉ như tìm kiếm một kho tàng vĩnh cửu, thể hiện qua việc quyết tâm dành trọn cuộc đời cho Chúa và cho tha nhân trên mọi nẻo đường dương gian, trong từng phút, từ giây của cuộc đời và qua từng nhịp đâp của con tim.

Quyết tâm ấy được vun đắp bằng một lối sống như Mẹ, đồng hành với Đức Kitô trên con đường thập tự. Thắp sáng tình Chúa, tình người mọi nơi chúng ta viếng thăm và biến cuộc đời mình thành lời ca ngợi Thiên Chúa không ngừng.

Muốn ca ngợi Chúa thì nhất thiết phải cảm nghiệm được những hồng ân Chúa đổ xuống trên chính cuộc đời chúng ta và trên toàn thể nhân loại. Chắc chắn rằng bàn tay Thiên Chúa vẫn không ngừng thi ân giáng phúc trên mỗi người, trên những người thân yêu của chúng ta, và trên muôn loài muôn vật từ đời này qua đời kia.


Thế nhưng, không phải ai cũng cảm nhận được hồng ân ấy luôn luôn như Mẹ. không ai bảo rằng cuộc đời Đức Maria toàn màu hồng, nếu như không muốn nói là toàn "cảnh thương khó". 

Khởi đầu bằng việc, bị thánh Giuse, vị hôn phu yêu dấu "định tâm lìa bỏ cách kín đáo", tiếp theo là "sinh con trong trong cánh đồng hoang vu lạnh giá; kế đến, là ẳm con thơ vượt biên chạy trốn vua Hêrôđê; rồi lại dâng con trong đền thờ và nhận hung tin: "gươm sắt sẽ thâu qua lòng bà"; tiếp theo sau nữa là "lạc con trong đền thờ đến 3 ngày"... và cuối cùng đau đớn, đứt ruột bước đi cùng con trên hành trình thập tự. 

Đớn đau là thế, khốn cùng đến thế kia. Thế nhưng, Mẹ Maria đã vẫn cảm nhận và nhìn thấy ân sủng Chúa, và ngợi ca, chúc tụng Chúa vì hồng ân của Ngài dành cho Mẹ và cho dân Ítearen và cho toàn thể nhân loại. 

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria bầu cử cùng Chúa, cho chúng ta luôn luôn đón nhận mọi biến cố vui buồn trong cuộc đời như những hồng ân Chúa ban, cho chúng ta luôn hân hoan, vui tươi hơn hở trước mọi sứ vụ mà Chúa giao phó qua Hội Dòng, để chúng ta cũng có thể không ngừng tán tụng hồng ân Chúa như Mẹ. Amen.

Jos. Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment