CNXXVITNA (Ez 18,25-28; Pl
2,1-11; Mt 21,28-32)
Người ta thường nói rằng “quân
tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử biết nghĩ lại là quân tử khôn”. Phụng vụ Lời
Chúa hôm nay sẽ dạy cho chúng ta biết thế nào là một bậc chính nhân quân tử biết
nghĩ lại.
Bài đọc một trích sách ngôn sứ
Êdêkiel cho chúng ta thấy hai lối ứng xử của hai loại người: “Khi người công
chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì
điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó
đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống
mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống,
nó không phải chết.”
Dụ ngôn hai người con trong
bài Tin Mừng hôm nay, khắc họa rõ nét hơn, tô đậm hơn hai loại người ấy. Trước
lời mời gọi đi làm vườn nho của người cha. Hai người con có hai lối đáp trả
hoàn toàn khác nhau.
Người con thứ nhất tỏ thái độ
khó chịu và cự tuyệt với lời mời gọi của người cha. Anh nói ngay: “Con không muốn
đâu”. Nhưng rồi anh ta lại thấy áy náy lương tâm, nên hối hận và lại đi làm vườn
nho.
Người con thứ hai thì tỏ ra rất mau mắn và
hăng hái trong lời nói. Anh ta thưa ngay: “Thưa ngài con đây”. Chúng ta thấy, có
một sự bất thường nào đó trong kiểu xưng hô của người con này. Anh ta gọi cha của
mình là “ngài” nghe có vẻ khách sáo, xa lạ theo kiểu của người đầy tớ thưa với
ông chủ. Và quả thật, ẩn sau sự khách sáo, ngọt ngào ấy là một sự giả dối đáng
sợ. Thực tế, thì anh ta chỉ là kẻ đầu môi chót lưỡi. Một kẻ mồm mép, mồm miệng
đỡ chân tay.
Thật ra, cả hai người con này
không có người nào là lý tưởng cả. Một người thì dùng dằng không muốn thi hành
ý cha; một người thì ngôn hành bất nhất. Người con lý tưởng phải là: “Người mau
mắn lắng nghe lời cha và thi hành ngay lập tức”.
Đức Giêsu kể dụ ngôn này để
nói đến một thực tế rằng: Trong xã hội Do Thái thời bấy giờ có những con người
tỏ ra rất thánh thiện đạo đức; Thuộc rất nhiều Kinh Thánh, đi tham dự nghi lễ
cách đầy đủ, giữ luật cách tỉ mĩ. Thế nhưng, không thực hành điều Thiên Chúa dạy,
không thi hành điều Thiên Chúa muốn. Đó là giới kinh sư, Pharisêu, các thượng tế
và kỳ mục nữa. Đó là những con người đã nghe ông Gioan “chỉ đường công chính”
nhưng chẳng chịu nghe, không chịu hối hận và không tin vào ông Gioan.
Ngược lại, có những con người tuy bên ngoài
xem ra rất nhuốc nhơ, tội lỗi như những cô gái điếm, những chị em thiếu vải che
thân, đứng đường, ca phê ôm, bia ôm… và những người thu thuế, lại biết hối hận
và tin vào ông Gioan và đường ngay nẻo chính của ông.
Chính những kỳ mục và thượng
tế đã thừa nhận rằng rằng: “Người con thứ nhất” mới là người thi hành ý muốn của
người cha. Còn Đức Giêsu lại khẳng định: “Những người thu thuế và những cô gái
điếm, những cô cave, gái bia ôm, đèn mờ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Đó
quả là một tuyên bố rất shocked, không thể shocked hơn đối với giới lãnh đạo Do
Thái.
Nhưng đó lại là sự thật. Bởi
lẽ, người vào nước thiên đàng đầu tiên không ai khác lại là một tên trộm cướp;
Máthêu, một người Tông đồ Đức Giêsu và là tác sách Tin Mừng là một người thu
thuế; Giakêu, một thủ lãnh thu thuế đã được Chúa ban ơn cứu độ nhãn tiền; Maria
Macđala, một cô gái điếm trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh; người
phụ nữ Samari, với một đời sống lăng loàn, có đến năm đời chồng, đã được Đức
Giêsu biến đổi và tin vào Ngài.
“Thánh
nhân nào cũng có một quá khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai.”
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cảnh
tĩnh mỗi người chúng ta về thái độ đối với lời mời gọi của Thiên Chúa. Đâu là
cách thức chúng ta đã, đang và sẽ đáp trả lại lời mời gọi của Chúa. Thái độ của
người con thứ nhất, hay là của người con thứ hai? Chắc có lẽ chúng ta không quá
ảo tưởng để nói rằng tất cả mọi người kitô hữu đều tốt. Bỡi lẽ, có nhiều người
kitô hữu chỉ giữ đạo trong nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ thì đường con con đi còn
nhà Chúa Chúa ở.
Trong hành trình tạ ơn Tân
Linh Mục từ Nam chí Bắc con có nghe một câu chuyện vui vui thế này: “Có hai bà
giáo dân tại một xứ đạo nọ đang chửi rủa nhau chí chóe, nói toàn tiếng Đan Mạch,
bỗng nhiên tiếng chuông nhà thờ vang lên. Thế là, không bà nào bảo bà nào. Cả hai
đều mặc quần áo đẹp đi lễ. Lễ vừa xong, người ta đã nghe thấy tiếng chửi rủa ồn
ào ngoài sân nhà thờ. Ai cũng ngoái nhìn, thì ra lại là hai bà ấy. Hai bà không
chờ nỗi cho đến về đến nhà, đành tranh thủ chửi nhau trên đường đi lễ về.
Thực tế, có những người kitô
hữu cũng đọc kinh, đi lễ đều đặn, nhưng rồi cũng mua gian bán lận, lừa gạt,
cũng góp tiền, góp của cho những tụ điểm ăn chơi trác táng.
Ngược lại, có những người
kitô hữu có quá khứ tội lỗi rất nặng nề. Thế nhưng, chỉ cần họ vẫn tin vào Đức
Giêsu, hối hận, trở về thì họ lại được Chúa yêu thương đón nhận và được vào
Thiên đàng. Sự hối hận và niềm tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa là điều hết sức
cần thiết trong đời sống của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Trong Thánh Lễ này, chúng ta
hãy cầu xin Chúa giúp cho chúng ta để chúng ta đừng quá chủ quan vào một lối sống
đạo hình thức, bổn phận, để rồi tự tôn, tự mãn khi thấy mình đi nhà thờ, đi lễ,
đi chầu, lần hạt nhiều hơn kẻ khác. Thái độ tự tôn, kiêu ngạo, tự hài lòng với
lối giữ đạo theo kiểu bổn phận như thế, sẽ làm cho chúng ta ngày càng xa Chúa
hơn.
Xin Chúa cũng giúp chúng ta cảm nhận được lòng
nhân hậu của Chúa để rồi chúng ta không cảm thấy tự ti, mặc cảm, hay tuyệt vọng,
mỗi khi phạm sai lầm, tội lỗi.
Thánh Augustinô sau một khoảng
thời gian ăn chơi sa đọa, bỏ Chúa theo tà thần đã được ơn trở về và trở thành một
Giám Mục vừa uyên bác vừa thánh thiện. Ngài đã cảm nghiệm rằng rằng: “Lạy Chúa!
Con yêu Chúa quá muộn màng”. Ngài trở lại đạo lúc 33 tuổi. Và đối với ngài như thế là quá muộn màng. Xin
Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết hối hận về những lỗi lầm của mình để rồi
mau mắn trở về với Chúa sớm nhất có thể, để tìm lại sự bình an, sự hạnh phúc
bên Ngài đời này và sự sống đời sau nữa. Amen.
Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment