Tuesday, 4 June 2013

“CON NGƯỜI NGÀY NAY DƯỜNG NHƯ KHÔNG CÒN TIN VÀO ĐIỀU MÌNH NÓI”


Ngày Lễ Kính các Thánh Tử Đạo Việt nam, 24-11-2012, báo điện tử Vietcatholic News   có đăng bài viết nhan đề: “Ông linh mục không có đạo!” của tác giả Lê Quang Vinh (http://www.vietcatholic.org/News/Html/101226.htm 24.11.2-12). Bài báo nói về một vị linh mục khá điển trai, tên là Nguyễn Thái Từ, quê ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong phần khai về lý lịch của mình, ở phần nghề nghiệp  chức vụ (hiện nay), vị linh mục khai như sau: “Linh mục Quản Xứ và Quản hạt Nghĩa Yên, Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.”
Tuy nhiên, có một chi tiết rất “đặc biệt” mà bất kỳ người Công Giáo nào nghe thấy đều không thể không ngạc nhiên. Trong phần khai về Tôn Giáo, vị linh mục khai là: “Không” (Tôn giáo: Không). Về lý mà nói thì bản cung khai của vị linh mục này hết sức mâu thuẫn. Lý do tiến chức theo Giáo Luật 1983 bắt buộc ứng viên tiến chức phải lãnh phép rửa tội và phép thêm sức. Điều này để chứng thực rằng đương sự là một người Công Giáo thực sự. Vậy, có nghĩa là một trong hai chi tiết đó (là linh mục và không tôn giáo) đã có một chi tiết nhầm lẫn, hay vị linh mục cố ý khai sai sự thật.  Ta có tam đoạn luận:  Mđ 1: Một linh mục Công giáo buộc phải là thành viên của đạo Công Giáo, Mđ 2: Anh A không phải là tín hữu Công Giáo, kết luận: Anh A không phải là linh mục Công giáo. Một Linh mục không thể không tôn giáo. Hơn nữa, Công đồng Vat.II nói rất rõ về tính hiệp đoàn trong cơ cấu phẩm trận Giáo hội. Một Giám mục nếu không hành động trong tình hiệp thông với các Giám Mục khác và với Giám mục Rô-ma thì mọi hành động, lời nói của vị Giám mục ấy về đức tin và phong hóa đều vô hiệu. Giáo Hoàng mặc dù có ơn bất khả ngộ về đức tin và phong hóa nhưng nếu ngài không tuyên bố nhân danh Giáo  Hội và trong tình hiệp thông với Giám mục đoàn thì cũng xem như vô hiệu. Vậy thì, một linh mục chối bỏ đạo của mình thì làm sao làm một linh mục được. Chuyện tưởng như đùa nhưng đó lại là sự thật. Trong “đât nước cộng sản” người ta thường nghe nói đến một loại Giám mục hay linh mục “quốc doanh”. Đó là loại linh mục luôn sống “tốt đời”, “đẹp đảng”, luôn lấy lợi ích của đảng làm phương châm sống cho mình và đặc điểm để nhận biết loại linh mục này là: “Tôn giáo: Không”. Thế nhưng, ít có vị nào dám công khai trắng trợn như vị này.
Thật trớ trêu, trong bối cảnh Giáo Hội Việt nam đang tưng bừng hãnh diện mừng những chứng nhân anh dũng của Nước Trời thì báo Vietcatholic lại cho đăng một bài viết về một linh mục chối đạo. Trước đây, tôi cũng thường nghe kể về một số linh mục là cánh tay phải cho đảng ở tại đất Sài gòn này. Họ vẫn giữ “chức vụ” chánh xứ của một họ đạo nhưng lại phục vụ đắc lực trong việc truyền bá tưởng của đảng và nhà nước. Giáo quyền không hề đá động đến họ vì họ được đảng “bảo kê”. Phải chăng lời Đức Ki-tô cảnh báo về một thế hệ “ngôn sứ giả”: “sẽ có những Ki-tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn” (Mt 24,11.24) đang ứng nghiệm trên quê hương Việt nam? Nếu thế thì thật là nguy hiểm cho Giáo hội Việt nam. Những con chiên, bổn đạo của những linh mục ấy sẽ đi về đâu khi chính vị chủ chăn của họ, những người giáo dục về đức tin lại không xác tín về niềm tin của mình? làm sao con chiên có thể có được một niềm xác tín lành mạnh dưới sự hướng dẫn của những vị chủ chăn như thế? Mà không có xác tín lành mạnh thì lấy gì hướng dẫn cho cuộc sống của họ đây?
May thay, Giáo Hội Việt Nam không có nhiều Linh mục như thế. Giáo hội Việt nam chưa lâm vào tình trạng bi đát như Giáo hội Trung Hoa. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi giới trẻ Việt nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng niềm tin cách trầm trọng, kể cả các tín hữu Công Giáo. Cũng trong bài viết này tác giả kể lại một câu chuyện về một lần ông làm phỏng vấn tuyển nhân viên cho một công ty bảo hiểm. Khi thấy anh chàng sinh viên viên mới ra trường trả lời phỏng vấn quá lơ mơ chưa đủ tiêu chuẩn nhận vào, ông bèn hỏi thêm câu này: “Em có đạo không?” chàng sinh viên hăng hái trả lời: “Dạ không. Em được học ở trường rằng tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Ba má em dặn không được theo tôn giáo nào, để sau này còn phấn đấu...”. Tác giả cười thầm khi nghe chàng trai hăng hái phát biểu như vậy vì nghĩ rằng chắc anh nghĩ ông ta cũng là người không  thích tôn giáo. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi nghe ông nói: “Này em, tôi thấy em thiếu một số điều kiện nên hỏi em câu ấy. Công ty này đánh giá cao người có tôn giáo (theo Đạo nào cũng được). Và theo bảng chấm điểm, nếu ai có tôn giáo và thực hành tôn giáo thì được cộng 100 điểm phỏng vấn (khoảng 6%).” Nói rồi ông không quên cho anh chàng xem bảng qui tắc chấm điểm. Nghe vậy, anh chàng lúng túng và nói: “Dạ nãy giờ em nói theo bài học thôi, chứ ở nhà em bà nội em luôn dạy con người cần có tôn giáo”. Và tác giả kết luận: “điều này nói lên một thực trạng: con người ngày nay dường như không còn tin điều mình nói.” Đó là một câu nhận định khá chủ quan nhưng sao nghe thật nhói lòng. Có thật con người ngày nay không dám nói theo lương tâm của mình, không dám nói theo điều mình nghĩ mà chỉ nói những điều mà người khác muốn mình nói? Nếu vậy thì trong xã hội này còn biết tin ai và ai tin mình nữa?
Lúc mới có ý định đi tu, tôi bắt đầu tiếp xúc những cuốn sách dạy làm người và một trong những cuốn tôi thích nhất thời ấy là cuốn“Đắc nhân tâm” (How to win friends & influence people) của tác giả Dale Carnegie. Cuốn sách chỉ dẫn cho người ta những cách thức lấy lòng người khác rất hay. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm hiểu về triết học và Tin Mừng Chúa Ki-tô, tôi dần cảm thấy đó là một cuốn sách đáng sợ nhất. Bởi nếu sống theo như những gì cuốn sách đó chỉ dẫn thì có thể tôi sẽ được lòng người khác cách khá dễ dàng nhưng tôi lại bị mất cái quý giá hơn nhiều. Tôi sẽ “mất lòng” chính mình và đánh mất chính con người mình. Và kinh nghiệm cũng cho tôi thấy những kiểu cư xử “đắc nhân tâm” như thế sẽ chỉ lấy lòng người lạ, hoặc chỉ trong một thời gian ngắn và chỉ hợp với những người ưa chuộng sự nịnh nọt. Người chân thành, chính trực thường chấp nhận một người bạn bộc trực, nóng nảy hơn là một kẻ lắm lời, dẻo miệng, hay khen nhưng lại thiếu chân thành. Nếu cứ phải chiều theo điều người khác muốn ngay cả phải nói dối, nói gian thì quả thực nhận xét của tác giả trên không sai tý nào: “Con người ngày nay dường như không tin vào điều mình nói”. Đức Giê-su đã nói, kho tàng anh em ở đâu thì lòng anh em cũng sẽ ở đó (Mt 6,21; Lc 12,34). Nếu đặt mục cùng đích của đời mình trên “những cái mình có” hơn là “những gì mình là” thì chắc chắn con người không bao giờ muốn nói theo xác tín của mình (Công Đồng Vat.II dạy rằng: “Giá trị con người hệ tại cái mình là hơn là cái mình có”, GS, số 35). Họ chỉ muốn nói làm sao, sống làm sao để đạt được những mối lợi họ mong muốn mà không màng đến nó ảnh hưởng thế nào đến giá trị của mình.
Hè năm 2011, tôi có dịp ra giúp một giáo xứ vùng miền trung. Trước khi đi, tôi đã nghe nói nhiều về khí hậu nóng nảy của vùng này. Đặc biệt là sự đơn sơ, tính thật thà và lòng đạo đức truyền thống của bà con tín hữu của các giáo xứ miền trung. Hầu hết thời gian tôi làm việc với thiếu nhi (dạy đàn, dạy văn hóa). Có một điều khiến tôi rất “shock” và cứ băn khoăn mãi đến bây giờ. Giáo xứ có bốn họ nằm cách xa nhau. Các em thiếu nhi đa số rất ngoan và thật thà. Duy chỉ có thiếu nhi của một họ kia, không hiểu tại sao lại rất nổi trội về khả năng nói xạo. Lúc đầu vì không để ý nên tôi cũng không biết các em nói xạo với mình. Nhưng dần dà, khi trao đổi với một thầy khác, tôi mới khám phá ra mình bị các em cho “ăn thịt lừa” rất nhiều lần. Và khi thi giáo lý trong nhà thờ, các em cũng quay cóp bài. Tôi thấy khó chịu và bị shock khi thấy một nhóm thiếu nhi trong một họ đạo, đi học giáo lý thường xuyên, đi lễ thường xuyên lại nói xạo một cách vô tội vạ như vậy. Nơi các em tôi thấy một ý chí học hành khác hẳn và một bản năng đối phó rất đáng nể. Tôi cũng suy nghĩ và tìm hiểu và chỉ thấy lóe lên một chi tiết nhỏ. Qua những câu chuyện các em hàn huyên với nhau, hôm qua đưa này bị ba mẹ đánh, đứa kia bị ba mẹ phạt và khi các thầy muốn đến thăm nhà thi các em rất lo sợ, không muốn cho các thầy đến. Tôi chợt nghĩ có lẽ lối giáo dục “thương cho roi cho vọt” được áp dụng quá nhiều nên làm cho các em ít khi dám nói thật với cha mẹ mình, đặc biệt là những lỗi lầm. Một tâm hồn trẻ thơ mà đã bị nhiễm bởi sự giả dối như thế thì khó có thể “tin vào điều mình nói” trong tương lai được.
Xin được kết thúc bài tản mạn này với tinh thần của thánh Công Đồng Vat.II: Để chu toàn cách chính xác hơn nghĩa vụ theo lương tâm đối với mình và với xã hội con người cần phải được giáo dục không những có một tài năng thực lực mà còn có một tâm hồn cao thượng. Con người khó có thể cảm nhận được trách nhiệm này khi họ không có những điều kiện sinh sống cho phép họ ý thức về phẩm giá của mình, cũng như giúp họ đáp lại ơn gọi của mình bằng cách hiến thân phục vụ cho Thiên Chúa và tha nhân.” (GS, số 31). Biết suy nghĩ và hành động theo lương tâm là một ưu phẩm của một con người thực sự. Tìm kiếm lợi lộc cá nhân, con người chỉ là công cụ của chính đam mê của mình trong cách thức làm nô lệ cho ý muốn của người khác.

Jos. Phạm Duy Thạch,SVD









No comments:

Post a Comment