Thursday, 27 June 2013

THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ


Người ta thường gọi những ai đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp là “ngôi sao”. Quý ông, quý anh đam mê bóng đá không thể không biết đến các ngôi sao sân cỏ tên tuổi như Lionel Messi, Christiano Ronaldo, Frank Lampard, Wayne Rooney… còn quý bà, quý cô đam mê điện ảnh không thể không biết đến các ngôi sao điện ảnh như Lý Hùng, Việt Trinh, Bình Minh, Trương Ngọc Ánh, Huy Khánh, Ngọc Diệp, Mi Du…Hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ chúng ta cũng mừng kính và tôn vinh hai ngôi sao sáng chói trên bầu trời của Hội Thánh. Đó là ngôi sao Phê-rô và ngôi sao Phao-lô.Thánh Phê-rô, được mệnh danh là bàn thạch, là đá tảng, biểu trưng cho một tính cách bộc trực, và nóng nảy nhưng rất nhiệt thành và yêu thương đến cùng. Sau khi giáp mặt Chúa với biến cố mẻ cá lạ lùng tại Biển Hồ Ga-li-lê, ngài đã thừa nhận mình là người tội lỗi và xin Chúa tránh
xa, nhưng rồi được Chúa mời gọi, ngài đã mau mắn bỏ lại sau lưng tất cả để bước theo Chúa. Thế rồi trong quãng đời theo Chúa có biết bao nhiêu thăng trầm đã xảy đến với ngài. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe ghi lại khoảnh khắc thánh Phê-rô đang ở đỉnh cao sự nghiệp tông đồ của mình. Đó là lúc mà thánh nhân đã đưa ra lời xác tín: “Thầy là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống”. Ngay sau lời tuyên xưng đó Đức Giê-su lập tức đặt ngài làm nền tảng của Hội Thánh và giao cho ngài chìa khóa nước trời cùng với quyền cầm buộc và tháo cởi trên thế gian này. Đó chính là dấu chứng của quyền tối thượng của Đức giáo hoàng trong Hội Thánh ngày nay. 
Tuy nhiên, phong độ thì nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh viễn. Thánh Phê-rô không những chẳng giữ mãi được đỉnh cao phong độ ấy, mà thậm chí có lúc ngài còn rơi xuống tận vực thẳm của tội lỗi khi ngài chối Chúa đến ba lần. Tuy nhiên, chính lúc thế nhân tưởng ngài không bao giờ ngốc đầu lên được thì với ơn biến đổi của Chúa, ngài lại cho thấy đẳng cấp của mình là vĩnh viễn. Trước 3 câu hỏi của Chúa Giê-su Phục Sinh bên bờ hồ Ti-bê-ri-a: “Con có yêu mến thầy không?”, ngài lại 3 lần xác tín: “Con yêu mến Thầy”. Câu trả lời: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến thầy” đã bao trùm và khỏa lấp tất cả quá khứ tội lỗi của ngài và  khởi đầu cho một đời sống mới. Câu trả lời của thánh Phê-rô cho thấy vấn đề không phải là biết Chúa thế nào nhưng là yêu mến Chúa ra sao. Quả thế, khoảng thời gian sau đó, thánh Phê-rô đã cho thấy mình yêu mến Chúa bằng việc sống Tin Mừng Chúa, hăng say rao giảng Tin Mừng Chúa và đặc biệt là chịu tử nạn như Chúa. 
Tương truyền, trước sự bắt đạo dữ dội của Hoàng đề Nê-rô, năm 64, thánh Phê-rô đã hoảng sợ và tính chuồn khỏi thành Rô-ma nhưng trên đường đi ra khỏi thành, ngài gặp Đức Giê-su đi vào. Thánh Phê-rô liền hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”. Chúa Giê-su trả lời: “Ta vào thành để chịu đóng đinh lần thứ hai”. Nghe câu nói đó thánh Phê-rô tỉnh ngộ và quay trở vào thành Rô-ma để chịu tử đạo dưới hình thức đóng đinh ngược: đầu quay xuống đất và chân dơ lên trời.
Thánh Phao-lô, được mệnh danh là trụ đồng, biểu trưng cho một con người trí tuệ, hiểu biết Kinh Thánh, và là một tín đồ Do thái nhiệt thành. Với lòng hăng say nhiệt thành, Phao-lô đã hăng hái lên đường bắt bớ nhằm tiêu diệt những người theo Chúa Giê-su. Đức Giê-su phục sinh đã đón gặp ngài trên đường đi Đa-mas và đã chiếm đoạt con tim ngài hoàn toàn. Từ một người chống đối, bắt bớ Chúa, ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa đến nỗi ngài phải thừa nhận: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài coi việc được biết Chúa Ki-tô là một mối lợi trên hết mọi mối lợi. Ngài nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8). Để rồi cả cuộc đời còn lại ngài dấn thân trọn vẹn cho công cuộc loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho toàn thế giới. Ngài trải qua 3 cuộc hành trình truyền giáo đầy gian khổ. 
Chúng ta cùng nghe lại lời tự sự của ngài: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! …gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,24-27). Dẫu những khó khăn như thế, Ngài vẫn xem việc loan báo Tin Mừng là vấn đề sống còn của chính bản thân mình. Ngài nói “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Và cuối cùng ngài đã “đổ máu ra làm lễ tế”, chịu tử đạo và cảm thấy mãn nguyện vì mình đã “chiến đấu hết mình trong cuộc thi cao đẹp”, được “lãnh nhận vòng nguyệt quế dành cho người công chính” do Thiên Chúa ban tặng.
Chúng ta có lý do để vui mừng, sung sướng, hân hoan vì Chúa đã thương ban cho chúng hai chứng nhân trung thành để lãnh đạo và mở rộng Hội Thánh. Chúng ta cũng có quyền hãnh diện vì được làm hậu duệ của các ngài.
Tuy nhiên, người ta thường nói rằng “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Là con cháu của các ngài, chúng ta cũng được mời gọi “tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, con Thiên Chúa hằng sống”, bằng cả cuộc đời mình như thánh Phê-rô;  chúng ta được mời gọi làm cho môi trường sống chung quanh ta dậy men Tin Mừng như thánh Phao-lô. 
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Rao giảng Tin Mừng, làm cho những người chung quanh ta nhận biết sự hiện diện của Chúa phải là một sứ mạng sống còn của mỗi một người trong chúng ta. Đó là mệnh lệnh mà Đức Giê-su đã để lại, mà thánh Phê-rô và Phao-lô là những tấm gương sống động. Rao giảng Tin Mừng không nhất thiết phải đi xa năm châu bốn bể, phải đứng ở ngã ba, ngã tư để giảng Lời Chúa, nhưng là bằng chính cách ăn nết ở, cách cư xử của mình, tiên vàn đối với những người thân trong gia đình, rồi đến những người bà con xóm giềng, và đến những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Làm sao để người ta gặp mình người ta thấy vui, thấy mừng, thấy bình an. Đó là cách loan Tin Mừng thiết thực nhất. Xứ đạo chúng ta càng có nhiều người đem niềm vui đến cho nhau, nhiều gia đình ấm cúng hạnh phúc, thì cả giáo xứ sẽ hạnh phúc và đó là dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi người chúng ta, trong gia đình ta và trong xứ đạo chúng ta. Và dĩ nhiên, một xứ đạo yên bình hạnh phúc tự thân sẽ là một lời loan báo Tin Mừng sống động nhất cho những người chưa biết Chúa.
Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô 2013
Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment