Thursday, 21 December 2023
LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: ĐỨC GIÊSU GIÁNG SINH TẠI BẾTLEHEM, CHUYỆN TÌNH CỜ?...
Thursday, 14 December 2023
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG. Chú Giải Tin Mừng CN III MV B (Ga 1,6-8.15.19-34); Lm. Jos. Ph.D. Thạch
LÀM CHỨNG VỀ ÁNH SÁNG. CN III MV B (Ga 1,6-8.15.19-34) [1]
Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Tiếng Việt |
6 Ἐγένετο ἄνθρωπος, ἀπεσταλμένος παρὰ θεοῦ, ὄνομα αὐτῷ Ἰωάννης· 7 οὗτος ἦλθεν εἰς μαρτυρίαν ἵνα μαρτυρήσῃ
περὶ τοῦ φωτός, ἵνα πάντες πιστεύσωσιν δι᾽ αὐτοῦ. 8 οὐκ ἦν ἐκεῖνος τὸ φῶς, ἀλλ᾽ ἵνα μαρτυρήσῃ
περὶ τοῦ φωτός. … 15 Ἰωάννης μαρτυρεῖ περὶ αὐτοῦ καὶ κέκραγεν λέγων· οὗτος
ἦν ὃν εἶπον· ὁ ὀπίσω μου ἐρχόμενος ἔμπροσθέν μου γέγονεν, ὅτι πρῶτός μου ἦν. … 19 Καὶ αὕτη ἐστὶν ἡ μαρτυρία τοῦ Ἰωάννου, ὅτε ἀπέστειλαν
[πρὸς αὐτὸν] οἱ Ἰουδαῖοι ἐξ Ἱεροσολύμων ἱερεῖς καὶ Λευίτας ἵνα
ἐρωτήσωσιν αὐτόν· σὺ τίς εἶ; 20 καὶ ὡμολόγησεν καὶ οὐκ ἠρνήσατο, καὶ ὡμολόγησεν
ὅτι ἐγὼ οὐκ εἰμὶ ὁ χριστός. 21 καὶ ἠρώτησαν
αὐτόν· τί οὖν; σὺ Ἠλίας εἶ; καὶ λέγει· οὐκ εἰμί.
ὁ προφήτης εἶ σύ; καὶ ἀπεκρίθη· οὔ. 22 εἶπαν οὖν αὐτῷ· τίς εἶ; ἵνα ἀπόκρισιν δῶμεν
τοῖς πέμψασιν ἡμᾶς· τί λέγεις περὶ σεαυτοῦ; 23 ἔφη· ἐγὼ φωνὴ
βοῶντος ἐν τῇ ἐρήμῳ· εὐθύνατε τὴν ὁδὸν κυρίου,
καθὼς εἶπεν Ἠσαΐας ὁ προφήτης. 24 Καὶ ἀπεσταλμένοι
ἦσαν ἐκ τῶν Φαρισαίων. 25 καὶ ἠρώτησαν
αὐτὸν καὶ εἶπαν αὐτῷ· τί οὖν βαπτίζεις εἰ σὺ οὐκ εἶ ὁ
χριστὸς οὐδὲ Ἠλίας οὐδὲ ὁ προφήτης; 26 ἀπεκρίθη αὐτοῖς ὁ Ἰωάννης λέγων· ἐγὼ βαπτίζω ἐν ὕδατι· μέσος ὑμῶν
ἕστηκεν ὃν ὑμεῖς οὐκ οἴδατε, 27 ὁ ὀπίσω μου ἐρχόμενος,
οὗ οὐκ εἰμὶ [ἐγὼ] ἄξιος ἵνα λύσω αὐτοῦ τὸν ἱμάντα τοῦ ὑποδήματος. 28 ταῦτα ἐν Βηθανίᾳ ἐγένετο πέραν τοῦ Ἰορδάνου, ὅπου ἦν ὁ Ἰωάννης βαπτίζων. 29 Τῇ
ἐπαύριον βλέπει τὸν Ἰησοῦν ἐρχόμενον πρὸς αὐτὸν καὶ λέγει· ἴδε ὁ ἀμνὸς τοῦ θεοῦ ὁ αἴρων τὴν ἁμαρτίαν τοῦ κόσμου. 30 οὗτός ἐστιν ὑπὲρ οὗ ἐγὼ
εἶπον· ὀπίσω μου ἔρχεται ἀνὴρ ὃς ἔμπροσθέν μου γέγονεν, ὅτι πρῶτός μου ἦν. 31 κἀγὼ οὐκ ᾔδειν αὐτόν, ἀλλ᾽ ἵνα φανερωθῇ τῷ Ἰσραὴλ διὰ τοῦτο
ἦλθον ἐγὼ ἐν ὕδατι βαπτίζων. 32 Καὶ ἐμαρτύρησεν Ἰωάννης λέγων ὅτι τεθέαμαι τὸ πνεῦμα καταβαῖνον ὡς περιστερὰν ἐξ οὐρανοῦ καὶ ἔμεινεν ἐπ᾽ αὐτόν. 33 κἀγὼ οὐκ ᾔδειν αὐτόν, ἀλλ᾽ ὁ πέμψας
με βαπτίζειν ἐν ὕδατι ἐκεῖνός μοι εἶπεν· ἐφ᾽ ὃν
ἂν ἴδῃς τὸ πνεῦμα καταβαῖνον καὶ μένον ἐπ᾽ αὐτόν, οὗτός ἐστιν ὁ βαπτίζων ἐν πνεύματι ἁγίῳ. 34 κἀγὼ ἑώρακα καὶ μεμαρτύρηκα
ὅτι οὗτός ἐστιν ὁ υἱὸς τοῦ θεοῦ. |
6 Một người xuất
hiện, người được Thiên
Chúa sai, tên ông ta là Gioan 7 Ông ta đến vì chứng từ, để có thể làm chứng về “Ánh
sáng”, để tất cả có thể tin nhờ
ông. 8 Ông ấy không phải
là “Ánh sáng”, nhưng để ông có thể làm chứng về “Ánh sáng”. … 15 Ông Gioan làm chứng về Người, và đã hô lên rằng: “Đây là Đấng
mà tôi đã nói: ‘Đấng đến sau tôi đã trở nên trước tôi, vì Người hiện
hữu trước tôi.” … 19 Và đây là chứng từ của Gioan. Khi những
người Do Thái từ Jêrusalem sai đến với
ông các tư tế và Lêvi
để hỏi ông: “Ông là ai?” 20 Ông đã thừa nhận
và không chối từ, ông thừa nhận rằng: “Chính
tôi không phải là Đấng Kitô” 21 Và họ hỏi ông: “Vậy thì là ai? Có phải ông là Êlia chăng?” ông nói: “Tôi không phải”. “Có phải ông
là vị ngôn sứ chăng?” và ông trả lời: “Không”. 22 Rồi họ nói cùng
ông: “Ông là ai? để chúng tôi có thể đưa ra câu trả lời cho những người đã gửi chúng tôi. Ông nói gì về mình?” 23 Ông trả lời: “Tôi là tiếng hô trong hoang địa: ‘Hãy làm thẳng con đường của Đức Chúa’ như ngôn sứ Isaia đã nói”. 24 Và những người
được những người Pharisêu sai đến. 25 cũng hỏi ông và
nói cùng ông: “Vậy thì tại sao ông dìm nếu ông không phải là Đấng
Kitô,
cũng không phải là Êlia và cũng không phải là vị ngôn sứ?” 26 Trả lời cho họ,
Gioan nói: “Tôi dìm trong nước. Người đã đứng giữa các ông, Đấng mà các ông không biết, 27 Đấng đến sau tôi, người
mà tôi không xứng đáng để tháo quai dép của Người”. 28 Những điều này xảy
ra tại Bêthania, bên kia sông Giorđan nơi Gioan đang
dìm. 29 Hôm sau, ông
Gioan nhìn vào Đức Giêsu đang đi về phía mình, và nói: “Này đây, Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của
thế giới. 30 Đây là Đấng
mà tôi đã nói tới rằng: ‘Một người đến sau tôi,
Đấng đã trở nên trước tôi, vì Người hiện hữu trước tôi. 31 Chính tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân
Ísrael, vì điều này, tôi đến dìm trong nước.” 32 Ông Gioan
còn làm chứng rằng: “Tôi đã thấy Thần Khí đi xuống giống như
chim bồ câu từ trời và ở lại trên Người. 33 Và chính
tôi đã không biết Người, nhưng Đấng sai tôi dìm trong nước, Đấng ấy nói cùng tôi rằng:
“Trên Đấng mà ngươi thấy Thần Khí đi xuống và ở lại
trên Người, đó là Đấng dìm trong Thánh Linh.” 34 Và tôi đã thấy,
nên đã làm chứng
rằng đây là Con Thiên Chúa.” |
Bối cảnh phụng vụ:
Phụng Vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B tiếp tục kêu mời
các tín hữu chuẩn bị tâm hồn qua hình ảnh và lời chứng của Gioan. Chúa Nhật tuần
trước Phụng vụ mời gọi tín hữu quay trở về ngay đoạn đầu của Tin Mừng thánh Ma1ccô. Trong Phụng vụ tuần này các tín hữu lại được giới
thiệu về đoạn đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan. Tin Mừng Gioan khởi đầu bằng
cách giới thiệu nguồn gốc thần linh của Ngôi Lời: “Từ muôn thuở đã có Ngôi Lời”
(Ga 1,1). Tiếp theo sau đó là phần lời chứng của Gioan,
người dìm. Tuy Gioan,
người dìm, không phải là nhân
vật trung tâm của Mùa Vọng, bởi Đức Giêsu vẫn là trung tâm của sự mong chờ, ông vẫn là nhân vật không thể thiếu được trong tiến trình
Mùa Vọng, mùa đợi chờ. Chính vì thế, tuần này, bài đọc phụng vụ lại tiếp tục giới thiệu cho các tín hữu lời chứng
của Gioan. Nhờ theo chân Gioan, theo lời chứng của ông, các tín hữu có thể gặp
thấy Chúa Kitô, là “Ánh sáng thế gian”, Thiên Chúa làm người.
Bối cảnh Tin Mừng:
Ga 1,6-8.19-28 được trích ra từ chương đầu tiên của Tin Mừng
Gioan (thường được gọi là Lời Tựa của Tin Mừng Gioan). Cũng như Tin Mừng theo
thánh Máccô, Tin Mừng Gioan không có phần tường thuật về Giáng Sinh. Tuy nhiên,
ngay câu đầu tiên
Gioan đã cho thấy rằng Đức Giêsu có nguồn gốc thần linh. Ngài chính là Ngôi Lời
Nhập Thể. Ngài là sự sống và là “Ánh sáng” thế gian (Ga 1,4.9), “Ánh sáng” chiến
thắng bóng tối (1,5). Ngài là cội nguồn của mọi ân sủng. Nhờ ân sủng của Ngài
chúng ta được nhận hết ơn này đến ơn khác (1,16). Tuy nhiên, Ngài đã bị người
nhà của mình chối từ (1,11). Đoạn Ga 1,6-8.19-28 là đoạn nói về sứ giả Gioan và
Lời Chứng của ông được lồng vào trong những giới thiệu về Đức Giêsu. Những người
Do Thái rất quan tâm về thân phận và căn tính của Gioan bởi vì ông đang
dìm người ta trong nước. Khác với tường
thuật của Máccô về thành phần tiếp cận Gioan. Máccô kể rằng tất cả dân cư thành
Jêrusalem đến cùng Gioan để được dìm trong nước, trong khi Gioan nhấn mạnh đến các thành phần lãnh đạo
Do Thái: Các tư tế, Lêvi và những người Pharisêu. Họ đến không phải xin ông dìm nhưng chất vấn về căn tính của ông và lý do tại sao ông dìm
người ta trong nước. Ông sẽ làm
chứng cách rõ ràng. Nhưng những chứng từ của ông chỉ mang lại niềm tin nhiều
hơn cho những người Do Thái bình thường, còn các bậc quan chức học cao hiểu rộng
thì ít người lãnh hội được. Việc tường thuật về Gioan được lồng vào trong tường thuật về Đức
Giêsu cho thấy sự gắn bó và cần thiết của sứ vụ của ông với sứ vụ của Đức Giêsu.
Cấu trúc
Đây là nhiều đoạn văn mô tả về ông Gioan, người dìm, và sứ mạng chứng nhân của ông, được trích ra trong lời tựa của Tin Meng thứ tư. Những đoạn văn này không liên tục. Nó nối kết với nhau bằng khái niệm “chứng từ” và “làm chứng”. Bản văn gồm phần đầu giới thiệu về ông Gioan (1.). Tiếp theo là các phần chứng từ về Đấng Kitô (2.4.6). Xen lẫn vào giữa các chứng từ về Đấng Kitô là chứng từ về chính chứng nhân (3.) và một phần ghi chú về nơi chốn (5.).
1. Gioan là chứng nhân cho “Ánh sáng” (6-8) - Người
được Thiên Chúa sai đến - Để làm chứng về “Ánh sáng” - Để mọi người có thể tin nhờ ông - Không
phải là “Ánh sáng” 2.
Chứng từ về Đấng
Kitô
(15) - ‘Đấng
đến sau tôi đã trở nên trước tôi, vì …hiện hữu trước tôi.’ 3.
Chứng từ về
chính mình
(19-25) - “Chính
tôi không phải là Đấng Kitô” - Không
phải là Êlia - Không
phải là vị ngôn sứ - “Tôi là tiếng hô trong hoang địa: ‘Hãy làm thẳng con đường
của Chúa’ 4.
Chứng từ về Đấng
Kitô
(26-27) -
Người đã đứng giữa các ông,
Đấng mà các ông không biết, -
Đấng đến sau tôi, tôi không xứng đáng để tháo quai dép của Người 5. Ghi chú về nơi chốn (28) Những điều này xảy ra tại Bêthania, bên kia sông Giorđan nơi Gioan đang dìm 6.
Chứng từ về Đấng
Kitô
(29-34) - “Này
đây, Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của thế giới - ‘Một
người đến sau tôi, Đấng đã trở nên trước tôi, vì Người hiện hữu trước tôi - “Tôi
đã thấy Thần Khí đi xuống giống như chim bồ câu từ trời và ở lại trên Người. - Đấng
dìm trong Thánh Linh - Đây
là Con Thiên Chúa |
Một số điểm chú giải:
1. “Người được Thiên Chúa sai”: Gioan, người dìm,
được tác giả Tin Mừng thứ tư (Tin Mừng Gioan) giới thiệu ngay từ đầu là người
được Chúa sai đến. Tác giả nói trực diện
rằng tác nhân của động từ “sai đi” là Thiên Chúa chứ không cần dùng lối ẩn dụ thần linh. Máccô cũng nói một cách gián
tiếp để ám chỉ rằng Gioan chính là người đã được Thánh Kinh Cựu Ước như là người
được Chúa sai đến. Máccô trích 2 đoạn văn Xh 23,20: “Chú ý! Ta sẽ gửi thiên sứ của Ta trước ngươi nhằm bảo vệ ngươi dọc đường và mang ngươi đến nơi Ta đã chuẩn bị”; và “Ta sẽ sai thiên sứ của Ta, người sẽ dọn
đường trước mặt Ta” (Ml 3,1). Cụm giới từ “bởi Thiên Chúa/ từ Thiên Chúa” (para Theou), chỉ được dùng cho Gioan và nhiều lần
hơn cho Đức Giêsu (1,4; 6,46; 7,29; 9, 16.33; 16,27; 17,8). Động từ sai đi, gửi
đi trong tiếng Hy Lạp là “ἀποστέλλω” là một động từ hết sức đặc biệt trong cả Cựu Ước
lẫn Tân Ước. Thánh Kinh Cựu Ước nhiều lần dùng động từ này với tác nhân là
chính Thiên
Chúa. Ngài sai các ngôn sứ đi làm sứ vụ cứu độ của Ngài.
Ngài sai Môsê làm nhiệm vụ dẫn dắt dân Ngài ra khỏi Ai-cập (Đnl 34,11; 1Sm 12,8).
Chúa lại sai các thủ lãnh đến giải cứu dân Ngài trong cơn khốn cùng (1Sm
12,11). Thiên
Chúa sai Samuel đi xức dầu cho Saul làm vua dân Ísrael (1
Sm 15,1); sai ngôn sứ Nathan đến cảnh tỉnh Đavid về lỗi lầm của ông (2 Sm 12,1). Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu thừa nhận mình
được Chúa xức dầu và sai đi (Lc 4,18). Tác giả Tin Mừng Gioan giới thiệu Đức Giêsu
như là người Con được Cha sai đến (Ga 3,17; 5,38). Đức Giêsu cũng sai các môn đệ
đi loan báo Tin Mừng (Mt 10,5; Lc 9,2; 10,1). D. Carson cho rằng việc Gioan được
Đấng tối cao sai đi đặt Gioan cùng thể loại với Môsê (Xh 3,10-15). Thật sự, ông ta cũng giống Đức Giêsu theo nghĩa là người được
Chúa sai đến (Ga 3,17).[2] Trong
Tin Mừng thứ tư, chỉ có Gioan, người dìm, Đức Giêsu và Đấng Paráclê là những người được Chúa sai đến.[3] Danh
từ các tông đồ (12 tông đồ) trong tiếng Hy Lạp là apostolo (tiếng Anh: Apostle,
Pháp: apôtre, Ý: apostolo). Danh từ này
có nguồn gốc là động từ apostello (được sai đi). Các tông đồ được gọi bằng
chính sứ mạng, hay ơn gọi mà Chúa giao cho các ông. Chữ Tông Đồ trong Tiếng Việt
có
lẽ là viết tắt của cụm từ “chính tông môn đồ” (những môn đồ
đầu tiên được sai đi). Trong đoạn văn này động từ “sai đi được sử dụng 3 lần
trong đó chỉ có một lần tác nhân của động từ này là Thiên Chúa (Ga 1,6). Hai lần
còn lại, các tác nhân lần lượt là những người Do Thái và những người Pharisêu.
Những người Do Thái sai các tư tế và các Lêvi đi từ Jêrusalem để hỏi Gioan xem
ông là ai (Ga 1,19). Những người Pharisêu sai người đến hỏi Gioan về lý do tại
sao ông làm
nghi thức dìm, nếu ông không phải là Đấng Kitô hay các ngôn sứ (Ga
1,24-25). Có một lần khác nữa một động từ khác, cùng nghĩa khác âm (pempo) được
dùng để diễn tả hành
động sai đi. Và tác nhân của động từ này ám chỉ là những người
Do Thái (Ga 1,22). Như vậy, cũng là động từ “sai đi” nhưng tùy thuộc vào các
tác nhân mà người được sai đi có sứ vụ khác nhau. Trong khi, Gioan được Chúa
sai đến để “làm chứng, làm chứng cho “Ánh sáng”.” Những tác nhân còn lại, những
người Do Thái, đại diện là các tư tế, Pharisêu và Lêvi thì được sai đến để chất
vấn căn tính và sứ vụ của người được Chúa sai đến. Động từ “hỏi, chất vấn” được
dùng đến 3 lần trong đoạn văn này (1,19.21.25). Đó là một mật độ khá dày đặc. Họ
hỏi, họ chất vấn rồi họ yêu cầu. Những dấu hiệu văn chương này cho thấy một sự đối nghịch ngay từ chương đầu (Tin Mừng Gioan) giữa
những lãnh đạo Do Thái và người của Chúa. Sau này trong trình thuật về cuộc
thương khó độc giả sẽ gặp thấy hình ảnh những người Do Thái muốn giết Đức Giêsu.
2. “Để làm chứng”: Mục đích và
sứ vụ Chúa sai đi và giao cho Gioan là làm chứng. Xoay quanh ý tưởng làm chứng
Gioan dùng rất nhiều lần xen
kẻ danh từ chứng từ và động từ làm chứng. Chỉ trong câu 7 Gioan
đã sử dụng một sự trùng lặp một cụm giới từ chỉ mục đích và một mệnh đề có động
tử chỉ mục đích. Dịch sát nghĩa là “cho việc làm chứng, để ông có thể làm chứng” (εἰς μαρτυρίαν ἵνα
μαρτυρήσῃ). Tiếp
theo, trong câu 8, tác giả Gioan lại lặp lại một lần nữa mệnh đề chỉ mục đích với
động từ làm chứng: “Để ông làm chứng về”. Rồi sau đó, lời chứng của ông được giới
thiệu bằng một câu rất cụ thể: “đây là lời chứng của Gioan” (1,19). Cũng trong
chương 1, Gioan, người dìm, đưa ra một lời chứng về việc ông “thấy Thần Khí đi xuống như
con chim bồ từ trời và ở lại trên Người”
(1,32). Tin Mừng Gioan sử dụng rất nhiều danh từ “lời chứng, bằng chứng” (16 lần:),
Mátthêu và Luca chỉ có 5 lần (Mt 8,4; 15,19; 18,16; 19,18;
24,14; Lc 5,14; 9,5; 18,20; 21,13; 22,71) và Máccô nhiều hơn Mátthêu và Luca một
lần (6 lần:1,44; 6,11; 10,19; 14,57.59.60). Ngoài danh từ “chứng từ” tác giả
Gioan cũng dùng rất nhiều lần động từ “làm chứng” dành cho Gioan, người dìm, và
Đức Giêsu (1,15; 3,32; 5,32; 5,36; 8,18; 10,25). Như thế, có thế thấy Tin Mừng
Gioan là Tin Mừng của lời chứng và làm chứng. Lời chứng của Gioan, người dìm,
là tiền hô cho những lời chứng của Đức Giêsu sau này. Chính vì thế mà tác giả R.
Brown cho rằng Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh đến vai trò của Gioan như là một chứng
nhân hơn là một người làm
nghi thức dìm.[4]
Cũng nên biết thêm trong Tin Mừng thứ tư, Gioan không phải là người duy nhất
làm chứng về Đức Giêsu. Có những nhân chứng nặng ký hơn nữa. Đó là Chúa Cha (Ga
8,18) và Thần Khí sự thật (Ga 15,26; 16,13-14).[5] Trong đoạn văn
này, có hai lần danh từ “chứng từ” (1,7.19) được sử dụng và có năm lần động từ
“làm chứng” (1,7.8.15.32.34) được sử dụng. Tất cả đều có chủ thể là ông Gioan,
người dìm.
3.
Đối
thể của lời chứng: “Về Ánh sáng”
(περὶ τοῦ φωτός): Không một tác giả Tân Ước nào sử dụng danh từ “Ánh
sáng” (τὸ φῶς) nhiều như Tin Mừng Gioan (16 lần). “Ánh sáng” cũng là một chủ đề nổi bật của Tin Mừng Thứ Tư.
“Ánh sáng” là hình ảnh ẩn dụ diễn tả chính Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng đã
xác nhận Ngài là “Ánh sáng” thế gian (9,5). Ngài cho biết rằng Gioan chính là cây
đèn được đốt cháy để cho “Ánh sáng” (5,35). Câu chuyện chữa người mù từ thuở mới
sinh trong chương 9 là ví dụ điển hình của tiến trình từ bóng tối đến “Ánh
sáng”. Anh mù từ thuở mới sinh đã đi từ bóng tối thể lý đến “Ánh sáng” thể lý
và cuối cùng đến “Ánh sáng” chân lý. Đó là anh ta tin vào Đức Giêsu, Đấng Chúa
Cha đã sai đến. Đức Giêsu cũng mời gọi là “hãy tin vào ‘Ánh sáng’ trong khi anh có ‘Ánh sáng’ và trở nên con cái của ‘Ánh sáng’” (12,36). Trong đoạn Tin Mừng này, danh từ “Ánh sáng” được
lặp lại ba lần, trong đó hai lần danh từ này đều là túc từ của động từ “làm chứng”.
Danh từ này được dùng với mạo từ xác định, như là ám chỉ đến một ánh sáng xác định. Đó là Đức Giêsu. Túc từ “Ánh sáng” giới hạn
và xác định đối tượng của hành động làm chứng của Gioan. Gioan chỉ làm chứng
cho “Ánh sáng”. Đó là chính Đức Giêsu. Trước đó, tác giả đã
mô tả Đức Giêsu là “ánh sáng”: “Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế giới và
chiếu soi mọi người” (Ga 1,9); “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối
không thắng vượt được “ánh sáng” (Ga 1,5; Cf. 3,19-21). Sau này Đức Giêsu tự giới
thiệu mình là “ánh sáng”: “Ta là ánh sáng đến trong thế giới” (Ga 8,12; Cf.
9,5; 12,35.36.46).
4.
Mục
đích của lời chứng: “Để tất cả mọi người tin” (ἵνα πάντες πιστεύσωσιν).
Mục đích của hành động làm chứng của Gioan cũng được diễn tả một cách rõ ràng.
Để tất cả mọi người tin. Tính từ bất định được dùng như danh từ “tất cả” (πάντες) diễn
tả tính phổ quát của Tin Mừng. Không ai bị loại trừ trong lời mời gọi bằng lời
chứng của Gioan. Gioan 1,35-37 cho chúng ta một ví dụ về tầm ảnh hưởng của lời
chứng của Gioan. Qua lời giới thiệu của Gioan, hai môn đệ của ông đã đến, ở lại
với Đức Giêsu và trở thành môn đệ của Ngài.[6] Động
từ “tin” trong bối cảnh này không có túc từ. Tin điều gì hay tin vào ai? Chính
vì không mang theo túc từ cụ thể nên nội dung của niềm tin này có thể được hiểu
rộng ra. Đó có thể là tin vào lời chứng của Gioan[7] hoặc
là tin vào “Ánh sáng”, điều mà Gioan làm chứng cho. Đến cuối cùng, họ có thể
tin vào Đức Giêsu cũng như tất cả Tin Mừng cứu độ của Ngài. Động từ “tin” cũng
là một động từ mấu chốt trong Tin Mừng thứ tư. Có đến 80 lần tác giả Gioan sử dụng động từ tin (pisteo) trong Tin Mừng thứ tư. Đây là
một con số áp đảo so với các tác giả sách Tin Mừng khác. “Tin” là một yếu tố
mang tính sống còn trong Tin Mừng thứ tư. Tin thì được sống không tin thì bị
lên án. Mục đích của toàn bộ Tin Mừng,
những gì mà Gioan ghi lại là để các tín hữu cũng như độc giả “có thể tin rằng Đức
Giêsu là Đấng Mêsiya, Con Thiên Chúa và nhờ tin” các tín hữu và độc giả có thể
có sự sống trong danh Ngài” (Ga 20, 31). Câu chuyện chữa lành
người mù từ thuở mới sinh trong chương 9, cũng vươn tới đỉnh
cao của nó khi anh mù được chữa lành đã tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu. Cuộc
gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Samaria (Ga 4,1-42) cũng kết
thúc bằng việc “nhiều cư dân xứ Samari “tin” nhờ lời chứng” của người phụ nữ
(Ga 4,39). Rồi nhiều người tin hơn hơn nữa nhờ vào chính lời của Đức Giêsu (Ga
4,41). Câu chuyện ngôi mộ trống (Ga 20,1-10) cũng kết thúc bằng niềm tin của
“người môn đệ Chúa yêu”: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Thánh Tôma cũng được
mời gọi “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Đó chỉ là một số trong
vô vàn trình thuật, cũng như lời giảng liên quan đến hành động “tin” được ghi lại trong Tin Mừng
thứ tư. Cũng như lời chứng và động từ làm chứng, động từ tin, mục đích của lời
chứng của Gioan được đưa vào ngay từ đầu một các hữu ý nhằm nêu bật chủ đề của
Tin Mừng này. Đối tượng của niềm tin chắc chắn là Đức Giêsu. Và tin vào Đức Giêsu
thì không chỉ tin vào Đức Giêsu nhưng “tin vào Đấng đã sai Đức Giêsu” (Ga
12,44). Ai tin vào Đức Giêsu “sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,26).
5.
Nội
dung của lời chứng: “Đây là lời
chứng của Gioan” (αὕτη ἐστὶν ἡ μαρτυρία τοῦ Ἰωάννου)
(1) “Tiếng hô trong hoang địa”: Thân phận của Gioan cũng tương tự như đã được viết trong
Tin Mừng Máccô. Chỉ khác là ở đây Gioan nói về mình như là tiếng hô trong hoang
địa. Đoạn này được lấy lại từ ý tưởng của Is 40,3. Đoạn trích của sách ngôn sứ Isaia từ Bản Bảy Mươi (bản dịch Thánh Kinh Do Thái
qua tiếng Hy Lạp) hơi khác so với bản gốc tiếng Hípri. Bản Bảy Mươi: Có một ai đó kêu lên trong hoang địa: ‘Hãy
chuẩn bị một con đường’” trong khi bản tiếng Do Thái: “Một ai đó kêu lên: ‘Hãy chuẩn bị một con đường
trong hoang địa”. Bản Bảy Mươi, bản mà tác giả Gioan trích, nối kết nơi chốn của
“người kêu lên” với vị trí “trong hoang địa”, còn bản Tiếng Do Thái thì lại xác
định vị trí “con đường” phải chuẩn bị là ở trong “hoang địa”. Có lẽ, Gioan cũng
như các tác giả Tân Ước muốn liên tưởng đến đời sống ẩn dật của Gioan, người dìm, trong hoang địa và nơi ông làm
phép rửa là Giorđan cũng gần vùng sa mạc Giuđê rộng lớn. Trong khi đo, sách Isaia mơ về một con đường trong hoang địa, có lẽ là
con đường từ Babylon trở về đất Israel, cũng là con đường băng qua sa mạc,
đầy những đồi núi và thung lũng. Tác
giả Gioan không trích lược sách Xuất Hành và sách ngôn sứ Malakhi về việc Đức
Chúa sẽ sai sứ giả của Người đi trước Đấng Mêsiya (Mc 1,2-3; Mt 3,2-3; Lc 3,4-5).
(2) Không phải là Êlia: Thật ngạc nhiên, trong khi Tin Mừng Nhất Lãm nhất là Tin
Mừng Máccô (Mc 9,11) và Mátthêu (Mt 11,4; 17,11; Lc 1,17) luôn muốn diễn tả rằng
Gioan, người dìm, chính là Êlia, người mà sách ngôn sứ Malakhi nói là sẽ được
sai đến để dọn đường cho Đức Chúa (Ml 4,5). Sự chối từ thân phận Êlia của Gioan
làm cho nhiều nhà chú giải phải bối rối và khó lý giải được. M. Leon ghi nhận rằng
đây có thể là dữ liệu cho thấy rằng Tin Mừng thứ tư được soạn thảo một cách độc
lập với các Tin Mừng Nhất Lãm. Ông cũng lý giải rằng có thể Gioan vừa giống vừa
khác ngôn sứ Êlia. Ông giống Êlia trong việc hoàn tất lời của ngôn sứ Malakhi về
sự trở lại của Êlia. Tuy nhiên, ông cũng khác Êlia nếu người Do Thái muốn nghĩ đến, và
mong mỏi một Êlia lẫy lừng được đưa đi trong cơn gió lốc, trong một cỗ xe bằng
lửa (2 V 2,11).[8]
Gioan, người dìm, chắc chắn không phải Êlia theo nghĩa đó. Cũng vậy, Đức Giêsu
Đấng Mêsiya cũng sẽ đến trong bộ dạng, theo cái cách mà người Do Thái không thể
đón nhận được.
(3) Không phải là vị ngôn sứ: Danh xưng “vị ngôn sứ” trong tiếng Hy Lạp có kèm theo một mạo từ xác
định. Dấu hiệu này trong văn phạm Hy Ngữ, ngụ ý nói đến một vị ngôn sứ cụ thể
chứ không phải một vị ngôn sứ bất kỳ nào. Những người được sai đến hỏi Gioan và
cả Gioan đều biết rõ vị ngôn sứ này. Ông là ai vậy? Đây rất có thể là vị ngôn sứ
mà ông Môsê đã hứa trong sách Đệ Nhị Luật: Thiên Chúa sẽ gửi cho Israel những vị
ngôn sứ như ông vậy (Đnl 18,15.18). Đó có thể là một vị ngôn sứ của thời xuất
hành, người có thể lặp lại các phép lạ của cuộc xuất hành và chinh phục đất hứa.[9] Tuy
nhiên, theo B. Newman, trong thời Tân Ước, “vị ngôn sứ” là hình ảnh đặc biệt của
niềm hy vọng mang tính cánh chung của người Do Thái. Trong Ga 7,40-41, “vị ngôn
sứ” cũng được phân biệt với Đấng Mêsiya.[10]
J. Robinson có suy nghĩ khác. Ông cho rằng tác giả Tin Mừng thứ tư có thể phản
ánh đúng suy nghĩ của Gioan, người dìm, lịch sử. Có lẽ, Gioan đã không nghĩ
chính mình đang đóng vai trò của ngôn sứ Êlia. Robinson đưa ra bằng chứng là có
nhiều đoạn trong Tin Mừng Nhất Lãm cho thấy rõ rằng dân chúng và vua Hêrôđê
phân biệt giữa Êlia và Gioan (Mc 6,14-15; 8,28). Và ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu,
trong đó có những người trước đây đã từng là môn đệ của Gioan, cũng không bao
giờ nghĩ Gioan chính là Êlia (Mt 17,10-13). Sự đồng hóa giữa Gioan, người dìm,
và ngôn sứ Êlia có lẽ là quan điểm của thần học Kitô giáo thời sơ khai hơn là của
chính Gioan, người dìm. Theo thần học này, việc Gioan đóng vai của Êlia, là
cách tốt nhất để giải thích tương quan giữa Gioan và Giêsu.[11]
(4) Không phải là Đấng Kitô:[12] Cụm
từ “ἐγὼ
οὐκ εἰμὶ” (chính tôi không phải
là) là một cụm từ hết sức đặc biệt
trong thần học Do Thái Kitô giáo. Nó là phủ định của cụm từ “ἐγὼ
εἰμὶ” (tôi
là). F. Moloney cho rằng sự chối từ của Gioan là một chuẩn bị xa cho Đức Giêsu,
người duy nhất có thể cho rằng “tôi là”.[13] “ἐγὼ
εἰμὶ” là cụm từ
chỉ dành riêng cho Chúa và Đức Giêsu. Nó có nghĩa là “Tôi hiện hữu”, “Tôi hằng
hữu” hay là “Tôi hiện diện”, “Tôi tồn tại”. Dịch kiểu nào cũng không diễn tả được
hết, cũng như ngôn ngữ loài người không cách nào diễn tả được hết thần tính của
Thiên Chúa. Gioan khẳng định ngay từ đầu ông không phải là Đấng Kitô. Điều này
chứng tỏ rằng rất có thể đa số dân chúng thời bấy giờ nghĩ ông là Đấng Kitô. Vị
thế của ông trong lòng dân chúng không hề nhỏ. Trong lòng của dân chúng, đôi
lúc ông được xếp ngang hang với Đức Giêsu. Họ lẫn lộn giữa ông và Đức Giêsu.
Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ xem: “Người ta cho rằng Con Người là ai?”, các môn đệ cho biết rằng nhiều người cho rằng: Thầy là Gioan, người dìm,
nhóm khác cho rằng Thầy là Êlia, Giêrêmia, hay là một trong các ngôn sứ (Mt
16,14; Mc 8,28; Lc 9,19). Đấng Kitô là một trong những danh xưng mà những lãnh
đạo Do Thái đồn đoán và muốn xác nhận về thân phận của Gioan. Khi ông từ chối
danh xưng và vị thế này thì họ chuyển qua Êlia và “vị ngôn sứ”. Tất cả đều là
những nhân vật mà những người Do Thái đang mong đợi vào thời cánh chung. Chỉ có
một mình Đức Giêsu được gọi là Đấng Mêsiya (Ga 1,41; 7,41; 11,27; 20,31). Chính
Đức Giêsu thừa nhận rằng Ngài là Đấng Mêsiya (Ga 4,26). Niềm tin rằng Giêsu là
Đấng Mêsiya, Con Thiên Chúa, chính là mục đích của Tin Mừng thứ tư (Ga 20,31).
Tất cả những ghi chép trong Tin Mừng này là để người ta có thể tin rằng “Đức Giêsu
chính là Đấng Mêsiya, Con Thiên Chúa”.
6.
“Đấng
đang đứng giữa các ông mà các ông không biết”: Câu trả lời của Gioan vừa minh giải cho phép rửa của
ông vừa giới thiệu một Đấng khác, đang hiện diện giữa dân nhưng các nhà lãnh đạo
Do Thái vẫn còn mù mờ. Trong Tin Mừng Máccô, Gioan cũng nhìn nhận rằng ông “dìm
trong nước” còn “người đến sau ông” sẽ dìm trong Thánh Linh (Mc 1,8). Tác giả Gioan không đề cập đến Đấng “dìm trong Thánh Linh” ở đoạn sau (Ga
1,33), ở đây ông đề cập đến sự nhỏ
bé và bất xứng của mình trước “người đến sau” ông. “Đấng ở giữa các ông” sau
này sẽ được Gioan giới thiệu một cách cụ thể rõ ràng hơn trong “ngày hôm sau”
khi Đức Giêsu “đi về phía ông”. Đây là lời giới thiệu chỉ có trong Tin Mừng Gioan: “Này đây, Con Chiên của Thiên Chúa, người cất đi tội lỗi
của trần gian” (Ga 1,29). Ông Gioan, người dìm, thừa nhận hai lần rằng, tự mình ông không thể biết Ngài (1,31.33), nhưng Đấng
đã sai ông làm nghi thức dìm đã nói cùng ông: “Ngài là người mà ông thấy Thần Khí ngự
xuống và ở lại” (Ga 1,30-32). Như vậy, sự “không biết của ông
Gioan” đã được giải quyết trong khi “sự không biết” của những
lãnh đạo Do Thái thì vẫn kéo dài. Chính Đức Giêsu trong cuộc tranh luận với những
người Pharisêu đã xác nhận: “Các ông không biết tôi và cũng chẳng biết Cha tôi”
(Ga 8,19).
7.
“Bêthania, bên kia sông Giorđan”: Đây là một địa điểm khá lạ lùng và cũng gây cho các
nhà chú giải nhiều tranh cãi. Bêthania được nói đến nhiều trong cả 4 sách Tin Mừng,
như là nơi Đức Giêsu thường qua lại bởi nơi đó có nhà của những người bạn thân
của Người (Mácta, Maria và Ladarô). Địa điểm này được tác giả Gioan xác định là cách không
xa Jêrusalem,
khoảng hai dặm (Ga 11,18), nghĩa là rất
xa sông Giorđan, và chẳng dính dáng gì đến sông Giorđan. Vậy thì, Bêthania mà tác giả Gioan nói đến
đây là Bêthania nào? Sao Gioan lại phải quan tâm đến địa danh này. D. Carson cho
rằng có hàng
tá đề xuất về địa danh này, những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng dự đoán có
nhiều sự đồng thuận nhất là Batanea (được gọi là Bashan trong sách Cựu Ước). Đó
không phải là một thị trấn hay làng mạc nhưng là một vùng Đông Bắc
của đất nước, vùng mà Đức Giêsu đã rút lui, lánh nạn vào giai đoạn cuối của sứ
vụ của
Người, khi các đối thủ cố gắng giết Người (Ga 10,39-40). Đây là
vùng đất thuộc quyền cai quản của Philíp, một vị tiểu vương dễ chịu hơn là tiểu
vương Hêrôđê, kẻ trảm quyết Gioan, người dìm. Nếu nơi này là Batanea thì tại sao tác già Gioan lại viết là Bêthania (phiên âm trong Việt Ngữ là Bêtania)? Carson cho rằng
ngày xưa, người ta dễ dàng chấp nhận những tên địa danh có những âm giống nhau
được viết sai chính tả chút chút. Trong trường hợp này là thay vì “t” thì viết
thành “th”, “e” thì viết thành “a”. Batania thành Bêthania. Tác giả Gioan có lẽ tận dụng điểm này để nối kết
và đóng khung trình thuật về sứ mạng của Đức Giêsu. Ngài đến cùng Gioan để khởi
đầu sứ vụ ở Bêthania,
được Gioan giới thiệu là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,28-29) và Ngài cũng kết thúc sứ vụ công khai bằng cách rút lui vào Bêthania (Ga 10,39-40). Rồi, ngay chương sau (Ga 11), Đức Giêsu
làm một dấu lạ cuối cùng và vĩ đại nhất. Đó là: Phục sinh Ladarô, tại Bêthania gần Jêrusalem.[14]
Kieger nghĩ rằng địa danh Bêthania ở đây chỉ mang tính biểu tượng chứ không phải là
đia danh thực. Theo ông, Bêthania được rút ra từ “bet-aniyyah”, “nghĩa là nhà của trả
lời/chứng nhân/hay chứng từ. Cách hiểu này làm cho địa danh phù hợp với nơi chốn
nơi Gioan, người dìm, làm chứng cho Đức Giêsu.[15]
8.
Con Chiên của Thiên Chúa – Con
Thiên Chúa: (phần chú giải
này có thể xem bài “Con Chiên của Thiên Chúa là Con Thiên Chúa”, trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CON CHIÊN CỦA THIÊN CHÚA LÀ CON THIÊN
CHÚA. Chú Giải Tin Mừng CN II TN A (Ga 1,29-34); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD
(josephpham-horizon.blogspot.com)
Bình luận tổng quát
Một lần nữa,
đoạn trích về ông Gioan, người dìm, được lấy lại từ chương đầu của một Tin Mừng.
Lần này là từ Tin Mừng thứ tư (Tin Mừng Gioan). Lời mời gọi dồn dập “hãy tỉnh thức” của
Chúa Nhật I Mùa Vọng được tiếp nối bằng lời mời gọi đọc lại ngay từ đầu “Tin Mừng
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1) và bằng hành động cụ thể, đến để tham
dự nghi thức dìm của lòng hoán cải
(metanoia), nghĩa là thay đổi tận căn trí lòng của mình để
hướng về Chúa một cách hoàn toàn. Trong Chúa Nhật III Mùa Vọng, tiến trình Mùa Vọng lại được tiếp tục bằng lời chứng
của Gioan. Ông thừa nhận ông chính là vị sứ giả mà ngôn sứ Isaia đã nói đến (Is
40,3). Thế nhưng, ông không thừa nhận thân phận Êlia cũng như địa vị của vị
ngôn sứ như Môsê theo kiểu các lãnh đạo Do Thái mong đợi. Ông không phải là Êlia
được đưa đi bằng cổ xe bằng lửa. Ông cũng không phải là vị ngôn sứ làm chiến thắng
Pharaô bằng những dấu lạ để đưa dân vượt qua biển Sậy an toàn. Ông dĩ nhiên không phải là Đấng Kitô. Ông chỉ
là sứ giả, người được Chúa sai đi. Chúa sẽ sai Đức Giêsu và Thần Khí, nhưng ông
phải là người được sai đến như là nhân vật dọn đường cho Đấng Mêsiya. Sứ vụ của
ông trong Tin Mừng thứ tư rất rõ ràng: Ông đến để làm chứng. Điều ông muốn làm
chứng về, là “Ánh sáng”. “Ánh sáng” gợi nhớ đến ngày đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng,
Ngài phán: “Hãy có “Ánh sáng” và liền có “Ánh sáng” (St 1,3). “Ánh sáng” của
ngày sáng tạo đã soi sáng toàn thể địa cầu, và xua tan bóng tối. Việc tạo nên
ánh đầu tiên trong cuộc sáng tạo sáu ngày, cho thấy rằng “Ánh sáng” là thứ cần thiết nhất cho quả
địa cầu này. Có lẽ chính vì thế, điều mà Gioan được sai đến để làm chứng là làm
chứng về “Ánh sáng”. Cậu sinh viên Einstein, sau này là nhà vật lý học nổi tiếng, đã từng chứng
minh cho một vị giáo sư triết học vô thần rằng không có cái gì gọi là bóng tối.
Chúng ta không thể làm cho bóng tối tối hơn được trong khi chúng ta có thể có “Ánh
sáng”, yếu, mạnh, vừa. Bóng tối chỉ là sự vắng bóng của “Ánh sáng”. Nơi nào
không có “Ánh sáng” thì bóng tối mới xuất hiện.[16] “Ánh
sáng” mà Gioan muốn làm chứng không phải là thứ “Ánh sáng” vật lý, chỉ soi sáng
cho thế giới về khía cạnh vật lý. “Ánh sáng” đó chính là Đức Giêsu. Ngài là một
“Ánh sáng” toàn diện và cho mọi người, mọi loài. “Ánh sáng” của Ngài có thể chiếu
soi cho cả những ai không có thị lực, những người bị khiếm thị. Ngài có thể chiếu
soi cho tất cả mọi người trong tất cả mọi lãnh vực. Nhất là, Ngài dẫn đưa con
người ra khỏi bóng đêm của tội lỗi, của hận thù, của chiến tranh, của bệnh tật
để đưa người ta đến một “Ánh sáng” huy hoàng. Đó là “Ánh sáng” của thiện tâm,
lương thiện, tình yêu, sự tha thứ, sự hòa giải… Mục tiêu của lời chứng của
Gioan về “Ánh sáng” là để tất cả mọi người tin. Đó không chỉ là mục tiêu của lời
chứng của Gioan ngày từ đầu Tin Mừng thứ tư, nhưng là mục tiêu của toàn bộ Tin
Mừng thứ tư được nói đến trong chương cuối cùng, “để anh chị em tin Đức Giêsu
là Đấng Mêsiya, Con Thiên Chúa và nhờ tin mà anh chị em có sự sống trong Người”
(Ga 20,31). Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III Mùa Vọng mời gọi chúng ta khám phá lại nét
đẹp, sự thu hút, và niềm hy vọng vào “Ánh sáng” là chính Đức Giêsu. Hãy khởi động
lại niềm tin vào “Ánh sáng” của mình để rồi quyết tâm không sống trong bóng đêm
tội lỗi, hận thù, chia rẽ, ích kỷ, hưởng thụ nữa, nhưng biết chừa bỏ tội lỗi, sửa
chữa những thói hư tật xấu làm mất lòng nhau và xa rời Chúa; mở lòng ra với
Chúa và với mọi người, hàn gắn lại những mối quan hệ tan vỡ, xây dựng thêm những
mối tương quan tốt lành thánh thiện.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Có nhiều câu văn được thêm vào (cc.15.29-34)
để bổ sung những dữ liệu về Gioan, người dìm. Những câu này không có trong bản
văn phụng vụ, có lẽ vì lý do dài dòng.
[2]
D.A. Carson, The Gospel
According to John (Grand Rapids 1991) 120.
[3]
R.A. Culpepper, “The
Prologue as Theological Prolegomenon to the Gospel of John”, The Prologue of
the Gospel of John. Its Literary, Theological, and Philosophical Contexts.
Papers read at the Colloquium Ioanneum 2013 (eds. J.G. van der Watt – R.A.
Culpepper – U. Schnelle) (Tubingen 2016) 15.
[4]
R.E. Brown, The Gospel
According to John (I-XII). Introduction, Translation, and Notes (London
2008) 9.
[5]
J. Boice liệt kết tất cả bảy loại lời chứng trong Tin Mừng Gioan: (1) quan trọng
nhất là chứng từ của chính Đức Giêsu (8,14); (2) chứng từ của Chúa Cha (8,18);
(3) chứng từ của Chúa Thánh Thần (16,13-14); ngoài lời chứng của Ba Ngôi còn có (4) chứng từ của Sách
Thánh; (5) chứng từ của những việc Chúa Giêsu đã làm; (5) chứng từ của Gioan
Tẩy Giả; và chứng từ của những người dân bình thương như là người phụ nữ
Samaria, đám đông dân chúng, mười một môn đệ… [J.M. Boice, The
Gospel of John. An Expositional Commentary (Grand Rapids 2005) 55].
[6]
D.A. Carson, The Gospel
According to John, 121.
[7]
B.M. Newman – E.A. Nida, A
Handbook on the Gospel of John (New York 1993) 15.
[8]
L. Morris, The Gospel
According to John (NICNT; Grand Rapids 1995) 118.
[9]
G.R. Beasley-Murray, John
(WBC 36; Dallas 2002) 24.
[10]
B.M. Newman – E.A. Nida, A
Handbook on the Gospel of John, 31.
[11]
R.E. Brown, The Gospel
According to John (I-XII) 48.
[12]
Danh xưng này trong tiếng
Do Thái là Mêsiya, nghĩa là Đấng được xức dầu, dùng như một danh hiệu thuộc
hoàng gia. Tin Mừng thứ tư dùng 18 lần danh xưng Χριστός
có mạo từ xác định (Đấng Mêsiya) và bốn lần đi kèm với tên gọi Giêsu (Giêsu
Kitô). Đa số các lần đều dùng cho Đức Giêsu. Đây là Đấng mà truyền thống Cựu Ước
nói đến như là Đấng hằng được mong đợi, sẽ mang đến một vương quốc bền vững mãi
mãi. Truyền thống này được dệt lên bởi lời hứa với vua Đavít trong sách Samuel
quyển thứ hai chương 7 và lời của ngôn sứ Isaia với nhà Đavít là vua Akhát
trong sách ngôn sứ Isaiah, cũng chương 7.
Sách Samuel quyển thứ hai kể rằng, khi vua Đavít đã yên vị trong cung điện
bằng gỗ bá hương còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải. Đavít chạnh lòng
và muốn xây cho Chúa một ngôi nhà đẹp. Ít ra thì ngôi nhà ấy cũng bằng gỗ bá
hương như cung điện của ông. Tuy nhiên, Đức Chúa đã bảo Nathan nói với Đavít rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi
đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một
người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quốc của nó được vững bền…nhà
của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của
ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-16). Và trong bối cảnh liên quân Aram và
vương quốc miền bắc (Ísrael) đang tiến đánh Giuđa. Vua Akhát và thần dân của
vương quốc miền nam (Giuđa) đang hoảng sợ. Ngôn sứ Isaia được sai đến an ủi và
khích lệ Akhát đến hai lần. Lần thứ nhất, Đức Chúa bảo Isaia nói với Akhát là cứ
bình tĩnh, chớ sờn lòng, chuyện ấy sẽ không xảy ra, “Nếu các ngươi không vững
tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). Lần thứ hai, Đức Chúa bảo vua
Akhát là hãy xin một dấu. Nhưng Akhát trả lời rằng: “Tôi sẽ không xin, tôi
không dám thử thách Đức Chúa”. Isaia nói rằng: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho
các ngươi một dấu: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và
đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14).
[13]
F.J. Moloney, The Gospel
of John (SP 4; Collegeville 2005) 52.
[14]
D.A. Carson, The Gospel
According to John, 147.
[15]
R.E. Brown, The Gospel
According to John (I-XII) 45.
[16] [UNCUT] Debate on Existence of God: Professor vs
Student named ‘Einstein’ | junkDNA (wordpress.com) (truy cập ngày 11-12-2020).