Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt Ngữ[1] |
Hy Lạp |
1Sự bắt đầu của Tin Vui của Đức Kitô
[Con Thiên Chúa]. 2Theo như điều đã được viết trong Isaia, vị ngôn sứ. “Chú ý! Ta sai thiên sứ của ta trước mặt bạn,
người sẽ chuẩn bị con đường cho bạn.” 3 Tiếng hô vang trong hoang địa:
“Hãy chuẩn bị con đường cho Chúa,
làm thẳng con đường của Người” 4 Gioan, người
dìm, đến trong hoang địa và rao giảng nghi thức
dìm của sự hoán cải để được xóa bỏ tội lỗi. 5 và tất cả vùng Juđêa và Jêrusalem và tất cả cư dân Jêrusalem đến với
ông và họ được ông dìm trong sông Jorđan, thú nhận tội lỗi của họ. 6 và ông Gioan thường
mặc lông lạc đà và dây thắt lưng bằng da chung
quanh eo của ông và ăn châu chấu và mật ong hoang dã. 7 và ông rao giảng rằng: “Đấng quyền thế hơn tôi sẽ đến sau tôi, tôi không xứng
đáng cúi xuống để mở quai dép cho Người 8 Tôi dìm anh chị em bằng nước, nhưng Người dìm anh chị em trong Thánh Linh.” |
1 Ἀρχὴ
τοῦ εὐαγγελίου Ἰησοῦ Χριστοῦ [υἱοῦ θεοῦ]. 2 Καθὼς γέγραπται ἐν τῷ Ἠσαΐᾳ τῷ προφήτῃ· ἰδοὺ ἀποστέλλω τὸν ἄγγελόν μου πρὸ
προσώπου σου, ὃς κατασκευάσει τὴν ὁδόν σου· 3 φωνὴ βοῶντος ἐν τῇ ἐρήμῳ· ἑτοιμάσατε τὴν ὁδὸν
κυρίου, εὐθείας ποιεῖτε τὰς τρίβους αὐτοῦ, 4 ἐγένετο Ἰωάννης [ὁ] βαπτίζων ἐν τῇ ἐρήμῳ
καὶ κηρύσσων βάπτισμα μετανοίας εἰς ἄφεσιν ἁμαρτιῶν. 5 καὶ ἐξεπορεύετο πρὸς αὐτὸν πᾶσα ἡ Ἰουδαία χώρα καὶ οἱ Ἱεροσολυμῖται πάντες, καὶ
ἐβαπτίζοντο ὑπ᾽ αὐτοῦ ἐν τῷ Ἰορδάνῃ ποταμῷ ἐξομολογούμενοι τὰς ἁμαρτίας αὐτῶν. 6 καὶ ἦν ὁ Ἰωάννης
ἐνδεδυμένος τρίχας καμήλου καὶ ζώνην δερματίνην
περὶ τὴν ὀσφὺν αὐτοῦ καὶ ἐσθίων ἀκρίδας καὶ μέλι ἄγριον. 7 Καὶ ἐκήρυσσεν λέγων· ἔρχεται ὁ ἰσχυρότερός μου ὀπίσω μου, οὗ οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς
κύψας λῦσαι τὸν ἱμάντα τῶν ὑποδημάτων αὐτοῦ. 8 ἐγὼ
ἐβάπτισα ὑμᾶς ὕδατι, αὐτὸς δὲ βαπτίσει ὑμᾶς ἐν πνεύματι ἁγίῳ. (Mk. 1:1-8 BGT) |
Bối cảnh phụng vụ: Đoạn Tin Mừng này được chọn làm chủ đề cho Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng năm B. Sau lời mời gọi dồn dập “hãy tỉnh thức” trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, năm B, được trích ra từ đoạn cuối cùng trong những bài giảng về cánh chung của Chúa Giêsu (chương 13 của Tin Mừng theo tác giả Máccô). Trong Chúa Nhật II Mùa Vọng, phụng vụ quay về ngay chương đầu của Tin Mừng Máccô. Bắt đầu Năm Phụng Vụ bằng một lời mời gọi của thời cánh chung ở cuối Tin Mừng, rồi quay trở lại bằng lời mời gọi ngay từ đầu Tin Mừng, Phụng Vụ Mùa Vọng như muốn nhắn gửi các tín hữu: “Hãy tỉnh thức” bằng cách rà soát lại và thực hiện tất cả những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Phụng vụ Chúa Nhật tuần này mời gọi các tín hữu “phải tỉnh thức bằng việc làm cụ thể” qua lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả: “Hãy chuẩn bị con đường, .. hãy sửa lối đi cho ngay thẳng”. Những người dân khắp nẻo nghe theo lời mời gọi ấy bằng hành động cụ thể. Đó là họ đến xin được dìm trong nước, một nghi thức biểu lộ lòng sám hối để được ơn tha thứ.
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng: Đoạn Tin Mừng 1,1-8 này được trích ra từ phần đầu tiên của Tin Mừng theo tác giả Máccô. Nó như là phần dẫn nhập, cũng như lời mời gọi tổng quát cho toàn bộ Tin Mừng Máccô. Khác với hai Tin Mừng Nhất Lãm còn lại, Tin Mừng Máccô hoàn toàn không nói gì đến trình thuật về Giáng Sinh, hay là thời thơ ấu, cũng như gia phả của Chúa Giêsu. Cả Tin Mừng Mátthêu và Luca đều dành 3 chương đầu tiên để nói về trình thuật Giáng Sinh. Máccô bắt đầu Tin Mừng của mình bằng lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Và sứ vụ rao giảng của Gioan được nối kết với sách Cựu Ước qua lời ngôn sứ Isaia, và một số đoạn sách Cựu Ước khác. Và sứ vụ của ông cũng nối kết với sứ vụ của Chúa Giêsu như một lời chuẩn bị. Máccô giới thiệu khá tổng quát nhưng không kém phần rõ ràng, trực diện về cuốn sách do ông soạn thảo: Đây là Tin Vui của Giêsu Kitô. Độc giả hiểu rõ là cái mà mình sẽ đọc trong này toàn là Tin Vui, mà tác giả, tác nhân, cũng như đối tượng của Tin Vui này chính là Đức Giêsu. Mà Đức Giêsu này không phải là một Giêsu bất kỳ nhưng là Đấng Kitô mà dân Do Thái đang mong đợi. Ai thích Tin Vui thì đây quả là một lời giới thiệu lý thú, đáng để lưu tâm. Ai mong đợi Đấng Kitô cũng sẽ bị thu hút bởi lời giới thiệu này, và tìm đọc cho bằng được Tin Vui này.
Một
số điểm chú giải:
1. Sự bắt đầu (ἀρχή, ῆς). Đây là
danh từ chủ đạo trong danh ngữ giới thiệu về Tin Mừng của Máccô. Rõ ràng, “sự bắt
đầu của Tin Vui của Giêsu Kitô” không phải là một câu hoàn chỉnh mà nó chỉ là một
danh ngữ. Vì nó không phải là một câu và cũng không phải là mệnh đề trạng ngữ, danh
từ “sự bắt đầu” lại không có mạo từ, nên nhiều chuyên gia đoán rằng đây chính
là tiêu đề của sách Tin Mừng Máccô. Danh từ “arkhe” có nhiều ý nghĩa như là: Tối
cao, quyền lực, sự bắt đầu, nguồn gốc, nền tảng, những điều đầu tiên, những
nguyên tắc căn bản. Trong ngữ cảnh này nghĩa phù hợp nhất có thể là nghĩa về thời
gian: “Sự bắt đầu”. Vị trí cũng như ý nghĩa của nó làm cho người ta không khỏi
nghĩ đến “sự bắt đầu” trong St 1,1 và Ga 1,1. Tuy nhiên, nội dung sau đó thì
hoàn toàn khác bởi nó không nói gì đến sáng tạo cũng như nguồn gốc từ muôn thuở
của Ngôi Lời.
2.
Tin vui, Tin Mừng (εὐαγγέλιον): Danh
từ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là tin vui, tin tốt, tin mừng. Tin mừng Máccô
là Tin Mừng dùng nhiều nhất danh từ này (8 lần: 1,1.14.15; 8,35; 10,29;
13,10 ; 14,9; 16,15) so với các Tin Mừng Nhất Lãm khác (Mátthêu: 4 lần, Luca
không dùng lần nào danh từ này, nhưng ông hay dùng động từ “εὐαγγελίζω”, có nghĩa là “loan
báo Tin Vui”).
Ghi nhận về tần số xuất hiện của danh từ này cho thấy nó có vẻ là khái niệm đặc
trưng của Tin Mừng Máccô. Chỉ có Máccô dùng danh từ này cách tuyệt đối. Mátthêu
thường dùng đi kèm với danh từ bổ trợ khác như là: “Tin Mừng của Vương Quốc”
(4,23 ; 9,35 ; 24,14). Tuy nhiên, Máccô không phải là tác giả Tân Ước
dùng nhiều nhất danh từ này. Danh từ này được dùng nhiều vô số kể trong các thư
của tác giả Phaolô. Điều này chứng tỏ rằng đây là thông điệp quan trọng trong
thần học của tác giả Phaolô. Tác giả Lagrange hiểu rằng “đó là sự công bố ơn cứu
độ trong Chúa Giêsu… sự rao truyền về ơn cứu độ trong lời nói và hành động của
Chúa Giêsu”.[2]
Nghĩa là nó không chỉ đơn thuần là một Tin Vui thường ngày, nhưng là Tin Vui cả
đời người, Tin Vui mang đến hạnh phúc trọn hảo không chỉ đời này mà cả đời sau
nữa. Trong Máccô Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng Người
rao giảng và Tin Mừng mà Người rao giảng là “Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (Mc
1,14). Nội dung Tin Mừng của Nước Thiên Chúa là: “Thời kỳ đã hoàn tất, Nước
Thiên Chúa đã đến gần, hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tin Mừng
này bao gồm lời rao giảng, hành động của Đức Giêsu và mầu nhiệm khổ nạn Phục
Sinh của Người (Mc 16,15; 14,9). Tin Mừng này, nhiều khi cũng được đặt song
song với Đức Giêsu: “Vì tôi và vì Tin Mừng” (8,35; 10,29)
3. Của
Giêsu: Danh từ Tin Vui được gắn với danh xưng
Giêsu. Danh xưng này trong Hy ngữ ở thuộc cách. Khi dùng ở thuộc cách thì danh
từ Giêsu ở đây thường có thể hiểu theo 3 nghĩa: 1. Thuộc cách chủ ngữ. Nghĩa là,
cụm từ đó có thể dịch là “Tin Vui của Giêsu” ý muốn nói rằng, Chúa Giêsu chính
là chủ nhân, tác giả, người rao giảng Tin Mừng ấy. 2. Thuộc cách vị ngữ. Nghĩa
là, cụm từ đó phải dịch là “Tin Vui về, liên quan đến, Chúa Giêsu”, ý muốn nói
là Chúa Giêsu chính là đối thể, là nội dung của Tin Vui được loan báo. Tin Vui
đó là về Chúa Giêsu. 3. Cụm từ đó cũng có thể được hiểu rằng Tin Mừng này được các
môn đệ loan báo trong Chúa Giêsu, qua mệnh lệnh của Ngài, với sự hiện diện và
trợ giúp của Ngài.[3]
Như thế, văn phạm của Hy ngữ giúp người ta hiểu rộng hơn nhiều chứ không giới hạn
vào chỉ một nghĩa như bản dịch. Cũng nên
hiểu thêm rằng danh xưng “Giêsu” là danh một con người quen thuộc với dân chúng
làng Nadarét, rồi sau này được dân vùng Galilê biết đến. Đức Giêsu là “bác thợ,
con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Giôxét, Juđa và Simon” (Mc 6,3). Tuy
nhiên, danh xưng Giêsu cũng có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu”. Thiên sứ làm rõ ý
nghĩa “cứu thoát” của danh xưng này: “Ông phải đặt tên cậu bé là Giêsu vì Người
sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21.25; Lc 1,30-33).
4. Kitô (Χριστός): Christos trong tiếng Hy Lạp, dịch ra từ tiếng Do Thái là Mêsiyah [המשיח], nghĩa là người được xức dầu. Nó được dùng như một danh hiệu thuộc hoàng gia. Đức Giêsu được gọi là Mêsiyah nhiều lần khác, như trong Mc 8,29, 14,61 và 15, 32 và được ám chỉ như là Đấng Mêsiyah trong Mc 9,42, 12,35 và 13,21.[4] Lời giới thiệu này cho thấy Máccô và các tín hữu trong cộng đoàn Máccô hiểu rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêsiyah mà truyền thống Do Thái nói đến như là Đấng hằng được mong đợi, sẽ mang đến một vương quốc bền vững mãi mãi. Truyền thống này xuất phát từ lời hứa với vua Đavít trong sách Samuel quyển thứ hai chương 7 và lời của ngôn sứ Isaia với nhà Đavít, vua Akhát trong sách ngôn sứ Isaia, cũng chương 7. Sách Samuel quyển thứ hai kể rằng, khi vua Đavít đã yên vị trong cung điện bằng gỗ bá hương còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải. Đavít chạnh lòng và muốn xây cho Chúa một ngôi nhà đẹp. Ít ra thì ngôi nhà ấy cũng bằng gỗ bá hương như cung điện của ông. Tuy nhiên, Đức Chúa đã bảo Nathan nói với Đavít rằng: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quốc của nó được vững bền…nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta ; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12-16). Và trong bối cảnh liên quân Aram và vương quốc miền bắc (Ítrael) đang tiến đánh Giuđa. Vua Akhát và thần dân của vương quốc miền nam (Giuđa), Isaia được sai đến an ủi và khích lệ Akhát đến hai lần. Lần thứ nhất, Đức Chúa bảo Isaia nói với Akhát cứ bình tĩnh, chớ sờn lòng, chuyện ấy sẽ không xảy ra, “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). Lần thứ hai, Đức Chúa bảo vua Akhát hãy xin một dấu. Nhưng Akhát trả lời rằng: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Isaia bèn nói: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Máccô nhắc đến tên gọi Kitô như muốn làm rõ ngay từ đầu rằng, căn bản đức Tin của cộng đoàn của ông về Đức Giêsu. Ngài chính là Đấng Kitô, muôn dân hằng mong đợi.
5. Con
Thiên Chúa: Trong bản Hy ngữ của Nesltle Aland. Danh
xưng này được đặt trong ngoặc vuông vì rằng danh xưng này không có trong một số
bản chép tay quan trọng như là Codex Sinaiticus
(thế kỷ thứ 4) nhưng lại có mặt trong một số bản chép tay quan trọng khác như
là Alexandria (Thế kỷ thứ 5), Sinaiticus sửa chữa, Codex Vaticanus (thế kỷ thứ
4). Các chuyên gia không biết chắc rằng trong bản gốc của Tin Mừng Máccô có hay
không danh hiệu này tồn tại trong câu giới thiệu này. Thế nhưng, xem ra danh
xưng này rất phù hợp với câu tuyên xưng của viên đại đội trưởng ở đoạn cuối của
chặng đường thập tự. Khi Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, cả Máccô và Mátthêu ghi lại khoảnh khắc,
có một người đại đội trưởng tuyên xưng rằng: “Quả thực, ông này là Con Thiên
Chúa” (Mc
16,16; Mt 27,54). Ngoài ra, Máccô còn
ghi lại mỗi lần các thần ô uế thấy Đức Giêsu đều bái lạy và la lên: “Ông là Con
Thiên Chúa” (Mc
3,11). Như thế, xem ra hợp lý nếu cho rằng danh xưng “Con Thiên Chúa” cũng được đính kèm
trong câu giới thiệu này. Đức Giêsu không những là Đấng Mêsiyah mà còn là “Con Thiên
Chúa”. Hơn nữa, một cách gián tiếp, Đức Giêsu được tiếng từ
trời gọi là “Con là con của Cha, người yêu dấu” trong bối cảnh Người được dìm tại
sông Jorđan (1,11) và “đây là Con của Ta, người con yêu dấu” trong bối cảnh biến
hình (Mc 9,7). Đây là danh xưng mang tính Kitô học rất
cao. Căn tính của Đức Giêsu được truy nguồn về bản tính thần linh của Ngài.
6. Tiếng
hô vang trong sa mạc: Tiếp theo là đoạn
trích được Máccô cho là lời của ngôn sứ Isaia. Tuy nhiên đoạn trích này được Máccô
trích lược hỗn
hợp nhiều đoạn trong sách tác giả Cựu Ước trong đó có sách ngôn sứ Isaia. Đoạn
thứ nhất phải kể đến là Xh 23,20: “Chú ý! Tôi sẽ gửi thiên sứ của tôi trước
ngươi nhằm bảo vệ ngươi dọc đường và mang ngươi đến nơi ta tôi đã chuẩn bị”. Đoạn
thứ hai: “Ta sẽ sai thiên sứ của ta, người sẽ dọn đường trước mặt tôi” (Ml
3,1). Đoạn này được Máccô chuyển thành là “đường của bạn” thay vì “đường trước
mặt tôi”, nhằm cụ thể hóa con đường được dọn là đường của Chúa Giêsu. Đoạn thứ ba là “Một tiếng gọi của người
gọi trong sa mạc: ‘trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa, làm thẳng trong sa
mạc, đại lộ của Đức Chúa.” (Is 40,3). Đây rất có thể cũng là một móc nối khác của
Máccô đối với Sách Tác giả Cựu Ước. Sách ngôn sứ Isaia rất quan trọng và phổ biến
cho người Do Thái, cho cộng đoàn Qumran và văn chương Kitô giáo thời kỳ sơ
khai. Ngoài Tác giả Thánh Vịnh,
sách Isaia là bản chép tay được tìm thấy nhiều nhất trong các hang núi đá vôi ở
sa mạc Juđêa. Hình ảnh Gioan người dìm, sứ giả, kẻ dọn đường cho Chúa cũng được
sách Cựu Ước nói trước. Is 40, thường được gọi là sách ủi an. Nó khởi đầu bằng
lời mời gọi hãy an ủi, an ủi dân Ta. Lời mời gọi tiếp tục với mệnh lệnh “hãy
nói vào lòng Israel, kêu lên cùng nó rằng chiến tranh đã kết thúc và sự trừng
phạt đã được trả, rằng nó sẽ nhận được từ tay Chúa gấp đôi cho tất cả tội của
nó (Is 40,1-2). Câu nói Máccô trích của Isaia vốn là: “Có tiếng hô vang trong
hoang địa hãy chuẩn bị con đường của Chúa, làm thẳng trong sa mạc đại lộ của
Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Khác với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại,
Luca thêm một đoạn dài của Isaia 40,4-5: “Mọi thung lũng, sẽ được lấp đầy, mọi
núi và đồi sẽ được làm thấp xuống, chỗ quanh co sẽ trở nên thẳng, và nơi gồ ghề
trở nên lối bằng phẳng và hết mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”
(Lc 3,5-6). Isaia nói ngôn sứ những điều này trước cảnh dân Israel đang trong
cuộc lưu đày Babylon. Họ đang mong chờ một ơn giải thoát. Con đường từ Babylon
về Jêrusalem là qua sa mạc Ả Rập với nhiều núi non, thung lũng, hoang địa. Trên
thực tế, người ta không thể băng qua đường sa mạc. Muốn về Jêrusalem, người ta
phải đi ngược lên Assyri vào Galilê rồi mới xuống Jêrusalem.
7. Phép
dìm của lòng sám hối (βάπτισμα
μετανοίας). Danh từ baptisma xuất phát từ động từ
là baptizo, có nghĩa là dìm xuống nước. Động từ này cũng được dùng để diễn tả sự
thanh tẩy, tẩy rửa có tính nghi thức trong Do Thái giáo. Ở trên địa điểm khảo cổ,
thường được gọi là Qumran, rất gần sông Jorđan, các nhà khảo cổ khám phá ra một
hồ để thực hành nghi thức thanh tẩy và những người sống trong cộng đoàn này thực
hiện nghi thức này mỗi ngày. Đây là một bằng chứng khá rõ ràng cho việc thực hành
các nghi thức thanh tẩy của người Do Thái thời Gioan Tẩy Giả. Theo Torah (5 cuốn
đầu tiên của Sách Tác giả Cựu Ước: Sáng thế, Xuất Hành, Dân số, Lêvi, và Đệ Nhị
Luật) thì sự tiếp tục hiện diện của Chúa giữa dân Người tùy thuộc vào sự duy
trì mức độ thanh sạch của dân, tương ứng với sự tác giả thiện của Ngài. Sách
Lêvi với biết bao nhiêu quy luật liên quan đến thanh tẩy vì thế mà được soạn thảo.
Khái niệm về sự không thanh sạch trongThánh Kinh Do Thái có thể được chia làm
hai loại: Luân lý và nghi thức. Sự ô uế về mặt luân lý là một điều kiện lâu
dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, là hậu quả của những hành vi tội lỗi như
là những hành vi tính dục bất hợp pháp (Lv 18; 20,10-26), giết người (Ds
35,33.34) và thờ ngẫu tượng (Lv 19,4; 20,1-5). Sự ô uế về mặt nghi thức, là một
hậu quả tạm thời của những điều kiện không thể tránh khỏi hay vô tội, như là
kinh nguyệt (Lv 15,19-24), hành vi tính dục hợp pháp (Lv 15,16-18) và chôn xác
kẻ chết (Ds 19).[5]
Sự thanh tẩy mà Gioan rao giảng được giải
thích bằng một danh từ khác dùng ở thuộc cách (μετανοίας:
của sự hoán cải), dường như nghiêng nhiều hơn về sự không thanh sạch về luân
lý. Hơn nữa, mục đích “của phép rửa hoán cải” này được diễn tả một cách rõ ràng
bằng một cụm giới từ: “Để được ơn tha tội”. Danh từ “của
sự hoán cải” có thể được hiểu theo ba cách. Thứ nhất, người chịu phép rửa ấy là
người chứng tỏ mình có lòng hối cải. Họ đã có ý thức hối cải trước đó và phép rửa
như là một biểu hiện cụ thể. Thứ hai, phép rửa ấy mang đến cho họ một quá trình
hối cải cho đến khi họ nhận ơn tha thứ. Thứ ba, những người đến đón nhận phép rửa
ấy đã có lòng ao ước hoán cải, phép rửa như là một biểu hiện cụ thể và sau phép
rửa họ lại tiếp tục thay đổi, hoán cải không ngừng. Hoán cải (metanoia) không
chỉ là một đòi hỏi dành cho những người tội lỗi, người không thanh sạch về luân
lý, nhưng hơn hết là dành cho hết tất cả mọi người, nhằm biến đổi đời mình,
xoay chuyển đời mình theo tác giả ý Chúa. Đây chính là danh từ phát xuất từ động
từ mà Đức Giêsu đã dùng trong lời rao giảng đầu tiên của mình: “Thời kỳ đã mãn
và nước Thiên Chúa đã gần bên, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc
1,11). Hoán cải ở đây rõ ràng là không chỉ giới hạn vào sự hối lỗi và chừa lỗi
nhưng là biến đổi lòng mình, trí mình, hành vi của mình theo cách suy cách nghĩ
và cách hành động của Chúa. A. Collins – H. Attridge ghi nhận những sự
tương đồng giữa phép thanh tẩy của Gioan và phép dìm mang tính nghi thức tại cộng
đoàn Qumran. Cả hai đều bao hàm sự rút lui vào sa mạc để đợi chờ Đức Chúa với sự
đề cập đến Is 40,3. Cả hai cùng liên kết với lối sống khổ hạnh. Cả hai cùng bao
hàm việc dìm cả cơ thể vào nước và cả hai cùng
được thực hiện trong bối cảnh đợi chờ một cuộc viếng thăm thần linh cuối cùng.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những nghi thức dìm tại Qumran và phép dìm của
Gioan cũng rất lớn. Cộng đoàn tại Qumran thì tách biệt, mang tính tư tế, trong
khi Gioan hành động như là một ngôn sứ quyền năng trong bối cảnh công cộng.
Thành viên của cộng đoàn Qumran tự dìm mình mỗi ngày một lần trong khi đó phép
dìm của Gioan chỉ cử hành một lần cho mỗi người.[6] Một
số ghi nhận cùng thời để cho thấy nguồn gốc, phong tục, cũng như thực hành của
phép thanh tẩy của Do Thái cũng như Kitô giáo thời sơ khai.
8. Sông
Jorđan:
Sông Jorđan là con sông nối liền từ miền Bắc qua Hồ Galilê rồi đến miền Nam chảy vào Biển Chết. Gioan
chọn sông Jorđan làm phép dìm có thể hiểu được vì ở đó có nhiều nước và không
gian cho nhiều người. Tuy nhiên, sông Jorđan cũng gợi nhớ đến biến cố lịch sử
quan trọng của dân Ítrael: Giôsuê đã thay Môsê dẫn dân băng qua sông Jorđan để
vào đất hứa. Sau này Đức Giêsu sẽ chịu phép rửa tại con sông này. Và tên gọi Giêsu
cũng chính là Giosuê trong tiếng Do thái. Nói khác đi, Đức Giêsu sẽ dẫn dân mới
vượt qua sông Jorđan để đi vào đất hứa mới. Hơn nữa, hình ảnh “trong hoang mạc”
cũng gợi nhớ đến biến cố xuất hành, biến cố mà Chúa đã đồng hành với dân Người,
dẫn dắt, chỉ dạy, ban Lề Luật cho họ. “Hoang mạc” diễn tả niềm hy vọng cánh
chung của một mẫu thức xuất hành được tìm thấy trong sách Hôsê (2,14 ;
12,9) và đặc biệt trong sách ngôn sứ Isaia (40,3-4 ; 41,18-19 ;
43,19-20 ; 48,20-21 ; 51,9-11).[7]
9. Mặc
áo lông lạc đà và thắt
lưng da: "Áo lông" là áo của vị ngôn sứ trong Cựu Ước (Dcr 13,4). Cách ăn mặc của Gioan gợi nhớ đến cách
ăn mặc của ngôn sứ Êlia được nói đến trong Sách Các Vua quyển thứ hai. Dấu hiệu
để vua Akháp nhận ra ngôn sứ Êlia, chính là cách ăn mặc của Êlia. “Đó là một
người mặc áo lông, đóng khố da” (2 V 1,8). Êlia là ngôn sứ Cựu Ước được truyền
thống Do Thái tin rằng sẽ đến trước và dọn đường cho Đấng Mêsiyah. Ông cũng là vị ngôn
sứ xuất hiện cùng với Môsê để đàm đạo với Đức Giêsu trong cuộc biến hình trên
núi Tabo (Mc 9,4). Gioan Tẩy Giả được Đức Giêsu đồng hóa với ngôn sứ Êlia khi
các môn đệ hỏi Đức Giêsu về việc theo các thầy dạy về Luật thì Êlia phải đến
trước (Mc 9,12-13; Mt 11,14). Một lần nữa, chúng ta thấy tác giả Sách Tin Mừng
cố gắng móc nối giữa dữ liệu Sách Tác giả Do Thái và sách Tin Mừng. Hay nói
đúng hơn, Máccô cố gắng chứng minh rằng những gì liên quan đến Đức Giêsu đã được
nói đến trong sách Tác giả Do Thái. Lần này là ngôn sứ lẫy lừng Êlia, trở thành
người dọn đường cho Chúa. Tất cả dường như rất ăn khớp một cách có chủ ý trong
cách diễn tả của Máccô về Tin Vui của Đấng Mêsiyah.
10. “Tất
cả quận Juđêa và tất cả dân cư Jêrusalem đều khởi hành đến với ông”: Thực tế
của dữ liệu này cho thấy
Gioan được những người Do Thái chấp nhận như một ngôn sứ, như là một tác nhân thuộc
thời cánh chung của Chúa. Tầm ảnh hưởng của Gioan là rất lớn. Tất cả dân cư của
Juđêa và Jêrusalem đến với Gioan để được dìm trong nước. Điều đó chứng tỏ là
phép rửa của Gioan có gì khác so với những nghi thức thanh tẩy theo luật Do
Thái. Hành động của dân chúng trong Mc 1,5 chính là câu đáp trả cho lời giới
thiệu về Gioan trong Mc 1,4 ngay trước đó. Gioan rao giảng phép dìm, ứng với việc
tất cả miền Juđêa và dân cư Jêrusalem đến để được ông dìm. Mục đích của phép
dìm là để được ơn tha thứ tội lỗi ứng với việc dân chúng xưng thú tội lỗi của
mình. Lối diễn tả này có thể nói đến một sự xưng thú cá nhân hoặc là tập thể.
Việc xưng thú có thể là công khai, trước sự chứng kiến của mọi người hoặc là một
cách riêng tư chỉ có Gioan nghe thấy. Họ có thể xưng thú tội lỗi chung chung hoặc
là xưng một cách chi tiết cụ thể từng tội.[8]
11. Dìm bằng nước và dìm trong Thánh Linh (ἐβάπτισα ὑμᾶς ὕδατι, αὐτὸς δὲ βαπτίσει ὑμᾶς ἐν
πνεύματι ἁγίῳ):
Từ các câu 2 đến 4 Máccô giới thiệu cho các độc giả về Gioan và sứ vụ cũng như
tầm ảnh hưởng của ông. Ông được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia. Đó không hẳn
là lời ngôn sứ Isaia nhưng là gom góp từ sách
Xuất Hành, sách
ngôn sứ Malakhi và sách
ngôn sứ Isaia như đã nói trên. Ông rao giảng phép dìm của lòng hoán cải để được
ơn tha thứ. Ông ăn mặc như ngôn sứ Isaia. Ông làm phép rửa trong hoang địa. Câu
7 và câu 8, Máccô giới thiệu lời rao giảng của Gioan. Lời rao giảng của Gioan
được cấu trúc theo kiểu so sánh hai hình ảnh song song nhưng khác biệt nhau
trong vị thế và phép rửa. Gioan “có Đấng quyền thế hơn tôi đến sau tôi, tôi
không xứng đáng cúi xuống để mở quai dép cho Người”. Lời giới thiệu này không
nhằm tôn vinh sự khiêm tốn của Gioan cho bằng bộc lộ vị trí thật của Gioan cũng
như địa vị thật của Đức Giêsu. Gioan, tuy được dân chúng sùng bái và ùn ùn kéo
đến để chịu phép dìm bởi tay ông, ông cũng biết rằng mình chỉ là sứ giả. Ông ý
thức rõ vai trò và vị thế của mình. Việc của ông là làm cho mọi người nhận ra Đức
Giêsu. Hình ảnh Gioan đối lại với Đấng quyền thế hơn. Phép dìm bằng nước của
ông đối lại với phép dìm trong Thánh Linh. Ông là trung gian để dẫn đến một Đấng
khác; phép rửa của ông cũng để dẫn đến một phép rửa khác. Nước sông Jorđan đối
lại với Thánh Linh. Việc ban Thánh Linh diễn tả một cách ẩn dụ như là một phép
rửa biểu hiện hành vi cứu độ mang tính cánh chung của Chúa được hứa trước qua
các ngôn sứ. Isaia nói đến việc “Thánh Linh sẽ được tuôn đổ trên chúng ta và
hoang mạc sẽ trở nên màu mở” (Is 32,15). Chúa nói rằng: “Ta sẽ đặt Thần Khí của
ta trong các ngươi và các ngươi sẽ sống” (Ed 37,14). Phép dìm bằng nước của
Gioan vừa là dấu chỉ của lòng sám hối, thể hiện bằng việc dân chúng xưng thú tội
lỗi. Phép rửa trong Thánh Linh của Đấng quyền thế hơn sẽ mang đến cho hối nhân
được ơn tha thứ. Như đã nói trên. Thánh Linh sẽ đem đến cho người ta ơn tha thứ
và một sự biến đổi hoàn toàn, một sức sống mới. Sức sống mới đó bao hàm cả việc
chừa bỏ tội lỗi và sống cho Chúa và sống cho người khác. Chừa bỏ tội lỗi, và đền
bù những thiệt hại do tội lỗi gây ra chỉ là một phần cơ bản. Phần chính yếu phải
là “một quả tim mới và một thần khí mới” biến “quả tim bằng đá thành quả tim bằng
thịt” (Ed 36,26-27). Tác động của phép rửa trong Thánh Linh hơn thế nữa còn bao
hàm cả sức sống và sứ mạng của Chúa Kitô như chính Ngài thừa nhận: “Thần Khí
Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi để loan Tin Vui cho người nghèo.
Ngài sai tôi công bố tự do cho người bị giam cầm, phục hồi ánh sáng cho người
mù, trả tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18). Để chuẩn bị cho việc làm phép rửa
trong Thánh Linh, chính Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa và vừa lên khỏi nước
thì Người thấy “trời mở ra và Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên Người”
(Mc 1,10). Đấng là phép rửa trong Thánh Linh chắc chắn phải là Đấng đầy Thánh
Linh.
Bình
Luận tổng quát
Gioan là nhân vật không bao giờ thiếu được
trong phụng vụ của Mùa Vọng. Tiếng kêu mời của ông làm cho người ta không khỏi
bồn chồn và háo hức. Thực ra, Gioan không chỉ là nhân vật của Mùa Vọng mà thôi.
Ông là nhân vật của cả đời người bởi. Ông được đặt lên để hô vang lời kêu gọi
cho toàn bộ mọi người, hãy lắng tai đón nhận Tin Mừng mỗi ngày trong đời mình,
chứ không chỉ Mùa Vọng. Bởi lẽ, những điều Tin Mừng viết về ông vẫn có đó từ
2000 năm rồi. Điệp khúc: “Hãy hết sức chú ý, hãy thức tỉnh, hãy canh thức” (cuối
Tin Mừng Máccô) của Phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng được tiếp nối bằng lời
mời gọi quay trở lại từ đầu Tin Mừng theo tác giả Máccô. Đó có thể là một lời
nhắc nhở, mách nước cho cách thức mà người ta phải tỉnh thức. Hãy tỉnh thức
nhưng tỉnh thức thế nào đây ? Ừ thì tỉnh thức bằng cách tìm lại chính những
giá trị Tin Mừng, Tin Vui. Những giá trị Tin Vui đó bắt đầu từ đâu? Thưa !
bắt đầu từ “khởi đầu Tin Vui”. Tin Vui của ai vậy? Thưa ! Tin vui đó của Đức
Giêsu. Ủa mà Đức Giêsu là ai vậy? Thưa! Ngài chính là Đấng Kitô, Đấng Mêsiyah, mà sách Tác giả
đã nói đến. Đấng sẽ đến và sẽ thiết lập một vương quốc hòa bình, thịnh vượng và
vững bền mãi mãi. Thế ngài đến từ đâu vậy? Ngài xuất thân từ nhà Đavít. Nhà
Đavít suy tàn cả ngàn năm rồi, còn làm được gì nữa. À không! Đấng Kitô này
không chỉ có nguồn gốc từ phàm nhân, nguồn gốc của Ngài xa tận các tầng trời.
Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài đến rồi, thì chẳng phải thời của Ngài là thời cánh
chung, thời viên mãn, thời cứu độ đó sao? Chính thế. Một ngôn sứ thời cánh
chung đã trở lại để dọn đường cho Ngài. Ai vậy? Gioan Tẩy Giả chứ ai. Ông ta
chính là hiện thân của ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ trường sinh, lừng danh được cất
về trời trong cơn gió lốc (2 V 2,11-12). Đức Chúa đã thông báo rằng Ngài sẽ sai
ngôn sứ Êlia đến trước “ngày trọng đại và kinh khủng của Đức Chúa” (Ml 3,23). Gioan đã đến, Giêsu
cũng đã đến. Mọi sự diễn ra đúng như mạc khải được ghi lại
trong Sách Thánh Cựu Ước.
Vấn đề là, lòng tín hữu đang ở đâu, đang hướng về đâu? Họ có thật sự mong nhớ,
đợi trông Đấng Kitô mà họ tin tưởng và mang danh hay không! Nếu có thì, “tất cả”
thành viên của gia đình, giáo khu, nhà dòng, giáo xứ, giáo phận, thành phố…,
hãy đến với Gioan để nhận “phép rửa của lòng sám hối”, để được ơn tha tội. Dĩ
nhiên, nhiều tín hữu đã được nhận phép rửa, không phải phép rửa bằng nước sông Jorđan
của Gioan nhưng là phép rửa trong Thánh Linh của chính Đức Giêsu. Thế còn, “sự
hoán cải”, sự thay đổi trí lòng, một cách triệt để theo tác giả ý Chúa thì sao?
Thay đổi một trái tim bằng đá bằng một trái tim bằng thịt thì sao? Thay đổi một
trái tim thù hận và dửng dưng bằng một trái tim tha thứ và biết yêu thương, biết
rung cảm trước nỗi đau của đồng loại thì thế nào? Đường của Đấng Kitô, đường thập
tự có phải là đường tôi chọn, hay là tôi muốn Chúa Kitô phải đi theo con đường
nhung lụa của riêng tôi? Dĩ nhiên, Thập Giá không phải là giá trị Tin Vui duy
nhất mà những người mong đợi Đấng Cứu Thế phải theo đuổi trên hành trình hoán cải
của mình. Những giá trị Tin Vui ấy nhiều vô số kể.
Thánh
Kinh chính là kho tàng chứa đựng những giá trị ấy. Mỗi tín hữu phải lưu tâm để
theo đuổi mỗi ngày chứ không chỉ một lần nào đó, một mùa nào đó, rồi thôi. Lời
Chúa phải là nhịp đập của con tim, là hơi thở của từng lá phổi. Đức Giêsu, Chúa Giêsu
Hài Đồng không chỉ là Đấng Mêsiyah
của Mùa Vọng nhưng là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến
tận thế. Sự tiếp xúc, làm bạn với Ngài, hỏi Ngài xem mỗi ngày tôi phải làm gì
là những hành động thường xuyên, là lương thực, cơm ăn, nước uống, của những kẻ
yêu Ngài và mong chờ Ngài.
Lm. Joseph Phạm
Duy Thạch,
SVD
[1] Bản
Việt Ngữ được dịch sát nghĩa hết sức có thể.
Đôi khi câu từ rất khó hiểu và không giống Tiếng Việt thông thường. Như
vậy, để đọc giả hiểu rằng việc dịch Tin Mừng từ tiếng Hy Lạp qua một ngôn ngữ
hiện đại dù là tiếng Việt hay bất cứ tiếng gì khác cũng rất khó để diễn tả một
cách rõ ràng ý nghĩa của nó. Đôi khi dịch giả phải chọn một ý nghĩa và giải
thích nào đó cho phù hợp với cấu trúc và văn phạm của ngôn ngữ của mình.
[2] R.G.
Bratcher – E.A. Nida, A Handbook on the Gospel of Mark (UBS Handbook
Series; New York 1993) 2.
[3] M.
Zerwick, Biblical Greek. Illustrated by examples (SPIB 114; Roma 72001)
13.
[4] J.R.
Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002)
60.
[5]I. Werrett, “The
Evolution of Purity at Qumran”, Purity and the Forming of Religious
Traditions in the Ancient Mediterranean World and Ancient Judaism (ed. C.
Frevel – C. Nihan) (Leiden – Boston 2013) 494.
[6] A.Y.
Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark
(Hermeneia; Minneapolis 2007) 140.
[7] R.A.
Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 18.
[8] A.Y.
Collins – H.W. Attridge, Mark, 142.
No comments:
Post a Comment