Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
29
Ngày hôm sau, ông [Gioan] nhìn vào Đức Giêsu
đi đến với mình và nói: “Kìa, Con Chiên của Thiên
Chúa, Đấng cất đi tội của thế gian 30
Người là Đấng mà tôi đã nói về rằng: Một người đàn
ông đến sau tôi, Đấng đã trở nên trước tôi, vì Người hiện hữu trước tôi. 31
Chính tôi đã không biết Người, nhưng để Người
được tỏ ra, tôi đã đến làm phép rửa trong nước.” 32
Ông Gioan đã làm chứng rằng: “Tôi đã
thấy Thần Khí đi xuống từ trời như chim bồ câu và
ở lại trên Người” 33
Chính tôi đã không biết Người, nhưng Đấng sai
tôi làm phép rửa trong nước, Đấng đó đã nói
cùng tôi: “Đấng mà trên đó, ngươi thấy Thần Khí đi
xuống và ở lại, Đấng ấy chính là Đấng làm phép rửa
trong Thánh Linh” 34
Tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên
Chúa.[1] |
29 Τῇ ἐπαύριον βλέπει τὸν Ἰησοῦν ἐρχόμενον πρὸς αὐτὸν καὶ λέγει· ἴδε ὁ ἀμνὸς τοῦ θεοῦ ὁ αἴρων τὴν ἁμαρτίαν τοῦ κόσμου. 30 οὗτός ἐστιν ὑπὲρ οὗ ἐγὼ εἶπον· ὀπίσω μου ἔρχεται ἀνὴρ ὃς ἔμπροσθέν μου γέγονεν, ὅτι πρῶτός μου ἦν. 31 κἀγὼ οὐκ ᾔδειν αὐτόν, ἀλλ᾽ ἵνα φανερωθῇ τῷ Ἰσραὴλ διὰ τοῦτο ἦλθον ἐγὼ ἐν ὕδατι βαπτίζων. 32 Καὶ ἐμαρτύρησεν Ἰωάννης λέγων ὅτι τεθέαμαι τὸ πνεῦμα καταβαῖνον ὡς περιστερὰν ἐξ οὐρανοῦ καὶ ἔμεινεν ἐπ᾽ αὐτόν. 33 κἀγὼ οὐκ ᾔδειν αὐτόν, ἀλλ᾽ ὁ πέμψας με βαπτίζειν ἐν ὕδατι ἐκεῖνός μοι εἶπεν· ἐφ᾽ ὃν ἂν ἴδῃς τὸ πνεῦμα καταβαῖνον καὶ μένον ἐπ᾽ αὐτόν, οὗτός ἐστιν ὁ βαπτίζων ἐν πνεύματι ἁγίῳ. 34 κἀγὼ ἑώρακα καὶ μεμαρτύρηκα ὅτι οὗτός ἐστιν ὁ υἱὸς τοῦ θεοῦ. (Jn. 1:29-34 BGT) |
Bối cảnh
Ga 1,29-34 nằm trong phần khai mạc sứ vụ của Đức Giêsu (Ga 1,19-51). Trước
khi Đức Giêsu xuất hiện, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện để giới thiệu về Người.
Trước đoạn văn này là lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả dành cho các thầy tư tế
và Lêvi, một số người thuộc phái Pharisêu (Ga 1,19-28) và tiếp theo sau đoạn
văn này là câu chuyện Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51). Cụm
trạng ngữ chỉ thời gian “hôm sau” [Τῇ ἐπαύριον] (Ga 1,29) trong đoạn văn này cho thấy sự liền mạch với đoạn văn sau đó,
nơi mà cùng trạng ngữ được lặp lại hai lần nữa (Ga 1,35.43). Câu nói: “Đấng tôi
đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trội hơn tôi vì có trước
tôi” nhắc nhớ đến lời chứng trước đó của ông Gioan: “Có một Đáng đang ở giữa
các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai
dép cho Người” (Ga 1,26-27). Danh xưng “Chiên Thiên Chúa” sẽ được ông Gioan Tẩy
Giả tiếp tục giới thiệu cho hai môn đệ của mình (Ga 1,35). Danh xưng “Chiên
Thiên Chúa, Đấng cất đi tội của thế gian” liên kết chặt đến cái chết của Đức
Giêsu để chuộc tội cho nhân loại. Truyền thống Đức Giêsu chịu phép rửa và được
Thần Khí ngự xuống, tựa chim bồ câu, và Đức Giêsu là Đấng lám Phép Rửa trong
Thánh Linh, cách nào đó nối kết với truyền thống về việc Đức Giêsu chịu phép rửa
trong các Tin Mừng Nhất Lãm.
Cấu trúc
Con
chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội của thế gian (29) Đấng
đến sau, trở nên trước, vì hiện hữu trước (30) Chính tôi đã không
biết Người, đến làm phép rửa
trong nước (31) Thấy Thần Khí
đi xuống và ở lại trên ai (32) Chính tôi đã
không biết Người, được sai đến
làm phép rửa trong nước, Đấng mà trên
đó tôi thấy Thần Khí đi xuống và ở lại, Đấng làm phép rửa
trong Thánh Linh (33) Người là Con Thiên Chúa (34) |
Một số điểm chú giải
1. Hôm Sau: Đây là cụm từ đánh dấu sự tiến triển liên tục của trình thuật mà tác giả
Gioan thường dùng (1,29.35.43). Tác giả R. Brown nghĩ rằng, dựa trên Ga 1,32
(và 1,28), có lẽ câu chuyện này xảy ra sau phép rửa của Đức Giêsu, sự kiện mà
Gioan chỉ đề cập đến, mà không tường thuật như các tác giả Nhất Lãm.[2] Tuy
nhiên, “hôm sau”, cũng có thể so với, và tiếp theo sự kiện ông Gioan gặp gỡ các
đại diện lãnh đạo Do Thái đến từ Jêrusalem để hỏi về căn tính của ông (Ga
1,19-27).
2. Con Chiên Của Thiên Chúa: Trong Tin Mừng
thứ tư Đức Giêsu giới thiệu mình là “mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14; Cf. Mc
14,27). Ông Gioan Tẩy Giả của Tin Mừng thứ tư lại giới thiệu Đức Giêsu như là
“Con Chiên của Thiên Chúa” (ὁ ἀμνὸς τοῦ θεοῦ). Danh xưng “con chiên” thường được dùng để
ám chỉ đến thành viên của dân Chúa: “Chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6; 15,24);
“Đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt” (Mt 9,36; Cf. 18,12-13; Mc 6,34). Các
môn đệ cũng được mô tả như là con chiên khi đi thi hành sứ vụ: “Con chiên đi
vào giữa bầy sói” (Mt 10,16; Lc 10,3). Danh xưng “con chiên của Thiên Chúa” chỉ
dành riêng cho một mình Đức Giêsu. Đặc tính khác biệt của cụm danh xưng này là
danh ngữ ở thuộc cách “của Thiên Chúa”. Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa. Người là
con chiên, nhưng không phải la một lễ vật dâng cúng.[3]
Nếu “Con Chiên” được hiểu là “người tôi tớ” thì cụm từ “Con Chiên của Thiên
Chúa” có thể hiểu như là “Người tôi tớ của Chúa”.[4]
Chỉ có một mình tác giả Gioan sử dụng danh xưng này cho Đức Giêsu (Ga 1,29.36).
Ông Gioan Tẩy Giả dùng danh xưng này để giới thiệu Đức Giêsu cả cho dân chúng
và cho các môn đệ của mình. Có thể nói đây là danh xưng kitô học rất quan trọng
của Tin Mừng thứ tư. Có thể tác giả Tin Mừng thứ tư muốn nối kết Đức Giêsu với
hình ảnh con “chiên vượt qua” trong truyền thống Do Thái. Đó là truyền thống nổi
tiếng về Lễ Vượt Qua, bắt nguồn từ việc Chúa đã giải thoát dân Israel, đưa ra
khỏi Aicập. Những chỉ dẫn về con chiên được ghi chi tiết trong sách Xuất Hành:
Mồng mười, tháng thứ nhất, mỗi gia đình bắt một con chiên; Con chiên phải toàn
vẹn, con đực, không quá một tuổi; Nhốt đến ngày mười bốn tháng ấy, rồi toàn thể
cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những
nhà có ăn thịt chiên; Vết máu trên nhà sẽ là dấu hiệu cho biết là người Israel
đang ở đó để khi thấy vết máu Chúa sẽ “vượt qua”, và họ sẽ không bị tai ương giết
con đầu lòng mà Chúa giáng xuống trên đất Aicập (Xh 12,1-14). Lễ Vượt Qua được
Người Do Thái cử hành hằng năm và mỗi dịp Lễ Vượt Qua, con chiên lại được sát tế.
Tác giả R.E.
Brown đề xuất ba cách hiểu danh xưng “Con Chiên của Thiên Chúa”: (1) Con
Chiên khải huyền, như được nói đến trong sách Khải Huyền; (2) Con Chiên như là
người tôi tớ đau khổ của Isaiah; và (3) Con Chiên như là con chiên Vượt Qua,
trong nghi thức sát tế chiên Vượt Qua.[5]
Ba hình ảnh là ba khía cạnh trong toàn bộ mầu nhiệm khổ nạn – cứu chuộc của Đấng
Mêsiah.
3. Đấng cất đi tội lỗi của thế gian: Con
chiên vượt qua bị sát tế, tự nó không mang lại sự giải thoát. Chỉ có máu của nó
được bôi lên khung cửa trở thành dấu hiệu để Chúa bỏ qua, không giết nhầm các
con trai đầu lòng của người Israel. Ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu danh xưng “Con
chiên Thiên Chúa” đi kèm với danh xưng “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian”. Danh
xưng “Đấng cất đi” được đặt song đối với danh xưng “con chiên” như muốn giải
thích cho danh xưng này. Ý nghĩa “con chiên Thiên Chúa” được hiểu qua danh xưng
“Đấng cất đi tội lỗi trần gian”. Đức Giêsu là “Con chiên của Thiên Chúa” vì Người
“cất đi tội lỗi trần gian”, hoặc là khi Người “cất đi tội lỗi trần gian”, hoặc
qua hành động “cất đi tội lỗi trần gian”. Chính Đấng Kitô là con chiên sát tế để
mang lại ơn tha tội cho nhân loại. Ý tưởng này được thể hiện rõ trong lời của Đức
Giêsu trên chén: “Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28;
Hr 13,20). Tác giả thư thánh Phêrô xác tín rằng: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ
máu quý giá của Đức Kitô, như máu của con chiên vô tỳ vết” (1 Pr 1,19). Tin Mừng
Gioan trình thuật Đức Giêsu chết vào ngày áp Lễ Vượt Qua, tức là ngày con chiên
Vượt Qua chịu sát tế (Ga 19,31-37), nhằm mang lại ơn giải thoát cho nhân loại.[6]
Thánh Phaolô cũng tin rằng “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên Vượt Qua của
chúng ta” (1 Cr 5,7). Tác giả sách Khải Huyền cũng ám chỉ Đức Giêsu như là Con
Chiên toàn thắng qua đau khổ: “Con Chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền, khôn ngoan và sức mạnh, danh dự với vinh quang cùng muôn lời
chúc tụng” (Kh 5,12). Ngôn sứ Isaiah mô tả hình ảnh Người Tôi Tớ khổ nạn như là
“con chiên bị mang đi làm thịt, như cừu câm nín bị xén lông, người chẳng hề mở
miệng kêu ca” và “Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân,
Người đã bị đánh phạt”; “Người hiến thân chịu chết, bị liệt vào hàng tội nhân;
nhưng thực ra Người đã cất đi tội lỗi muôn người và can thiệp cho những người tội
lỗi” (Is 53,7-8.12).
4. Chính tôi không biết Người: Ông Gioan Tẩy
Giả lặp lại hai lần khẳng định này “κἀγὼ οὐκ ᾔδειν αὐτόν” (Ga 1,31.33), như muốn
nhấn mạnh đến mặc khải của “Đấng sai ông làm phép rửa với nước”. Ông Gioan Tẩy
Giả lý giải rằng chính ông không biết Đức Giêsu, như là Đấng làm phép rửa trong
Thánh Linh. Những gì ông biết được về Đức Giêsu là do “Đấng đã sai” mặc khải.
5.
Đến
sau tôi, … đã trở nên trước tôi, … hiện hữu trước tôi: Đây là lối diễn tả hai hình thức tồn tại của Đức Giêsu. Về mặt
nhân tính, Đức Giêsu sinh sau ông Gioan sáu tháng (x. Lc 1,26.36), và Người
cũng khai mạc sứ vụ sau ông Gioan ít lâu (x. Mc 1,14; Mt 4,12). Người ta nghe
danh và đến với ông Gioan trong sa mạc để được ông dìm trong nước. Một trong những
môn đệ của Đức Giêsu, ông Anrê đã từng là môn đệ của ông Gioan (Ga 1,35-43).
Tuy nhiên, về thiên tính, Đức Giêsu đã trở nên trước ông, vì Người hiện hữu trước
ông. Tin Mừng thứ tư đã giới thiệu Đức Giêsu như “Ngôi Lời hiện hữu từ ban đầu,
và Ngôi Lời hằng ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Tất cả trở nên hiện hữu
nhờ Người và không có Người, không có một điều gì hiện hữu” (Ga 1,1-3). Về vị trí
và vai trò, Đức Giêsu cũng trở nên trước ông Gioan vì ông là người “tiền hô”,
“người làm phép rửa trong nước”, còn Đức Giêsu là Đấng Mêsiah, là Đấng làm phép
rửa trong Thánh Linh, và cũng là “Chiên Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của trần
gian”. Chính Đức Giêsu đã
tự bạch về sự tiền hữu của mình: “Tôi bảo thật các ông, trước khi ông Ápraham,
hiện hữu, thì Ta hằng hữu” (πρὶν Ἀβραὰμ γενέσθαι ἐγὼ εἰμί, Ga 8,58; Cf. 17,5).
6. Thần Khí đi xuống như chim bồ câu và ở lại:
Thay vì thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan như
các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 1,9-11; Mt 3,13-17; Lc 3,21-22), tác giả
Gioan chỉ mô tả ngắn gọn qua lời của ông Gioan Tẩy Giả: “Thấy Thánh Linh đi xuống
như chim bồ câu và ở lại trên Người”. Đây là một trong những hình ảnh được tìm
thấy trong trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Tác
giả Gioan không nói gì đến tiếng từ trời công bố long trọng “đây là Con yêu của
Ta, nơi Người, Ta hài lòng”. Tác giả Gioan chỉ cho biết là chính “Đấng đã sai
ông Gioan” mặc khải Đức Giêsu chính là “Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh”.
Tuy nhiên, sau đó, qua lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả, tác giả cho biết rằng Đức
Giêsu chính là “Con Thiên Chúa”.
7. Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh: “Phép
rửa trong Thánh Linh”, giống với tác giả Máccô (Mc 1,8). Tác giả Mátthêu và
Luca còn thêm “lửa” vào trong phép rửa: “Phép rửa trong Thánh Linh và lửa”.
Phép rửa trong Thánh Linh có ý nghĩa thanh tẩy và biến đổi, trong khi đó phép rửa
trong “lửa” nghiêng về ý nghĩa xét xử và trừng phạt.[7]
8. Con Thiên Chúa: Đoạn văn Ga 1,29-34 bắt
đầu bằng giới thiệu Đức Giêsu là
“Con Chiên của Thiên Chúa” và kết bằng lời chứng rằng Người là “Con Thiên Chúa”.
Đây là hai danh xưng không tách rời nhau và danh xưng cuối là nền tảng, căn tính
của danh xưng đầu. Đức Giêsu trước hết và trên hết là “Con Thiên Chúa”. Khi nhập
thể, Người nhận lấy sứ vụ trong thân phận “Con Chiên của Thiên Chúa”, Con Chiên
hiến tế để mang lại ơn tha thứ, giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi của họ. Người
cũng chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh. Tiếp theo sau lời chứng của
ông Gioan Tẩy Giả, đến lượt ông Nathanael, một trong bốn môn đệ đầu tiên sẽ
tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa, là vua của Israel” (Ga 1,49). Trong
Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nhiều lần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa (Ga 5,25;
10,36; 11,24; 19,7). Tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết mục đích của sách Tin Mừng
là “để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà
được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Danh xưng “con Thiên Chúa” trong truyền
thống Cựu Ước được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Israel được gọi là con trai
đầu lòng của Chúa (Xh 4,22tt); Con cháu của vua Đavid được Chúa nhận làm con
trong 2 Sm 7,14; Trong các Thánh Vịnh, Đấng Mêsiah, hậu duệ của vua Đavid, được
diễn giải như là con Thiên Chúa (Tv 2,7; 89,26); Những người công chính cũng được
gọi là những người con của Thiên Chúa (Hc 4,10; Kn 2,18). Trong bối cảnh này,
theo lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”.[8]
Đây chính là tước hiệu được Chúa Cha chứng nhận trong biến cố Đức Giêsu chịu
phép rửa (Mc 1,11; Mt 3,17; Lc 3,22). Đây cũng là tước hiệu mà quỷ đã dùng để
thách thức, cám dỗ Đức Giêsu (Mt 4,3.6; Lc 4,9); và thần ô uế dùng để gọi Đức Giêsu
(Mt 5,9; 8,9; Cf. Mc 3,11; 5,7; Lc 8,28). Khi chứng kiến phép lạ dẹp yên sóng
biển, bảo tố, những người trong thuyền cũng nhìn nhận rằng Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa (Mt 14,33). Ông Phêrô, đại diện cho các Tông Đồ, tuyên xưng Đức Giêsu
là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Cuối cùng, người đại đội
trưởng, khi chứng kiến cái chết của Đức Giêsu đã long trọng nhìn nhận: “Quả thực,
ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Bình luận tổng quát
Tác giả Tin Mừng thứ tư không có trình thuật về sự kiện Đức Giêsu chịu
phép rửa như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, trong đó căn tính Con Thiên Chúa của
Đức Giêsu được mặc khải. Tuy nhiên, qua lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả, toàn
thể danh xưng Kitô học quan trọng của Đức Giêsu được giới thiệu. Thứ nhất,
Đức Giêsu là “Con Chiên của Thiên Chúa”. Danh hiệu Kitô học này không được nói
đến trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Danh hiệu này được giải thích bằng một
danh hiệu khác: “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian”. Con Chiên của Thiên Chúa có
thể được hiểu như là hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ”, như con chiên hiền lành bị
mang đi làm thịt, gánh lấy tội lỗi của trần gian; hay là hình ảnh một con chiên
vẹn toàn được sát tế trong dịp Lễ Vượt Qua, và máu Người là máu Giao Ước mang lại
ơn tha thứ cho nhân loại; hoặc là hình ảnh một con chiên khải huyền, một con
chiên chiến thắng qua cuộc khổ nạn. Ông Gioan cũng làm chứng rằng mình đã nhận
được mặc khải của Đấng sai ông đến làm phép rửa trong nước, rằng Đức Giêsu
chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh. Dấu hiệu để nhận ra Đấng làm phép
rửa trong Thánh Linh là: “Thánh Linh đi xuống và ở lại trên người ấy”. Dấu hiệu
này gián tiếp nhắc đến sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa và được Thánh Linh xức dầu.
Tác giả Gioan không tường thuật về chứng nhận của tiếng từ trời, rằng Đức Giêsu
là con yêu dấu, nhưng cũng qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả, độc giả hiểu rõ Đức
Giêsu là “Con Thiên Chúa”. Vì Người là “Con Thiên Chúa”, nên dù xuất hiện trên
trần gian trong thân phận con người, sau ông Gioan, chịu ông Gioan làm phép rửa,
rồi khai mạc sứ vụ sau ông Gioan, Người đã trở nên trước ông vì Người hiện hữu
trước ông. Sứ vụ của ông Gioan cũng chỉ để chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và nhiệm
vụ của ông Gioan là làm chứng cho mọi người biết rằng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa. Có thế tóm kết lời chứng của ông Gioan về Đức Giêsu trong đoạn văn này
như sau: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người tiền hữu, đã chịu phép rửa trong nước
của ông Gioan, nhưng sẽ là Đấng làm phép rửa trong Thánh Linh, và trở nên Con
Chiên của Thiên Chúa, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian qua cái chết của Người.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Một
số bản chép tay viết là “Đấng được tuyển chọn của Thiên Chúa” (P3, bản
chép đầu tiên của Sinaiticus, Latin cổ, vài bản Syriac). Truyền thống viết là
“Con Thiên Chúa” thì mạnh hơn, và cách nói “Người Con” cũng hài hòa hơn là “Đấng
được tuyển chọn” trong ngôn ngữ và thần
học của Gioan. Tuy nhiên, một vài tác giả vẫn chủ trương cách nói “Đấng
Tuyển Chọn”, xét về tiêu chuẩn “khó đọc hơn” của thuật phê bình bản văn [x.
F.J. Moloney, The Gospel of John
(SP4; Collegeville 1998) 59].
[2] R.E. Brown,
The Gospel according to John
(I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
XXIX, 55.
[3] F.J.
Moloney, The Gospel of John, 59.
[4] “If the Lamb is the Servant, then John’s phrase is
patterned after the Servant of Yahweh.
If the Lamb is the paschal lamb, then the genitive may have the sense of
“supplied by God” (R.E. Brown, The Gospel according to John
(I–XII),
55).
[5] R.E. Brown,
The Gospel according to John
(I–XII). Introduction, translation, and notes, 58-63.
[6] “The identification and the role are retained in the
Johannine circle, but these are modified in the light of the redemptive event
and the revelation of its meaning: the Lamb of God brings deliverance through
submission to death as the Passover Lamb (see 19:31–37) and his rising to life
with the Father in heaven” [G.R. Beasley-Murray, John (WBC 36; Dallas 2002) 25].
[8] G.R.
Beasley-Murray, John, 26.
No comments:
Post a Comment