Thursday 22 June 2023

“ĐỪNG SỢ” … "HÃY SỢ". Chú Giải Tin Mừng CN XII TN A (Mt 10,26-33); Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

26 Vì vậy, “đừng sợ” chúng, vì không có gì bị che giấu mà không được tỏ lộ và không có gì ẩn giấu mà sẽ không được biết đến

27 Điều Thầy nói cho anh em trong bóng tối, hãy nói ra trong ánh sáng, và điều anh em nghe trong tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

28 Và “đừng sợ” những người giết thân xác, mà không thể giết linh hồn. Tốt hơn, hãy sợ Đấng có thể giết cả linh hồn và thể xác trong gheenna.

29 Không phải hai con chim sẻ bán được một xu sao? Nhưng một trong số chúng không rơi xuống đất ngoài ý định của Cha anh em.

30 Tất cả những sợi tóc trên đầu anh em đã được đếm rồi.

31 Vậy, “đừng sợ”, anh em có giá trị hơn nhiều chim sẻ.

32 Tất cả những ai nhìn nhận Thầy trước mặt người ta, thì chính Thầy sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Thầy trên trời.

33 Những ai chối bỏ Thầy trước người ta, chính Thầy cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy trên trời.

26 Μὴ οὖν φοβηθῆτε αὐτούς· οὐδὲν γάρ ἐστιν κεκαλυμμένον οὐκ ἀποκαλυφθήσεται καὶ κρυπτὸν οὐ γνωσθήσεται.

 27 λέγω ὑμῖν ἐν τῇ σκοτίᾳ εἴπατε ἐν τῷ φωτί, καὶ εἰς τὸ οὖς ἀκούετε κηρύξατε ἐπὶ τῶν δωμάτων.

 28 Καὶ μὴ φοβεῖσθε ἀπὸ τῶν ἀποκτεννόντων τὸ σῶμα, τὴν δὲ ψυχὴν μὴ δυναμένων ἀποκτεῖναι· φοβεῖσθε δὲ μᾶλλον τὸν δυνάμενον καὶ ψυχὴν καὶ σῶμα ἀπολέσαι ἐν γεέννῃ.

 29 οὐχὶ δύο στρουθία ἀσσαρίου πωλεῖται; καὶ ἓν ἐξ αὐτῶν οὐ πεσεῖται ἐπὶ τὴν γῆν ἄνευ τοῦ πατρὸς ὑμῶν.

 30 ὑμῶν δὲ καὶ αἱ τρίχες τῆς κεφαλῆς πᾶσαι ἠριθμημέναι εἰσίν.

 31 μὴ οὖν φοβεῖσθε· πολλῶν στρουθίων διαφέρετε ὑμεῖς.

 32 Πᾶς οὖν ὅστις ὁμολογήσει ἐν ἐμοὶ ἔμπροσθεν τῶν ἀνθρώπων, ὁμολογήσω κἀγὼ ἐν αὐτῷ ἔμπροσθεν τοῦ πατρός μου τοῦ ἐν [τοῖς] οὐρανοῖς·

 33 ὅστις δ᾽ ἂν ἀρνήσηταί με ἔμπροσθεν τῶν ἀνθρώπων, ἀρνήσομαι κἀγὼ αὐτὸν ἔμπροσθεν τοῦ πατρός μου τοῦ ἐν [τοῖς] οὐρανοῖς. (Matt. 10:26-33 BGT)

Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng Mt 10,26-33 nằm trong bài giảng thứ hai trong số năm bài giảng của Đức Giêsu theo sắp xếp của tác giả Mátthêu, thường được gọi là “bài giảng về sứ vụ” (Mt 10,1-42). Bài giảng này khởi đầu bằng việc Đức Giêsu gọi mười hai môn đ lại đ ban cho các ông quyền trên các tinh thần ô uế đ các ông trừ chúng và chữa lành hết các chứng bệnh và tật bệnh (10,1) và kết thúc bằng những phần thưởng dành cho những ai đón tiếp Đức Giêsu và môn đ của Đức Giêsu (10,40-42). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn Mt 10,26-33 nằm trong những lời khuyến khích của Đức Giêsu dành cho các sứ giả, trước những khó khăn, bách hại mà họ phải đối diện. Trước đó, Đức Giêsu nói đến số phận bị nộp của các sứ giả, thậm chí họ bị chính những người thân ruột thịt nộp (Mt 10,21-23). Số phận đó cũng chính là số phận của Đức Giêsu (10,24-25). Lời mời gọi “đừng sợ” (Mt 10,26.28.31) trong đoạn văn này là khích lệ cần thiết cho các môn đệ trong bối cảnh bách hại khốc liệt như vậy. Tiếp theo sau đoạn văn này Đức Giêsu tiếp tục nói về sự phân rẽ giữa sứ giả Tin Mừng và những người chối từ Người trong nhân loại như một tất yếu cho sự hiện diện của Người (10,34-39).

Cấu trúc

Đoạn văn được phân khúc bởi ba lần “đừng sợ”: “đừng sợ” 1 (cc.26-27); “đừng sợ” 2 (cc.28-30); “đừng sợ” 3 (cc. 31-32). “Đừng sợ” 3 đóng vai trò như là tóm kết của “đừng sợ” 2. Đoạn văn được khép lại với những hiệu quả dành cho việc đón nhận hay chối từ Đức Giêsu (cc.32-33).

“đừng sợ” 1 (26-27):

-        “đừng sợ” vì không có gì bị che giấu mà không được tỏ lộ

không có gì ẩn giấu mà sẽ không được biết đến

-        Điều được nghe trong trong bóng tối, hãy nói ra trong ánh sáng,

điều nghe trong tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

“đừng sợ” 2 (28-30):

-        “đừng sợ” những người giết thân xác, mà không thể giết linh hồn.

-        Hãy sợ Đấng có thể giết cả linh hồn và thể xác trong gheenna.

-        Con chim sẻ không rơi xuống đất ngoài ý định của Cha.

-        Tất cả những sợi tóc trên đầu anh em đã được đếm rồi.

“đừng sợ” 3 (31-32):

-        “đừng sợ”, anh em có giá trị hơn nhiều chim sẻ.

Hậu quả của việc đón nhận và chối từ (32-33):

-        Những ai nhìn nhận Thầy trước mặt người ta,

-        Được chính Thầy nhìn nhận trước mặt Cha Thầy trên trời.

-        Những ai chối bỏ Thầy trước người ta,

-        Bị chính Thầy chối bỏ trước mặt Cha Thầy trên trời.

Một vài điểm chú giải

1.     “đừng sợ” … hãy sợ: Ba mệnh đề “đừng sợ”, đối lại với một mệnh đề hãy sợ. Sự lặp lại dày đặc của mệnh đề “đừng sợ” chỉ ra một thực tế rằng các môn đệ có quá nhiều điều phải sợ. Chỉ có một điều các ông phải sợ mà thôi. Đó là sợ Đấng có thể giết cả thân xác và linh hồn trong gheenna. Trong ba mệnh lệnh “đừng sợ”, có hai mệnh lệnh đi kèm với liên từ chỉ kết quả “οὖν” (vì thế/ vì vậy): “Vì thế, đừng sợ họ” (Μὴ οὖν φοβηθῆτε αὐτούς: 10,26) và “vì thế, đừng sợ” (10,31: μὴ οὖν φοβεῖσθε). Trong hai mệnh lệnh “đừng sợ” này, mệnh lệnh trước có túc từ là đại từ “họ” (αὐτούς), trong khi đó, mệnh lệnh thứ hai không có túc từ. Muốn biết đại từ “họ” là ám chỉ đến những ai, thì phải đọc lùi lại phía trước câu này. Hơn nữa, vì liên từ “οὖν” là một liên từ chỉ kết quả nên nhất thiết mệnh lệnh “đừng sợ” ở câu 26 phải có liên hệ chặt chẽ với những câu trước đó. Hay nói cách khác, câu 26 có thể là câu kết luận của một loạt diễn giải trước đó. Trước đó, Đức Giêsu đã nói đến những mối đe dọa đến từ người ta và thậm chí cả những người nhà, bắt đầu từ lời cảnh báo: “Thầy sai anh em đi như những con chiên đi vào giữa những con sói, vì thế hãy khôn ngoan như những con rắn và ngây thơ như những con bồ câu” (10,16). Tình trạng những con chiên ở giữa những con sói là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của những con chiên. Những mối nguy hiểm từ người ta là: Các sứ giả sẽ bị nộp cho các tòa án, bị đánh đập trong các hội đường; bị kéo đến trước các lãnh đạo và các vua. Nguy hiểm những người nhà gây ra: Anh sẽ nộp em để bị giết; cha sẽ nộp con và con cái sẽ nổi dậy chống lại cha mẹ khiến cho cha mẹ phải chết. Sau khi đưa ra nhiều mối nguy hiểm mà các sứ giả phải đối diện, Đức Giêsu chốt lại bằng khẳng định: “Môn đệ thì giống như thầy dạy là cùng, và đầy tớ thì giống như chủ của mình. Nếu họ gọi chủ nhà là Beelzebul thì người nhà của ông còn [bị gọi/ bị đối xử] tệ hơn biết bao nhiêu nữa” (10,25). Đây chính là bối cảnh trực tiếp để Đức Giêsu đưa ra khích lệ ở 10,26: “Vì vậy, “đừng sợ” họ”. “Đừng sợ họ”, vì Đức Giêsu, Thầy của các sứ giả cũng chia sẻ số phận thực tế như vậy. Đại từ “họ” ở đây phải hiểu là những thành phần được kể trước đó, những người gây nguy hiểm cho các sứ giả, trong đó, có những người thân trong nhà. Tác giả W. Davies – D. Allison kể ra những thành phần cụ thể như là các kinh sư và những người Pharisêu, các rabbi và lãnh đạo hội đường lúc bấy giờ.[1]

Lần “vì vậy, đừng sợ” thứ hai được đưa ra trong bối cảnh Đức Giêsu khẳng định là: Không con chim sẻ nào trong hai con có giá trị một xu, bị rơi xuống ngoài ý định của Cha của các môn đệ và tất cả những sợi tóc trên đầu đều được đếm cả rồi.” “Đừng sợ”, vì đã có sự quan phòng, chăm sóc kỹ càng của Chúa Cha.

Ngoài hai lần “đừng sợ” vừa được kể, lần “đừng sợ” còn lại, nằm ở giữa hai lần này, không có liên từ “οὖν” đi kèm và có túc từ gián tiếp là “từ những người giết chết thân xác mà không thể giết chết linh hồn”. Có nghĩa là, nỗi sợ hãi gây ra từ những người này. Danh xưng “những người giết chết thân xác” có thể đồng hóa với “họ” trong mệnh lệnh “vì thế, “đừng sợ” họ”. Mệnh lệnh “đừng sợ” lần này đối lại với mệnh lệnh “hãy sợ Đấng…” (sẽ được bàn chi tiết ở phần sau).

2.     Che giấu … được tỏ lộ … ẩn giấu … được biết đến: Đức Giêsu dùng những cặp động từ và khái niệm sóng đôi (điều bị che giấu/ tỏ lộ; điều ẩn giấu/ được biết đến) để mô tả một thực tế hiển nhiên nhằm khích lệ các môn đệ phải nói ra và phải rao giảng. Đại từ bất định “không có điều gì” được đặt trước hai mệnh đệ nhằm tuyệt đối hóa sự hiển nhiên phải được tỏ lộ của bất cứ điều bị che giấu nào, và sự được biết đến của tất cả các điều ẩn giấu. Tác giả Máccô đặt câu này trong bối cảnh Đức Giêsu nói về thực tại hiển nhiên là người ta mang cái đèn đến không phải để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường mà để đặt trên đế (Mc 4,21). Luca cũng đặt câu nói này trong bối cảnh tương tự (Lc 8,16-17).

3.     Trong bóng tối … trong ánh sáng … trong tai (thì thầm) … trên mái nhà: Sau câu nói có tính thành ngữ, cũng với những cặp từ song đối (điều Thầy nói cùng anh em/ hãy nói; trong bóng tối/ trong ánh sáng; điều anh em nghe/ hãy rao giảng; trong tai/ trên mái nhà), Đức Giêsu đi đến chỉ dẫn cụ thể: “Điều Thầy nói cùng anh em trong bóng tối hãy nói trong ánh sáng”. “Bóng tối” ở đây không có nghĩa là “sự xấu, sự dữ”, nhưng là “sự ẩn giấu”, “sự che khuất”, “sự riêng tư”, những điều mà Đức Giêsu nói riêng với các môn đệ, và giải thích cho các môn đệ. “Trong ánh sáng” chủ yếu có nghĩa là công khai, tỏ tường, với công chúng.[2] Điều Đức Giêsu nói, song song với điều các môn đệ “nghe”; trong bóng tối tương đương với trong tai; trong ánh sáng tương đương với trên mái nhà; và “hãy nói” tương đương với “hãy rao giảng”. Mái nhà của vùng Palestine lúc bấy giờ là mái bằng. Đó có thể là một nơi để nghỉ ngơi (Mt 24,17) hay để cầu nguyện (Cv 10,9) và cũng là nơi dễ thấy để công bố điều gì đó cho người ta ở dưới đường.[3] Điều Đức Giêsu nói = điều các môn đệ nghe, bao gồm tất cả những thông điệp Đức Giêsu giảng và những phép lạ Đức Giêsu làm từ Mt 4,12 – 9,35, đặc biệt “Bài Giảng Trên Núi” (Mt 5 – 7) và các phép lạ (Mt 8 – 9). Họ đã được nghe thông điệp “Nước Trời đã đến gần” và chứng kiến sự hiện hữu của Nước Trời nơi quyền năng chữa lành và trừ quỷ của Đức Giêsu. Trong bài giảng bằng dụ ngôn (Mt 13), Đức Giêsu cũng cho thấy các môn đệ là những người được “ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11; Cf. Lc 8,10; Mc 4,10-12). Các nhà thừa sai được khích lệ hãy nói và rao giảng tất cả những điều ấy.[4]

4.     Giết thân xác … không thể giết linh hồn: Chủ đề được chuyển từ mặc khải về cánh chung cho đến ý nghĩa của sự chết.[5] “Linh hồn” đối lại với “thể xác”. Khi dùng cách nói này, Đức Giêsu giả định một niềm tin rằng có một sự sống thật sự sau sự tồn tại về thể lý, để bản ngã thật sự không thể đụng đến bởi cái chết của cơ thể.[6] “Linh hồn” trong quan điểm của người Do Thái có thể đề cập đến cả nguyên lý sự sống, mang đến sự sống cho các sinh vật (cả con người và thú vật) và đến cái bản ngã thực sự của một cá nhân không bao giờ thôi hiện hữu ngay cả khi thể xác chết đi.[7] Hay nói cách khác, linh hồn lìa khỏi thể xác có thể sống và sau cái chết của thể xác và hợp nhất với thân xác phục sinh sau này.[8] “Giết chết thân xác” được phân biệt khỏi “giết chết linh hồn”. “Những kẻ giết chết thể xác” gợi nhớ đến tất cả những đối tượng bách hại sứ giả của Chúa đã được đề cập trước đó (Mt 10,17-25). Các sứ giả của Đức Giêsu trong thời sơ khai đã thực sự bị bách hại và giết chết. Sách Công Vụ ghi lại vô số tình huống, trong đó các sứ giả của Lời bị chống đối, tống ngục và đánh đập. Ông Giacôbê là Tông đồ đầu tiên bị tiểu vương Hêrôđê Agrippa giết chết (Cv 12,2). Ông Stêphanô, một trong bảy người phục vụ, cũng chịu tử đạo (Cv 7,55-60). Đó có thể được xem là những vụ bị “giết chết” thể xác, nhưng linh hồn của họ thuộc về Chúa, và vẫn sống mãi với Chúa.

5.     Đấng có thể hủy diệt … trong Gheenna: Người duy nhất mà các sứ giả Tin Mừng phải kính sợ là “Đấng có thể hủy diệt cả thể xác và linh hồn trong gheenna”. Đấng này có thể là Thiên Chúa.[9] Như đã nói trên, linh hồn con người là bất tử, vẫn tồn tại sau khi thể xác chết đi. “Hủy diệt cả thể xác và linh hồn” sẽ được hiểu như một tình trạng một người bị ở trong “gheenna” vĩnh viễn. Tình trạng “ở trong gheenna” nghĩa là gì? Cụm giới từ “ἐν γεέννῃ” chỉ được sử dụng một lần duy nhất trong Tân Ước. Cụm từ “εἰς τὴν γέενναν” thường xuyên được sử dụng hơn (Mt 5,22.29.30; 18,9; Mc 9,43.45.47; Lc 12,5). Mátthêu là tác giả sử dụng nhiều nhất cụm giới từ này. Có hai lần tác giả nối kết “gheenna” với “lửa” (Mt 5,22; 18,9: Gheenna của lửa). Các cụm từ này được dùng để mô tả hình phạt cánh chung vĩnh viễn. “Bị ném vào gheenna” đối lại với “đi vào sự sống”: “Tốt hơn cho anh khi đi vào sự sống với một con mắt còn hơn bị ném vào gheenna của lửa với hai con mắt” (Mt 18,9; 5,29). Tác giả Luca ca phân biệt ra hai hành động “giết” và “ném vào gheenna”: Tôi sẽ cảnh báo cho anh em Đấng phải sợ: Hãy sợ Đấng mà sau khi giết chết, có quyền ném vào gheenna” (Lc 12,5). Gheenna thường được dịch là “hỏa ngục” (NTT, CGKPV), tương đương với cụm từ “gheenna của lửa” mà tác giả Mátthêu dùng. Bản tiếng Anh dịch là “hell” (ESV, NRS) trong khi đó các bản tiếng Pháp, Ý, Latin, không chuyển ngữ mà chỉ chuyển âm từ tiếng Hy Lạp (TOB: Géhenne; CEI: Geènna; Vul: Gehennam). Danh xưng này có nguồn gốc từ tiếng Hípri (בֶן־הִנֹּם (א)גֵּי: Thung lũng của con trai ông Hinnom). Đó là một hẻm núi phía Nam Jêrusalem, là nơi sau này người Do Thái tin rằng cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa sẽ diễn ra.[10] Tác giả T. Friberg ghi chú thêm rằng nơi hẻm núi này có lửa cháy liên tục để tiếp tục thiêu hủy xác chết của thú vật, tội phạm, rác rưởi, là một nơi kinh khủng cho sự trừng phạt vĩnh viễn dành cho kẻ chết không hiệp thông với Thiên Chúa.[11] Khi nói “hãy sợ Đấng có thể hủy diệt cả xác và hồn trong gheenna”, Đức Giêsu nối kết với hình phạt chung cuộc dành cho những người chối bỏ Người mà Người sẽ nói đến vào cuối đoạn Tin Mừng này. Tình trạng “bị hủy diệt cả xác và hồn trong gheenna” không phải là chết vĩnh viễn, nhưng là tình trạng sống xa cách Chúa, đức vua của cuộc phán xét và sống trong đau khổ mãi mãi, thường được tác giả Mátthêu mô tả như là tình trạng ở “nơi tối tăm bên ngoài” và phải “khóc lóc và nghiến răng” hoài (Mt 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30; Cf. Lc 13,28).

6.     Con chim sẻ … không rơi xuống đất ngoài ý định của Cha: Con chim sẻ là con chim nhỏ được người nghèo ăn. Nó là loại thịt rẻ nhất mà người ta có thể mua trong chợ. Hai con có giá là một xu, có trị giá bằng 1/16 đồng denari (= một ngày lương).[12] Ý muốn nói rằng giá trị của nó rất thấp. Vậy mà, một trong hai con đó rơi xuống, có thể ngụ ý là cái chết của nó, cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa/ hoặc là Thiên Chúa biết đến cái chết của nó. Hình ảnh này cho thấy sự chăm sóc quan phòng của Chúa.[13] So với hai con chim sẻ, con người quý giá hơn rất nhiều, nên việc chết hay sống của con người càng được Thiên Chúa để ý hơn. Và nếu sứ giả có phải chịu tử đạo về phần xác, thì điều đó cũng không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa.[14]

7.     Tất cả những sợi tóc trên đầu … đã được đếm rồi: Tác giả Thánh Vịnh cảm nghiệm kiến thức siêu phàm của Chúa. Người biết mọi sự liên quan đến con người (Tv 139,1-18). Tuy nhiên, ý niệm “đếm toàn bộ tóc” ở đây có lẽ nhấn mạnh đến sự quan tâm tỉ mỉ của Chúa. Ý tưởng về sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con vật rất ít giá trị, được so sánh với mối quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất của “Cha” đối với các môn đệ. Cụm liên từ “δὲ καὶ” (thậm chí) và đại từ bất định “tất cả” đi kèm với cụm danh từ “những sợi tóc trên đầu anh em” là hình thức nhấn mạnh rõ ràng: “Thậm chí những sợi tóc trên đầu anh em, tất cả đã được đếm rồi”. Tác nhân, chủ từ ẩn, của động từ bị động “được đếm” chắc chắn là Thiên Chúa chứ không ai khác. Thì hoàn thành của động từ “đếm”, diễn tả một hành động đã xảy ra và hiệu quả vẫn còn. Nếu như Thiên Chúa quan tâm đến sự sống còn của một sinh vật nhỏ bé, vô giá trị, thì người Cha càng quan tâm đến những người con hơn nhiều. Người quan tâm họ đến từng sợi tóc. Các tác giả Cựu Ước thường dùng cách nói “không một cọng tóc trên đầu của anh ta rơi xuống đất” để mô tả sự an toàn tuyệt đối của một người trong Chúa (1 Sm 14,45; 2 Sm 14,11; 1 V 1,52). Tác giả Luca cũng lặp lại ý tưởng này (Lc 21,18; Cv 27,34). Người Cha, Đấng biết số tóc của từng người môn đệ sẽ bảo đảm rằng không ai trong họ bị hư mất.[15]

8.     Những ai nhìn nhận Thầy … chính Thầy sẽ nhìn nhận người ấy … chối bỏ Thầy … chính Thầy sẽ chối bỏ người ấy: Một lần nữa Đức Giêsu lại dùng các cặp khái niệm sóng đôi (nhìn nhận/chối bỏ; trước mặt người ta/ trước mặt Cha trên trời) để mô tả hiệu quả kèm theo của những chọn lựa và hành động của con người bây giờ và trong ngày cánh chung. Sự hủy diệt cả thân xác và linh hồn trong gheenna nói trên, là hậu quả của việc bị Đức Giêsu, vị quan tòa cánh chung, chối bỏ. Nhìn nhận Đức Giêsu trước mặt người ta đồng nghĩa với việc nói, và rao giảng những điều người ta đã biết về chính con người của Đức Giêsu, cũng như sống và rao truyền thông điệp Tin Mừng Nước Trời của Người.[16] Ngược lại, chối bỏ Đức Giêsu trước mặt người ta có nghĩa là chối từ chính Đức Giêsu, coi Người như người xa lạ cũng như không sống và rao giảng sứ điệp Tin Mừng của Người. Tác giả Máccô diễn tả sự chối bỏ bằng ngôn từ cảm xúc: “Những ai xấu hổ vì Tôi và vì những lời của Tôi trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi, Con Người cũng sẽ xấu hổ vì họ khi Người đến trong vinh quang của Cha Người với các sứ giả thánh” (Mc 8,38). Vụ chối từ nổi tiếng nhất được tất cả các tác giả sách Tin Mừng ghi lại là vụ chối từ của môn đệ Phêrô. Ông đã chối là không biết Đức Giêsu đến ba lần (Mt 26,69-75; Mc 14,66-72; Lc 22,55-62; Ga 18,15-18.25-27). Tuy nhiên, sự chối từ của Phêrô chỉ là sự yếu đuối của phận người trong khoảnh khắc của tiến trình cả cuộc đời yêu Chúa và cuối cùng hy sinh vì Chúa. Chính vì thế, ông không bị Đức Giêsu chối từ trước mặt Cha trên trời. Sự chối từ của Đức Giêsu được minh họa trong trình thuật nói về cuộc xét xử cánh chung: “Quân bị nguyền rủa kia, đi khỏi ta, vào lửa đời đời đã được chuẩn bị cho quỷ và các sứ giả của nó” (Mt 25,41). Tương tự, ông chủ tiệc trong dụ ngôn “mười người trinh nữ” cũng nói cùng “năm cô trinh nữ khờ dại rằng”: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả” (Mt 25,12). Những người từ chối Đức Giêsu, theo tác giả Luca, có thể là “những người làm điều bất chính”. Đức Giêsu, như là ông chủ nhà đóng cửa lại vào thời điểm cuối cùng và nói với những người ở ngoài là: “Ta không biết các anh từ đâu đến…Hãy đi khỏi Ta. Hỡi những kẻ làm điều bất chính” (Lc 13,27). Cách nói “Ai nhìn nhận Thầy … Chính Thầy cũng sẽ nhìn nhận … Ai chối từ Thầy … Chính Thầy cũng chối từ …” không diễn tả tính trả đũa của Đức Giêsu, nhưng cho thấy tính chất nghiêm túc và công minh của cuộc xét xử. Đức Giêsu làm tất cả mọi sự để cho tất cả mọi người đều được cứu độ, được sống vĩnh cửu, nhưng nếu người ta không tin nhận Người và sứ điệp của Người, không sống theo những giá trị Tin Mừng, thì Đức Giêsu cũng không thể cứu được họ.

Bình luận tổng quát

“Bài giảng về sứ vụ” dành riêng cho các sứ giả đến với các con chiên lạc nhà Israel được tiếp nối với điệp khúc “đừng sợ”. Các sứ giả có lý do để sợ vì trước đó Đức Giêsu đã nói trước sự hiểm nguy đang chờ đón các sứ giả. Sự hiểm nguy đe dọa các sứ giả được ví như “những con chiên đi vào giữa những con sói”. Họ có thể bị nộp cho quan quyền, bị đánh đập trong các hội đường. Nghiệt ngã nhất là họ bị chính những người thân trong gia đình trao nộp. Tuy nhiên, các sứ giả cũng có lý do để “không sợ”. Bởi lẽ, họ đang chia sẻ chính những mối nguy hiểm, khó khăn mà Thầy Giêsu đã, đang và sẽ chịu cho đến chết. Các sứ giả không “được sợ” nói ra và rao giảng tất cả những gì họ đã được nghe, được thấy từ Đức Giêsu, nhất là thông điệp “Nước Trời đã đến gần”. Họ không được sợ những người bách hại, những người được ví như là những kẻ giết chết thân xác, mà không giết được linh hồn. Bởi lẽ, nếu họ sợ những người này, họ có nguy cơ không kính sợ Đấng mà họ cần phải sợ. Đó là Thiên Chúa, Đấng có thể hủy diệt cả thân xác và linh hồn trong gheenna. Nghĩa là, sợ phải ở trong tình trạng xa Chúa mãi mãi, ở trong bóng tối, phải đau khổ khóc lóc và nghiến răng vĩnh viễn. Khi không sợ “những người giết thân xác”, các sứ giả mới có thể nhìn nhận Đức Giêsu, qua lời rao giảng, bằng lối sống Tin Mừng, trước mặt người ta. Qua đó, họ được Đức Giêsu nhìn nhận trước mặt Cha trên trời, đồng nghĩa với việc được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa. Ngược lại, nếu các sứ giả hoảng sợ trước sự bách hại, sợ chết về thể xác, họ sẽ sẵn sàng chối bỏ Đức Giêsu và giáo huấn của Người. Hậu quả là, họ bị Đức Giêsu chối từ: “Ta không biết các ngươi là ai. Hãy đi khỏi Ta vào lửa đời đời”. Ngoài lý do được chia sẻ đau khổ cùng với Thầy Giêsu, các sứ giả còn được Người bảo đảm rằng “tất cả tóc trên đầu, Người đã đếm cả rồi”, đồng nghĩa với ý định tình yêu quan phòng của “Cha trên trời” dành cho từng sứ giả Tin Mừng. Đó là lý do nền tảng để họ “đừng sợ”, thậm chí họ có thể phải chịu tử đạo, chịu chết về thể xác, điều đó cũng không nằm ngoài ý định quan phòng của Chúa.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] “Who are ‘they’ (αὐτούς)? They must be those who have called the master Beelzebul and maligned the disciples (10:25). That is, they must be the scribes and Pharisees (see on 10:25). Matthew probably had in mind the rabbis and synagogue leaders of his day who made life difficult for the Jewish Christians they perceived as contumacious” [W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 203].

[2]Dark may be “in secret” or “in private.” To say “in the night” would probably not reflect the meaning of Jesus here. Light is translated “broad daylight” by TEV and NEB, while NJB has “daylight.” Light can also be understood to mean “publicly,” “where everyone can hear you” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 306.

[3] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 403.

[4] “This would be consistent with his desire to encourage the missionary to preach the gospel in season and out of season, under all circumstances” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Matthew, 204).

[5] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Matthew, 205.

[6] “The body/soul contrast (see p. 399, n. 4), when used in relation to execution, presupposes that there is a true life which goes beyond mere physical existence, so that the real “self” is untouched by the death of the body alone” (Ibid.).

[7] The saying presupposes an anthropology in which the soul (psyche) is one's real self and the body (soma) is the perishable shell. The only one capable of killing both soul and body is God. The point is: Fear God rather than human beings. [D.J. Harrington, The Gospel of Matthew (SP1; Collegeville, 1997) 150].

[8] W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Matthew, 206.

[9] “The “one” who has the power to destroy in hell is of course God himself; there is no suggestion in biblical literature that the devil has the power of judgment, nor that God’s people should fear him, nor is the devil referred to at all in this context” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 403).

[10] W. ARNDT ET AL., A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (BDAG), 191.

[11]T. Friberg, Analytical Lexicon of Greek New Testament (Victoria 2005) 96.

[12] D.J. Harrington, The Gospel of Matthew, 150; “Sparrows were the cheapest commodity sold in the markets (as food for the poor), probably sold both in pairs and by fives (Deissmann 1978: 272–73); an assarion was a small coin that varied in value over time, but in the Roman east sometimes ranked less than one-sixteenth of a denarius, thus equivalent to less than an hour’s wage (cf. 5:26; MacDonald 1989; Wheaton 1982: 792). Yet as worthless as sparrows were to people, God watched over them” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 327].

[13] “The comparison with birds will be taken up again in the next verse, but first a further vivid image to convey God’s providential care” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 404).

[14] “This verse does not exclude the prospect of martyrdom but rather implies that, if it comes, it will be in accord with God’s will. Although God may not nip evil in the bud, ultimately good will out … God who, in the words of St. Basil the Great, ‘lives in the highest and cares for the humblest’, cares even for the sparrow. How much more deeply then must he feel for those made in his image? They must be of incomparable value” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Matthew, 209-210).

[15] Ibid; “This was good Jewish teaching (Bultmann 1968:107), fitting the biblical perspective of a God sovereign over history. Indeed, he has counted every hair on his people’s heads” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 327).

[16] “The issue is not merely obedience to Jesus’ teaching, but the explicit “acknowledgement” of him as Lord before a hostile world” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 405).

No comments:

Post a Comment