Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
16
Bằng cách thức như vậy, Thiên Chúa yêu thế giới, với kết quả là, Người đã
trao tặng Người Con duy nhất, để bất cứ ai tin vào Người thì không chết,
nhưng có sự sống đời đời. 17
Vì không phải Thiên Chúa gửi Người Con vào thế giới, để kết án thế giới,
nhưng để thế giới được cứu nhờ Người. 18
Người tin vào Người thì không bị xét xử; Nhưng người không tin thì đã bị xét
xử rồi, vì đã không tin vào danh của người Con Một Thiên Chúa. 19
Đây là bản án: Ánh sáng đã đến thế gian nhưng người ta đã yêu bóng tối hơn
ánh sáng, vì những công việc của họ đều xấu xa. 20
Vì bất cứ ai làm điều xấu thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để những
công việc của họ không bị mang ra ánh sáng. 21
Ai thực thi chân lý, thì đến cùng ánh sáng để những công việc của người ấy,
được thực hiện trong Chúa được, tỏ hiện |
16 οὕτως γὰρ ἠγάπησεν ὁ
θεὸς τὸν κόσμον, ὥστε τὸν υἱὸν τὸν μονογενῆ ἔδωκεν, ἵνα πᾶς ὁ πιστεύων εἰς αὐτὸν
μὴ ἀπόληται ἀλλ᾽ ἔχῃ ζωὴν αἰώνιον. 17 οὐ γὰρ ἀπέστειλεν ὁ θεὸς τὸν υἱὸν
εἰς τὸν κόσμον ἵνα κρίνῃ τὸν κόσμον, ἀλλ᾽ ἵνα σωθῇ ὁ κόσμος δι᾽ αὐτοῦ. 18 ὁ πιστεύων εἰς αὐτὸν οὐ κρίνεται· ὁ
δὲ μὴ πιστεύων ἤδη κέκριται, ὅτι μὴ πεπίστευκεν εἰς τὸ ὄνομα τοῦ μονογενοῦς υἱοῦ
τοῦ θεοῦ. 19 αὕτη δέ ἐστιν ἡ κρίσις ὅτι τὸ φῶς ἐλήλυθεν
εἰς τὸν κόσμον καὶ ἠγάπησαν οἱ ἄνθρωποι μᾶλλον τὸ σκότος ἢ τὸ φῶς· ἦν γὰρ αὐτῶν
πονηρὰ τὰ ἔργα. 20 πᾶς γὰρ ὁ φαῦλα πράσσων μισεῖ τὸ φῶς
καὶ οὐκ ἔρχεται πρὸς τὸ φῶς, ἵνα μὴ ἐλεγχθῇ τὰ ἔργα αὐτοῦ· 21 ὁ δὲ ποιῶν τὴν ἀλήθειαν ἔρχεται πρὸς
τὸ φῶς, ἵνα φανερωθῇ αὐτοῦ τὰ ἔργα ὅτι ἐν θεῷ ἐστιν εἰργασμένα. (Jn. 3:16-21 BGT) |
Bối cảnh
Đoạn văn Ga
3,16-21 được trích ra từ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô (Ga
3,1-21) về sự tái sinh và phần thưởng được vào Nước Thiên Chúa. Đoạn văn này có
những chủ đề liên tục với đoạn văn trước và sau đó. Đó là chủ đề về căn tính
“Người Con” và nguồn gốc của Người Con, cũng như đức tin và ơn cứu độ. Trong bối
cảnh trực tiếp, đoạn văn này nối tiếp sau đoạn văn nói về nguồn gốc của Con Người:
“Đi xuống từ trời” và “được nâng lên để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”
(Ga 3,13). Tiếp theo sau đoạn văn này, ông Gioan Tẩy Giả nói về nguồn gốc “trên
cao” của Đức Giêsu cũng như về địa vị của Người: Người Con. Ý tưởng “ai tin thì
được sống muôn đời” như một sợi chỉ đỏ nối kết cả ba đoạn văn (Ga 3,15; 3,16;
3,36), và toàn thể Tin Meng Gioan. Ý tưởng rằng Thiên Chúa gửi Con của Người đến
thế giới để thế giới nhờ Con của Người mà được ứu độ rất giống với ý tưởng rằng
Thiên Chúa gửi Con Một đến đến thế giới để nhờ Con Một của Người mà chúng ta có
sự sống, đã được nhắc đến trong Thư Thứ Nhất của Gioan (1 Ga 4,9).
Cấu trúc
Yêu
và trao tặng (16-18): Thiên Chúa yêu thế giới, đã trao tặng Người Con duy nhất, để ai tin vào Người thì không chết, nhưng có sự sống đời đời. Không phải Thiên Chúa sai Người Con vào thế giới để kết án thế giới,
để thế giới được cứu nhờ Người Người tin vào Người thì không bị xét xử người không tin thì
đã bị xét xử rồi Bản
án (19-21): Ánh sáng đã đến thế gian người ta đã yêu bóng tối hơn ánh sáng, vì những công việc của họ đều xấu xa. Ai làm điều xấu ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để những công việc của họ không bị mang ra ánh
sáng. Ai làm điều chân
thật đến cùng ánh sáng để những công việc của người ấy tỏ hiện |
Một số điểm chú giải
1. Trao tặng Con Trai duy nhất: Trao tặng Người Con duy nhất là hiệu quả của tình yêu
Thiên Chúa dành cho thế giới. Liên từ bổ trợ “ὥστε” diễn tả kết quả của hành động yêu (với
kết quả là, vì lý do đó). Trạng từ “οὕτως” (như thế, bằng cách này) được đặt đầu mệnh đề “vì Thiên
Chúa yêu thế giới, do vậy, đã trao ban …” để nối kết mệnh đề này với ý tưởng
“Con Người được nâng lên, để ai tin vào Người có thể có sự sống đời đời” được
nói đến trước đó (3,15). Hình ảnh “được nâng lên” vừa nối kết với hình ảnh “ông
Môsê nâng cao con rắn trong sa mạc”, vừa nối kết với ý tưởng “Thiên Chúa trao
ban Con Một” xuất phát từ tình yêu dành cho thế giới. Danh xưng “Con Trai Duy
Nhất” (τὸν υἱὸν τὸν μονογενη) là một danh xưng đặc trưng của Tin Mừng thứ tư (x. Ga
1,14.18; 3,16.18). Trong đoạn văn này, danh xưng này được dùng hai lần: Một lần
đứng riêng (3,16) và lần thứ hai kèm theo bổ ngữ “của Thiên Chúa” (Con Trai Duy
Nhất của Thiên Chúa, 3,18). Trao tặng “Con Trai Duy Nhất” nghĩa là trao tặng điều
quý giá nhất mà mình có. Hành động “trao tặng” được đặt song song với hành động
“gửi đến thế giới”. “Gửi đến” có thể được hiểu như là cách thức trao tặng.
Thiên Chúa trao tặng Con Trai Duy Nhất bằng cách gửi Người vào thế giới.
2. Ai tin … có sự sống đời đời: Người tin vào Đức Giêsu không bị chết nhưng có sự sống đời
đời. Ý tưởng này lặp lại gần như nguyên vẹn câu nói trước đó (Ga 3,15). Mối
liên hệ nguyên nhân – kết quả giữa tin và có sự sống đời đời được lặp đi lặp lại
nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư (Ga 3,36; 6,40; 6,47). Có khi đối tượng của niềm
tin được đổi thành “Đấng đã sai tôi”: Người nghe lời của tôi và tin vào Đấng đã
sai tôi, có sự sống đời đời (Ga 5,24). Đoạn kết của Tin Mừng thứ tư nói đến mục
đích của tất cả những gì được viết trong Tin Mừng này là “để anh chị em có thể
tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và nhờ tin mà anh chị em có thể
có sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Trong đoạn văn này, hồng ân “có sự sống
đời đời” được đặt song song với hồng ân “được cứu độ nhờ danh của Người”. Như vậy,
được cứu độ có thể đồng nghĩa với có sự sống đời đời, hay được cứu độ thì mới
có sự sống đời đời.
3. Không phải để kết án: Việc Thiên Chúa gửi Con Trai đến phát xuất từ tình yêu và sự trao ban
dành cho thế giới. Chính vì vậy, thật hợp lý khi Đức Giêsu tiếp tục cho biết mục
đích của Thiên Chúa khi gửi Người vào thế giới rõ ràng là mang lại ơn cứu độ
cho thế gian, chứ không phải kết án. “Không đi vào cuộc xét xử” (không bị xét xử),
trong Tin Mừng thứ tư được diễn giải theo một cách khác là là có sự sống đời đời,
hay đi ra khỏi cõi chết, mà đi vào cõi sống (Ga 5,24). Lương thực của Đức Giêsu
là “thi hành ý của Đấng đã gửi Người đến” (Ga 4,34), mà ý của Đấng gửi Đức
Giêsu đến là “tất cả những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người, Người sẽ không để mất
một ai nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày cuối cùng” (Ga 6,38.39; 18,9).
4. Người tin … không bị xét xử … người không tin … bị xét xử: Mặc dù đã diễn tả rõ ràng, “kết án”
không phải là mục đích của Người khi đi vào trần gian, nhưng Đức Giêsu ngay lập
tức lại nói đến việc “kết án” (hay xét xử). Động từ “κρίνω” có thể được hiểu là “xét xử” hay “kết
án”, hoặc “đưa ra bản án”. Bản án là kết quả cuối cùng của quá trình xét xử.
Trong bối cảnh này “đưa ra bản án” có vẻ phù hợp hơn, vì ngay sau đó, động từ
này đã được dùng ở thì hoàn thành, diễn tả một hành động đã kết thúc, nhưng hiệu
quả còn kéo dài (ἤδη κέκριται). Trạng từ “ἤδη” (rồi) được đặt trước động từ “kết án” để nhấn mạnh sự
hoàn thành của hành động “đưa ra bản án”. Hơn nữa, tiếp theo sau đó, Đức Giêsu
sẽ nói đến một bản án cụ thể: Đây là bản án ấy (αὕτη δέ ἐστιν ἡ κρίσις). Động từ “kết án” được dùng ở thể bị
động, không đề cập đến tác nhân của hành động kết án. Tác nhân này, bình thường,
có thể hiểu ngầm là Thiên Chúa (bị động thần linh). Tuy nhiên, trong bối cảnh
này, Đức Giêsu đã cho biết trước là Thiên Chúa sai Con Trai đến không phải để kết
án, nên tác nhân của hành động “kết án đã xảy ra rồi” chính là chọn lựa của chủ
thể bị kết án. Nói cách khác, hành động không tin của chủ thể đã kết án chính họ,
chứ không phải Thiên Chúa. Mỗi người có thể chọn lựa “bị kết án” hoặc “không bị
kết án” bằng hành động “tin” hoặc “không tin” vào danh Con Trai Một của Thiên
Chúa.
5. Bản án (ἡ
κρίσις): Sau khi đã nói về “việc bị kết án” của người “không tin vào
danh Con Trai Một của Thiên Chúa”, Đức Giêsu mô tả chi tiết hơn về bản án. Đó
là một bản án không đến từ tòa án, được chánh án công bố, nhưng đến từ những chọn
lựa hành động thường ngày của mọi người trước mắt Thiên Chúa.
6. Ánh sáng … bóng tối: Trong các Tin Mừng Nhất Lãm Đức Giêsu được mô tả như là “ánh sáng”. Tác
giả Mátthêu đã mô tả khung cảnh Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng lời sấm của ngôn
sứ Isaiah: “Dân chúng đang ngồi trong bóng tối, thấy một ánh sáng chói lòa, và
những ai ở trong vùng và bóng râm của sự chết, một ánh sáng chiếu tỏa trên họ”
(Mt 4,16; Cf. lc 1,79; Is 9,1). Tác giả Luca mô tả Đức Giêsu là “ánh sáng soi
đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,33; Is 42,6;
49,6; 46,13). Tuy nhiên, không có tác giả nào dùng danh từ “ánh sáng” nhiều như
tác giả Tin Mừng thứ tư. “Ánh sáng” và “bóng tối” là cặp khái niệm song đối được
tác giả Gioan sử dụng thường xuyên. Ngay từ trong Lời Tựa, tác giả đã giới thiệu
rằng: “Điều được tạo thành trong Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho
nhân loại” (Ga 1,4). Ông Gioan (Tẩy Giả) không phải là ánh sáng, nhưng ông đến
để làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,7-8). Ánh sáng đó được
tác giả khẳng định rõ ràng là chính Ngôi Lời: Ngôi Lời là “ánh sáng thật (τὸ
φῶς τὸ ἀληθινόν), ánh
sáng chiếu soi tất cả mọi người, đến trong thế giới” (Ga 1,9; Cf. 12,35-36).
Sau này, chính Đức Giêsu cũng tự giới thiệu mình là “ánh sáng thế giới”: “Tôi
là ánh sáng thế giới. Ai theo tôi sẽ không đi trong bóng tối nhưng sẽ nhận được
ánh sáng” (Ga 8,12; 12,46). Trong câu chuyện “chữa lành người mù từ thuở mới
sinh” (Ga 9,1-41), Đức Giêsu đã chứng tỏ cách sống động rằng Người là “ánh sáng
thế giới”, qua việc mang lại ánh sáng thể lý, và nhất là ánh sáng đức tin cho
anh mù. Tuy nhiên, tác giả Tin Mừng thứ tư cũng cho thấy sự tồn tại của “bóng tối”.
Bóng tối là hình ảnh của Xatan (x.Cv 26,18), đối lại với Đức Giêsu. Ngay từ đầu
tác giả cũng cho thấy cuộc chiến giữa bóng ánh sáng và bóng tối, và ánh sáng
hoàn toàn vượt trội bóng tối: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối
không vượt thắng được nó” (Ga 1,5).
7. Yêu bóng tối hơn ánh sáng ... người làm điều xấu … ghét ánh sáng … không
đến cùng ánh sáng: Sự
phân chia giữa hai nhóm người được mô tả khá rõ trong bản án này. Cách chung, Đức
Giêsu cho thấy thực tại đáng buồn là người ta “yêu bóng tối hơn ánh sáng”. Lý do của việc “yêu bóng tối hơn ánh
sáng” được diễn giải cách cụ thể hơn là “vì những việc làm của họ đều xấu xa”. Ở
đây “yêu bóng tối” được đồng hóa với “những việc làm xấu”. Người làm những điều
xấu thì thường ghét ánh sáng, và không đến cùng ánh sáng, nếu không, những việc
xấu của họ sẽ bị phơi bày. Một vòng tròn khép kín khởi đi từ việc “yêu bóng tối
hơn ánh sáng”: Yêu bóng tối hơn ánh sáng vì việc làm của họ thì xấu xa – làm việc
xấu xa thì ghét ánh sáng – ghét ánh sáng thì không đến cùng ánh sáng – để những
việc xấu khỏi bị phơi bày. Vì những việc xấu ở đây đối lại với “chân lý”, nên
có thể hiểu những việc xấu là “sự dối trá”. Bóng tối = những việc xấu xa = sự dối
trá = quỷ. Trong cuộc tranh luận với những người Do Thái, Đức Giêsu khẳng định
quỷ là cha của kẻ dối trá, và sự thật không ở trong nó (Ga 8,44). Yêu bóng tối,
làm điều xấu, điều dối trá là làm những việc của quỷ và là con cái của quỷ.
8. Người thực thi chân lý … đến cùng ánh sáng … để việc làm được tỏ lộ: Nhóm người thứ hai đối lại với nhóm
người thứ nhất: Người thực thi chân lý, đối lại với người làm điều xấu xa. “Chân
lý” có mạo từ (τὴν ἀλήθειαν) có thể hiểu như là chính Đức Giêsu, hoặc là những điều
Đức Giêsu dạy (Ga 8,40.45.46), và làm chứng cho (Ga 18,37-38). Trong Tin Mừng thứ
tư, Đức Giêsu đã khẳng định rằng Người là “chân lý”: “Chính tôi là con đường là
sự thật và là sự sống, không ai có thể đến với Chúa Cha, ngoại trừ đi qua tôi”
(Ga 14,6); “Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ông” (Ga 8,32).
Trong bối cảnh này, vì “chân lý” là túc từ của hành động làm, nên chân lý, tốt
hơn, nên được hiểu là những điều Đức Giêsu dạy và làm chứng. Hơn nữa, vì ở đây,
nó đối lại với “những việc xấu xa” nên, nó cũng có thể được hiểu như là những “việc
tốt lành”. “Thực thi chân lý” = làm những việc tốt lành. Ngoài ra, “những việc
này” còn được mô tả là “những việc đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (τὰ ἔργα
ὅτι ἐν θεῷ ἐστιν εἰργασμένα: Ga 3,21). Cụm giới từ “trong Thiên
Chúa” (ἐν θεῷ) có thể được hiểu như là “với Thiên Chúa”, hoặc “trong đường lối, chỉ dẫn
của Thiên Chúa”. Nếu như người yêu bóng tối hơn ánh sáng ghét ánh sáng và không
đến cùng ánh sáng để những việc xấu khỏi được phơi bày, thì người thực thi chân
lý chủ động đến cùng ánh sáng để “các việc đươc thực thi trong Thiên Chúa được
tỏ lộ”. Đức Giêsu của tác giả Mátthêu cũng diễn tả điều tương tự trong Bài Giảng
Trên Núi: “Chính anh em là ánh sáng cho thế giới… một thành được tạo lập trên
núi không thể nào bị che khuất được … cũng vậy ánh sáng của anh em phải chiếu tỏa
trước người ta, như thế, họ sẽ thấy những công việc tốt đẹp của anh em mà tôn
vinh Cha của anh em ở trên trời” (Mt 5,14-16).
Bình luận tổng
quát
Việc Đức Giêsu được “nâng cao”, nghĩa là
được treo trên thập giá (Ga 3,15), được tác giả Tin Mừng thứ tư tiếp tục mô tả
như là hạnh động cao cả nhất của Thiên Chúa Tình Yêu. Người yêu thế gian đến mức
trao tặng chính “Con Trai Một”. Hành vị trao tặng, lại được diễn giải bằng hành
động “gửi đến trong thế giới”. Sự trao tặng, bằng việc “gửi đến thế giới”, rồi “được
nâng lên” đều nhằm một mục đích là để ai tin vào “Con Trai” của Người thì khỏi
phải chết, nhưng có sự sống đời đời. Muốn có sự sống đời đời thì phải không bị
kết án và được cứu độ. Dĩ nhiên, Đức Giêsu được sai đến không phải để kết án
nhân loại nhưng để cứu độ nhân loại. Tuy nhiên, chính sự chọn lựa và hành động
của mỗi người trong đời sống thường ngày là những quan tòa và bản án cho họ. Một
khi người ta yêu bóng tối, tức là Xatan, cùng những hành vi của nó, người ta sẽ
làm những điều xấu, thực thi những việc dối trá. Khi đã thực hiện những điều dối
trá, người ta lại ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng để che dấu những
hành động xấu xa của mình. Ngược lại, chỉ những người thực thi chân lý, những
việc tốt lành, những việc được thực hiện trong Thiên Chúa, mới chủ động đến cùng
ánh sáng, tức là Đức Giêsu để những việc tốt lành được tỏ hiện. Những người thực
thi chân lý, cũng chính là những người tin và thể hiện niềm tin vào Con Trai Một
của Thiên Chúa và chắc chắn có được sự sống đời đời mà Chúa hứa ban. Như thế, hành
trình bước vào sự sống đời đời bắt đầu từ những chọn lựa thường ngày: (1) Chọn
lựa Đấng là ánh sáng, là chân lý và là con đượng; (2) Thực thi chân lý, làm những
việc tốt lành với Chúa và trong Thiên Chúa. Ngược lại chọn lựa bóng tối, làm những
việc xấu xa, những điều dối trá, là chọn lựa địa ngục và sự chết vĩnh cửu. Thiên Chúa Tình Yêu đã ban tặng mọi sự cho con người để cứu con người và ban cho họ sự sống đời đời với Người. Người không mong họ đáp đền tương xứng, nhưng chỉ mong họ có thể đón nhận quà tặng ấy để được sống.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment