Thursday, 8 June 2023

SỐNG NHỜ SỨC SỐNG CỦA GIÊSU. Chú Giải Tin Mừng CN XX TN B (Ga 6,51-58) và Lễ Mình Máu Chúa (Ga 6,48-59); Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

48 Chính tôi là bánh của sự sống.

49 Cha ông các người đã ăn manna trong sa mạc và đã chết.

50 Đây là bánh, Đấng đi xuống từ trời để ai ăn nó thì không chết.

51 Chính tôi là bánh hằng sống, Đấng đi xuống từ trời. Ai ăn bánh này sẽ sống mãi mãi, và bánh mà tôi ban cho vì sự sống của thế giới chính là thịt tôi.

52 Những người Do Thái bàn luận với nhau rằng: làm sao người này có thể ban cho chúng ta thịt của mình để ăn.

53 Đức Giêsu nói cùng họ rằng: Amen, amen, tôi nói cùng các người, ngoại trừ các người ăn thịt của Con Người và uống máu của Người, các người sẽ không có sự sống nơi chính mình.

54 Người ăn thịt tôi và uống máu tôi có sự sống mãi mãi, và chính tôi sẽ phục sinh người ấy trong ngày sau hết.

55 Bởi vì, thịt tôi thật sự là thức ăn và máu tôi thực sự là thức uống.

56 Người ăn thịt tôi và uống máu tôi ở lại trong tôi chính tôi ở trong người ấy.

57 Hệt như Cha hằng sống gửi tôi đến, và chính tôi sống nhờ Cha, người ăn tôi, chính người ấy sẽ sống nhờ tôi.

58 Đây là bánh, Đấng đi xuống từ trời, không phải như cha ông các người đã ăn và đã chết, người ăn bánh này sẽ sống mãi mãi.

59 Đức Giêsu nói những điều này trong hội đường khi Người giảng dạy tại Caphácnaoum

48 Ἐγώ εἰμι ἄρτος τῆς ζωῆς.

49 οἱ πατέρες ὑμῶν ἔφαγον ἐν τῇ ἐρήμῳ τὸ μάννα καὶ ἀπέθανον·

 50 οὗτός ἐστιν ἄρτος ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβαίνων, ἵνα τις ἐξ αὐτοῦ φάγῃ καὶ μὴ ἀποθάνῃ.

51 ἐγώ εἰμι ἄρτος ζῶν ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβάς· ἐάν τις φάγῃ ἐκ τούτου τοῦ ἄρτου ζήσει εἰς τὸν αἰῶνα, καὶ ἄρτος δὲ ὃν ἐγὼ δώσω σάρξ μού ἐστιν ὑπὲρ τῆς τοῦ κόσμου ζωῆς.

 52 Ἐμάχοντο οὖν πρὸς ἀλλήλους οἱ Ἰουδαῖοι λέγοντες· πῶς δύναται οὗτος ἡμῖν δοῦναι τὴν σάρκα [αὐτοῦ] φαγεῖν;

 53 εἶπεν οὖν αὐτοῖς Ἰησοῦς· ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ἐὰν μὴ φάγητε τὴν σάρκα τοῦ υἱοῦ τοῦ ἀνθρώπου καὶ πίητε αὐτοῦ τὸ αἷμα, οὐκ ἔχετε ζωὴν ἐν ἑαυτοῖς.

 54 τρώγων μου τὴν σάρκα καὶ πίνων μου τὸ αἷμα ἔχει ζωὴν αἰώνιον, κἀγὼ ἀναστήσω αὐτὸν τῇ ἐσχάτῃ ἡμέρᾳ.

 55 γὰρ σάρξ μου ἀληθής ἐστιν βρῶσις, καὶ τὸ αἷμά μου ἀληθής ἐστιν πόσις.

 56 τρώγων μου τὴν σάρκα καὶ πίνων μου τὸ αἷμα ἐν ἐμοὶ μένει κἀγὼ ἐν αὐτῷ.

 57 καθὼς ἀπέστειλέν με ζῶν πατὴρ κἀγὼ ζῶ διὰ τὸν πατέρα, καὶ τρώγων με κἀκεῖνος ζήσει δι᾽ ἐμέ.

 58 οὗτός ἐστιν ἄρτος ἐξ οὐρανοῦ καταβάς, οὐ καθὼς ἔφαγον οἱ πατέρες καὶ ἀπέθανον· τρώγων τοῦτον τὸν ἄρτον ζήσει εἰς τὸν αἰῶνα.

 59Ταῦτα εἶπεν ἐν συναγωγῇ διδάσκων ἐν Καφαρναούμ. (Jn. 6:51-59 BGT)

 

Bối cảnh

Đoạn Tin Mừng Ga 6,48-59, được trích ra từ bài giảng thường được gọi là Diễn Từ Bánh Trường Sinh được Đức Giêsu giảng tại Caphácnaoum, vào dịp Lễ Vượt Qua (Ga 6,22-71). Diễn từ này được diễn ra trong bối cảnh dân chúng đi tìm Đức Giêsu sau khi Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn (Ga 6,1-15). Đức Giêsu khéo léo nối kết từ hình ảnh bánh mì thường ngày đến hình ảnh bánh trường sinh; từ cơn đói thức ăn thể lý nuôi sống cơ thể thể lý, đến cơn đói thức ăn tâm linh mang lại sự sống mãi mãi. Có thể nói, Đức Giêsu của tác giả Gioan muốn diễn giải về ý nghĩa của Mình và Máu Chúa, bí tích được Người thiết lập trong Bữa Ăn cuối cùng, ý nghĩa mà các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn thiếu. Như thế, diễn từ này nối kết với truyền thống Bí Tích Thánh Thể của Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 14,22-25; Mt 26,26-29; Lc 22,19-20), và thư thánh Phaolô (1 Cr 11,23-25), cũng như truyền thống cử hành Bẻ Bánh của các Kitô hữu sơ khai, được tác giả sách Luca và Công Vụ nói đến (Lc 24,35; Cv 2,42.46). Hơn nữa, diễn từ này cũng nối kết sâu rộng với truyền thống Manna trong trình thuật thời lang thang trong sa mạc (Xh 16; Ds 11; Đnl 8,3.16; Tv 78,24; Nkm 9,20).

Cấu trúc

Đoạn Tin Mừng Ga 6,48-59 được đóng khung bằng ý tưởng bánh sự sống – đi xuống từ trời – ai ăn bánh ấy sẽ sống mãi mãi. Phần ở giữa là diễn giải về bánh, gồm hai ý tưởng song song nhấn mạnh bánh chính là thịt và máu của Đức Giêsu. Và đi kèm theo hai ý tưởng ấy là những phần về ý nghĩa của việc ăn mình và uống máu Đức Giêsu: Có sự sống, được sống lại, sống mãi mãi, ở lại trong Đức Giêsu.

Bánh sự sống – ai ăn sẽ không chết (48-50)

Bánh hằng sống – từ trời đi xuống – ai ăn sẽ sống mãi mãi (51a)

Bánh tôi ban – chính là thịt tôi (51b)

Ngoại trừ ăn thịt và uống máu – sẽ không có sự sống nơi mình (52-53)

Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu sẽ sống mãi mãi – được phục sinh (54)

Thịt của Đức Giêsu thật sự là thức ăn và máu Người là thức uống (55)

Ăn thịt và uống máu thì ở lại trong Đức Giêsu (56)

Người ăn Đức Giêsu sẽ sống nhờ Người, như Đức Giêsu sống nhờ Cha (57)

Bánh đi xuống từ trời – ai ăn sẽ sống mãi mãi (58)

Kết: bối cảnh diễn từ: khi giảng tại Caphácnaoum (59)

Một vài điểm chú giải

1.   Bánh sự sống – bánh hằng sống – Đấng đi xuống từ trời: Trong đoạn văn này Đức Giêsu sử dụng hai lần cấu trúc “Εγώ εἰμι” (tôi là) để mô tả căn tính của mình: Tôi là bánh của sự sống (6,48) và tôi là bánh hằng sống (6,51). Trong ngôn ngữ Hy Lạp, một ngôn ngữ ít khi đại từ được dùng, nếu như không có ý nhấn mạnh cách nào đó. Trong Tin Mừng thứ tư cách nói “Εγώ εἰμι” được dùng rất nhiều lần. Riêng trong diễn từ “Bánh Hằng Sống” (Ga 6,22-59), Đức Giêsu sử dụng cụm từ này đến bốn lần (6,35.41.48.51), trong đó có hai lần Đức Giêsu khẳng định rằng “chính tôi là bánh của sự sống” (ἐγώ εἰμι ἄρτος τῆς ζωῆς [6,35.48]), một lần “chính tôi là bánh đi xuống từ trời” (ἐγώ εἰμι ἄρτος καταβὰς ἐκ τοῦ οὐρανου [6,41]), một lần “chính tôi là bánh hằng sống, đi xuống từ trời” (ἐγώ εἰμι ἄρτος ὁ ζῶν  καταβὰς ἐκ τοῦ οὐρανου [6,51]). Khi khẳng định mình là “bánh của sự sống” lần thứ nhất, Đức Giêsu kèm theo hai lời hứa: Kẻ đến cùng Người không thể nào đói được; và kẻ tin vào Người không thể nào khát bao giờ (6,35). Đức Giêsu nói về sự thõa mãn về cơn đói khát trong bối cảnh mà những người Do Thái đi tìm Người vì đã được ăn bánh no nê (Ga 6,26). Trong 6,48, Đức Giêsu không nói về sự đói – khát nữa nhưng nói đến sự sống – chết. Cha ông của họ đã ăn manna trong sa mạc và đã chết, còn ai ăn bánh này thì được sống mãi mãi. Cụm danh từ thuộc cách “của sự sống” ở đây có thể hiểu như là “bánh ban sự sống” dưới ánh sáng của 6,33: Bánh của Thiên Chúa là Đấng đến từ trời và trao ban sự sống cho thế giới”. Cụm từ “ ἄρτος ζῶν [6,51]” thường được hiểu là “bánh trường sinh” (CGKPV) hay “bánh hằng sống” (NTT), có thể được hiểu cách đơn giản là “bánh luôn sống” (the living bread [ESV]; le pain vivant [TOB]; panis vivus [VUL]; il pane vivo [CEI]. R. Brown phân biệt giữa hai cụm từ “Bánh sự sống” ( ἄρτος τῆς ζωῆς) ở 5,35.48 và "bánh hằng sống/ trường sinh" ( ἄρτος  ζῶν) ở 6,51. "Bánh sự sống" (bánh của sự sống) có thể hiểu là bánh “chứa đựng sự sống”, “nguồn của sự sống” và “trao ban sự sống”, hay “mang lại sự sống”. "Bánh hằng sống/ đang sống/ luôn sống" có thể nhấn mạnh đến tính thường hằng, bất biến, vĩnh cửu của bánh này. Nguồn gốc của bánh này là “đi xuống từ trời”. Tác giả R.B. Beasley-Murray phân biệt hai cách hiểu “bánh sự sống”: (i) bánh hằng sống đã đi xuống từ trời là Đấng Nhập Thể, Đấng có sự sống nơi mình cho người khác; (ii) Bánh là thịt của Đấng Nhập Thể, mà Người trao tặng vì sự sống của thế giới, Người phải chết cho thế gian được sống.[1] Đó là bánh Cha ban cho, bánh đích thực (6,32). Cụm từ “đi xuống từ trời” hàm ý một sự trao ban và sứ vụ. Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Cha, còn Cha thì trao ban Con của mình. Tác giả R. Brown nghĩ rằng “đi xuống từ trời” thực sự bao hàm sự nhập thể.[2]

2.   Manna – ăn và đã chết: Danh từ “manna” nhắc nhớ đến câu hỏi của đám đông dành cho Đức Giêsu trước đó: “Chính ông sẽ làm dấu lạ nào để chúng tôi có thể thấy mà tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (6,30-31). Manna (τὸ μάννα [6:49]) được mô tả như là “lớp sương phủ quanh trại… rồi khi sương bốc hơi, trên mặt hoang địa có một thứ gì đó nhỏ, mịn như sương muối trên mặt đất. Khi con cái Israel nhìn thấy, họ hỏi nhau: “cái gì vậy?” [מָ֣ן ה֔וּא] vì họ không biết nó là cái gì [מַה־ה֑וּא]… Con cái Israel gọi tên nó là “mannu” [מָ֑ן וְה֗וּא]. Nó như là hạt ngò và mùi vị như bánh xốp làm với mật ong (Ds 11,7: Manna như hạt ngò và trông như nhựa hương). Đó là một loại “bánh”, cùng với thịt chim cút, mà Chúa ban cho dân trong sa mạc khi họ kêu trách ông Môsê, cũng là kêu trách Chúa vì họ thèm ăn thịt và bánh bên Ai Cập (x. Xh 16). Con cái Israel đã ăn manna suốt bốn mươi năm cho đến khi họ đến đất định cư, họ ăn manna cho đến khi tới ranh giới đất Canaan (Xh 16,35; Gs 5,12). Khoảng thời gian lịch sử này được ông Môsê nhắc lại trong Đnl 8,3.16. Nó còn được nhắc lại hoài trong dòng lịch sử Israel: “Chúa đã ban thần khí tốt lành cho họ nên khôn ngoan sáng suốt. Ngài cũng chẳng từ chối không cho họ manna. Khi cơn khát dày vò, Ngài lại ban nước uống” (Nkm 9,20);  Người khiến manna tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ” (Tv 78,24). Người Do Thái thời Đức Giêsu chắc hẳn nhớ đến nó như là một dấu lạ vĩ đại và họ muốn Đức Giêsu chứng tỏ mình bằng cách thực hiện một dấu lạ tương tự. Là một người Do Thái, chắc chắn Đức Giêsu không thể không biết đến truyền thống này. Nhưng Người nhắc cho đám đông nhớ hai điều quan trọng: (1) Chủ thể làm dấu lạ, ban bánh từ trời không phải là ông Môsê mà là Cha của Người; (2) Con cái Israel đã ăn manna và đã chết. Điều thứ hai được Đức Giêsu nhắc lại hai lần trong đoạn văn này (Cha ông các người đã ăn manna và đã chết: 6,49.58). Không phải manna đã làm cho họ chết nhưng manna không giúp cho họ sống mãi. Chính vì thế, họ phải cần một thứ bánh giúp họ kéo dài sự sống mãi mãi.

3.   Có sự sống vĩnh hằng – phục sinh: Đức Giêsu dùng hai cách nói “sẽ sống vĩnh cửu” (ζήσει εἰς τὸν αἰῶνα) và “có sự sống vĩnh cửu” (ἔχει ζωὴν αἰώνιον). Chủ đề “sự sống đời đời” là một trong những chủ đề thiết yếu trong giáo huấn của Đức Giêsu được tác giả Tin Mừng thứ tư ghi lại, nhất là trong diễn từ bánh hằng sống. Khởi đầu diễn từ Đức Giêsu đã mời gọi đám đông “hãy làm việc không phải vì lương thực hư nát, nhưng lương thực duy trì sự sống vĩnh cửu” (6,27). Tiếp theo, Đức Giêsu nói về ý muốn của Đấng đã gửi Người là “tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người thì có sự sống vĩnh cửu” (6,40). Rồi Người tuyên bố long trọng hơn bằng cách dùng cặp từ Amen: “Amen, amen, tôi bảo các người ai tin thì có sự sống vĩnh cửu” (6,47).  Trong đoạn văn này “đến với…không còn đói … tin vào…không bao giờ khát” (6,35) và “tin vào … có sự sống vĩnh cửu”, được thay bằng “ăn thịt” và “uống máu”… được sống vĩnh cửu. Trong Ga 6,48-59, ăn bánh sự sống đời đời, đi xuống từ trời, sẽ sống mãi mãi (6,50-51; Cf. 6,58) và cụ thể hơn ai “ăn thịt và uống máu” Đức Giêsu sẽ sở hữu sự sống vĩnh hằng (6,54a). Lời hứa “có sự sống vĩnh hằng” đi kèm với lời hứa “làm cho trỗi dậy vào ngày sau hết” (6,54b). Muốn có được sự sống vĩnh hằng thì phải được phục sinh với Đức Kitô. Như Đức Giêsu đã khẳng định cùng những người Xađốc về sự sống vĩnh hằng sau khi phục sinh: “Vì họ không thể chết nữa, vì họ ngang hàng với các thiên sứ và là những người con của Chúa, những người con của sự phục sinh” (Lc 20,36). Tác giả thư gửi giáo đoàn Rôma đã quả quyết: Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người (Rm 6,9). Trong diễn từ Bánh Hằng Sống, Người nhiều lần nhắc đến điều này (6,39.40.44.54).

4.   Bánh chính tôi ban ( ἄρτος δὲ ὃν ἐγὼ δώσω) … vì sự sống của thế gian (ὑπὲρ τῆς τοῦ κόσμου ζωῆ): Động từ “ban” (tôi ban) và cụm từ “vì sự sống nhân loại” gợi đến một cái chết hiến tế vì người khác (Cf. Ga 10,11.15; 11,50-51). Cũng nên nghĩ đến bối cảnh của diễn từ này là vào dịp Lễ Vượt Qua. Đấng ban “bánh sự sống” phải chết như là Con Chiên của Thiên Chúa vì tội lỗi của thế giới (Ga 1,29).[3] Hơn nữa, mạng sống Đức Giêsu đang trong tình trạng bị đe doạ khi Người Do Thái muốn giết Người vì Người phá luật ngày Sabát và còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).[4] Trước đó, Đức Giêsu nói “Chính là Cha tôi ban cho các người bánh từ trời để ăn, bánh đích thực, vì bánh của Thiên Chúa, là bánh đi xuống từ trời, trao tặng sự sống cho thế giới” (5,32-33). Ở đây, Đức Giêsu nói rằng bánh mà chính Người ban là “thịt” của Người. Chúa Cha trao ban Con của mình, được hiện thực hoá bằng hành động tự hiến của Đức Giêsu. Cả hai đều hướng đến mục tiêu mang lại sự sống cho thế giới.

5.   Chính là thịt tôi ( σάρξ μού): Đây là sự nối kết giữa “lương thực duy trì sự sống vĩnh cửu” – bánh sự sống đi xuống từ trời – thịt của Đức Giêsu. Đức Giêsu không dùng chữ “mình” hay “cơ thể” mà dùng chữ “thịt” ( σάρξ). Cách nói này phù hợp với mô tả của Gioan trong Lời Tựa: “Ngôi Lời đã trở nên thịt (xác phàm) và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14). Thịt không tách lìa với máu. Trước bàn luận của đám đông người Do Thái về việc làm thế nào Đức Giêsu có thể cho họ thịt để ăn, Đức Giêsu đáp trả cho họ bằng cách nói long trọng: “Amen, amen, trừ khi các người ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình”. Sự sống ấy được diễn giải thành “sự sống vĩnh hằng” và “sự phục sinh”: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu và tôi sẽ làm cho người ấy trỗi dậy trong ngày sau hết” (6,54). “Ăn thịt” và “uống máu” nhắc nhớ đến truyền thống Thánh Thể trong trình thuật Bữa Tiệc Ly, trong đó Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ “hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mc 14,22; Mt 26,26), tác giả Luca và Phaolô còn thêm vào mệnh đề “hiến tế vì anh em” (Lc 22,19; 1 Cr 11,24); Rồi, Người trao cho các môn đệ uống chén rượu và diễn giải: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24; Cf. Mt 26,28; Lc 22,20; 1 Cr 11,25). Như thế, Đức Giêsu nối kết bánh đi xuống từ trời với tiệc Thánh Thể, trong đó, rượu là máu Người và bánh là mình Người. Có khuynh hướng giải thích tách riêng hai cách hiểu: Bí Tích Thánh Thể và không phải là Bí Tích Thánh Thể. Lối giải thích không phải là Bí Tích Thánh Thể cho rằng bánh đi xuống từ trời nên hiểu theo khía cạnh khôn ngoan, đề cập đến mô thức tin và sự sống đời đời. Hiểu biết Đức Giêsu và tin vào Người sẽ có sự sống vĩnh hằng. Tuy vậy, sự nối kết giữa bánh và thịt của Đức Giêsu đã cho phép hiểu theo chiều hướng Bí Tích Thánh Thể.[5]

6.   Thịt tôi thật là thức ăn và máu tôi thật là thức uống: Lời khẳng định này đóng vai trò như là trung tâm của Ga 6,51-59. Tính từ “thật sự” (ἀληθής) được đặt trước động từ “εἰμι” ở cả hai vế câu nhằm nhấn mạnh tính “chân thực”.[6] Lời khẳng định này đối lại với vấn đề mà đám đông người Do Thái đặt ra: “Làm sao ông ta có thể ban thịt của mình để chúng ta ăn?”.[7] Thịt và máu là thành ngữ Do Thái ngụ ý là toàn thể con người. Trong thời Cái Cách các câu 53-55 là trung tâm điểm của cuộc tranh luận thần học về liệu có nhất thiết là đón nhận Thánh Thể dưới hai hình dạng. Tất cả có thể được quyết định từ bản văn này là nhất thiết phải đón nhận Đức Kitô toàn thể.[8]

7.   Ở lại trong tôi và tôi ở lại trong: Sau khi bảo đảm về sự sống vĩnh hằng cho những ai ăn thịt và uống máu Người, Đức Giêsu diễn giải về “sự sống ấy”. Đó là “sự ở lại”. Người ăn thịt và uống máu Đức Giêsu sẽ ở lại trong Người và Người ở lại trong kẻ ấy. Đó là một sự kết hợp nên một giữa Đức Giêsu và bất cứ ai ăn Người. Sự kết hợp này cũng được Đức Giêsu mô tả cách sống động như là sự gắn liền giữa cây nho và cành nho: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4.5.6.7). Tác giả R. Brown đi xa hơn khi nghĩ rằng cây nho ấy cũng có thể là một biểu tượng Thánh Thể.[9] Tác giả R.B. Beasley-Murray cho rằng “sự ở lại” trong nhau của Đức Giêsu và kẻ ăn Người rất gần với ý niệm hiệp thông trong thần học Phaolô (“Tôi sống nhưng không còn là tôi sống nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”: Gl 2,19-20) biểu lộ một tương quan về đức tin riêng tư.[10]

8.   Sống nhờ Người: Những người ăn thịt và uống máu Đức Giêsu được sống vì Người: “Cũng như Cha hằng sống đã sai tôi và chính tôi sống nhờ Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, chính kẻ ấy cũng sẽ sống nhờ tôi” (Ga 6,57). Mệnh đề “sống nhờ tôi” (ζήσει δι᾽ ἐμέ) có thể được hiểu là sống vì tôi, sống qua tôi, sống nhờ tôi. Trong bối cảnh này cách hiểu sống “nhờ tôi” có vẻ hợp lý nhất.[11] Hệt như bánh mang lại sự sống thể lý cho con người, thịt và máu Đức Giêsu cũng mang lại sức sống thiêng liêng vĩnh cửu cho họ. Tác giả thư Gioan cũng diễn tả điều tương tự: Thiên Chúa đã gửi Con Trai vào thế giới để chúng ta có thể có sự sống thông qua Người” (1 Ga 4,9).

Bình luận chung

Diễn từ “Bánh Hằng Sống” là dữ liệu riêng của tác giả Tin Mừng thứ tư. Diễn từ này vừa nối kết giữa truyền thống manna trong giai đoạn dân lang thang trong sa mạc thời Cựu Ước, vừa nối kết với dấu lạ hoá bánh ra nhiều của truyền thống Nhất Lãm (Ga 6,1-15; Mc 6,30-44; Mt 14,13-21; Lc 9,10-17) và nhất là truyền thống về bí tích Thánh Thể. Manna là một phép lạ kéo dài bốn mươi năm, những thế hệ ăn manna đã được no thoả về thể lý vào một khoảng thời gian nhất định, nhưng tất cả họ đều đã chết. Dấu lạ hoá bánh ra nhiều cũng giúp cho hơn năm ngàn người được ăn no thoả và còn dư thừa trong một ngày, nhưng rồi, họ lại đói và cũng không sống mãi với thức ăn đó. Như vậy, phải có một loại thức ăn nào khác, giúp họ không phải đói và duy trì sự sống đời đời. Chỉ có Đức Giêsu mới có loại thức ăn ấy. Tác giả Gioan không trình thuật lại sự kiện Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể như các Tin Mừng Nhất Lãm và Phaolô (Mc 14,22-25; Mt 26,26-29; Lc 22,14-20; 1 Cr 11,23-25). Tuy nhiên, tác giả Gioan lại chú tâm vào việc diễn giải về ý nghĩa của “bánh hằng sống” mà các tác giả khác không đề cập đến. Ga 6,48-59 là đoạn cuối của diễn từ Bánh Hằng Sống, tại Caphácnaoum vào dịp Lễ Vượt Qua. Trong những câu này Đức Giêsu tiếp tục khẳng định Người là bánh của sự sống, bánh trường sinh, và Cha của Người cũng là bánh trường sinh. Nguồn gốc của bánh – Giêsu là “đi xuống từ trời” và ý nghĩa của bánh này là “vì sự sống của thế giới”. Trong đoạn văn này có sự nối kết giữa truyền thống hiểu “bánh – Giêsu” theo chiều hướng khôn ngoan và truyền thống hiểu theo chiều hướng bí tích Thánh Thể. Đoạn văn Ga 6,35-50 dường như nói đến “bánh – Giêsu” như là chính con người của Người bao gồm lời rao giảng và các dấu. Trong những câu này, độc giả được mời gọi, đến với, thấy, và tin vào Đức Giêsu để có thể sống mãi mãi. Khởi đầu Đức Giêsu đã mời gọi đám đông là “hãy làm việc không phải vì thức ăn hư nát nhưng vì thức ăn duy trì sự sống đời đời, là thứ lương thực mà Con Người sẽ ban tặng” (6,27). Khi họ hỏi Đức Giêsu là “phải làm gì để thực hiện những điều Thiên Chúa muốn?”, Người đáp trả là “tin vào Đấng Chúa sai đến”. Khi họ đòi một dấu lạ như dấu lạ manna trong thời sa mạc, Đức Giêsu đã mặc khải rằng “Người là bánh Chúa Cha ban, bánh đích thực, trao ban sự sống cho thế giới”. “Ai đến với Người không bao giờ đói, ai tin vào Người chẳng khát bao giờ”. “Ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” và được sống lại trong ngày sau hết. Niềm tin, là điều được nhấn mạnh trong cách hiểu “bánh – Giêsu” theo chiều hướng khôn ngoan. Từ 6,51c trở đi, Đức Giêsu đã đồng hoá “bánh” với thịt của Người. Rồi, Người cũng nối kết thịt với máu. Kể từ 6,51c đến 6,58, truyền thống hiểu “bánh – Giêsu” theo chiều hướng bí tích Thánh Thể được khai triển. Theo truyền thống này, không còn là vấn đề “tin” nữa, mà các hành động “ăn thịt” và “uống máu” được nhấn mạnh. Kẻ ăn thịt và uống máu, thì có sự sống, được sống mãi và được sống lại trong ngày sau hết. Hành động ăn thịt và uống máu tạo nên sự ở lại trong nhau: Ở lại trong Đức Giêsu và Đức Giêsu ở lại trong. Người ăn Đức Giêsu thì được sống nhờ Người cũng như Đức Giêsu sống nhờ Chúa Cha. Hình ảnh Đức Giêsu trao ban bánh là thịt của mình vì sự sống của thế giới, cùng với bối cảnh Lễ Vượt qua ngụ ý một sự trao ban tự hiến, chết và đổ máu mình ra để chuộc tội cho nhân loại.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] “(i) the “living bread” has descended from heaven, i.e., he is the Incarnate One who has life in himself for others (cf. 5:26); (ii) the “bread” is the flesh of the Incarnate One which he is to give on behalf of the life of the world, i.e., he is to die that the world may live” [R.B. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 2002) 93]: Cf. R.E. Brown, The Gospel according to John (I-XII). Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 282.

[2]Probably, we should be wary of putting too much theological emphasis on the use of the aorist, but the “coming down” does include the Incarnation” [R.E. Brown, The Gospel According to John I-XII. Introduction, Translation, and Notes (New Haven – London 2008) 282].

[3] R.B. Beasley-Murray, John, 94.

[4]Jesus now associates the seperation of flesh and blood in a violent death as the moment of total giving of himself. Jesus, the Son of Man, will give of his whole self for the life of thc world (6,51c) by means of a violent encounter between himself and his enemies (1,5.11; 2,18-20; 3,14; 5,16-18) in which his body will be broken and his blood will be poured out (6,53-54)” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 222)

[5]Compare the description of voluntary death in 1 Cor 13:3: “If I give over my body to be burned.…” Thus, the connection between the Eucharist and the death of Jesus may be hinted at in John” (R.E. Brown, Ibid., 282).

[6]Real” (ἀληθής) here denotes “really are what flesh and blood should be,” in fulfilling the ideal function of food and drink in giving eternal life (Barrett, 299)” (R.B. Beasley-Murray, John, 95).

[7] “Verse 52 makes clear what sort of an objection the doctrine of the eucharist being developed here will provoke among the Jews” [E. Haenchen – R.W. Funk, Robert Walter – U. Busse, John. A Commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984)294].

[8] R.E. Brown, Ibid., 282.

[9]This statement resembles very closely what shall be said of the true vine in 15:3–7, and the vine is probably a eucharistic symbol too” (R.E. Brown, Ibid., 283).

[10] R.B. Beasley-Murray, John, 95.

[11] The Greek dia followed by the accusative case could mean ‘through by means of,’ rather than ‘because of’” [F.J. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 225].

No comments:

Post a Comment