Thursday, 27 April 2023

MỤC TỬ VÀ KẺ CƯỚP. Chú giải Tin Mừng CN IV PS A (Ga 10,1-10), Lm. Ph.D. Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

1 Amen, Amen Tôi nói cùng các ông, người không đi qua cổng[1] trại chiên nhưng trèo qua nơi khác mà vào, là kẻ trộm và kẻ cướp.

2 Nhưng người đi vào qua cổng, là người chăn chiên.

3 Người giữ cổng mở cổng cho ông và những con chiên nghe tiếng của ông ta và ông gọi những con chiên của ông theo têndẫn chúng ra ngoài.

4 khi ông đã đưa tất cả những con chiên của mình ra, ông đi trước chúngnhững con chiên đi theo sau ông, vì chúng biết tiếng của ông.

5 Chúng sẽ không đi theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn khỏi ông ta, vì chúng không biết tiếng của người lạ.

6 Đức Giêsu nói cùng họ dụ ngôn này, nhưng những người này không biết điều mà Người nói cùng họ.

7 Đức Giêsu lại nói rằng: Amen, Amen, Tôi nói cùng các ông, chính Tôi là cổng của những con chiên.

8 Tất cả những ai đến trước Tôi đều là những kẻ trộmkẻ cướp, nên những con chiên không nghe họ.

9 Chính Tôi là cánh cổng, nếu ai đi vào qua Tôi, sẽ được cứu độsẽ đi vào và đi ra và tìm thấy đồng cỏ.

10 Kẻ trộm không đến ngoại trừ để ăn trộmgiết chết và huỷ diệt. Chính Tôi đến để chúng [những con chiên] có sự sống và có dồi dào.

1 Ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, μὴ εἰσερχόμενος διὰ τῆς θύρας εἰς τὴν αὐλὴν τῶν προβάτων ἀλλ᾽ ἀναβαίνων ἀλλαχόθεν ἐκεῖνος κλέπτης ἐστὶν καὶ λῃστής·

 2 δὲ εἰσερχόμενος διὰ τῆς θύρας ποιμήν ἐστιν τῶν προβάτων.

 3 τούτῳ θυρωρὸς ἀνοίγει καὶ τὰ πρόβατα τῆς φωνῆς αὐτοῦ ἀκούει καὶ τὰ ἴδια πρόβατα φωνεῖ κατ᾽ ὄνομα καὶ ἐξάγει αὐτά.

 4 ὅταν τὰ ἴδια πάντα ἐκβάλῃ, ἔμπροσθεν αὐτῶν πορεύεται καὶ τὰ πρόβατα αὐτῷ ἀκολουθεῖ, ὅτι οἴδασιν τὴν φωνὴν αὐτοῦ·

 5 ἀλλοτρίῳ δὲ οὐ μὴ ἀκολουθήσουσιν, ἀλλὰ φεύξονται ἀπ᾽ αὐτοῦ, ὅτι οὐκ οἴδασιν τῶν ἀλλοτρίων τὴν φωνήν.

 6 Ταύτην τὴν παροιμίαν εἶπεν αὐτοῖς Ἰησοῦς, ἐκεῖνοι δὲ οὐκ ἔγνωσαν τίνα ἦν ἐλάλει αὐτοῖς.

 7 Εἶπεν οὖν πάλιν Ἰησοῦς· ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι ἐγώ εἰμι θύρα τῶν προβάτων.

 8 πάντες ὅσοι ἦλθον [πρὸ ἐμοῦ] κλέπται εἰσὶν καὶ λῃσταί, ἀλλ᾽ οὐκ ἤκουσαν αὐτῶν τὰ πρόβατα.

 9 ἐγώ εἰμι θύρα· δι᾽ ἐμοῦ ἐάν τις εἰσέλθῃ σωθήσεται καὶ εἰσελεύσεται καὶ ἐξελεύσεται καὶ νομὴν εὑρήσει.

 10 κλέπτης οὐκ ἔρχεται εἰ μὴ ἵνα κλέψῃ καὶ θύσῃ καὶ ἀπολέσῃ· ἐγὼ ἦλθον ἵνα ζωὴν ἔχωσιν καὶ περισσὸν ἔχωσιν. (Jn. 10:1-10 BGT)

Bối cảnh

Trong bối cảnh rộng, Ga 10,1-10 nằm trong bối cảnh những câu chuyện và bài giảng trong thời gian tuần Lễ Lều bắt đầu từ 7,1 đến 10,21. Trong bối cảnh hẹp hơn đoạn văn này nằm trong đoạn lớn 9,1 – 10,21, đoạn dài nói về việc một người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt, trong khi đó những lãnh đạo Do Thái lại trở nên mù lòa (9,1-38). Tiếp theo sau đó, song song với việc mặc khải mình là một mục tử đích thực, Đức Giêsu quở trách cách ý nhị các lãnh đạo Do Thái là những người mù, những kẻ trộm, những tên cướp, những kẻ xa lạ và những kẻ chăn thuê, những người không quan tâm đến những con chiên họ chăn (9,39 – 10,13). Chủ đề chân dung “người mục tử” trong đoạn này (10,2) nối kết xuyên suốt từ đầu chương 10 cho đến 10,21. Chủ đề “mục tử” cũng được Tin Mừng Mátthêu nhắc đến ngay từ đầu. Đức Giêsu chính là “vị mục tử chăn dắt dân ta, Israel” (Mt 2,6). Người cũng được ví như người “mục tử” bỏ chín mươi chín con chiên lạc được nói đến trong Mátthêu và Luca (Mt 18,12-14; Lc 15,4-7); là vị “mục tử” chạnh lòng thương đám dân chúng vì họ bơ vơ không người chăn dắt (Mt 9,36; Mc 6,34). Đức Giêsu cũng là vị mục tử cánh chung, Người phân biệt “chiên” và “dê” trong ngày cánh chung (Mt 25,32). Chủ đề “người mục tử” cũng là một trong những chủ đề nổi bật trong các sách Cựu Ước. Chúa là mục tử (St 48,15; Tv 23,1). Vua Đavít là mục tử chăn dắt dân Israel (2 Sm 5,2; 1 Sbn 11,2; Tv 78,71). Các ngôn sứ nói về những ngôn sứ Chúa ban (Gr 3,15; 23,4; Mk 5,3) và những ngôn sứ xấu xa, bị Chúa lên án (Gr 10,21; 12,10; 23,1-2; 50,6; Ed 34; Dcr 10,3; 11,8). Khái niệm “đồng cỏ” như là thức ăn dành cho đàn chiên gợi nhớ đến hình ảnh “trên đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ” (Tv 23,2). Tương quan mục tử đàn chiên có thể liên kết với dụ ngôn “con chiên lạc” trong Lc 15,3-7; Mt 18,12-14.

Cấu Trúc (Ga 10,1-10)

Đoạn văn gồm có hai phần 10,1-6 là một dụ ngôn về người mục tử và kẻ trộm và kẻ cướp, 10,7-10 có thể xem là phần giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu nói về chính mình.[2]

Dụ ngôn người mục tử và kẻ cướp (10,1-6)

1 Người không đi qua cổngtrèo qua nơi khác kẻ trộm và kẻ cướp.

2 Người đi vào qua cổng, là người chăn chiên.

3 Người giữ cổng mở cổng … những con chiên nghe tiếng … gọi theo têndẫn ra ngoài.

4 đi trước … những con chiên đi theo sau … vì chúng biết tiếng của ông.

5 không đi theo người lạ,… chạy trốn … vì không biết tiếng của người lạ.

6 những người này không biết điều mà Người nói cùng họ.

 

Đức Giêsu là cổng của những con chiên (10,7-10)

7 Chính Tôi là cổng của những con chiên.

8 Những người đến trước Tôi đều là những kẻ trộmkẻ cướp,

những con chiên không nghe họ.

9 Chính Tôi là cánh cổng,

ai đi vào qua Tôi,

sẽ được cứu độ

sẽ đi vào và đi ra tìm thấy đồng cỏ.

10 Kẻ trộm đến …để ăn trộmgiết chết … huỷ diệt.

Chính Tôi đến để chúng có sự sống và có dồi dào.

Một vài điểm chú giải

1.     Kẻ trộm và kẻ cướp … người lạ: Đức Giêsu bắt đầu dụ ngôn bằng cách mô tả kẻ trộm và kẻ cướp qua cách thức họ đi vào trại chiên.[3] Đó là những kẻ không đi qua “cổng” mà “trèo lên qua lối khác”. Cách thức vào như thế mang tính lén lút, và không chính thức. Cặp đôi danh xưng “kẻ trộm – kẻ cướp” được lặp lại ba lần trong đoạn văn. Những nhân vật này đối lại với nhân vật “người chăn chiên” trong dụ ngôn, và đối lại với chính Đức Giêsu trong phần giải thích. Sau đó Đức Giêsu tiếp tục dùng một danh xưng khác đối lại với “người mục tử” và với chính Người. Đó là danh xưng “người lạ”. Có thể nhân vật này cũng đồng nghĩa với nhóm “kẻ trộm” và “kẻ cướp” vì nhóm nhân vật này không thân quen đối với những con chiên. “Kẻ trộm – kẻ cướp” là tất cả những ai đến trước Đức Giêsu. Họ có thể là ai? Họ có thể là những giáo quyền Do Thái, những người đã chất vấn và trục xuất “người mù được khỏi bệnh” và làm cho cha mẹ của người mù này hoảng sợ (x. Ga 9,1-41).[4] Trong Mc 11,17-18 cả các tư tế và các kinh sư nghe Đức Giêsu kết án rằng nhà của Thiên Chúa đã bị biến thành hang của những kẻ cướp.

2.     Người chăn chiên: Đối lại với nhóm nhân vật “kẻ trộm – kẻ cướp” là nhân vật mục tử. trong khi nhóm “kẻ trộm – kẻ cướp” trèo lên theo lối khác, người mục tử đi vào trại chiên qua cánh cổng. Đó là lối vào chính thức, không lén lút. Người mục tử ở đây chỉ là một hình ảnh chung chung, nhưng phía dưới Đức Giêsu sẽ cụ thể hóa chính Người là “mục tử tốt lành” (ὁ ποιμὴν ὁ καλός) đến ba lần (10,11.14), và Người gọi những con chiên là chiên của Người (10,14).

3.     Những hành động của người chăn chiên: Gọi tên[5], dẫn ra ngoài, đi trước. Cùng với hành động đi vào qua cổng, người mục tử được mô tả bằng nhiều hành động trong tương quan với những con chiên, gợi nhớ bối cảnh Cựu Ước. Ông Giôsuê được mô tả là người trên cộng đoàn, người sẽ dẫn họ đi ra và mang họ đi vào, để cộng đồng của Chúa không trở nên giống như những con chiên không người chăn dắt” (Ds 27,16-17). Những con chiên được xác định là “của chính ông” (καὶ τὰ ἴδια πρόβατα), không phải chiên lạ. Việc ông gọi tên giả định rằng ông biết tên của từng con và thân quen với chúng. Sự thân quen giữa người mục tử và những con chiên còn được nhấn mạnh bằng mệnh đề chỉ lý do “vì chúng biết tiếng của ông”. Trong đoạn sau, Đức Giêsu tự bạch là mục tử nhân lành và Người biết các con chiên của mình (10,14). Sau khi gọi tên vị mục tử dẫn chúng ra ngoài, rồi ông đi trước chúng. Những con chiên cần phải được xua ra ngoài vì chúng không chủ động ra ngoài khi cổng mở giống như một số con vật khác. Việc ông “đi trước” tô đậm vai trò dẫn dắt. Trên thực tế, những con chiên sẽ không biết đi đâu nếu không có sự dẫn đường của vị mục tử, hoặc chúng sẽ dễ dàng đi lạc, và lâm vào nguy hiểm.

4.     Những hành động của những con chiên: Nghe tiếng, biết tiếng, đi theo sau. Một cách tự nhiên các con chiên nhận dạng được tiếng gọi của mục tử và chúng ngoan ngoãn đi theo sau ông. Sở dĩ những con chiên có thể nghe tiếng của vị mục tử vì chúng biết tiếng, và quen với tiếng của ông. Động từ “đi theo” (ἀκολουθέω) thường được dùng để diễn tả hành động của người môn đệ, đi theo Đức Giêsu. Hai môn đệ của ông Gioan, khi nghe ông giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, liền đi theo (Ga 1,37). Đức Giêsu thấy họ “đi theo” liền quay lại hỏi: “Các ông tìm gì vậy?” Sau đó, một trong hai người là Anrê đã trở thành môn đệ (Ga 1,40). Tiếp theo, Đức Giêsu gọi ông Philípphê: “Hãy theo tôi” (Ga 1,43). Tin Mừng thứ tư dùng động từ “đi theo” để mô tả dân chúng tin vào Người (Ga 6,2). Đức Giêsu là “ánh sáng thế gian”, Người đi theo Đức Giêsu “sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12). Trong câu chuyện bên bờ hồ Tibêria sau Phục Sinh, Người lại gọi ông Phêrô hai lần: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19.22), vì trước đó Đức Giêsu nói rằng ông Phêrô không thể “đi theo” Người được (Ga 13,36-37). Động từ “đi theo” được dùng nhiều lần trong Ga 10: “Những con chiên đi theo” (10,4); “Chúng không đi theo người lạ” (10,5); “Tôi biết chúng, và chúng “đi theo tôi” (10,27). Trong đoạn văn sau đó Đức Giêsu diễn giải rõ hơn về hành động đi theo của những con chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng đi theo tôi” (10,27). Ngược lại với “đi theo” là “chạy trốn”. Chúng chạy trốn người lạ vì không biết tiếng của ông.

5.     Không biết điều mà Người đang nói cùng họ: Đại từ “những người này” làm chủ ngữ cho động từ “không biết” (ἐκεῖνοι δὲ οὐκ ἔγνωσαν), có thể là “những người Pharisêu” và “những người Do Thái” được nhắc đến như là những người chất vấn anh mù được chữa lành (Ga 9,1-41). Riêng những người Pharisêu bị Đức Giêsu kết tội: “Nếu các ông mù thì các ông đã chẳng có tội, những giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’ nên tội các ông vẫn còn” (9,41). Những người Pharisêu không hiểu có lẽ vì họ vẫn mù, và vì tội vẫn còn nơi họ.[6] Nhóm những người Do Thái không hiểu vì họ “không tin vào Đức Giêsu và những việc Người làm” (10,25) và vì “họ không thuộc đàn chiên của Người” (10,26). Thất bại trong việc hiểu những điều Đức Giêsu nói không phải là vấn đề trí năng cho bằng một sự thiếu sẵn lòng đáp trả cho thách đố của dụ ngôn.[7]

6.     Chính Tôi là cổng của những con chiên: Khi thấy “họ không hiểu” dụ ngôn về người mục tử và kẻ cướp, Đức Giêsu nói cụ thể hơn. Chính Người là cái cổng, nhưng không phải cổng của “trại chiên” mà là “cổng của những con chiên”.[8] Cổng của những con chiên có thể hiểu là cổng đối với những con chiên hoặc là cổng được những con chiên sử dụng.[9] Vì cảm thấy khó hiểu, khó dung hòa giữa hai hình ảnh “mục tử”, và “cái cổng” dành cho Đức Giêsu, nhiều tác giả nghĩ rằng bản gốc là chữ “mục tử” (không phải “cái cổng”). Nó trở thành “cái cổng” vì lỗi sao chép. Tác giả R. Brown ủng hộ cách đọc hiện tại vì nó đảm bảo nguyên tắc ủng hộ cách đọc khó hơn trong phê bình bản văn.[10] Sau dụ ngôn nói về người mục tử, nhưng Đức Giêsu lại chuyển qua “cánh cổng”. Có lẽ, khi nói về người mục tử Đức Giêsu muốn nhắm đến vai trò “gọi tên, xua ra ngoài, dẫn dắt” đoàn chiên. Tuy nhiên, Người cũng là cái cổng, là trung gian, nhấn mạnh đến vai trò trung gian mang lại ơn cứu độ cho những ai đi qua Người.[11]

7.     Ai đi vào qua Tôi, sẽ được cứu độ … đi vào và đi ra… tìm thấy đồng cỏ: Đây là chủ đề thần học rất quan trọng, liên quan đến “ơn cứu độ”. Trong Tin Mừng thứ tư, cứu độ chính là mục đích Thiên Chúa gửi Đức Giêsu đến thế gian: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17: ἵνα σωθῇ ὁ κόσμος δι᾽ αὐτοῦ); Đức Giêsu xác nhận mục đích này cách rõ ràng: “Tôi đến không phải để xét xử thế gian nhưng để cứu thế gian” (12,47). Những người Samari nhận biết Đức Giêsu chính là “Đấng cứu độ thế gian” (4,42). Hình ảnh “đồng cỏ” như là minh họa cho “ơn cứu độ”. Nếu như cùng đích cuối cùng của những con chiên chỉ đơn giản là tìm được đồng cỏ để thỏa mãn cơn đói của mình, thì ơn cứu độ là cứu cánh của cả đời người. Đồng cỏ cũng là hình ảnh tượng trưng cho việc Thiên Chúa mục tử chăm sóc quan phòng cho đàn chiên là dân Người trong Cựu Ước: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và trại của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong trại êm ái; sẽ đi ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên núi non Israel” (Ed 34,14). Ngôn sứ Isaia nối kết giữa hành động “đi ra” với hình ảnh gặp được đồng cỏ: “Để nói với người tù: ‘Hãy đi ra’ với những người ngồi trong bóng tối: ‘Hãy xuất hiện trên đường’. Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang” (Is 49,9). Tác giả Thánh Vịnh cũng cảm nhận rằng “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ” (Tv 23,1-2). Hình ảnh Đức Giêsu là “cổng” gợi nhớ đến hình ảnh Người là “con đường”: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống, không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6)[12]; hoặc ý niệm “cổng cứu độ” trong Tv 118,20: “Đây là cổng của Chúa, người công chính sẽ vào xuyên qua nó”.

8.     Kẻ trộm đến ăn trộm, giết chết và huỷ diệt: “Kẻ trộm” đã được mô tả như người “trèo qua lối khác” vào trại chiên. Ở đây, Đức Giêsu mô tả mục đích của “kẻ trộm” khi tiếp cận đàn chiên: Ăn trộm, giết chết, và hủy diệt. Ba hành động diễn tả mức độ nguy hại tăng dần mà kẻ trộm mang lại, ngược lại với những gì Đức Giêsu mang đến.

9.     Chính Tôi đến để chúng có sự sống và có dồi dào: Ở đây hình ảnh “người mục tử” trở lại với mục đích để cho những con chiên được sống và có dồi dào, ngược lại với mục đích gieo rắc cái chết của “kẻ trộm”. Những con chiên có sự sống qua việc chúng được “cứu độ” và tìm được “đồng cỏ”. Cách thức mà mục tử Giêsu mang lại sự sống cho những con chiên là “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11.15.17.18). Chủ đề “sự sống/ sự sống đời đời” là một chủ đề đặc trưng trong Tin Mừng thứ tư. Ngay từ trong Lời Tựa, tác giả cho biết rằng “điều được tạo dựng nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Đức Giêsu khẳng định rằng chính Người phải được treo lên “để ai tin vào Người thì có sự sống đời đời” (Ga 3,15-16: ζωὴν αἰώνιον; Cf. 3,36). Đức Giêsu có khả năng ban nước “mang lại sự sống đời đời” (4,14). Trong diễn từ “Bánh Hằng Sống” (Ga 6), Đức Giêsu khẳng định rằng “thịt và máu Đức Giêsu cũng có thể mang lại cho người ta sự sống đời đời” (Ga 6,53.54). Người là “sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù có chết cũng sẽ được sống; Ai sống mà tin vào Người sẽ không chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Bình luận tổng quát

Câu chuyện “người mù thuở mới sinh” được sáng mắt dẫn đến hai thái độ của hai nhóm người. Nhóm những người Pharisêu và những người Do Thái ra sức tra hỏi người và cả cha mẹ của anh đủ điều và cuối cùng họ “trục xuất” anh khỏi Hội Đường (Ga 9,34). Sau khi nghe tin anh bị trục xuất Đức Giêsu đã gặp anh và hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”. Anh ta hỏi lại: “Thưa Ngài, Đấng đó là ai để tôi tin?” Khi biết Đấng ấy chính là “Người đang nói với anh”, anh đã tuyên xưng đức tin và sụp lạy Người (Ga 9,35-38). Ngược lại với nhóm lãnh đạo Do Thái, Đức Giêsu đã đón nhận anh cách nồng ấm. Trong bối cảnh của câu chuyện này và gợi nhớ đến bối cảnh của sách ngôn sứ Edêkiel (Ed 34) liên quan sự đối nghịch giữa những vị mục tử độc ác xấu xa và Thiên Chúa mục tử tốt lành, Đức Giêsu kể câu chuyện về người mục tử tốt lành, đối lại với hình ảnh những người trộm cướp. Ga 10,1-10 là đoạn đầu của câu chuyện này. Đoạn văn bao gồm một dụ ngôn nói về hai hình ảnh trái ngược: Người mục tử và kẻ trộm kẻ cướp (cc.1-6) và phần hé mở về ý nghĩa dụ ngôn (cc.7-10). Phần một mô tả cách thức đi vào trại chiên và tiếp cận với đàn chiên của hai nhân vật đối nghịch này. Người mục tử đi vào trại chiên qua cổng, trong khi đó kẻ trộm – kẻ cướp trèo lên qua lối khác. Họ hoàn toàn xa lạ với đàn chiên. Những con chiên không biết tiếng của họ và không đi theo họ, thậm chí chạy trốn họ. Ngược lại, vị mục tử gọi tên từng con chiên của ông, xua chúng ra ngoài, rồi đi trước dẫn lối cho đàn chiên theo sau. Sở dĩ chúng đi theo vị mục tử vì chúng biết tiếng của ông. Thính giả trực tiếp không hiểu dụ ngôn của Đức Giêsu vì họ còn mù, còn ở trong tội của họ và họ không thuộc đàn chiên của Người. Trong phần hai, Đức Giêsu bắt đầu hé mở ý nghĩa dụ ngôn. Người tự mô tả mình là cổng của những con chiên, cổng mà qua đó những con chiên có thể đi vào, đi ra và tìm được đồng cỏ. Hình ảnh “đồng cỏ” gợi nhớ đến cảnh êm đềm, no đủ của một đàn chiên được mục tử Thiên Chúa trong Cựu Ước dưỡng nuôi, săn sóc. Những con chiên đi vào, đi ra qua mục tử Giêsu tìm được đồng cỏ, đồng nghĩa với “được cứu độ”. “Được cứu độ” có nghĩa là có sự sống và có dồi dào. Cách thức mà mục tử Giêsu có thể mang lại ơn cứu độ, mang lại sự sống dồi dào cho những con chiên của mình sẽ được diễn tả cách đặc biệt trong đoạn văn tiếp theo: “Tôi là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống vì những con chiên của mình” (Ga 10,11.15.17.l8). Đó là mục đích của toàn thể sứ vụ mà Chúa Cha giao cho Đức Giêsu: Cứu độ nhân loại qua cái chết và Phục Sinh của Người.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] Although thyra is the normal word for the door of a room (Matt 6:6), the translation “gate” seems more appropriate here for the opening in a stone enclosure [R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXIX, 385].

[2] “Turning to the question of parable and allegory in John 10, we hope to show below that 10:1–5 consists of several parables, while 10:7 ff. consists of allegorical explanations. The latter feature is not an a priori indication that the material could not have come from Jesus himself. As we shall see, some of the material in 10:7 ff. may represent a later expansion of Jesus’ remarks” … (a) the gate is explained in 7–10; (b) the shepherd is explained in 11–18; (c) the sheep are explained in 26–30 (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 390-391).

[3] “There were several types. At times, the sheepfold was a square marked off on a hillside by stone walls; here it seems to be a yard in front of a house, surrounded by a stone wall which was probably topped with briars” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 385).

[4] R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 388; “The historical event of the rededication of the Temple by Judas Maccabeus which was recalled in the feast was a reminder of the high priests, like Jason and Menelaus, who had betrayed their office by contributing to the Syrian desecration of the holy place. They may have sparked Jesus’ references to the thieves, robbers, and hirelings who betrayed the flock” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 389); “The immediately foregoing narrative of the healing of the man born blind, culminating in his ejection by the Pharisees, finds a reflection in the contrast between the “thief and robber” and the good shepherd in their respective attitudes to the sheep” [G.R. BEASLEY-MURRAY, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 168].

[5] “It seems that Palestinian shepherds frequently have pet names for their favorite sheep, “Long-ears,” “White-nose,” etc. (Bernard, II, p. 350)” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 388).

[6]The immediately previous narrative (9:1-38) provides background for this situation of ‘the Jews.’ They do not belong to the flock of the shepherd because they do not recognize his voice and they do not follow him” [F. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1991) 309].

[7] R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 393.

[8] “Various writers, familiar with life in the nearer Orient, have drawn attention to statements of shepherds virtually identical with v 7b. They speak of themselves as a “door of the sheep,” since they habitually lie down across the open entry to a sheepfold, and their body forms a barrier to intruders, whether thieves or wild beasts (E. F. F. Bishop recounts in detail two such instances, “The Door of the Sheep,” 307, and L. Morris cites another told by G. A. Smith to G. Campbell Morgan, 507 n.30). It is an attractive interpretation and conceivably could have been so understood by readers of the Gospel familiar with such pastoral settings, but they would have been few; more importantly, the idea does not comport with vv 2–3, which have in view an actual door in the wall or fence, guarded by a gatekeeper” [G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 169].

[9] F. Moloney, The Gospel of John, 309.

[10] “The Sahidic version reads “the shepherd,” a reading that now receives its first Greek support from P75. Black, p. 1931, follows Torrey in believing that the original “shepherd” became “gate” through a mistake in copying the underlying Aramaic. Actually, however, “gate” is the more unexpected and difficult reading; “shepherd” may well have been introduced by copyists in an attempt to make the explanation of the parable a consistent picture. That Jesus could not at the same time be both gate and shepherd (11, 14) would cause trouble” (R.E. BROWN, The Gospel according to John (I–XII), 386).

[11] “This reading might have arisen as a result of the interpretation of verse 1* in this sense: Jesus is described as the door, since one comes into the community only through him. Jesus is the shepherd of the sheep, from whom they receive everything that is necessary to life, and who shelters, leads, and cares for them” [E. HAENCHEN – R.W. FUNK – U. BUSSE, John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 47].

[12] The saying is parallel to 14:6, “I am the Way, the truth, and the life: no one comes to the Father except through me.” Jesus is the Door to the life of the kingdom of God, which is given to those who come to the Father through him (G.R. BEASLEY-MURRAY, John, 169).

No comments:

Post a Comment