Bản Văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
19Οὔσης οὖν ὀψίας τῇ ἡμέρᾳ ἐκείνῃ τῇ μιᾷ σαββάτων καὶ τῶν θυρῶν κεκλεισμένων ὅπου ἦσαν οἱ μαθηταὶ διὰ τὸν φόβον τῶν Ἰουδαίων, ἦλθεν ὁ Ἰησοῦς καὶ ἔστη εἰς τὸ μέσον καὶ λέγει αὐτοῖς· εἰρήνη ὑμῖν. 20καὶ τοῦτο εἰπὼν ἔδειξεν τὰς χεῖρας καὶ τὴν πλευρὰν αὐτοῖς. ἐχάρησαν οὖν οἱ μαθηταὶ ἰδόντες τὸν κύριον. 21εἶπεν οὖν αὐτοῖς [ὁ Ἰησοῦς] πάλιν· εἰρήνη ὑμῖν· καθὼς ἀπέσταλκέν με ὁ πατήρ, κἀγὼ πέμπω ὑμᾶς. 22καὶ τοῦτο εἰπὼν ἐνεφύσησεν καὶ λέγει αὐτοῖς· λάβετε πνεῦμα ἅγιον· 23ἄν τινων ἀφῆτε τὰς ἁμαρτίας ἀφέωνται αὐτοῖς, ἄν τινων κρατῆτε κεκράτηνται. |
19 Rồi buổi chiều ngày ấy, ngày thứ
nhất trong tuần, cửa của nơi các môn đệ ở được
khóa lại vì họ sợ những người Do Thái, Đức Giêsu đến và đứng giữa và
nói với họ: “Bình an cho anh em” 20 Sau
khi nói điều này, Người cho họ thấy bàn tay và cạnh
sườn. Các môn đệ vui mừng khi họ thấy
Chúa. 21 Đức Giêsu
lại nói với họ: “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng gửi anh em.” 22 Và sau
khi nói điều này Người thở ra và nói cùng họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Linh” 23 Anh em tha tội cho ai thì chúng được tha cho họ, anh em cầm
giữ ai thì chúng bị cầm giữ lại. |
Ga 20,19-23 là một trong những loạt trình
thuật kể về sự Phục Sinh của Đức Kitô. Đoạn văn tiếp theo ngay sau trình thuật
về cuộc gặp gỡ riêng giữa Đức Giêsu Phục Sinh và bà Maria Mađalênê (Ga 20,11-18). Trình thuật về
cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Maria Mađalênê phải được diễn ra để kết thúc hành
trình tìm Chúa của bà đã được nói đến ở đầu chương 20 (20,1-2). Trong trình thuật
ấy, tiến trình tìm Chúa, hay hành trình đức tin của Maria Mađalênê chỉ dừng lại
ở việc nhìn thấy “ngôi mộ trống” và chạy về thông tin cho các môn đệ. Trong
trình thuật sau đó (Ga 20,11-18), bà đã
được gặp Đức Giêsu Phục Sinh và kết thúc bằng hành động: “Về báo cho các môn đệ”
rằng bà đã được “thấy Chúa” và kể cho
các môn đệ nghe về những điều Đức Giêsu đã nói với bà (Ga 20,18). Tiếp theo là hành trình đức tin của
các môn đệ còn lại. Mặc dù đã có “người môn đệ Chúa yêu” “đã thấy và đã tin”
(Ga 20,8), và các môn đệ đã được bà Maria kể hết mọi sự về cuộc gặp giữa Đức Giêsu
Phục Sinh và bà , nhưng không dễ gì các môn đệ sẽ tin vào lời chứng của bà . Vì
vậy, tường thuật về sự kiện Đức Giêsu hiện ra với mười môn đệ (Ga 20,19-23) là
rất cần thiết để hoàn tất hành trình đức tin của các môn đệ. Điểm đặc biệt của tác
giả Gioan trong trình thuật này là sự vắng bóng của nhân vật Tôma để rồi sau đó
ông hiện diện và xác tín niềm tin đanh thép vào Chúa và Thiên Chúa của ông (Ga
20,28). Dấu chỉ thời gian “ngày thứ nhất trong tuần” trong câu chuyện này là điểm
tựa để tác giả Gioan kể tiếp câu chuyện ông Tôma gặp Chúa, cũng bắt đầu bằng một
dấu chỉ thời gian “Tám ngày sau” (Ga 20,26). Hành trình đức tin của các môn đệ
chỉ hoàn tất khi Đức Giêsu đáp ứng yêu cầu của Tông Đồ Tôma, bằng việc hiện ra
và mời gọi ông xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh
sườn. Nghĩa là, tất cả các Tông Đồ đều được nhìn thấy Đấng Phục Sinh và có người
còn nhìn thấy Người đến hai lần. Đó chính là cơ sở nền tảng cho lời chứng của họ
trong hành trình loan báo Tin Mừng.
Cấu trúc
Bối cảnh: Thời gian, không gian và nhân vật A. Đức Giêsu
xuất hiện và ban bình an B. Cho xem tay và cạnh sườn C. Cảm xúc của các môn đệ:
Vui mừng A’. Ban
bình an B’. Sai đi và ban Thánh Thần C’. Quyền của các môn đệ:
Tha tội |
Một số điểm chú giải
1.
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần:
Cụm trạng ngữ chỉ thời gian “vào chiều ngày ấy” với danh từ ngày có chỉ định từ
xác định và đi kèm theo cụm danh từ giải thích “ngày thứ nhất trong tuần” cho
thấy sự kiện này xảy ra cùng ngày với sự kiện “ngôi mộ trống”. Trong buổi sáng
ngày ấy, bà Maria Mađalênê cùng với các môn đệ đã chứng kiến ngôi mộ trống và
người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và đã tin” (Ga 20,1-10). Sau đó, Đức Giêsu lại
hiện ra với riêng bà Maria Mađalênê vào thời gian trong ngày (Ga 20,11-18), rồi
vào chiều tối hôm ấy, Người lại hiện ra với các môn đệ. Tác giả R. Brown còn nối
kết “ngày ấy” với ngày mà hai môn đệ đã gặp gỡ và nhận ra Chúa trên hành trình
về Emmaus, được tác giả Luca kể lại (Lc 24,13-32). Hơn nữa, trạng ngữ “ngày ấy”
còn liên kết với “ngày của Chúa” trong truyền thống Cựu Ước: “Dân của Ta sẽ biết
danh Ta, trong ngày ấy họ sẽ biết chính Ta là Đấng phán truyền” (Ís 52,6).[1]
2.
Cửa đóng kín vì sợ người Do Thái. Động
từ “khóa” được dùng ở thể bị động, lối phân từ và thì hoàn thành. Lối phân từ
có thể là cách dùng diễn tả về thời gian: “Khi đang bị khóa”. Thì hoàn thành diễn
tả một hành động mà kết quả vẫn còn kéo dài trong hiện tại. Mệnh đề trạng ngữ
chỉ thời gian “khi cửa đã khóa” vừa nhấn mạnh sự xuất hiện cách siêu việt của Đức
Giêsu Phục Sinh. Người có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu và không bị giới hạn bởi
không gian vật chất.[2]
Tình trạng “cửa bị khóa” cũng cho thấy tình trạng tâm lý của các môn đệ: “Vì sợ
người Do Thái”. Nhóm “người Do Thái” được nói đến ở đây không phải là mọi người
Do Thái cho bằng nhóm “người Do Thái” là đối thủ của Đức Giêsu trước kia và gây
ra cái chết cho Người (Ga 5,10.16.18; 6,41.52; 7,1; 9,22). “Những người Do
Thái” chỉ là nhóm lãnh đạo chống đối và tham gia vào vụ án của Đức Giêsu mà
thôi. Động từ “khóa” được dùng đến hai lần trong đoạn này nhấn mạnh đến tình trạng
hoảng sợ của các môn đệ và sự hiện diện vượt không gian của Đức Giêsu. Trong
Tin Mừng thứ tư không chỉ có các môn đệ “sợ những người Do Thái”. Cha mẹ của
anh mù từ thuở mới sinh, đã được Đức Giêsu chữa lành, cũng “sợ những người Do
Thái” (Ga 9,22) khi họ được hỏi về cách thức làm thế nào mà con của họ được
sáng mắt. Trong cuộc xử án Đức Giêsu, quan Philatô cũng sợ những người Do Thái
khi họ nói cùng ông: “Chúng tôi có luật và theo luật này thì nó phải chết vì nó
cho rằng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,7-8). Dĩ nhiên, nỗi sợ của các môn đệ
trong bối cảnh này còn đáng sợ hơn vì đó là nỗi sợ rằng cái chết tương tự như
Thầy, sẽ xảy đến cho họ. Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất nhấn mạnh đến nỗi
hoảng sợ những người Do Thái của các môn đệ sau vụ án của Đức Giêsu. Các tác giả
Tin Mừng khác dường như không đề cập đến chi tiết họ đóng kín cửa phòng vì sợ
những người Do Thái. Sự nhấn mạnh của tác giả Gioan có thể hé lộ một sự bắt bớ
của những người Do Thái dành cho cộng đoàn của tác giả.[3]
Việc các môn đệ quy tụ vào “ngày thứ nhất” trong tuần nhắc nhớ đến truyền thống
cử hành Thánh Thể trong cộng đoàn kitô hữu tiên khởi.[4]
Mỗi Chúa Nhật hằng tuần các Kitô hữu tụ họp cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa
và Đấng Phục Sinh luôn hiện diện và ban bình an cho cộng đoàn.
3.
Đức Giêsu đến đứng ở giữa (ἦλθεν ὁ Ἰησοῦς καὶἔστη εἰς
τὸ μέσον). Vị trí của Đức Giêsu và cách xuất hiện của Người ở cả
hai lần được ghi lại trong đoạn văn này là giống nhau. Đức Giêsu: “Đến, đứng ở
giữa”. Những hành động của Đức Giêsu vừa có tính nhân loại vừa cho thấy tính thần
linh. Hành động “đến và đứng” là hành động của một người bình thường. Tuy
nhiên, việc Đức Giêsu đến trong khi cửa đóng kín cho thấy thân xác Phục Sinh của
Người vượt không gian. Hành động “đến” cho thấy sự chủ động của Người. Vị trí “ở
giữa” vừa biểu lộ một điểm quy chiếu, trung tâm, linh hồn của nhóm, vừa cho thấy
sự chứng kiến của tất cả các môn đệ. Người đến, và hiện diện giữa họ trong bối
cảnh lòng họ đang rối bời hoảng sợ khủng khiếp. Cụm từ này còn được lặp lại một
lần nữa trong đoạn văn này (20,26). Điều này cho thấy một thói quen về vị trí
hiện diện mỗi khi Đức Giêsu xuất hiện với nhóm môn đệ sau khi Người Phục Sinh.
Đây cũng là cách thức mà Đức Giêsu hiện diện mỗi khi có hai hoặc ba người tụ họp
lại nhân danh Đức Giêsu: “Ở nơi có hai hoặc ba người tụ họp lại vì danh của Thầy,
chính Thầy ở đó, ở giữa họ” (Mt 18,20).
4. “Bình
an cho anh em”: Sự hiện diện của Người trước hết là ban thông điệp bình an
và ổn định tinh thần cho các sứ đồ. Hai lần Tin Mừng diễn tả những cánh cửa
đóng kín, và một lần diễn tả lý do “vì họ sợ những người Do Thái” là những lý
do để Đức Giêsu đưa ra lời chúc bình an. Thật vậy, chỉ riêng trong đoạn này Đức
Giêsu đã chúc đến 3 lần: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.21.26). Mật độ dày đặc
của lời chúc bình an của Đức Giêsu rất đáng chú ý. Nó làm cho độc giả cảm thấy
sự vang vọng của sự bình an mà Đức Giêsu ban tặng: “Bình an cho anh em”; “bình
an cho anh em”; “bình an cho anh em”. Bình an, trong tiếng Do Thái “Shalom” là
lời chào hằng ngày của người Do Thái. Nó xuất phát từ lời chúc lành của Chúa
trong truyền thống Cựu Ước. Khi thủ lãnh Gideon hoảng sợ vì đã giáp mặt thiên
thần của Chúa, Chúa đã nói cùng ông: “Bình an cho ông, đừng sợ, ông sẽ không chết
đâu”. Sau đó ông Gideon đã xây một bàn thờ và gọi tên là “Chúa của sự bình an”
(Tl 6,23-24). Trong bối cảnh này, sự bình an của Đấng Phục Sinh vượt lên trên mọi
lời chào hỏi thường ngày vì đây là lời chào mang lại niềm hy vọng, niềm vui sau
những ngày tuyệt vọng của các môn đệ.[5]
Có thể nói đây là lời chúc cho thấy “trời quang mây tạnh” sau những ngày bão tố;
lời chào mang lại ánh sáng sau đêm tối đức tin của các môn đệ.
5. Các
môn đệ rất vui mừng vì được nhìn thấy Chúa. Họ như quên đi nỗi sợ hãi đang
bao trùm. Thế nhưng, sự sợ hãi ấy vẫn chưa thể chấm dứt. Bằng chứng là trong lần
hiện ra thứ hai được nói đến trong đoạn này, các cánh cửa “vẫn đóng kín”. Họ đã
cảm nhận và đã tin vào sự sống lại của Chúa. Lời hứa của Đức Giêsu lúc chia tay
đã thành sự thật: “Thầy không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em” (Ga
14,18); “Bây giờ anh em sẽ đau buồn nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em và lòng anh em
sẽ vui mừng và không ai có thể lấy mất niềm vui của anh em” (Ga 16,22). Việc Đức
Giêsu đi về cùng Chúa Cha (khổ nạn – chết và Phục Sinh) (Ga 14,28) là một niềm
vui cho các môn đệ, những người yêu Người, vì họ sẽ được chung chia niềm vui
vinh quang với Người và nhận được ơn cứu độ nhờ sự chết và sự Phục Sinh của Người.
Đức Giêsu đã nói trước như vậy, nhưng các môn đệ chỉ thực sự vui mừng khi họ gặp
lại Người sau khi Người Phục Sinh.
6.
Cho xem tay và cạnh sườn: “Tay và cạnh
sườn” là nơi có những dấu tích của cuộc khổ nạn. Hai bàn tay là những nơi có những
dấu đinh khi Người chịu đóng đinh vào thập giá (Ga 19,18.23). Các chuyên gia xưa
nay đã cố gắng giải thích, bàn luận về vị trí được đóng đinh trên tay của Đức Giêsu.
Có người cho rằng nếu đóng vào hai bàn tay thì những mũi đinh đó không đủ để giữ
cả thân hình của tội nhân. Thân xác nặng của tội nhân sẽ xé toạc lỗ đinh. Họ
cho rằng, có lẽ những chiếc đinh được đóng vào cánh tay của tội nhân, vị trí nối
giữa bàn tay và cánh tay. Lối lý giải này xem ra hợp lý. Tuy vậy, từ ngữ thánh
Gioan dùng ở đây là “những bàn tay” (τὰς χεῖρας) chứ không phải là những cánh tay. Cạnh sườn
là nơi bị đâm thủng bởi cây giáo của một tên lính Rôma (Ga 19,31-37). Đối với mười
môn đệ kia Đức Giêsu chỉ cho họ xem “những bàn tay và cạnh sườn”, còn đối với Tôma
Đức Giêsu mời gọi “xem những bàn tay” xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đặt bàn
tay vào cạnh sườn, theo điều kiện mà ông đã đặt ra cho mười môn đệ kia, chứ
không phải cho Đức Giêsu (Ga 20,25). Luca cũng ghi lại lời mời gọi (hãy xem) và
“cho xem” tương tự như Gioan, nhưng Luca thêm “những bàn chân nữa” thay vì “cạnh
sườn”: “hãy nhìn xem những bàn tay và những bàn chân của Thầy” (Lc 24,39.40). Sự
sai lệch chút ít trong dữ liệu của hai tác giả này như bổ sung cho nhau. Đức Giêsu
Phục Sinh mang nơi thân mình cả những dấu đinh nơi những bàn tay và những bàn
chân, cũng như dấu đâm nơi cạnh sườn nữa. Đó là những bằng chứng sống động cho
thấy sự nối kết giữa thân xác khổ nạn và thân xác Phục Sinh.[6]
Đó rõ ràng là một thân xác nhưng đã được biến đổi vượt không gian và thời gian.
Người có thể hiện diện mọi nơi, mọi lúc.
7.
Sai đi: “Như Chúa Cha
đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Lời nói này của Đức Giêsu, liên quan đến
“sự sai đi”, như âm vang lời căn dặn của Đức Giêsu trong đoạn cuối của Tin Mừng
Máccô và Tin Mừng Mátthêu. Tác giả Mátthêu kể rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Theo tác giả Máccô, Đức Giêsu dặn rằng:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; ai không tin sẽ bị kết án” (Mc
16,15-16). Như thế, các tác giả sách Tin Mừng đều có ý khép lại những trang Tin
Mừng của mình bằng mệnh lệnh sai đi của Đức Giêsu. Tuy vậy, có thể thấy rằng
không có tác giả Tin Mừng nào cho thấy sự nối kết mật thiết giữa mệnh lệnh của
Chúa Cha và của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng thứ tư Đức Giêsu đã nhiều lần mặc khải
về tương quan giữa Người với Cha. Người không làm điều gì bởi chính mình nhưng
làm những điều Người thấy Chúa Cha làm (Ga 5,19); Đức Giêsu nói điều Chúa Cha bảo
Người nói (Ga 12,50); Như thể, Chúa Cha cho kẻ chết sống lại thì Người Con cũng
ban sự sống cho ai mà Người muốn (Ga 5,21); Cha ở trong Đức Giêsu và Đức Giêsu ở
trong Cha (Ga 10,38); “Ta và Chúa Cha là một” (10,31). Việc Đức Giêsu sai các
môn đệ phát xuất từ ý tưởng sai đi của Chúa Cha và cùng một cách thức. Trong
Tin Mừng thứ tư, vô số lần Đức Giêsu đề cập đến việc Người được sai đến (Ga
4,34; 5,23.24.30.36.37; 6,38.44.57; 7,16.18.28.29; 8,16.18.26.29; 9,4 ...). Chính
vì thế trong bối cảnh này mệnh lệnh sai đi cũng được đặt trong tương quan với lệnh
sai đi từ Chúa Cha và lan rộng ra đến các môn đệ. Mệnh lệnh “sai đi” của Đức Giêsu
cũng là của Chúa Cha.[7] Khi tâm
sự với Chúa Cha Người cũng nói như vậy: “Như Cha đã sai con đến thế gian, con
cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Sự đồng hoá trong mệnh lệnh sai đi này
cũng có thể hiểu trong mầu nhiệm “hiệp nhất nên một giữa Chúa Cha và Đức Giêsu”:
“Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21); “Ta và Chúa Cha là một” (Ga
10,30; Cf. 10,38; 14,10; 17,11.21.22.23).
8.
Thở hơi: Hành động
này của Đức Giêsu gợi nhớ đến hành động của Thiên Chúa trong trình thuật về
“Sáng tạo” trong sách Sáng Thế. Thiên Chúa làm ra con người từ bụi đất và thổi
vào lỗ mũi của nó hơi thở sự sống và con người trở thành sinh vật sống (St
2,7). Trong ý hướng đó, Hồng ân Thánh Thần có thể làm cho các môn đệ được sống
động bởi vì họ đang bất động, khóa kín mình trong nhà.[8] R. Brown
ghi nhận ý kiến của một vài nhà chú giải, những người đã giải thích đoạn văn
này của Gioan theo ánh sáng của niềm tin Cận Đông rằng hơi thở của một người
thánh sẽ có năng lực siêu nhiên, như là khả năng cứu chữa. Vì trong Tin Mừng
Gioan, sự thở hơi này liên hệ đến việc tha thứ tội lỗi, năng lực bí tích trong
nhiều nền Kitô giáo, một vài chuyên gia nghĩ rằng ở đây Gioan phản ánh một nghi
thức của Kitô hữu sơ khai.[9]
9.
“Hãy nhận lấy Thánh Thần”: Việc trao ban Thánh Thần, được cả Luca và Gioan nói đến cách rõ ràng. Thế
nhưng, theo Luca thì mãi đến Lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Lễ Vượt Qua, các
môn đệ mới nhận được Thánh Thần một cách long trọng, qua đó họ chính thức ra đi
rao giảng Tin Mừng cho “muôn dân” (Cv 2,1-13). Trước đó vào cuối Tin Mừng Luca,
Đức Giêsu đã căn dặn các môn đệ hãy ở lại trong thành cho đến khi “nhận được
quyền lực từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49). Lời căn dặn này cũng được nhắc lại
một lần nữa vào đầu sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,4). Sau đó, Đức Giêsu lại hứa
thêm: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” (Cv 1,8). Tác phẩm của Luca
gồm có hai phần: Tin Mừng theo Luca và sách Công Vụ Tông Đồ. Lời hứa ban Thánh
Thần vào cuối Tin Mừng cùng với sứ vụ sai đi sẽ được hiện thực hóa và hoàn trọn
trong những tường thuật của sách Công Vụ Tông Đồ. Cũng cần biết thêm, trong ba
Tin Mừng Nhất Lãm, phải nói Luca là tác giả nói nhiều nhất về Chúa Thánh Thần (Thánh
Linh). Trong khi từ Thánh Linh (πνεύματος ἁγίου) xuất hiện 16 lần trong Tin Mừng Luca, trong Tin
Mừng Máccô 6 lần và Mátthêu 11 lần.[10] Gioan
cũng là tác giả nói rất nhiều về Thần Khí. Ngoài danh xưng “Thánh Linh” giống
như Tin Mừng Nhất Lãm, ông còn dùng thêm danh xưng “Paráclêtos”[11] (Đấng bảo
trợ, giúp đỡ) để diễn tả cùng một ngôi vị (Ngôi Ba Thiên Chúa).[12] Trong
Tin Mừng thứ tư Đức Giêsu hứa sẽ “xin cùng Cha và Người sẽ ban một Đấng Paráclêtos
Khác” cho các môn đệ, Đấng này sẽ ở cùng họ “đến muôn đời” (Ga 14,16). Đấng Paráclêtos
này sẽ “dạy các môn đệ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ lại tất cả những điều Đức Giêsu
đã nói với họ” (Ga 14,26). Đấng này cũng chính là Thần Khí sự thật, sẽ làm chứng
về Đức Giêsu. “Thần Khí sự thật này cũng sẽ dẫn các môn đệ vào sự thật toàn vẹn”
(Ga 16,13). Đấng này đã được Đức Giêsu ban cho các môn đệ trong đoạn văn này
(Ga 20,19-31), với quyền năng tha tội. Việc trao ban Thánh Linh ngay sau khi
trao ban sứ vụ cho thấy mục đích chính của việc trao ban Thánh Linh là để đảm bảo
cho các môn đệ có thể hoàn thành sứ vụ cách tốt đẹp nhất.[13] Thánh
Linh cũng có thể là tác nhân của sứ vụ hòa giải mà các môn đệ sẽ thực thi.
10.
Tha tội – cầm giữ: Lời
ban năng quyền tha tội được ban cho tất cả các môn đệ ngay sau khi Đức Giêsu
ban Thánh Linh. Trong Tin Mừng Mátthêu, ngay sau khi Phêrô tuyên xưng “Thầy là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” Đức Giêsu liền trao quyền “tháo cởi – cầm
giữ” cho riêng ông: “Điều anh trói buộc dưới đất, trên trời sẽ được trói buộc,
điều gì anh tháo cởi dưới đất, trên trời sẽ tháo cởi” (Mt 16,19). Có lẽ, Mátthêu
nhấn mạnh hơn đến quyền cai quản nói chung của vị tông đồ trưởng và trong đó có
cả quyền tha tội. Tin Mừng Gioan nói rõ ràng đó là quyền tha thứ tội lỗi và quyền
ấy được trao cho tất cả các tông đồ.[14] Sự khác
biệt cũng thể hiện rõ nét ở chỗ là quyền tha tội đi liền với hồng ân lãnh nhận
Thánh Linh. Việc trao ban “năng quyền tha tội” kết thúc trình thuật về sự tiến
trình “sai đi” của Đức Giêsu. Tiến trình ấy bắt đầu bằng việc ban bình an, giải
thích khuôn mẫu của việc sai đi (như Cha đã sai), thở hơi trao ban Thánh Linh
và ban “năng quyền tha tội” (Ga 20,21-23). Trong Tin Mừng Luca, tiếp nối với
Sách Công Vụ, độc giả mới thấy rõ sự kết hợp giữa lời rao giảng của các môn đệ,
Thánh Linh và ơn tha tội. Quả vậy, Đức Giêsu của Tin Mừng Luca sai các môn đệ
đi rao giảng “Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ”: “Phép rửa của
lòng hoán cải phải được loan báo nhân danh Người cho muôn dân nước” (Lc 24,47).[15] Để đi
rao giảng, các môn đệ phải nhận lãnh “lời hứa của Chúa Cha”, “quyền năng từ bên
trên” hay “Thánh Linh” (Lc 24,49; Cv 1,4-5; 2,1-36). Sau khi rao giảng, họ làm
phép rửa và ban Thánh Linh để mang lại ơn tha thứ cho những người tin (Cv 2,38;
10,44-48).
Bình luận tổng
quát
Một trong những thông điệp nền tảng trong giáo huấn
của các Tông Đồ là mầu nhiệm Phục Sinh. Đây cũng là thông điệp khó thuyết phục
người ta nhất. Bằng chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu không chỉ đơn giản là
“ngôi mộ trống” vì nó chỉ nói lên được là xác của Đức Giêsu không còn ở trong
đó. Đứng trước “ngôi mộ trống” chỉ có một mình “người môn đệ Đức Giêsu yêu” đã
thấy và đã tin. Ông Phêrô, vị tông đồ trưởng chỉ dừng lại ở sự ngạc nhiên và
phân vân. Bà Maria Mađalênê nghĩ rằng xác Chúa đã bị ăn trộm mất (Ga 20,13). Những
nhà lãnh đạo Do Thái dạy những người lính canh giải thích rằng “ban đêm khi chúng
tôi đang ngủ, môn đệ của hắn đã đến mang xác của hắn đi” (Mt 28,13). Như vậy,
nhất thiết phải có những lần Đức Giêsu hiện ra. Hiện ra với cá nhân từng người
thì vẫn không đủ thuyết phục. Người phải hiện ra với nhóm nhiều người. Nếu có một
Tông Đồ không được thấy Chúa thì vẫn chưa trọn vẹn. Người phải hiện ra với cả
Mười Một người. Đức Giêsu đã hiện ra với riêng bà Maria Mađalênê (Ga 20,11-18);
hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35); hiện ra với ông Simon Phêrô
(Lc 24,34); Với nhóm Mười Người (Ga 20,19-23) và cuối cùng Người hiện ra với
Nhóm Mười Một, có cả ông Tôma (Ga 20, 24-29). Lần hiện ra với nhóm Mười Người thật
ý nghĩa vì nó là bằng chứng xác thực rằng cả Mười Tông đồ đều nhìn thấy Đấng Phục
Sinh. Việc Người xuất hiện giữa các ông trong khi căn phòng vẫn đóng kín cửa,
làm cho các Tông Đồ và cả độc giả hiểu rằng thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu vượt
không gian. Không cánh cửa nào có thể hạn chế Người. Người đứng ở giữa như là
tâm điểm, điểm quy chiếu của cộng đoàn các Tông Đồ. Bình an mà Người ban tặng
giải thoát các Tông Đồ khỏi mọi nỗi sợ hãi mà họ đang trải qua. Các môn đệ đã
vui mừng khi gặp lại Chúa, đúng như lời Người đã hứa với họ xưa kia. Cùng với
món quà bình an được ban hai lần, Đức Giêsu lại ban một món quà lớn lao hơn nữa.
Đó là Thánh Linh. Cũng như Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi của ông Ađam để
ông trở thành một linh hồn sống, Đức Giêsu thổi hơi vào các Tông Đồ để ban cho
họ một Đấng Ban Sự sống. Trong hoàn cảnh họ đang bất động, thiếu sự sống vì sợ
những người Do Thái, Thánh Linh sẽ giúp cho họ có một sức sống mới, sức sống của
Đấng Phục Sinh. Thánh Linh sẽ giúp họ thi hành sứ vụ mà Đức Giêsu trao ban. Đó
là sứ vụ mang lại sự hoà giải cho nhân loại. Quyền tha thứ tội lỗi là quyền của
Chúa, nhưng giờ đây các môn đệ được chia sẻ năng quyền ấy. Sứ vụ của các môn đệ
là tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu. Sự thánh thiêng của sứ vụ nằm ở chỗ đó là sứ vụ
của Chúa. Họ được sai đi theo đúng cách mà Cha đã sai Đức Giêsu. Họ thi hành
năng quyền ấy một cách thánh thiêng, cùng với Thánh Linh mà họ lãnh nhận. Tuy
các môn đệ có quyền tha thứ hoặc cầm giữ, nhưng họ được mời gọi tha thứ vô hạn
để giúp cho nhân loại hoà giải với Chúa càng nhiều càng tốt. Đó chính là ý muốn
của Chúa Cha: “Ý của Chúa Cha là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người
Con, thì được sự sống đời đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga
6,40).
Mỗi người kitô hữu đều đã lãnh nhận quyền năng
Thánh Linh khi lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Ngày xưa, khi Chúa Thánh Linh ngự xuống
trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ đã nói nhiều thứ tiếng mới lạ khác nhau (x.
Cv 2,1-13). Những người Do Thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở về đã rất kinh
ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Câu hỏi đặt ra là:
Ngày nay tại sao các kitô hữu không còn nói tiếng lạ nữa, khi họ lãnh nhận
Thánh Linh? Một tác giả nổi tiếng ở Châu Phi đã nói trả lời[16]: Các kitô
hữu vẫn nói mọi thứ tiếng mới lạ vì họ ở trong thân mình Đức Kitô, tức là trong
Hội Thánh, mà Hội Thánh đang nói mọi thứ tiếng khác nhau. Thánh Phaolô đã diễn
tả điều này trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Chúng ta dù là Do Thái hay Hy Lạp,
nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở
nên một thân thể. Tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr
12,13). Trong “bài ca đức mến”, thánh Phaolô đã nói về ơn nói tiếng lạ và lòng
mến như sau: “Nếu như tôi nói được các thứ tiếng mới lạ của loài người và của
các thiên thần đi nữa mà không có tình yêu (ἀγάπην δὲ μὴ ἔχω) thì tôi cũng chẳng khác gì một thành la
phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1). Các kitô hữu được lãnh nhận hồng
ân Thánh Linh để họ có thể nói ngôn ngữ tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Thánh
Giuse Freinademetz, nhà truyền giáo tiên khởi của dòng Ngôi Lời (SVD) đã nói rằng:
“Ngôn ngữ mà tất cả mọi người trên thế giới này đều hiểu là ngôn ngữ tình yêu”.
Giả như các kitô hữu không biết ngoại ngữ nhưng họ vẫn sống yêu thương, và biết
nói lời hay ý đẹp, sống tử tế với người khác, thì họ đã sống trọn vẹn theo hồng
ân Thánh Linh mà họ đã lãnh nhận. Nếu họ nói được nhiều ngoại ngữ nhưng không biết
nói lời yêu thương, hành động bác ái, thì họ vẫn đang giam hãm những hồng ân
Thánh Linh mà họ đã lãnh nhận.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] R.E.
Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New
Haven – London 2008) 29A, 1019.
[2] “John wants us to think that Jesus’ body could pass
through closed doors”, [R.E. Brown,
The Gospel according to John (XIII-XXI),
1020].
[3] “The reference to the
disciples’ fear of the Jews as motive for the locked doors may have been added
by the Evangelist”, G.R. Beasley-Murray, John
(WBC; Dallas 1999) XXXVI, 378; “This expression is to be explained on the
grounds that the Jews are not regarded here as a people, but as community
hostile to Christians, from which the disciples (who are also of course Jews by
birth) are to be basically distinguished”, E.
Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John. A
commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984)
210.
[4] “Indeed, this passage in John has been cited as the
first evidence that the Christian observance of Sunday arose from an
association of that day with the resurrection”, R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 1020.
[5] “His “Shalom!” on Easter
evening is the complement of “It is finished” on the cross, for the peace of
reconciliation and life from God is now imparted. “Shalom!” accordingly is
supremely the Easter greeting”, G.R.
Beasley-Murray, John,
379.
[6] “That clear identification
was to become critically important for the Church to maintain; the Crucified is
the risen Lord, in the fullest sense of the term, and the risen Lord is the
Crucified”, Ibid.
[7] “As the Father has sent me”
implies a sending in the past that continues to hold good in the present”, G.R. Beasley-Murray,
John,
379.
[8] “In v 22 the symbolic action
primarily represents the impartation of life that the Holy Spirit gives in the
new age, brought about through Christ’s exaltation in death and resurrection.
New age and new creation are complementary ideas in eschatological contexts.”, G.R. Beasley-Murray,
John,
381.
[9] R.E.
Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI):
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London
2008) 29A, 1023.
[10] Mt 1,18.20; 3,11.16; 4,1; 12, 18.28.31.32;
22,43; 28,19; Mc 1,8.10.12; 3,29; 12,36; 13,11; Lc 1,15.35.41.67; 2,25.26.27;
3,16.22; 4,1.14.18; 10,21; 11,13; 12,10.12
[11] Xem thêm Lê Minh Thông, “Đấng Pa-rác-lê là
ai?” tại Tin
Mừng Gio-an (Ga), Évangile de Jean (Jn), Gospel of John (Jn): Đấng Pa-rác-lê là
ai? (TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com) (truy cập
09/04/2021).
[12] Ga 14,16.26; 15,26; 16,7.
[13] “the accomplishment of the
mission is the primary purpose of the giving of the Spirit”, G.R. Beasley-Murray,
John,
380.
[14] “The language refers to the
judge’s declaration of the guilt or innocence of persons brought before him,
who are “bound” to or “loosed” from the charges made against them”, G.R. Beasley-Murray,
John,
383.
[15] Xem thêm về “Phép Rửa của lòng hoán cải
trong” trong J.P.D. Thạch, “Chia Tay Trong Niềm Vui” LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: CHIA TAY TRONG NIỀM VUI. Chú Giải Tin
Mừng CN Chúa Thăng Thiên, Năm C (Lc 24,46-53) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[16]
Trích bài đọc II, Kinh Sách, Thứ Bảy Tuần VII, Phục Sinh.