Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
5 Καί τινων λεγόντων περὶ τοῦ ἱεροῦ ὅτι λίθοις καλοῖς καὶ ἀναθήμασιν κεκόσμηται εἶπεν· 6 ταῦτα ἃ θεωρεῖτε ἐλεύσονται
ἡμέραι ἐν αἷς οὐκ ἀφεθήσεται λίθος ἐπὶ λίθῳ ὃς
οὐ καταλυθήσεται. 7 Ἐπηρώτησαν δὲ αὐτὸν λέγοντες· διδάσκαλε, πότε οὖν
ταῦτα ἔσται καὶ τί τὸ σημεῖον ὅταν μέλλῃ ταῦτα
γίνεσθαι; 8 ὁ δὲ εἶπεν· βλέπετε μὴ πλανηθῆτε· πολλοὶ γὰρ ἐλεύσονται ἐπὶ τῷ ὀνόματί μου λέγοντες· ἐγώ εἰμι, καί· ὁ καιρὸς ἤγγικεν. μὴ πορευθῆτε ὀπίσω αὐτῶν. 9 ὅταν δὲ ἀκούσητε πολέμους
καὶ ἀκαταστασίας, μὴ πτοηθῆτε· δεῖ γὰρ ταῦτα γενέσθαι πρῶτον, ἀλλ᾽ οὐκ εὐθέως τὸ τέλος. 10 Τότε ἔλεγεν αὐτοῖς· ἐγερθήσεται ἔθνος ἐπ᾽ ἔθνος
καὶ βασιλεία ἐπὶ βασιλείαν, 11 σεισμοί τε μεγάλοι καὶ
κατὰ τόπους λιμοὶ καὶ λοιμοὶ ἔσονται, φόβητρά τε καὶ ἀπ᾽
οὐρανοῦ σημεῖα μεγάλα ἔσται. 12 Πρὸ δὲ τούτων
πάντων ἐπιβαλοῦσιν ἐφ᾽ ὑμᾶς τὰς χεῖρας αὐτῶν καὶ διώξουσιν, παραδιδόντες
εἰς τὰς συναγωγὰς καὶ φυλακάς, ἀπαγομένους ἐπὶ
βασιλεῖς καὶ ἡγεμόνας ἕνεκεν τοῦ ὀνόματός μου· 13 ἀποβήσεται ὑμῖν
εἰς μαρτύριον. 14 θέτε οὖν ἐν
ταῖς καρδίαις ὑμῶν μὴ προμελετᾶν
ἀπολογηθῆναι· 15 ἐγὼ γὰρ δώσω ὑμῖν στόμα καὶ σοφίαν ᾗ οὐ δυνήσονται ἀντιστῆναι ἢ ἀντειπεῖν
ἅπαντες οἱ ἀντικείμενοι ὑμῖν. 16 παραδοθήσεσθε δὲ καὶ ὑπὸ γονέων καὶ ἀδελφῶν καὶ συγγενῶν καὶ φίλων, καὶ θανατώσουσιν ἐξ ὑμῶν, 17 καὶ ἔσεσθε μισούμενοι ὑπὸ πάντων διὰ τὸ ὄνομά μου. 18 καὶ θρὶξ ἐκ τῆς κεφαλῆς ὑμῶν οὐ
μὴ ἀπόληται. 19 ἐν τῇ ὑπομονῇ ὑμῶν κτήσασθε τὰς ψυχὰς ὑμῶν. (Lk. 21:5-19 BGT) |
5 Nhân dịp có một
vài người đang nói về đền thờ rằng nó được trang hoàng bằng những
viên đá tốt và các lễ vật, Đức Giêsu nói: 6 “Những điều mà anh
em đang thấy, sẽ đến những ngày mà khi ấy sẽ
không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, mà không bị phá hủy.” 7 Họ mới hỏi Người:
“Thưa Thầy, vậy thì, khi nào chuyện này sẽ đến?
Có dấu hiệu nào khi những điều này xảy ra?” 8 Người nói rằng:
“Hãy coi chừng, đừng để
bị dẫn đi lạc, vì nhiều người sẽ đến nhân danh
Thầy, nói rằng: “Chính ta đây” và “thời điểm đã gần kề”. Anh em đừng đi theo họ. 9 Khi nghe những
cuộc chiến và những sự hỗn loạn, thì anh em đừng sợ, vì những điều này phải xảy
ra trước nhưng sự kết thúc chưa xảy ra ngay đâu.”
10 Rồi Người nói
tiếp: “Nước này sẽ nổi lên chống nước
kia. 11 Sẽ có nhiều trận
động đất và nhiều nơi có nạn đói và dịch bệnh. Và sẽ có nhiều dấu hiệu vĩ đại
và sự kinh hoàng từ trời. 12 Nhưng trước tất cả những điều này, họ sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, trao
nộp anh em cho các hội đường và ngục tù. Anh em sẽ bị điệu đến trước vua chúa và quan chức vì danh Thầy. 13 Nó dẫn anh em vào việc làm chứng. 14 Hãy yên chí, anh em không cần
chuẩn bị trước để bào chữa như thế nào. 15 Bởi vì chính Thầy
sẽ ban cho anh em cái miệng và sự khôn ngoan
mà nhờ đó tất cả đối thủ của anh em không thể
cưỡng lại hay tranh biện lại nỗi. 16 Anh em sẽ bị cha mẹ, anh em, những người bà con, và bạn hữu, trao nộp và họ sẽ giết
chết vài người trong anh em 17 Anh em sẽ trở
thành những người bị tất cả ghét bỏ vì danh Thầy. 18 Nhưng một cọng tóc từ đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Hãy cứu linh hồn anh em bằng sự kiên trì. |
Bối cảnh
Lc 21,5-19 là đoạn văn thuộc những
bài giảng của Đức Giêsu tại Jêrusalem (Lc 19,28 – 21,38). Sự kiện Đức Giêsu vào
thành Jêrusalem cách long trọng được tường thuật lại ở 19,28-46. Đây là một trong
những bài giảng mang chủ đề cánh chung: Những sự cuối cùng trong thời cuối
cùng, chủ đề trọng yếu trong suốt chương 21 của Tin Mừng thứ ba. Bài giảng này
cũng mang âm hưởng văn chương khải huyền, trong đó có thực tế bách hại và những
lời cổ vũ, động viên, hứa hẹn, đảm bảo về một điều tốt hơn. Không gian của bài
giảng là Jêrusalem và đền thờ, nơi mà Đức Giêsu nhất quyết định đi lên để chịu
khổ nạn và chịu chết. Không gian ấy phù hợp để Đức Giêsu báo trước về cuộc bách
hại, bách hại cho chính Người và bách hại cho các môn đệ trong tương lai. Mặc
khải “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” của đoạn văn này nối kết chặt chẽ với
sự kiện thành Jêrusalem bị bao vây trong đoạn ngay sau đó (Lc 21,20-23) và nhất
là với sự khóc thương Đức Giêsu dành cho Jêrusalem khi mới bước đến gần thành
(19,41-44). Động từ “tra tay bắt”, “nộp” và “giết” là những động từ nối kết với
cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Trước đó, các Kinh Sư và Thượng Tế đã tìm cách
tra tay bắt Đức Giêsu nhưng lại sợ dân chúng (Lc 20,19). Chủ đề làm chứng có mối
liên hệ chặt chẽ đến lời căn dặn của Đức Giêsu vào cuối Tin Mừng Luca (24,48),
đầu sách Công Vụ (Cv 1,8), và sau khi lãnh nhận Thánh Linh, các Tông Đồ đã thi
hành sứ vụ ấy cách nhiệt thành. Lời hứa rằng “chính Thầy sẽ ban cho anh em cái
miệng và sự khôn ngoan” gợi nhớ đến hoạt động trợ giúp của Thánh Linh trên cuộc
đời sứ giả Tin Meng, đặc biệt trong khoảng khắc họ bị thẩm vấn.
Cấu trúc
Bối cảnh (5): Lời khen dành cho đền thờ
SỐ PHẬN ĐỀN THỜ VÀ XUẤT HIỆN NGÔN SỨ GIẢ (6-8) Báo hiệu:
Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào Dấu hiệu: Có nhiều người đến giả danh Thầy Mệnh lệnh: Hãy coi chừng, đừng để bị dẫn đi lạc, đừng đi theo NHỮNG TAI ƯƠNG (9-11) Dấu hiệu: Dưới đất: Những cuộc chiến, thảm
họa thiên nhiên và dịch bệnh Trên trời: Dấu chỉ vĩ đại và kinh hoàng Động viên: Đừng sợ NHỮNG BÁCH HẠI (12-17) Bách hại của người ngoài (12-15) Tra tay bắt, ngược đãi, trao nộp, dẫn đến …
vì danh Thầy cơ hội làm chứng Động viên: Cứ yên tâm, đừng lo chuẩn bị phải bào chữa ra sao Bách hại của người thân
(16-17): Trao nộp và giết chết Trở thành những người bị tất cả ghét bỏ vì danh Thầy Động viên: Không mất một cọng tóc MỆNH LỆNH
(19): Hãy cứu lấy linh hồn |
Những điểm chú
giải
1.
Đền thờ:
Đền thờ Giêrusalem[1]
là thánh địa quốc gia, là trung tâm của toàn bộ những sinh hoạt của dân Israel,
đặc biệt là những sinh hoạt tôn giáo. Cuộc cải cách của vua Giôsiah (639-609
tCN) đã biến Giêrusalem thành một trung tâm thờ cúng duy nhất, với đền thờ là
tâm điểm của nơi Chúa hiện diện.[2]
Lịch sử Israel ghi nhận hai thời kỳ biến động và gắn liền với hai đền thờ cùng
xây trên một địa điểm duy nhất: Thời kỳ đệ nhất đền thờ và thời kỳ đệ nhị đền
thờ. Địa điểm ấy ngày nay chính là nơi tọa lạc của một đền thờ Hồi Giáo, thường
được gọi là “Dome of the Rock”. Đền thờ thứ nhất được vua Salomon xây dựng vào
năm thứ tư triều đại của ông và hoàn tất bảy năm sau đó. Đền thờ này đã bị đế
quốc Babylon phá hủy cùng với thành phố Giêrusalem vào năm 586/7 tCN, đánh dấu
sự sụp đổ hoàn toàn của vương quốc miền Nam (Giuđa), và kéo theo thời kỳ lưu
đày nổi tiếng, thường được gọi là “cuộc lưu đày Babylon”. Hoàng đế Cyrus của Ba
Tư, cho phép nhóm người lưu đày trở về xây dựng lại đền thờ thứ hai (khoảng năm
520-515 tCN). Đền thờ thứ hai này thường được gọi là Đền Thờ Dơrúbbabel (Er
2,2), vì ông là lãnh đạo chính trị cấp cao khi đền thờ được xây lại. Miền đất
Giuđêa lúc bấy giờ chỉ còn là một tỉnh chư hầu của đế quốc Ba Tư. Đền thờ này
được vua Hêrôđê cả tái thiết và mở rộng dưới triều đại của ông (37 tCN – 4
sCN), nên cũng được gọi là “đền thờ của vua Hêrôđê”.[3]
Đền thờ là một nơi chốn rất được để ý trong Tin Mừng Luca. Có thể nói rằng Tin
Mừng mở và kết trong đền thờ. Tin Mừng được khởi đầu bằng cảnh ông Zacaria được
truyền tin trong đền thờ (Lc 1,5-25), và kết bằng việc các Tông Đồ tụ họp cầu
nguyện trong đền thờ (Lc 24,52-53). Trong suốt trình thuật Giáng Sinh và Thời
Thơ Ấu, cũng như thời kỳ rao giảng công khai, tác giả Luca nhiều lần nhắc đến đền
thờ.[4]
Trong bối cảnh này, một vài môn đệ ngưỡng mộ đền thờ vì vẻ đẹp bề ngoài của nó,
cụ thể là những hòn đá đẹp và những lễ vật.[5]
Đền thờ được xây bằng đá cẩm thạch trắng và được trang trí bằng vàng. Những chiếc
bàn đá cẩm thạch được bố trí để chuẩn bị những con vật hiến tế. Sách 2 Mcb nói
đến việc “các vua tôn kính nơi thánh và trọng đãi đền thờ với những đồ dâng
cúng rất hậu hĩ” (2 Mcb 3,2). Ngược với lòng ngưỡng mộ của một vài môn đệ, Đức
Giêsu công bố ngày tàn của nó.
2.
Không còn hòn đá nào trên hòn đá nào: Đền thờ Jêrusalem bị người
Rôma bao vây và Titô cùng lữ đoàn của ông đã phóng hỏa đốt đền thờ vào năm 70
CE. Đây là biến cố lớn làm thay đổi hình thức thờ phượng của Do Thái giáo. Điều
Đức Giêsu tiền báo ở đây chắc chắn ám chỉ đến biến cố này. Trong 21,20 nói cụ
thể đến biến cố thành Jêrusalem bị quân thù vây hãm và bị phá hủy tan tành. Đây
chính là một trong những dấu hiệu rõ nét để các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng
Tin Mừng Luca có thể được soạn thảo sau năm 70 CE. Những “hòn đá đẹp” mà người
ta trầm trồ sẽ trở thành đống đổ nát, không còn xếp lên nhau để thành bức tường
hay là cột đá nữa. Đó là hình ảnh của sự sụp đổ hoang tàn của đền thờ nguy nga
lộng lẫy. Đức Giêsu dùng danh từ “hòn đá” ở số ít “một hòn đá ở trên một hòn
đá” (λίθος ἐπὶ λίθῳ) để diễn tả tính tuyệt đối của sự tàn phá. Đây cũng là cụm từ Đức Giêsu
dùng để Thương Khóc cho sự sụp đổ của thành Jêrusalem, khi Người mới bước lại gần
thành: “Sẽ tới những ngày quân thù đặt những chướng ngại vật quanh ngươi, và
bao vây ngươi các phía, san thành bình địa, ngươi và con cái ngươi. Họ sẽ không
để hòn đá nào trên hòn đá nào” (19,44a). Lý do mà Đức Giêsu đưa ra sự trừng phạt
này là vì “ngươi đã không nhận biết thời điểm của cuộc viếng thăm ngươi”
(19,44b). Sau khi Thương Khóc thành Jêrusalem, Đức Giêsu bước vào và thanh tẩy
đền thờ, vì nó đã bị biến thành “sào huyệt của những tên trộm cướp” (x.
19,45-46).
3.
“Hãy coi chừng, dừng để bị dẫn đi lạc … nhiều
người sẽ đến nhân danh Thầy”: Các môn đệ quan tâm đến “thời điểm” (khi nào? “πότε”) và “dấu hiệu” (τὸ σημεῖο) để biết sự việc ấy sẽ xảy
ra, nhưng Đức Giêsu lại đưa ra lời cảnh báo: “Hãy coi chừng, đừng để bị dẫn đi
lạc”. Có nhiều người sẽ đến nhân danh Người và nói “Tôi là” (ἐγώ
εἰμι, ego
eimi). “Ego eimi”
là mệnh đề đặc biệt để diễn tả căn tính của Thiên Chúa (Xh 3,14; Lc 22,70;
24,39; Mc 6,50; 14,62; Mt 14,27). Có thể đây là cách thức Đức Giêsu gián tiếp từ
chối trả lời câu hỏi về thời điểm và dấu hiệu như Người nói rõ trong Cv 1,7: “Anh
em không cần biết thời giờ và kỳ hạn, Chúa Cha đã hoàn toàn xếp đặt”. Hơn nữa,
Người muốn các môn đệ tập trung vào vấn đề quan trọng hơn: Vấn đề bị người khác
dẫn đi lạc. “Nhiều người đến nhân danh” Đức Giêsu có thể là “các ngôn sứ giả”
mà Đức Giêsu đã nói đến trong Mt 24,11; hay “Kitô giả và ngôn sứ giả” (Mt
24,24; Mc 13,22). Đức Giêsu cảnh báo các môn đệ “hãy coi chừng các ngôn sứ giả,
họ đội lốt chiên mà đến, nhưng bên trong là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15). Tác giả
thư thứ nhất Gioan nói đến nhân vật “Phản Kitô” vào giờ cuối cùng (1 Ga 2,18)
và các “ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4,1-5). Tác giả thư thứ hai
Phêrô cũng nói đến sự xuất hiện những ngôn sứ giả trong dân và “những thầy dạy
giả hiệu” trong anh em (2 Pr 2,1). Như vậy, các ngôn sứ giả, những người giả hiệu
đến nhân danh Đức Giêsu là một vấn nạn lớn cho các môn đệ thời Đức Giêsu và cả
các tín hữu sau đó, và có thể cho đến ngày nay.
4.
“Những cuộc chiến …sự hỗn loạn
… Nước này sẽ nổi lên chống nước kia”: Đức Giêsu tiền báo về những xung đột giữa con người và
các quốc gia trên trái đất này. Cuộc xung đột gần nhất có lẽ là cuộc xung đột
giữa đế quốc Rôma và những người Do Thái nổi dậy, dẫn đến việc thành Jêrusalem
bị san thành bình địa.[6]
Đức Giêsu cho biết đây là những điều phải xảy ra trước. Động từ không ngôi
“dei” được đặt trước động từ “xảy đến” nhấn mạnh sự chắc chắn xảy ra của những
sự xung đột giữa con người với con người. Sự xuất hiện của ngôn sứ giả, những sự
kiện chiến tranh, cùng với những hiện tượng tai ương thiên nhiên sau đó, có thể
đóng vai trò như là câu trả lời cho câu hỏi “có dấu hiệu nào khi sự việc sắp xảy
đến?” Mệnh đề “nhưng sự kết thúc chưa đến ngay đâu” có thể là câu trả lời cho
câu hỏi “khi nào?” của các môn đệ. Nghĩa là chiến tranh, hoảng loạn là những dấu
chỉ cho biết là gần đến “những ngày ấy” nhưng
thời điểm của “sự kết thúc”[7]
là một dữ liệu bỏ ngõ.
5.
Động đất … nạn đói … dịch bệnh:
Sau hàng loạt
những sự kiện chiến tranh do chính con người trực tiếp tạo ra là hàng oạt những
hiện tượng tạm gọi là “thiên tai” như động đất, đói kém, dịch bệnh. Những hiện
tượng này vào thời nào cũng có. Tuy nhiên, ở đây Đức Giêsu lại mặc cho chúng một
giá trị cảnh báo về sự xuất hiện của “những ngày ấy”. Không biết Đức Giêsu muốn
nhắm đến những hiện tượng cụ thể, hay là Người nói cách chung những hiện tượng
thiên nhiên này có thể được xem như là dấu hiệu của “những ngày ấy”, những ngày
sau hết. Động đất là hiện tượng được tiền báo sẽ xảy ra trước “Ngày của Chúa”
trong sách ngôn sứ Dacaria (Dcr 14,5) và như là một phương tiện trừng phạt của
Chúa trong Is 29,6 và Ed 38,19. Nạn đói là biểu tượng thường xuyên diễn tả sự
trừng phạt của Chúa (Am 8,11; Is 14,30 51,19; Ed 36,29-30).[8]
6.
Và sẽ có nhiều dấu hiệu vĩ đại
và sự kinh hoàng từ trời: Cùng với những thiên tai xảy ra dưới đất là những dấu hiệu
trên trời. Sách Macabê, quyển 2, ghi lại những dấu hiệu lạ xuất hiện trên bầu
trời Jêrusalem thời vua Antiôkhô chuẩn bị chinh phạt Aicập lần thứ hai: “Suốt bốn
mươi ngày thấy xuất hiện những kỵ binh dát vàng chảy trên không trung, những
đoàn quân võ trang xếp thành hàng ngũ” (2 Mcb 5,2). Sử gia Josephus mô tả những
những điềm báo trên trời trong suốt cuộc bao vây Jêrusalem trong cuộc chiến với
Rôma (Jewish War 6:288-300). Ông diễn tả ngôi sao và sao chổi xuất hiện vào lúc
đền thờ bị đốt cháy.[9]
Có lẽ tác giả Luca có những hình ảnh này trong đầu. Tác giả sẽ giới thiệu những
điềm lạ này cách cụ thể hơn vào thời điểm Con Người xuất hiện: “Những điềm lạ
trên mặt trời và mặt trăng và các vì sao … quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”
(Lc 21,25-26).
7.
Bắt bớ… ngược đãi … trao nộp
… bị điệu đến … vì danh Thầy…làm chứng: Những lời cảnh báo này được đặt trong bối cảnh Đức
Giêsu bước vào cuộc Thương Khó. Chính Người sẽ trải qua tất cả những đau khổ
như “bị tra tay bắt”; “bị ngược đãi”; “bị trao nộp trong các hội đường và nhà
tù”, “bị dẫn đến trước mặt vua chúa và quan quyền”. Cặp danh từ chỉ nơi chốn
“các hội đường và nhà tù”, được đặt song đối với cặp nhân vật “các vua chúa và
quan quyền” tượng trưng cho sự bách hại đến từ cả dân Do Thái và dân ngoại.[10]
Trong thời đại vùng đất bị ngoại bang thống trị, bản án cuối cùng lúc nào cũng
do chính quyền ngoại bang quyết định. Trong trường hợp của Đức Giêsu, sau khi Hội
Đồng Do Thái xét xử, tổng trấn Rôma (ông Philatô), quyết định bản án. Trong trường
hợp của ông Phaolô, sau khi Hội Đồng Do Thái xét hỏi, ông được mang đến cho hai
kiểm sát viên Rôma (ông Felix và ông Festus), vua Hêrôđê Agrippa, rồi cuối cùng,
vì ông kháng cáo lên hoàng đế, nên ông được dẫn đến hoàng đế Xêda, ổ thủ đô
Rôma. Số phận bách hại của các môn đệ đã được Đức Giêsu báo trước. Bất cứ ai bỏ
mọi sự để theo Đức Giêsu sẽ “được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất,
gấp trăm, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu đời sau. Lời mời gọi “từ bỏ
chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo” (Lc 9,23; 14,27; Mc 8,34;
Mt 16,24) bao hàm tất cả những đau khổ mà Đức Giêsu chịu trên hành trình Thương
Khó, trong đó có quãng đường vác thập giá. Những điều Đức Giêsu dự báo đều xảy
ra cho các Tông Đồ trong sách Công Vụ. Ông Phêrô và Gioan bị bắt, bị tống ngục
và đưa ra trước Hội Đồng Do Thái (x. Cv 4,1-22); Các Tông Đồ bị bắt, bị nhốt
tù, bị điệu ra trước Hội Đồng và bị đánh đòn (x. Cv 5,17-42). Ông Stephano bị bắt,
thẩm vấn và bị ném đá chết (x. Cv 6,8 – 7,60). Ông Phaolô cũng bị bắt (x. Cv
21,27-36), bị đánh đập (Cv 23,2-3), bị cầm tù (x. Cv 24,22-27), bị điệu ra trước
Hội Đồng Do Thái (x. Cv 23,1-10), trước các Kiểm Sát Viên Rôma (Cv 24,10-21), trước
vua Hêrôđê Agrippa và hoàng hậu (x. Cv 26,1-23), rồi được dẫn đến Rôma để được
xử án trước hoàng đế Xêda (x. Cv 25,11-12; 27 – 28). “Làm chứng” là mệnh lệnh Đức
Giêsu trao cho các môn đệ trước khi về trời (Lc 24,48; Cv 1,8). Khi ra trước Hội
Đồng và quan quyền, các môn đệ luôn giảng thuyết và làm chứng về Đức Giêsu như
là Đấng Mêsiah.
8.
Bị cha mẹ, anh em, người
thân, bạn hữu trao nộp … giết chết một vài người …những người bị tất cả ghét bỏ
vì danh Thầy: Những cảnh báo nghiệt ngã này đã được Đức Giêsu nói thẳng trong lời mời gọi
từ bỏ cả người thân khi muốn làm môn đệ của Người: “Ai đến với tôi mà không
ghét (yêu ít hơn) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì
không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26; Cf. Lc 18,29). Những người thân nộp
nhau cũng được Đức Giêsu nói rất chi tiết: “Anh em sẽ nộp nhau cho người ta giết;
Cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết”
(Mc 13,12; Mt 10,21). Đức Giêsu của tác giả Luca còn nói đến sự chia rẽ giữa những
người thân trong gia đình: “Cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; Mẹ
chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; Mẹ chồng chống lại con dâu, con dâu chống
lại mẹ chồng” (Lc 12,53). Có lẽ, cảm giác bị trở thành “trở thành những người bị
tất cả ghét bỏ” là cảm giác đáng sợ nhất. Nó được nhắc đến cuối cùng như là đỉnh
điểm của sự bách hại đến từ phía người thân, ruột thịt. Tính từ “tất cả” (πάντων) diễn tả mức tuyệt đối của
sự ghét bỏ, của những người thân yêu của mình. “Một vài người bị giết chết” như
như ông Giacôbê, con ông Dêbêđê (Cv 12,1-2) hay như ông Stephano (7,54-60).[11]
Chính Đức Giêsu đã nói trước là Người sẽ bị nộp (Mt 20,18.19; Lc 9,44; 18,32)
và kẻ nộp Người lại là một môn đệ thân tín (Mt 10,4; 26,15.16). Các Kỳ Lão và
Kinh Sư cũng nộp Người cho quan Philatô (Mc 15,1). Trong khoảnh khắc xét xử,
Người đã cảm nếm cảm giác bị “trở thành người bị tất cả mọi người ghét bỏ”, khi
tất cả các môn đệ bỏ Người chạy trốn hết (Mc 14,50; Mt 26,56). Có một người môn
đệ thân tín đi theo xa xa nhưng lại chối từ Người đến ba lần (Lc 22,54-62; Mt 26,69-75;
Mc 14,66-72). Những người đồng hương thì
khạc nhổ vào mặt Người (Mc 10,34; 14,65; 15,19; Mt 26,67; 27,30; Lc 18,32), xem
Người như là đồ ghê tởm. Và đỉnh điểm của cảm giác đau khổ này chính là cảm
giác bị chính Chúa Cha bỏ rơi trên thập giá: “Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn
tiếng: ‘Eloi, Eloi, lema xabakhthani!”, Nghĩa là, ‘Lạy Thiên Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con’” (Mc 15,34; Mt 27,46). Có thể nói rằng,
trong toàn bộ tác phẩm hai tập, Luca – Công Vụ, lời tiên đoán của Đức Giêsu về
sự bách hại, mang tính ngôn sứ về kinh nghiệm đau khổ của Đức Giêsu và các môn
đệ trong những ngày hay những năm sắp đến.[12]
9.
Đừng sợ, … Hãy yên chí, … Một
cọng tóc không bị mất: Đây là ba lời động viên, khích lệ, bảo đảm mang đậm chất
văn chương khải huyền. Những lời khích lệ động viên thường đi theo những tình
huống đau khổ nghiệt ngã trong hiện tại. Chúng rất cần thiết để cho các tin hữu
vững tin, kiên trì, giữ vững niềm tin của mình mặc cho bao nhiêu khó khăn, sóng
gió, thậm chí mất mạng.
§ “Đừng sợ”: Mệnh lệnh “đừng sợ” (μὴ πτοηθῆτε) được xen vào giữa thực tiễn
của những “cuộc chiến” gây ra sự “hỗn loạn” và nước này chống nước nọ, vua này
chống vua kia. Đừng sợ trước những xung đột chiến tranh.
§ “Hãy yên lòng”: Mệnh lệnh thứ hai “hãy yên lòng” (θέτε
οὖν ἐν ταῖς καρδίαις ὑμῶν) được đặt trong bối cảnh
các tín hữu bị bách hại nặng nề từ những người khác. Mệnh lệnh này đi kèm với mệnh
lệnh mở rộng, có tính giải thích, “đừng chuẩn bị trước để bào chữa thế nào”. Lý
do là chính Đức Giêsu hứa là sẽ ban cho họ “cái miệng và sự khôn ngoan”. Cụm từ
“cái miệng và sự khôn ngoan” có lẽ ngụ ý là “tài ăn nói” đến từ “đầu óc khôn
ngoan”, để đối đáp trước tất cả những vua chúa quan quyền. “Sự khôn ngoan” và
“tài ăn nói” chính là sự khôn ngoan của Thần Khí: “Khi người ta đưa anh em ra
trước hội đường, trước những người lãnh đạo và quan quyền, thì anh em đừng lo
phải bào chữa như thế nào, hay phải nói gì, vì ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ
dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12); “Không phải anh em nói
mà chính là Thần Khí của Cha sẽ nói trong anh em” (Mt 10,20; cf. Mc 13,11). Lời
hứa này sẽ được hiện thực hóa trong sứ vụ rao giảng của các môn đệ: “Ai nấy đều
được đầy Thánh Linh và bắt đầu mạnh dạn nói Lời” (Cv 4,31). Ông Phêrô được đầy
Thánh Linh, bào chữa trước Hội Đồng Do Thái gồm các Kỳ Lão, Kinh Sư và các Thượng
Tế (Cv 4,5-12). Không đối thủ nào có thể tranh luận với ông Stephano, vì ông
nói với Thần Khí và sự khôn ngoan (Cv 6,10). Trong vụ xử án, ông đầy Thánh
Linh, đăm đăm nhìn trời và mạnh dạn nói về thị kiến dù có phải chết (Cv
7,55-60). Ông Phaolô, được đầy Thánh Linh, rao giảng đối lại thầy phù thủy
Bar-Giêsu (Cv 13,6-12).
§ “Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất”: Đây là câu thành ngữ quen thuộc được dùng nhiều lần trong truyền thống Thánh Kinh (Cv 27,34; 1 Sm 14,45; 2 Sm 14,1; 1 V 1,52). Lời khích lệ thứ ba có tính bảo đảm rất mạnh và có phần cường điệu hóa. Chất cường điệu trong lời động viên này thể hiện sự bảo đảm ở mức cao nhất. Lời cổ vũ này được đưa ra trong bối cảnh bách hại gay gắt hơn, đỉnh cao của mọi sự bách hại. Đó là sự bách hại của chính người thân, ruột thịt trong gia đình: “Cha mẹ và anh em và những người bà con, và bạn hữu”. Bảo đảm “một sợi tóc trên đầu cũng không bị mất”, nếu đọc với lời cảnh báo “họ sẽ giết chết một số người trong anh em” (21,16), xem ra không mấy hợp lý. Trong một số trường hợp, Chúa vẫn cứu họ thoát chết tạm thời (x. Cv 5,19-26; 12,6-11; 14,19-20), nhưng rồi cuối cùng họ cũng đón nhận phúc tử đạo (x. Cv 7,55-60; 12,1-2). Như thế, bảo đảm này có lẽ là bảo đảm về tinh thần, về sự bảo toàn mạng sống đời đời hơn là sự sống đời này vì Đức Giêsu cũng đã từng cảnh báo rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24; Mc 8,35; Mt 16,25). Sự bảo đảm này nên được đọc cùng với mệnh lệnh cuối ngay sau đó: “Hãy cứu lấy linh hồn anh em” (21,19).
10. Hãy cứu linh hồn bằng sự kiên trì:[13]
Sau khi bảo đảm rằng “một cọng tóc trên đầu của anh em sẽ
không bị mất”, Đức Giêsu tiếp tục khích lệ bằng mệnh lệnh: “Hãy cứu lấy linh hồn
anh em bằng sự kiên trì”. Mệnh lệnh này thường được chuyển ngữ theo khuynh hướng
nhấn mạnh đến “sự kiên trì”: “Có sự kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống
mình” (CGKPV); “Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi”
(NTT); “by your endurance you will gain your lives” (ESV). Hình như, các dịch
giả bỏ quên động từ “đạt được”, “cứu lấy” được dùng ở mệnh lệnh cách: “Hãy cứu”
(κτήσασθε:
“hãy giành”, “hãy đạt”). Như vậy, mệnh lệnh này mới là ý chính trong câu này,
còn cụm giới từ “với lòng kiên nhẫn” hay “với sự kiên trì” (ἐν
τῇ ὑπομονῇ ὑμῶν)
là một cụm trạng từ diễn tả cách thức bổ nghĩa cho động từ “giành”. Người ta sẽ
thực hiện mệnh lệnh “hãy cứu lấy linh hồn” bằng phương cách kiên nhẫn, với lòng
“kiên trì”. Mệnh lệnh khẳng định này được nối tiếp và hoàn tất hai mệnh lệnh phủ
định trước đó: “Đừng hoảng sợ” (μὴ πτοηθῆτε, 21,9) và “cứ yên lòng, đừng chuẩn
bị trước phải bào chữa ra sao” (θέτε οὖν ἐν ταῖς καρδίαις ὑμῶν μὴ
προμελετᾶν ἀπολογηθῆναι, 21,14). Cách tổng quát, các mệnh lệnh: “Coi chừng, đừng bị dẫn đi
lạc”; “Đừng đi theo” (những người ngôn sứ giả); “Đừng sợ”, “cứ yên tâm, đừng
chuẩn bị phải bào chữa ra sao” và “hãy cứu lấy linh hồn” là những mệnh lệnh giúp
các tín hữu trải qua và vượt qua được những tình huống khốn khổ tư bề trong cuộc
đời người tín hữu: Sự dụ dỗ của các ngôn sứ giả, các cuộc chiến, những thiên
tai, những cuộc bách hại từ những người khác, nhất là sự loại bỏ và giết chết đến
từ những người thân yêu ruột thịt. “Sự kiên trì” là yếu tố hết sức cần thiết để
các tín hữu không sa ngã, tiếp tục tin tưởng vào Chúa, và cứu được mạng sống
mình.[14]
Cụm giới từ “với lòng kiên nhẫn” (ἐν ὑπομονῇ) cũng là phương cách mà những
hạt giống rơi vào đất tốt đã dùng để sinh hoa kết quả (Lc 8,15). Như vậy, “kiên
trì” không chỉ là chịu đựng cách thụ đồng mà còn phải sinh hoa trái tốt lành
cách chủ động. Trong các lá thư của mình, ông Phaolô nhiều lần nhắc đến lòng
kiên trì: Các tín hữu chịu đựng đau khổ với lòng “lòng kiên nhẫn” để được an ủi
và ơn cứu độ (2 Cr 1,6); “Chúng tôi vui mừng trong những thử thách, vì biết rằng
thử thách sinh kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực và nghị lực sinh ra hy vọng”
(Rm 5,4). Ông Giacôbê cũng nói rằng: “Anh em biết rằng, thử thách đức tin sinh
ra lòng kiên nhẫn. Hãy để lòng kiên nhẫn có hiệu quả toàn vẹn, để anh em có thể
nên hoàn hảo và hoàn tất, không thiếu điều gì nữa” (Gc 1,3-4). Ông nhắc đến
hình ảnh ông Gióp như một mẫu gương về lòng kiên trì (Gc 1,12).
Bình luận tổng quát
Trong bối cảnh có
một vài môn đệ ngưỡng mộ, trầm trồ về vẻ bề ngoài nguy nga, tráng lệ của đền thờ
Jêrusalem, với những viên đá cẩm thạch bóng loáng và những lễ vật tưởng niệm
dát vàng óng ánh, Đức Giêsu tiền báo về số phận bi thảm của đền thờ. Thực ra,
khi bước đến gần thành Jêrusalem, cảm giác đầu tiên mà Người có về đền thờ là cảm
giác đau xót. Người Thương Khóc thành Jêrusalem: “Phải chi ngày hôm nay ngươi
cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị
che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp
lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con
cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã
không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,42-44). Hành
động đầu tiên khi Người bước vào trong đền thờ là “thanh tẩy đền thờ” vì nó đã
trở thành ô uế, thành sào huyệt của những người trộm cướp (Lc 19,45-46). Như vậy,
cảm thức của Đức Giêsu về đền thờ hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi Đức
Giêsu nhìn thấy bên trong đền thờ đầy “sào huyệt của những tên trộm cướp”, các
môn đệ chỉ trầm trồ, ngưỡng mộ về những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Đức Giêsu đã
không ngần ngại mặc khải cho các ông một biến cố bi thảm “không còn hòn đá nào
trên hòn đá nào”. Sự thanh tẩy đền thờ không tránh cho nó bị phá hủy, bởi một
thói quen thờ phượng bị tục hóa, nặng hình thức, “thừa lễ tế”, mà thiếu hồn của
“lòng nhân từ”. Các môn đệ chắc chắn đã chứng kiến sự kiện này, khi quân đội
Rôma thiêu hủy đền thờ vào năm 70 CE. Nhân dịp các môn đệ đặt câu hỏi về “những
dấu hiệu” và “thời điểm” cho biến cố hủy diệt thành Jêrusalem, Đức Giêsu tiền
báo rất nhiều dấu hiệu nhằm nối kết đến không những biến cố hủy diệt thành
Jêrusalem mà còn là biến cố ngày cánh chung.[15]
Đó là sự xuất hiện của những “ngôn sứ giả”, những người tự xưng mình là chính
Chúa: “ego eimi” (Tôi là). Đó là tất cả những tai họa khủng khiếp từ chiến
tranh giữa các nước, loạn lạc, thảm họa thiên nhiên (động đất, đói kém, ôn dịch)
đến những điềm lạ khủng khiếp trên trời. Từ nền tảng của cuộc Thương Khó sắp xảy
ra cho chính Người, Đức Giêsu mặc khải những cuộc bách hại khốc liệt trong
tương lai từ tất cả mọi người. Các tín hữu có thể đối diện với những hình thức
bách hại như: “Bị tra tay bắt, ngược đãi, trao nộp cho các hội đường và tống ngục,
điệu ra trước mặt vua chúa và quan quyền”. Đây chính là dịp thuận tiện để các
tín hữu làm chứng cho Đức Giêsu. Cuộc bách hại khốc liệt và gây đau đớn nhất là
cuộc bách hại của chính “cha mẹ, anh chị em, những người bà con ruột thịt, và
các bạn hữu”. Những người thân ruột thịt có thể trao nộp các tín hữu, và giết
chết một số người. Mức tuyệt đối của sự loại trừ là họ sẽ trở thành “những người
bị tất cả mọi người ghét bỏ”. Trong tình huống khó khăn đau khổ muôn trùng, các
tín hữu được chỉ dẫn, động viên, khích lệ bằng những mệnh lệnh cụ thể: “Đừng để
bị dẫn đi lạc”; “Đừng đi theo” những ngôn sứ giả; “Đừng hoảng sợ”; “Hãy làm chứng”;
“Cứ yên tâm, đừng lo chuẩn bị phải phản kháng ra sao” vì Chúa sẽ ban cho “cái
miệng và sự khôn ngoan”, tức là tài ăn nói và sự khôn ngoan của Thánh Linh; “Một
sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất”; Cuối cùng, “Hãy giành lấy sự sống của
mình bằng sự kiên trì”. Sự kiên trì bao gồm cả sự tín thác, hy vọng vào Chúa, sự
chịu đựng đau khổ liên lỉ mà không sa ngã và sinh hoa kết quả từ sự tha thứ,
khiêm nhu, và tình thương yêu đối với kẻ thù. Thiên Chúa vẫn đồng hành, hỗ trợ,
nhưng các tín hữu cũng được mời gọi chủ động, cộng tác với Chúa để giành lấy
linh hồn cho mình. Những lời tiền báo của Đức Giêsu, đều được hiện thực hóa
trong cuộc Thương Khó của Người và trong đời sống Hội Thánh sơ khai, được ghi lại
trong sách Công Vụ. Các môn đệ luôn bị bách hại từ phía những người đồng hương
và vua chúa quan quyền. Dầu vậy, họ không ngừng làm chứng về Đức Giêsu là Đấng
Kitô, về sự sống lại của Người và họ kiên trì cho đến chết, vì sứ mạng loan báo
Tin Vui mà Chúa đã truyền cho họ. Các tín hữu qua mọi thời đại vẫn đã và đang
trải qua chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, bách hại khốc liệt. Họ cũng được mời
gọi luôn tín thác vào Chúa, trung thành với đức tin, trong mọi hoàn cảnh và
giành lấy sự sống vĩnh cửu của mình.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Xem
thêm về “Lễ Cung Hiến Đền Thờ”, trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NGHE TIẾNG VÀ ĐI THEO. Chú giải Tin Mừng
CN IV Phục Sinh năm C (Ga 10,27-30) (josephpham-horizon.blogspot.com).
[2] W.
von Meding, “The Temple”, The New International Dictionary of New Testament
Theology, vol 3: Pri-Z (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1978) 783-784.
[3] W.
von Meding, “The Temple”, 787-788; C.L. Meyers, “The Temple”, The
Harpercollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New York 1996)
1096-1104; “The Jerusalem temple admired by those with Jesus was the project of
Herod the Great, who in 20/19 b.c.e” [J.B.
Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand
Rapids 1997) 733].
[4] X.
N. Perrin, “The Temple”, Dictionary of
Jesus and the Gospels (ed J.B. Green) 939-946.
[5] “The term anathema
means "what is set up," and it refers to votive offerings
("memorials") made by the wealthy devout for the adornment of the
Temple; see e.g., the pledge made by Antiochus in 2 Macc 9:16” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville
1997) 320].
[6]
“The translation emphasizes the anarthous nouns, which
enables the reader to understand, not a gnomic utterance, but a prediction of
the Jewish revolt against Rome. The language of the prophecy is similar to that
in 2 Chr 15:6, although the verb "will rise up" echoes as well a
similar prediction in Isa 19:2” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 321).
[7] In
this Lucan context the “end” refers only to that of Jerusalem and its Temple,
of which Jesus spoke in v. 6. To understand it of the end of the world is to
import a Marcan and Matthean nuance into the Lucan context” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
28A, 1336].
[8] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 321.
[9] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1337.
[10] J.B. Green,
The Gospel of Luke, 736.
[11] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1340.
[12]
“Within the narrative of Luke-Acts, Jesus’ eschatological discourse functions
in part as a proleptic announcement of the experience of both Jesus himself and
his followers in the days and years ahead” [J.B.
Green, The Gospel of Luke, 732; Cf. Korn, Geschichte Jesu, 201–3; Carroll, End of History, 117–19; Chance, Jerusalem, 120–21; Rapske, Roman Custody, 398–401].
[13]
“by their “endurance” (or “consistency, persistence”) they will possess their
lives, i.e. through their endurance they will show that they have been the seed
sowed in good soil, those who have listened to the word, held on to it with
noble and generous minds, and through such persistence they will yield a crop”
(J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV,
1339).
[14] “‘Endurance’ should not be mistaken for passive
waiting or the placid exercise of patience; after all, Jesus has just noted
that persecution provides the occasion for witness, and he earlier collocates
“endurance” with the faithful bearing of fruit (8:15; cf. 18:1–8). As in the
LXX, the endurance Jesus counsels is intertwined with a hope that has God as
its object and as its expected outcome divine intervention” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 738); “Endurance” or “patience”
is frequently connectedin the NT to the experience of persecution (cf. Rom
5:3-4: 8:25: 2 Cor 1:6; Col 1:11; 1 Thess 1:3; 2 Thess 1:4; Heb 10:36; 12:1;
jas 1:3-4; Rev 13:10)” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 323).
[15]
“Does Jesus speak of the destruction of the temple or of the End? In fact,
Jesus speaks of both, but not in a way that marks the fall of the temple as the
onset of the consummation of God’s purpose in history. Jesus does interpret the
fall of Jerusalem as an eschatological event, but not in immediate relation to
the coming of the eschaton” [J.B. Green, The Gospel of Luke, 731].
No comments:
Post a Comment