Thursday 17 November 2022

VỊ VUA CHỊU TREO TRÊN CÂY GỖ. Chú giải Tin Mừng CN XXXIV TN C (Lc 23,35-43); Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

35  Καὶ εἱστήκει λαὸς θεωρῶν. ἐξεμυκτήριζον δὲ καὶ οἱ ἄρχοντες λέγοντες· ἄλλους ἔσωσεν, σωσάτω ἑαυτόν, εἰ οὗτός ἐστιν χριστὸς τοῦ θεοῦ ἐκλεκτός.

 36  ἐνέπαιξαν δὲ αὐτῷ καὶ οἱ στρατιῶται προσερχόμενοι, ὄξος προσφέροντες αὐτῷ

 37  καὶ λέγοντες· εἰ σὺ εἶ βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων, σῶσον σεαυτόν.

 38  ἦν δὲ καὶ ἐπιγραφὴ ἐπ᾽ αὐτῷ· βασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων οὗτος.

 39  Εἷς δὲ τῶν κρεμασθέντων κακούργων ἐβλασφήμει αὐτὸν λέγων· οὐχὶ σὺ εἶ χριστός; σῶσον σεαυτὸν καὶ ἡμᾶς.

 40  ἀποκριθεὶς δὲ ἕτερος ἐπιτιμῶν αὐτῷ ἔφη· οὐδὲ φοβῇ σὺ τὸν θεόν, ὅτι ἐν τῷ αὐτῷ κρίματι εἶ;

 41  καὶ ἡμεῖς μὲν δικαίως, ἄξια γὰρ ὧν ἐπράξαμεν ἀπολαμβάνομεν· οὗτος δὲ οὐδὲν ἄτοπον ἔπραξεν.

 42  καὶ ἔλεγεν· Ἰησοῦ, μνήσθητί μου ὅταν ἔλθῃς εἰς τὴν βασιλείαν σου.

 43  καὶ εἶπεν αὐτῷ· ἀμήν σοι λέγω, σήμερον μετ᾽ ἐμοῦ ἔσῃ ἐν τῷ παραδείσῳ. (Lk. 23:35-43 BGT)

35 Dân chúng đứng đó, nhìn. Những người lãnh đạo liên tục nhạo cười rằng: “Hắn đã cứu người khác, hãy để hắn cứu chính mình đi, nếu hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn.

36 Những người lính cũng xỉa xói Người, tiến đến cung cấp rượu chua cho Người,

37 và nói rằng: “Hãy cứu chính mình đi, nếu ngươi là vua của người Do Thái”.

38 Có một tấm bảng phía trên Người: “Đây là vua của những người Do Thái

39 Một trong những tên tội phạm đang chịu treo cũng liên tục xúc phạm Người rằng: “Không phải ngươi là Đấng Kitô sao? Hãy cứu chính mình và chúng tôi nữa”.

40 Nhưng để đáp lại, người kia mắng nó rằng: “Ngươi không sợ Thiên Chúa, vì ngươi cũng đang chịu cùng bản án với ông ta hay sao?”

41 Bởi lẽ, chúng ta thực sự xứng đáng lãnh nhận điều mà chúng ta đã làm, còn ông ta không làm gì sai cả”.

42 Rồi anh ta thưa rằng: “Ông Giêsu ơi, hãy nhớ đến tôi khi ông đi vào nước của ông nhé!”

43 Và Người nói cùng anh ta: “Amen, Tôi bảo anh! Hôm nay anh sẽ ở với tôi trong Thiên Đàng”.

Bối cảnh

§  Bối cảnh phụng vụ: Chúa Nhật cuối năm phụng vụ được dành để mừng kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Ngài là vị vua hết sức đặc biệt về phạm vi lãnh thổ, về số lượng công dân thuộc quyền Ngài và về phương cách cai trị. Phạm vi lãnh thổ của Ngài không giới hạn bởi quốc gia châu lục nào, nhưng là trên toàn thế giới. Quốc gia của Ngài không chỉ giới hạn ở dưới mặt đất nhưng còn là trên cõi trời cao. Dân chúng trong vương quốc của Ngài không bị giới hạn bởi màu da, ngôn ngữ, chi tộc, giai cấp, địa vị xã hội, giàu hay nghèo, nhưng là tất cả mọi người. Ngài có quyền không những trên tất cả mọi người, nhưng còn trên các thiên sứ, sinh vật và cây cỏ dưới đất và trên cõi trời cao. Phương cách điều hành đất nước của ngài cũng rất khác. Tất cả đều được dựa trên tình yêu và mục đích là làm cho quốc gia đầy ắp tiếng cười và sự bình an chứ không phải giàu có sung túc về mặt vật chất. Để trở thành một vị vua như thế, chính Ngài đã phải chứng tỏ rằng Ngài đích thực là một vị vua yêu thương và đáng được yêu. Ngài đã chọn đi con đường thập giá cho đến chết chỉ vì yêu nhân loại. Chỉ bằng con đường ấy Ngài mới đích thực là vị vua mang nhãn hiệu yêu thương.

§  Bối cảnh bản văn:Trong bối cảnh rộng, Lc 23,35-43 nằm trong toàn trình thuật Thương Khó (22,1 – 23,56). Đây chính là đoạn văn chóp đỉnh về không gian và thời gian của hành trình Thương Khó. Về không gian, Đức Giêsu đang ở trên đồi Golgôtha, trên “cây gỗ” một vị trí cao so với các vị trí khác ở Jêrusalem. Về thời gian, Đức Giêsu đang ở một thời điểm kịch tính nhất của cuộc đời mình, bị treo trên “cây gỗ” và trao bao ơn cứu độ cho “người tội phạm”. Chủ đề “vua Người Do Thái” trong đoạn văn này, gợi nhớ đến câu hỏi chính yếu ông Philatô dành cho Đức Giêsu: “Ông là vua dân Do Thái sao?” (Lc 23,3; Mt 27,11; Mc 15,2; Ga 18,33). Chủ đề “cứu” theo nghĩa “cứu thoát” hay “cứu độ” là một chủ đề bao trùm thông điệp Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng. Người được gọi là Đấng Cứu Độ ngay từ lúc mới sinh ra (Lc 2,11). Danh xưng “Kitô của Thiên Chúa”, chính là danh xưng ông Phêrô đã tuyên xưng khi được hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Lc 9,20). Hình ảnh Đức Giêsu bị “treo lên cây gỗ” được các môn đệ nhắc nhiều lần trong các bài giảng như dấu hiệu quan trọng để thính giả nhận ra Đức Giêsu (x. Cv 2,36; 5,30; 10,39). Trong bối cảnh trực tiếp, không gian câu chuyện nối kết với nơi chốn “Đồi Sọ” được nhắc đến ngay trước đó. Hình ảnh hai người tội phạm trong cuộc đối thoại với Đức Giêsu, được nhắc đến trong cảnh điệu đi (Lc 23,32) và đóng đinh (Lc 23,33) trước đó. Đoạn văn 23,39-43, là dữ liệu riêng của tác giả Luca, không có trong cả Máccô và Mátthêu. Cả tác giả Máccô và Mátthêu đều dừng ở ghi chú: “Cả những người chịu đóng đinh với Người cũng chế giễu Người” (Mc 15,32; Mt 27,44). Tác giả Luca viết thêm cảnh tương tác giữa ba người đang bị treo “trên cây gỗ” cách chi tiết hơn. Đây có thể là đoạn tạo nên sự khác biệt về thần học Luca nơi cảnh “trên cây gỗ”.

Cấu trúc

Lc 23,35-43 được chia ra thành hai đoạn rõ rệt với nội dung và nhân vật khác nhau. Lc 23,35-38 là cảnh tả về sự mỉa mai, chế giễu của những người lãnh đạo và những người lính. Lc 23,36-43 là câu chuyện của riêng ba người tử tội, bị treo trên “cây gỗ”: Đức Giêsu và hai người tội phạm. Tuy nhiên, sự xúc phạm của tên tội phạm thứ nhất nối kết chặt chẽ với những mỉa mai của hai nhóm người trước đó.

a. Các lãnh đạo: “Hãy để hắn cứu chính mình đi”

nếu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn (35)

a’. Những người lính: “Hãy cứu chính mình đi”

nếu là vua của người Do Thái” (36-38)

a’’. Lời cầu thách thức: “Hãy cứu mình đi và cả chúng tôi nữa”

không phải là Đấng Kitô sao?

b. Đáp trả chính trực: Xứng với điều chúng ta đã làm; ông này không làm gì xấu

b’’. Lời cầu tín thác: Hãy nhớ đến tôi, khi nào đi vào nước Ngài

b’. Đáp trả như mơ: Hôm nay, con sẽ ở trong Thiên Đàng với Ta

Một số điểm chú giải

1.     Những người lãnh đạo … những người lính: Tác giả Luca mô tả thái độ của dân chúng là trung dung. Họ chỉ đứng nhìn, chứng kiến, chứ không phản ứng gì cụ thể, cả tiêu cực, lẫn tích cực. Những người lãnh đạo vô danh là những người đầu tiên nhục mạ Đức Giêsu. Tuy không nêu danh nhưng khi họ đề cập đến danh hiệu Đức Giêsu như là “Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn”, người ta có thể suy đoán danh tính nhóm lãnh đạo này là những người Do Thái, vì người ngoại người ta chẳng quan tâm đến tước hiệu “Kitô”. Tác giả Máccô nói rõ là “những người qua lại đều” nhục mạ với nội dung là: “A ha! Ngươi là kẻ phá đền thờ và xây lại trong ba ngày, hãy cứu mình đi và xuống khỏi thập giá”. Rồi, tác giả thêm vào, các Thượng Tế và các Kinh Sư cũng nhục mạ Người, nói với nhau rằng: “Ông ta cứu người khác mà không thể cứu mình” (Mc 15,29-31). Tác giả Mátthêu thêm “các Kỳ Lão” vào nhóm những người nhục mạ Đức Giêsu. Như thế, những người lãnh đạo có thể là các Thượng Tế và các Kinh Sư, và các Kỳ Lão, hay các thành viên Hội Đồng Do Thái. Động từ “chế giễu”, thì vị hoàn (ἐξεμυκτήριζον) cũng được dùng để mô tả việc nhóm Pharisêu chế giễu Đức Giêsu khi Người dạy về cách sử dụng tiền của bất chính (Lc 16,14). Nhóm nhân vật này được nhắc đến trong vụ xử án trước đó với nhiều cách nói khác nhau: “Các Thượng Tế và các thủ lãnh” (Lc 23,13); “nhóm Kỳ Lão trong dân, các Thượng Tế và các Kinh Sư” (Lc 22,66). Ngược lại với “các lãnh đạo”, “những người lính” rõ ràng là những người ngoại. “Những người lính” được nhắc đến trước đó như “lãnh binh đền thờ” (Lc 22,52); “Những người đàn ông canh giữ Người” (Lc 22,63). Những người này đã đánh đập, mỉa mai và xúc phạm Người. Những người lính này có thể là những người điệu Đức Giêsu ra pháp trường (Lc 23,26); Đóng đinh Người vào thập giá và chia nhau áo Người (x. Lc 23,33-34). Sau khi Đức Giêsu tắt thở, thở một người đại đội trưởng đã chứng nhận: “Quả thật, Người này là người công chính” (Lc 23,47). Rất có thể họ là lính Rôma, vì họ gọi Đức Giêsu với danh hiệu xa lạ, mang tính chính trị: “Vua của những người Do Thái”. Như vậy, Đức Giêsu bị cả những người Do Thái và người ngoại xỉ nhục, và xỉa xói.

2.     Liên tục nhạo cười … xỉa xói … xúc phạm: Động từ diễn tả hành vi của nhóm những người lãnh đạo được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành) nhằm nhấn mạnh tính liên tục, kéo dài của hành động. Họ nhạo cười Người nhiều lần trong thời gian khá lâu, chứ không phải chỉ là hành động đơn, bột phát chốc lát. Hành động “xỉa xói”, móc mỉa của các quân nhân là một hành động đơn, không có sắc thái kéo dài. Hành động của họ không có nhiều sắc thái và ác ý như hành động của những người lãnh đạo. Hành động của một trong hai tên tội phạm đang bị đóng đinh là “xúc phạm”. Động từ “βλασφημέω” (flasphemeo) thường được hiểu là phạm thượng nếu hướng về Thiên Chúa. Các lãnh đạo Do Thái thường quy tội cho Đức Giêsu là phạm thượng khi Người nói lời tha tội cho bệnh nhân (Lc 5,21); Hay khi Người tự cho mình là Thiên Chúa (Ga 10,33; 5,18) Hành động của tên tội phạm này cũng là một hành động có sắc thái kéo dài, lặp đi lặp lại của động từ ở thì vị hoàn (ἐβλασφήμει: liên tục nhục mạ). Tên tội phạm cũng hùa theo hai nhóm kia để thách thức và làm nhục Đức Giêsu.

3.     Cứu chính mình … và chúng tôi nữa: “Cứu chính mình” được lặp lại ba lần. Cả ba nhóm người khác nhau đều thách thức Người rằng: “Hãy cứu chính mình” (23,35.36.39). Động từ “cứu” trong mệnh lệnh “hãy cứu mình” trong bối cảnh trực tiếp có nghĩa là giải thoát mình khỏi bị treo trên cây gỗ. Tác giả Máccô thêm một động từ phụ (thể cách phân từ) kèm theo động từ chính (cứu) nhằm làm rõ nghĩa cho động từ “cứu”: “Hãy cứu chính mình bằng cách xuống khỏi thập giá” (Mc 15,30). Nhóm những người lãnh đạo thêm vào chứng cứ là “hắn đã cứu người khác”. Kiểu nói này ngụ ý rằng Người đã từng chữa bệnh, trừ quỷ, làm cho người khác sống lại (x. 7,11-17; 8,26-39; 17,11-19; 18,35-43) nhưng lại không tự cứu được mình. Lời xúc phạm của tên tội phạm bị đóng đinh còn bao hàm lời thỉnh cầu mang tính thách thức “cứu chúng tôi nữa”. Qua lời dẫn của người thuật chuyện “một trong những tên tội phạm liên tục xúc phạm”, cùng với phản ứng của người tội phạm kia, “nhưng tên kia chửi mắng nó”, độc giả biết được rằng, tên tội phạm này không tin vào quyền năng giải cứu của Đức Giêsu. Anh chỉ hùa với nhóm lãnh đạo và các quân nhân để xúc phạm Đức Giêsu mà thôi. Những lời chế giễu, mỉa mai, xúc phạm này âm vang những cám dỗ của quỷ được nói đến trong trình thuật “những cơn cám dỗ của Đức Giêsu” (Lc 4,1-13), trong đó quỷ cũng xúi dục Đức Giêsu sử dụng quyền năng thần linh để hóa giải cơn đói, tìm kiếm quyền lực, lợi lộc trần gian và thử thách Chúa. Kết thúc trình thuật cám dỗ, tác giả Luca ghi chú, sau khi đã hoàn tất những cơn cám dỗ, quỷ rút lui cho đến một thời điểm ấn định. Thời điểm ấn định ấy có thể là lúc Đức Giêsu đang ở vào hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc đời. Quỷ lại xuất hiện trong tư tưởng và hành động của nhóm các thủ lãnh, những người lính và tên kẻ trộm chịu đóng đinh. Tất cả đều xúi giục Đức Giêsu rời bỏ sứ vụ giữa chừng. Đức Giêsu đã ý thức rõ mức độ khốc liệt của “cơn cám dỗ cuối cùng này”. Chính vì thế, Người đã cầu nguyện khẩn thiết đến mức “mồ hôi Người như giọt máu rơi xuống đất” (ἐγένετο ὁ ἱδρὼς αὐτοῦ ὡσεὶ θρόμβοι αἵματος καταβαίνοντες ἐπὶ τὴν γῆν), và đã sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa Cha cách tự do và hoàn toàn (x. Lc 22,41-44).

4.     Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn … vua những người Do Thái: Đây là các danh hiệu diễn tả vị thế mà những người, mỉa mai, sỉ nhục, xúc phạm dùng để làm nền tảng. Dĩ nhiên, những người này từng nghe đến những danh hiệu này. Trong bối cảnh này, họ nhắc đến những danh xưng này với thái độ nghi hoặc, chê cười, chứ không phải nhìn nhận và tuyên xưng. Nhóm những người Do Thái, và tên tội phạm, nhắm đến danh xưng “Đấng Kitô”, nghĩa là Đấng được xức dầu. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” chính là danh xưng mà ông Phêrô đã tuyên xưng khi Đức Giêsu hỏi: “Anh em nói Thầy là ai?” (Lc 9,20; Ông Phêrô của Mátthêu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống [Mt 16,16]; Phêrô của Máccô: “Thầy là Đấng Kitô” [Mc 8,29]). Danh xưng “Đấng Kitô của Đức Chúa” cũng được nhắc đến trong trình thuật về ông Simêon: “Ông được Thánh Linh cho biết là sẽ không thấy cái chết trước khi thấy Đấng Kitô của Đức Chúa” (Lc 2,26). Trong trình thuật Giáng Sinh và thời Thơ Ấu, tác giả Luca đã ghi lại lời sứ thần công bố Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ, là Đấng Kitô Đức Chúa (Lc 2,11). Đây là lời giới thiệu mang tính kitô học cao và tròn đầy, diễn tả đầy đủ căn tính của Đức Giêsu. Danh xưng “Đấng Kitô” nối với danh xưng “Đấng Cứu Độ” và nhất là “Đức Chúa”. Đức Giêsu đã chứng minh căn tính của mình khi làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật, hoá bánh ra nhiều, dẹp yên sóng biển, đi trên mặt nước, trừ quỷ, nhất là làm cho kẻ chết trỗi dậy. Nếu là Đấng Kitô, thì đương nhiên có thể cứu thoát chính mình, xuống khỏi “cây gỗ”. Nếu chịu treo trên cây gỗ, thì không phải là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Danh xưng “Đấng được tuyển chọn” được nhóm lãnh đạo thêm vào (Mc 15,32 thêm vào “vua của Israel) nhắc nhớ đến lời từ đám mây trong trình thuật “Biến Hình”: “Đây là Con của Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.[1] Danh xưng “vua của những người Do Thái” được các quân nhân sử dụng, và bản ghi chú của ông Philatô: “Đây là vua của những người Do Thái”. Trong bối cảnh này, danh xưng này có lẽ mang ý nghĩa chính trị. Câu hỏi chính yếu ông Philatô khi thẩm vấn Đức Giêsu là “ông có phải là vua của những người Do Thái không?” và Đức Giêsu đã xác nhận: “Chính ngài nói đó” (σὺ λέγεις: Lc 23,3; Mc 15,2; Mt 27,11). Có lẽ các quân nhân nhìn vào tấm bảng ghi chú phía trên Đức Giêsu để mỉa mai Người: “Nếu ông là vua những người Do Thái”. Họ không thể hiểu nổi tại sao một vị vua người Do Thái, lại không có đủ quyền lực để cứu lấy mình khỏi án chết. Thật ra, nơi Đức Kitô, căn tính Kitô và vua là một. Người chính là Đấng được xức dầu, xuất thân từ dòng tộc hoàng gia Đavid. Người là vua Kitô. Người có đầy đủ quyền năng của một vị vua Kitô đúng nghĩa. Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác vị vua Kitô mà người ta không biết đến. Đó là khía cạnh khổ nạn – chết – phục sinh. Chính các môn đệ cũng không hiểu và không muốn đón nhận khía cạnh này. Danh hiệu “Đấng được tuyển chọn” nhắc nhớ đến hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ” mà ngôn sứ Isaiah đã nói đến. Sách ngôn sứ Isaiah ghi lại bốn bài ca diễn tả sứ vụ, đau khổ và sự tôn vinh của Người Tôi Tớ: Bài I (Is 42,1-9; x.Mt 12,18-20); Bài II (Is 49,1-13); Bài III (Is 50,4-11; Ga 19,1-3; Mt 27,30) và bài IV (Is 52,13 – 53,12; x. Cv 8,32-33). Người được xem như là người công chính (Is 50,8), hiền lành, khiêm nhường, chịu đau khổ nhằm gánh lấy tội muôn dân (Is 53,4-5). Danh hiệu “vua của những người Do Thái” đã mang lại hai thái độ khác nhau trong ngày Người Giáng Sinh: Vua Hêrôđê tìm cách thủ tiêu trong khi các Magos từ Phương Đông đến để triều bái Người (x. Mt 2,1-18). Danh hiệu “Đấng Kitô” nhắc đến sứ vụ “phải chịu đau khổ”: “Nào chẳng phải Đấng Kitô phải chịu đau khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26; 24,46; Cf. Cv 3,18; 17,3; 26,23).

5.     Rượu chua (hay giấm): Những người lính mang đến cho Đức Giêsu rượu chua gợi nhớ đến lời trong Tv 69,22: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng; Trong cơn khát của tôi, họ cho tôi giấm để uống”. Những người lính làm như vậy không có mục đích gì khác ngoài việc chọc quê, sỉ nhục. Tác giả Máccô diễn tả cách chi tiết hơn hành động cung cấp giấm của một người đứng đó (không phải là người lính): “Lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào đầu cây sậy, rồi đưa lên miệng Người” (Mc 15,36a). Hành động này trong Mc được giải thích như là hành động kéo dài sự sống của Đức Giêsu nhằm chờ đợi xem ông Êlia có đến cứu Người không (Mc 15,36b). Trong Ga, người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào nhành cây hương thảo, rồi đưa lên miệng Người vì Người nói là: “Ta khát” (x. Ga 19,28-29). Cũng trong Ga, Đức Giêsu đã nếm giấm, còn các tác giả Nhất Lãm đều không đề cập đến chi tiết này. Riêng tác giả Mátthêu còn thêm vào chi tiết Đức Giêsu được trao rượu pha mật đắng để uống, có lẽ là một loại rượu giảm đau, nhưng Người chỉ nếm mà không uống (x. Mt 27,34).

6.     Ngươi không sợ Thiên Chúa sao?: Trong lời la mắng của người tội phạm này nhắc đến yếu tố sợ Thiên Chúa. Có lẽ người này muốn nói rằng không nên tạo thêm khẩu nghiệp, khi hùa với những người khác để xúc phạm Đức Giêsu. Khi đang trong tình trạng chịu án thì càng nên tỏ lòng hối hận và sửa đổi. Nếu như người tội phạm thứ nhất thật sự muốn thoát khỏi thập giá, khỏi hình phạt mà anh đáng phải chịu, anh ta có thể phải đối diện với hình phạt của Thiên Chúa, vì đã không chịu trách nhiệm với những hành động sai trái của mình.[2] Tác giả J. Green chỉ ra ba lỗi lầm nghiêm trọng của người tội phạm thứ nhất: 1. Sỉ nhục công cụ cứu độ của Thiên Chúa, thay vì sợ Thiên Chúa; 2. Thất bại trong việc nhận ra rằng sự đau khổ của Đức Giêsu không được giải thoát khỏi cái chết nhưng qua cái chết; 3. Ông giả định rằng Đức Giêsu có tội.[3] Có thể thêm vào 4. Ông ta không tin vào quyền năng của Đức Giêsu. “Sợ Thiên Chúa” nhắc nhớ đến lời dạy của Đức Giêsu trong 12,4-5, nơi mà Đức Giêsu cảnh báo rằng Đấng mà ngươi phải sợ là Thiên Chúa, Đấng có quyền cho một người vào hỏa ngục sau khi chết. Loại kính sợ ấy được đặt nền trên thiên lý.[4] Khi phê bình người tội phạm thứ nhất là không biết sợ Thiên Chúa, người tội phạm thứ hai ngụ ý rằng ông kính sợ Thiên Chúa, vì những việc xấu mình đã làm.

7.     “Ông này không làm gì sai cả”: Dường như tác giả Luca muốn mô tả Đức Giêsu là một người tử tù vô tội. Đây là lần thứ bốn, Đức Giêsu được công bố vô tội. Lần thứ năm đến từ người đại đội trưởng ngay sau khi Đức Giêsu tắt thở: “Quả thật, người đàn ông này là một người công chính” (Lc 23,47: ὄντως ὁ ἄνθρωπος οὗτος δίκαιος ἦν). Tác giả Luca như muốn nhấn mạnh rằng ngay cả một tên tội phạm cũng nhận thấy Đức Giêsu vô tội. Hay là, ngay cả một người ngoại cũng chứng nhận Đức Giêsu vô tội. Trước đó, ông Philatô, một người ngoại đã công bố không tìm ra tội lỗi, hay tội ác nào nơi Đức Giêsu (Lc 23,4.14.22), và theo như lời ông, ông Hêrôđê cũng nhìn nhận rằng Đức Giêsu vô tội (Lc 23,15). Chính vì thế, nhiều lần ông Philatô tìm cách thả Đức Giêsu (Lc 23.20.22; Ga 19,12). Ngoài ra, tác giả Luca còn thêm một vài chi tiết nữa để minh chứng cho sự vô tội của Đức Giêsu: (1) Tất cả đám đông chứng kiến điều xảy ra, đều trở về nhà vừa đi vừa đấm ngực mình (Lc 23,48); (2) Ông Giuse, một thành viên của Hội Đồng, một người công chính, không đồng ý với kế hoạch và hành động của họ (Lc 23,50-51). Khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại, Đức Giêsu được người đại đội trưởng tuyên xưng là Con Thiên Chúa (Mt 27,54; Mc 15,39), tác giả Luca như muốn nhấn mạnh đến đặc tính vô tội của Đức Giêsu, Đức Giêsu được người đại đội trưởng tuyên xưng là “người công chính” (Lc 23,47). Tác giả J. Fitzmyer đồng ý rằng công bố về sự vô tội của Đức Giêsu là một trong những yếu tố làm cho cảnh này trở thành đỉnh cao của cảnh đóng đinh.[5] Chúng ta có thể tóm tắt công bố về sự vô tội của Đức Giêsu như sau: Cho đến khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, trên thập giá, thậm chí một người tử tội cũng có thể nhận ra rằng Người vô tội.

8.     “Ông Giêsu ơi! Hãy nhớ đến tôi”: Trong khi người tội phạm thứ nhất dường như không muốn nhìn nhận tội lỗi và chấp nhận bản án tương xứng, người thứ hai xem hình phạt đóng đinh như là hình thức xứng đáng dành cho những gì mình đã làm. Khi chấp nhận cả tội ác và hình phạt, người tội phạm thứ hai đã khởi đầu một tiến trình hoán cải nội tâm. Tác giả J. Fitzmyer, trích dẫn bình luận của M. Dibelius và E. Lohse, đã gọi người này là “người tội phạm” hoán cải.[6] Xem ra, lời khẩn cầu của người tội phạm thứ hai bắt nguồn từ một tiến trình hoán cải. Trong khi những người nhạo cười, chế giễu, xúc phạm dùng những tước hiệu nêu bật quyền năng của Đức Giêsu  như là “Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn”; “Đấng Kitô”; và “vua của những người Do Thái”, người tội phạm thứ hai chỉ gọi Đức Giêsu bằng tên gọi bình thường của Người: “Ông Giêsu”. Cách gọi ngắn gọn “Giêsu”, không thêm bất cứ một yếu tố nào, là cách gọi duy nhất trong Tin Mừng Luca. Có bốn lần khác cách gọi “Giêsu” được dùng nhưng đều thêm những yếu tố bổ trợ: “Giêsu Nadarét” (4,34); “Giêsu, Con của Thiên Chúa tối cao” (8,28); “Giêsu, sư phụ” (17,13); và “Giêsu, Con vua Đavid” (18,38). Có lẽ, ông ta muốn tránh cách dùng các danh hiệu, tuy diễn tả căn tính của Đức Giêsu, nhưng đã bị những người khác sử dụng để chế giễu. Tác giả R. Brown nghĩ rằng cách gọi của người tử tội này là “một sự đụng chạm cảm xúc mang tính nghệ thuật, vì tên riêng chuyển tải sự chân thành của lời thỉnh cầu”.[7]

Nội dung lời thỉnh cầu: “Xin hãy nhớ đến tôi”, biểu lộ một sự kính trọng và một niềm tin sâu sắc, niềm hy vọng tràn trề vào Đức Giêsu. Ông ta dùng động từ “nhớ đến” (μνήσθητί μου) và hướng về phía ông thay vì động từ “cứu” hướng đến đối tượng là Đức Giêsu (σῶσον σεαυτὸν) như những người trước đó. Khi nói như vậy, ông gián tiếp biểu lộ niềm tin rằng Đức Giêsu không cần giải cứu chính mình, mà chính ông mới là người cần được Người giải cứu (nhớ đến). “Nhớ đến” là một động từ hướng đến tương lai, không phải là hiện tại. “Nhớ đến” có nghĩa là “cứu độ”. Người tội phạm thứ hai nhìn nhận quyền năng cứu độ của Đức Giêsu sau khi chết, hơn là sự giải thoát khỏi “cây gỗ” trong bối cảnh hiện tại. R. Brown cho rằng bằng cách thỉnh cầu được Đức Giêsu nhớ đến, người tử tội thứ hai đã nhận biết lời mời gọi của Đức Giêsu và đã bày tỏ mong muốn theo Người với tư cách là môn đệ (x. Lc 5,11.27-28; 9,23.57-61; 18,22.28).[8] Lời thỉnh cầu này gợi nhớ đến những lời thưa cùng Chúa, Đấng là nguồn của mọi sự chúc lành thần linh trong việc giữ giao ước của Người: “Chúa nhớ đến ta và sẽ ban phúc cả, sẽ ban phúc cho nhà Israel, sẽ ban phúc cho nhà Aharon, sẽ ban phúc cho người kính sợ Chúa, cho người lớn cũng như kẻ nhỏ” (Tv 115,12-13; Cf. Tl 16,28; 1 Sm 1,11.19).[9] Động từ “nói” dẫn đầu cho lời thỉnh cầu được dùng ở thì vị hoàn (ἔλεγεν: Cứ nói, liên tục nói) diễn tả sắc thái khẩn thiết, kiên trì, lặp đi lặp lại của người tử tội này.[10]

9.     Đi vào Nước của ông … Thiên Đàng: Nền tảng của lời thỉnh cầu “nhớ đến” là niềm tin rằng Đức Giêsu sẽ “đi vào Nước của Người” (ἔλθῃς εἰς τὴν βασιλείαν σου). Có thể nói rằng đây là một niềm tin đẳng cấp nhất, ở mức cao nhất mà không có nhân vật nào trong cảnh này có thể có được, và ngay cả các môn đệ của Đức Giêsu cũng chưa đạt đến được. Đỉnh cao của niềm tin này nằm ở chỗ người tội phạm này dám tin vào một người tử tội, sắp chết, trong khoảnh khắc bi đát nhất của cuộc đời dưới cái nhìn của người đời. Ông ta vượt trên tất cả mọi người để dám đặt niềm tin vào một người sắp chết. Khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, các môn đệ đã hoàn toàn thất vọng và chạy trốn hết. Những người chứng kiến, từ các lãnh đạo Do Thái, đến những người lính ngoại bang, và thậm chí cả người tội phạm bị đóng đinh cũng đều khinh dể, nhạo cười Người. Vậy mà, người tội phạm này lại dám tin rằng đây là lúc Đức Giêsu sắp đi vào Nước của Người. Có thể nói như tác giả J. Green rằng “ông ta là người đầu tiên nhận ra sự đóng đinh như là sự dọn đường cho việc đăng quang của Người”.[11] Nói tóm lại, có ba yếu tố để xem đây là niềm tin ớ mức cao nhất: (1) Nơi công bố: Đồi Sọ, điểm cao nhất của hành trình thập tự, biểu tượng của điểm đau khổ nhất; (2) Người công bố: Một người tử tội. Thậm chí một người tử tội cũng có thể thừa nhận sự thật ấy; (3) thời điểm công bố: Vào lúc giây phút hấp hối của Đức Giêsu.

Nước của ông: Đức Giêsu đã khai mạc sứ vụ rao giảng của mình bằng lời công bố về Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15; Mt 4,17) và Người không ngừng giảng dạy về Nước Thiên Chúa trong suốt sứ vụ (Lc 4,43; 6,20; 7,28; 8,1.10; 9,2 v.v..). Khi Người thể hiện quyền năng trên qủy dữ, thiên tai, bệnh tật, đói kém và cái chết, các môn đệ đã dần dần nhận ra dấu hiệu của Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu cũng đã từng thừa nhận tính chất trần thế của Nước Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả thật Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20).  Khi Người lên Giêrusalem, các môn đệ đã mường tượng rằng Người sắp khôi phục Nước Chúa. Vì thế, họ đã tranh chấp giành giật vị trí “bên phải”, “bên trái” của Người (x. Mt 20,17-23; Mc 10,32-40). Các môn đệ trên đường Emmaus đã bày tỏ niềm hy vọng rằng “chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, để rồi, họ thất vọng khi Người chết được ba ngày (x. Lc 24,21). Sau khi Đức Giêsư phục sinh, các môn đệ vẫn còn tâm thức đó, khi họ hỏi Người: “Thưa Thầy! Có phải đây là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Họ quên rằng Đức Giêsu nói rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Giả như Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã không ngừng chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do Thái, nhưng lúc này, Nước tôi không thuộc nơi này” (Ga 18,36). Người nhiều lần nói đến Nước Thiên Chúa như một nơi chốn tương lai (Mc 14,25; Lc 7,28; 13,28.29; 14,15; 22,16).

10.   Amen, Tôi bảo ông, hôm nay, ông sẽ ở với tôi, trong Thiên Đàng”:

Trước đó, Đức Giêsu hoàn toàn im lặng trước những lời gièm pha, chế giễu, xúc phạm của ba nhóm người. Tuy nhiên, trước lời thỉnh cầu của người tử tội thứ hai, Người lập tức đáp lời. Đó là một lời đáp trả trong mơ. Đức Giêsu xem ông như là một đối tượng giao tiếp ngang hàng. Tính chất long trọng của lời đáp trả được nhấn mạnh khi nó khởi đầu bằng mệnh đề: “Amen, Tôi bảo ông”.[12] Hơn nữa, đại từ “với ông” được đặt trước động từ “nói” (ἀμήν σοι λέγω: “Với ông, tôi nói”, không phải là: “Tôi nói với ông”), là lối nói nhấn mạnh đến nhân vật mà Đức Giêsu đang nhắm đến. Yếu tố thời gian, “hôm nay”, đối lại với mệnh đề thời gian “khi Người đi vào…”, cho thấy tính chất nhanh chóng quá sức mong đợi của người tội phạm và cũng gián tiếp hé lộ thời điểm Đức Giêsu đi vào Nước của Người. Đức Giêsu sẽ đi vào Nước của Người hôm nay và người tử tội cũng được ở với Người hôm nay. Trạng từ “hôm nay” được tác giả Luca sử dụng 10 lần[13], và hầu hết đều liên quan đến lời công bố hạnh phúc về ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (2,11); “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này vì ông ta cũng là con của tổ phụ Ápraham” (19,9). Theo R. Brown, trạng từ “hôm này” cũng có một âm hưởng cánh chung, nghĩa là một sự kiện của thời cuối cùng[14]. Tác giả J.Fitzmyer, cùng với R. Brown đồng ý với tác giả E.E. Ellis (E. E. Ellis, “Present and Future,” 37) cho rằng “hôm nay không đề cập đến ngày đóng đinh, nhưng là ngày cứu độ mang tính Mêsiah được khai mạc bằng cái chết của Đức Giêsu”.[15]

Mệnh đề “ở với tôi” có nghĩa là được chia sẻ mọi thứ với Đức Giêsu. Ý nghĩa này có thể được minh họa bằng câu nói của người cha nhân hậu với người anh cả: “Con luôn ở cùng cha, và tất cả những gì của cha đều là của con” (15,31). Cụm giới từ “với tôi” gợi nhớ đến điều Đức Giêsu hứa trao ban vương quốc nơi mà họ có thể ăn và uống tại bàn của Đức Giêsu (Lc 22,29), vì họ “ở lại với tôi trong cơn thử thách gian nan” (Lc 22,28). Như vậy, nhớ đến” đồng nghĩa với được “ở với Chúa”.

Trong Thiên đàng (ἐν τῷ παραδείσῳ): Đi vào Nước của Người đồng nghĩa với đi vào Thiên Đàng. Từ παράδεισος” (paradeisos) là một từ có gốc Ba Tư, có nhiều nghĩa khác nhau trong Sách Thánh: 1. Một công viên, hay mảnh đất sung sướng” (Nkm 2,3; Hc 2,5); 2. Vườn Êden (St 2,8-10.15.16; 3,1-3,8-10); 3. Lòng tổ phụ Ápraham, nghĩa là nơi ở của các linh hồn những người công chính cho đến thời phục sinh; 4. Vùng trên trời, có lẽ đồng nghĩa vời “tầng trời thứ ba” (2 Cr 12,4). R. Brown nghĩ rằng ở trong Thiên Đàng là ở nơi cao nhất của trời, cùng với Đức Giêsu trước nhan Chúa, qua sự tha thứ tội lỗi (Lc 5,20; 7,48) và được ơn cứu độ (Lc 19,9).[16] Nói chung, đó là cách diễn tả của một nơi chốn hạnh phúc viên mãn, tròn đầy nhất, và vĩnh cửu, với Chúa và với “những người được xét là xứng đáng cho sự sống đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20,35). Đó có thể là cách nói khác của “Nước Thiên Chúa” trong tương lai, được Đức Giêsu nhắc đến nhiều lần (Mt 19,24; 21,43; Mc 9,47; 10,14.15.23.24.25; 12,34; 14,25; Lc 9,27.62; 13,28.29; 14,15; 18,16.17; 22,16; Ga 3,3.5)

11.  Một số cặp nhân vật và khái niệm đáng chú ý trong trình thuật này: (i) Đấng Kitô – Giêsu – Đấng được tuyển chọn – vua của những người Do Thái; (ii) Những người lãnh đạo – những người lính – những người tội phạm; (iii) Nhạo cười – xỉa xói – xúc phạm – mắng chửi; (iv) Cứu độ - nhớ đến; (v) Nước Người – Thiên Đàng; (vi) Khi Người đi vào… (tương lai) – hôm nay (hiện tại).

Bình luận tổng quát

Hành trình Thương Khó của Đức Giêsu đã gần đến hồi kết khi Người chịu đóng đinh vào “cây gỗ”, trên đồi Golgôtha. Trong khi dân chúng đứng nhìn, những người lãnh đạo Do Thái, những người lính và cả người tử tội cùng bị đóng đinh, tất cả đều ra sức chế giễu, mỉa mai, xúc phạm Người. Họ lấy những danh xưng cao quý của Người ra làm trò hề: “Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn, vua của những người Do Thái, Đấng Kitô”. Họ muốn xóa sổ, bôi nhọ, khinh miệt những danh xưng quyền năng như thế vì thực tế Người đang bị hành hình cách thảm thương giống như hai người tội phạm, không một chút phản kháng. Đối phương hạn chế quyền năng của Đấng Kitô của Thiên Chúa vào khả năng giải cứu chính mình khỏi thập giá. Theo suy nghĩ của họ, nếu Đức Giêsu là Đấng Kitô, là vua của những người Do Thái, thì không thể nào lại chịu treo lên cây gỗ như thế. Đấng Kitô của Thiên Chúa phải đầy quyền năng trục xuất quỷ dữ, khống chế thiên tai, giải quyết nạn đói, cứu mạng sống của người khác. Vua của những người Do Thái phải là Người làm chủ đại cuộc, chiến thắng ngoại bang, khôi phục vương quốc Israel. Chính các môn đệ cũng từng nghĩ như thế. Những lời khích bác của họ cũng là hiện thân cho những cơn cám dỗ cuối cùng mà ma quỷ nhắm vào Đấng Kitô, nhằm phá hủy kế hoạch cứu độ của Chúa. Tuy nhiên, họ quên rằng đó chỉ là một nửa phần vinh quang của Đấng Kitô, vinh quang trần thế. Nửa phần vinh quang còn lại của Đấng Kitô, vua của những người Do Thái là vinh quang của Người Tôi Trung Đau Khổ, vinh quang của Con Người phải chịu khổ nạn, vinh quang của mầu nhiệm thập giá. Vinh quang đích thực, trọn vẹn, là vinh quang của Người Con chấp nhận uống chén đắng, vinh quang của Thiên Chúa dám chết thay cho nhân loại, vinh quang của vị vua chiến thắng cái chết và quyền lực ma quỷ. Dưới nhãn quan của vinh quang mầu nhiệm Khổ Nạn – Phục Sinh, thì khoảnh khắc chịu treo trên thập giá là khoảnh khắc Đức Giêsu đang ở bên thềm của vinh quang đích thực. Người đang thể hiện quyền năng của Đấng Kitô ở mức cao nhất. Trên đỉnh đồi Golgôtha chiều hôm ấy, chỉ có một người duy nhất nhận ra quyền năng đích thực của Người. Đó là người tử tội cùng chịu đóng đinh với Người. Ông đã vượt qua tất cả mọi người, những nhà lãnh đạo Do Thái, các quân nhân, người “đồng nghiệp”, và cả các môn đệ của Đức Giêsu để một mình tuyên xưng Đức Giêsu vô tội, và công nhận quyền năng cứu độ của Người. Thật lạ lùng, người tử tội nhìn thấy được tương lai xán lạn của một Đấng Kitô đang hấp hối trên thập giá. Lời thỉnh cầu: “Ông Giêsu ơi! Khi nào đi vào Nước của ông, xin hãy nhớ đến tôi”, biểu lộ một niềm xác tín về vinh quang của một vị vua của những người Do Thái sau cái chết. Người tử tội tin rằng Đức Giêsu sẽ đi vào Nước của Người, nay mai, và có khả năng cứu ông, không phải khỏi khổ hình thập giá, nhưng là một đời sống mới sau cái chết. Chỉ có lời thỉnh cầu với niềm xác tín mãnh liệt như thế mới làm cho Đức Giêsu lên tiếng đáp trả. Người không ngần ngại công bố ơn cứu độ cho ông ngay “hôm nay”. Đức Giêsu lập tức nhớ đến ông bởi vì ông chính là người mà Đấng Cứu Độ đang tìm kiếm, như Người đã tuyên bố: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10); “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính mà để kêu gọi những người tội lỗi” (Lc 5,32). Đức Giêsu và cả triều thần thiên quốc ắt hẳn đã vui mừng khôn kể siết vì “một người tội lỗi hoán cải, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải hoán cải” (Lc 15,7.10). Người tử tội này hẳn đã có một cuộc đời nhem nhúa vì tội lỗi, nhưng ông đã nhìn nhận và đón nhận hình phạt thích đáng. Điều đáng quý hơn là ông kính sợ Thiên Chúa và cậy trông vào lòng thương xót của Người. Cái chết của Đức Giêsu đã lập tức mang lại ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. Golgôtha chiều ấy như âm vang mệnh lệnh thiên sứ dành cho ông Giuse năm nào: “Ông phải gọi tên đứa bé là Giêsu (Thiên Chúa cứu) vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21; Cf. Mt 1,25; Cv 2,38; 5,31; 10,43; 13,38). Cảnh Đức Giêsu ban nước Thiên Đàng cho người tử tội có thể nói là cảnh đẹp nhất, là đỉnh cao của hành trình thập tự và cho thấy hiệu quả tỏ tường nhất của mầu nhiệm cứu độ Thiên Chúa đã thực hiện. Câu nói ấy là câu nói cuối cùng, với người cuối cùng trên thế gian trước khi Người phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha (Lc 23,46).

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1]the elect one: In contrast to Mark 15:32, which has ‘Messiah king of Israel,’ and Matt 27:42, which has ‘king of Israel,’ Luke uses the same phrasing as in Peter's confession, ‘Messiah of God’ (christos tau theou). Rather than the designation ‘king’ which will be picked up in the next slur, Luke adds ho eldektos (‘the elect one’), which echoes the voice at the transfiguration (ho eklelegrnenos) [L.T. Johnson, The Gosepel of Luke (Collegeville 1997) 377]. 

[2]The word krima can mean "judgment" or "sentence," so that this statement can be read at two levels: they are all three suffering under the same sentence of death, but at the same time they are all three under God's judgment as they face death. "Fear God" is therefore appropriate. The rebuke is a call to authentic acceptance of his own destiny and need for decision, rather than a distancing and alienating sarcasm” (L.T. Johnson, The Gosepel of Luke, 378).

[3] J.B. GREEN, The Gospel of Luke, 822.

[4] R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1003; “You and He will soon have to appear before God. Does not even fear restrain you from adding to your sins; whereas He has nothing to answer for [A. PLUMMER, A critical and exegetical commentary on the Gospel According to S. Luke (London 1896) 534].

[5] J. A. FITZMYER, The Gospel according to Luke XXXIV, 1508.

[6] J. A. FITZMYER, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1515; “the second recognizes his guilt and implicitly expresses his metanoia before God” (J. A. FITZMYER, The Gospel according to Luke X–XXIV,1509); “to acknowledge the one’s guilt and to fear God, in the eyes of the writer of this episode, an act of repentance and beginning of conversion” (F. BOVON, Luke 3, 310).

[7] R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1005.

[8] R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1008.

[9] J. B. GREEN, The Gospel of Luke, 822.

[10] F. BOVON, Luke 3, 311.

[11]J. B. GREEN, The Gospel of Luke, 823.

[12] “the one aspect that cannot be debated about the meaning of “amen” is the atmosphere of solemnity projected by it” (R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1009); A. Plummer also affirms that this “amen” usually introduces something of special importance, or beyond expectation (A. PLUMMER, A critical and exegetical commentary, 535).

[13] Lc 2:11; 5:26; 12:28; 13:32; 13:33; 19:5; 19:9; 22:34; 22:61; 22:43.

[14] R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1009.

[15] J. A. FITZMYER, The Gospel according to Luke XXXIV, 1510.

[16] R. E. BROWN, The Death of the Messiah II, 1010-1012.

No comments:

Post a Comment