Bản văn Tiếng Hy Lạp và Bản Việt Ngữ sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
25 Καὶ ἔσονται σημεῖα ἐν ἡλίῳ καὶ σελήνῃ καὶ ἄστροις,
καὶ ἐπὶ τῆς γῆς συνοχὴ ἐθνῶν ἐν ἀπορίᾳ ἤχους θαλάσσης
καὶ σάλου, 26 ἀποψυχόντων ἀνθρώπων
ἀπὸ φόβου καὶ προσδοκίας τῶν ἐπερχομένων τῇ οἰκουμένῃ, αἱ γὰρ δυνάμεις τῶν
οὐρανῶν σαλευθήσονται. 27 καὶ τότε ὄψονται τὸν υἱὸν
τοῦ ἀνθρώπου ἐρχόμενον ἐν νεφέλῃ μετὰ δυνάμεως καὶ δόξης πολλῆς. 28 ἀρχομένων δὲ τούτων γίνεσθαι
ἀνακύψατε καὶ ἐπάρατε τὰς κεφαλὰς ὑμῶν, διότι ἐγγίζει ἡ ἀπολύτρωσις ὑμῶν. 29 Καὶ εἶπεν παραβολὴν αὐτοῖς· ἴδετε τὴν συκῆν καὶ πάντα τὰ δένδρα· 30 ὅταν προβάλωσιν ἤδη, βλέποντες ἀφ᾽ ἑαυτῶν
γινώσκετε ὅτι ἤδη ἐγγὺς
τὸ θέρος ἐστίν· 31 οὕτως καὶ ὑμεῖς, ὅταν ἴδητε
ταῦτα γινόμενα, γινώσκετε ὅτι ἐγγύς ἐστιν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ. 32 ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι οὐ
μὴ παρέλθῃ ἡ γενεὰ αὕτη ἕως ἂν πάντα γένηται. 33 ὁ οὐρανὸς καὶ ἡ γῆ
παρελεύσονται, οἱ δὲ λόγοι μου οὐ μὴ παρελεύσονται. 34 Προσέχετε δὲ
ἑαυτοῖς μήποτε
βαρηθῶσιν ὑμῶν αἱ καρδίαι ἐν κραιπάλῃ καὶ μέθῃ καὶ μερίμναις βιωτικαῖς καὶ ἐπιστῇ
ἐφ᾽ ὑμᾶς αἰφνίδιος ἡ ἡμέρα ἐκείνη 35 ὡς παγίς· ἐπεισελεύσεται γὰρ ἐπὶ
πάντας τοὺς καθημένους ἐπὶ πρόσωπον πάσης τῆς γῆς. 36 ἀγρυπνεῖτε δὲ ἐν παντὶ
καιρῷ δεόμενοι ἵνα κατισχύσητε ἐκφυγεῖν ταῦτα πάντα τὰ μέλλοντα γίνεσθαι
καὶ σταθῆναι ἔμπροσθεν τοῦ υἱοῦ τοῦ ἀνθρώπου. (Lk. 21:25-36 BGT) |
26 Người ta nín thở vì sợ
và đợi chờ điều xảy đến cho cư dân trên trái đất, vì các quyền lực
trên trời sẽ lay chuyển. 27 Rồi, họ sẽ nhìn thấy Con Người đến trong đám
mây với nhiều quyền năng và vinh quang. 28 Nhưng khi những điều này xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc anh em đã
gần kề. 29 Và Người nói với họ một dụ ngôn. Anh em hãy
nhìn xem cây vả và tất cả các loại cây. 30 Khi nó đâm chồi nẩy lộc rồi, khi quan sát từ chúng,
anh em biết rằng mùa hè đã gần kề rồi. 31 Cũng như vậy, khi thấy những điều này xảy ra,
anh em biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần kề. 32 Amen, Thầy bảo thật anh
em, thế hệ này sẽ không qua đi, cho đến khi tất cả xảy ra. 33 Trời và đất sẽ qua đi, nhưng những lời của Thầy sẽ không qua đi. 34 Anh em hãy chú ý,
kẻo lòng của anh em bị đè nặng bởi uống quá chén và say sưa và lo lắng của cuộc sống này và ngày bất
ngờ ấy có thể xảy đến trên anh em. 35 Như chiếc bẫy, vì nó sẽ xảy đến bất ngờ trên tất cả những ai cư ngụ trên toàn mặt đất. 36 Hãy canh chừng trong
mọi lúc, cầu xin để anh em có thể mạnh sức mà thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. |
Bối
Cảnh
Lời Chúa trong bối cảnh Mùa Vọng tiếp nối chủ đề về
ngày cánh chung trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Đoạn Tin Mừng Lc 21,25-36
trích trong loạt những trình thuật về thời cánh chung của Tin Mừng Luca (Lc
21,5-37). Tiếp theo sau lời tiền báo về những ngày cuối cùng của Jêrusalem,
Luca chuyển qua những dự báo về những ngày cuối cùng của thế giới.[1]
Cũng như Jêrusalem đối diện với một sự khủng hoảng khi Đức Giêsu tiến vào giảng
dạy, thế giới cũng đối diện với khủng hoảng như thế khi Con Người đến trong
vinh quang.[2]
Luca theo sát Tin Mừng Máccô và Mátthêu trong hai trình thuật “Những điềm lạ
trên trời và Con Người quang lâm” (Lc 21,25-28; Mt 24, 29-31; Mc 13,24-27); và
“Ví dụ về mùa thay lá của cây vả” (Lc 21,29-33; Mt 24,32-35; Mc 13,28-31).
Trình thuật về lời dạy “hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (21,34-36) là trình thuật
riêng của Luca. Cũng giống như các Tin Mừng Nhất Lãm khác, đoạn văn nói về sự
quang lâm của Con Người được đặt ngay sau những trình thuật “báo trước về sự sụp
đổ của thành Jêrusalem” (Lc 21,5-19); “Jêrusalem bị bao vây” (Lc 21,20-23b).
Ngoài những đoạn chia sẻ chung với hai tác giả Nhất Lãm còn lại, Luca cũng thêm
một đoạn ngắn về “thời của dân ngoại” (Lc 21,23b-24). Về chủ đề, hình ảnh “Con
Người đến trong vinh quang và đầy quyền năng gợi nhớ đến” hình ảnh Con Người
trong sách ngôn sứ Đaniel, cũng ngự giá mây trời mà đến (Đn 7,13). Chủ đề liên
quan đến sự cứu chuộc đã được Luca nói nhiều lần trong Tin Mừng và cả trong
sách Công Vụ (Lc 1,68; 2,38; 21,28; 24,21; Cv 7,35). Đây cũng là đề tài trải rộng
trong các thư của thánh Phaolô. Chủ đề “cầu nguyện” cũng là một chủ đề rất phổ
biến trong Tin Mừng Luca nói riêng và Tin Mừng Nhất Lãm nói chung. “Tỉnh thức”,
“Coi chừng” cũng là một mệnh lệnh quan trọng trong Tin Mừng Luca và Mátthêu (Mt
6,1;7,15; 10,17; 16,6; 16,11; Lc 12,1; 17,3; 20,46; 21,34.36; Cf. Cv 5,35; 20,28;
Mc 13,33). Ngoài ra, “vinh quang và quyền năng” của Đức Giêsu cũng là đề tài
quan trọng không kém trong truyền thống Tân Ước. “Nước Thiên Chúa” là một chủ đề
trọng yếu bao trùm toàn bộ sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu.
Cấu trúc
(A) Dấu lạ trên trời
dưới đất
(21,25a) Các dân: Hoảng sợ và nín thở đợi chờ tai
họa (21,25b-26) Con Người Đến đầy quyền năng và vinh
quang (21,27a) Anh em: Đứng thẳng và ngẩng đầu đợi chờ
ơn cứu độ (21,28) (B) Ví dụ cây vả và
tất cả các loại cây (21,29) Thấy đâm chồi nẩy lộc (21,30a) biết mùa hè đã gần kề rồi (21,30b) Thấy những điều này xảy ra (21,31a) biết Nước Thiên Chúa đã gần kề (21,31b) (C) Lời
Thầy nói sẽ không qua đi (21,32-33) Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi tất cả xảy ra Trời và đất sẽ qua đi nhưng những lời của Thầy sẽ không qua đi (D) Hãy
để ý (21,34a) để không say sưa và lo lắng của cuộc sống này (21,34-35a) Hãy canh chừng và khẩn cầu (21,36a) để có thể mạnh sức mà thoát khỏi và đứng vững (21,36b) |
Một số điểm
chú giải[3]
1.
Dấu lạ nơi mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao … tiếng gầm thét của biển và
sóng… quyền lực trên trời lay chuyển: Luca lấy lại dữ liệu từ Máccô. Tuy nhiên, khác với Mátthêu – lặp lại gần
như hoàn toàn dữ liệu của Máccô – tác giả Luca sửa lại và thêm vào các nguồn
riêng của mình khá nhiều. Đức Giêsu của Máccô cho biết rằng “mặt trời sẽ ra tối
tăm”; “mặt trăng sẽ không còn chiếu sáng”, còn “các ngôi sao thì rơi xuống” (Mc
13,24-25a). Đức Giêsu của Luca chỉ nói là có những dấu lạ nơi mặt trời, mặt
trăng và các ngôi sao.[4] Luca
dường như không muốn cụ thể hóa các điềm lạ ấy, hoặc là ông giả định rằng độc
giả đã biết Tin Mừng Máccô nên không cần nhắc lại những điềm lạ cách cụ thể nữa.
Cũng có thể vì trước đó, Luca đã nói đến những tai họa cụ thể rồi: Những trận động
đất lớn, nạn đói khắp nơi và ôn dịch, tai ương kinh khủng, những dấu lạ lớn
trên trời (21,11). Đức Giêsu của Luca còn thêm vào chuyển động của biển và
sóng. Dường như tác giả muốn có sự cân bằng của những sự lạ trên trời và dưới
biển. Luca giữ lại chi tiết “các quyền lực trên trời sẽ lay chuyển” giống như
Máccô (Lc 21,26; Mc 13,25b).
Mc 13,24-27 |
Lc 21,25-28 |
24 “Nhưng trong những
ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,25 các
ngôi sao từ trời sa xuống,
và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.26 Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và
vinh quang ngự trong đám mây mà đến.27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những
kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân
trời. |
25 Sẽ có những dấu lạ nơi mặt trời, mặt
trăng và các ngôi sao và trên
mặt đất, sự hoảng sợ
của các dân tộc trong nỗi lo lắng vì tiếng gầm của biển và sóng. 26 Người ta nín thở vì sợ và đợi chờ
điều xảy đến cho trái đất, vì các quyền lực
trên trời sẽ lay chuyển. 27 Rồi, họ
sẽ nhìn thấy Con Người đến trong đám mây với nhiều quyền năng và vinh quang. 28 Nhưng khi những điều này xảy ra, anh em hãy đứng thẳng
và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã gần kề.
|
2.
Các dân hoảng sợ …người ta nín thở: Đối lại với những điềm lạ trên trời là những điềm
lạ dưới đất. Phản ứng của các quyền lực trên trời cũng song song với phản ứng của
con người dưới đất. Trên trời, các quyền lực lay chuyển, dưới đất các dân tộc
hoảng sợ. Giêsu của Máccô hoàn toàn không nói gì đến phản ứng của con người dưới
đất. Giêsu của Luca dường như quân bình hơn khi đề cập đến phản ứng của các dân
tộc trên mặt đất. Cám xúc của họ được mô tả cách cụ thể và phong phú: “hoảng sợ”;
“lo lắng”; “nín thở vì sợ”; và “đợi chờ điều sắp xảy đến”. Nói chung, cảm giác
của các dân tộc là lo lắng, bất an trước những sự lạ trên trời dưới đất.
3.
Con Người đến: Hình ảnh
Con Người đến trong đám mây đầy quyền năng và vinh quang là hình ảnh mấu chốt,
trung tâm của trình thuật cánh chung. Chính vì thế, cả Mátthêu, và Luca đều lấy
lại dữ liệu từ Máccô một cách hoàn toàn về hình ảnh này. “Con Người” (viết hoa)
là một trong danh xưng mang tính Kitô học rất quan trọng trong truyền thống Tin
Mừng. Trong Luca, chúng ta có thể nhắc đến những điểm cốt lõi liên quan đến Con
Người như sau. “Con Người có quyền tha tội” (Lc 9,24); “Con Người làm chủ của
ngày Sabát” (Lc 6,5); “Con Người ăn uống, làm bạn với quân thu thuế và phường tội
lỗi” (Lc 7,34); “Con Người chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng
kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22.44; 24,7 Cf.
18,31; 22,22.48); “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha
và các thiên thần” (Lc 9,26; 21,27; 22,69); “Con Người sẽ đến cách bất ngờ” (Lc
12,40; Cf. 17,22.24.26;); “Con Người lang thang không có chỗ tựa đầu” (Lc
9,58); “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Như vậy, trong
Luca, Con Người được mô tả trải dài từ đau khổ đến vinh quang. Việc Con Người đến
trong vinh quang và quyền năng là hoàn tất mầu nhiệm cứu độ mà Người đã khởi sự
trên mặt đất. Nơi đây chúng ta có thể nghe phảng phất dụ ngôn về một vị vua đi
lãnh nhận vương quyền rồi trở lại thưởng hay phạt các thần dân của mình (Lc
19,11-27). Nhất là, hình ảnh Con Người gợi nhớ cách cụ thể đến Đn 7,13, nói về
Con Người đến trong đám mây. Luca diễn tả Đức Giêsu trở lại như một cuộc thần
hiện.[5]
Vai trò của Con Người trong Mc 13,26-27 là vai trò kép: Phán xét (c.26) và tập
họp những người được chọn. Trong Luca, vai trò phán xét được giữ nguyên và vai
trò triệu tập được thay bằng vai trò giải thoát.[6]
4.
Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên: Nơi Máccô, sau khi đến Con Người sẽ sai các thiên
thần đi và sẽ tập họp những “người được chọn từ khắp bốn phương”, trong khi đó,
trong Luca, người ta không thấy hình ảnh của “những người được chọn”.[7]
Hình ảnh được Đức Giêsu nói đến trực tiếp là nhân vật ngôi thứ hai số nhiều
“anh em”. Đối tượng ngôi thứ hai số nhiều (anh em) trong bối cảnh này rất có thể
là các môn đệ, hoặc có thể mở rộng ra cho các tín hữu trong cộng đoàn Luca. Đối
lại với hình ảnh của các dân tộc hoảng sợ và nín thở trước những điềm lạ trên
trời dưới đất, các môn đệ được mời gọi “đứng thẳng” và “ngẩng đầu lên”. “Đứng
thẳng” và “ngẩng đầu” tượng trưng cho sự tự tin, mạnh mẽ, mong chờ cách hạnh
phúc ngược lại với sự hoảng sợ, lo lắng, nín thở của các dân khác. Danh từ “các
dân” (ἔθνος) thường được dùng để
chỉ các dân ngoại, những người không tin vào Chúa. Ngay trước đoạn này, Đức
Giêsu nói đến thời điểm dân Jêrusalem “bị ngã gục dưới lưỡi gươm và bị đày đi
khắp các dân ngoại, Jêrusalem sẽ bị các dân ngoại giày xéo cho đến khi mãn thời
các dân ngoại” (Lc 21,24). Nói cách khác, đây chính là thời khắc các môn đệ, và
cộng đoàn các tín hữu đang mong chờ, trong khi dân ngoại thì cố tránh. Trái ngược
lại với cuộc phán xét sẽ được tiến hành trên thế giới, các môn đệ Đức Giêsu có
thể cảm nhận ơn cứu độ của họ trong tầm tay.[8] Động
từ “đứng thẳng” (ἀνακύπτω) được dùng để mô tả người phụ nữ lưng còng, không
thể “đứng thẳng” suốt mười tám năm. Ngay sau khi Đức Giêsu đặt tay chữa lành,
bà liền tôn vinh Thiên Chúa. Đó là một dấu lạ mang lại ơn cứu chuộc, giúp người
phụ nữ có thể đứng thẳng lên được.[9]
5.
Ơn cứu chuộc: Đây là điểm khác biệt quan trọng nữa giữa
bản văn Luca và Máccô. Máccô không hề đề cập đến ơn cứu chuộc. Máccô chỉ nói đến
việc những người được chọn được quy tụ về từ bốn phương. Có thể, trong cách nói
này Máccô đã bao hàm sự “cứu chuộc” hoặc là “phần thưởng” dành cho những “người
được chọn”. Rõ ràng, Luca cụ thể hơn trong việc đề cập đến kết cục của cánh
chung: “Sự Cứu Chuộc”.[10] “Sự Cứu Chuộc” là thuật ngữ mang đậm dấu ấn của
Luca. Trong bài Magnificat (chỉ có trong Luca), Đức Maria đã chúc tụng Đức Chúa
“đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người” (ἐπεσκέψατο καὶ ἐποίησεν λύτρωσιν τῷ λαῷ αὐτοῦ, Lc
1,68). Trong trình thuật về nữ ngôn sứ Anna (chỉ có trong Luca), tác giả cũng
cho biết là bà Anna đã “nói về Hài Nhi (Giêsu) cho hết những ai đang mong chờ
ngày Thiên Chúa cứu chuộc Jêrusalem” (πᾶσιν τοῖς προσδεχομένοις λύτρωσιν Ἰερουσαλήμ, Lc 2,38). Hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng
đã hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ “cứu chuộc Israel” (ὁ μέλλων λυτροῦσθαι τὸν Ἰσραήλ, Lc 24,21). Cựu Ước nói đến ba ý nghĩa khác nhau
của sự cứu chuộc. (1) Chuộc tài sản: Một thuật ngữ pháp lý được áp dụng cho việc chuộc lại tài sản thừa kế,
thành viên gia đình khỏi nô lệ, hoặc những vật dụng và tài sản (Lv 25,25.47-49;
27,15-20; R 4,1-6; Tv 72,4.14; Gr 32,1-15). (2) Chuộc con đầu lòng/ con
vật đầu lòng: Chuộc lại con đầu lòng
bằng cách trả một số tiền hay lễ vật (Ds 3,45-51; 18,15-17; Xh 21,8.30). Đặc biệt trong những trường hợp đổ
máu người khác (Ds 35,31-32) và trường hợp Chúa hành động trong một
cách thức cứu chuộc cho dân Người (Xh 6,6; 15,13; Đnl 7,8 Tv 19,1; 25,22;
106,10; Is 41,14). (3) Ý niệm thần học chuyên biệt về sự cứu chuộc đặt nặng vào sự hồi phục, tái thiết
lập tương quan của Chúa với dân Người sau khi họ đã nổi loạn, và bất trung. Ý
niệm này thường được gọi là “giá chuộc”, “sự chuộc tội” (Tv 49,7-8;13,8; Xh
21,30). Trong Tân Ước, sự chuộc được hoàn thành trong cái chết hiến tế của Đức Giêsu (Rm 3,23-25; 8,23; 1
Cr 1,30; 6,20; 7,23; Ep 1,7.14; 4,30; Cl 1,14; Gl 3,13; 4,5; Dt 9,15; 1Pr
1,18-19).[11]
Công trình cứu chuộc sẽ được Đức Kitô hoàn tất trong ngày cánh chung.
6.
Ví dụ cây vả và tất cả các loại cây: Ví dụ cây vả với nội dung chính là “sự đâm chồi nảy
lộc” báo hiệu một mùa hè sắp đến. Có hai điểm khác biệt trong trình thuật của
Luca so với cùng trình thuật của Mátthêu và Máccô: Thứ nhất, ngoài cây vả Luca thêm “tất cả các cây
khác”; Thứ hai, Luca thay đổi chủ ngữ của cụm động từ “đã gần bên”. (i) Luca dường
như muốn bổ sung vào số cây thay lá, đâm chồi nẩy lộc vào trước mùa hè. Bài học
này không chỉ dành riêng cho cây vả.[12] Thực
tế, có nhiều loại cây có quy trình thay lá như cây vả, nhưng cũng có những loại
cây không rụng lá vào mùa đông, nên sẽ không có quy trình thay lá như vây.
Cây vả là cây phổ biến và quen thuộc trên đất Israel. Tuy nhiên, Luca là tác giả
ngoại giáo viết cho người ngoại trên vùng đất rộng lớn hơn. Có lẽ vì thế mà các
loại cây khác được đề cập ngoài cây vả. (ii) Máccô và Mátthêu dùng đại từ ngôi thứ ba số ít cho cụm động từ “đã
gần kề”. Đại từ này có thể hiểu là “Con Người” (Con Người đã gần bên, Người đã
gần bên), nhưng cũng có thể hiểu là “cuộc quang lâm của Con Người” (nó đã gần
bên).[13] Trong
Luca, chủ từ của cụm động từ “gần bên” là “Nước Thiên Chúa” (Triều đại Thiên
Chúa): Anh em biết rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã gần bên”. Triều đại Thiên Chúa[14]
rõ ràng là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong nội dung giảng dạy của
Đức Giêsu. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại nhiều lời dạy của Đức Giêsu liên
quan đến chủ đề “Nước Thiên Chúa”. Cả Mátthêu và Máccô đều đặt lời rao giảng: “Thời
kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15; Mt 4,17). Khác với Mátthêu và Máccô, Luca không ghi lại lời giảng này
của Đức Giêsu. Trong Luca, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu được ghi lại tại
hội đường Nadarét, nơi Đức Giêsu đã đọc lời ngôn sứ Isaiah: “Thần Khí Chúa ngự
trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những
người nghèo. Người đã sai tôi đi công bố cho người bị giam cầm biết họ được
tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4,16-19). Rồi, Đức Giêsu công bố rằng, tất
cả những lời ngôn sứ đã ứng nghiệm trên Người. Đức Giêsu của Luca cho biết rằng
mục đích của Người khi được sai đi là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” cho
các thành (Lc 4,48). Trong lời chỉ dẫn dành cho nhóm Bảy Mươi Hai Môn Đệ (chỉ
có trong Luca), Đức Giêsu lặp lại hai lần “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc
10,9.11). Luca cũng là tác giả duy nhất ghi lại sự kiện những người Pharisêu hỏi
Đức Giêsu “khi nào Triều Đại Thiên Chúa đến?” và Đức Giêsu đã trả lời rằng:
“Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được và Người ta sẽ
không nói ‘ở đây này’ hay ‘ở kia kìa’ vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa
các ông” (Lc 17,20-21). Cả Mátthêu và Luca đều ghi lại “dụ ngôn mười nén bạc”
(Lc 19,11-27; Mt 25,14-30). Tuy nhiên, Luca đặt dụ ngôn này vào bối cảnh ngay
trước khi Đức Giêsu tiến vào Jêrusalem và tác giả còn ghi chú về lý do: “Vì Người
đang ở gần Jêrusalem, và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện” (Lc
19,11). Trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly, sau khi trao chén cho các môn đệ, Đức Giêsu
nói: “Thầy nói cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây
nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (Lc 22,18). Trong cùng một trình
thuật, Máccô ghi rằng: “Thầy bảo thật anh em, Thầy không bao giờ uống sản phẩm
của cây nho nữa, cho đến khi Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc
14,25); Mátthêu thì thay “Nước Thiên Chúa” bằng cụm từ “Nước của Cha Thầy” (Mt
26,29). Như thế, xem ra Luca tô đậm hơn sự kiện “Triều Đại Thiên Chúa đến”
trong nhiều hoàn cảnh, và không lạ gì tác giả thay đổi chủ ngữ của ngữ động từ
“gần bên” – Con Người – bằng danh ngữ “Triều Đại Thiên Chúa”. Trong bối cảnh
này, hình ảnh “Triều Đại Thiên gần bên” song song với “sự cứu chuộc dành cho
anh em đã đến gần”. Được cứu chuộc là được ở trong Nước Thiên Chúa.
Mt 24,32-33 |
Mc 13,28-29 |
Lc 21,29.31 |
“Anh em cứ lấy ví dụ cây vả mà học hỏi”
“Cũng vậy, khi thấy tất cả những điều ấy, anh em biết rằng
Con Người đã gần
bên, ngay ngoài cửa rồi”. |
“Anh em cứ lấy ví dụ cây vả mà học hỏi”
“Cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra thì anh em biết Con Người đã gần bên, ở ngay ngoài cửa rồi”. |
“Anh em hãy quan sát cây vả cũng như tất cả các cây khác”
“Cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra, anh em biết rằng Triều Đại Thiên Chúa đã gần bên”. |
7.
Anh em hãy chú ý … hãy tỉnh thức, khẩn cầu: Tiếp theo sau “ví dụ cây vả” Mátthêu và Máccô đều
lưu ý đến bí mật của “ngày và giờ”: Không ai biết, ngay cả các thiên thần trên
trời hay cả Người Con; chỉ một mình Chúa Cha biết thôi (Mt 24,36; Mc 13,32).
Luca không ghi lại lưu ý này, có lẽ để tránh đi sự khó hiểu là tại sao Người
Con lại không biết. Tuy nhiên, cả ba tác giả đều ghi lại những cảnh báo tương tự
nhau sau “ví dụ cây vả”. Máccô ghi lại rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh
thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13,33); Mátthêu: “Vậy anh em
hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42).
Luca dùng ba động từ. Động từ đầu tiên (chú ý, đề phòng) diễn tả một sự cảnh
báo để tránh những điều tiêu cực. Đây là lần thứ tư Luca dùng động từ này cho
các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả”
(12,1); Trong bối cảnh Đức Giêsu dạy về sự nghiệm trọng của việc làm cớ cho người
khác sa ngã, Đức Giêsu chốt lại “anh em hãy coi chừng” (17,3); “Anh em phải coi
chừng những ông Kinh Sư ưa dạo quanh trong bộ áo dài, thích được người ta chào
hỏi nơi công cộng…” (20,46). Hai động từ còn lại (tỉnh thức và cầu xin) dành
cho những cảnh báo nhằm đạt đến kết quả tích cực. Những động từ này cổ vũ không
những một thái độ đúng đắn về Chúa, mà còn một cách sống phù hợp với lịch sử cứu
độ đến hồi hoàn tất.[15] Động
từ “cầu xin” được dùng nhiều trong Luca với nhiều bối cảnh khác nhau: Người bệnh
phong cầu xin được sạch (5,12); Quỷ cầu xin Đức Giêsu đừng hành hạ nó (8,28); Kẻ
được trừ quỷ xin được ở với Đức Giêsu nhưng Người không đồng ý (8,38); Một người
cha cầu xin cho đứa con bị bệnh kinh phong (9,38); Đức Giêsu dạy các môn đệ xin
thợ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (10,2); Đức Giêsu cầu xin cho ông Phêrô khỏi
mất lòng tin (22,32).
8.
Say sưa và lo lắng của cuộc sống này: Đi
theo mệnh lệnh cảnh báo đầu tiên – “hãy coi chừng” – là một loạt những hành động
tiêu cực: Lòng ra nặng nề vào chuyện ăn uống quá mức, dẫn đến say xỉn và lo lắng cho cuộc sống
này. Những đam mê ăn uống và quá bận
tâm về cuộc sống (có thể là tiền tài danh lợi thú) làm cho người ta không còn
tâm trí quan tâm đến ngày Con Người đến nữa, hay nói theo kiểu Luca ngày “Triều
Đại Thiên Chúa đến”. Trong lời dạy về sự sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi
ăn cưới về (Lc 12,35-36), Đức Giêsu đã đề cập đến một loại đầy tớ đã đánh đập
tôi trai, tớ gái, chè chén say sưa vì nghĩ rằng chủ của anh ta còn lâu mới về
(Lc 12,45). “Lo lắng của cuộc
sống này” gợi nhớ đến dụ ngôn “người gieo giống” trong
đó, hạt giống rơi vào bụi gai được ví như người đã nghe lời Chúa nhưng hạt mầm
Lời không lớn lên được vì anh ta bận tâm, sự giàu sang, và thú vui cuộc sống”
(Lc 8,14).[16]
Hậu quả có thể xảy ra nếu không hết sức “đề phòng” là các môn đệ của Chúa sẽ chịu
chung số phận với những dân cư trên khắp mặt đất, khi ngày ấy ập xuống trên họ
một cách bất ngờ như một chiếc lưới. Điều đáng chú ý đặc biệt ở đây là ý tưởng
phổ quát của cuộc phán xét sẽ xảy ra trên tất cả mọi người, tin hay không tin
vào Chúa.[17]
9.
“Ngày bất ngờ ấy” (αἰφνίδιος ἡ ἡμέρα ἐκείνη):
Tính từ “bất ngờ/ không mong đợi” thường
được chuyển ngữ thành trạng từ đi kèm với động từ “xảy ra/ xảy đến”: “Ngày ấy
thình lình ập đến trên các ngươi” (NTT) “xảy đến bất ngờ/ thình lình xảy đến (“Ngày
ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống trên các ngươi” (CGKPV). Thực ra,
tính từ này được chia ở giống cái, cùng giống với danh từ “ngày ấy”. Vì thế, chắc
chắn phải hiểu là “ngày bất ngờ ấy”. Ngày ấy được định nghĩa là “ngày bất
ngờ”. Việc danh từ ngày được xác định bằng đại từ “ấy” cho thấy Đức Giêsu ám chỉ
đến một “ngày” mà Ngài đã nói đến, một ngày cụ thể chứ không phải bất cứ ngày
nào. Trong bối cảnh chương 21, thuật ngữ “ngày”, không có mạo từ được nhắc đến
sớm nhất ở 21,6: “Những ngày sẽ đến, khi đó, sẽ
không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, mà không bị phá hủy”. Lần thứ hai, danh
từ “những ngày” được dùng không có mạo từ “đây là những ngày báo oán”: “Đây là
những ngày báo oán, để hoàn tất tất cả những điều đã được viết” (21,22). “Ngày ấy”
(số ít) ở đây có thể ám chỉ đến những ngày được nói đến trước đó. Trong ngày sẽ
xảy ra hai điều tích cực lẫn tiêu cực. Đó là ngày xảy biến cố tàn phá, hủy diệt
thành Jêrusalem và thế giới. Đó cũng là ngày “Con Người đến trong đám mây với quyền
năng và vinh quang vĩ đại” (21,27); “Ngày triều đại Thiên Chúa đến gần” (21,31),
ngày “ơn cứu chuộc đến gần” (21,28). Yếu tố “bất ngờ” là điều đáng lưu tâm. Người
ta phải chú ý thường xuyên, và cầu nguyện luôn.
10.
Mạnh sức để thoát
khỏi: Trái ngược với mệnh
lệnh “phải hết sức chú ý” tránh những điều tiêu cực nhằm tránh tai họa ập đến, hai
mệnh lệnh tiếp theo đi kèm với hai hiệu quả tích cực: “Nhưng hãy tỉnh thức
trong mọi lúc, khẩn cầu để (1) Anh em có thể mạnh sức thoát khỏi những điều sẽ
xảy đến[18]
và (2) Để có thể đứng vững trước mặt Con Người. Tương tự như ở 21,28, Người môn
đệ được mời gọi “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” thì ở đây họ cũng được mời gọi
làm sao để “đứng vững trước mặt Con Người”. Để được như vậy, họ phải luôn luôn
tỉnh thức và khẩn cầu Chúa giữ gìn, cũng như chuẩn bị cách tích cực bằng đời sống
tốt lành và trung tín của mình. Đứng vững trước mặt Con Người là phong thái của
những người đã sẵn sàng đón nhận “Nước Thiên Chúa đến” và đón nhận được ơn cứu
độ do Con Người ban tặng. Lời cầu nguyện quan trọng mà Đức Giêsu dạy trong
“Kinh Lạy Cha” liên quan đến Nước Thiên Chúa phải được lặp đi lặp lại bằng lời
nói và hành động tích cực nữa: “Xin làm cho danh Cha được vinh hiển, Triều Đại
Cha mau đến” (Lc 11,2).
Bình luận tổng quát
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều trình thuật những bài
giảng của Đức Giêsu, trong những ngày cuối cùng tại Jêrusalem theo ngôn ngữ khải
huyền với ba chủ đề chính yếu: (1) Sự báo trước về sự kiện Jêrusalem bị phá hủy,
cùng với đền thờ; (2) Nói trước về sự trở lại của Con Người trong vinh quang để
phán xét và ban thưởng, cùng với sự kết thúc của thế giới hiện tại, vương quốc
Thiên Chúa hoàn thành; (3) Những khó khăn thử thách các môn đệ phải chịu trong
suốt hành trình rao giảng, cùng với sự nâng đỡ và đồng hành của Chúa giữa cuộc
tàn phá Jêrusalem và sự trở lại của Con Người.[19] Dựa
theo những dữ liệu sẵn có của Máccô, Luca đã biên tập lại một cách phù hợp, rõ
ràng hơn lối diễn tả và nguồn dữ liệu riêng của mình. Quang cảnh mặt trời trở
nên tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, còn các vì sao thì rơi xuống,
trong Máccô được Luca thu gọn thành “những dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng và
các vì sao”. Thay vào đó, Luca mô tả toàn diện hơn, cả vũ hoàn rung động, khi
ông mô tả thêm cảnh biển gầm sóng thét dưới mặt đất. Hơn nữa, sự kiện này gây ảnh
hưởng trên các dân trên toàn địa cầu. Cảm xúc của họ được mô tả cách cụ thể: hoảng
sợ, kinh hoàng, nín thở đợi chờ. Cùng với hình ảnh song song giữa những sự kiện
theo không gian trên trời và dưới đất, giữa thời gian ngày (mặt trời), đêm (mặt
trăng và các vì sao), Luca còn cho thấy hai hình ảnh song song trái ngược giữa
hai nhóm người. Nhóm các tín hữu, các môn đệ trung thành với Đức Giêsu trong tư
thế đứng thẳng, ngẩng đầu, đợi chờ trong niềm vui vì ơn cứu độ đã đến. Họ như
nhìn thấy một thế giới mới tươi sáng hơn được mở ra, khi thế giới hiện tại được
khép lại vì đã hoàn tất. Nhóm các dân khác, có thể là những người không tin nhận
Đức Giêsu, không sẵn sàng cho ngày tận cùng của thế giới, nín thở đợi chờ trong
vô vọng vì thế giới xem như kết thúc đối với họ và án phạt, đau khổ sẽ bắt đầu.
Hình ảnh Con Người đến trong đám mây, đầy quyền năng và vinh quang vẫn là hình ảnh
trung tâm, đáng mong chờ nhất của ngày cánh chung. Con Người đến hoàn tất Triều
Đại Thiên Chúa mà Người đã rao truyền, giảng dạy, minh chứng trong suốt cuộc đời
của Người. Đó là vương quốc của tình yêu, sự sống sung mãn vĩnh cửu vô cùng vô
tận. Tuy nhiên, để có thể đứng thẳng và ngẩng đầu lên trong ngày Con Người ngự
đến, các tín hữu, những môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi “hãy coi chừng”, “hãy
tỉnh thức trong mọi lúc” và “hãy khẩn cầu”. “Coi chừng, cảnh giác” để khỏi bị
lôi cuốn vào những đam mê ăn uống hưởng thụ đến say sưa quên hết mọi sự. Đó là
một lối sống chìm vào trong những dục vọng xấu và quên đi lý tưởng đời mình là
tìm kiếm chính Chúa và hướng đến tha nhân với tình yêu vị tha. “Tỉnh thức trong
mọi lúc”, và “cầu xin” để có thể thoát khỏi những hình phạt cánh chung và đứng
vững trước mặt Con Người trong cuộc phán xét. Tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi
sa chước cám dỗ. “Tỉnh thức luôn luôn” giúp cho con người luôn nhận ra rõ ràng
những cơn cám dỗ. “Cầu nguyện” là ý thức thân phận mình yếu đuối, luôn cần đến
Chúa trong cuộc chiến chống lại sự dữ. Cầu nguyện bao hàm sự tín thác và sự gắn
bó khăng khít với Chúa. Đời sống thân mật với Chúa sẽ giúp các tín hữu vượt qua
mọi khó khăn thử thách, cám dỗ, với ơn Chúa. Mùa vọng là mùa hy vọng, mùa đợi
chờ. Đó không phải đợi chờ một ngày cánh chung và một phần thưởng, nhưng là đợi
chờ một Đấng yêu thương mọi người và được mọi người yêu, sự mong chờ của người
những đứa con dành cho người Cha yêu dấu của mình. Đời người, xét cho cùng, chỉ là một Mùa Vọng kéo
dài. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, con người luôn mong chờ những giây
phút gặp gỡ Chúa đích thực và gặp gỡ Chúa trong ngày Chúa quang lâm. Muốn có niềm
mong chờ như thế giả thiết người ta phải cảm nhận được mối tương quan gần gũi
giữa mình với Chúa, như là Đấng tạo thành và nhất là người Cha, người Mẹ của
mình, chứ không phải là vị quan tòa phán xét, rồi thưởng – phạt mà thôi.
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New
Haven – London 2008) 28A, 1348; J.B. Green,
The Gospel of Luke (NICNT; Grand
Rapids 1997) 739.
[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1349.
[3]
Nhiều điểm chú giải của đoạn Tin Mừng này sẽ được tìm thấy trong phần chú giải
của Mc 13,24-32 [x. J.P.D. Thạch, “Không Ai Biết Ngày Đó Giờ Đó, Kể Cả Người
Con”, LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: KHÔNG AI BIẾT NGÀY ĐÓ GIỜ ĐÓ, KỂ CẢ
NGƯỜI CON. Chú Giải Tin Mừng CN XXXIII TN B (Mc 13,24-32) (josephpham-horizon.blogspot.com)
[4]
“Now they take place not directly in the sky but in the three celestial bodies
known to ancient science: the sun, the moon, and the stars. That is to say,
they will occur by day as well as by night.” [F.
Bovon, Luke 3. A
Commentary on the Gospel of Luke 19:28–24:53 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis
2012) 116].
[5] J.B. Green,
The Gospel of Luke, 740.
[6] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1350.
[7]
Theo M. Hamm, Luca bỏ qua chi tiết cho về cuộc triệu tập này có lẽ vì ông sẽ đề
cập một cuộc triệu tập của Giáo Hội được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, được
bắt đầu từ sau Lễ Ngũ Tuần cho đến khi Nước Trời tỏ hiện cách hoàn toàn [M.D.
Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.)
(New York 2018) 1092].
[8] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1349;
F. Bovon,
Luke 3, 118.
[10]
“the term “deliverance” (ἀπολύτρωσις),
which is unusual in Luke, undoubtedly coming from the source he used, but along
with “salvation” (σωτηρία)
and “visitation” (ἐπισκοπή)
is part of the New Testament vocabulary of salvation” (F. Bovon, Luke 3, 119.)
[11]
X. J.E. Alsup, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (New
York 1996) “Redemption”, 920; “The New Testament texts use the term with
various nuances: (a) the total eschatological liberation brought
about by Christ (here as well as in Rom 8:23; Eph 1:14; 4:30); (b) the status
of the liberated person (Col 1:14; Eph 1:7); (c) by metonymy, the person of
Christ the redeemer (1 Cor 1:30)” (F.
Bovon, Luke 3, 120).
[12] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1352.
[13] C.A.
Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 334.
[14]“Vương quốc Thiên Chúa”, Mátthêu hay
sử dụng Nước Trời nhiều hơn là Nước Thiên Chúa, có lẽ vì Mátthêu tránh gọi danh
“Thiên Chúa”, vốn không phù hợp với văn hóa Do Thái.
[16] M.D.
Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary (Ed. R.J. Clifford et al.)
(New York 2018) 1092.
[17] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1355;
L.T. Johnson, The Gospel According to Luke (SP 3; Collegeville 1991)
329.
[18]
“Thoát khỏi những điều này” âm vang câu hỏi của Gioan Tẩy Giả dành cho đám đông
“ai đã dạy cho các ngươi biết cách trốn khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (L.T.
Johnson, The Gospel According to Luke,329).
[19]
M.D. Hamm, “Luke”, The Paulist Biblical Commentary, 1092.
No comments:
Post a Comment