Thursday, 4 November 2021

ĐẠO ĐỨC GIẢ - ĐẠO ĐỨC THẬT. Chú Giải Tin Mừng CN XXXII TN B (Mc 12,38-44)

 

Hy Lạp

Việt

38  Καὶ ἐν τῇ διδαχῇ αὐτοῦ ἔλεγεν· βλέπετε ἀπὸ τῶν γραμματέων τῶν θελόντων ἐν στολαῖς περιπατεῖν καὶ ἀσπασμοὺς ἐν ταῖς ἀγοραῖς

 39  καὶ πρωτοκαθεδρίας ἐν ταῖς συναγωγαῖς καὶ πρωτοκλισίας ἐν τοῖς δείπνοις,

 40  οἱ κατεσθίοντες τὰς οἰκίας τῶν χηρῶν καὶ προφάσει μακρὰ προσευχόμενοι· οὗτοι λήμψονται περισσότερον κρίμα.

 41  Καὶ καθίσας κατέναντι τοῦ γαζοφυλακίου ἐθεώρει πῶς ὁ ὄχλος βάλλει χαλκὸν εἰς τὸ γαζοφυλάκιον. καὶ πολλοὶ πλούσιοι ἔβαλλον πολλά·

 42  καὶ ἐλθοῦσα μία χήρα πτωχὴ ἔβαλεν λεπτὰ δύο, ὅ ἐστιν κοδράντης.

 43  καὶ προσκαλεσάμενος τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ εἶπεν αὐτοῖς· ἀμὴν λέγω ὑμῖν ὅτι ἡ χήρα αὕτη ἡ πτωχὴ πλεῖον πάντων ἔβαλεν τῶν βαλλόντων εἰς τὸ γαζοφυλάκιον·

 44  πάντες γὰρ ἐκ τοῦ περισσεύοντος αὐτοῖς ἔβαλον, αὕτη δὲ ἐκ τῆς ὑστερήσεως αὐτῆς πάντα ὅσα εἶχεν ἔβαλεν ὅλον τὸν βίον αὐτῆς.

 (Mk. 12:38-44 BGT)

38 và trong buổi giảng của Người, Người nói: “Anh em hãy để ý các kinh sư, những người thích đi quanh trong bộ áo dài và thích những lời chào ở những nơi công cộng.

39 và ngồi chỗ tốt nhất trong các hội đường và chỗ danh dự trong các bữa tiệc.

40 những kẻ nuốt hết tài sản của những bà góa và những kẻ cầu nguyện với hình sự giả vờ lâu giờ. Những người này sẽ nhận bản án nặng nề hơn [sự xét xử nhiều hơn].

41 Khi đang ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng, Người cứ quan sát cách đám đông ném những đồng tiền vào trong thùng dâng cúng và nhiều người giàu cứ ném nhiều.

42 Sau khi đến, một bà góa nghèo đã ném vào hai đồng nhỏ, đó là những phần tư của đồng xư Rô-ma

43 và sau khi gọi các môn đệ đến, Đức Giê-su nói cùng họ: “Thầy bảo thật anh  em rằng bà góa nghèo này đã ném vào thùng dâng cúng nhiều hơn tất cả những người ném vào đó.

44 vì tất cả đã ném [vào đó] những thứ dư giả của họ, nhưng bà ấy từ sự túng thiếu của mình. Bà đã ném tất cả những cái bà có cho mạng sống của bà.

Bối cảnh

Đoạn Mc 12,38-44 là một trình thuật trích ra từ những trình thuật về kỳ giảng của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (11,1 – 13,37). Bản văn này tiếp tục đề tài xung đột giữa nhóm kinh sư và Đức Giê-su, xuất hiện nhiều trong kỳ giảng tại Giê-ru-sa-lem. Trong những trình thuật trước đó, các kinh sư xuất hiện như những người chống đối Đức Giê-su (trừ Mc 12,28-34). Sau khi Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ, các Thượng Tế và Kinh Sư đã tìm cách giết Đức Giê-su (Mc 11,8); Các Kinh Sư đến cùng với các Thượng Tế và Kỳ Mục nhằm chất vấn về quyền thanh tẩy Đền Thờ của Đức Giê-su (Mc 11,27). Sau khi Đức Giê-su kể dụ ngôn “người làm vườn nho phản chủ” (12,1-11), nhóm Thượng Tế, Kỳ Mục và Kinh Sư tìm cách bắt Người vì họ tin rằng Đức Giê-su ám chỉ họ (Mc 12,12). Trong câu chuyện này, Đức Giê-su dạy các môn đệ hãy coi chừng những thói xấu tỏ tường của các kinh sư. Việc các Kinh Sư nuốt hết tài sản của các bà góa, nối kết chặt chẽ với câu chuyện bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng dâng cúng liền sau đó. Bà góa nghèo dâng cúng cách quảng đại, có mối liên hệ chặt chẽ với câu chuyện bà góa nghèo thành Sa-rép-ta trong sách Các Vua (1 V 17,1-16). Câu chuyện này được Đức Giê-su nhắc lại để lý giải tại sao những người Na-gia-rét thất bại trong việc đón tiếp Người (Lc 4,25-26). Các bà góa là những người mà dân Ít-ra-el phải quan tâm đến theo Luật Cựu Ước (Xh 22,22; Đnl 24,17; 24,19.20.21; 26,12; 27,19).

Cấu trúc

I. Lời cảnh báo về những tiêu cực của các Kinh Sư

(a) Những thói xấu của các Kinh Sư:

Hám danh: Thích/ đi quanh trong bộ áo dài

những lời chào; ngồi chỗ tốt nhất - chỗ danh dự (12,38-39)

Hám lợi: Nuốt hết tài sản của những bà góa (12,40a)

Giả hình: Làm bộ cầu nguyện lâu giờ (12,40b).

(b) Bản án: Sẽ nhận được bản án nặng hơn (12,40c).

II. Hai cách dâng tiền

Bối Cảnh: Đức Giê-su quan sát cách người ta bỏ tiền (12,41a)

(a) Nhiều người giàu cứ ném nhiều (12,41b).

(b’) Một bà góa nghèo đã ném vào hai đồng nhỏ (12,42)

(c) Bà góa đã ném vào thùng dâng cúng nhiều hơn tất cả (12,43)

(a’) Họ ném những thứ dư giả của họ (12,44a)

(b’) Bà góa: Từ sự túng thiếu

ném tất cả những cái bà có dành cho mạng sống của bà.

Một số điểm chú giải

1.     Hãy để ý các Kinh Sư[1]: Động từ Đức Giê-su dùng ở thể mệnh lệnh “βλέπετε” thường có nghĩa là “hãy nhìn, hãy quan sát, hãy chú ý”. Tuy nhiên, trong bối cảnh này rất có thể nghĩa phù hợp là “hãy coi chừng”, “hãy dè chừng”, bởi vì dường như các kinh sư chỉ được nhắc đến một cách gián tiếp, chứ không phải họ đang xuất hiện trước mặt các môn đệ. Mệnh lệnh “hãy coi chừng” được đặt trong bối cảnh một buổi dạy dỗ của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Đức Giê-su cũng dùng mệnh lệnh này trong bài giảng cánh chung, để kêu gọi các môn đệ cảnh giác để không ai dẫn họ đi lạc đường (Mt 24,4; Mc 13,15; Lc 21,8). Mệnh lệnh hãy coi chừng, hãy tỉnh thức còn được nhấn mạnh, vì lý do họ không biết khi nào thì thời điểm ấn định đến (13,33). Họ cũng được mời gọi “để ý đến điều họ nghe; với khối lượng họ dùng”, sẽ được đong cho họ và được thêm nữa (Mc 4,24). Trước đó, các môn đệ cũng được cảnh báo “hãy coi chừng men Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê”. “Men” có thể cũng có nghĩa là những thói xấu của họ. Pha-ri-sêu cùng với các Kinh Sư bị Đức Giê-su khiển trách là những kẻ giả hình (Mt 23). Vua Hê-rô-đê cả là người độc ác, vì tham quyền lực chính trị mà sẵn sàng hạ sát các hài nhi vô tội từ Bê-lem và các vùng lân cận (Mt 2,16). Tiểu vương Hê-rô-đê An-ti-pa đã cho chém đầu Gioan Tẩy Giả, khi ông dám vạch tội loạn luân của nhà vua (Mt 14,1-12; Mc 6,17-29). Trong bối cảnh này, Đức Giê-su chỉ nhấn mạnh đến các Kinh Sư. Trước đó, không bao lâu Mác-cô cho biết, các Kinh Sư và các Thượng Tế tìm cách giết Đức Giê-su, sau khi Người thanh tẩy Đền Thờ và còn nói rằng họ đã biến nhà Cha của Người thành hang trộm cướp. Họ lại tìm cách bắt Đức Giê-su, sau khi Người kể dụ ngôn “những người làm thuê nổi loạn” (Mc 12,12). Trước đó, một vị Kinh Sư đã xác nhận rất hay câu trả lời của Đức Giê-su về điều răn trọng nhất. Ông đã khẳng định rằng “mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực” – “yêu người thân cận như chính mình” thì quý hơn mọi “của lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,33). Tuy nhiên, mỉa mai thay, ở đây Đức Giê-su lại cho thấy những vị Kinh Sư có một lối thực hành ngược lại với xác tín của người Kinh Sư nọ.[2] Cũng phải lưu ý rằng những kết án trong đoạn này không phải áp dụng cho mọi kinh sư, không trừ một ai.[3] Việc đặt những suy nghĩ, quan điểm của Đức Giê-su về các Kinh Sư trong một buổi giảng dạy giúp độc giả hiểu rằng Đức Giê-su không có ý phê phán, chỉ trích các Kinh Sư cho bằng là dạy các môn đệ hãy tránh những thói xấu ấy khi họ trở thành những người đứng đầu các nhóm ki-tô hữu.

2.     Những người thích đi quanh trong bộ áo dài: Các Kinh Sư được Đức Giê-su mô tả như là “những người thích...”. Động từ “thích” gồm có bốn túc từ, phác họa bốn sở thích đặc trưng của những người Kinh Sư: (i) Đi quanh trong bộ áo dài; (ii) Lời chào nơi công cộng; (iii) Chỗ nhất trong các hội đường; (iv) Chỗ vinh dự trong các đám tiệc. Túc từ đầu tiên là một ngữ động từ “đi quanh trong bộ áo dài”. Động từ “περιπατέω” có nghĩa đầu tiên là đi quanh đó đây. Tuy nhiên, nó cũng là một động từ diễn tả “một lối sống, cách ăn nết ở”, hay “cách cư xử” của một người.[4] Đặc biệt, nó đi chung với động từ “thích” rõ ràng diễn tả một thói quen sống của các Kinh Sư chứ không phải một hành động trong một lúc. Họ thích “đi dạo quanh trong bộ áo choàng dài”. “Áo choàng dài” là áo được các thiên thần mang (Mc 16,5); Hay những tín hữu được tôn vinh mang (Kh 6,11; 7,9.13); Hoặc là áo chuyên biệt dành cho các Tư Tế và Kinh Sư.[5] Những chiếc áo này làm cho người ta nhận ra họ là những Kinh Sư. Chiếc áo này cũng có thể biểu lộ sự giàu có, quý phái. Vì vậy, “đi vòng vòng với chiếc áo như thế có thể phô bày một địa vị cao”.[6] Nó khác với chiếc “áo choàng” thường phổ biến mà anh mù Bartimaios mặc (ἱμάτιον = himation), chiếc áo mà anh đã vứt đi khi vừa nghe Đức Giê-su gọi (Mc 10,50); Cũng như khác với chiếc áo ngoài (himation) của Đức Giê-su, những chiếc áo mà quân lính lấy chia nhau sau khi đóng đinh Đức Giê-su (Ga 19,23). Những người Kinh Sư với thói quen đi dạo quanh với áo chuyên dụng như thế quả là một hình thức câu “view”, gây sự chú ý của mọi người. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giê-su còn thêm rằng “họ làm mọi việc cốt cho thiên hạ thấy”, “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5).

3.     Những lời chào: Việc thích đi quanh trong bộ áo dài dành cho giới của mình, đồng nghĩa với việc thích được người ta nhìn thấy với ánh mắt kính trọng, ngưỡng mộ. “Lời chào” những nơi công cộng chính là mục đích mà họ nhắm đến. Có thể, một sự cúi đầu với sự tôn trọng, hay là một lời chào “rabbi” cũng làm cho các Kinh Sư cảm thấy vui lòng, nở mặt nở mày. Thực tế, Đức Giê-su cũng nói là các Kinh Sư thích được người khác gọi là ‘rabbi’. Ngược lại, Đức Giê-su dạy các môn đệ rằng “đừng để ai gọi minh là ‘rabbi’, vì họ chỉ có một Thầy, còn tất cả đều là anh em với nhau” (Mt 23,7-8). Theo truyền thống Do Thái, lời chào được bắt đầu bởi người thấp hơn về cấp bậc trong việc học hỏi Lề Luật.[7] Những Kinh Sư có vẻ tìm kiếm những lời chào tôn vinh bản thân mình.

4.     Ngồi chỗ tốt nhất … chỗ danh dự: Hai túc từ tiếp theo của động từ thích diễn tả hai vị trí quan trọng, và danh dự nhất trong hai nơi đặc trưng: Một là vị trí tôn giáo trong nơi thờ phượng; hai là vị trí dành cho địa vị xã hội. “Vị trí nhất” trong các Hội Đường mang lại cho các Kinh Sư nhìn thấy của tất cả mọi người, cùng với sự tôn trọng địa vị của trí thức tôn giáo và chức sắc tôn giáo của họ. Mục đích thờ phượng với Chúa là trung tâm đã bị chệch hướng. Đặt mình làm trung tâm, đứng đầu trong các hội đường, nghĩa là biến Chúa thành thứ yếu, trong nơi mà đáng ra phải dùng để tôn vinh Chúa. Tương tự, ngồi ở “chiếu trên”, “mâm cao”, vừa được ăn ngon, vừa được vinh dự, được nở mặt nở mày. Có câu “một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp”. Đó là miếng ăn vinh dự, khẳng định địa vị xã hội của một người. Cách bố trí chỗ ngồi này gợi lên một văn hóa bữa ăn trong thế giới cổ xưa, theo đó, chỗ ngồi được bố trí theo địa vị xã hội.[8]

Với bốn túc từ đi kèm với động từ “yêu thích”: “Dạo quanh trong bộ áo dài”; “Lời chào hỏi nơi công cộng”; “Chỗ nhất trong Hội Đường”; “Chỗ danh dự trong các đám tiệc”, Đức Giê-su cho thấy cách rõ ràng sống động sự hám danh của những kinh sư trải rộng trong mọi lãnh vực của cuộc sống, trước mọi hạng người, từ chợ búa, đến những nơi tiệc tùng và nơi thờ tự. Đức Giê-su dạy các môn đệ rằng: Khi đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ ngồi rốt hết, chỗ ngồi ít vinh dự nhất. Lý do là lỡ có người nào cao trọng hơn mình cùng hiện diện thì mình bớt xấu hổ. Nếu không có ai quan trọng hơn mình thì mình lại được người ta ngưỡng mộ, tôn vinh khi được chủ nhà mời lên trên (Lc 14,7-11). Đó chỉ là cách cư xử khôn khéo để tránh bị bẽ mặt trong một bữa tiệc. Cái quan trọng hơn, và là cốt lõi cho việc chọn chỗ cuối chính là triết lý “kẻ lớn hơn phải trở thành kẻ rốt hết và là tôi tớ của mọi người, cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống vì muôn người” (Mc 10,43-45). Còn về vị trí nhất trong Hội Đường, Đức Giê-su dạy chắc môn đệ rằng “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6).

5.     Những kẻ nuốt hết tài sản (οἱ κατεσθίοντες): Ngoài hám danh, các Kinh Sư cũng là những kẻ hám lợi. Đức Giê-su dùng một động từ rất mạnh để diễn tả căn tính của các Kinh Sư. Nó không phải là một động từ mà là một danh động từ với mạo từ xác định, diễn tả một loại người. Các Kinh Sư được gọi là “những người nuốt hết tài sản”. Họ không đơn giản chỉ là những người làm hành động “nuốt hết tài sản”, mà họ “là” “những người nuốt hết tài sản”. Đó là bản chất của họ chứ không chỉ là một hành động thêm vào cuộc đời họ. Động từ làm nên “danh động từ” này là một động từ ghép: κατα + έσθω/ἐσθίω (kata + esthio), có nghĩa rất mạnh: “Thiêu rụi”, “ăn hết”, “nuốt”, thậm chí là “cướp”.[9] Danh từ “τὰς οἰκίας = tas oikias” có nghĩa đen là các ngôi nhà và những khối tài sản. Nó cũng có nghĩa bóng là “cơ thể”, “thân thể” của một người như là ngôi nhà của linh hồn. Trong ngữ cảnh này, có thể nên hiểu là “những ngôi nhà” và “những khối tài sản”, mà chính yếu là những “ngôi nhà” vì bà góa thường có ít tài sản như sẽ thấy sau.

6.     Những bà góa: Các “bà góa” thường được Cựu Ước nhắc đến như là những người nghèo khổ và bất hạnh nhất trong cộng đồng Do Thái.[10] Họ thường được xếp chung với một nhóm người đau khổ khác, là “các cô nhi” và “ngoại kiều” và luôn được Thiên Chúa bênh vực, chở che. Trong bộ Luật Gao Ước, Đức Chúa căn dặn dân Ít-ra-el “không được ức hiếp cô nhi, quả phụ” (Xh 22,21). Hình phạt dành cho những người ức hiếp cô nhi, quả phụ là họ sẽ bị “gươm chém giết” và “vợ của” họ sẽ trở thành “góa bụa” và “những đứa con” của họ sẽ trở thành “cô nhi” (Xh 22,22). Sách Đệ Nhị Luật cũng có nhiều quy định liên quan đến cách đối xử với các góa phụ: “Anh chị em không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm” (Đnl 24,17); “Khi anh chị em gặt lúa trong ruộng mình mà bỏ sót một bó lúa trong ruộng thì không được quay lại lấy; bó lúa ấy dành cho quả phụ, ngoại kiều và cô nhi” (Đnl 24,19); Không được quay lại tìm trái ô-liu, hay trái nho sót vì những trái đó “dành cho ngoại kiều, cô nhi và quả phụ” (Đnl 24,20-21). Dân Ít-ra-el còn được dạy là phải trích một phần hoa lợi cho ngoại kiều, cô nhi và quả phụ (Đnl 26,12). Người làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều, cô nhi và quả phụ là người đáng bị nguyền rủa (Đnl 27,19). Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã thương đến bà góa thành Na-in có đứa con trai duy nhất bị chết. Người đã chạnh lòng thương, an ủi rằng “bà đừng khóc nữa” và rồi, Người làm cho con trai bà sống lại (Lc 7,11-17). Hơn ai hết, những Kinh Sư phải hiểu rõ những quy định của Torah liên quan đến những sự ưu ái và bác ái dành cho nhóm người nghèo hèn, yếu đuối này. Vậy mà, Đức Giê-su lại mô tả các Kinh Sư như là những người “nuốt sạch”, hay “cướp” nhà của các “bà góa”. Thật đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được. Là những bậc thầy về Lề Luật, họ chẳng những phải là những người đi đầu trong việc thi hành Lề Luật, cụ thể là những điều khoản liên quan đến các quả phụ, mà còn phải cổ vũ mọi người thi hành Luật này. Tuy nhiên, như Đức Giê-su đã nói: Họ “ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy”, nhưng “họ nói mà không làm”, “không động ngón tay vào” (x.Mt 23,3-4)

7.     Những kẻ cầu nguyện bằng hình thức giả vờ lâu giờ”: Như đã nói trên, mục đích của mọi hành động của các Kinh Sư là “cốt để người ta thấy” (Mt 23,5). Bằng chứng cụ thể là họ “ những người cầu nguyện với sự giả vờ lâu dài”. Danh động từ “những người cầu nguyện với sự giả vờ lâu” song song với danh động từ “nuốt sạch nhà cửa”, diễn tả căn tính thứ hai của những người Kinh Sư. Không phải họ có hành động cầu nguyện với sự giả vờ lâu, nhưng họ “”, “những người cầu nguyện với sự giả vờ lâu giờ”. Danh từ “sự giả vờ” (πρόφασις = prophaxis) đối lại với danh từ “sự thật”. Sự “giả vờ” được bổ nghĩa bởi tính từ “lâu giờ”, “thời gian dài”. Tính từ này có thể hiểu là “sự giả vờ” kéo dài trong một thời gian dài; hoặc là trong một lần cầu nguyện, họ kéo dài thời gian cầu nguyện cách giả vờ, để người ta thấy họ siêng năng cầu nguyện.[11] Giả vờ trong cầu nguyện là lừa dối trước nhất là Thiên Chúa, kế đến là lừa dối chính mình và sau cùng là lừa dối người khác. Cùng mới sở thích chọn chỗ nhất trong các hội đường, căn tính “cầu nguyện với sự giả vờ lâu dài” diễn tả một hình thức thờ phượng lệch lạc của các Kinh Sư. Mục tiêu các Kinh Sư nhắm đến rất có thể chỉ là “lừa dối” người khác. Người bị họ lừa dối đầu tiên nhất trong bối cảnh này là các “bà góa”, những con người hiền lành, chất phát, dễ tin vào người khác, đặc biệt là những người có địa vị tôn giáo. Căn tính “cầu nguyện với sự giả vờ lâu dài” cũng cố, hỗ trợ cho căn tính “nuốt hết tài sản của các bà góa”. Có thể những Kinh Sư không dùng bạo lực để “cướp” tài sản của các “quả phụ”, nhưng cách sống giả vờ đạo đức của họ làm cho các “quả phụ” tự nguyện dâng cúng chính tài sản của mình cách mù quáng.[12]

8.     Sự kết án nhiều hơn” (κρίμα περισσότερον): Với vô số những thói xấu, cũng như những hành động bất chính biểu lộ căn tính đồi bại của họ, Đức Giê-su dự đoán một bản án “nghiêm khắc” dành cho họ. Bản án dành cho những người tự đề cao mình, tự nâng mình lên là “sẽ bị hạ xuống” (Mt 23,12). Bản án dành cho những người “nuốt hết tài sản của các bà góa” là “họ sẽ bị nguyền rủa” (Đnl 27,19); Vợ con của những người làm hại đến các quả phụ cũng sẽ trở thành các cô nhi và quả phụ (Đnl 22,22). Bản án nặng nề mà Đức Giê-su nói là các Kinh Sư sẽ nhận, có thể ám chỉ đến bản án nặng nề trong cuộc xét xử cuối cùng.[13] Bản án nặng nề dành cho những Kinh Sư gợi nhớ đến lời của ngôn sứ Malakhi nói về sự kết án của Đức Chúa vào thời cánh chung: “Đức Chúa sẽ vào trong đền thờ của Người (Mlk 3,1); công bố sự xét xử (Mlk 3,2-3) và kết án những ai áp bức quả phụ (Mlk 3,5), người nghèo và ngoại kiều. Điều này cho thấy rằng những sự kiện cuối cùng trong đền thờ, giới thiệu sự can thiệp cuối cùng của Đức Chúa trong ngày của Đức Chúa (Mlk 3,2).[14]

9.     Người cứ nhìn (ἐθεώρει): Hành động quan sát của Đức Giê-su được diễn tả bằng một động từ được dùng ờ thì chưa hoàn thành (ἐθεώρει: đang quan sát, cứ quan sát), để diễn tả một hành động kéo dài. Động từ này vừa có nghĩa là nhìn, quan sát vừa có nghĩa là nhận thức, hiểu, biết. Rõ ràng, hành động quan sát của Đức Giê-su trong tư thế ngồi và diễn ra lâu dài không chỉ có nghĩa là nhìn mà còn là hiểu biết và trải nghiệm cách thức người ta bỏ tiền vào thùng dâng cúng.

10.  Nhiều người giàu cứ bỏ nhiều … Một bà góa nghèo đã bỏ vào hai đồng nhỏ: Đức Giê-su đã quan sát lâu. Người nhìn thấu lòng người nên Người mới cảm nhận một cách tinh tế có hai loại người với hai thái độ trái ngược nhau khi bỏ tiền vào thùng dâng cúng[15]: (1) Nhiều người giàu; (2) Một bà góa nghèo. Có ít nhất bốn cặp phạm trù đối lập giữa nhóm người giàu và bà góa nghèo. (i) Nhiều đối lại với một; (ii) Giàu đối lại với nghèo; (iii) Nhiều đối lại với hai đồng xu nhỏ; (iv) Hành động “bỏ vào” (nghĩa đen quăng, ném) của nhiều người giàu được diễn tả bằng động từ dùng ở thì chưa hoàn thành, một hành động đang tiếp diễn, kéo dài, trong khi đó hành động của một bà góa nghèo được diễn tả bằng một động từ dùng ở thì aorist, diễn tả một hành động xảy ra một lần trong quá khứ và đã chấm dứt. Bà góa này được mô tả kỹ lưỡng hơn bằng cảnh bà “xuất hiện”, “đến” (ἐλθοῦσα): “Sau khi xuất hiện, một bà góa nghèo đã bỏ vào hai đồng xu”. Cụm từ “hai đồng xu nhỏ” có giá trị tương đương với một “quadrans” Rô-ma, mệnh giá nhỏ nhất của những đồng xu Rô-ma. Một quadrans tương đương với một phần tư của đồng tiền bằng đồng của Rô-ma (được gọi là “as”).[16] Giữa dòng người giàu tấp nập, sự tiến đến của người phụ nữ nghèo này dường như tạo ra sự tương phản, làm cho Đức Giê-su để ý. Sự giàu hay nghèo có lẽ có thể nhìn thấy nơi cách ăn mặc. Có điều khó hiểu là làm sao Đức Giê-su lại biết được bà này là một bà góa. Phải chăng bà này là một trong những bà góa mà Đức Giê-su biết? Phải chăng bà này là một trong những bà góa bị những người Kinh Sư nuốt hết tiền? Dường như Đức Giê-su rất rõ về gia cảnh của bà.

11.  Nhiều hơn: Nhìn vào cấu trúc của phần thứ hai (x. phần cấu trúc), chúng ta có thể thấy được rằng lời dạy của Đức Giê-su về cách bỏ tiền của bà góa nghèo chính là trung tâm của phần này. Theo đó, hành động của bà góa này chính là trung tâm của sự quan sát của Đức Giê-su. Dù cho bà chỉ “bỏ hai đồng xu nhỏ”, một con số không đáng kể gì so với số “nhiều” của những người giàu, Đức Giê-su vẫn công bố bằng một cách nói long trọng: “Thầy bảo thật anh em, bà góa này đã bỏ vào thùng dâng cúng nhiều hơn tất cả những người bỏ vào” (Mc 12,43). Dĩ nhiên, Đức Giê-su không tỏ ý khinh chê sự dâng cúng của những người giàu. Người chí muốn “bầu chọn” ai là người đã dâng cúng nhiều hơn hết. Tiêu chuẩn mà Đức Giê-su dựa vào để bầu chọn không phải là số lượng mà một người cho đi, nhưng là số lượng còn lại sau khi cho đi.[17]

12.  Những thứ dư giả … sự túng thiếu… tất cả những cái bà có: Đức Giê-su giải thích lý do cho tuyên bố cách long trọng của mình về cách bỏ tiền của bà góa nghèo. Ở lý do này chúng ta lại thấy những cặp phạm trù đối lập khác được đánh dấu bằng liên từ “nhưng” (δὲ): “Tất cả” đối lại với “bà ấy”; cụm giới từ “từ sự dồi dào” (dư thừa) đối lại với “từ sự túng thiếu”. Hành động “bỏ vào” của bà này được Đức Giê-su mô tả cách chi tiết, phong phú: “Nhưng bà này, từ sự túng nghèo của bà, đã bỏ vào tất cả những gì bà có, tất cả tài sản của bà”. Lại một lần nữa, độc giả không khỏi ngạc nhiên tự hỏi rằng: “Làm sao Đức Giê-su biết bà này đã bỏ hết tất cả những gì bà có?” Phải chăng đây là kiến thức thần linh? Hay Đức Giê-su đã biết bà này cách cá nhân?[18]

13.  Mạng sống hay tài sản? Động từ “bỏ vào” diễn tả hành động của bà góa nghèo, có hai túc từ “bà đã bỏ (1) Tất cả những gì mình có, (2) Tất cả tài sản (τὸν βίον) của mình”. Danh từ “βίος = bios” có hai nghĩa căn bản: (i) Sự sống, mạng sống (Lc 8,14; 1 Tm 2,2; 2 Tm 2,4; 1 Pr 4,3); (ii) Những thứ cần để duy trì sự sống (tài sản) (Mc 12,44; Lc 15,12.30; 21,4). Túc từ thứ hai có thể hiểu là “tất cả tài sản của bà”, hoặc là “tất cả mạng sống” của bà. Nghĩa thứ hai có vẻ hợp lý hơn, nhưng nghĩa thứ hai cũng bao hàm nghĩa thứ nhất. Nếu cho đi hết “tất cả những thứ cần để duy trì mạng sống” thì mạng sống sẽ bị lâm nguy. Nghĩa là cho cả mạng sống. Hình ảnh của bà góa này vừa cho thấy chân dung đích thực của “người môn đệ”, người dám bỏ mọi sự mà theo Chúa (Mc 10,21.28); vừa là hình ảnh tiên trưng cho mầu nhiệm Con Thiên Chúa, hiến mình làm giá chuộc muôn người (Mc 10,45).[19]

Bình luận tổng quát

Câu chuyện về “điều răn quan trọng nhất” (Mc 12,28-34) dường như là một bối cảnh rất cần thiết để đọc hai câu chuyện chúng ta đang bàn: Câu chuyện liên quan đến những thói xấu của các Kinh Sư (12,38-40) và câu chuyện về thái độ dâng cúng trong Đền Thờ (12, 41-44). Trong câu chuyện liên quan đến điều răn trọng nhất, người ta đã nghe một vị Kinh Sư thông thái khẳng định hùng hồn rằng: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu mến người thân cận như chính mình là điều quý hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ” (12,33). Hơn nữa, Đức Giê-su lại xác nhận cách tích cực rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu” (12,34). Tuy nhiên, ở đây chúng ta lại thấy Đức Giê-su đưa ra một lời cảnh báo về cách sống phản Tin Mừng, phản điều răn trọng nhất của các Kinh Sư. Họ hám danh qua việc đi vòng với trong tu phục chức sắc, nhằm tìm kiếm sự ngưỡng mộ, sự tôn vinh, và lời chào của những người dân. Khi đến nơi tiệc tùng hoặc đi ăn ở nơi công cộng, họ đều muốn tôn vinh chính mình bằng cách chọn chỗ nhất trong các bữa tiệc. Họ thích “ăn trên ngồi trốc” và thích được người ta nhìn thấy, nhìn nhận địa vị. Đáng ngại hơn, khi đi vào hội đường, họ lại chú ý đến vị trí vinh dự của riêng họ, thay vì để ý đến Chúa, dành tâm trí để nguyện cầu. Hơn nữa, họ còn là “những người cầu nguyện với sự giả vờ lâu dài”. Làm như thế họ lừa dối chính Chúa, chính bản thân họ và lừa dối người khác. Trong cách đối nhân xử thế với người thân cận. Họ lỗi phạm rất nặng trong việc “nuốt hết nhà cửa của các bà góa”. Các “bà góa” là những người nghèo, khổ nhất trong xã hội. Họ được Thiên Chúa yêu thương và bảo vệ cách đặc biệt. Hành động “nuốt hết tài sản của các bà góa” cho thấy căn tính đê tiện và hèn hạ của những người hiểu biết Luật Chúa. Nói chung, những người Kinh Sư thất bại toàn tập trong việc thực thi điều răn trọng nhất. Họ thiếu sự chân thành trong đời sống cầu nguyện và làm nguy hại đến mạng sống của những người thân cận. Họ sẽ bị kết án nặng nề trong ngày sau hết, vì thái độ sống thiếu chân thành với Chúa và gây đau khổ cho những người cùng khổ. Song song với hình ảnh của những người Kinh Sư là hình ảnh những người giàu có. Họ dường như cũng thiếu thành tâm trong thái độ dâng cúng. Họ chỉ bỏ vào thùng dâng cúng từ sự giàu có và dư giả của họ.

Trái ngược lại với hình ảnh những Kinh Sư và người giàu, bà góa nghèo, nổi lên như một ngôi sao sáng. Bà được phác họa như một hình ảnh một người đau khổ, cô đơn, một mình lạc lõng giữa đám người giàu. Số tiền bà bỏ ra chẳng đáng gì so với số tiền lẻ của những người giàu. Tuy nhiên, Đức Giê-su lại khẳng định “bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng dâng cúng nhiều hơn tất cả”. Đức Giê-su đo lường bằng tấm lòng, lòng quảng đại chứ không phải là số lượng tài sản được cho đi. Quả thế, bà đã không ngần ngại dâng hiến hết, tất cả những gì bà có để nuôi thân. Điều này ngụ ý rằng bà sẵn sàng dâng cả mạng sống mình cho Chúa mà chẳng tiếc xót gì. Bà góa này quả là mẫu hình lý tưởng về một người thực hiện điều răn trọng nhất một cách triệt để. Bà đã yêu mến Chúa ‘hết (ὅλος) lòng, hết (ὅλος) linh hồn, hết (ὅλος) trí khôn và hết sức lực”. Tính từ “ὅλος” (tất cả) cũng với tính từ “πάντα” (tất cả) được dùng cho hành động dâng hiến của bà góa cách nào đó phảng phất tính từ “tất cả” trong điều răn “yêu Chúa”.

Còn đó, trong xã hội này, những nhà lãnh đạo quốc gia, hội đoàn; lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo tinh thần, hám danh, hám lợi, đạo đức giả, nói ngon, nói ngọt nhằm “nuốt hết tài sản của các bà góa nghèo”. Còn đó trong xã hội những người giàu có giữ khư khư khối tài sản không muốn đóng góp sẻ chia với những dự án phát triển nhân sinh, không muốn đóng góp cho người nghèo, cho các cơ sở từ thiện, tôn giáo; Hoặc còn đó những người đóng góp vì danh vì lời, “thả con tép bắt con tôm”, để được ghi danh, nêu tên trong cộng đồng. Cũng còn đó những con người thực tâm, luôn sẵn sàng trao ban hết tất cả những gì mình có, mà chẳng màng đến danh lợi gì cho bản thân mình. Thái độ dâng cúng của bà góa nghèo đã cho thấy rằng không ai quá nghèo để không thể dâng hiến điều giá trị cho Chúa. Tiếc thay, số người sống chân thành, thực tâm thì quá ít so với lượng người sống ảo, tìm hư danh, và kiếm chác lợi lộc trên người khác thì quá nhiều, giống như hình ảnh “một’ bà góa nghèo “lọt thỏm” giữa đám người giàu trong quang cảnh dâng cúng, “mất hút” giữa nhóm Kinh Sư đông đảo dạo quanh trong bộ sắc phục quý phái.

Hành động “dâng hết tất cả những gì mình có để sống” của bà góa này, dĩ nhiên là một hình ảnh đẹp về lòng quảng đại. Tuy nhiên, liệu Đức Giê-su, hay cơ cấu Giáo Hội nào lại chấp nhận một bà góa làm như thế hay không? Đó vẫn là một vấn đề bỏ ngõ.[20] Có thể Mác-cô vừa muốn ca tụng tấm lòng quảng đại của bà góa nghèo, vừa muốn vạch trần một hệ thống tôn giáo bị tục hóa, chỉ còn hình thức bề ngoài, mà không có chiều sâu của sự thành kính. Đền thờ đã bị biến thành “hang trộm cướp”. Các chức sắc (kinh sư) thì trở thành những người “nuốt hết tài sản của các bà góa” và “những người cầu nguyện với sự giả vờ lâu dài” (nói theo ngôn ngữ giới trẻ là “diễn sâu”). Một hệ thống tôn giáo sa đọa, suy tàn đã làm cho làm cho những bà góa phải cho hết cả mạng sống của mình, và dẫn đến việc đền thờ bị quân đội tàn phá bình địa năm 70.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.



[1]“In NTtimes scribes were not only proficient in reading and writing contracts and other administrative documents but also knowledgeable in Jewish law and so suited to take an active role in Jewish society. Since the Torah was the basic law for the Jewish people, the scribes combined in themselves the roles of lawyer and theologian.” [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002), 362].

[2] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulsist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1014.

[3] X. J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 365.

[4] BDAG, περιπατέω”.

[5] BDAG, “στολή”.

[6] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 583.

[7] “The respectful greeting was valued not only for its own sake but also for the glory it conferred on the recipient in the eyes of bystanders” [J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 852].

[8] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 583.

[9] BDAG, “κατέσθω”.

[10] “Some Jewish widows in the first century ce were no doubt poor and powerless, as were some of the widows in early Christian communities” (A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 584).

[11] “In Matt 6:5, the “pretenders,” “dissemblers,” or “hypocrites” (οἱ ὑποκριταί) are criticized for praying publicly, in synagogues and on street corners, in order to impress people. The “hypocrite” here is “the ‘typical’ religious practitioner whose external performance sharply conflicts with fundamental religious and moral principles.” (A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 585).

[12] “The Lawyers with a reputation for importance and for piety might more easily have themselves appointed as trustees over the estates of widows and so gain a share in their estates”; “Then for using their piety as a cloak for making a profit on vulnerable members of society” [J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 363-364].

[14] J.E.A. Chiu, “Mark”, The Paulsist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (New York 2018) 1014.

[15] “Exegetes usually interpret our verse as a reference to one of the thirteen trumpet-shaped offering boxes that stood in the Women’s Court, six of which were designated for freewill offerings” (J. Marcus, Mark 8–16, 857-858).

[16] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 589.

[18] J. Marcus trích lại Nineham cho rằng trừ khi Đức Giê-su có khả năng thấu thị, không thể giải thích làm sao Đức Giê-su biết (a) Bà này góa chồng, (b) Số tiền bà này ném vào thùng, (c) Số tiền này là tất cả những gì bà có để sống (J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 859).

[19] Ibid.

[20] X. J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 365; Some commentators (A.Wright; Sugirtharajah) recently “argue that Jesus never explicitly praises the widow’s donation and that the apparent encomium is in fact a lament over a foolish deed” (J. Marcus, Mark 8–16, 861).

No comments:

Post a Comment