Thursday, 28 October 2021

ĐÔI CÁNH TÌNH YÊU. Chú Giải Tin Mừng CN XXXI TN B (Mc 12,28-34)

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

28 Καὶ προσελθὼν εἷς τῶν γραμματέων ἀκούσας αὐτῶν συζητούντων, ἰδὼν ὅτι καλῶς ἀπεκρίθη αὐτοῖς ἐπηρώτησεν αὐτόν· ποία ἐστὶν ἐντολὴ πρώτη πάντων;

 29 ἀπεκρίθη ὁ Ἰησοῦς ὅτι πρώτη ἐστίν· ἄκουε, Ἰσραήλ, κύριος ὁ θεὸς ἡμῶν κύριος εἷς ἐστιν,

 30 καὶ ἀγαπήσεις κύριον τὸν θεόν σου ἐξ ὅλης τῆς καρδίας σου καὶ ἐξ ὅλης τῆς ψυχῆς σου καὶ ἐξ ὅλης τῆς διανοίας σου καὶ ἐξ ὅλης τῆς ἰσχύος σου.

 31 δευτέρα αὕτη· ἀγαπήσεις τὸν πλησίον σου ὡς σεαυτόν. μείζων τούτων ἄλλη ἐντολὴ οὐκ ἔστιν.

 32 Καὶ εἶπεν αὐτῷ ὁ γραμματεύς· καλῶς, διδάσκαλε, ἐπ᾽ ἀληθείας εἶπες ὅτι εἷς ἐστιν καὶ οὐκ ἔστιν ἄλλος πλὴν αὐτοῦ·

 33 καὶ τὸ ἀγαπᾶν αὐτὸν ἐξ ὅλης τῆς καρδίας καὶ ἐξ ὅλης τῆς συνέσεως καὶ ἐξ ὅλης τῆς ἰσχύος καὶ τὸ ἀγαπᾶν τὸν πλησίον ὡς ἑαυτὸν περισσότερόν ἐστιν πάντων τῶν ὁλοκαυτωμάτων καὶ θυσιῶν.

 34 καὶ ὁ Ἰησοῦς ἰδὼν [αὐτὸν] ὅτι νουνεχῶς ἀπεκρίθη εἶπεν αὐτῷ· οὐ μακρὰν εἶ ἀπὸ τῆς βασιλείας τοῦ θεοῦ. Καὶ οὐδεὶς οὐκέτι ἐτόλμα αὐτὸν ἐπερωτῆσαι. (Mk. 12:28-34 BGT)

28 và sau khi nghe họ tranh luận, và thấy rằng Đức Giê-su trả lời họ cách rành mạch, một trong các kinh sư tiến đến, anh ta hỏi Người: “Điều răn nào là điều răn đứng đầu trong các điều răn”

29 Đức Giê-su trả lời rằng điều răn đứng đầu là: “Hãy nghe, Ít-ra-el, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa duy nhất

30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của của ngươi từ toàn thể trái tim của ngươi và từ toàn thể linh hồn của người và từ toàn thể trí năng của ngươi và từ toàn thể sức lực của ngươi

31 Đây là điều thứ hai: “Ngươi phải yêu mến người thân cận của ngươi như chính ngươi. Không có điều răn nào khác lớn hơn những điều răn này.

32 và người kinh sư nói cùng Người: “Tốt lắm, thưa Thầy, Thầy nói dựa trên sự thật rằng Người [Thiên Chúa] là duy nhất không còn ai khác ngoài Người.

33 Yêu mến Người từ toàn thể trái tim, từ từ toàn thể trí năng từ toàn thể sức lựcyêu mến người thân cận như chính mình thì tuyệt vời hơn tất cả mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ.

34 và khi thấy rằng anh ta trả lời cách khôn ngoan như thế, Đức Giê-su liền nói cùng anh ta: “Ngươi không xa Nước Thiên Chúa và không có ai dàm hỏi Người nữa”.

Bối cảnh

Đoạn văn Mc 12,28-34 nằm trong loạt trình thuật về những hoạt động và giảng dạy của Đức Giê-su diễn ra tại Giê-ru-sa-lem (Mc 11,1 – 13, 37). Từ khi Đức Giê-su bước vào Giê-ru-sa-lem, cuộc xung đột giữa Người và những nhóm lãnh đạo Do Thái ngày càng nóng lên. Những xung đột này sẽ dẫn đến ý định loại bỏ Đức Giê-su như loại bỏ một cái gai trong mắt của nhiều nhóm lãnh đạo này. Sau khi nghe biết Đức Giê-su “thanh tẩy đền thờ” ngay ngày thứ hai bước vào Giê-ru-sa-lem, các thượng tế và kinh sư đã quyết định giết Người (Mc 11,15-19). Sự kiện “thanh tẩy đền thờ” là phần ruột của chiếc bánh mì kẹp thịt, tường thuật về việc Đức Giê-su nguyền rủa cây vả, vì nó không sinh trái và nó đã chết khô (Mc 11,12 – 14.20-21). Mác-cô có lẽ muốn nói đến một nền phụng tự nặng hình thức (cây vả nhiều lá) nhưng không có lòng mến thật sự (không sinh trái). Ngay sau đó, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã đến chất vấn Đức Giê-su về quyền mà Người dám làm điều đó. Kết thúc dụ ngôn “tá điền sát nhân” với nhiều ám chỉ đến những lãnh đạo Do Thái, họ lại tìm cách bắt Đức Giê-su (Mc 12,12). Trong bối cảnh trực tiếp tranh luận giữa người kinh sư trong câu chuyện và Đức Giê-su, nằm ngay sau chất vấn của nhóm Xa-đốc về sự phục sinh của người chết (Mc 12,18-27). Mc 12,28-34 dường như là bản văn duy nhất cho độc giả thấy sự đồng thuận giữa suy nghĩ của Đức Giê-su và người kinh sư. Nó vừa khắc họa sự hiểu biết đúng đắn của Đức Giê-su về các điều răn, vừa khép lại tất cả các cuộc tranh luận hay chất vấn vì “không ai dám chất vấn Người nữa” (12,34). Trong bối cảnh rộng hơn, chủ đề xung đột giữa Đức Giê-su và các kinh sư (+ Pha-ri-sêu) làm cho độc giả nhớ lại những cuộc tranh luận đầu tiên giữa nhóm này và Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Các kinh sư đã cho rằng Đức Giê-su nói phạm thượng vì Người công bố ơn tha tội cho người bị bại liệt (Mc 2,5-7); Những người pha-ri-sêu bàn tính với phe Hê-rô-đê để tìm cách giết Đức Giê-su (Mc 3,6); Tranh luận về nghi thức rửa tay trước khi ăn (Mc 7,1-23). Chủ đề về “các điều răn” đưa người đọc về bộ luật được gọi là “Mười Lời” (Mười Điều Răn) mà Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-el trong Torah (Xh 20,2-17; Đnl 5,1-21), cũng như toàn bộ các chỉ dẫn trong toàn bộ sách Torah, thường được gọi là “Sách Luật” (// với Các Ngôn Sứ). Câu trả lời của Đức Giê-su tập trung vào lời dạy trong Đnl 6,4-5 về mệnh lệnh “yêu Chúa”, và Lv 19,18, về điều răn “yêu người láng giềng”. Ngoài ra, chủ đề “Nước Thiên Chúa” là một chủ đề được mở ra ngay lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su và trải dài trong suốt cuộc đời rao giảng của Người. Nó được xem như là gia nghiệp cho những ai theo Chúa.

Cấu trúc

Có thể nhìn thấy đoạn văn này gồm 4 cặp thành phần song song với nhau (a//a’; b//b’; c//c’; d//d’). Sự song song này diễn tả sự đồng thuận giữa câu trả lời của Đức Giê-su và xác nhận của người kinh sư đã đặt câu hỏi cho Người.

Bối cảnh: Kinh sư, Đức Giê-su, câu hỏi (12,28)

(a) Đức Chúa là Đức Chúa duy nhất (12,2)

(b) Phải yêu mến Đức Chúa từ toàn thể trái tim, linh hồn, trí năng, sức lực (12,30)

(c) Phải yêu mến người thân cận như chính mình (12,31)

(d) Không có điều răn nào khác lớn hơn điều răn này.

(a’) Đức Chúa là duy nhất (12,32)

(b’) Yêu mến Đức Chúa từ toàn thể trái tim, trí năng, thể sức lực (12,33a)

(c’) Yêu mến người thân cận như chính mình (12,33b)

(d’) tuyệt vời hơn tất cả mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ (12,33c)

Kết thúc: Không còn xa Nước Thiên Chúa, không ai hỏi nữa (12,34)

Một số điểm chú giải

1.     Một trong các kinh sư: Tiếp tục loạt tranh luận giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo Do Thái, kinh sư này tiến lên để chất vấn với Đức Giê-su. Ngay trước đoạn này là cuộc tranh luận về “sự sống lại của người chết” giữa Đức Giê-su và nhóm Xa-đốc (Mc 12,18-21), với kết luận là “các ông” (những người Xa-đốc) lầm to” khi chủ trương không có sự sống lại. Trước đó, những người Pha-ri-sêu và vài người thuộc phe Hê-rô-đê muốn gài bẫy Đức Giê-su, nên hỏi Người có phải nộp thuế cho Kai-sar hay không (Mc 12,13-17). Các kinh sư cũng đã xuất hiện cùng với các Thượng tế và kỳ mục trong cuộc chất vấn về quyền bính mà Đức Giê-su dám “thanh tẩy đền thờ” (Mc 11,27-33). Các cuộc tranh luận xảy ra với một tần xuất rất dày. Đối thủ tranh luận cũng rất nhiều loại người: Từ chức sắc tôn giáo (các Thượng tế), chuyên gia nghiên cứu (kinh sư), nhóm đạo đức (Pha-ri-sêu) đến nhóm chính trị (phe Hê-rô-đê). Đề tài tranh luận cũng rất phong phú, đa dạng, từ vấn đề chính trị, xã hội cho đến quyền bính và đạo lý tôn giáo.

Kinh sư là nói chung cho một người giải thích Luật. Như thế, ông ta được giới thiệu như là một chuyên gia hay thầy dạy về Luật.[1] Kinh sư là một trong những đối thủ chính yếu của Đức Giê-su. Khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, thiên hạ đã sửng sốt, vì người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1,22; Mt 7,29). Nhận định này đã cho thấy đẳng cấp và vị trí của Đức Giê-su trong lòng dân chúng, so với thẩm quyền và đẳng cấp của những kinh sư. Các kinh sư tỏ ra khó đón nhận, khi Đức Giê-su thường đến ăn uống với những người tội lỗi và những người thu thuế (Mc 2,16; Lc 5,30; 15,2). Họ hạ giá Đức Giê-su bằng cách tung tin giả rằng người bị ủy vương Bê-el-dê-bul ám và dựa vào thế quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22). Hợp với những người Pha-ri-sêu, họ tranh luận với Người về việc các môn đệ không làm nghi thức rửa tay trước khi ăn (Mc 7,1-13); Quyền tha tội (Mt 9,3; Lc 5,21); Chữa lành bệnh nhân vào ngày Sa-bát (Lc 13,10-17). Đức Giê-su liệt kê các kinh sư vào trong số những người sẽ loại bỏ Người (Mc 8,31; Lc 9,22); lên án xử tử Người và nộp Người cho dân ngoại (Mc 10,33; Mt 16,21; 20,18). Cùng với các Thượng tế, các kinh sư tìm cách giết Đức Giê-su (Mc 11,18; Lc 19,47). Các kinh sư được Đức Giê-su phác họa như là những người “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng” (Mc 12,38; Lc 20,46; cf. Mt 23). Cuối cùng, chính họ đã bàn mưu bắt Đức Giê-su để giết người (Mc 14,1; Lc 20,19). Âm mưu này được hiện thực hóa, khi họ sai đám đông mang gươm giáo gậy gộc đến bắt Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu (Mc 14,43).[2] Trong cùng một trình thuật về điều răn trọng nhất, cả Mát-thêu và Luca đều cho rằng, nhân vật Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su nhằm “thử Người” (Mt 22,35; Lc 10,25). Khác với Luca và Mát-thêu, Mác-cô cho thấy người kinh sư xem chừng không có gì gây hấn với Đức Giê-su cả. Ông thấy Đức Giê-su trả lời tốt nên mới đến hỏi Người. Ông có sự đồng thuận với Đức Giê-su về điều răn đứng đầu trong các điều răn và được Đức Giê-su khen là “không còn xa Nước Thiên Chúa”. Phải chăng đây là một trong những hình ảnh tích cực về người kinh sư? Hay là hình ảnh của một kinh sư được Đức Giê-su khuất phục, vì sự khôn ngoan của Người? Câu khen ngợi của vị kinh sư này dành cho Đức Giê-su (Thầy trả lời hay quá) cho thấy ông ta bị ấn tượng trước câu trả lời của Đức Giê-su. Sự ấn tượng này dường như cũng là nguyên nhân mà vị kinh sư này đến để hỏi Đức Giê-su: “Khi thấy Đức Giê-su trả lời rành mạch” các câu hỏi của nhóm Xa-đốc (Mc 12,28). Xem ra, vị kinh sư này không có gì gây hấn, hay thù ghét gì với Đức Giê-su cả, và cuối cùng Đức Giê-su cũng nói một câu rất tích cực về ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu” (Mc 12,34).[3]

2.     “Điều răn” (ἐντολὴ= en-tô-lê):[4] Danh từ “en-tô-lê” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là: (1) Một mệnh lệnh cụ thể cho một hành động cụ thể: “Các Thượng tế và người Pha-ri-sêu ra một mệnh lệnh, để ai biết Người ờ đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11,57); (2) “Lệnh truyền”, “mệnh lệnh”, “điều răn” của Chúa trong Cựu Ước. Những điều răn trước hết có thể hiểu là “Mười Điều Răn” được ghi lại trong sách Xuất Hành và sách Đệ Nhị Luật (Xh 20,2-17; Đnl 5,1-21). Tuy nhiên, thuật ngữ “những điều răn” còn ngụ ý đến tất cả những quy định, chỉ thị mà Chúa ban trong toàn bộ Ngũ Thư (Torah, Sách Luật). Truyền thống Do Thái đúc kết các điều luật trong Torah thành 613 điêu răn, trong đó, có 248 điều tích cực phải làm (số 248 tượng trưng cho số xương, và bộ phận con người) và 365 điều răn mang tiêu cực không được làm (365 tượng trưng cho số ngày trong năm). Người kinh sư muốn ngụ ý rằng, theo Đức Giê-su, trong tất cả những quy định, luật lệ, điều răn được ghi lại trong Ngũ Thư, điều nào là điều đứng đầu? Và câu câu trả lời của Đức Giê-su bao quát toàn bộ sách Luật. Trước khi bản văn Mười Lời (Mười Điều Răn) được ban cho ông Mô-sê và dân Ít-ra-el (Xh 20 và Đnl 5), danh từ “các điều răn” (số nhiều) đã được nói đến trong sách Sáng Thế: “Ta sẽ làm cho con cháu của ngươi như những ngôi sao trên bầu trời và sẽ ban đất này cho con cháu ngươi, và qua con cháu ngươi mọi quốc gia sẽ được chúc lành. Bởi lẽ, Áp-ra-ham, cha của ngươi đã vâng lời Ta và giữ những chỉ dẫn, những điều răn (τὰς ἐντολάς), những thánh chỉ và luật điều của Ta” (Xh 6,4-5). Những điều mà dân Ít-ra-el được mời gọi phải tuân giữ gồm có “những điều răn”, “thánh chỉ”, “mệnh lệnh” (Đnl 5,31; 6,2; 8,11; 11,1; 26,17; 1 V 2,3; 1 V 8,58). Mục đích của việc giữ các điều răn là để dân có thể có sức mạnh, để đi vào và chiếm đất hứa và để được sống lâu trong mảnh đất tràn đầy sữa và mật (Đnl 11,8-9). Hơn nữa toàn bộ thần học trường phái Đệ Nhị Luật đều nhấn mạnh đến lòng trung thành, tình yêu dành cho Đức Chúa. Tình yêu và lòng trung thành đối với Đức Chúa là căn nguyên cho sự an toàn và phồn vinh của quốc gia. Ngược lại, bị xâm chiếm và mất nước là bắt nguồn từ việc các vua Chúa cũng như dân chúng bất trung, chạy theo thần ngoại.

Cách đánh số mười điều răn theo truyền thống Do Thái, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Nhóm Cải Cách (Calvinism), Tin Lành Luther và Công Giáo.

Mười Lời

(Xh 34,28; Dt 4,13; 10,4)

 

 

 

Do Thái

Anh Giáo,

 

Chính Thống Hy Lạp,

 

Cải cách

 

 

Công Giáo,

 

Luther

2 Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ðấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà tôi mọi:

1

Lời ngỏ

 

 

 

 

 

1

3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

 

 

 

2

 

1

4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.

5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời, vì tội lỗi của cha ông.6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

 

 

2

7 Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

 

         3

 

2

8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh.9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.11 Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

 

 

 

 

         4

 

 

 

 

3

12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

        5

4

13 Ngươi không được giết người.

        6

5

14 Ngươi không được ngoại tình.

        7

6

15 Ngươi không được trộm cắp.

        8

7

16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.

        9

8

17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

    

      10

9

10

3.     “Hãy nghe” (שְׁמַ֣ע: Shema): Đây là “mệnh lệnh” rất đặc biệt. Nó xuất hiện cách dày đặc trong sách Đệ Nhị Luật. Có ít nhất bảy lần mệnh lệnh này được dùng trong sách Đệ Nhị Luật (4,1; 5,1; 6,4; 9,1; 12,28; 20,3; 27,9), trong đó có đến bốn lần danh từ chung “Ít-ra-el” được đặt ngay sau mệnh lệnh này trong dạng hô ngữ (Hãy nghe! Hỡi Ít-ra-el: שְׁמַ֣ע יִשְׂרָאֵ֗ל). Cụm từ này được dùng để hiệu triệu và khuyên nhủ toàn dân Ít-ra-el lắng nghe cho kỹ và để ý tuân giữ những điều răn, nguyên tắc, luật lệ trước khi họ bước vào đất hứa là đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. Động từ “nghe” không chỉ là hành động của thính giác, nhưng nó bao gồm cả hành động của trí năng (hiểu biết: St 11,7; 1 V 3,6) và con tim (tuân phục: Xh 24,7; 2 V 14,11). Như thế, mệnh lệnh này có thể được hiểu là “hãy lắng nghe, hãy để ý, hãy hiểu, xác tín và hãy giữ” những điều sẽ nói sau đó. Nội dung của “Shema” được xem như là lời tuyên xưng đức tin của người Ít-ra-el. Nó được đọc đi đọc lại hằng ngày trong Đền Thờ, cùng với Mười Điều Răn.[5]

4.     Đức Chúa duy nhất … không có ai khác ngoài Người: Đây là xác tín đầu tiên của Shema. Theo nguyên ngữ tiếng Híp-ri: “Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa một” (אֶחָֽד = e-khad = số một, một mình). “Một” có thể hiểu là “duy nhất”, chỉ một mình Người là Thiên Chúa, ngoài Người ra không có thần nào khác nữa. Đặc tính này trước tiên nhấn mạnh đến sự độc quyền của tương quan giao ước của Ít-ra-el với Đức Chúa. Sau đó, trong giai đoạn sau trong sự phát triển của truyền thống Đệ Nhị Luật, những lời này được giải thích như là phát biểu đức tin của chủ nghĩa độc thần (cf. 4,35.39; Dcr 14,9) và trở thành lối diễn tả biểu tượng cho bản chất của Do Thái Giáo.[6] Ngoài việc xác nhận lại “tính một” của Thiên Chúa trong câu trả lời của Đức Giê-su, người kinh sư còn thêm vào lời giải thích “không có ai khác ngoài Người ra”. Cách hiểu của người kinh sư trong câu chuyện này, cho thấy rõ niềm tin một tôn giáo độc thần. Cách hiểu này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bản văn Cựu Ước (Xh 8,10; Đnl 4,35.39; 32,39; 2 Sm 7,22; Is 44,6; Ge 2,27). Lời đầu tiên trong Mười Lời, Đức Chúa giới thiệu là: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã mang các ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ” (Xh 20,2). Lời này nhấn mạnh tương quan giữa Ít-ra-el và Đức Chúa như là tương quan của thân phận người nô lệ và Đấng giải thoát. Đây cũng là một mối tương quan nền tảng cho niềm tin của dân Ít-ra-el. Đức Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và lập Giao Ước với họ. Trong cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Mác-cô trích lại mệnh lệnh “Shema” và mệnh đề diễn tả căn tính của Thiên Chúa. Cả Mát-thêu và Luca đều không trích câu đầu tiên này (Mt 22,37; Lc 10,27; Đnl 6,4). Như thế, đối với Mác-cô điều răn quan trọng hàng đầu phải bao gồm sự hiểu biết, xác tín về căn tính một Thiên Chúa duy nhất. Dựa trên nền tảng đó, điều răn yêu thương mới được xác lập. Theo Mishnah (chú giải của các rabbi Do Thái), “Shema” là một lời chúc lành được người đàn ông Ít-ra-el lặp lại mỗi ngày hai lần vào buổi sáng và vào buổi tối. Nội dung của “Shema” vào thế kỷ thứ III C.E bao gồm Đnl 6,4-9; Đnl 11,13-21; Ds 15,37-41; 15,39-40.[7]

5.     Từ toàn thể trái tim … toàn thể linh hồn … toàn thể trí năng … toàn thể sức lực: Sau khi mời gọi hiểu và xác tín căn tính của Đức Chúa, “Shema” mời gọi “hãy yêu”. Động từ yêu này được bổ nghĩa bởi một loạt bốn ngữ giới từ, nhằm giải thích cách thức hay mức độ của hành động “yêu”.  Giới từ được dùng lặp lại trước bốn ngữ danh từ này hơi khác nhau giữa bản văn Híp-ri và bản dịch Hy lạp (Bản Bảy Mươi), cũng như bản được Đức Giê-su trích lại trong Tân Ước. Trong bản tiếng Híp-ri, giới từ được dùng là “בְּ”, có nghĩa là “với, trong, từ”: “Với toàn thể trái tim và với toàn thể linh hồn và với toàn thể sức lực”. Trong bản dịch Hy Lạp cũng như bản được Đức Giê-su trích lại trong Tân Ước, giới từ là “ἐξ”, có nghĩa là “từ, từ trong”: “Xuất phát từ toàn thể trái tim, từ toàn thể linh hồn, từ toàn thể sức lực” (Đnl 6,5). Trong câu trích dẫn, Đức Giê-su có thêm một ngữ giới từ “xuất phát từ trong toàn thể trí năng” (ἐξ ὅλης τῆς διανοίας) (Mc 12,30)[8], vốn không tồn tại trong bản văn Cựu Ước. Bản dịch Việt Ngữ của nhóm CGKPV và NTT không nhấn mạnh trên giới từ, và dịch là “hết lòng hết dạ và hết sức anh em” (Đnl 6,5); “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12,30). Cách dịch này cũng gột tả được mức độ cao nhất của hành động yêu. Các bản dịch Anh (ESV: With), Ý (CEI: Con), Tây Ban Nha (CAB: Con), đều chọn cách dịch giới từ “ἐξ” là “với”. Riêng bản tiếng Pháp chọn cách dịch là “từ” (TOB: De). Cách dịch này vừa cho thấy nguồn gốc của hành động yêu, lẫn mức độ yêu, mà một người dành cho Đức Chúa.

Tính từ “ὅλος” (toàn thể, tất cả) dùng với một danh từ để chỉ mức độ bao trùm, toàn thể của danh từ được dùng. Tính từ này được lặp lại bốn lần, như một điệp khúc diễn tả mức độ toàn vẹn nhất của hành động yêu dành cho Chúa. Có bốn danh từ được liệt kê: “trái tim” (trung tâm của đời sống tinh thần, hữu thể bên trong), linh hồn (sự sống, cảm giác, cảm xúc, và ước muốn), trí năng (sự thông minh, suy nghĩ và hiểu biết), và sức lực (khả năng, năng lượng để hành động).[9] Tất cả những khái niệm này biểu thị cho toàn bộ con người cả nội tại và ngoại tại, từ cảm xúc, suy nghĩ đến hành động. Tất cả đều dành để yêu mến Thiên Chúa. J. Marcus cho rằng điều răn thứ nhất mà Đức Giê-su nêu lên, thực ra, rất giống với điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn (Thứ nhất: Thờ phượng Đức Chúa trên hết mọi sự).[10] Tuy nhiên, nói đúng hơn điều răn thứ nhất mà Đức Giê-su đê cập bao trùm cả 3 điều răn đầu tiên của Thập Điều: Thờ Phượng Chúa, không dùng danh Chúa cách bất xứng, giữ ngày Sa-bát.

6.     Người thân cận (τὸν πλησίον): Điều răn thứ hai đòi hỏi người ta “yêu người khác”, cụ thể là người “thân cận”. Mặc dù vị kinh sư chỉ hỏi Đức Giê-su về một điều răn (số ít) quan trọng nhất, Đức Giê-su lại nói đến một điều răn thứ hai. Điều này chứng tỏ rằng Đức Giê-su muốn nói rằng không phải chỉ có một điều quan trọng nhất, mà có cả hai điều quan trọng như nhau. Hay nói đúng hơn, nó là một điều răn kép, tóm gọn toàn thể các điều răn.[11] Nó bao gồm cả hai chiều kích của hành vi yêu thương: Chiều dọc (giữa con người và Thiên Chúa) và chiều ngang (giữa con người với con người). Điều răn “yêu Chúa” không thể tách rời khỏi điều răn “yêu người thân cận”. Vì lẽ đó, sau đó, vị kinh sư gom hai điều răn này thành một: “Yêu mến Người từ toàn thể trái tim, từ từ toàn thể trí năng và từ toàn thể sức lực và yêu mến người thân cận như chính mình thì tuyệt vời hơn tất cả mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ” (12,33).[12] Danh từ “người thân cận” trong tiếng Hy Lạp (πλησίον) có nghĩa là những người hàng xóm, người ở gần, hay bạn hữu.[13] Trong Cựu Ước “người thân cận [רע] thường được hiểu như là những người đồng chủng tộc Do Thái, so với ngoại kiều, và những dân tộc chung quanh (Lv 19,17.18a). Điều răn yêu thương người thân cận như chính mình được Đức Giê-su trích lại từ sách Lê-vi: “Ngươi không được báo thù, hoặc oán hận, chống lại những người con của dân ngươi, nhưng ngươi phải yêu người thân cận của ngươi như chính ngươi: Ta là Đức Chúa” (Lv 19,18). Tuy nhiên, ngoại diên của thuật ngữ “người thân cận”, “ranh giới” về nghĩa của danh xưng này được mở ra đến vô tận, không trừ một ai dưới thời của Đức Giê-su. Để trả lời cho câu hỏi của người kinh sư “nhưng ai là người thân cận của tôi?”, Đức Giê-su kể dụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân hậu”, nhằm giúp người kinh sư tự nhận ra và đặt lại câu hỏi “Tôi là người thân cận của ai?” chứ không không phải là “Ai là người thân cận của tôi?”. Tất cả những người đau khổ ta gặp bên đường trong cuộc đời đều là người thân cận của ta (x. Lc 10,29-37).

Ngoài ra, Đức Giê-su còn mở rộng đối tượng của hành vi “yêu thương” ra đến vô tận khi Người dạy là “phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,43-48; Lc 6,27-36). Thật ra, tư tưởng này cách nào đó nhấn mạnh và mở rộng hơn lời dạy của Lv 19,18, trong đó Đức Chúa dạy rằng: “Ngươi không được báo thù, hoặc oán hận chống lại những người con của dân ngươi, nhưng ngươi phải yêu người thân cận của ngươi như chính ngươi”. Khái niệm “kẻ thù” trong lời dạy của Đức Giê-su không còn là những người đồng hương nữa, mà có thể là bất cứ người nào, thuộc dân nào.

Tác giả Gioan đã ghép hai điều răn yêu Chúa và yêu người lại thành một. Hay nói đúng hơn, theo Gioan, “yêu người” là hành vi bộc lộ ra, chứng tỏ rằng một người có yêu Chúa hay không. Thánh Gioan nói rằng: “Ai nói rằng tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy lả kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà mình không trông thấy” (1 Ga 4,20). Rồi, tác giả nhắc lại: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).

Thánh Phao-lô cũng áp dụng điều răn “yêu thương người thân cận như chính mình” thiết yếu cho các tín hữu trong các cộng đoàn: “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài việc yêu thương lẫn nhau, vì ai yêu thương người khác, thì đã chu toàn Lề Luật rồi” (Rm 13,8); “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, yêu mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,9-10).[14]

7.     Như chính ngươi: Hành động “yêu người thân cận như chính mình” giả định một tình yêu ở mức độ cao nhất, và mang tính tự nhiên, bởi vì không ai ghét chính bản thân mình. Một cách tự nhiên, ai cũng yêu thương bản thân mình. Mức độ mà một người yêu thương chính bản thân mình, chính là thước đo cho tình yêu mà họ dành cho “người thân cận”. Tuy nhiên, đó là mức độ tình yêu người ta dành cho người thân cận theo quy định của Cựu Ước, mà hầu hết những người Do thái đều biết. Đức Giê-su qua cái chết của mình, đã “nâng cấp” điểm quy chiếu mới cho tình yêu, mà một người dành cho người khác. Nó không còn là yêu “như chính mình nữa”, mà là yêu “hơn chính mình”. Đức Giê-su đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã hy sinh thân mình. Người đã khẳng định đó là tình yêu ở cảnh giới cao nhất: “Không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì người thương của mình” (Ga 15,13; Cf. 1 Ga 3,16). Đây là yếu tố “mới mẻ” trong điều răn mới, mà Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12; Cf. 15,17). Mệnh đề so sánh không còn là “như chính mình nữa” mà là “hệt như Thầy đã yêu thương anh em”. Đó là tình yêu đến hy sinh thân mình vì kẻ khác. Đó là tình yêu vị tha (yêu người khác vì chính họ chứ không phải vì mình), ở mức độ hoàn hảo nhất: Hy sinh đến mức không còn gì để hy sinh nữa, cho đi hết không còn gì để cho nữa.

8.     “Của lễ toàn thiêu (ὁλοκαυτωμάτων) và hy lễ (θυσιῶν)”: Những chỉ dẫn về của lễ toàn thiêu được ghi lại trong sách Lê-vi. Quy định về lễ vật toàn thiêu là con bò đực toàn vẹn hay con chiên, hay con dê đực toàn vẹn (Lv 1,2). Hình thức tiến hành được quy định chi ly riêng cho bò và chiên (hay dê) nhưng cuối cùng là đốt tất cả cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là “hương thơm làm vui lòng Đức Chúa” (Lv 1,9; 1,13). Người ta cũng có thể dâng một con chim làm của lễ toàn thiêu, nhưng phải dâng “chim gáy hoặc là bồ câu non” (Lv 1,14). “Lễ toàn thiêu” là một trong các loại hy lễ dùng thú vật. Những loại cơ bản của Hy Lễ dùng thú vật là: (i) Lễ toàn thiêu (Lv 1; Ds 28; 29); (ii) Lễ hòa bình (Lv 3); (iii) Lễ thanh tẩy (Lv 12); (iv) Lễ chuộc tội (Lv 4). “Lễ toàn thiêu” có thể được hiểu như là một hy lễ thu hút sự chú ý của thần linh và kêu cầu sự hiện diện của thần linh, cho một dịp thờ phượng đặc biệt. Hy Lễ của Ê-li-a trên núi Các-men là một minh chứng cụ thể cho lễ toàn thiêu (1 V 18).[15] Trong bối cảnh này, kiểu nói “quý giá hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ” nhắc nhớ đến 1 V 15,22: “Có phải Đức Chúa vui thích với của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn là nghe tiếng nói của Đức Chúa?”; và Os 6,6: “Ta muốn lòng thương xót hơn là hy lễ và nhận biết Đức Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”.[16] Hai bản văn này nhắc đến việc “nghe giọng nói của Đức Chúa”; “Lòng thương xót” và nhận biết Đức Chúa. Những hình ảnh này rất giống với bản văn Đệ Nhị Luật mà Đức Giê-su trích dẫn “Hãy nghe, Ít-ra-el”, yêu mến Chúa “toàn bộ tâm hồn, toàn bộ trí năng, toàn bộ sức lực”; “yêu mến tha nhân như chính mình”. Quả vậy, tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân là điều quý gia hơn muôn vàn của lễ toàn thiêu. Lễ toàn thiêu và hy lễ nếu có, phải được cử hành với tất cả lòng mến dành cho Chúa và cho tha nhân. Đức Giê-su đã diễn tả quan điểm tình yêu vượt trên mọi của lễ, khi đưa ra một ví dụ rất thực tế và sống động: “Khi anh sắp dâng của lễ trước bàn thờ, mà sực nhớ có một người anh em đang bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đó đã, rồi trở lại dâng của lễ” (Mt 5,23-24).

9.      “Không xa Nước Thiên Chúa”: Nước Thiên Chúa chính là mục đích cho sự hoán cải mà Đức Giê-su mời gọi ngay từ khi khai mạc sứ vụ rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh chị em hãy hoán cải và Tin vào in Mừng (Mc 1, 15). Đi vào Nước Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc có “sự sống đời đời”. Ao ước có “sự sống đời đời” làm gia nghiệp, hay được vào Nước Thiên Chúa là ao ước của một người giàu có, thành công mỹ mãn trên con đường làm giàu trên trần gian. Tuy nhiên, anh ta không thể gieo bước hành trình, để biến giấc mơ thành hiện thực, vì anh ta không dám “bán những gì mình có, rồi cho người nghèo, rồi đến và theo Đức Giê-su” (x.Mc 10,17-22). Nước Thiên Chúa cũng là nơi hạnh phúc nhất, mà người ta dám đánh mất một phần thân thể của mình để được vào (Mc 9,47), thậm chí cả mạng sống của mình để đạt cho được. Nó đối lại với “Ghe-en-na” (Hỏa Ngục), chốn dau khổ muôn khiếp. Nước Thiên Chúa là chốn mà Đức Giê-su dạy các môn đệ phải tìm kiếm trước hết, so với cơm ăn hay áo mặc (Mt 6,3: Trước tiên phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn những thứ khác Người sẽ thêm cho)[17]. Với câu trả lời, bày tỏ sự đồng thuận với câu trả lời của Đức Giê-su về “điều răn đứng đầu”, Đức Giê-su cho rằng kinh sư này không còn xa Nước Thiên Chúa, cùng đích của đời mình nữa. Dĩ nhiên, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến mặt tích cực (gần Nước Thiên Chúa), chứ không phải nhấn mạnh đến mặt tiêu cực là thực tế anh vẫn chưa thuộc về Nước Thiên Chúa.[18] Tuy nhiên, “không còn xa”, nghĩa là vẫn chưa đến và còn phải đi tiếp. Anh phải biến kiến thức khôn ngoan ấy thành hành động, thì mới bước vào Nước Thiên Chúa được. Cũng như “người giàu có” trong câu chuyện vừa đề cập. Dù cho anh ta đã giữ các điều răn từ thuở nhỏ, nhưng anh vẫn thiếu một điều: Từ bỏ của cải, hướng về người nghèo và theo Đức Giê-su.

Trong Tin Mừng Luca, cuộc thảo luận về “điều răn quan trọng nhất” được đặt trong bối cảnh một nhà thông luật đến hỏi Đức Giê-su về bí quyết để có “sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25). Luca dường như ghép hai câu chuyện của Mác-cô thành một câu chuyện: (i) Câu chuyện về người giàu có tìm kiếm sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mc 10,17-22); (ii) Câu chuyện về điều răn đứng đầu (Mc 12,28-34). Trong trình thuật của Luca (10,25-28), có câu hỏi về bí quyết làm thế nào để có sự sống đời đời làm gia nghiệp, của câu chuyện thứ nhất và có cả điều răn đứng đầu trong câu chuyện thứ hai. Kết luận của Luca gần giống như kết luận của Mác-cô trong câu chuyện thứ hai: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa nữa” (Mc 12,34) = “Ông trả lời đúng lắm, cứ làm như vậy sẽ được sống” (Lc 10,28). Nói chung, cả hai đều muốn nối kết điều răn đứng đầu sự sống đời đời hay Nước Thiên Chúa.

Bình luận tổng quát

Đức Giê-su bước vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách của Đấng nhân danh Chúa mà đến. Người tiến vào thành trong sự tiếp đón nồng hậu của dân chúng với những tiếng hò reo vang dội và hình ảnh áo choàng được trải ra, cũng như cành lá được lót, rải khắp đường phố, dưới chân Người. Thế rồi, Người đã phải thanh tẩy Đền Thờ vì nơi ấy đã bị biến thành “sào huyệt của bọn cướp” (Mc 12,16). Người lên án một thứ hình thức thờ phượng “không sinh hoa trái” như cây vả đầy lá, nhưng không có quả (12,13). Trái ngược với sự đón tiếp của dân chúng, cũng như giây phút huy hoàng của ngày vào thành, Đức Giê-su liên tục phải đối diện với những chất vấn, thù ghét, những cuộc tấn công của toàn bộ giới lãnh đạo Do Thái: Thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 12,27-33); Nhóm Pha-ri-sêu và Hê-rô-đê (Mc 12,13-17); Nhóm Xa-đốc (Mc 12,18-27). Những vấn đề tranh luận lần lượt là: Quyền thanh tẩy đền thờ; Nộp thuế cho Kai-sar; Kẻ chết sống lại. Đỉnh cao của các cuộc tranh luận có lẽ là câu chuyện về “điều răn trọng nhất” (Mc 12,28-34). Đây là trình thuật kết thúc những câu hỏi mà nhóm lãnh đạo Do Thái đặt ra cho Đức Giê-su. Trình thuật được kết thúc bằng câu “không ai dám chất vấn Người nữa” (Mc 12,34). Câu chuyện này xứng đáng là đỉnh cao của mọi cuộc tranh luận, vì nó đề cập đến cốt lõi, đến trái tim của toàn bộ hệ thống Lề Luật Do Thái: “Điều răn nào là trọng nhất”. Câu chuyện này vượt ra khỏi bầu khí thù ghét, rình rập, đánh đố, thử thách vẫn thường thấy trong các cuộc tranh luận giữa nhóm lãnh đạo Do Thái và Đức Giê-su. Vị kinh sư này được mô tả như một người hiểu biết, nhìn nhận sự thông thái của Đức Giê-su. Sau khi thấy, và nghe Đức Giê-su trả lời với nhóm Sa-đốc một cách rành mạch về vấn đề “người chết sống lại”, ông ta mới đến để hỏi Đức Giê-su về “điều răn quan trọng nhất”. Kinh sư là một chuyên gia trong việc nghiên cứu và giải thích Lề Luật. Ông ta hẳn muốn tham vấn Đức Giê-su về điều răn quan trọng nhất. Có ít nhất Mười Điều Răn và vô số những nguyên tắc luật lệ khác, thế thì việc xác định điều nào là quan trọng nhất là điều đáng quan tâm. Đức Giê-su không nói gì ngoài Lề Luật cả, Người trích dẫn chính hai đoạn văn trong sách Tô-rah để khẳng định cốt lõi của Lề Luật. Thứ nhất, Người trích dẫn “Shema”, lời tuyên xưng đức tin của Người Do Thái. Đây là những lời mà họ phải “lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh chị em, và lên cửa thành của anh chị em” (Đnl 6,7-9). Đó là lời gì vậy. Thưa! Đó là tình yêu tuyệt đối ở mức độ cao nhất, sâu nhất, dài nhất, rộng nhất mà một người phải dành cho Đức Chúa, là Đức Chúa duy nhất: “Hãy nghe, Ít-ra-el, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của của ngươi, từ toàn thể trái tim của ngươi và từ toàn thể linh hồn của người và từ toàn thể trí năng của ngươi và từ toàn thể sức lực của ngươi”. Tất cả mọi quan năng, và mọi phần thân thể đều được dành trọn cho tình yêu Chúa. Điều răn thứ hai, hay là phần thứ hai của một điều răn kép, là “yêu thương người thân cận như chính mình”. Điểm quy chiếu “như chính mình” giả định một khuynh hướng tự nhiên là ai cũng yêu thương bản thân mình trước hết và hơn hết. Khái niệm “người thân cận” được Đức Giê-su mở rộng ra là “tất cả mọi người”, nhất là những người đau khổ. Yêu người thân cận, được mở rộng ra đến vô tận bằng cách yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi, bắt bớ mình. Mệnh đề so sánh, quy chiếu cho hành động yêu người thân cận, “như chính mình” cũng được “nâng cấp” thành “như Thầy đã yêu”. “Như Thầy đã yêu” nghĩa là “dám chết cho người mình yêu” chứ không chỉ yêu người khác “như yêu chính mình”. Sở dĩ, phải nâng cấp như thế là vì tình yêu dựa trên tình yêu của con người vẫn bị giới hạn, bất toàn; chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới tuyệt đối và vô hạn. Đó là tình yêu ở cảnh giới cao nhất, yêu cho đến mức không còn mạng để yêu nữa; trao ban cho đến mức không còn gì để trao ban nữa. Một xã hội có càng nhiều người dám xác tín vào lý tưởng Tin Mừng của Đức Giê-su và dám yêu Chúa hết lòng, yêu người khác hết “mạng” sẽ là một xã hội càng gần hơn với Vương Quốc Nước Trời mà Đức Giê-su rao giảng và chuẩn bị cho tất cả mọi người. Vị kinh sư tìm thấy sự hòa hợp trong câu trả lời của Đức Giê-su và được Đức Giê-su nhìn nhận một cách tích cực. Đó là một vị kinh sư xác tín cách ngôn ngoan về chân lý cốt lõi của toàn bộ Lề Luật. Đó là đôi cánh tình yêu: Một bênh giúp ông bay đến Chúa, bên kia bay đến tha nhân. Cả hai cánh đó, nếu được vỗ đều đặn, liên tục, sẽ nâng con người ông nhẹ tâng, bay vào quê trời vĩnh cửu.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

 



[1] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 571.

[3] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 263.

[4] Từ diển BDAG, “ἐντολὴ”.

[5] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 837.

[6] M. Dominik, “Deuteronomy”, The Paulist Biblical Commentary (ed. R.J. Clifford et al.) (NewYork 2018) 163.

[7] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 573.

[8] Bản của Mát-thêu không có cụm giới từ “với toàn thể sức lực”, chỉ có ba ngữ giới từ “trong toàn thể trái tim, trong toàn thể linh hồn, và trong toàn thể trí năng” (Mt 22,37).

[9] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 264.

[11] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 574.

[13] BDAG, “πλησίον

[14] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 575.

[15] X. G.A. Anderson, “Sacrifice and Sacrificial Offerings”, The Anchor Bible Dictionary (ed. D.N. Freedmn et al.) (Nework – London – Toronto – Sydney – Auckland) V: O-Sh, 877-878; S. Rattray, “Worship”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J. Achtemeier) (NewYork 1996) 1222-1223.

[16] J. Marcus, Mark 8–16, 840.

[17] Xem thêm chủ đề Nước Thiên Chúa trong J.P.D. Thạch, “Bị Ném Vào Ghe-En-Na Hay Đi Vào Nước Thiên Chúa”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: BỊ NÉM VÀO GHE-EN-NA HAY ĐI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA. Chú giải Tin Mừng CN XXVI TN B (Mc 9,38-48) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 27/10/2021).

[18] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 577.