Bản văn
Hy Lạp |
Việt |
41 Ἐγόγγυζον οὖν οἱ Ἰουδαῖοι
περὶ αὐτοῦ ὅτι εἶπεν· ἐγώ εἰμι ὁ ἄρτος ὁ καταβὰς ἐκ
τοῦ οὐρανοῦ, 42 καὶ ἔλεγον· οὐχ οὗτός ἐστιν
Ἰησοῦς ὁ υἱὸς Ἰωσήφ, οὗ ἡμεῖς οἴδαμεν τὸν πατέρα καὶ τὴν μητέρα; πῶς νῦν λέγει
ὅτι ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβέβηκα; 43 ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν
αὐτοῖς· μὴ γογγύζετε μετ᾽ ἀλλήλων. 44 οὐδεὶς δύναται ἐλθεῖν
πρός με ἐὰν μὴ ὁ πατὴρ ὁ πέμψας με ἑλκύσῃ αὐτόν, κἀγὼ ἀναστήσω αὐτὸν ἐν τῇ ἐσχάτῃ ἡμέρᾳ. 45 ἔστιν γεγραμμένον ἐν
τοῖς προφήταις· καὶ ἔσονται πάντες διδακτοὶ θεοῦ· πᾶς
ὁ ἀκούσας παρὰ τοῦ πατρὸς καὶ μαθὼν ἔρχεται πρὸς ἐμέ. 46 οὐχ ὅτι τὸν πατέρα ἑώρακέν
τις εἰ μὴ ὁ ὢν παρὰ τοῦ θεοῦ, οὗτος ἑώρακεν τὸν πατέρα. 47 Ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ὁ πιστεύων ἔχει ζωὴν αἰώνιον. 48 Ἐγώ εἰμι ὁ ἄρτος
τῆς ζωῆς. 49 οἱ πατέρες ὑμῶν ἔφαγον ἐν τῇ ἐρήμῳ τὸ μάννα
καὶ ἀπέθανον· 50 οὗτός ἐστιν ὁ
ἄρτος ὁ ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβαίνων, ἵνα τις ἐξ αὐτοῦ φάγῃ καὶ μὴ
ἀποθάνῃ. 51 ἐγώ εἰμι ὁ ἄρτος
ὁ ζῶν ὁ ἐκ τοῦ οὐρανοῦ καταβάς· ἐάν τις φάγῃ ἐκ τούτου τοῦ ἄρτου ζήσει εἰς τὸν αἰῶνα, καὶ
ὁ ἄρτος δὲ ὃν ἐγὼ δώσω ἡ σάρξ μού ἐστιν ὑπὲρ τῆς τοῦ
κόσμου ζωῆς. (Jn. 6:40-51 BGT) |
41 Những người Do Thái xầm xì với nhau, vì Người [Đức Giêsu]
nói rằng: ‘Chính tôi là bánh, Đấng đi xuống từ trời’ 42 Và họ nói: ‘Người này không phải là Giêsu, con trai của
ông Giuse, không phải chúng ta biết cha và mẹ của anh ta sao? sao bây giờ anh
ta lại nói rằng ‘tôi đã đi xuống từ trời’? 43 Đức Giêsu mới trả lời và nói cùng họ: ‘Anh chị em đừng
xầm xì với nhau’ 44 Chẳng ai có thể đến với tôi nếu Chúa Cha, Đấng sai
tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi sẽ phục sinh
người ấy trong ngày cuối cùng [cánh chung] 45 Lời đã được chép trong [sách] Các Ngôn Sứ: ‘Tất cả sẽ được
Thiên Chúa giảng dạy’. Mọi kẻ nghe và học về Cha sẽ đến
cùng tôi. 46 Vì không kẻ nào thấy Chúa Cha ngoại trừ người từ Chúa
Cha, người này đã thấy Chúa Cha. 47 Amen, Amen, tôi bảo thật
anh chị em, ai tin thì có sự sống vĩnh cửu 48 Chính tôi là bánh ban sự sống 49 Cha ông của anh chị em đã ăn Manna trong sa mạc và đã chết. 50 Đây là bánh, Đấng từ trời đi xuống, để bất kỳ ai ăn từ Người, sẽ không thể chết. 51 Tôi chính là bánh sự sống,
Đấng từ trời đi xuống; nếu ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh mà
tôi ban tặng chính là thịt của tôi vì sự sống
của thế gian” |
Cấu trúc: Đoạn
văn có cấu trúc tổng quát gồm 3 phần chính: Phần (A) Tranh luận về nguồn
gốc từ trời của chiếc bánh Giêsu // phần (A’) Đức Giêsu là bánh ban sự sống;
Phần (B) “Ai tin sẽ có sự sống đời đời” chính là phần trung tâm của cấu
trúc. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy cấu trúc chi tiết của phần (A) và (A’).
Phần (A) có cấu trúc đồng tâm, gồm 5 tiểu phần: Tiểu phần c. “Đức
Giêsu phục sinh kẻ đến với Người” chính là trung tâm của cấu trúc; tiểu phần a.
Tranh luận về nguồn gốc từ trời của chiếc bánh Giêsu // a’. Khẳng định Đức
Giêsu từ Chúa Cha đến và đã thấy Người; Tiểu phần b. Không thể đến với Đức
Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi kéo // tiểu phần b’. Mọi kẻ nghe và học
về Chúa Cha (được lôi kéo) đều sẽ đến với Đức Giêsu. Phần (A’) được cấu
trúc bởi 3 cặp tiểu phần song song với nhau (a//a1//a2//a3;
b//b1//b2//b3): a. Bánh ban sự sống // a1.
Đấng từ trời đi xuống// a2. Đấng từ trời đi xuống, bánh ban sự
sống (a2= a+a1)// a3. Bánh đó chính là
thịt của Đức Giêsu; b. Ăn Manna và đã chết // b1. Ăn
(Đấng từ trời đi xuống) sẽ không thể chết// b2. Ăn (Đấng từ
trời đi xuống+ bánh ban sự sống) sẽ sống đời đời // b3. Thịt
của Đức Giêsu được ban tặng vì sự sống thế gian.
Tổng Quát |
(A)
Nguồn gốc của chiếc bánh Giêsu: Từ trời (6,41-46) (B) Ai Tin thì có sự sống vĩnh cửu (6,47) (A’) Đức Giêsu, Bánh Hằng
Sống, Đấng từ trời đi xuống (6,48-51) |
(A) |
a. Tranh
luận về nguồn gốc “từ trời” của bánh Giêsu (6,41-42) b. Không
thể đến với Đức Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi kéo (6,43-44a) c. Đức Giêsu phục sinh kẻ đến với Người (6,44b) b’. Mọi kẻ
nghe và học về Chúa Cha sẽ đến cùng Đức Giêsu (6,45) a’. Đức Giêsu
từ Chúa Cha đến và đã thấy Người (6,46) |
(B) |
Ai tin
thì có sự sống vĩnh cửu (6,47) |
(A’) |
a. Bánh ban sự sống (6,48) b. Ăn
Manna và đã chết (6,49) a1. Đấng từ trời đi xuống (6,50a) b1. Ai ăn sẽ không thể chết (6,50b) a2. Đấng từ trời đi xuống, bánh ban sự sống (6,51a) b2.
Ăn thì sẽ sống đời đời (6,51b) a3. Bánh đó là thịt của Đức Giêsu (6,51c) b3. Ban tặng vì sự sống của thế gian (6,51d) |
Một số điểm chú giải
1. “Những
người Do Thái”: Đây là danh xưng rất đặc trưng trong Tin Mừng Gioan. Trong
khi các Tin Mừng Nhất Lãm dùng rất ít danh xưng này và với nghĩa chung chung
chỉ dân tộc Do Thái (Mt: 1 lần, 28,15; Mc: 2 lần, 7,3; 15,26; Lc: 3 lần,
7,3; 23,38.51), Gioan lại sử dụng vô số danh xưng này như một đối tượng
tranh luận và đối nghịch với Đức Giêsu. Trong chương 6, danh xưng
này được nhắc đến 3 lần. Ngoài một lần có nghĩa chung chung (6,4: lễ Vượt
Qua, đại lễ của Người Do Thái), hai lần khác họ xuất hiện như đối tượng
tranh luận với Đức Giêsu. (1) Sau khi Đức Giêsu nói “tôi là bánh từ trời xuống”,
những Người Do Thái liền xầm xì phản đối rằng: “ông này chẳng phải là ông Giêsu,
con ôn Giuse đó sao? Cha mẹ của ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta
lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?’” (6,42). Đây là kiểu dẫn chứng nhằm chối bỏ nguồn
gốc ‘từ trời’ của Đức Giêsu. Chính dân cùng làng Nadarét cũng dùng lý chứng
này để phủ nhận quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Giêsu khi Người rao giảng tại
một hội đường Nadarét (Mc 6,1-6; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30). (2) Rồi sau khi Đức Giêsu
nói ‘bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi’, Người Do Thái lại tranh luận sôi
nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (6,52). Đây
cũng là một lý chứng nhằm bác bỏ mạc khải của Đức Giêsu về việc “thịt” của Người
làm cho thế gian được sống. Không chỉ là những đối tượng tranh luận, những người
Do Thái còn được tác giả Gioan nói đến như những đối thủ[1]
chính yếu của Đức Giêsu: Người Do Thái chống đối Đức Giêsu vì Người hay chữa bệnh
ngày Sabát (5,16). “Họ tìm cách giết” Đức Giêsu (5,18; 7,1); cho rằng Đức Giêsu
là người bị quỷ ám (8,48.52); ném đá Đức Giêsu (10,31.33; 11,8); sai thuộc hạ đến
bắt Đức Giêsu và trói lại (18,12); Cuối cùng họ lên án đóng đinh Người: “Đem
đi, đem đi, Đóng đinh nó vào thập giá” (19,15). Sự đối nghịch của họ đối với Đức
Giêsu làm cho những người khác phải lo sợ. Vì vậy, không ai dám công khai nói về
Đức Giêsu vì sợ những Người Do Thái (7,13). Nghiêm trọng hơn, những người Do
Thái đã đồng lòng trục xuất ra khỏi hội đường tất cả những ai tuyên xưng Đức Giêsu
là Đấng Kitô (9,22). Anh mù được sáng mắt trong chương 9 là một nạn nhân cụ thể
cho sự trục xuất này (9,34-35). Tuy nhiên, cũng có những Người Do Thái tin vào
Đức Giêsu (3,1; 8,31; 12,11).
2. “Đấng
đi xuống từ trời”: Đức Giêsu nhiều lần khẳng định nguồn gốc từ trời
của mình. Chỉ có Đấng từ trời đi xuống mới có thể lên trời (3,13). Đấng đến từ
trời thì trên hết mọi sự (3,31). Bánh của Thiên Chúa là Đấng từ trời đi xuống
và ban sự sống cho thế gian (6,33). Người từ trời đi xuống để thi hành ý của Đấng
đã sai Người (6,38). Trong đoạn văn này (6,41-51), cụm trạng từ nơi chốn: “Từ
trời” được lặp lại 4 lần, đều để nhấn mạnh nguồn gốc của Đức Giêsu: “Tôi
là bánh hằng sống, Đấng đi xuống từ trời” (6,41.42.50-51). Cụm trạng từ
chỉ nguồn gốc “từ trời” của Đức Giêsu được dùng nhiều nhất trong
chương 6. Nó xuất hiện đến 10 trong tổng số 15 lần của toàn bộ Tin Mừng
thứ tư. Chính vì thế, đây là một đề tài rất quan trọng của chương 6.
3. “Chúa
Cha, Đấng sai tôi”: Đức Giêsu không chỉ là tấm bánh, nhưng hơn hết Người là
một ngôi vị được Chúa Cha sai đến để thi hành “ý muốn của Chúa Cha”
(6,38). Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu dùng rất nhiều lần danh xưng “Đấng đã
sai” (πέμψαντός)
để gọi Chúa Cha[2],
trong đó nhiều lần danh xưng này được gắn với danh từ “ý muốn” (τὸ θέλημα): “Ý muốn
của Đấng sai tôi” (4,34; 5,30; 6,38.39). Ngoài ra, Đức Giêsu còn nhận “giáo huấn”
từ “Đấng sai Người” (7,16; 14,24); Người luôn tìm vinh quang của “Đấng sai Người”
(7,18); làm công việc của “Đấng sai Người” (9,4). Như thế, ngoài tương quan
Cha-Con, tương quan của Đức Giêsu và Chúa Cha còn được nhấn mạnh bằng tương
quan sứ vụ: Đấng sai đi – Đấng được sai đi. Đức Giêsu nói về mình như là mạc
khải chính xác từ Chúa Cha, vì Người đến từ Chúa Cha. [3]
4.
“Chúa Cha lôi kéo … Mọi kẻ nghe và học về Cha”: Động từ “kéo” (ἕλκω) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa đen
là “rút” [gươm], “kéo” [lưới], “dẫn ai đến tòa”. Tuy nhiên, nghĩa biểu tượng của
nó là “thu hút”, “thúc đẩy về đời tinh thần hoặc luân lý”[4].
Nhìn vào cấu trúc phần (A), độc giả cũng có thể thấy tiểu phần b. Không thể đến
với Đức Giêsu nếu không được Chúa Cha lôi kéo // b’. Mọi kẻ nghe và học biết về
Chúa Cha đều đến với Đức Giêsu. Nghĩa là tất cả những ai nghe, và nghiên cứu về
Chúa Cha cách đúng đắn, đích thực thì sẽ được Chúa Cha tác động, và thúc đẩy đến
với Đức Giêsu.[5]
Đức Giêsu trích sách Isaia “Tất cả con cái của anh chị em sẽ được Thiên Chúa giảng
dạy” (Is 54,13) để nói về sự lôi kéo của Chúa Cha. Những “Người Do Thái” dựa
trên nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu để phủ nhận nguồn gốc từ trời của Người.
Điều này chứng tỏ rằng họ chưa nghe và học biết về Chúa Cha một cách đúng đắn,
nên họ xầm xì phản đối về nguồn gốc “từ trời” của Đức Giêsu. Chúa Cha “thu
hút”, “tác động”, và “thúc đẩy” người ta đến với Đức Giêsu nhưng tự do chọn
lựa vẫn là của họ chứ không phải họ bị ép buộc đến với Đức Giêsu. E.
Haenchen – R. Funk – U. Busse cho rằng đối với tác giả Gioan, sự quyết định về
sự sống đời đời hay chết, không nằm trong quyết định của con người nhưng trong
quyết định của Chúa Cha, điều vốn vượt khỏi những năng lực nhận thức của chúng
ta.[6] Tuy vậy, Thiên Chúa chắc chắn
muốn tất cả mọi người nhận biết Người và được cứu độ. Vì thế, quyền quyết định
sống hay chết lại nằm ở nơi con người nhiều hơn.
5.
“Phục sinh”: Đức
Giêsu hứa sẽ “cho sống lại” tất cả những ai đến với Người. Động từ “đến
với”, “đi về phía”, bao hàm một việc đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu và tin
vào Người. “Những người Do Thái”, xầm xì phản đối nguồn gốc “từ trời” của Đức Giêsu,
nghĩa là họ không chấp nhận giáo huấn của Người và không đến với Người. Vì thế,
ngay sau đó Người mới giải thích là “không ai đến được với Người nếu Chúa Cha
không lôi kéo người ấy”. Động từ “ἀνίστημι” (làm cho sống lại) được sử dụng nhiều nhất trong chương
6 của Tin Mừng Gioan (4 lần trong tổng thể 8 lần của toàn bộ Tin Mừng này).
Đức Giêsu lặp lại 4 lần cùng một lời hứa: “Tôi sẽ cho họ sống lại trong
ngày cuối cùng” (6,39.40.45.54). Đặc biệt trong đoạn từ 6,39-45, Đức Giêsu lặp
lại đến 3 lần. Đó quả là một tần số dày đặc đến dồn dập. Mỗi lần lặp lại
Đức Giêsu lại gắn với một lý do khác. (i)
Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những người mà Người đã ban cho tôi, tôi
không để mất một ai, những sẽ cho họ sống lại trong ngày cuối cùng
(6,39). (ii) Tất cả những ai thấy Người
Con và tin vào Người Con thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày cuối cùng (6,40). (iii) Những người đến với Đức Giêsu sẽ được
cho sống lại trong ngày cuối cùng (6,44). (iv) Ai ăn thịt và uống máu của
Đức Giêsu thì được sống muôn đời và được cho sống lại trong ngày cuối cùng
(6,54). Nhìn vào cấu trúc của phần (A), độc giả có thể nhận thấy tiểu phần c.
“Đức Giêsu phục sinh những kẻ đến với Người” chính là phần trung tâm và cốt lõi
của cấu trúc. Tất cả những tiểu phần khác đều nhắm đến phần trung tâm này. Động
từ “ἀνίστημι” (sống lại) cũng được dùng để
chỉ sự sống lại của Đức Giêsu. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu đã
dùng động từ này để tiền báo về sự phục sinh của Người: “Đừng nói cho ai những
điều ấy cho đến khi Con Người sẽ được sống lại” (Mt 17,9; Mc 9,9.10); “Ngày
thứ ba Người sẽ chỗi dậy” (Mt 20,19; Mc 8,31; 9,31; 10,34; Lc 18,31; 24,7.46). Văn Chương Do Thái thế kỷ thứ hai
C.E (kỷ nguyên chung, trước Chúa Kitô), đã bắt đầu suy tư về sự phục sinh và sự
sống đời đời. Sách Macabê quyển thứ hai đã ghi lại lời của những chứng nhân tử
đạo: “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua Vũ Trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống
lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9.14; Cf. 7,36); “Ông Giu-đa quyên 2000
quan tiền và gửi về Jêrusalem để xin dâng hy lễ tạ tội cho các chiến binh đã
ngã xuống; ông làm cử chỉ tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống
lại” (2 Mcb 12,43-44). Tuy nhiên, khi Đức Giêsu tiền báo về cuộc khổ nạn, chết
và Phục Sinh của Người, các môn đệ dường như không có ấn tượng gì về sự Phục
Sinh cả. Các ông chỉ thất vọng, buồn phiền về Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người.
Chính vì vậy, sự phục sinh của Người lúc đầu luôn là biến cố gây ngạc nhiên và
khó tin đối với tất cả các môn đệ (x. Mc 16,11.13.14; Lc 24,12.15.41; Ga
20,24-29). Chi sau khi gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh rồi, các ông mới bắt đầu hiểu
về những gì Đức Giêsu tiền báo trước đó. Tin Mừng Phục Sinh trở thành cốt lõi
và trung tâm điểm của niềm tin và lời rao giảng của các Tông Đồ và Giáo Hội sơ
khai (x. Cv 2,22-24). Thánh Phaolô đã rao giảng rằng: “Tôi trao cho anh chị em
như là điều quan trọng nhất điều tôi đã lãnh nhận rằng Đức Kitô đã chết vì tội
lỗi của chúng ta đúng như lời Thánh Kinh, Người đã được mai táng, sống lại vào
ngày thứ ba đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3-4). Thánh Phaolô cũng xác quyết
mạnh mẽ rằng: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão
huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,17).
6. “Ai
tin thì có sự sống vĩnh cửu”: Cấu trúc tổng quát cho thấy phần (B) “Ai tin thì
có sự sống đời đời” chính là trung tâm của đoạn Tin Mừng này. Tất cả những phần
khác đều quy chiếu về phần trung tâm này. Vì thế, Đức Giêsu đã dùng kiểu nói
long trọng, nhấn mạnh khi nói câu này: “Amen, Amen” (thật, tôi bảo thật).
(A) Nguồn gốc của chiếc bánh Giêsu: Từ trời (6,41-46) (B) Ai Tin thì có sự sống
vĩnh cửu (6,47) (A’) Đức Giêsu, Bánh Hằng Sống, Đấng từ trời đi xuống
(6,48-51) |
Diễn từ “Bánh Hằng
Sống” cũng được kết thúc bằng việc tuyên xưng niềm tin của Phêrô, đại diện cho
Nhóm Mười Hai: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy có những lời mang lại sự
sống đời đời và chúng con đã tin rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”
(6,68-69). Nếu như Tin Mừng Nhất Lãm thường cho thấy sự quyết định của yếu tố
niềm tin trong việc chữa lành bệnh tật thì Gioan lại cho thấy tính tiên quyết
của niềm tin đối với sự sống đời đời của con người. Tin có thể mang lại cho
người ta sự sống đời đời (Ga 3,36; 5,24). Thật vậy,
trong Tin Mừng Nhất Lãm, độc giả thường nghe Đức Giêsu tuyên bố rằng: “Đức Tin
của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22; Mc 5,34; 10,52; Lc 8,48). Hay là: “Ông tin
thế nào thì được như vậy” (Mt 8,10.13; 9,29; 15,28; Mc 5,36; Lc 7,50; 8,50).
Tin Mừng thứ tư đã khởi đầu bằng xác tín “những ai tin vào danh Người [Ngôi Lời],
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12) và kết thúc bằng việc
cho thấy mục đích của toàn bộ Tin Mừng là “để anh chị em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà có sự sống nhờ danh Người. Trong suốt Tin Mừng,
có rất nhiều lần Đức Giêsu giải thích về tầm quan trọng của niềm tin đối với sự
sống con người: “Ai tin vào Người Con thì được sống đời; còn kẻ không tin vào
Người Con thì sẽ không được sống” (Ga 3,36); “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng
đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước
vào cõi sống” (Ga 5,24; Cf. 17,3).
7. “Manna”:
Manna trong tiếng Do Thái là câu hỏi cái gì vây? Bởi lần đầu tiên khi con cái Israel
thấy một thứ gì đó nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ xuống mặt đất họ
hỏi nhau: “Man hu” [מָ֣ן ה֔וּא]?
nghĩa là cái gì đây? (Xh 16,14-15). Manna “giống như hạt ngò, màu trắng và có
mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong” (Xh 16,31; Ds 11,7). Nhắc đến Manna là nhắc
đến truyền thống 40 năm Thiên Chúa nuôi dân Israel trong sa mạc trước khi vào đất
hứa. Suốt bốn mươi năm họ không trồng tỉa hoặc kiếm ăn, thế mà Chúa vẫn nuôi họ
bằng Manna và chim cút (x. Xh 16,35; Ds 11,6; 11,9; Đnl 8,3.16; Gs 5,12; Tv
78,24). Sở dĩ Đức Giêsu nhắc lại Manna bởi vì trước đó đám đông đã nói với Đức Giêsu
rằng: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn Manna trong sa mạc như có lời chép: ‘Ông ấy đã
cho họ ăn bánh từ trời” (6,31). Đức Giêsu thừa nhận điều họ nói là đúng nhưng
không phải Ông Môsê đã cho họ ăn bánh từ trời, mà chính Cha của Đức Giêsu cho
“anh chị em” ăn bánh từ trời bánh đích thực (6,32). Đức Giêsu đã mang đến ít nhất
3 sự chuyển đổi: (i) Sự chuyển đổi chủ thể ban bánh từ trời: từ Môsê qua Chúa
Cha; (ii) Chuyển đổi về thì của động từ: từ “quá khứ” (đã ban) đến “hiện tại”
(đang ban, luôn ban); (iii) Chuyển đối tượng lãnh nhận: từ “tổ tiên” đến “anh
chị em”. Trong đoạn này Đức Giêsu nhắc lại sự kiện “tổ tiên” của họ đã ăn Manna
và đã chết (thực tế là họ đã chết hết rồi) đối lại với bánh trường sinh mà Đức Giêsu
ban. Ai ăn bánh này thì khỏi phải chết. Đức Giêsu nhắc lại lưu ý này một lần nữa
ở đoạn sau: “Đây là bánh từ trời xuống không phải như bánh tổ tiên của anh chi
em đã ăn và họ đã chết” đối lại với “ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”
(6,58).
8. “Sẽ
không thể chết…sẽ sống đời đời”: Cấu trúc phần (A’) cho thấy hai loạt tiểu
đề song song và tiến triển theo bậc cấp: (i) bánh ban sự sống – Đấng từ trời xuống
– Đấng từ trời xuống + bánh ban sự sống – thịt của Đức Giêsu; (ii) Ăn Manna và
đã chết – Ăn sẽ không chết – Ăn thì sẽ sống đời đời – Ban tặng vì sự sống cho
thế gian. “Không thể chết” song song với “sống đời đời” và đối lại với “đã chết”.
Ăn “Manna” đối lại với ăn “bánh ban sự sống từ trời xuống”.
a. Bánh ban sự sống (6,48) b. Ăn Manna và đã chết (6,49) a1. Đấng từ trời đi xuống
(6,50a) b1. Ai ăn sẽ không thể chết
(6,50b) a2. Đấng từ trời đi xuống,
bánh ban sự sống (6,51a) b2. Ăn thì sẽ sống đời đời
(6,51b) a3. Bánh đó là thịt của Đức Giêsu
(6,51c) b3. Ban tặng vì sự sống của
thế gian (6,51d) |
Cái chết mà Đức Giêsu
muốn nói về những người ăn Manna là cái chết về thể lý vì họ đã ăn “lương thực”
hư nát. Sự “không chết” mà Đức Giêsu muốn nói là “sự sống lại”. Sự sống đời
đời không có nghĩa là không trải qua cái chết về thể lý nhưng là sự phục sinh
sau khi đã chết. Chính Đức Giêsu cũng đã trải qua cái chết. Người phục sinh
Ladarô (Ga 11,11-43); Con gái ông trưởng hội đường Giaiirô (Mc 5,35-43); Con
trai bà góa thành Nain (Lc 7,11-17), nhưng rồi tất cả những người này cũng đều
đã chết. Tuy nhiên, cái chết đó sẽ không vĩnh cửu. Nếu họ “đến với Đức Giêsu”;
ăn “bánh sự sống từ trời”, Đức Giêsu sẽ phục sinh họ và họ lại được sống mãi. Sự
“không chết”, “sống đời đời” của những người tin vào Đức Giêsu còn được hiểu
theo nghĩa thiêng liêng. Nghĩa là, một nguời đến với Đức Giêsu, tin vào Người
và sống thể hiện niềm tin rất sống động qua cuộc đời yêu thương và phục vụ, người
ấy sẽ không bao giờ chết. Hình ảnh của anh/chị ta vẫn tồn tại mãi trong lòng mọi
người. Sự sống đời đời không chờ cho đến khi “bên kia nấm mồ” nhưng nó diễn
ra ở đây và bây giờ trong sự gặp gỡ với Đức Giêsu và thông điệp Tin Mừng của
Người.[7] Tuy
nhiên, sự sống đời đời thật sự không thể tách rời khỏi sự phục sinh (6,44). Sự
phục sinh chính là cơ sở cho sự sống đời đời. Trước đó, Đức Giêsu đã mạc khải rằng:
“Giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ đều nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó:
ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống
lại để bị kết án” (Ga 5,28-29).
9. “Bánh
sự sống”: Có hai cách thức để hiểu bánh sự sống. (i) Mạc khải thần linh được
trao ban qua và trong Đức Giêsu. Cách hiểu dựa trên cách giải thích Manna như
là lời Chúa, hay hướng dẫn của Chúa trong truyền thống Do Thái. Phêrô có lẽ ủng
hộ cách hiểu này khi ông nói rằng: “Bỏ thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới
có những lời ban sự sống đời đời” (6,68). Lời ban sự sống đời đời tương đương với
bánh ban sự sống. (ii) Bánh ban sự sống như là bánh Thánh Thể. Trong 6,51-58 Đức
Giêsu đã nói đến “thịt” và “máu” người một cách cụ thể: “Bánh tôi sẽ ban tặng
chính là thịt tôi vì sự sống của thế gian” (6,51); “thịt tôi thật là của ăn và
máu tôi thật là của uống” (6,55). Đây chính là những hình ảnh về Bí Tích Thánh
Thể chứ không còn là lời dạy hay là mạc khải thần linh nữa. Các nhà chú giải
trong thời hiện đại phân biệt những cách hiểu như sau: (a) Toàn bộ thảo luận
(6,35-58) nói đến sự mạc khải trong và qua Đức Giêsu. (b) Chỉ có phần đầu tiên
(6,35-50) có chủ đề về khôn ngoan, nhưng trong phần sau (6,51-58), bánh đề cập
đến thịt Thánh Thể của Đức Giêsu. (c) Toàn bộ thảo luận (6,35-58) nói về Bánh
Thánh Thể. (d) Bánh sự sống đề cập đến cả mạc khải và thịt Thánh Thể của Đức Giêsu
xuyên suốt từ 6,35 đến 6,58. R. Brown nghiêng về chọn lựa (b).[8]
10. “Thịt
của tôi”: Đức Giêsu đi một vòng dài để giới thiệu về “thịt” của mình. Bắt đầu
bằng lời gợi ý đám đông hãy làm việc không vì của ăn hư nát nhưng vì của ăn
mang lại sự sống trường sinh (6,27), đến “bánh Thiên Chúa ban là Đấng từ trời
đi xuống, mang lại sự sống cho thế gian” (6,32), rồi “chính tôi là bánh trường
sinh” (6,35.48), bánh từ trời xuống (6,50), bánh hằng sống từ trời xuống
(6,51a) và cuối cùng bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi (6,51b). Như đã đề cập
trong phần bối cảnh. Khi Đức Giêsu nói đến việc “ăn thịt” kết hợp với “uống
máu” trong đoạn sau (6,53), Người muốn nói đến Bí Tích Thánh Thể được lập bằng
cái chết và máu của Người.[9]
Người Do Thái tưởng rằng Đức Giêsu nói đến “thịt” theo nghĩa đen, nên họ hoảng
sợ thắc mắc: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông ta được”
(6,52).
11. “Vì
sự sống của thế gian”: “Thế gian” là một hạn từ đặc biệt trong Tin Mừng thứ
tư. Nó xuất hiện 78 lần trong Tin Mừng này. Thế gian được dùng với nhiều nghĩa
khác nhau: Thế gian vũ trụ, thế gian trái đất, thế gian nhân loại, thế gian
chưa tin và thế gian thù ghét.[10] Trong
bối cảnh này, thế gian có thể được hiểu như là tất cả mọi người (thế
gian nhân loại). Không gian trao ban của “thịt” Đức Giêsu được mở rộng ra cho tất
cả mọi người trong thế gian. Tất cả mọi người đều có thể lãnh nhận chiếc bánh
mà Đức Giêsu ban và cũng là chính thân thể Người để được sống đời đời. Hạn từ thế
gian hòa hợp với cách nói “bất kỳ ai ăn” (bánh hằng sống từ trời) (τις
φάγῃ) (6,51), hay “kẻ tin” (ὁ πιστεύων) (6,47).
Bình luận chung
Đoạn Tin Mừng
Ga 6,41-51 xoay quanh trục trung tâm “Bất cứ ai tin thì sẽ sống đời đời” (B:
6,47). Muốn biết tin ai, tin cái gì và phải thể hiện niềm tin như thế nào thì
phải quan sát phần trước và phần sau của phần trung tâm này.
Ở phần trước độc
giả sẽ tìm thấy một đoạn văn minh chứng về nguồn gốc “từ trời của Đức Giêsu”.
Người đã khẳng định Người chính là bánh, Đấng đi xuống từ trời. Khẳng định này
dĩ nhiên là không thể lọt tai những người Do Thái được. Có thể họ cho rằng Đức Giêsu
đang khoác lác, bởi vì họ biết quá rõ về nguồn gốc trần thế của Người. Đó là
anh chàng Giêsu, con của ông Giuse. Họ biết rõ cha mẹ của Người. Đây cũng chính
là lý luận chính yếu để cho dân làng Nadarét không chấp nhận giáo huấn khôn
ngoan và những dấu lạ của Đức Giêsu. Lý do cho sự từ chối của những người Do
Thái về nguồn gốc của Người là vì họ không được Chúa Cha “lôi kéo”. Điều này vừa
cho thấy thẩm quyền mạc khải của Chúa Cha, vừa cho thấy trách nhiệm của những
người Do Thái. Theo Đức Giêsu, những kẻ nghe, và nghiên cứu, học hỏi về Thiên
Chúa đều đến với Đức Giêsu. Thiên Chúa đã soi sáng, thúc đẩy họ đến cùng với Đức
Giêsu, họ không thể đến cùng Đức Giêsu. “Không thể đến cùng” trong bối cảnh này
là họ không thể đón nhận nguồn gốc “từ trời” của Đức Giêsu. Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa. Người đến từ Chúa Cha và đã nhìn thấy Chúa Cha (6,46). Như vậy, điều
mà những người Do Thái và độc giả qua mọi thời phải tin trong phần trước này
là: Tin rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa và từ trời. Niềm tin đó được thể hiện
bằng hành động “đến cùng” Đức Giêsu. Không thể “đến cùng” Đức Giêsu, đồng nghĩa
với việc không thể đón nhận được ơn phục sinh vào “ngày cuối cùng” do Đức Giêsu
ban tặng: “Tôi sẽ phục sinh anh/chị ta trong ngày cuối cùng” (6,44b). Đây chính
là trung tâm điểm của phần mạc khải về nguồn gốc từ trời của Đức Giêsu. Ai “đến
cùng” Đức Giêsu, nghĩa là đón nhận Người là Con Thiên Chúa thì được Người cho sống
lại trong ngày cuối cùng. Phần trung tâm của đoạn trên (A: 6,41-46) nói về mầu
nhiệm phục sinh nối kết chặt chẽ và là tiền đề cho phần trung tâm của toàn bản
văn (B: 6,47), nói về sự sống đời đời. Không thể có sự sống đời đời nếu không
có sự phục sinh. Không thể có sự phục sinh nếu như không “đến với” Đức Giêsu.
Phần sau (A’:
48-51) cũng sẽ xoay chủ đề bánh, nguồn gốc từ trời và sự sống đời đời. Đức Giêsu
tiếp tục mạc khải Người là bánh ban sự sống và là Đấng từ trời đi xuống. Ai ăn
bánh này thì không phải chết nhưng được sống đời đời. Bánh này vượt trổi hơn
Manna, bởi vì tổ tiên của những người Do Thái đã ăn Manna và đã chết (6,49). Đức
Giêsu cuối cùng đã cụ thể hóa chất liệu của chiếc bánh. Đó chính là thịt của Người.
Dĩ nhiên, đây là lối nói ẩn dụ ám chỉ đến Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, Bí tích
này là Giao Ước mới được lập bằng cái chết và máu của Đức Giêsu. Đức Giêsu ban
chính thân mình Người cho tất cả mọi người (thế gian) được sống.[11] Như
vậy, ở phần sau này, những người Do Thái và các tín hữu phải tin rằng Đức Giêsu
chính là bánh đem lại sự sống trường sinh và bánh đó chính là thịt của Người. Họ
được mời gọi ăn “thịt” của Người để nuôi sống thân mình.
Cho đến lúc
này, diễn từ Bánh Hằng Sống đã mạc khải cách tiệm tiến căn tính của chiếc bánh
hằng sống: “Của ăn đem lại sự sống đời đời” (6,27) – Đức Giêsu chính là bánh hằng
sống từ trời xuống, ai đến với Người không hề đói, ai tin vào Người chẳng khát
bao giờ (6,33) – bánh mà Đức Giêsu ban tặng chính là thịt của Người vì sự sống
của thế gian (6,51).
Thánh Lễ ngày nay
bao gồm hai phần trong đoạn Tin Mừng này. Thứ nhất các tín hữu đến với Đức Giêsu,
qua Lời Chúa, lời Của Đức Giêsu trong Tin Mừng họ nhận ra Người là Con Thiên
Chúa, đến từ trời cao. Phần thứ hai, qua việc tham dự vào Hy Tế Thập Giá của Đức
Giêsu, họ tiếp tục tin rằng Thánh Thể chính là bánh, mình, thịt Đức Giêsu mang
lại cho họ sự sống mỗi ngày và nhất là sự sống đời đời. Cuối cùng họ được hiệp
thông với Đức Giêsu qua việc rước Mình Máu thánh của Người. Đó chính là nguồn sức
sống tâm linh cho họ đời này và đời sau nữa. Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể
trong Thánh Lễ chính là biểu trưng cho bàn tiệc trên thiên quốc, giống như ngôn
sứ Isaia đã báo trước (Is 65,11-13) và Đức Giêsu cũng nhắc lại: “Từ phương
đông, phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và
Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8,11; Cf. Mt 26,29).[12]
Lm. Joseph Phạm
Duy Thạch, SVD
[1] Về
đề tài “Người Do Thái như là đối thủ của Đức Giê-su”, xem thêm, Giu-se Lê Minh
Thông, Chú Giải Tin Mừng Gio-an Tập 1. Ga 1,1 – 2,22 (Ha Noi 2021) 101; Anton
Hoàng Phúc, “Tìm Hiểu ‘Người Do Thái’ trong Ga 17,1-13” (Tìm
hiểu “Người Do-thái” trong Ga 7,1-13 (gpbuichu.org)) (truy cập 04/08/2021)
[2]
4,34; 5,23.24.30.37; 6,38.39.44; 7,16.18.28.33; 8,16.18.26.29; 9,4;
12,44.45.49; 13,20.24; 15,21; 16,5.
[3] J.
Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu) (New
York 2018) 1139.
[4] Analytical
Lexicon of Greek New Testament (ed. T. Friberg – B. Friberg – N.F. Miller)
(Victoria 2000) “ἕλκω”.
[5]
Theo R. Brown động từ kéo trong truyền thống Rabbi có nghĩa là ‘bring them nigh to the Torah,’ để làm cho họ thành những
người chia sẻ đầy đủ hơn kiến thức của Thiên Chúa. Đối với Gioan điều làm cho
người ta thành những người chia sẻ sự hiểu biết về Thiên Chúa là được kéo gần
hơn với Đức Giê-su [R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII): Introduction,
translation, and notes (AYB; New Haven – London 2008) XXIX, 271].
[6] E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John. A
commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 293.
[7] Ibid.
[8]
R.E. Brown, The Gospel according to John I-XII. Translated with an
Introduction and notes (AYB; New York 1966) 272.
[9] J.
Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary, 1139.
[10] Về
hạn từ “thế gian”, xem thêm Giuse Lê Minh Thông, “Thế gian (kosmos) là gì, là
ai?” (Tin
Mừng Gio-an, Évangile de Jean, Gospel of John: Thế gian (kosmos) là gì, là ai?
(TM Gio-an) (leminhthongtinmunggioan.blogspot.com)) (truy cập 04/08/2021).
[12]
R.E. Brown, The Gospel according to John I-XII. Translated with an
Introduction and notes (AYB; New York 1966) 273.
No comments:
Post a Comment