CN IV MV B (2Sm 7,1-5-8-12.14.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)
Hy
Lạp |
Việt |
26 Ἐν δὲ τῷ μηνὶ τῷ ἕκτῳ ἀπεστάλη ὁ ἄγγελος Γαβριὴλ ἀπὸ τοῦ θεοῦ εἰς πόλιν τῆς Γαλιλαίας ᾗ ὄνομα Ναζαρὲθ 27 πρὸς παρθένον ἐμνηστευμένην ἀνδρὶ ᾧ ὄνομα Ἰωσὴφ ἐξ οἴκου Δαυὶδ καὶ τὸ ὄνομα τῆς παρθένου Μαριάμ. 28 καὶ εἰσελθὼν πρὸς αὐτὴν εἶπεν· χαῖρε, κεχαριτωμένη, ὁ κύριος μετὰ σοῦ. 29 ἡ δὲ ἐπὶ τῷ λόγῳ διεταράχθη καὶ διελογίζετο ποταπὸς εἴη ὁ ἀσπασμὸς οὗτος. 30 Καὶ εἶπεν ὁ ἄγγελος αὐτῇ· μὴ φοβοῦ, Μαριάμ, εὗρες γὰρ χάριν παρὰ τῷ θεῷ. 31 καὶ ἰδοὺ συλλήμψῃ ἐν γαστρὶ καὶ τέξῃ υἱὸν καὶ καλέσεις τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἰησοῦν. 32 οὗτος ἔσται μέγας καὶ υἱὸς ὑψίστου κληθήσεται καὶ δώσει αὐτῷ κύριος ὁ θεὸς τὸν θρόνον Δαυὶδ τοῦ πατρὸς αὐτοῦ, 33 καὶ βασιλεύσει ἐπὶ τὸν οἶκον Ἰακὼβ εἰς τοὺς αἰῶνας καὶ τῆς βασιλείας αὐτοῦ οὐκ ἔσται τέλος. 34 εἶπεν δὲ Μαριὰμ πρὸς τὸν ἄγγελον· πῶς ἔσται τοῦτο, ἐπεὶ ἄνδρα οὐ γινώσκω; 35 καὶ ἀποκριθεὶς ὁ ἄγγελος εἶπεν αὐτῇ· πνεῦμα ἅγιον ἐπελεύσεται ἐπὶ σὲ καὶ δύναμις ὑψίστου ἐπισκιάσει σοι· διὸ καὶ τὸ γεννώμενον ἅγιον κληθήσεται υἱὸς θεοῦ. 36 καὶ ἰδοὺ Ἐλισάβετ ἡ συγγενίς σου καὶ αὐτὴ συνείληφεν υἱὸν ἐν γήρει αὐτῆς καὶ οὗτος μὴν ἕκτος ἐστὶν αὐτῇ τῇ καλουμένῃ στείρᾳ· 37 ὅτι οὐκ ἀδυνατήσει παρὰ τοῦ θεοῦ πᾶν ῥῆμα. 38 εἶπεν δὲ Μαριάμ· ἰδοὺ ἡ δούλη κυρίου· γένοιτό μοι κατὰ τὸ ῥῆμά σου. Καὶ ἀπῆλθεν ἀπ᾽ αὐτῆς ὁ ἄγγελος. (Lk. 1:26-38 BGT) |
26
và vào tháng thứ sáu, sứ thần Gáp-ri-el được Thiên Chúa sai đi vào một thành
phố của Ga-li-lê, tên là Na-gia-rét. 27
đến với một trinh nữ đã được đính hôn với một người đàn ông tên là Giu-se, xuất
thân từ nhà Đa-vít và tên của người trinh nữ ấy là Maria. 28
sau khi đi vào đến với cô, sứ thần liền nói: “Mừng vui lên, người đầy ân sủng,
Đức Chúa ở cùng cô” 29
nhưng cô bị bối rối bởi lời ấy và suy nghĩ cận trọng liệu lời chào như thế
thuộc loại nào? 30
và sứ thần nói: đừng sợ, Maria, vì bà tìm thấy ân sủng bởi Chúa. 31
Chú ý! Cô sẽ thụ thai trong lòng và sẽ sinh một con trai và cô sẽ gọi tên nó
là Giê-su. 32
cậu bé sẽ nên vĩ đại và sẽ được gọi là con của Đấng Tối Cao. 33
và cậu sẽ cai trị trên nhà Gia-cóp cho đến muôn đời và vương triều của cậu sẽ
vô cùng vô tận. 34
Maria nói với sứ thần: “làm thế nào chuyện này xảy ra khi tôi không biết đến
người đàn ông?” 35
để trả lời, sứ thần nói cùng cô ấy: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền
năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô. Vì thế, Đấng thánh sắp sinh ra sẽ
được gọi là con Thiên Chúa. 36
xem kìa! Ê-li-sa-bét, người họ hàng của bà ấy mang thai trong tuổi già của bà
ấy và đã là tháng thứ sáu rồi, bà ấy thường bị gọi là hiếm muộn. 37
vì thế, không có gì là không thể, đối với Chúa mọi chuyện đều có thể. 38
rồi Maria nói rằng: “này tôi là tôi tớ của Đức Chúa, hãy xảy ra cho tôi theo
như lời ông nói. Rồi sứ thần rời khỏi cô ấy” |
Bối cảnh Phụng Vụ:
Phụng vụ Chúa Nhật thứ bốn Mùa Vọng tiến sát gần hơn với
ngày Đại Lễ Giáng Sinh. Đây là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Chính vì thế
mà đỉnh cao của những lời kêu mời chuẩn bị trong tiến trình Mùa vọng sẽ được đạt
đến. Mùa vọng bắt đầu bằng lời mời gọi dồn dập “hãy canh thức” vì “không biết
ngày nào giờ nào”. Lời cảnh báo dồn dập này lại được tiếp tục bằng việc chỉ dẫn
cho các tín hữu biết phải canh thức bằng cách nào. Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật
II Mùa Vọng cho biết là phải canh thức bằng việc đọc lại từ đầu “Tin Mừng Của Đức
Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa”, trong đó hình ảnh của Gioan Tẩy Giả và “phép rửa
của lòng hoán cải” được nhấn mạnh. Tất cả dân cư vùng Giê-ru-sa-lem và Giu-đê đều
đến với ông để xin làm phép rửa và xưng thú tội lỗi. Cũng là Gioan Tẩy Giả,
nhưng ở Chúa Nhật III Mùa Vọng, ông được Tin Mừng Gioan giới thiệu như là “người
được Chúa sai đến” và ông đến để “làm chứng về ánh sáng” là chính Ngôi Lời nhập
thể. Và mục đích của lời chứng của ông là “để tất cả mọi người tin”. Trong Tin
Mừng Gioan, tin đồng nghĩa với việc được sống đời đời (Ga 3,15.18; 5,24; 6,35; 11.25).
Đến cuối cùng, mục đích của lời chứng của Gioan là để tất cả có được sự sống đời
đời. Đây cũng là mục đích của toàn bộ những gì Gioan đã viết ra (Tin Mừng Gioan).
Chúa Nhật cuối cùng Mùa Vọng dành để nói trực tiếp đến cách thức Ngôi Lời đã Nhập
Thể. Và nói đến cách thức Ngôi Lời nhập thể không thể không nói đến sự cộng tác
của tấm lòng nhân loại. Đó là Đức Maria, hình ảnh ưu tú nhất trong số những thụ
tạo của Chúa.
Bối cảnh bản văn:
Đoạn văn được trích ra từ chương đầu tiên của Tin Mừng
theo thánh Luca. Đây là đoạn Tin Mừng ghi lại biến cố Truyền Tin chỉ có trong
Tin Mừng Luca. Đây là đoạn văn độc quyền của Luca. Điều này nói lên tầm quan trọng
và sức ảnh hưởng của đoạn văn này trong thần học của tác giả Luca. Trong trình
thuật về biến cố Giáng Sinh, tác giả Luca có khuynh hướng cấu trúc những tường
thuật về Gioan Tẩy Giả và những trình thuật về Đức Giê-su sóng đôi với nhau. Buổi
truyền Tin của Đức Maria (1,26-38), song song với buổi truyền Tin của ông
Gia-ca-ria (Lc 1,5-25), cha của Gioan Tẩy Giả. Bài Benedictus của ông
Gia-ca-ri-a (Lc 1,68-79) cũng song song với bài ca Magnificat của Đức Maria (Lc
1,46-55); trình thuật về sự giáng sinh của Gioan Tẩy Giả (1,57-80) song song với
trình thuật về Giáng Sinh của Đức Giê-su (2,1-40). Trình thuật về buổi Truyền Tin
cho Đức Maria, tức là đoạn Tin Mừng Chúa Nhận III Mùa Vọng năm B được đặt trong
ngay sau đoạn truyền Tin cho ông Gia-ca-ria và việc bà Ê-li-sa-bét có thai được
sáu tháng theo như lời truyền tin ấy. Sau đoạn Tin Mừng này là đoạn nói về việc
Đức Maria vội vã lên đường đi thăm bà chị họ, cất lời ca Magnificat và ở lại với
người chị họ ba tháng, rồi trở về nhà mình.
Một số điểm chú giải
1.
“và
vào tháng thứ sáu”: liên từ “δὲ” (và, rồi) được đặt đầu câu 26 cho thấy sự liên tục của
trình thuật này với trình thuật trước đó. Trình thuật trước đó nói về việc truyền
tin cho ông Da-ca-ria (Lc 1, 5-25). Ông Da-ca-ria và bà Ê-li-sa-bét là những
người công chính và sống giữ luật Chúa nhưng họ không có con bởi vì bà
Ê-li-sa-bét son sẻ (Lc 1,8-9). Trong một lần dâng hương trong đền thờ theo
phiên của mình thì Da-ca-ria được sứ thần Gáp-ri-el cho biết rằng vợ ông sẽ thục
thai và sinh một con trai và ông sẽ phải đặt tên cho con là Gioan. Lời truyền
tin đó đã xảy ra và hiện nay bà Ê-li-sa-bét đã có thai được sáu tháng. Dữ liệu
về thời gian “vào tháng thứ sáu” cũng nối kết câu chuyện tiền báo về việc thụ
thai của thân mẫu Gioan và câu chuyện về việc thụ thai của thân mẫu Đức Giê-su.
Đây cũng là dữ liệu mà sứ thần Gáp-ri-el sẽ dùng để nói cùng Đức Maria, minh chứng
rằng: đối với Chúa tất cả đều có thể được (Lc 1,36-37). Thiên thần Gáp-ri-el biết
rõ chuyện này vì chính ông cũng được sai đến để truyền tin cho ông Da-ca-ria sáu
tháng trước.[1]
F. Buvon – H. Coester cho rằng câu chuyện truyền tin này vốn là một câu chuyện
riêng biệt với câu chuyện truyền tin cho ông Da-ca-ria, nhưng Luca đã cố ý nối
kết hai câu chuyện này với nhau một cách hợp lý.[2]
Người dọn đường cho Đức Giê-su được sinh ra một cách lạ lùng tương tự như Đức
Giê-su.
2.
“Na-gia-rét”: Tại Giê-ru-sa-lem có một ngôi nhà thờ được gọi là nhà thờ
thánh An-na. Nhà thờ này năm trên Đường Thánh Giá (ngày xưa Chúa Giê-su đi) giữa
cổng Con Sư Tử và chặng đàng Thánh Giá thứ hai. Các thập tự quân đã xây thánh
đường này vào khoảng 1131 và 1138 và họ tin rằng đây là nơi Đức Mẹ đã được sinh
ra và trải qua thời thơ ấu. Nhà thờ này được dâng hiến cho thánh An-na và Gioan
Kim song thân của Đức Ma-ri-a. Những dữ liệu này Thánh Kinh không hề nói đến. Một
số nhà khảo cổ học cho rằng, địa điểm này gần với Ein Karem hơn. Ein Karem là
nhà của bà E-li-sa-beth, chị họ của Maria. Vị vậy, xem ra, Đức Maria được nhận
lời truyền tin từ ngôi nhà này. Như vậy, ngay sau khi nhận lời truyền tin Đức
Maria mới vội vã lên đường đi thăm người chi họ Ê-li-sa-bét được. Nếu lời truyền
tin được xảy ra ở Na-gia-rét, một địa điểm ở miền bắc, rất xa Ein Karem, khoảng
hơn kém 150 km. Nếu đi bộ phải mất hơn 30 tiếng đồng hồ. Điều này xem ra không
thể đối với thiếu nữ Maria. Theo tường thuật của Luca, cuộc truyền tin diễn ra
tại Na-gia-rét. Luca nói rằng đây là một thành phố, nhưng có lẽ đúng hơn Na-gia-rét
thời bấy giờ chỉ là một thị trấn nhỏ.[3] Ngày
nay, tại Na-Gia-rét có một đền thờ gọi là Đền Thờ Truyền Tin. Đền thờ này được
xây trên nền đất được xem là ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria, nơi mà Đức Mẹ đã
nhận lời thiên sứ truyền tin xưa. Nơi này được khám phá lần đầu tiên có lẽ vào
thế kỷ thứ tư cùng với Đền Thờ Giáng Sinh và Đền Thờ Mộ Thánh, bởi Hoàng Thái Hậu
Hê-len-na, mẹ của hoàng đế Constantine, người đã trở lại đạo Công Giáo, và làm
cho đạo Công Giáo trở thành quốc giáo của đế quốc Rô-ma rộng lớn. Ngôi đền thờ
này gắn liền với dữ liệu Thánh Kinh của Tin Mừng Luca. Na-gia-rét là quê hương
của Đức Giê-su. Na-gia-rét là địa danh được gắn liền với tên gọi Giê-su. Ngài
được gọi là Giê-su Na-gia-rét, chứ không phải Giê-su Bê-lem (Mc 1,24; 10,47; Lc
4,34; Mt 26,71). Ngài được lớn lên ở Na-gia-rét (Lc 4,16), là một ngôn sứ xuất
thân từ Na-gia-rét (Mt 21,11). Vì Matthew không có tường thuật về biến cố truyền
Tin, nên chi tiết nhà Đức Maria ở Na-gia-rét không được nói đến trong Tin Mừng
Matthew. Theo Matthew, sau khi đưa Đức Giê-su trở về từ Ai-cập, Bố nuôi Giu-se
đưa gia đình đến sống ở Na-gia-rét. Điều này là nhằm ứng nghiệm lời đã được nói
qua các ngôn sứ rằng Người sẽ được gọi là Nazarene (Mt 2,23).
3.
“Một
trinh nữ” (παρθένος): Luca gọi Maria là một trinh nữ. Trong Mt 1,23, thiên thần xác nhận với
Giuse trong giấc mộng rằng việc vị hôn thể của Giuse mang thai và sinh con trai
là để ứng nghiệm lời của vị ngôn sứ: “này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một
con trai, họ sẽ gọi nó là Emmanuel”. Vị ngôn sứ, với mạo từ xác định ở đây
chính là ngôn sứ Isaiah. Câu này được trích lại trong Is 7,14, nhưng là bản dịch
tiếng Hy Lạp của Thánh Kinh Tiếng Do Thái. Bản dịch này thường được gọi là Bản
Bảy Mươi. Trong tiếng Do Thái, ( הָעַלְמָ֗ה) (haalma) có thể
hiểu là bất kỳ một người phụ nữ bất kỳ nào chưa lập gia đình mà không không nói
cách cụ thể đến kinh nghiệm về tình dục. Tuy nhiên, trong thời Ki-tô giáo sơ
khai, bản văn Bảy Mươi, nói rõ ràng Đức Mẹ là trinh nữ, nhằm bảo vệ một cách mạnh
mẽ những chống đối từ những người Do Thái.[4]
Danh xưng này nhằm chuẩn bị cho Lc 1,34, trong đó chính Maria thừa nhận rằng cô
“không biết người đàn ông”.[5]
Đây là một dữ liệu Thánh Kinh quan trọng để Giáo Hội tuyên tín Đức Maria đồng
trinh trọn đời. Bovon – Koester cho rằng mặc dù không lộ liễu, bản văn quan tâm
đến không chỉ phép lạ của sự giáng sinh mang tính thần linh, mà còn tình trạng
đồng trinh của Đức Maria.[6]
4.
“đã đính
hôn với” (ἐμνηστευμένην): Động từ đính hôn được dùng ở thì hoàn thành, thể bị động
và lối thêm -ing. Đây là cách dùng duy nhất và chỉ cho Đức Maria. Theo J.
Fitzmyer, hôn nhân theo phong tục Do Thái gồm có hai hành động: (1) đính hôn
hay là một sự trao đổi sự đồng ý lấy nhau cách long trọng trước sự hiện diện của
các nhân chứng; (2) đám cưới hay là đưa cô gái về nhà người chồng (Mt 1,18;
25,1-13). Sự đính hôn cho chú rể những quyền hợp pháp trên cô gái, người có thể
được gọi là “vợ” rồi. Nó chỉ có thể được phá vỡ bởi sự li dị của anh ta với cô
ta, và bất cứ gây hại nào đến những quyền hôn nhân bởi cô ta đều bị xem là ngoại
tình. Sau khi đính hôn, cô gái thường tiếp tục sống với cha mẹ ruột của mình
khoảng 1 năm trước khi được rước về nhà chồng.[7] Việc
đính hôn với Giu-se là móc nối quan trọng không chỉ cho Đức Maria mà nhất là
cho Hài Nhi Giê-su sau này.
5.
“Xuất
thân từ nhà Đa-vít”: Mấu
chốt của sự móc nối về mặt lịch sử và lời hứa nằm ở nguồn gốc, xuất thân của
ông Giu-se. Cả Luca và Matthew đều có trình thuật về gia phả của Đức Giê-su (Mt
1,1-17; Lc 3,23-37). Tuy Matthew và Luca dùng mẫu thức hơi khác nhau để mô tả
gia phả này, cả hai đều cố gắng nối kết ông Giuse với Đức Giê-su. Luca nói rằng:
“Đức Giê-su là con của Giu-se như người ta nghĩ” (Lc 3,23). Matthew thì nói
khác: “Giuse chồng của Maria, và Maria là mẹ của Đức Giê-su, người được gọi là
Messiah” (Mt 1,16). Giuse là hậu duệ đời thứ 40 của vua Đa-vít, theo gia phả của
Luca và hậu duệ thứ 27 theo gia phả của Matthew. Cách tính thế hệ này rõ ràng
là không giống nhau, cho nên thật khó để xem đó như là một dữ liệu chính xác về
mặt lịch sử. Đó chỉ là những dữ liệu mang tính thần học mà mỗi tác giả chọn lựa
để trình bày. Điều quan trọng là Đức Giê-su có mối liên hệ cha-con với Giu-se,
mà Giuse là hậu duệ của vua Đa-vít. Tại sao sự móc nối với triều đại Vua Đa-vít
lại quan trọng đến vậy. Thưa bởi vì nó liên quan đến nguồn gốc xuất thân của Đấng
Messiah. Nguồn gốc xuất thân này đã được ngôn sứ Na-than nói đến trong 2 Sm 7.
Sự móc nối này nhằm giúp người Do Thái tin rằng Đức Giê-su chính là Đấng
Messhiah mà dân Do Thái đang mong đợi. Qua ngôn sứ Na-than, Chúa đã hứa với vua
Đa-vít rằng: “khi những ngày của ngươi đã tàn, ta sẽ cất nhắc hậu duệ người thừa
kế ngươi, máu và thịt ngươi và ta sẽ thiết lập vương quốc của nó. Nó sẽ là người
sẽ xây một ngôi nhà cho tên của ta, và ta sẽ thiết lập ngai vàng của vương quốc
của nó muôn đời… nhà của ngươi và vương quốc của ngươi sẽ kéo dài mãi mãi trước
ta, ngai vàng của ngươi sẽ được thiết lạp mãi mãi” (2 Sm 7,12-13.16). Chính vì
thế, xuất thân “từ nhà Đa-vít” của Giu-se là một chi tiết rất cần thiết và quan
trọng. Cũng giống như Matthew (1,1.6.17.20), Luca dùng trình thuật thơ ấu để nhấn
mạnh sự nối kết của Đức Giê-su với vua Đa-vít, thậm chí khi Giuse chỉ là trung
gian.[8]
6.
“Mừng
vui lên”: hô ngữ “χαῖρε” trong Hy ngữ có thể được hiểu một cách đơn giản như là
một lời chào, hoặc là một lời mời gọi là “hãy mừng vui lên”. Trong bối cảnh
truyền tin này câu chào này có thể được hiểu cả hai. Nó kết hợp với danh xưng
“người đầy ân sủng” tạo ra cho Đức Maria một sự ngạc nhiên, bối rối. Đây là cụm
từ được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng ít nhất 3 lần (Xp 3,14; Dcr 9,9; Ge 2,21)
khi mời gọi Thiếu Nữ Sion hãy vui lên vì thời Đấng Messiah đã gần đến. Lời mời
gọi này nhắm đến niềm vui cánh chung khi Thiên Chúa cứu độ dân Ngài.[9] J.
Fitzmyer cho rằng những dẫn chứng này giới thiệu một lời tiên tri cho Israel hoặc
Giê-ru-sa-lem về sự phục hồi của dân Chúa.[10]Sau
này, các giáo phụ thường xem Đức Maria chính là thiếu nữ Sion ấy, người đại diện
cho toàn dân Ít-ra-en để đón nhận lời mời gọi của thiên sứ và mở ra kỷ nguyên cứu
độ cho dân Ít-ra-en và toàn thể nhân loại.[11]
7.
“Người
vừa lòng Thiên Chúa” (κεχαριτωμένη): Đây là danh xưng chỉ dành cho một mình Đức Maria. Đức Maria chắc hẳn
đã không khỏi ngỡ ngàng vì tên gọi mới mà thiên sứ đặt cho mình: “Người Thiên
Chúa hài lòng”. “Đấng đầy ân sủng” (gratia plena) là cụm từ được bản dịch Vulgata
(bản dịch tiếng Latinh của Giê-rô-ni-mô) sử dụng. Có thể vì thế mà bản dịch Việt
Ngữ dịch là “Đấng đầy ân sủng”. Theo nguyên ngữ “kêkharitômênê” có nhiều nghĩa
khác nhau như: duyên dáng, dễ thương, vừa lòng Thiên Chúa… trong bối cảnh này,
có lẽ, “đẹp lòng Chúa” là điều mà thiên thần nhắm đến. Động tính từ
“kêkharitômênê” được chia ở thì hoàn thành cho thấy Đức Maria đã, đang và sẽ là
người đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi việc.
8.
“Đức
Chúa ở cùng cô”: Được Chúa ở cùng
là một hồng ân cao cả mà biết bao người mơ ước. Đức Giê-su sẽ được gọi là
Emmanuel, nghĩa là Thiên Chua ở cùng chúng ta. “Chúa ở cùng” kết hợp với “đẹp lòng
Chúa” và “mừng vui lên” để làm nên một chuỗi hồng ân dày đặc mà sứ thần công bố
cho Đức Maria. Trong Cựu Ước “Đức Chúa ở cùng” thường được dùng để trấn an và bảo
đảm cho những người được Chúa sai đi thi hành sứ vụ cao cả trong lịch sử cứu độ.[12] Ví
dụ, sứ thần nói với ông Ghi-đe-on (Tl 6,12) trước khi sao ông đi làm nhiệm vụ giải
thoạt dân. Trong Cựu Ước cụm từ này thường diễn tả sự trợ giúp của Đức Chúa và mang
nghĩa chính trị. Ở trong bối cảnh này Đức Chúa ở cùng Maria nhằm đảm bảo cho cô
đủ sức mạnh và sự trợ giúp cần thiết để thi hành sứ vụ cưu mang và dưỡng dục Đấng
Cứu Thế.
9.
Giê-su: Theo Tin Mừng Matthew, sứ thần báo mộng cho Giuse là phải
đặt tên cho người con mà Đức Maria sẽ sinh ra là Giê-su vì đứa bé này “sẽ cứu dân
của nó khỏi tội lỗi” (Mt 1,21). Theo Tin Mừng Luca, chính Đức Maria sẽ phải gọi
tên cậu bé là Giê-su, nhưng sứ thần Gáp-ri-el lại không đưa ra lý do phải đặt tên
đứa bé là Giê-su. Mẫu thức này tương tự như là mệnh lệnh mà sứ thần đã truyền
cho ông Da-ca-ri-a, “Ê-li-sa-bét sẽ sinh một con trai và ngươi sẽ gọi tên nó là
Gioan” (Lc 1,13). Tên gọi Giê-su có nguồn gốc từ tiếng Do Thái là Giơ-hô-sua
(Gs 1,1: יְהוֹשֻׁ֣עַ), phiên âm Việt
Ngữ của nhóm CGKPV là Giô-suê. Đây là một tên ghép tên thần linh. Trong tên này
gồm hai yếu tố: tên của một vị thần + động từ ở dạng mệnh lệnh. Trong tên của Giô-suê
có tên của Chúa là Yahu = Yahweh và mệnh lệnh cách của động từ sawa (giúp đỡ). Tên
này có nghĩa là “Yahweh, hãy cứu giúp”. Theo thời gian Giê-hô-sua (Gs 1,1) rút
ngắn thành Giô-sua rồi thành Giê-sua (Er 2,6).[13] Tên
gọi này có gốc là động từ “יָשַׁע”, nghĩa là cứu, giải thoát. Tên gọi Giê-su được gọi theo
Matthew là vì cậu bé sẽ giải thoát dân của mình khỏi tội lỗi. Nếu như khi xưa
Giô-suê đã thay Mô-sê đưa dân vượt qua sông Gio-đan để đi vào đất hứa, thì nay
Giê-su sẽ giải thoát dân của Ngài vượt qua tội lỗi và bóng đêm của sự chết để
tiến vào quê trời vĩnh cửu.
10. “Không biết người đàn ông”: Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, chữ biết là một cách nói tránh
nói giảm của hành vị quan hệ vợ chồng. Động từ biết được chia ở thì hiện tại,
diễn tạ một sự thật hiện nhiên, hoặc một tình trạng lâu dài. Đức Maria, đã và sẽ
không “biết người đàn ông” chứ không phải là Đức Maria “chưa biết người đàn ông”.
Sách Sáng thế diễn tả hành vi vợ chồng giữa A-đam và E-và cũng bằng động từ biết
“ יָדַ֖ע”(St 4,1.35): A-đam “biết” E-và. Tin Mừng
Matthew cũng dùng động từ biết khi nói Giuse “rước Maria về nhà mình và không ‘biết’
bà cho đến khi cô sinh một con trai” (Mt 1,25). Đức Maria, trong Tin Mừng Mác-cô
thì nói rằng “vì tôi không biết người đàn ông”. Túc từ người đàn ông còn được đặt
trước động từ để nhấn mạnh. Bản dịch Anh ngữ (ESV) “vì tôi là một trinh nữ”, và
(RSV) là “tôi không có chồng”; bản dịch Pháp Ngữ (TOB) là “vì tôi không biết những
hành vi vợ chồng” bản dịch Việt Ngữ (CGKPV) là “vì tôi không biết đến việc vợ
chồng”, bản dịch Ý Ngữ xem ra gần với bản văn Hy Ngữ hơn: “vì tôi không biết người
đàn ông”. Việc Đức Maria thừa nhận điều này rất có ý nghĩa vì nó góp phần lý giải
cho việc Đức Giê-su thụ thai không qua hành vi vợ chồng của một người đàn ông
nhưng do quyền năng Thiên Chúa. Câu giải thích tiếp theo của thiên sứ sẽ làm
cho ý nghĩa của việc nhập thể cách nhiệm mầu của con Thiên Chúa được trọn vẹn: “Thánh
Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô”. Bovon
– Koester hiểu rằng Thiên Chúa đã thay người cha nhân loại qua hoạt động của Thần
Khí của Ngài.[14]
Để rồi người con sinh ra không phải là con của loài người nhưng là “con của Đấng
Tối cao”. Nguồn gốc của Đức Giê-su được truy về tận cõi trời cao chứ không thuộc
đất thấp. Cũng như Mác-cô giới thiệu ngay cầu đầu tiên của Tin Mừng do ông soạn
thảo: “Tin Mừng Đức Giê-su, Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Sự “không biết đến
người đàn ông” vì thế mà trở thành dữ liệu rất quan trọng trong mầu nhiệm nhập
thể.
11. “Ngai vàng của Đa-vít, cha của nó”: Ngay từ đầu tác giả đã cố gắng nối kết Giu-se với nhà Đa-vít
cũng như trong các gia phả của Matthew và Luca, giờ thì sứ thần nói đến việc “Đức
Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho cháu bé ngai vàng của Đa-vít cha của nó”. Đức Giê-su
là con của Đấng tối cao, nhưng Ngài có tương quan dưỡng-phụ-tử với thánh Giuse,
vì thánh Giuse là chồng chính thức của thân mẫu Ngài. Thánh Giuse thuộc dòng dõi
vua Đa-vít, Đức Giê-su đương nhiên thừa hưởng ngai vàng của vua Đa-vít, cha ông
của Ngài. Ngai vàng này do Đức Chúa ban. Sau này Đức Giê-su tiến
vào Giê-ru-sa-lem và được tôn vinh như là một vị vua. Tuy vậy, Ngài đã chết như
một tên tử tội. Ngai vàng của Ngài không phải là một chiếc ghế rồng bằng vàng
hay gỗ quý. Ngai vàng của Ngài là thập giá và vương miện của Ngài là vòng gai
nhọn vì Ngài là vị vua tình yêu. Ngài sống và chết cho dân Ngài. Lời hứa trao
ban ngai vàng trong ngày truyền tin sẽ được Đức Giê-su hoàn trọn bằng những hành
vi chăm sóc, dạy dỗ, chữa bệnh, vác lấy thập giá lên đỉnh đồi Gol-gô-tha, và chết
ở đó.
12. “hãy
xảy ra cho tôi theo như lời ông nói”
Sau
khi nhìn nhận mình là “tôi tớ” là nữ tỳ, Đức Maria đã thưa lên cùng Chúa: “Xin
Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Đây là câu nói khá lạ lùng vì mạch
văn đang kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần nhưng trong câu này
thì Đức Maria lại thưa lên cùng Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ rằng Đức Maria đặt
mình trong tương quan với chính Chúa trong cuộc gặp gỡ này. Cuộc đối thoại của
thiên sứ và Đức Maria kết thúc, giờ đây Đức Maria đã sẵn lòng hướng lên Thiên
Chúa, mở lòng đón nhận sứ mạng Ngài trao gởi mặc cho những uẩn khúc trong lòng
và khó khăn trước mắt.
Đây
là đoạn văn cao trào và cũng là đoạn kết tuyệt vời nhất của trình thuật về biến
cố “truyền tin” cho Đức Mẹ. Đức Mẹ khiêm tốn xin Thiên Chúa thi hành thánh ý
Ngài trên cuộc đời Mẹ. Đó là ưu phẩm tuyệt vời nhất của Đức Mẹ. Ưu phẩm ấy có
tên là “Xin Vâng”. Ngoài Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa là cội nguồn và kiểu mẫu
duy nhất cho sự vâng lời khi Ngài vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá
thì chỉ có Đức Maria, thụ tạo duy nhất có được bản “copy” vâng lời giống với bản
chính, rõ ràng, sáng sủa nhất.
Sự
xin vâng của Mẹ Maria có ý nghĩa đặc biệt không phải cho riêng cuộc đời Mẹ
nhưng khi đặt trong viễn ảnh Mầu Nhiệm Cứu Độ. Chính sự xin vâng ấy đã khởi đầu
cho hành trình làm người của Con Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa thực hiện lời hứa,
biểu lộ lòng thành tín của Ngài thực thi công trình cứu độ của Ngài trên nhân
loại. Mẹ xin vâng không phải vì chính Mẹ nhưng mang lấy vận mạng của toàn nhân
loại.
Bình luận
Trình thuật truyền tin cho Đức Maria (1,26-38) được đặt
ngay sau trình thuật truyền tin cho Ông Da-ca-ria (1,5-25). Đó là hai trình thuật
liền mạch và có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng rất khác biệt giữa hai trình
thuật về truyền tin. Giống nhau: (1) giới thiệu những biểu tượng then chốt (Gia-ca-ri-a
và E-li-sa-bét; Đức Maria); (2) đề cấp đến điều kiện đặc biệt không thể thụ
thai bình thường (tuổi già; đồng trinh); (3) Gặp gỡ với thiên thần Gáp-ri-el; (4)
phản ứng bối rối (Da-ca-ri-a đối với sự xuất hiện của thiên sứ; Maria đối với lời
chào lạ lùng); (5) lời mời gọi đừng sợ; (6) thông báo về việc mang thai và hạ
sinh, bao gồm cả tên của đứa trẻ, dự báo về sự cao trọng, vai trò của Thánh Thần
trong biến cố sắp xảy ra, (với Đức Maria thì mẫu thức trì hoãn đến câu 25), vai
trò tương lai của đứa trẻ; (7) một câu hỏi để tìm câu trả lời cho vấn đề của thông
báo của thiên sứ; (8) trả lời của thiên sứ, bao gồm một dấu; (9) Từ biệt. Khác
biệt nhau thể hiện qua sự nhấn mạnh đến sự vượt trội của trình thuật truyền tin
thứ hai. (1) Truyền tin thứ nhất là để đáp trả cho lời nguyện cầu; truyền tin
thứ hai hoàn toàn là sự khởi đầu từ Chúa; (2) thụ thai bởi người son sẻ và tuổi
già là một phép lạ của Chúa nhưng đã có tiền lệ trong Cựu Ước (Sam-son,
Samuel); thụ thai bởi một trinh nữ là phép lạ chưa từng được nghe; (3) Da-ca-ri-a
được chào bằng tên; nhưng Maria được chào bằng một lối diễn tả đặc biệt (“vui lên,
người được yêu chuộng, Đức Chúa ờ cùng cô”); (4) Gioan sẽ nên cao trọng trước Đức
Chúa; nhưng sự vĩ đại của Giê-su không có sự so sánh; (5) Gioan được thánh hiến
thành sự kiêng khem của một nazir; sự thánh thiêng của Giê-su mở rộng đến ngay sự
căn bản của sự hiện hữu của Ngài (6) Gioan là người chuẩn bị; nhưng Giê-su sẽ là
Người Con của Đấng Tối Cao và Vua muôn đời; (7) Gioan sẽ đầy tràn Thánh Thần
khi còn trong lòng mẹ; nhưng sự hiện hữu nhân loại của Giê-su được gắn liền hoàn
toàn với hoạt động của Thần Khí; (8) Da-ca-ri-a không thể tin vào thông báo của
thiên sứ; Maria công bố rằng cô sẵn sàng phục vụ cho mục đích mà Chúa đề ra.[15] Cuộc
truyền tin cho sự hạ sinh của kẻ dọn đường là tiền báo cho cuộc truyền tin cho sự
hạ sinh của Đấng Được Dọn Đường, Đấng Messiah. Đấng Messiah cao trọng hơn Gioan
nên cuộc truyền tin về sự hạ sinh của Đấng Messiah cũng long trọng hơn cuộc
truyền tin cho Gioan. Trong trình thuật truyền tin này, nhiều nét đẹp và ân sủng
mà Đức Chúa dành cho Đức Maria được tỏ bày. Maria là thiếu nữ Sion, được mời gọi
mừng vui lên trong ngày xuất hiện của Đấng Messiah. Maria được Chúa ưa chuộng, đầy
tràn hồng ân. Maria cũng được Chúa ở cùng. Đây là những ân sủng và phẩm tính cần
thiết để Đức Maria đón nhận sứ vụ làm cung lòng cho Ngôi Hai Nhập thể. Tuy nhiên,
Đức Maria cũng phải được mời gọi và có tự do chọn lựa của riêng cô. Chính vì thế
mà việc suy nghĩ, và đặt câu hỏi rồi cuối cùng đưa ra quyết định là rất quan trọng
để cho mầu nhiệm nhập thể được thể hiện. Đức Maria đã đặt nhiều câu hỏi và rồi,
cô cũng thưa tiếng xin vâng. Cô mở lòng ra và mời gọi Chúa hãy thực hiện trên
cuộc đời cô những điều sứ thần nói. Dẫu rằng, lời thưa xin vâng này chắc sẽ đưa
đến cho cô nhiều rắc rối, khổ đau và cả cái chết. Cô phải đối diện với chồng cô
là Giuse người công chính và cả gia đình hai bên nữa. Cô phải đối diện với giới
chức Do Thái và bản án ném đá đến chết. Cô sẵn sàng chấp nhận hết vì cô ý thức
rõ mình là nữ tỳ của Chúa, và sẵn sàng phục vụ bất cứ sứ vụ nào mà Chúa giao cho.
Trình thuật truyền tin cũng tỏ lộ nhiều điều cốt lõi về thân phận, căn tính của
Đức Giê-su. Đức Maria thụ thai lúc còn đồng trinh và do quyền năng của Thần Khi
Chúa. Chính vì vậy mà Ngài không phải là hạt giống nhân loại. Chính vì thế Ngài
sẽ được nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối cao. Nghĩa là Ngài là Con Thiên Chúa. Ngài là con của Giuse
theo tương quan dưỡng-phụ-tử và vì vậy Ngài thuộc hoàng tộc vua Đa-vít. Ngài sẽ
là hậu duệ của vua Đa-vít được Thánh Kinh Cựu Ước nói đến trong sách Samuel quyển
thứ hai, chương 7. Đây là đoạn Thánh Kinh cốt lõi cho niềm tin và niềm mong chờ
vào sự xuất hiện của Đấng Messiah, đã có từ lâu trong truyền thống Do Thái. Ngài
sẽ được trao vương quyền Đa-vít, cha ông của Ngài và sẽ trị vì nha Gia-cóp, tức
nhiên là dân Ít-ra-el đến muôn đời. Vương quốc và vương quyền này là do chính Đức
Chúa, Thiên Chúa ban cho Ngài chứ không chỉ là thừa kế từ hoàng tộc Đa-vít, cha
ông Ngài. Chính vì thế mà thời gian trị vì của ngài là không giới hạn. Ngài là Đấng
Messiah đã được hứa là sẽ xuất hiện trong hoàng tộc Đa-vít nhưng đồng thời Ngài
vượt trội hơn hết cha ông Ngài và mọi phàm nhân vì Ngài đến từ trời cao. Đoạn
Tin Mừng này được chọn đọc trong Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Chúa Nhật Cuối cùng của
Mùa Vọng, nhằm giới thiệu cho chúng ta về căn tính của Đấng Messiah, và khởi
nguồn của Mầu Nhiệm Nhập Thể, trong đó vai trò của Đức Maria cũng không hề nhỏ.
Mẹ chính là thành phần ưu tú nhất của nhân loại được tuyển chọn và kêu mời cộng
tác vào công trình cứu độ này. Và Mẹ đã khiêm hạ nhiệt thành đóng góp từ đầu
cho đến cuối.
[1]
R.C.H. Lenski, The
Interpretation of St. Luke's Gospel (Minneapolis 1961) 59.
[2]
F.
Bovon – H. Koester, Luke 1. A Commentary on the Gospel of Luke 1:1-9:50 (Minneapolis 2002) 47
[3]
L.T. Johnson, The Gospel
of Luke (SP 3; Collegeville 2005) 36.
[4]
Ibid.
[5]
J.A. Fitzmyer, The Gospel
According to Luke I-IX. Introduction, Translation, and Notes (New Haven –
London 2008) 343.
[6]
F. Bovon – H. Koester, Luke
1, 49.
[7]
J.A. Fitzmyer, The Gospel
According to Luke I-IX, 344.
[8]
L.T. Johnson, The Gospel
of Luke, 37.
[9]
F. Bovon – H. Koester, Luke
1, 50.
[10]
J.A. Fitzmyer, The Gospel
According to Luke I-IX, 345.
[11]
Joseph Phạm Duy Thạch, “sáu nét đẹp của Đức Maria trong biến cố truyền tin (Lc
1,26-38)” (HORIZON
MISSIONARY: SÁU NÉT ĐẸP CỦA ĐỨC MARIA TRONG BIẾN CỐ TRUYỀN TIN (Lc 1,26-38)
(josephpham-horizon.blogspot.com).
[12] J.B. Green, The Gospel of Luke
(NICNT; Grand Rapids 1997) 87.
[13]
J.A. Fitzmyer, The Gospel
According to Luke I-IX, 347.
[14]
F. Bovon – H. Koester, Luke
1, 44.
[15]
J. Nolland, Luke 1:1-9:20
(WBC 35A; Dallas 2002) 41.
No comments:
Post a Comment