Friday, 15 May 2020

CÒN YÊU THẦY KHÔNG!?


Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A, tiếp tục lời từ biệt của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ, trước lúc Người bước vào cuộc khổ nạn. Những lời nói lúc biệt ly thầy-trò dĩ nhiên là những lời chân tình tự đáy lòng. Từng câu từng chữ của Chúa Giê-su đều rất quan trọng và thấm thía. Tất cả đều xoay quanh mối tương quan của thầy-trò.
1.     Yêu thì phải giữ điều răn; và giữ điều răn chứng tỏ là yêu (Ga 14:15.21).
Đoạn Tin mừng Ga 14:15-21 có sự khởi đầu và kết thúc nối kết với nhau một cách rất chặt chẽ. Câu đầu tiên, Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em yêu Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (14:15) và câu cuối cùng Chúa Giê-su lặp lại: “Ai giữ có và giữ các điều răn của Thầy, kẻ ấy là người yêu Thầy” (14:21). Điều quan trọng nhất trong mối liên hệ thầy-trò giữa Chúa Giê-su và các môn đệ là tình yêu. Các môn đệ đã được Chúa Giê-su yêu thương, chọn lựa, dạy dỗ và sai đi. Nhưng đã đến lúc Chúa Giê-su “phải rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 13:1). Thánh Gioan đã bộc lộ cho chúng ta biết “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). Bằng chứng là trong bữa ăn tối cuối cùng ấy, Người đã cởi áo khoác, lấy dây thắt lưng, quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ, không trừ một ai; kể cả Phê-rô, kẻ sẽ chối Người 3 lần; kể cả Giu-đa, kẻ sẽ nộp Người (Ga 13: 4-12). Người yêu thương tất cả họ và cho đến cùng.
Thế còn các môn đệ thì sao? Khi Thầy đi rồi thì họ còn yêu thương quyến luyến với Thầy nữa không? Được bao lâu? Và làm sao để biết được là họ thật sự vẫn còn yêu Thầy? dấu hiệu nào để cho thấy lòng họ chẳng đổi thay? Nhãn hiệu chứng thực họ vẫn còn yêu Thầy Giê-su đó chính là: giữ điều răn của Chúa Giê-su (Ga 14:15). Điều răn của Chúa Giê-su là điều răn nào? Thưa đó là một điều răn mới mà Chúa Giê-su đã ban sau khi Người rửa chân cho các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (13:34). Điểm chuẩn của tình yêu mà các môn đệ phải dành cho nhau là cách yêu, và mức độ yêu mà Chúa Giê-su đã dành cho họ. Đó là yêu cho đến chết; yêu đến hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Mức độ tình yêu của Chúa Giê-su là vô giới hạn; không phân biệt ranh giới và đối tượng. Người yêu hết mọi người, ngay cả kẻ phản bội và kẻ chối bỏ Người.  Và tha thứ tất cả cho những kẻ âm mưu ám hại Người: từ các lãnh đạo Do Thái, đến đám đông bị xúi dục, đến Phi-la-tô, và những người thi hành án. Người yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Đó là ý nghĩa của cụm từ “như Thầy đã yêu thương anh em”.
Thầy yêu anh em thế nào thì anh em phải yêu thương nhau như thế đó. Đó chính là điều răn mới, điều răn tình yêu tuyệt đối của Chúa Giê-su. “Mới” vì Chúa Giê-su mới ban, và tình yêu của Chúa Ki-tô chính là điểm quy chiếu của tình yêu đích thực. Tuyệt đối vì nó lấy tình yêu tuyệt đối của Người làm quy chuẩn. Muốn chứng tỏ mình yêu Chúa Giê-su thì phải giữ điều răn mới này của Chúa Giê-su. Tức là yêu thương nhau “như Thầy đã yêu thương.” Mà muốn yêu như “Thầy đã yêu” thì phải cảm nhận được Thầy đã yêu chúng ta như thế nào. Đó không còn là hiểu biết, là lý trí, nhưng phải là cảm xúc của con tim. Tôi có cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho tôi hay không? Cảm nhận ở mức độ nào. Từ mức độ của sự cảm nhận đó tôi mới đáp lại lời mời gọi “yêu như Thầy yêu” của Chúa Giê-su. Nếu tôi cảm nhận được ít, thì tình yêu của tôi dành cho tha nhân cũng ít. Nếu tình yêu của tôi không lấy tình yêu của Chúa Giê-su làm chuẩn thì tình yêu của tôi chỉ là sản phẩm của “cái tôi chủ quan.” Tôi sẽ chỉ yêu kẻ nào đáng yêu, đẹp về ngoại hình, đẹp về nhân cách, hoặc là kẻ quan tâm đến tôi. Nói cách khác tôi sẽ khoanh vùng, chọn lựa người tôi muốn yêu. Và tôi vạch ranh giới và loại trừ kẻ mà tôi không muốn yêu. Tôi sẽ đặt tên, chọn lựa kẻ đáng yêu, và phân biệt kẻ đáng ghét. Hơn nữa, tình yêu của tôi sẽ hạn hẹp, èo uột, thiếu sinh khí. Nếu như tình yêu của tôi không “như Chúa yêu” thì tình yêu của tôi sẽ có giới hạn. Tôi sẽ tự đặt ra giới hạn về mức độ và thời gian cho tình yêu của tôi dành cho một người anh em chị em. Tôi yêu anh, nhưng trong mức độ nào đó thôi, không thể hơn được nữa. Nếu phải đổ máu ra thì không bao giờ. Tôi yêu anh, yêu chị, nhưng trong khoảng thời gian nào đó, một tháng, một năm, vài năm chứ không phải mãi mãi, luôn luôn. Như vậy thì tôi chưa giữ điều răn của Chúa. Và chưa giữ điều răn của Chúa nghĩa là tôi không yêu Chúa đúng nghĩa. Tình yêu của Chúa là vô giới hạn, đến chết, và không phân biệt một ai. Rất khó để đạt đến tình yêu này. Thế nhưng không phải không thể và không phải là không ai làm được. Đó không phải là lời mới gọi mà Chúa Giê-su dành cho những người ưu việt. Không phải! Chúa dành cho tất cả mọi người, cho thường dân, cũng như tu sĩ nam nữ; cho những người mang danh là ki-tô hữu. Nó khó bởi người ta chưa thật sự cảm nhận được mức độ lớn lao vô hạn của tình yêu Chúa dành cho mình. Nó bất khả thi vì người ta luôn hướng về mình thay vì nghĩ và sống cho kẻ khác.
2. Yêu thì được CHúa Cha yêu và được Chúa Giê-su yêu và tỏ mình cho
Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay quá đẹp, quá hoàn hảo: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến và Thầy sẽ yêu mến kẻ ấy và tỏ mình ra cho kẻ ấy” (14:21). Hoa trái của sự quý mến dành cho Chúa Giê-su đó là được Chúa Cha yêu. Chúa Giê-su nói “ai yêu mến Thầy” ở đây có nghĩa là “ai giữ điều răn của Thầy” cũng có nghĩa là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu”. Nói cách khác. Yêu nhau “như Thầy đã yêu” chính là yêu Chúa Giê-su. Tình yêu dành cho Chúa Giê-su từ đây thể hiện qua trung gian của tình yêu nhân loại dành cho nhau. Vì ai nói là tôi yêu mến Chúa Giê-su mà lại ghét người khác thì kẻ ấy là kẻ nói xạo trắng trợn theo như giải thích của thánh Gioan: “Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối  vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4:20). Ai yêu mến Chúa Giê-su thì được Chúa Cha và Chúa Giê-su yêu mến và tỏ mình cho. Đây có thể nói là phần thưởng tốt nhất Chúa Giê-su hứa cho những ai yêu thương nhau. Tình yêu của họ sẽ vươn đến Chúa Cha, và họ sẽ được Thiên Chúa yêu thương chúc phúc. Sự tỏ mình của Chúa Giê-su có thể hiểu theo 2 cách. Theo nghĩa đen, đó là một cuộc thần hiện, cuộc hiện ra của Chúa, như là kinh nghiệm của các thánh. Trên thực tế, nhiều vị thánh đã từng gặp Chúa. Và đó là cảm giác hạnh phúc tuyệt đỉnh, khó tả. Theo nghĩa bóng, sự tỏ bày của Chúa Giê-su là sự tỏ bày của tình yêu. Khi người ta “yêu như Thầy đã yêu”, nghĩa là yêu bằng chính tình yêu của Chúa Giê-su thì rõ ràng Chúa sẽ ngự trị. Và nơi đâu Chúa ngự trị thì nơi đó sẽ có được hạnh phúc viên mãn.
Phần thưởng được Chúa Cha và Chúa Giê-su yêu có phải là sự mong đợi của nhiều người ngày hôm nay không? Xem chừng phần thưởng này xa lạ quá. Đối với nhiều người ngày nay, phần thưởng dành cho những ai yêu mến Thầy nếu đồi ra được là 100 triệu đồng Euro, hay 1 tỷ đôla thì xem ra hấp dẫn hơn. Và thế là tình yêu dành cho Chúa, dành cho nhau ngày càng xa vời. Họ không yêu Chúa nên họ không yêu nhau “như Chúa yêu”. Và họ cũng chẳng cần phần thưởng được Chúa yêu và tỏ mình. Điều họ mong mỏi và tìm kiếm là tiền vàng và danh vọng, cộng với tuổi thọ miên trường. Thực ra, trong xã hội và đặc biệt là trong các gia đình, giáo xứ, dòng tu, tình yêu vẫn tồn tại. Thế nhưng người ta ít tìm thấy một tình yêu thuần khiết, trọn vẹn, bền lâu, bao la, đích thực bởi tình yêu ấy thiếu điểm quy chiếu nơi tình yêu của Chúa Ki-tô và thiếu sự hướng đến phần thưởng "được Chúa yêu và được Chúa tỏ mình." Do vậy, Lời tâm sự của Chúa Giê-su năm xưa vẫn luôn mới mẽ. Nó thách thức, thúc đẩy, cật vấn, nâng đỡ, và mời gọi tất cả những ai xem Người như là Thầy, và muốn bước theo Người.
Joseph Phạm Duy Thạch SVD
CN VI PS 2020

No comments:

Post a Comment