Saturday, 18 July 2020

Cỏ lùng trong ruộng lúa, cỏ lùng trong đời và cỏ lùng trong lòng (Mt 13, 26-30.36-43)

 

1.       Hat giống lúa: Chúa Giê-su đã lý giải cho các môn đệ là, chính Con Người, tức là Chúa Giê-su đã gieo hạt giống. Giống Chúa Giê-su gieo chắc chắn là giống tốt. Đó là con cái Nước Trời. Con cái Nước Trời là những người tin vào Chúa, nghe lời Chúa Giê-su giảng dạy và thực hiện theo.

2.       Hạt giống cỏ lùng: cũng giống như một ruộng lúa bình thường. Người nông dân gieo vào ruộng của mình những hạt giống tốt nhất. Họ không gieo cỏ lùng. Nhưng rồi cỏ lùng tự nó mọc lên và nhiều khi còn mạnh hơn cả những cây lúa. Người nông dân không hề ngạc nhiên và đặt câu hỏi, cỏ lùng ở đâu mà ra. Họ chỉ biết rằng, muốn có thu hoạch thì phải làm cỏ, bỏ phân cho lúa. Thường thì họ phải làm cỏ đến hai lần chứ không phải một lần là đủ. Người đầy tớ trong dụ ngôn lại đặt câu hỏi về nguồn gốc của cỏ lùng một cách khác thường. Và câu hỏi là có nên nhổ cỏ lùng hay không cũng vô cùng lạ lùng. Cho nên, những chi tiết này xem như không có thật trong đời thường của một nhà nông chinh hiệu. Đối với nhà nông thì việc nhổ cỏ và bón phân cho lúa là điều không cần bàn hỏi. Nếu không làm cỏ thì làm gì có lúa mà ăn. Có những chi tiết khác biệt này là bởi vì đây là một câu chuyện về Nước Trời chứ không phải là một ruộng lúa bình thường. Trong ruộng lúa nước trời ông chủ xử lý khác thường, bởi lẽ nó không còn là câu chuyện của cỏ cây hoa lá nhưng là chuyện của những con người có lý trí, ý chí và tình yêu. Không phải là chuyện của việc thu hoạch thóc lúa nhưng là cánh chung và ơn cứu độ, quyết định số phận của con người.

3.       Cách xử lý: Cứ để cả hai cùng mọc lên. Con cái Nước Trời và con cái Ác Thần cùng lớn lên. Thật kỳ lạ! nhưng nó lý giải được thực tiễn của chuyện thế gian. Thế gian luôn có kẻ tốt người xấu lẫn lộn và nhiều khi số lượng Lý Thông lại nhiều hơn số lượng Thạch Sanh nhiều lần. Và thế gian sao lắm mụ phù thủy mà lại quá ít nàng Bạch Tuyết. Ấy là thế gian. Và nhiều lần nhiều người vẫn đến thưa với Chúa rằng: sao Chúa không vặn cổ, nhổ răng, trụng nước sôi, chiên giòn những kẻ đâm cha, giết chú, cướp bóc, ám hại dân lành. Và những ngày gân đây người ta bức xúc trước cảnh con các ác thần tấn cong, đốt nhà thờ, đốt tượng Mẹ Maria trên đất Mỹ. “người đầy tớ” sẽ hỏi rằng sao Chúa không phạt tụi nó chết nhăn răng đi. Thế nhưng, Chúa vẫn ôn tồn: “ấy ấy, chớ đụng vào chúng, cứ để cả hai cùng mọc lên”. Tại sao lại thế? Liệu lúa sẽ bật rễ lên khi người ta nhổ cỏ lùng như cách ông chủ giải thích? Liệu người tốt sẽ bị ảnh hưởng nếu Thiên Chúa diệt trừ thẳng tay kẻ xấu? Quả thực, lúa có bật rễ lên, nhưng nó không làm cho lúa chết, sau khi được bón phân, và không còn sự tranh giành của cỏ lùng, lúa sẽ hồi phục và lớn nhanh. Thế nhưng, kẻ xấu, con cái ác thần, liệu có mãi mãi luôn luôn là con cái ác thần hay không? Và liệu con cái Nước Trời, tất cả và luôn luôn là con cái Nước Trời? Con người là một mầu nhiệm. Không ai được sinh ra và định sẵn sẽ là con cái ác thần cho đến chết. Tất cả đều được Thiên Chúa sinh ra và không ai được định sẵn là sẽ thánh thiện đến cuối cuộc đời. Tất cả đều được mời gọi thay đổi và tiến bước trên hành trình đức tin luôn mãi. Lòng trung thành, sự hướng thiện, niềm tin, niềm hy vọng giúp cho người ta bước vào Nước Trời. Chúa không diệt kẻ xấu ngay bởi Chúa biết họ vẫn có thể trở thành con cái Nước Trời. Biết bao nhiêu vị thanh đã từng ung dung bước vào quê trời sau một thời gian dài chìm đắm trong tội lỗi. Và đâu là giá trị thật sự của con các Nước Trời khi họ chỉ sống trong môi trường toàn là người tốt? làm sao có được những niềm tin sắt son nếu không có thời cấm cách, bách hại? Đó là mầu nhiệm Nước Trời, cứ để cả hai cùng mọc lên. Với ý chí, lý trí, và tự do của mình con người phải phân định, chọn lựa và kiên định cho đến hơi thở sau cùng. Cứ để cả hai cùng mọc lên vừa là cơ hội cho mỗi con người vừa biểu lộ long thương xót kiên nhân trao ban cơ hội đến tận cùng của Chúa. Con cái Nước TRời được mời gọi chứng tỏ sức mạnh của mình khi cùng lớn lên bên cạnh cỏ lùng. Và họ có sứ mạng biến đổi người xấu trở thành con cái Nước Trời như Chúa Giê-su đã làm: Người thường lui tới ăn uống, thu phục những người thu thuế và những tội nhân.

Jos. Phạm Duy Thạch, SVD


No comments:

Post a Comment