Thursday, 9 April 2020

RỬA CHÂN CHO NHAU NGHĨA LÀ GÌ?


Tôi muốn mở đầu bài chia sẽ hôm nay bằng một hình ảnh làm chấn động thế giới trong những ngày qua. Đó là hình ảnh ngày 11.4.2019, Đức Giáo hoàng Phanxico bất ngờ cúi xuống hôn lên giầy của tổng thống, phó tổng thống, và hai vị lãnh đạo phe đối lập của quốc gia Nam Su đăng. Thông điệp mà Đức Giáo Hoàng muốn gửi cho các vị lãnh đạo này là: “tôi xin các vị là những người đã ký hiệp ước hoà giải với nhau, như những anh em, các vị hãy duy trì nền hoà bình này”. Hành động hôn chân của Đức GH không hề xa lạ bởi mỗi thứ năm tuần thánh hằng năm ĐGH vẫn có thói quen rửa chân cho các bệnh nhân hoặc cho các tù nhân không phân biệt lương giáo và hôn chân từng người. Thế nhưng việc ĐGH quỳ xuống hôn chân các vị lãnh đạo nam Su Đăng làm người ta không khỏi giật mình, vì đó không phải là nghi thức rửa chân mà là trong một buổi tiếp kiến của đời thường. Vị giáo Hoàng cho thấy khát mong, mưu cầu hạnh phúc và hoà bình của mình cho người khác lớn như thế nào. Ngài cảm thấy khuyên răn bằng lời thì không đủ. Ngài phải làm một điều gì đó để lay động lòng họ. Và ngài quỳ xuống hôn chân từng vị lãnh đạo. Phải nói là Đức Giáo hoàng đã hiện tại hoá nghi thức rửa chân của Thứ Năm Tuần Thánh, trong cuộc sống đời thường của mình.

Hình ảnh ấy làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh Chúa Giêsu, trong Đêm Tiệc Ly. Giờ phút ly biệt người ta thường trao cho nhau những gì quý giá nhất chân tình nhất gói ghém tình cảm, tấm lòng, của mình. Chúa Giêsu đã trao gì cho các môn đệ trong giây phút biệt ly? Ngài đã để lại mốt số tiền, một ngôi nhà, một xe hơi, hay một công ty, cửa hàng buôn bán? Ngài không để lại gì cả. Điều quý giá nhất mà Ngài để lại, đó là: Ngài đã bất ngờ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình. Không trừ một ai, ngài đi đến từng người, rửa chân cho họ. Trong đó có những kẻ sẽ bỏ rơi Ngài trong cuộc thương khó. Có kẻ sẽ chối bỏ Ngài ngay trước mặt một người đầy tớ nữ. Có kẻ sẽ bán Ngài với giá 30 đồng bạc. Ngài không phân biệt một ai. Ngài rửa chân họ tất cả. Phêrô ngăn cản, không đồng ý Chúa Giêsu rửa chân cho mình, vì ông không hiểu. Tâm trạng của Phêrô cũng là tâm trạng chung của các thánh tông đồ. Các ông không sao hiểu nổi tại sao Chúa Giêsu lại làm vậy. Việc Chúa làm có một giá trị hết sức lớn lao. Các môn đệ cần phải hiểu nhưng không phải bây giờ. Nhưng ít nhất các ông phải có ước muốn tham dự vào đó. Các ông có ước muốn chung phần với Thầy mình.


Việc Chúa Giesu muốn làm có ý nghĩa gì vậy? Tại sao Chúa Giêsu lại làm nó trong buổi chia ly? Và lại nói là sau này con sẽ hiểu? sau này là khi nào? Hiểu như thế nào?
Muốn hiểu ý nghĩa việc Đức Giesu rửa chân cho các môn đệ chúng ta phải quay lại những câu đầu Thánh Gioan giới thiệu về chuyện này “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1-2). Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ xảy ra trong thời điểm mà đã đến giờ Người phải lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa cha. Việc rửa chân cũng chứng tỏ rằng Ngài yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến cùng. Cho nên hành động rửa chân cúa Chúa liên quan đến hai điều, thứ nhất, thời Ngài lìa bỏ thế gian và về cùng Chúa Cha, và Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng.

Chúng ta cũng cần liên hệ đến thư thứ nhất của thánh phaolo tông đồ gửi tín hữu Corinto: “Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11:23-26).  Đây là bài tường thuật cổ nhất, sớm nhất về việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Sau này, cả ba tác giả sách Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật việc này trong đêm tiệc ly. Xin nói thêm một chút, là Thánh Phaolo là người đầu tiên viết các thư để gửi cho các cộng đoàn mà thành lập khi ngài đi rao giảng (Corinto, Ephexo, Texalonica, Galat, Roma). Sau này Matheu, Macco va Luca viết Tin Mừng thì đều có tường thuật việc lập BTTT trong đêm tiệc ly. Nhưng mà Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là ngài trao ban chính thân mình làm của ăn, của uống. Trao ban thân mình là Ngài phải chết đi, phải bỏ mạng đi. Và đó là mầu nhiệm chúng ta sẽ cử hành trong Tam Nhật Thánh. Đó là mầu nhiệm xảy ra trong thời điểm Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Đó là mầu nhiệm Ngài yêu, yêu đến cùng những kẻ thuộc về mình. Đó là mầu nhiệm gì vậy? Mầu nhiệm của người tình, yêu các môn đệ, yêu nhân loại, yêu mỗi người chúng tac ho đến chết và chết trên thập giá.

Vậy rửa chân có nghĩa là gì? Là ngã xuống là chết cho người mình yêu, hy sinh thân mình cho người yêu.

Điều quan trọng mà chúng ta cần suy niệm trong ngày lễ hôm tiệc ly hôm nay đó là: kho tàng, bảo vật mà Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta ngày nay trước lúc Ngài lìa bỏ thế gian là tình yêu bất diệt, yêu cho đến chết. Mỗi người chúng ta đều được trao bao món qua ấy, dù tốt dù xấu, dù lớn dù nhỏ, dù ở trong địa vị nào, giới tính nào chúng ta cũng được Chúa Giêsu trao món qua ấy như nhau hết. Từ Giáo Hoàng cho đến giáo dân, không thiếu phần ai cả. Vấn đề là mức độ mỗi người cảm nhận được sự quý giá của nó trong cuộc sống của mình. Cảm nhận được sự quý giá rồi thì thì trân trọng nó và làm hết sức mình để cho nó nảy sinh trong cuộc đời mình nhiều hơn nữa.

“Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”. Đó là lẽ đương nhiên. Đó là ước mong của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên không phải Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta chỉ cử hành nghi thức này trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh hằng năm. Chúa cũng không phải muốn chúng ta về nhà vác thau, vác chậu đi rửa chân cho người khác. Chúa mời gọi mỗi người chúng ta từ nay mỗi ngày hãy trong mọi hành động lời nói hãy nhằm đến lợi ích cho người khác. Những người cha người mẹ hãy dành tình thương cho con cái của mình, vợ hãy phục vụ chồng, chồng hãy phục vụ vợ, con cái yêu thương chăm sóc cha mình. Anh chị em trong một cộng đoàn biết chăm lo cho nhau. Ai cũng đến với nhau bằng một khát vọng trao ban chứ không phải để kiếm chác lợi lộc từ kẻ khác. Nếu cần thì cũng phải hy sinh cả mạng sống mình cho người khác được sống. Đó là rửa chân cho nhau. Kiểu rửa chân mà Chúa Giêsu đã làm, là chết cho người khác. Một lần nữa, tôi muốn nhắc đến hình ảnh của thánh Maximiliano Kolbe, một linh mục dòng Phanxico, bị cầm tù dưới thời phát xít Đức. Chiều cuối tháng 7 năm 1941, trại tập trung Auswitz, một trong hơn 40 trại tập trung chế độ phát xít xây nhằm tiêu diệt  người gốc Do Thái, có một người tù trốn thoát. Mười người tù cùng trại bị bắt phải chết thay. Có một người đàn ông khóc lóc vì ông ta có vợ và con nhỏ. Maximilano Kolbe bước ra xin được chết thay cho người này. Ngài bị cho nhịn đói và khát hai tuần nhưng ngài không chết cuối cùng họ tiêm thuốc độc và ngài đã ra đi cách bình thản. Đó là hành động rửa chân cho người mình yêu của Maximiliano Kolbe. Chúng ta được mời gọi cũng chết đi mỗi ngày cho người khác như vậy.

Joseph Phạm Duy Thach SVD

Tam Nhật Thánh 2020

No comments:

Post a Comment