Saturday, 25 May 2019

BẰNG CHỨNG SỐNG ĐỘNG NHẤT VỀ SỰ PHỤC SINH


Năm 2017, lần đầu tiên tôi có dịp được đặt chân đến Kinh Thành Jerusalem, là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, của Kito giáo nói chung và của Công Giáo nói riêng, là nơi ghi lại cuộc khổ nạn đau thương của Đức Kito, là nơi hoài niệm đau thương của Mẹ Maria và các môn đệ. Tuy nhiên, đó cũng là nơi ghi lại biến cố phục sinh huy hoàng của Đức Kito. Biến cố lớn nhất và trọng đại nhất, cần thiết nhất, mà nếu không có nó thì không có Giáo hội công giáo, không có Vatican, không có Đức Giáo Hoàng, không có các Giám Mục và linh mục không có những ngôi nhà thờ và dĩ nhiên không có trung tâm mục vụ này, bởi vì chẳng có ai tin vào Đức Kito cả. Ngay cả các môn đệ cũng quên Đức Giesu, bỏ lại sau lưng kinh nghiệm đau thương để về quê cày ruộng và đánh cá. Biến cố phục sinh chính là biến cố mấu chốt là đỉnh cao trong sự nghiệp rao giảng, là kết thúc tuyệt vời, có hậu cho mầu nhiệm làm người của Đức Giesu. Biến cố Phục Sinh là diểm khởi đầu, là ngày khai sinh, là sức sống của các môn đệ, là điểm tựa, là giá đỡ, là nền tảng và bệ phóng cho niềm tin của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolo nói rằng:  “mà nếu Đức Kito không sống lại thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em, và nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kito ở đời này mà thôi thì chúng ta là kẻ đáng thương hơn hết mọi người trên thế gian này. Nhưng không phải thế! Đức Kito đã sống lại, mở đường cho những người an giấc ngàn thu. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết thì mọi người nhờ liên kết với Đức Kito cũng sẽ được sống lại như vậy” (1Cr 15,17-20). Nhờ Mầu nhiệm Phục Sinh chúng ta tràn trền hy vọng được gặp lại những người thân của chúng ta, những người mà chúng ta đã từng thương tiếc, chia tay ngậm ngùi nhìn họ lìa cõi đời này, những người mà cuộc chia ly với họ người đời là gọi là “ngàn thu vĩnh biệt” bởi họ nghĩ rằng sẽ không bào giờ còn gặp lại một lần nào nữa. Nhưng không! Cuộc chia ly ấy, chúng ta, những người tin vào mầu nhiệm Phục sinh gọi là “Rest In Peace” (RIP), chúng ta gọi là về nhà cha, về với Chúa, “khi Chúa thương gọi con về”, dù nhiều khi con không muốn về vì còn vương vấn thế gian. Sở dĩ chúng ta có niềm tin như thế bởi vì Đức Kito đã sống lại. Ngài đã làm cho con trai bà gúa thành Nain sống lại. Ngài đã làm cho Lazaro sống lại. Ngài có quyền trên sự sống và cái chết. Và nhất là, Ngài đã sống lại, và sống vĩnh cữu, sống đời đời đời, sống hạnh phúc viên mãn. Anh chị em có tin thế không? Có còn dám tin thế không? Có xác tín như vậy không? Không dễ tý nào. Bởi lẽ, làm sao mà tin? Làm sao để mà xác tín đây? Làm sao để và đứng vững giữa một dòng đời bươn chãi với những lo toan của cuộc sống với nhiều đau khổ, thất vọng? làm sao giữ vững niềm tin của mình giữa một xã hội Phương Tây tục hoá. Một xã hội đề cao tự do cá nhân, hưởng thụ, “enjoy”, và đang dần dần rời bỏ nhà thờ, Thánh Lễ. có thể nói rằng, ngọn tháp cao nhất của nhà thờ Đức Bà Paris, vừa đổ xuống trong trận hoả hoạn khủng khiếp tối thứ hai tuần rồi, khiến người ta không khỏi giật mình, hoảng sợ, bởi lẽ nó như báo động cho một thực tại của Giáo Hội Phương Tây đang sụp đổ, tuột dốc không phanh. Làm sao để tiếp tục tin vào Đức Kito phục sinh đây? và đâu là bằng chứng hữu hình cho niềm tin ấy? Bằng chứng nào, chứng cứ nào, dựa vào đâu, để cho chúng ta thuyết phục chính mình và chứng tỏ cho người khác rằng Chúa Kito của tôi, của chúng tôi đã phục sinh và Ngài đang sống?

Dạ Thưa bằng chứng sống động nhất cho sự phục sinh của Đức Kito là một bất động sản vô giá không thể mua bằng tiền. Có ai đoán được đó là cái gì không ah? Đó là ngôi mộ trống. Thật khó hiểu, thật khó tin. Ngôi mộ trống làm sao là bằng chứng sống động cho sự phục sinh của Đức Kito được? Thế mà có kẻ đã tin và loan truyền cho đến ngày nay.


ACE thân mến, bài Tin Mừng ngày hôm nay dẫn chúng ta đi từ đêm tối đến sáng ngày; từ bóng đêm đến ánh sáng; từ bóng đêm của thất vọng đến ánh sáng của niềm hy vọng; từ bóng tối của đau buồn, sầu khổ đến ánh quang của niềm vui sướng, hân hoan. Tin Mừng cho chúng ta biết Bà Maria Macdala bước ra khỏi cửa nhà khi trời còn tối. Đó không chỉ là bóng tối của thời gian, của không gian, nhưng là bóng tối của sự đau buồn thất vọng. Buồn đau thất vọng vì thiếu ánh sáng của Đức Kito. Bà đến thăm mộ Chúa với cõi lòng nặng trĩu, bước chân nặng nề, lê bước, có khi vừa đi vừa khóc. Thế rồi Tin Mừng cho chúng ta biết khi thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà bắt đầu chạy về báo tin, những bước chạy vội vã, hối hả, tất tưởi. Rồi những bước chạy của bà, tin báo của đã kéo theo những bước chạy của Phero và người môn đệ Đức Giesu thương mến. Đó là một cuộc chạy đua mà chúng ta thấy có kẻ trước người sau. Phero dường như là thất thế trong cuộc chay đua này. Người ta đoán là Phero chắc là vì tuổi già sức yếu nên chạy chậm hơn. Có thể. Nhưng theo tôi, sự thua kém của Phero so với người môn đệ Đức Giesu thương mến không đơn giản chỉ là thua kém về thề chất, thể lý nhưng sâu xa hơn là sự thua kém trong mối tương quan gần gũi với Đức Giesu, một sự thua kém về tình yêu, tình thầy trò. Ngay trong tên gọi chúng ta đã thấy được sự vượt trội này. Chỉ có người môn đệ này được gọi là ‘người môn đệ Đức Geisu thương mến’. Người môn đệ này cùng là người duy nhất nằm trong lòng Đức Giesu trong bữa tiệc ly. Người môn đệ này cũng là người duy nhất đứng gần bên thập giá Chúa Giesu và là người duy nhất Đức Giesu trao gởi Mẹ của mình ‘đây là Mẹ của con’. Ông cũng là người đầu tiên nhận ra Chúa Kito phục sinh trên bờ hồ Tiberia và nói cùng Phero: ‘Chúa đó’. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ông là người chạy nhanh hơn, đến mộ trước, nhưng quan trọng nhất vẫn là ‘Ông đã thấy và đã tin’.  Niềm tin ấy là điểm sáng rực nhất trong bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu bằng đêm tối. Ông đã thấy gì vậy? thưa là ‘Ngôi mộ trống’. Trên thực tế điều ông thấy cũng giống hệt như điều Maria Macdala và Phero thấy, một ngôi mộ trống, băng vải và khăn che đầu của Đức Giesu. Sự khác biệt ở chỗ là ‘ông đã thấy và đã tin.’ Và niềm tin mãnh liệt ấy vượt mọi không gian thời gian, vượt qua bao nhiêu chướng ngại vật để loan truyền cho không biết bao nhiêu người, qua biết bao thế hệ và cho cả chúng ta ngày nay.


Bất động sản ấy, chứng cứ niềm tin của sự Phục Sinh ấy vẫn còn đứng vững hơn 2000 năm nay giữa trung tâm của Kinh Thành Gierusalem cho đến ngày nay. Đó chỉ là một ngôi mộ trống, một hóc đá bất động nhưng lại sống động lung linh hơn bất cứ thứ gì khác trên thế gian này. Hằng ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi trên toàn thế giới đến xếp hàng để được nhìn thấy, được chạm vào Ngôi mộ trống ấy. Chúng tôi, các linh mục đến đó, nếu muốn dâng Lễ ở đó phải đăng ký trước ba tháng. Từng phút từng giây trong ngày đều có người đứng xếp hàng ở đó. Và biết bao nhiêu tín hữu trên thế giới ao ước được một lần đến đó và chạm vào đó. Đó là bằng chứng mãnh liệt, xác thực rằng Đức Kito phuc sinh đang sống. Ngôi mộ trống nhưng lại chứa đựng tròn đầy hình tượng Đức Kito Phuc Sinh. Ngôi mộ trống nhưng chứa đựng niềm tin vô hạn của Kito giáo, của mỗi người chúng ta.


ACE thân mến! Mừng vui lên! Chúa sống lại rồi. Mừng Lễ Phục sinh chúng ta được mời gọi hãy vui mừng, loan tin vui khắp nơi. Chúng ta được mời gọi nhận ra Đức Kito Phục Sinh đang sống quanh ta và ngay trong tâm hồn mỗi người. Ngài đã hiện ra với nhiều người nhưng không phải ai cũng đã được nhìn thấy Chúa. Niềm tin của chúng ta, căn bản, nền tảng vẫn là niềm tin dựa vào chứng cứ “ngôi mộ trống”. Chúng ta dược mời gọi tin ngay cả khi mình không thấy Chúa. Với sự hiện diện của anh chị em ngày hôm nay, trong Thánh Lễ này tôi tin chắc rằng anh chị em thật sự tin vào Đức Kito phục sinh. Tôi cũng như cha quản nhiệm, cha Christophe, cầu chúc và ước mong rằng ACE có thể nhận ra Đức Kito Phục Sinh hiện diện và đang sống trong gia đình, nơi hàng quán, nơi công sở, nơi học đường. Ước mong rằng niềm tin vào Chúa Phục Sinh, sự sống đời sau sẽ thay đổi triệt  để cách sống, cách kiếm tiền, cách cư xử của mỗi người chúng ta. Cũng là mưu sinh kiếm tiền, nhưng tôi nguyện mưu sinh kiếm tiền cách lương thiện theo lời Chúa dạy, không mua gian, bán lận, lừa lọc. Cũng là yêu thương nhưng tôi chọn yêu thương theo cách của Đức Kito, cho đi tất cả và hiến thân vì người khác, không ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình. Cũng có nhà cửa hàng quán, công sở, nhưng tôi được mời gọi nhận ra, nhìn thấy những nơi ấy như những không gian của ngôi mộ trống thánh, nơi đó Đức Kito Phục Sinh hằng hiện trị, hướng dẫn và ban ơn cho mỗi người chúng ta. Amen.

Phục Sinh 2019 Balan
Jos. Phạm Duy Thạch

No comments:

Post a Comment