Monday, 24 December 2018

CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI NHƯNG CON NGƯỜI CHƯA LÀM NGƯỜI



Ngày 10 tháng 12 năm 1979, tại hội trường lớn của đại học Oslo, Na Uy, đã diễn ra một sự kiện hết sức đặc biệt, đó là buổi tiếp kiến dành cho Mẹ Têrêxa Calcutta, người đoạt giải Nobel hoà bình năm ấy. Khởi đầu bài diễn văn của mình Mẹ Tệrêxa Calcutta đã làm một điều hết sức khác lạ chưa từng có ai làm trước đó, đó là mời gọi tất cả mọi người trong khán phòng hôm ấy cùng đọc kinh hoà bình với Mẹ. “Lạy Chúa xin hãy dùng con, Như khí cụ bình an của Chúa, Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục, Ðem an hòa vào nơi tranh chấp, chân lý vào chốn lỗi lầm. Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, Ðem niềm vui đến chốn u sầu.”


Có thể nói là thông điệp hoà bình là thông điệp rất quan trọng, là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại, cho chính mỗi người chúng ta, trong ngày đại Lễ Giáng Sinh hôm nay. “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Và thông điệp ấy đã vang mãi trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu cho đến khi Ngài Phục sinh. Trong tám mối phúc thật Chúa Giêsu dạy: "Phúc cho ai xây hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Đó cũng là thông điệp đầu tiên mà Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình mang đến cho nhân loại trên bước đường rao giảng Tin vui: “Vào bất cứ nhà nào trước hết hãy nói bình an cho nhà này”. Đó cũng chính là câu đầu tiên trong thông điệp ngày thế giới hoà bình của ĐTC phanxicô năm 2019. Rồi, khi chữa lành các bệnh nhân Đức Giêsu cũng thường chúc phúc: chị hãy đi bình an, anh hãy đi bình an. Trong giây phút biệt ly trước cuộc tử nạn, Đức Giêsu cũng ân cần gởi trao cho các môn đệ: “thầy để lại bình an cho anh em, thầy ban bình an của thầy cho anh em” dẫu rằng các môn đệ không cảm nhận được sự bình an ấy chính vì vậy mà họ hoảng loạn trong cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Và sau khi phục sinh khi tái hợp cùng các môn đệ, món quà đầu tiên mà Đức Giêsu muốn gởi trao cho các môn đệ đó là: “Bình an cho anh em”.
Như thế, có thể nói là bình an là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho nhân loại trong ngày con Chúa chào đời, khúc ca mà Thiên Chúa muốn các Thiên thần tấu vang trong đêm Giáng sinh là khúc ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Vinh danh Thiên Chúa, phải đi song song với bình an cho nhân loại. Thiên Chúa chắc hẳn không mong muốn một sự vinh danh cho riêng mình mà không có sự bình an cho nhân loại.
Thiên Chúa trao ban sự bình an đó cho nhân loại bằng cách nào vậy? Thiên Chúa không đứng trên trời cao và phán xuống: Chúc con được bình an. Thiên Chúa cũng không sai các thiên thần mang thông điệp bình an xuống, không phải qua các ngôn sứ. Không! những cách thức đó xưa rồi, như thư Do Thái cho chúng ta hay: “Thuở xưa nhiều lần, nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua chính người con yêu dấu của Người.” Người con ấy không chỉ phán dạy chỉ bằng lời, nhưng hơn thế nữa thánh Gioan cho chúng ta biết: “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta.” Như thế, bình an mà Thiên Chúa ban tặng cho con người không chỉ đơn thuần là một lời chúc, một thông điệp nhưng là một sự hiện diện bằng xương bằng thịt. Đó là một huyền nhiệm. Thiên Chúa quyền năng, giàu sang vô hạn đã mặc lấy phận người yếu hèn trong một giai đoạn yếu ớt nhất của một con người. Đó là một hài nhi. Hài nhi không thể làm gì, nó phụ thuộc tất cả vào cha, mẹ và những người chung quanh nó. Đó là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu, bởi chúng không bao giờ trải nghiệm được điều ấy. Chính vì thế mà có một nhà tu đức đã ví von: "Nếu một lần nào đó chúng ta bị biến thành con giun, con dế nhỏ bé trườn đi, bò đi dưới chân của một con người thì may ra chúng ta mới có thể cảm nghiệm được phần nào, như thế nào gọi là Thiên Chúa làm người”.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể cảm nghiệm được đó là: “Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào”. Ngài đã làm cách tốt nhất có thể để cho chúng ta được hạnh phúc, bình an. Nói theo kiểu của thánh Gioan Kim Khẩu là: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”. 
Thế nhưng, lạ thay, Thiên Chúa đã làm người hơn 2000 năm nay, vậy sao nhân loại chưa được bình an? Sao cuộc đời của mỗi người chúng ta vẫn đau khổ triền miên? Thưa có lẽ, Thiên Chúa đã làm người nhưng con người vẫn chưa làm người. Nghĩa là con người chưa thành người, chưa sống cho ra người, chưa cư xử như một con người. Có lẽ, chính sự bất nhân của từng cá nhân và từng tập thể đã gây đau khổ chết chóc cho chính mình và cho người khác. Sự bất nhân, cái ác ở trong con người tràn lan, đã làm cho triết gia Thomas Hobbes (1588 - 1679), thay đồi quan điểm "con người là thần linh đối với con người" của thời cổ đại thành "con người là chó sói đối với con người". Con người là hình ảnh của thần linh trở thành con người có bản tính của thú dữ.
Trong bài diễn văn của Mẹ Têrêxa mà tôi vừa đề cập, Mẹ Têrêxa khẳng định tác nhân phá huỷ khủng khiếp nhất của nền hoà bình hôm nay là tiếng khóc của những thai nhi chưa chào đời. Mẹ têrêxa nhắc lại lời Chúa trong Is 49,14-15 “có người mẹ nào có thể quên con thơ của mình, và dẫu cho người mẹ có quên con mình, thì ta cũng không quên ngươi bao giờ”, để diễn tả chính chất man rợ và tàn bạo của con người. Con người giết hại lẫn nhau đã là một sự bất nhân, nhưng người cha người mẹ loại bỏ con mình thì có lẽ là đỉnh điểm của sự bất nhân. Có những sinh linh bé bỏng muốn làm người nhưng không được làm người, bởi có những con người được gọi là người nhưng chưa là người và chưa làm người. Và trên cuộc đời này có biết bao nhiêu kẻ bất nhân, với muôn loại hình bất nhân. Các nhà lãnh đạo thì bốc lột, trục lợi trên người dân; Những bậc cha mẹ  vô trách nhiệm, bỏ rơi, không lo cho con mình có đầy đủ phương tiện và điều kiện để lớn lên thành người; Những người chồng những người vợ quên đi trách nhiệm yêu thương và trung thành với người phối ngẫu của mình; những người con lỗi đạo hiếu với cha mẹ; Những bạn hữu phạn bội, lừa dối nhau, những con người không biết tôn trọng môi trường sống, coi thượng nhân phẩm và mạng sống của tha nhân, những con người thượng tôn những giá trị đồng tiền vật chất mà coi thường nhân nghĩa và công lý và sự thật… chúng ta thường nghe người ta nói rằng: "nhân phẩm từ nay giảm giá rồi, chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi, lương tâm bán rẻ hơn lương thực, chân lý chân giò một giá thôi" hay là "là ở đất nước Việt Nam công lý chỉ là một anh hề" (diễn viên hài Công Lý)... tất cả góp phần làm nên một bức tranh ảm đạm, bất an của xã hội hôm nay.

Hôm nay là sinh nhật Đấng cứu thế, Thiên Chúa làm người, chúng ta có quyền vui bởi những trang hoàng của hang đá, bởi tiếng nhạc, lời ca, bởi những món quà, lời chúc ý nghĩa, bởi những cuộc họp mặt bạn hữu, đồng hương, bởi ly bia, chén rượu, bởi những món ăn đậm đà bản sắc quê hương, bởi những chuyến du lịch xa gần. Tuy nhiên, muốn được bình an trọn vẹn mỗi ngày trong cuộc đời thiết nghĩ mỗi người chúng ta trong từng vị trí vai trò của mình, người bà, người ông, người cha, người mẹ, người chồng, người con, người cháu, ….chúng ta phải luôn mang trong mình khát vọng và ý thức làm người, cư xử như một con người, coi trọng phẩm giá của người khác. Nếu xã hội này ai cũng làm người như Chúa Giêsu đã làm người thì bình an sẽ ngự trị. Tiêu chí làm người của Đức Giêsu là: “yêu cho đến chết”. Và hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình là tình yêu cao cả nhất. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng dạy cho mỗi người chúng ta luôn biết cách làm người bằng cách yêu cho đến chết và dám chết vì yêu như Chúa. "Phúc cho những ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa". Chính khi chúng ta luôn biết xây dựng hoà bình là chính lúc chúng ta thể hiện mình là con người và là con Thiên Chúa. Amen. 

Noel 2018
Jos. Phạm Duy Thạch

No comments:

Post a Comment