Sunday, 18 November 2018

ĐƯỜNG TỬ ĐẠO ĐƯỜNG TÌM LẠI BẢN THÂN



Ngày 19.06.1988 quãng trường thánh Phêrô, Roma như phủ kín bởi sắc màu của những trang phục truyền thống của hơn 8 ngàn con dân nước Việt hội tụ về từ trên mọi nẻo đường của thề giới. Thành phố Rôma cổ kính như rung động bởi âm vang của những lời ca hùng tráng của ca khúc “Ngày Vinh Thắng” của Lm. Nhạc sĩ Ngô Duy Linh, được cất lên bởi hàng ngàn con dân nước Việt thân yêu. Rồi từ trên cao tiền đường của Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô hùng vĩ, hoạ ảnh của 117 thành tử đạo tại Việt Nam hiện lên giữa muôn vàn tiếng vỗ tay vang dội xen lẫn tiếng rộn rã của đại phong cầm của ca đoàn Sistina, tấu vang bài ca, ca ngợi hồng ân cao vời khôn ví của Thiên Chúa.

Đó là một vài hình ảnh tiêu biểu trong muôn vàn hình ảnh kỳ vĩ trong ngày Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tuyên bố 117 chứng nhân anh dũng tại Việt nam là hiển thánh. Năm nay, 2018, Giáo hội Việt nam, con dân nước Việt trên toàn thế giới mừng kỷ niệm 30, ngày Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị công bố tin mừng trọng đại này. Đây là thời khắc quý báu để mỗi người chúng ta bày tỏ tâm tình biết ơn, suy gẫm về bản chất của sự tử đạo và để rồi quyết tâm bước theo các ngài trong phần còn lại của cuộc đời mỗi người.
1.     Tâm tình tạ ơn
Nếu có dịp ghé qua cộng đoàn của Hội Thừa Sai Balê (M.E.P), trên đường Rue du Bac, Paris, chắc hẳn những người Việt Nam không khỏi bồi hồi xúc động khi nhìn thấy tấm bia tưởng niệm 10 vị thừa sai Balê (2 GM, 8 Lm) đã tử đạo tại Việt Nam. Đó là những chứng nhân một đi không trở lại. Đó thực sự là những mục tử tốt lành đích thực. Họ là đã rời sẵn sàng rời bỏ quê hương giàu có, bỏ lại sau lưng gia đình đầm ấm để đem Tin Mừng đến một đất nước xa xôi nhỏ bé, nghèo nàn. Họ đã không những “nên giống người Việt trong mọi sự”, “mang lấy mùi chiên”, dạy dỗ, chăm sóc đoàn chiên cách tận tuỵ mà còn chết vì đoàn chiên của mình. Có lẽ đâu đó trên đất nước Tây Ban Nha, trong cộng đoàn dòng Đaminh, cũng có một tấm bia tưởng niệm như thế bởi lẽ trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt nam cũng có 11 vị giảng thuyết dòng Đaminh trong đó có 6 GM v Lm.
Thánh Arnold Janssen, vị sáng lập dòng truyền giáo Ngôi Lời đã từng nói: “rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”. Có thể nói rằng các vị truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Balê và thuộc Dòng Đaminh, Tây Ban Nha, đã đến và trao cho dân tộc Việt nam một tình yêu trước nhất và cao cả nhất bởi họ đã vượt biển khơi ngàn dặm để mang Tin Mừng Chúa Kitô đến với chúng ta. Họ đã nhiệt thành rao giảng không những bằng lời nói, hành động, nhưng bằng chính cái chết của mình. Dẫu rằng mục đích của họ không phải để người đời ca tụng biết ơn, thế nhưng trong thâm tâm mỗi người chúng ta cảm thấy nợ họ rất nhiều, biết ơn họ rất nhiều. Họ xứng đáng được ngàn người ca tụng ngàn đời.
Dĩ nhiên, khi nhắc đến các chứng nhân anh dũng Phương Tây, chúng ta không quên hãnh diện nhắc đến 96 chứng nhân Việt nam, những người Việt chính hiệu, trong đó có đầy đủ các thành phần dân Chúa: 37 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Họ đã chịu muôn vàn loại nhục hình cay đắng như trảm quyết, xử giảo (xiết cổ), thiêu sống, lăng trì (chặt từng phần thân thể cho đến chết), và chết rũ tù. Tuy nhiên, con số 117 vị cùng với chân phước Anrê Phú Yên chỉ là con số nhỏ trong số hằng trăm ngàn tín hữu vô danh đất Việt đã hy sinh tính mạng của mình để giữ lòng trung tín với Chúa cho đến tận cùng. Máu của các vị đã thấm vào lòng đất những mạch nước ngầm mạnh mẽ, dồi dào, để nuôi dưỡng và làm cho cánh đồng lúc đức tin được trổ bông chín vàng trên quê hương Việt nam và lan toả đến tận cùng cõi đất, bằng chứng là hàng ngàn con dân nước Việt tại hải ngoại đang thể hiện niềm tin sống động khắp nơi, nơi đất khách quê người. Ngọn lửa thiêu sống các thánh tử đạo trở thành những ngọn đuốc thiêng sáng ngời soi đường, dẫn lối cho các tín hữu Việt nam tiến bước về quê trời vĩnh cửu.
Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những món quà vô giá là các thánh tử đạo; tri ân các vị đã hy sinh mạng sống mình cho chúng ta.
2.     Tử đạo là gì?
Cùng với tâm tình biết ơn chúng ta cũng phải đem lòng yêu mến sự tử đạo và gẫm suy về hồng ân này. Tử đạo là gi? tử đạo được chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp, “martus”, có nghĩa là chứng nhân, chứng từ, sự làm chứng. Như vậy, tử đạo là làm chứng bằng cái chết của mình, lấy cái chết để làm chứng hay làm chứng cho đến chết. Cái chết của các thánh tử đạo làm chứng cho điều gì đây? Thưa cái chết của họ làm chứng cho tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Chúa. Dù có phải chết thì họ vẫn tin yêu Chúa đến cùng. Lúc bấy giờ, trong thời bách hại, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau đúng một bước chân. Ai bước qua thập giá sẽ được sống và ai không bước qua thập giá sẽ bị giết chết. Tuy nhiên, đó cũng là một bước chân biểu lộ căn tính của một con người; một bước chân chứng tỏ lòng trung tín của người môn đệ; một bước chân chứng tỏ tình yêu và lòng thảo kính của những người con đối với Chúa là Cha trên trời. Xưa kia môn đồ Giuđa nộp thầy chỉ bằng một cái hôn. Ông trút bỏ tình thầy trò chỉ bằng một cái chạm nhẹ. Các tín hữu Chúa cũng có thể dũ bỏ tình thần trò chỉ bằng một bước chân đơn giản. Đó cũng là bước chân quyết định vận mạng của cả đời người; một lựa chọn có tính sống còn của người tín hữu. Bước qua thập giá thì sống thêm được ít lâu nhưng lại chết đời đời. Không bước qua thì sẽ chết ngay lập tức nhưng lại được sống mãi, hạnh phúc ngàn thu. Một lựa chọn giản đơn là thế nhưng lại được đặt nền tảng và phát xuất từ tình yêu Chúa nồng nàn suốt cả đời người tín hữu. Một bước chân ngắn ngủi có thể huỷ bỏ tất cả, phủ nhận tất cả mọi tương quan, thề hứa giữa người kitô hữu với Chúa là cha của mình. Một bước chân có thể biến người tín hữu thành kẻ bội tín, bất trung, tham sống sợ chết, không còn xứng đáng làm người, bởi làm người ai lại làm thế, làm thế sao có thể làm người. Chính vì thế mà trong giây phút tử sinh, thánh Venard Ven (MEP) đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được. Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý giá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua.” Đức cha Y (OP), vị giảng thuyết người Tây Ban Nha, với một giọng điệu có vẻ khôi hài nhưng không kém phần quyết liệt: “xin quan cứ dẫn tôi đến với triều đình để vua nướng thịt tôi mà ăn, tôi cũng chịu, đừng để lâu kẻo lính canh vất vả.” Thánh Anê Lê Thị Thành, một người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng niềm tin thì cứng rắn như sắt đá, đã khuyên con mình: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Đức Kitô sao con lại khóc?”
Đó chỉ là một vài chứng từ trong vô vàn chứng từ hào hùng của các chứng nhân tử đạo tại Việt Nam, những vị anh hùng hiên ngang, bất khuất đã anh dũng đón lấy thập giá để theo Chúa Kitô ra pháp trường với một vẻ mặt vui tươi sáng ngời. “Hân hoan khi lao tù, mừng rỡ lúc gươm vung, nguyện theo Chúa đến cùng dù thịt tan xương nát, bao nhiêu gian lao khốn khó, dệt thành chiến thắng quang vinh” (Kim Long). Thật lạ kỳ?! Ai lại hân hoan khi lao tù, ai lại mừng rỡ lúc gươm đao? thế mà, đã có hằng trăm ngàn người có biểu hiện như thế, bởi họ mang trong mình một tình yêu lạ kỳ đến độ kỳ quặc khó hiểu. Quả là, “tình yêu mạnh hơn sự chết”. Khi người ta yêu thật sự người ta chẳng ngại gì sự chết. Khi yêu thương thật lòng thì cái chết nhẹ tựa lông hồng.
3.     Tâm tình bước theo
Mừng Lễ các thánh tử đạo, gợi nhớ biến cố trọng đại ngày tuyên thánh của các vị cách đây 30 năm; tôn vinh, ngợi ca hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những chứng nhân anh dũng bất khuất; tri ân, khắc sâu công ơn của cha ông chúng ta. Tuy nhiên, “ôn cố tri tân”.
“Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Lời mời gọi này của Đức Giêsu được thánh Luca đặt trong ngữ cảnh ngay sau khi Đức Giêsu tiền báo rằng: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sự loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Điều này chứng tỏ rằng Đức Giêsu không hề xúi bậy; Ngài cũng không hề mời gọi suông. Chính Ngài đã vác lấy thập giá của mình. Chính Ngài là người đâu tiên đã chọn và đi con đường thập tự. Có thể nói rằng Đức Giêsu là vị chứng nhân tử đạo tiên khởi, là nguồn gốc và suối nguồn của mọi cuộc tử đạo. Nếu như Đức Giêsu đã chọn con đường thập tự thì đó hẳn là con đường duy nhất và tốt nhất để dẫn đến ơn cứu độ bởi lẽ Ngài là Đấng khôn ngoan vô cùng, chẳng lẽ lại chọn một con đường cứu độ tệ hại để đi?
Trong một tu viện được giao lại cho dòng Xitô Châu Sơn Việt nam, tại Rudesheim am Rhein, Đức Quốc, người ta tìm thấy một đài phun nước rất đặc biệt. Đó là một đài phun nước tự động gồm ba phần. Phần cao nhất là hình ảnh hai người nông dân gánh một chùm nho chín mọng. Phần giữa, phần trung tâm là hình ảnh Đức Kitô quặn mình vác thập giá. Và phần dưới cùng là hệ thống nhiều vòi nước phun ra không ngừng. Đức Kitô được mô tả như những trái nho bị nghiền nát trong bồn đạp nho. Ngài đã đi con đường thập tự cho đến chết. Thân thể ngài bị nghiền nát như những chùm nho để biến thành dòng nước trường sinh cứu độ nhân thế. Quả vậy, Đức Giêsu đã biến đổi cây thập giá xù xì, gai góc thành những cây bông hồng nở ra những bông hồng mang những mùi hương tình yêu cứu độ. Đức Kitô đã làm cho một án tử hình ghê rợn nhất của đế quốc Roma trở thành một dấu chỉ biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, vinh quang Thiên Chúa ở mức độ cao nhất. Nhờ vào đâu mà Đức Kitô có thể làm được điều kỳ diệu ấy? Thưa chỉ nhờ vào một chữ duy nhất, đó là chữ “yêu’’. Tình yêu dành cho Thiên Chúa Cha và cho nhân thế. “Thập giá không tình yêu là thập giá dỏm, tình yêu không thập giá là tình yêu hời”. Thiết nghĩ, những đau khổ mà Đức Giêsu chịu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như chúng không bắt nguồn từ tình yêu và biểu lộ tình yêu sâu thẳm dành cho Chúa Cha và cho nhân loại. Lời Chúa trong sách Macabê quyển thứ hai (2 Mcb 7, 22-23) nhắc nhở chúng ta về nguồn cội của mình rằng chúng ta là con Thiên Chúa, là anh chị em trong một gia đình Thiên Chúa. Bà Mẹ người Do thái trong cơn bách hại của vua Antiokhô, đã nhắn nhủ các con mình: “Mẹ không rõ là các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ đã ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ đã sắp đạt các phần thân thể cho mỗi người trong chúng con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, … Chính Người do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống.” Như vậy, dù muốn dù không chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta có tình liên đới, có mối quan hê huyết thống với Thiên Chúa là Cha và với tha nhân là anh chị em ruột thịt của mình. Biểu lộ lòng hiếu kính với Chúa và lòng yêu thương đối với anh chị em đồng loại là hành trình chính yếu và căn bản của đời người.
Tiếc thay, ngày nay có biết bao nhiêu rào cản trong cuộc đời khiến chúng ta không thể vươn đến với Thiên Chúa và khiến chúng ta không thể giang rộng vòng tay ôm lấy anh chị em đồng loại. Chúng ta có thể gọi những rào cản đó là những thập giá mà Đức Giêsu mời gọi mỗi người hãy đón lấy, vác lấy mà bước đi mỗi ngày. Thập giá đó có thể là những thói ích kỷ cá nhân, khiến chúng ta chỉ muốn cuốn mình trong những vỏ ốc của bản thân và gia đnh, thay vì vươn mình đến với Chúa và tha nhân. Thập giá đó có thể là những cái tôi to tướng, những tự ái cá nhân, khiến chúng ta không thể đón nhận người khác. Thập giá đó cũng có thể là những công chuyện làm ăn bề bộn hay những mối làm ăn nhiều lợi nhuận khiến chúng ta khó tham dự các Thánh lễ và những sinh hoạt chung của cộng đồng.  Thập giá đó cũng có thể là những đam mê xác thịt của bản thân khiến chúng ta quên đi nghĩa vụ vợ chồng, bổn phận làm cha mẹ, con cái. Thập giá đó cũng có thể là một xã hội tục hoá đề cao tự do cá nhân đang đe doạ những giá trị của hôn nhân kitô giáo, đặc biệt là đặc tính một vợ một chồng, bất khả phân ly. Một xã hội tục hoà làm người ta không còn tin vào Chúa nữa, không còn đi Lễ nữa. Ở Âu Châu, nhiều nhà thờ nguy nga tráng lệ đầy ắp tín hữu một thời nay bổng trở nên trống rỗng, trở thành những bảo tàng viện, hoặc chỉ còn những tín hữu cao niên hiện diện. Điều này khiến cho những khách du lịch ngoại đạo không ngừng thốt: “thật điên rồ” (crazy), bởi người ta không thể hiểu nổi tại sao người ta lại xây nhiều thánh đường nguy nga tráng lệ như thế để rồi bỏ trống. Người ta bảo rằng ngày xưa người người đi Lễ, nhà nhà đi nhà thờ có thể vì sợ những người hàng xóm đặt câu hỏi là tại sao họ không di Lễ. Ngày nay, nhiều người không đi Lễ có thể vì lại sợ người ta đặt câu hỏi rằng tại sao ngày nay thế kỷ 21 rồi khoa học phát triển như vậy mà vẫn còn có người ngu muội tin vào Chúa. Và còn nhiều loại thập giá nữa.
Có thể ngày nay chúng ta không còn đổ máu đỏ vì tình yêu Chúa như cha ông chúng ta nhưng chúng ta vẫn còn đó những cuộc tử đạo máu trắng, vẫn đổ mồ hôi, chịu những đau đớn trong lòng trên con đường đến với Chúa và với tha nhân. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9, 24). Thánh Phanxicô Assisi đã đúc kết lời dạy này của Đức Giêsu trong lời Kinh Hoà Binh rất hay: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chính lúc hy sinh bản thân mình để phục vụ Chúa và tha nhân là lúc chúng ta tìm lại được con người đích thực của mình. Con người đích thực của mỗi chúng ta là gì đây? Đó là con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng thế nào là con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa? Có phải là Thiên Chúa cũng có tay có chân như chúng ta. Thiên Chúa Cha thì già hơn và có râu dài như người ta tưởng tượng. Thưa không phải! Thiên Chúa vốn vô hình, vô tượng. Con người giống Thiên Chúa ở chỗ họ có một trái tim yêu vô bờ bến như Ngài. Nhiệm vụ, ơn gọi của mỗi một người là phải làm lộ ra nơi bản thân mình hình ảnh một trái tim yêu vô vị lợi như thế. Càng yêu người con người càng tìm lại chính mình, càng trở nên giống Thiên Chúa.
Xin Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch mọi sự tử đạo, nhờ lời cầu bầu của các thánh tử đạo Việt nam ban cho chúng ta một trái tim yêu Chúa và tha nhân nồng nàn để có thể can đảm vượt qua mọi rào cản, yếu đuối mà đến với Chúa là Cha và vơi tha nhân là những anh chị em của mình. Có như thế chúng ta mới có thể gia nhập hàng ngũ các thánh với cành thiên tuế trên tay bước vào Thành đô Thiên quốc và hưởng phúc vinh muôn đời. Amen
Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

No comments:

Post a Comment