Tối 7/8 một
giáo xứ miền trung Việt Nam chọn bài hát chủ đề cho giờ Chầu Thánh Thể cầu cho
quốc thái dân an là “trả lại cho dân”, 5000 người giáo phận vinh đã xuống đường
vào ngày 7/8/2016 trước thảm họa ô nhiễm môi trường, khiến cá chết trắng bờ biển
Miền Trung. Các ngư phủ phải bỏ biển, bỏ nhà ra đi tìm cái ăn. Đó là những chỉ
là chóp nổi của một tảng băng trôi diễn tả sự bất an trong lòng nước Việt.
Khuya ngày 24/8/2016, khi mọi người đang say giấc ngủ, thì những cơn chấn động liên
hồi đã bình địa thành phố Amatrice, cùng một số vùng lân cận thuộc miền trung nước
Ý, chôn vùi gần 300 người và hang ngàn người trở thành kẻ vô gia cư trong chốc
lát. Đó cũng chỉ là biến cố nhỏ trong vô vàn biến cố làm cho nhân loại đó đây
trên toàn thế giới cảm thấy hãi hung, bất an
Thế mà, đêm
nay, trong hầu hết các thánh đường trên thế giới đều vang vọng lời nguyện chúc
từ trời cao: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người
Chúa thương” (Lc 2,14). Lời chúc vọng ấy không chỉ là một lời hát, một âm thanh
từ trời cao nhưng còn là một sự trao ban, một hiện thực hoá, bởi một sự bình an
sống động bằng xương, bằng thịt đang ngự giữa loài người. Ngài chính là Đấng
Emmanuel, là Hài nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ.
Trong hoàn cảnh dân Ítraen đang bước đi “trong
bóng tối” của ách đô hộ ngoại bang; Quân đội Asyri hùng mạnh đang dày séo, và
gieo rắc những tai họa kinh hoàng lên toàn bờ cõi của dân Chúa; Ngôn sứ Isaia
loan báo một “thời kỳ tươi sáng tràn ngập niềm vui”. Đó là tin vui về một “trẻ
thơ đã chào đời để cứu ta, một người con được ban tặng cho ta”; “Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng
mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập
nền hoà bình vô tận” (Is 9,5-6).
Có lẽ, lúc bấy
giờ trong toàn cõi Ítraen, người ta đang mong chờ sự chào đời của một thần linh
dũng mãnh, một hoàng tử văn võ song toàn, bách chiến bách thắng, thì lạ lùng
thay Đấng Cứu Thế lại giáng thế lặng lẽ đến lạ thường. Đồng vắng, hoang vu, đêm
đông, giá lạnh, bơ vơ, đơn hèn… là những từ ngữ mà người ta dùng để diễn tả hoàn
cảnh bi thương của một kẻ vô gia cư, ai ngờ lại cũng là những từ ngữ diễn tả ngày
hạ sinh của Đấng cứu thế. Lạ nhưng không lạ, bởi lẽ, đây cũng chính là điều cốt
yếu trong thông điệp mà Isaia muốn loan tải: Ngài chính là “người cha muôn thuở,
là thủ lãnh hoà bình”.
Vậy, đâu là
thông điệp hoà bình mà Đấng Emmanuel muốn loan báo, muốn trao ban cho chúng ta?
Đó là hẳn không phải sự hoà bình của một vị vua sau khi đã dẹp xong giặc loạn. Đó
hẳn cũng không phải là sự bình an của người khi biển đời đã không còn dậy sóng.
Đó hẳn cũng không phải là sự bình an của những kẻ đã chinh phục được mọi đỉnh
cao danh vọng, hưởng đủ mọi lạc thú, hay có đủ trong tay những bảo bối quý báu
nhất thế gian. Tất cả điều không! sự bình an của Ngài chính là sự bình an của một
Hài Nhi bé thơ.
- Bình an trong tiếng hát thiên thần
vọng từ trời cao:
Mặc dù sanh ra trong một hoàn
cảnh chẳng được chuẩn bị gì cả. Thời khắc chào đời là thời khắc trong đại của đời
người và lẽ ra phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thế mà, Hài Nhi Giêsu lại chỉ
sinh ra trên cánh đồng vắng, trong hoàn cảnh bất ngờ, vô định. Thế nhưng, chắc
chắn Hài nhi Giêsu vẫn có thể mỉm cười bởi Ngài có thể nhìn thấy một bầu trời Bêlem
rất đẹp, rất thanh bình, nơi ấy có Chúa Cha. Và ánh sang ngôi sao lạ đã tô điểm
một khung cảnh tuyệt vời. Và nhất là, tiếng hát thiên thần thể hiện một niềm
vui vỡ oà của trời cao, một lời chúc tốt đẹp mừng ngày Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Tiếng
vọng ấy báo hiệu một sự nối kết mật thiết của tình Cha trên trời với Đức Giêsu
trong suốt sứ mạng cứu độ. Rồi đây trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, người
ta sẽ nhìn thấy Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu và tiếng Chúa Cha phán
rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3,17). Rồi
trong biến cố Biến Hình, cũng có tiếng vọng từ trời cao: “Đây là Con yêu dấu của
Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !"(Mt 17,5). Và
còn nhiều lần nữa Đức Giêsu cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha khi Ngài làm phép lạ,
và trong nơi hoang vắng…
- Bình an trong vòng tay mẹ cha:
Dẫu cho khung
cảnh cánh đồng vắng, không nhà làm tăng thêm cái giá rét của mùa đông năm ấy thì
Hài Nhi Giêsu vẫn cảm thấy rất ấm cúng bởi nơi ấy luôn có hơi ấm của Mẹ Maria và
cha Giuse. Nơi hạnh phúc bình an nhất của trẻ thơ chính là nơi có sự hiện diện
của người cha, người mẹ. Không có sự bình an nào có thể sánh với sự bình an của
một thơ nhi đang say giấc trong tay mẹ hiền. Trẻ thơ Giêsu chắc hẳn lúc ấy không
biết thế nào là một ngôi nhà hay một cánh đồng vắng, thế nhưng Ngài có thể cảm
nhận được hơi ấm tình mẹ cha. Rồi đây Ngài sẽ được cha Giuse và Mẹ Maria đồng hành
vượt qua khỏi sự đuổi giết của vu Hêrôđê và được lớn lên trong tình yêu thương
bảo bọc che chở của Đức Maria và cha Giuse (Lc 2,40). Tình mẹ của Mẹ Maria sẽ
theo Ngài suốt con đường thập tự cho đến khi “gươm sắt đâm thủng tim” mình.
- Bình an giữa dân nghèo:
Ngài được mệnh
danh là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Kinh Thành Giêrusalem tráng lệ, cung điện
vua Hêrôđê lộng lẫy xa hoa, không phải là những nơi mà Ngôi Hai Thiên Chúa chọn
lựa để ở cùng chúng ta. Nơi Ngài chọn lựa chính là cánh đồng của những người chăn
chiên. Đó là dân của Ngài. Dân của Ngài không phải chỉ là những kẻ giàu sang phú
túc nhưng khởi đầu từ những kẻ bần hèn. Nếu như xưa, Thiên Chúa đã chọn lựa Đavít,
một cậu bé chăn chiên để cất nhắc lên làm một thánh vương, thì nay Ngôi Hai Thiên
Chúa lại chọn sinh ra giữa những mục đồng. Một sự vô định nhưng lại rất ý định
trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài yêu thương tất cả mọi người. Thế nhưng, kẻ được
nghe Tin Mừng sớm nhất phải là kẻ bần cùng không nhà cửa nơi đồng vắng. Đó là dấu
hiệu hé mở cho một sứ vụ “chấn hưng” một dân tộc đau khổ, một bước khởi đầu cho
một hành trình dài đến với những người cùi, người câm, người điếc, người bại liệt
và nhất là người tội lỗi. Người vượt ra khỏi những cấm kỵ của tục lệ để vươn mình
về phía dân ngoại để giang tay ôm trọn những con người cùng khổ.
Nỗi khao khát
đến với những người cùng khổ nơi Đức Giêsu bắt đầu từ đêm Giáng sinh vẫn còn cháy
bỏng theo dòng thời gian. Ngài đã bày tỏ khát vọng ấy nơi Thánh Têrêxa
Calcutta. Mẹ Têrêxa đã lắng nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu “để lại mọi sự phía
sau và phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo.” Trước
đó Mẹ Têrêxa đã được ơn linh hứng, “Mẹ đã ở trong một trạng thái mà Mẹ không
bao giờ giải thích được, là cơn khát yêu thương các linh hồn của Chúa Giêsu chiếm
đoạt tâm hồn Mẹ, và ước muốn làm nguôi cơn khát của Người trở thành mãnh lực
chi phối cuộc sống của Mẹ”.[1]
“Bức tranh” Giáng
Sinh là một nhiệm mầu tình yêu và sự bình an. Bức tranh ấy tuy nhất cổ kính, nhưng
cũng rất mới lạ; tuy rất củ kỹ nhưng lại không kém phần hợp thời; tuy lặng lẽ
nhưng cũng rất mạnh mẽ, thách thức, thức tỉnh tâm hồn bao con người. Mỗi lần
chiêm ngắm bức tranh Giáng Sinh là mỗi lần người ta tự hỏi: Đâu là sự bình an mà
Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người và làm sao để có được sự bình an ấy? Rất
đơn giản nhưng cũng lại quá phức tạp; rất tầm thường nhưng cũng rất phi thường.
Đó là sự bình an của một Hài Nhi, Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sở
dĩ Hài Nhi Giêsu có được sự bình an ấy là vì Ngài luôn có sự nối kết bền vững với
Chúa Cha, với Đức Maria và Thánh Giuse (gia đình trần thế) và với dân Người. Sợi
dây để buộc chặt sự nối kết ấy không gì khác hơn là một tình yêu vô bờ bến: yêu
Chúa Cha, yêu cha mẹ, và yêu nhân loại khổ đau. Muốn có được sự “bình an dười
thế cho người Chúa thương” ấy chắc chắn người ta phải có được một trái tim yêu
để thắt chặt mối liên hệ ruột thịt với Chúa Cha với gia đình và với những người
cùng khổ.
Jos. Phạm
Duy Thạch
No comments:
Post a Comment