Ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh
Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm
Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với
việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ
Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ
Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.
Cửa Năm Thánh đầu tiên được mở không phải là cửa đền thờ
thánh Phê-rô mà là cửa Nhà thờ Chánh Tòa tại thủ đô Bangui, Nước Cộng Hòa Trung
Phi, 9 ngày trước khi Mở Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 08 Tháng 12 tại
Vatican.
Đây là quốc gia nay đã trải qua những giai đoạn khủng khiếp
về bạo lực sắc tộc và tôn giáo trong hai năm qua. Một lực lượng lớn người Hồi
giáo hệ phái Séléka chống lại phần lớn các Kitô hữu. Tình trạng này phải làm
cho hàng chục ngàn người phải trốn chạy sang các nước láng giềng. Và Liên Hợp
Quốc đã từng lên án một tội ác khác tàn bạo khác ở quốc gia này tội diệt chủng.
Trong tông sắc "Misericordiae vultus" (Khuôn mặt
thương xót), khi trích Tin Mừng Luca chương 15, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh :
“Trong những dụ ngôn nói về lòng thương xót, Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính
Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ
bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự
khước từ với sự cảm thông và lòng thương xót. Chúng ta biết về những hình ảnh
này từ ba dụ ngôn hoàn toàn đặc biệt: Dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng
bạc được tìm thấy, và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32).
Nơi các dụ ngôn ấy, chúng ta thấy được điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức
tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả” (số 9).
SỰ HOANG ĐÀNG CỦA ANH
HAI (Lc 15, 11-32)
Nếu như tuổi 15 được xem như là tuổi đẹp nhất của một đời
người, được ví như tuổi trăng tròn hay là trăng rằm, thì chương 15 của Tin Mừng
theo thánh Luca cũng là chương đẹp nhất, tròn trịa nhất về tình cha. Với một dụ
ngôn 3 trong một, dụ ngôn mang nhãn hiệu độc quyền, thánh Luca đã phác họa nên
một chân dung người Cha nhân hậu không tưởng trên toàn cõi vũ hoàn.
Bức tranh tình cha được khắc họa tinh tế bởi nhiều gam
màu sáng tối đan xen lẫn nhau. Từ những toan tính, sự sai lầm, gục ngã, niềm
đau và nước mắt của người con hoang đàng đến những cử chỉ âu yếm của lòng nhân
từ vô bờ bến, khôn tả của Thiên Chúa.
Tiếc thay, trong bức tranh tình cha tuyệt vời ấy có một
nét vẽ dường như bị lệch bên ngoài. Nét vẽ ấy to đến nỗi, lạc đến nỗi làm cho
làm cho bức tranh niềm vui gia đình dường như không trọn vẹn. Đó là nét vẽ về
người người anh hai. Trong niềm vui linh đình của gia đình, thì người anh hai bỗng
thấy mình lạc lõng, bơ vơ bên ngoài cánh cổng.
Trong bản hòa tấu khúc nhạc vui mừng người em đã chết nay
sống lại, đã mất nay lại tìm thấy, cung đàn của anh hai bỗng lạc điệu. Chúng ta
cùng thử tìm hiểu sự lạc điệu và sự lạc lõng, chua chát, đến bi đát này của người
anh hai này.
NHỮNG DẤU HIỆU HOANG
ĐÀNG CỦA NGƯỜI ANH HAI
1.
Ở NGOÀI ĐỒNG
Trước
hết, thánh Luca diễn tả không gian của người anh cả chính là nơi đồng ruộng. Động
từ ở (eimi) được chia ở thì vị hoàn (imperfect) diễn tả tình trạng đã, đang và
có thể sẽ tiếp tục. Chi tiết này nghe có vẻ bình thường đối với một người làm
nông trại, nhưng lại rất bất thường trong toàn bộ câu chuyện.
Thánh
Luca ca dường đang như gợi mở một không gian hoạt động bất thường của người anh
hai trong tương quan với gia đình, đặc biệt là với người cha. Người cha thì ở
nhà, còn người anh hai thì luôn ở trên cánh đồng. Anh ta có thể chỉ biết một việc
là làm và làm chứ không để ý chút gì đến cõi lòng của người cha.
Trong
nỗi nhung nhớ da diết, tan nát cõi lòng của người cha, thì anh vẫn ở ngoài đồng.
Có lẽ anh không thể nào cảm nghiệm được nỗi lòng u uất đang gặm nhắm, bào mòn
sức khỏe của người cha già.
Hầu
hết mỗi người chúng ta ít khi cảm nhận được rằng mình đang ở trong mái ấm,
trong gia đình Thiên Chúa. Chúng ta chỉ chăm lo cho cuộc sống đồng ruộng của
chúng ta. Chúng ta dành hầu hết thời gian của cuộc đời mình để cày sâu cuốc bẫm
trên ruộng lúa thế gian. Để kiếm tiền, kiếm cơm, kiếm gạo mưu sinh, và nhiều khi
để làm giàu. Chúng ta bận bịu chăm chút, lo lắng cho cuộc sống riêng của bản
thân. Bận lo lắng cho gia đình riêng của mỗi người.
Vì
thế, những khi chúng ta đến với Chúa, đến nhà Chúa, nhà thờ cũng chỉ là những
phút ít ỏi, rảnh rang của cuộc đời mình. Như thế thì cũng là tốt. Có nhiều người
ngay cả thời gian rảnh rang cũng chẳng dành cho Chúa nữa, mà dành vào những thú
vui khác, phim ảnh rượu chè, trà nước, cờ bạc, tán gẫu…suy nghĩ kỹ thì thấy chỉ
có những người già là thích đến với Chúa. Đó cũng có thể xem như là khoảng thời
gian rảnh rang của đời người. Phải chi ta yêu Chúa ngay khi còn trẻ thì tốt biết
mấy.
Chúa
vẫn thương chúng ta, nhưng chúng ta chắc sẽ không cảm nghiệm được vì mình cứ
mãi ở ngoài đồng ruộng của thế gian. Không muốn ở trong nhà với Cha.
2.
KHÔNG BIẾT ĐIỀU GÌ
XẢY RA TRONG NHÀ
Khi
về nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, anh hai vội gọi một tên đầy tớ đến để
hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Đó là một thực tế rất hợp logic.
Anh hai luôn ở ngoài đồng, không quan tâm
đến tâm trạng người Cha thì làm sao biết được chuyện nhà. Chuyện nhà của anh,
nhưng anh lại không biết mà phải hỏi người làm công của anh. Cha anh đãi tiệc
chắc là mời nhiều người, nghĩa là, người ngoài ngõ đã tường mà người trong nhà
lại chưa tỏ. Chưa tỏ vì thực ra anh không ở trong nhà. Về điểm này có thể nói sự
gần gũi và hiểu biết của anh về chuyện nhà không bằng một người làm công. Tương
quan của anh và người cha cũng không bằng tương quan giữa cha anh và đứa làm
công.
Trong
liveshow của nghệ sỹ Kiều Oanh, Năm Nhâm Thìn 2012, mang chủ đề “con là mùa
xuân của mẹ”, có một đoạn bi hài kịch, mang tựa đề: “Ngày của mẹ”, Do nghệ Hài
Kiều Oanh và nghệ sỹ Út Bạch Lan đóng vai chính.
Chuyện
kể về một người con gái, là một ca sỹ rất thành công nổi tiếng, có nhiều show
diễn và có rất nhiều tiền. Cô rước bà mẹ ở quê nhà lên sống chung, nhưng suốt
ngày cô bận bịu công việc, chưa bao giờ ở nhà ăn với mẹ được một bữa cơm. Người
mẹ ngày nào cũng nấu cơm chờ con về ăn, chờ mãi đến khuya, cô mới về đến nhà,
nhưng lại nói là ăn rồi. Cô chào bà qua loa rồi đi ngủ vì quá mệt.
Cô
muốn mẹ cô ăn bận như người thành phố. Không cho mẹ cô mang áo bà ba, và bắt mẹ
đeo nhiều vàng. Cô nói cùng mẹ rằng: “Má chỉ cần ăn, ngủ, rồi đeo vàng, tập thể
dục, không cần làm gì cả. Nếu má làm người ta thấy sẽ làm mất hình tượng người
con hiếu thảo của con trong lòng khán giả.”
Và
lòng hiếu thảo của cô được chứng minh trong một gameshow truyền hình mang tên
là “Ngày của mẹ”. Để tổ chức gameshow “ngày của mẹ” thì người làm chương trình
gửi cho người con một bản câu hỏi về người mẹ. Người con sẽ điền câu trả lời bằng
giấy. Sau đó người làm chương trình sẽ dùng chính những câu hỏi ấy để hỏi chính
người mẹ. Nếu những câu trả lời của người con khớp với những câu trả lời của
người mẹ thì xem như hai mẹ con thắng giải thưởng của chương trình.
Những
câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản như là: Mẹ bạn tên gì? Mẹ bạn bao nhiêu tuổi?
Món ăn mẹ bạn thích là gì? Màu mẹ bạn ưa thích là gì? Sở thích của mẹ? Ước mơ của
mẹ? Mẹ bạn yêu nhất là gì? Mẹ bạn ghét nhất là gì? Mẹ bạn mong gì ở bạn nhất?
Đó
là những câu hỏi tưởng chừng như là hết sức đơn giản thế nhưng cô con gái không
tài nào biết được. Và dĩ nhiên những đáp án của cô đưa ra hầu như sai bét. Ngay
cả tên của mẹ, cô cũng không nhớ rõ. Tuổi thì càng không; sở thích của mẹ thì
càng mù tịch…
Trong
khi đó, cô đầy tớ gái trong nhà thì lại biết hết, biết chính xác từng câu một.
Cô đầy tớ nói chân thành với cô chủ của mình rằng. “Chị để em trả lời hết cho.
Có những điều về bác mà em biết nhưng chị không biết đâu. Có những hình ảnh đẹp
về bác em đã từng bắt gặp mà chị chưa từng thấy”. Đó là một thực tế hết sức xót
xa và đau lòng. Chính cô con gái ấy cũng không tin nữa.
Cuối
cùng cô ca sỹ ấy cũng thắng giải, thắng giải nhờ vào những câu trả lời của cô đầy
tớ, chứ không phải của chính cô. Nhưng cô cũng chợt nhận ra rằng, mình chẳng hiểu
chút gì về mẹ mình. Mình không biết đâu là tâm tư nguyện vọng của người mẹ.
Không biết mẹ mình cần gì. Cuối cùng, cô đã hết sức hối hận. Vở kịch kết thúc bằng
những dòng nước mắt hối hận của người con và những giọt nước mắt hạnh phúc của
người mẹ.
Đó
là câu chuyện không phải trong phim, trong kịch, nhưng là câu chuyện thực tế của
đời thường. Có biết bao nhiêu câu chuyện gia đình bi thương như thế trong xã hội
này.
Thế
nhưng, chúng ta không dừng lại ở câu chuyện gia đình. Không dừng lại ở lòng hiếu
thảo, tình cha, nghĩa mẹ trong các gia đình nhân loại. Chúng ta đang gẫm suy về
một hình ảnh trong gia đình Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta trong vai người
anh cả. Nhiều khi chúng ta không quan tâm đến việc Thiên Chúa, cha chúng ta
mong mỏi điều gì nơi chúng ta. Chúng ta không quan tâm đến việc tìm hiểu về
chính Chúa. Không mặn mà với việc đọc Lời Chúa. Không đọc thì làm sao mà hiểu về
Chúa và hiểu Chúa muốn con làm gì. Đâu mới thực sự là tâm tư nguyện vọng của
Chúa dành cho con, cho gia đình con để rồi theo đuổi.
(Hỏi:
Cả cuộc đời mình, có ai đọc được trọn bộ sách Thánh Kinh, từ đầu đến cuối chưa?
Đó là câu chuyện tình, tiểu thuyết tình yêu giữa Thiên Chúa và con người; tình
yêu của người cha với những người con). Nếu chúng ta không đọc thì làm sao có
thể dám nói mình là con Chúa và làm sao hiểu được Chúa thương ta dường nào?)
Thế
nên, cả đời nhiều người, dường như cứ bay bay, không biết mình đến từ đâu và đi
về đâu. Đâu là cùng đích cả cuộc đời mình. Câu trả lời thì rất dễ. Tôi đến từ
Chúa và về với Chúa chứ gì. Thế nhưng, chân lý đó có thật sự là lẽ sống của mỗi
người chúng ta hay không. Đó có phải là lẽ sống là chân lý tối thượng mà chúng
ta dám sống và dám gieo vào cuộc đời của con cái, cháu chắt chúng ta hay không.
Hay đó chỉ là một kiến thức rẻ tiền, biết cũng thế, mà không biết cũng vậy. Đời
tôi tôi lo, Chúa nói gì mặc xác Chúa.
3.
THÁI ĐỘ: GIẬN DỮ,
TỪ CHỐI VÀO NHÀ
Lòng
anh ta giờ đây chỉ còn một cảm giác giận dữ và chỉ chờ để được trút giận. Anh
ta không muốn vào nhà tý nào. Động từ “muốn” (thêlô) lại được thánh Luca dùng ở
thì vị hoàn (êthelen), nghĩa là tình trạng không muốn vẫn cứ tiếp tục. Chính vì
thế mà người cha phải ra năn nỉ.
Ứng
với thái độ không muốn có nguy cơ kéo dài của người anh hai, hành động nài nỉ của
người cha cũng được thánh Luca dùng ở thì vị hoàn (parekalei), một sự nài nỉ vẫn
đang tiếp diễn và có thể còn kéo dài thêm nữa.
Lòng
thương xót của Thiên Chúa vẫn trải dài dành cho tất cả những người con lỗi lầm.
Thái độ của người anh là thái chính là thái độ của những kinh sư và người
phariseu. Họ chính là đối tượng mà Đức Giê-su muốn nhắm tới khi kể dụ ngôn này,
chứ không phải những người thu thuế hay những người tội lỗi.
Bằng
chứng là khi bắt đầu dụ ngôn này thánh Luca ghi chú rằng: “ Các người thu thuế
và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người
Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội
lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:”
Như
thế, đây chính lả đỉnh cao, đỉnh điểm, là cao trào mà dụ ngôn này muốn nhắm đến,
chứ không phải giây phút người cha chạy ra ôm người con thứ và hôn lấy hôn để.
Chúa
Giê-su muốn nói rằng Thiên Chúa thương xót những tội nhân đến mức như thế, đến
mức như là người con thứ mà vẫn được ôm vào lòng, được trả lại tất cả địa vị
quyền lợi của người con. Chỉ có những con người, không muốn đón nhận lòng
thương xót của Chúa. Chỉ có những người cảm thấy mình không cần lòng thương xót
của người cha thì Chúa đành bó tay.
Và
đây là chính là đối tượng Chúa lo lắng nhất. Lo lắng nhất bởi vì, họ đánh mất
khả năng trở về vì tưởng rằng mình không cần sám hối ăn năn. Họ có nguy cơ bị
xa rời Thiên Chúa vĩnh viễn. Đó có thể kể như là một hình thức tội phạm đến
Thánh Thần. Đó là kiêu ngạo, không cần ơn tha thứ của Chúa. Đó là thái độ thiếu
cảm thông với người lỗi lầm vì nghĩ rằng mình trong sạch hơn người khác. “khiêm
nhường bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút đã là thừa”. Tự kiêu một chút
có thể làm dở dang cả đời người, và đi vào cõi chết vĩnh viễn.
Người
con thứ co thể đi bao xa cũng không đáng lo bằng người con cả, vì người con thứ
vẫn còn cơ may trở về và đã trở về. Còn người con cả lại không muốn trở về,
không muốn vào nhà. Người cha thật sự lo lắng.
Chắc
không ai trong chúng ta có thể dám từ chối không vào nhà Chúa, nhưng lòng ghanh
tỵ, thái độ khi khi kẻ khác, và tự xem mình thánh thiện, tốt hơn kẻ khác thì
cũng có nhiều. Thường khi chúng ta hay cười chê những phạm tội công khai, và
không ngớt bàn tán xì xào với nhau nữa.
Nhưng
ít khi chúng ta nghĩ đến người đó cũng chính là anh chị em của chúng ta, và
Chúa rất thương họ, còn chúng ta lại chê ghét anh em của mình.
“Hãy
chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách
móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha
thứ cho nhau.” (Cl 3,13)
Chỉ
khi nào ý thức rõ rằng mình cũng từng có lỗi và Chúa đã tha thứ cho mình thế
nào, thì mình mới bớt chỉ trích và khinh chê kẻ khác. “Hãy có lòng nhân từ như
cha anh em là đấng nhân từ” (Lc 6,36). Chúa Giê-su đã mời gọi như thế và chính
Người dẫu rất đỗi trong sạch thánh thiện, Người cũng chưa từng khinh chê người
tội lỗi nào cả.
4. TƯƠNG QUAN ĐỔ BỂ
Sự
bực dọc, giận dữ của anh hai được thể hiện trong lời trách móc: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh,
thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.
Câu nói của người anh hai bộc lộ rất nhiều chi tiết đắng cay trong tương quan đổ
bể, không lành lặn giữa anh và cha.
Thứ
nhất, anh chưa bao giờ gọi cha mình một tiếng cha (pater).
Trong
bản dịch Việt ngữ cách xưng hô của anh nghe có vẻ nhẹ nhàng: “Cha coi”, thế
nhưng trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp không hề có một tiếng cha như thế, tất cả đại
từ mà anh hai dùng trong cuộc đối thoại với cha chỉ là đại từ ngôi thứ hai (su)
mà thôi, chứ không phải là cha (Pater). Vì thế, câu nói của “anh hai” trong
ngôn ngữ bực dọc có thể là: “Ông coi, đã bao nhiêu năm trời tôi hầu hạ ông, và
chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ ông cho lấy được một con dê con để
tôi ăn mừng với bạn bè”.
Điều
này hoàn toàn khác biệt đối với tâm thức của người con thứ. Dẫu rằng ngỗ nghịch,
đi xa nhưng trong lòng anh ta lúc nào cũng xem người cha là cha của mình. Lúc
nào anh cũng gọi là “cha tôi”: “biết bao người làm công cho cha tôi”; “Thưa
cha! Con thật đắc tội…”; “thôi ta đứng lên đi về cùng cha”.
Thứ
hai, anh xem cha như là một ông chủ còn anh chỉ là đầy tớ:
“đã
bao nhiêu năm con hầu hạ cha và không bao giờ trái lệnh”. Trong ý nghĩ lâu nay
của anh, tương quan giữa anh và ông ấy không phải là tương quan cha-con nhưng
là tương quan chủ tớ. Trong đó anh ta là tớ còn ông ấy là chủ. Và anh phải làm
đầy tớ bao nhiêu năm trời rồi. Một đầy tớ hết sức trung thành, chưa bao giờ
trái lệnh.
Anh
biến cha anh thành người chỉ biết ra lệnh còn anh là người thi hành theo mệnh lệnh
không hơn không kém. Động từ “douleúồ” (được dịch là hầu hạ) trong nguyên ngữ
tiếng Hy Lạp có nghĩa đầu tiên là “làm nô lệ”. Mà động từ này lại được dùng ở
thì hiện tại, diễn tả một tình trạng thực tế không bao giờ thay đổi: bao nhiêu
năm nay anh vẫn là một người nô lệ của cha mình.
“Không
trái lệnh khi nào” nghĩa là anh ta tự xem mình là một người hoàn thành bổn phận
một cách tốt đẹp, không còn gì đáng chê trách.
Thế
mà ông chưa bao giờ cho anh một “con dê con”. Sự so sánh giữa một con dê con và
một con bê vỗ béo cho thấy sự cay đắng trong ngôn ngữ của anh khi nghĩ về cách
đối đãi của “ông” cha với anh. Anh đã làm đầy đủ bổn phận và lẽ ra anh nên được
đãi ngộ tốt hơn, hoặc ít ra ngang bằng với người con thứ, đằng này anh lại chẳng
được gì.
Thứ
ba, anh muốn ăn mừng với chúng bạn.
Không
xem ông ấy là cha, cho nên “con dê con”
nếu có, anh ta cũng chỉ muốn được “nhậu” với chúng bạn chứ không phải với cha,
với gia đình.
Tương
quan của anh với cha xưa nay vốn không tốt, không lành lặn, nay bỗng bùng nổ
thành lời khi anh thấy ông đãi tiệc mừng người con thứ.
Thứ
bốn, không xem người con thứ là em mình
Cuối
cùng, ranh giới được người anh hai vạch rõ ràng hơn khi tuyên bố “thằng con của
ông kia”. Tuyên bố “thằng con của ông”, nghĩa là nó không phải em của anh, cũng
có nghĩa là anh không phải là con của ông.
Điều
này hợp với tiến trình mà thánh Luca mô tả anh từ đầu đến giờ: ở ngoài đồng, không biết nhà đang có chuyện vui gì, không
muốn vô nhà, tự xem mình là một người nô lệ, ăn mừng với chúng bạn. Tất cả dữ
liệu đều chứng tỏ rằng anh ta không thuộc về gia đình này, người cha không phải
là cha anh, người con thứ không phải là em của anh.
Thật
bùi ngùi, xót xa cho thân phận bơ vơ lạc lõng của người “anh hai”. Anh không
xin cha chia gia tài, anh không cuốn gói ra đi phương xa, anh không tiêu xài
phung phí của cải, anh không lâm vào tình trạng đói cơm thiếu áo, nhân phẩm của
anh không tuột dốc đến mức không bằng một con heo, nhưng chưa bao giờ cảm nhận
được hơi ấm tình cha, anh chưa bao giờ thấy ấm cúng khi ở trong nhà cha. Không
có một nối kết thân thương nào giữa anh với cha. Anh đã đánh mất tình cha, và
còn đánh mất tình anh em ruột thịt khi tự giới hạn mình thành một con người của
bổn phận, một đầy tớ, một nô lệ, chứ không phải một người con trong gia đình
Thiên Chúa. (Xin xem thêm bài “Tưởng được lại mất tưởng mất lại được” để biết
thêm về sự tuột dốc của người con thứ: http://dongngoiloi.blogspot.com/2013/03/tuong-uoc-lai-mat-tuong-mat-lai-uoc-lc.html
).
KẾT THÚC MỞ
Thánh
Luca kết thúc dụ ngôn bằng cách để ngỏ chọn lựa của người anh hai. Anh có vào
hay không? Không ai biết. Sự mở ngỏ này có ý nghĩa hết sức độc đáo. Thiên Chúa
vẫn mời gọi, vẫn nài nỉ nhưng người Pha-ri-sêu và những kinh sư vào nhà chung
vui với Ngài. Ngài mong muốn họ nối lại tình cha-con với Thiên Chúa. Ngài muốn
họ cũng nhận lại địa vị làm con, cảm nhận được hơi ấm tình cha, chứ không phải
chỉ là những người đầy tớ suốt ngày quần quật trên đồng ruộng để rồi quên lối về
nhà. Ngài mong muốn họ chấp nhận những người lầm lỗi biết ăn năn. Ngài không muốn
họ chỉ bằng lòng với những việc bổn phận mình làm để rồi tỏ ra hậm hực với những
người tội lỗi, tỏ ra không hài lòng trước tình yêu, sự tha thứ mà Thiên Chúa
Cha dành cho những con người đau khổ.
Khởi
đầu dụ ngôn “người cha nhân hậu” người ta cứ tưởng rằng vấn đề của người con thứ,
người con hoang đàng là vấn đề rất lớn nhất bao trùm cả dụ ngôn. Vì thế, đã có
thời người ta đặt tên dụ ngôn này là “dụ ngôn người con hoang đàng”. Vấn đề người
con thứ tuy có lớn nhưng đã được giải quyết rất đơn giản khi anh có ý trở về.
Cho dẫu rằng anh về chỉ vì nghĩ đến “người đầy tớ của cha được cơm dư gạo thừa”,
chứ không phải nghĩ đến tình thương và sự mong mỏi của người cha, người cha vẫn
chấp nhận và ôm anh vào lòng.
Một
kết thúc mở cho thấy vấn đề của người “anh hai” mới là vấn đề lớn, vấn đề còn bỏ
ngỏ. Đó là vấn đề của các kinh sư và những người pha-ri-sêu, những người đang sầm
xì, phản đối việc những người tội lỗi và thu thuế đến cùng Đức Giê-su và nghe
Người giảng. Đó là vấn đề của những người tự cho mình là công chính không cần
phải sám hối ăn năn.
Công
chính nhưng không ở trong nhà Cha, không một tương quan gần gũi với Cha, không
có lòng cảm thông với anh chị em đồng loại, thì công chính để làm gì. Tự xem
mình là công chính mà không cảm nhận được hơi ân tình cha, tình anh em, tình
người thì công chính để làm chi. Nói như kiểu của Chúa Giê-su, 99 người công
chính như thế quả không bằng một người tội lỗi biết sám hối ăn năn và quay về với
Chúa.
Thánh
phao-lô nói rằng: “Như có lời chép rằng : Không ai là người công chính, dẫu một
người cũng không” (Rm 3,10). Nghe sao mà bi quan quá, nhưng đó lại là sự thật.
Người ta chỉ được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ tin vào Đức Giê-su (Rm
3,22; Gl 3,16; Pl 3,9).
Ơn
công chính là ơn Chúa ban nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Một khi cậy dựa vào sức mình mà
không cần nhờ vào sự trợ giúp của Thiên Chúa thì sẽ không được ơn công chính.
Hoàn cảnh của người anh hai cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều tín hữu hôm
nay một khi họ dám tin vào công trạng của mình đủ để làm cho họ được cứu độ chứ
không phải nhờ vào tình thương của Cha trên trời.
Kiểu
như câu chuyện: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm
Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện
thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác:
tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần
hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế
thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa
thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho
các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi;
còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình
xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18, 10-14).
Tông
Sắc "Misericordiae vultus" (Khuôn mặt thương xót), Đức Thánh Cha
Phanxico đã nói rằng: “Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là
một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con
cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót
vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai
phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu
chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình”
(số 9).
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD.
No comments:
Post a Comment