Saturday 16 January 2016

KHÁCH MỜI TRỞ THÀNH CHÀNG RỂ (Ga 2,1-11)

Tuần vừa rồi tôi đi dự lễ tạ ơn của 2 anh em tân linh mục tại giáo xứ Vinh Hòa, có một điều làm cho tôi hết sức ấn tượng. Khi các đoàn đồng tế từ từ tiến bước trong tiếng kèn trống inh ỏi, thì bỗng nhiên có một chiếc máy bay, bay rà rà trên đầu đoàn đồng tế, khiến ai nấy đều ngạc nhiên và ngước nhìn.
Tưởng là máy bay khủng bố, ai ngờ, đó chỉ là một chiếc máy bay camera của bộ phận quay phim. Khi tôi kể lại cho cha Stan nghe thì Ngài nói: chắc hẳn là gây chia trí lắm. Riêng tôi, trong giờ phút ấy tôi có cảm giác rất vui. Tôi cảm nhận được niềm vui, sự tưng bừng, hớn hở của ngày đại lễ của cuộc đời dâng hiến. Người ta chắc hẳn đã làm tất cả, áp dụng tất cả những phương tiện có thể để làm nên sự hoành tráng, sự tưng bừng của niềm vui ngày Đại Lễ Tạ Ơn của các tân chức.
Giao Ước tình yêu, cuộc hợp hôn giữa Thiên Chúa và con người luôn là đỉnh cao của niềm hoan hỉ như thế.

Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay ghi lại cho chúng ta sự tưng bừng hoan hỉ của một tiệc cưới tại Cana. Sở dĩ tiệc cưới ấy tưng bừng hoan hỉ, vui đến giọt rượu cuối cùng vì nơi ấy có sự hiện diện và chúc phúc của chính Chúa Giê-su và nơi ấy có sự hiện diện, quan tâm, nhạy cảm, tinh tế của Mẹ Maria.
Tiệc cưới người Do Thái kéo dài từ 3 ngày đến một tuần. Như vậy, lượng rượu thiếu có thể là thiếu đến vài ngày và rất khó tìm đâu ra một lượng rượu như vậy lúc bấy giờ. Nếu không còn rượu, tiệc cưới Cana chắc phải kết thúc sớm, hoặc sẽ kéo dài mất vui. Chính vì thế mà sự quan tâm của Đức Maria là quá sức cần thiết và dĩ nhiên dấu lạ hóa nước thành rượu cũng không phải là một dấu lạ bất đắc dĩ, nhưng hành động biểu lộ tình yêu thật sự, của Đức Giê-su dành cho gia chủ.
Tuy nhiên, dấu lạ ấy không chỉ dừng lại ở niềm vui của hai họ và thực khách trong tiệc cưới năm ấy nhưng có một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Tác giả Tin Mừng thứ tư đã dùng nhiều ngôn ngữ biểu tượng để muốn gợi lên, và nhắc đến một mầu nhiệm cao cả hơn. Đó là cuộc hợp hôn giữa Thiên Chúa và con người.
Cuộc hợp hôn ấy đã được ngôn sứ Isaia nói đến trước đó: “Nhưng ngươi được gọi: "Ái khanh lòng Ta hỡi! "Xứ sở ngươi nức tiếng là "Duyên thắm chỉ hồng." Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.”
Đỉnh cao của hạnh phúc đôi lứa hội tụ nơi đám cưới, đã được tác giả Thánh Kinh khéo léo sử dụng để diễn tả niềm vui, đỉnh cao hạnh phúc của nhân loại qua hôn ước, đám cưới, giữa Thiên Chúa và dân người.
Thánh Kinh nhiều lần diễn tả Nước Trời như là một bữa tiệc cưới. Nhân loại sẽ được kết thúc bằng một bữa tiệc cưới linh đình trong Nước Trời.
Còn Đức Giê-su thì được Thánh Kinh diễn tả như là một chàng rể, một tân lang. Hôm nay, trong tiệc cưới Cana, chàng rể trở nên mờ nhạt. Tân lang không biết rượu hết từ lúc nào, và cũng chẳng biết bằng cách nào rượu ngon lại được giữ mãi cho đến giây phút cuối. Tân giai nhân cũng không được nói đến.
Thay vào đó là hình ảnh một Đức Giê-su, bỗng trở thành Tân Lang, trong cương vị người cung cấp rượu ngon, là dấu chỉ của niềm vui, niềm hoan lạc. Xuất hiện bên cạnh tân lang Giê-su là Đức Maria, như là Eva mới, tân giai nhân, đại diện cho nhân loại trong cuộc hợp hôn giữa Thiên Chúa và con người. Đức Maria là hình ảnh một tân giai nhân tuyệt đẹp cả trong tâm hồn lẫn thể xác.
Lời Đức Giê-su nói cùng Đức Maria: “Chuyện đó có liên can gì đến bà và con” xem chừng cho thấy Đức Giê-su chẳng màng gì đến chuyện họ hết rượu hay còn rượu. Thế nhưng sự thật không phải như thế, Đức Giê-su muốn mạc khải một mầu nhiệm cao cả trọng đại hơn. Đó là: “giờ của con chưa đến”. Giờ trong Tin Mừng thứ tư chính là giờ “Người được tôn vinh, cũng là giờ Đức Giê-su “rời bỏ thế gian mà về cùng Cha”. Và đó cũng là giờ tử nạn, giờ phục sinh. Trạng ngữ mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ngày thứ ba” là dấu chỉ thời gian của “ngày thứ 3”, Người sẽ trỗi dậy (Ga 2,19-22; 7,30). “Ngày thứ ba” cũng gợi nhớ đến quá khứ, khi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang với dân Người trên núi Sinai (Xh 19,1.10-11.16).
Giờ hôm nay để hướng đến một giờ khác, giờ mà Đức Giê-su được treo trên thập giá, giờ mà Đức Giê-su đổ hết máu và nước trong mình ra. Đức Giê-su dường như muốn nói cùng mẹ Maria và mỗi người chúng ta rằng: Bà ơi sẽ đến giờ, không chỉ là rượu ngon, nhưng con sẽ cho thực khách của tiệc cưới Nước Trời tất cả để họ được no thỏa đời đời. Là đời đời chứ không phải tạm thời. Là thân thể, là máu thịt của chính Đức Giê-su chứ không chỉ là rượu ngon hảo hạng. Là chính thân mình trở thành nguyên liệu để trở nên của ăn của uống làm vui say cho muôn người chứ không phải là nước lã được biến đổi.
Dấu lạ hôm nay nghe chừng như là bất đắc dĩ thế, nhưng không phải thế. Đó chính là một dấu lạ báo hiệu rằng thời đại Mê-sia đã bắt đầu; là khúc dạo đầu của một tiệc cưới Nước Trời mà Đức Giê-su là chàng rể. Dấu lạ này là khởi đầu và hướng tới giờ mà Đức Giê-su được tôn vinh thực sự. Chính vì thế mà tác giả Tin Mừng nhấn mạnh mục đích “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê” là để  “bày tỏ vinh quang của Người” và để “Các môn đệ đã tin vào Người.”
Đức Giê-su làm dấu lạ không nhằm tôn vinh bản thân, hay thỏa mãn nhu cầu của vật chất của con người, nhưng là nhắm đến niềm tin của các môn đệ và cả chúng ta nữa. Nếu như dấu lạ của Đức Giê-su không dẫn đến niềm tin thì nó chẳng có ý nghĩa gì với cộng đoàn đức tin cả.
Chính vì thế, có thể nói dấu lạ hóa nước thành rượu là một dấu lạ nối kết lòng tin, dấu lạ thắm nghĩa, đượm tình giữa Thiên Chúa và dân Người. Trong đó, cái tầm thường như nước lã đã vươn đến cái phi thường, rượu ngon dạt dào. Nhu cầu đất thấp vươn đến khát vọng trời cao; từ say men rượu đến say men tình Chúa.
Rượu mới của tân lang Giê-su có sức làm lâng lâng cả đời người chứ không chỉ làm thỏa mãn thực khách trong chốc lát.
Dấu lạ hóa nước thành rượu cho chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta từ muôn thuở. Chúng ta chính là niềm vui cho Thiên Chúa chúng ta thờ. Chúng ta hãnh diện được Thiên Chúa xem là đối tượng của niềm vui. Chúng ta được mời gọi đón nhận rượu mới từ tân lang Giê-su để luôn được say men tình Chúa, để hưởng nếm niềm hạnh phúc lâng lâng của những thực khách trong tiệc cưới Nước Trời.
Mẹ Maria chắc chắn không thể thiếu trong việc tìm rượu, giữ rượu từ Tân Lang Giê-su cho mỗi người chúng ta. Hãy chạy đến cùng Mẹ qua kinh mân côi mỗi khi chúng ta cảm thấy đời mình nhạt nhẽo vô vị, cô đơn, đoạn trường khi thiếu vắng Chúa. Khi lửa nhiệt tình của chúng ta bỗng dưng tắt ngúm, khi phong ba bão tố như bao trùm tất cả đời ta. Hãy để Mẹ Maria thay lời chúng ta thưa lên cùng Chúa: “họ hết rượu rồi” và chắc chắn rượu tình yêu tình mến của chúng ta lại được dư đầy.
Phúc thay cho mỗi người chúng ta nếu như cả cuộc đời chúng ta luôn ý thức mình là niềm vui của Chúa và luôn làm tất cả để Chúa vui và khi đã lỡ làm Chúa buồn, khi đổ vỡ tương quan với Chúa, thì hãy nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp để lại trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa là niềm vui đích thực của mỗi người chúng ta.

Fr. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment