Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII được bầu làm giáo hoàng khi đã
77 tuổi. Người ta cứ nghĩ rằng đó chỉ là một triều đại giáo hoàng có vai trò
chuyển tiếp mà thôi. Thế nhưng, chính lão giáo hoàng ấy lại đủ sức khởi động những
biến cố làm chuyển động Giáo Hội. Đó là Công Nghị Giáo Phận Rô-ma và nhất là
Công Đồng Vat.II.
Ngoài ra, ngài còn được báo chí đương thời gọi là “người tù
cuối cùng của Vatican”[1],
khi ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã khởi bước rời khỏi Vatican kể từ thời đức
Pi-ô IX, năm 1870. Người ta tính rằng, Giáo hoàng Gioan XXIII đã ra khỏi điện
Vatican tới hơn 100 lần để viếng các lao xá, bệnh viện, thánh đường, nhà mồ côi
và trường học. Đó là “Một vị giáo chủ đã làm cho nội dung Tin Mừng của đạo,
bấy lâu nay được bao bọc trong bầu khí tôn nghiêm đền thánh, bổng trở nên hồn
nhiên và hiện thực. Vì xét cho cùng, đó cũng là cung cách của Đức Giêsu tìm đến
với mọi người, Đức Giêsu của hoa đồng cỏ nội, của thiếu nhi và người nghèo, của
Thập giá và Nước Trời...”(Georges Casalis)
[2]
Những cuộc viếng thăm là phương tiện cho sự nối kết tình
thân trong nhân loại. Chúa Nhật cuối cùng trong mùa vọng, phụng vụ Giáo hội giới
thiệu cho chúng ta một cuộc viếng thăm hết sức đặc biệt.
1.
Thiên
Chúa viếng thăm dân Người
Bức tranh tiền cảnh cho cuộc viếng thăm đặc biệt này chính
là việc Đức Maria đi thăm viếng người chị họ của mình. Dĩ nhiên, Tin Mừng Luca
không đơn thuần kể lại cho chúng ta nghe một cuộc viếng thăm lịch sử mang tính
cách gia đình thân thuộc nhưng ẩn sâu bên trong đó là một cuộc viếng thăm khác.
Đó là Thiên Chúa viếng thăm dân Người.
Có rất nhiều điểm tương đồng trong sách 2Sm 6 (đoạn nói về
vua Đavít chuyển Hòm Bia giao ước từ Giu-đa về Giêrusalem) với Lc 1,39-56. Hai
sự kiện cùng xảy ra trong xứ Giu-đa; vua Đa-vít nhảy mừng trước Hòm Bia – Gioan
nhảy mừng trong lòng mẹ; Hòm Bia vào nhà
ông Ô-vêt Ê-đom – Đức Maria vào nhà ông Dacaria; Hòm Bia: nguồn phúc – Đức
Maria: nguồn phúc; Vua Đa-vít nói: Hòm Bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được
– Bà Ê-lisa-bét nói: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi?”; Hòm Bia
ở nhà ông Ô-vêt Ê-đom ba tháng – Đức Maria ở lại nhà bà Ê-lisa-bét ba tháng.[3]
Những chi tiết tương đồng ấy cho thấy Đức Maria đến nhà người
chị họ không đơn giản chỉ là cuộc thăm viếng mang tính cách cá nhân. Luca hẳn
là muốn nói với độc giả rằng Đức Maria được ví như Hòm Bia Thiên Chúa hiện diện
giữa dân Người. Điều làm cho cuộc viếng thăm của Đức Maria trở nên có ý nghĩa
to lớn là vì Đức Maria đang mang trong mình Con Thiên Chúa làm người.
Đoạn trích thư Híp-ri hôm nay (Hr 10,5-10) nhắc đến hai lần “Lạy
Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”, bởi lẽ Chúa không muốn cũng
không nhận hy lễ, lễ vật hiến dâng, lễ toàn thiêu, lễ đền tội. Đức Chúa đã viếng
thăm dân Người và Người đã bắt đầu “vội vã, nhiệt huyết” khởi bước mang tin vui
cho dân Người ngay từ khi còn là bào thai.
Việc Chúa Con xung phong đến với dân người là của lễ hoàn hảo
nhất làm vui lòng Thiên Chúa Cha. Và mục đích mà Chúa Con muốn đến là đem niềm
vui và sự bình an cho dân Người như ngôn sứ Mikha đã giới thiệu: “Người sẽ là
chính sự bình an”. Người sẽ là sự nối kết tuyệt hảo giữa Thiên Chúa với con người
và giữa con người với con người.
2.
Hoa
trái của cuộc viếng thăm
-
Niềm vui của người con: Không biết Đức Maria đã chào lời chào gì mà khiến
cho hài nhi trong lòng bà Ê-lisa-bét phải nhảy lên vì vui sướng. Điều đó không
quan trọng và chúng ta cũng không thể suy đoán. Có lẽ, hài nhi Gioan nhảy mừng
không phải vì lời chào của Đức Maria cho bằng là sự hiện diện và viếng thăm của
Đấng muôn dân hằng trông đợi mà hài nhi Gioan chính là người đầu tiên được phúc
phần chào đón sự viếng thăm của Đấng ấy. Đó là một niềm vui trọng đại lớn lao
mà Gioan không thể lặng thinh được.
-
Niềm vui của người mẹ: Đồng thời với việc Gioan nhảy mừng ngay khi nghe tiếng
Đức Maria chào thì bà Ê-lisa-bét cũng được đầy tràn Thánh Thần và “kêu lớn tiếng”.
Cũng như Đức Maria, bà Ê-lisa-bét cũng không phải là một người mẹ bình thường.
Đứa con bà đang cưu mang cũng là một đứa con của tình thương, ân sủng, và là
ngôn sứ của Đấng tối cao. Gioan đã được thiên sứ tiền báo là sẽ được “đầy Thánh
Thần ngay khi còn ở trong dạ mẹ” (Lc 1,15). Việc bà Ê-li-sa- bét được đầy Thánh
Thần có lẽ liên quan đến việc Gioan được đầy Thánh Thần. Lời “kêu lớn tiếng”
(anephonesen) của bà chỉ được dùng để chỉ những tiếng tung hô trong phụng vụ
(1Sb 16,45.42) và đặc biệt cuộc di chuyển Hòm Bia (1 Sb 15,28; 2Sb 5,13).
Bà Ê-lisa-bét bộc lộ ra ngoài niềm vui của người con, cũng
như tuyên xưng bằng chính môi miệng điều mà hài nhi Gioan đã xác nhận bằng cách
nhảy mừng qua tác động của chính Chúa Thánh Thần. Có thể nói nếu như Đức Maria
đến với bà chị họ trong thân phận “Hòm Bia Thiên Chúa” thì người chị họ cũng
chào đón bà trong thân phận là mẹ ngôn sứ của Đấng tối cao.
-
Phúc được làm “Mẹ Chúa tôi”: Từ “Kyrios” (Chúa) được Thánh Luca dùng cho cả
Thiên Chúa và Đức Giê-su. Trong trường hợp này có lẽ “Kyrios” được dùng để chỉ
Đức Giê-su thì đúng hơn. Trong lời chúc tụng của người chị họ, Đức Maria được
nhận biết và tung hô như là “Mẹ Chúa tôi”. Và vinh dự và niềm vui sướng hãnh diện
của người chị họ nằm ở chỗ ấy. Đức Maria thì được phúc làm mẹ của Chúa. Và được
Mẹ của Chúa đến thăm quả là một cái phúc không tưởng. Đức Maria có phúc hơn mọi
người phụ nữ ở nhiều điểm, nhưng quan trọng hơn hết là mẹ được chọn làm Mẹ Đấng
Cứu Thế.
-
Phúc của kẻ tin: Đức Maria đã tin rằng lời Chúa đã nói với Bà. Niềm tin của Đức Maria không chỉ là
tin có hay không sự việc sự việc thiên sứ nói với Mẹ, nhưng là một sự tín thác
tuyệt đối vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Mẹ không những tin lời sứ thần
nói mà còn cầu xin: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Và việc Đức
Maria đang mang thai chứng tỏ rằng Bà đã tin, cho nên Thiên Chúa đã thực hiện lời
cầu xin của Bà. Đó chính là phúc phần của một người dám tín thác vào Chúa cách
trọn vẹn.
-
Phúc của con: “Con lòng bà được chúc phúc”. Đức Maria được chúc phúc là được
nhờ nguồn phúc của Người Con. Chính Đức Giê-su mới là nguồn phúc đích thực mà
nhờ đó Đức Maria cũng được hưởng nhờ.
Tạm
kết
“Hãy ra khỏi chính mình và đến các vùng ngoại ô của cuộc sống”.
Đó là lời mời gọi tha thiết của Đức Giáo Hoàng Phanxi-cô trong cả Tông Huấn Niềm
Vui Phúc Âm và Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến. Đoạn tin Mừng hôm này không nên
bị giới hạn vào một cuộc thăm viếng bình thường nhưng là một cuộc ra đi loan
báo Tin Vui của Đấng Cứu Thế. Đức Giê-su đã khởi đầu sứ vụ của Người và làm cho
hai người phụ nữ cũng như gia đình ông Dacaria ngập tràn tin vui. Nếu như mọi
cuộc gặp gỡ trên thế gian này đều có Chúa Giê-su ở vị trí trung tâm thì mọi cuộc
gặp gỡ ấy cũng chứa chan niềm vui như thế. Nếu như mọi lúc khởi bước đến với
người khác đều là lúc thi hành sứ vụ: “Hãy đi khắp thế gian” của Đức Giê-su thì
thế gian sẽ nhiều niềm vui biết bao!
Fr. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
No comments:
Post a Comment