Năm 2014, tạp chí Forbes, một
tạp chí danh giá của nước Mỹ đã vinh danh 72 người quyền lực nhất thế giới.
Trong đó, đứng đầu danh sách là TT Nga Vladimi Putin, và Đức Thánh Cha Phanxicô
đứng thứ tư, xếp sau TT Barack Obama và CT Tập Cận Bình. Theo Forbes, có 4 tiêu
chuẩn để chọn ra những người quyền lực nhất. Thứ nhất, ứng viên có quyền trên
nhiều người hay không. Thứ hai, ứng viên có sở hữu tài sản nhiều hơn những người
cùng địa vị hay không. Thứ ba, ứng viên có ảnh hưởng trong nhiều lãnh vực hay
không. Và cuối cùng phải chắc chắn rằng ứng viên sử dụng quyền lực một cách
tích cực.
Đoạn Tin Mừng hôm nay (mC 10,32-45) ghi lại
một cách thức để đánh giá một người môn đệ quyền lực nhất, theo tiêu chuẩn của
riêng Đức Giêsu. Tiêu chuẩn đó là: Phục vụ. Người phục vụ anh em nhiều nhất,
thì được xem là người quyền lực nhất.
Chúa Giêsu muốn các môn đệ quay
trở về với quyền lực nguyên thủy của các quyền lực. Đó là quyền lực Thiên Chúa.
Ai quyền năng bằng Thiên Chúa. Nhưng khác với vua Chúa trần gian. Thiên Chúa thể
hiện quyền lực của mình trong sự yêu thương.
Quyền năng Thiên Chúa được khởi
sự bằng tình yêu tạo dựng. Ngài dựng nên vũ trụ vạn vật vì yêu thương và để yêu
thương. Ngài dựng nên con người cũng là vì yêu thương và để yêu thương.
Quyền năng Thiên Chúa lại được
hoàn tất trong tình yêu cứu chuộc. “Con người đến không phải để được phục vụ
nhưng là để phục vụ và hiến dâng thân mình làm giá chuộc muôn người.” Vua Giêsu
đã chứng tỏ Người là vị vua quyền lực nhất trên thế giới, khi dám phục vụ con
người cho đến chết.
Chính vì thế mà trong Lời
Nguyện Nhập Lễ, tuần 26, mùa TN, GH vẫn cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, khi Chúa
thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả”.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ,
những nhà lãnh đạo GH tương lai, phải hiểu cho rõ rằng quyền lực, nếu có thì chỉ
là một phương tiện Thiên Chúa dùng để yêu thương và phục vụ tha nhân. Quyền lực
chỉ là một trong những dụng cụ mà con người cần có để yêu thương kẻ khác. Quyền
lực chỉ thật sự có giá trị khi nó được thực thi trong thương.
Thế nhưng, nghiệt ngã thay, các
môn đệ thân tín, Giacôbê, Gioan hay bất kỳ môn đệ nào khác, lại xem nó như một
cùng đích, một hoài bão ước mơ để đạt tới nhằm mưu cầu lợi lộc cho riêng mình, cho
gia đình mình.
Quyền lực thay vì để hướng về
kẻ khác, và cho lợi ích của kẻ khác, nay lại chỉ để kiếm chác cho bản thân, cho
người thân và tệ hại hơn, khi quyền lực trở thành một công cụ để đàn áp, gây hại,
và giết chết tha nhân.
Lời mời gọi của Đức Giêsu quả
là một thách đố cho các môn đệ ngày xưa và cho mỗi người chúng ta ngày nay. Người
muốn làm lớn phải làm người phục vụ, người muốn làm đầu thì phải làm người đầy
tớ.
Xin Chúa giúp cho mỗi người
chúng ta nhận ra rằng mỗi khi chúng ta đón nhận một vị trí lãnh đạo trong cộng
đoàn, hay trong nhóm nhỏ nào, là chúng ta đang gánh lấy một trách nhiệm để phục
vụ và mưu cầu lợi ích cho anh em.
Xin cho mỗi người chúng ta
dám can đảm từ bỏ những giấc mơ quyền lực nhằm vun vén cho bản thân, mà không
đem lại lợi ích cho tha nhân và cho cộng đoàn. Đồng thời, xin cho mỗi người
chúng ta đừng mắc phải căn bệnh thoái thác, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận và thực
thi những trách vụ mà cộng đoàn tín nhiệm giao phó. Amen.
No comments:
Post a Comment