Saturday, 25 April 2015

NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ CHIÊN NGOAN


Ngày 24 tháng ba năm 1980, đức cha Oscar Romero, tổng giám mục giáo phận thủ đô San Salvador, đã bị ám sát chết ngay tại bàn thờ, khi đang cử hành Thánh Lễ, lúc ngài đang dơ cao chén máu thánh Chúa. Ngài bị bắn xuyên tim và gục ngã ngay dưới chân bàn thờ. Giám mục Oscar Romero là một tiếng nói bất khuất chống lại bất công xã hội. Ngài không ngừng đứng bên cạnh người nghèo, lên tiếng bênh vực họ và không ngần ngại chết vì đoàn chiên của mình (https://www.youtube.com/watch?v=OYOXHxZL8pI ).
Và thứ bảy, ngày 23 tháng 5 năm 2015, Giáo Hội cử hành Thánh Lễ tôn phong ngài lên hàng á thánh như một sự tôn vinh dành cho một chứng nhân tử đạo. Và trong Thánh Lễ đặc biệt ấy, khi thánh tích của Á thánh Oscar Romero được rước ra thì một hiện tượng siêu tự nhiên đã xảy ra: bầu trời u ám sau nhiều ngày mưa bỗng mở ra và mặt trời sáng rực cùng với vầng hào quang sáng chói bao quanh. (xem video tai: https://www.youtube.com/watch?v=K5U_Hh-P4OI). Ngài được phong thánh vào ngày 14/10/2018 bởi Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

Đức TGM Romero chính là dáng dấp, là hình ảnh chân thật của một vị mục tử chân chính mà Đức Giêsu đã nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Đó là đặc tính đầu tiên và quan trọng nhất của một người mục tử chân chính.
Đức Giêsu không phải nói chơi, bởi trong Vườn Cây Dầu, đứng trước tình cảnh hiểm nguy, Người đã nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi" (Ga 18,8). Và Người đã một mình, lặng lẽ bước vào cuộc khổ nạn và chấp nhận cái chết một mình vì các môn đệ và vì nhân loại.

Đặc tính thứ hai của một người mục tử nhân lành là biết chiên của mình: “Tôi biết chiên của tôi”. Cái biết mà Đức Giêsu muốn nói chắc chắn không chỉ là cái biết về thông tin kiểu như tên gì, nhà ở đâu, làm nghề gì. Cái biết Đức Giêsu muốn nói đây là cái biết của sự đồng cảm. Mục tử nhân lành biết chiên cần gì để rồi nâng đỡ, ủi an chiên. Người biết chiên đau khổ thế nào để rồi cùng đau với họ, cùng đồng cảm với họ.
Trong Tông Huấn niềm vui Tin Mừng Đức thánh cha Phanxicô đã nói rằng: “các nhà loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của chiên” (EV, số 24). Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến một Giáo Hội phải biết sẵn sàng “ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng”.

Đặc tính thứ ba của người mục tử nhân lành là luôn luôn tìm kiếm chiên lạc. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về.” Khi giảng tĩnh tâm cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Rôma, năm 2000, Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã táo bạo nói đến năm khuyết điểm của Đức Giêsu. Trong đó, khuyết điểm thứ hai là: “Đức Giêsu không am hiểu về toán học”. Vị Hồng Y khả kính minh họa bằng dụ ngôn người mục tử nhân lành đã ngẩn ngơ bỏ 99 con chiên ngoài hoang địa để đi tìm cho kỳ được 1 con chiên lạc. Tìm được rồi ông lại vác lên vai và mời hàng xóm đến ăn mừng với mình. Đối với Đức Giêsu 1 có giá trị bằng 99.

Dĩ nhiên rồi, tình yêu không thể nào được xem như một phép tính. Tình yêu vượt trên tất cả mọi tính toán. Mục tử Giêsu đã không ngừng rong ruổi đây đó để tìm cho kỳ được, Máthêu, Giakêu, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ Samari. Sứ mạng của Ngài là sứ mạng tìm kiếm: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."

Trong khi bộc bạch về sứ mạng của người mục tử, Đức Giêsu cũng phác họa những đường nét hết sức tiêu biểu của một con chiên của Chúa.

Thứ nhất, chiên Chúa phải biết Chúa. Những con chiên Chúa phải vươn đến một sự hiểu biết sâu sắc, thân quen và gần gũi với Chúa như là Chúa biết họ. Đó là một sự hiểu biết về con tim hơn là lý trí, nghĩa là phải thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của Chúa. Chúa yêu tôi như làm sao? Chúa muốn tôi làm gì? Chúa muốn tôi sống thế nào? để rồi đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Thứ hai, chiên Chúa phải nghe tiếng Chúa. Người mục tử luôn luôn đi tìm kiếm con chiên, nhưng chỉ khi nào con chiến biết thinh lặng trước những ồn ào của cuộc sống thì mới nhận ra tiếng của mục tử và quay về với Ngài. Có nhiều tiếng gọi trong cuộc sống làm cho con chiên lạc đàn, chính vì thế việc lắng nghe tiếng Chúa là một đặc tính hết sức cần thiết để giữ cho con chiên khỏi đi lạc, và nếu lỡ đi lạc thì biết hướng để quay về.

Thứ ba, chiên Chúa phải hiệp nhất: Một đàn duy nhất. Ân huệ “được gọi là con Thiên Chúa” và “thực sự là Con Thiên Chúa” được thánh Gioan nói đến trong thư của ngài (x. 1Ga 3,1-2), là một ân huệ quá sức tuyệt vời. Đó đồng thời là một lời nhắc nhở về một nguồn cội mà mọi con chiên phải tìm về; nhắc nhớ đến mối tương quan nguyên thủy mà mọi kitô hữu phải tìm lại cho kỳ được. Đó chính là mối tương quan trong gia đình nhân loại.

Thiên Chúa vốn tạo dựng và đặt để nhân loại trong một mối tương quan gia đình. Đức Giêsu nhấn mạnh đến một sự hiệp thông, hiệp nhất giữa một xã hội đang ngày càng phân tán, và chia rẽ. Đó là đặc tính nhất thiết phải có của đàn chiên Chúa. Chúa Giêsu luôn nỗ lực cho một đại gia đình nhân loại hiệp nhất. Vấn đề còn lại là những con chiên đã hiệp tác thế nào với nỗ lực tác hợp, quy tụ của Thiên Chúa.

Tham dự Thánh Lễ Chúa Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện, và góp công góp sức cho Giáo Hội có thêm những người theo sống đời thánh hiến, đặc biệt là xin cho Giáo Hội luôn có nhiều vị mục tử chân chính, hiểu biết chiên của mình, sẵn sàng làm mọi cách để tìm kiếm chiên lạc và sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên của mình.

Đồng thời, xin cho mỗi người chúng ta cũng biết sống đúng vơi phẩm giá của một con chiên của Chúa: luôn luôn lắng nghe tiếng Chúa nói, sống gần gũi mật thiết với Chúa để cảm hiểu tâm tư nguyện vọng của Chúa và luôn sống hiệp nhất yêu thương nhau như Chúa mong muốn. Xã hội con người, gia đình Thiên Chúa chỉ thật sự ấm êm, bình an hạnh phúc khi cả người mục tử và đàn chiên đều sống đúng với phẩm chất của mình. Amen.
Josseph Phạm Duy Thạch, SVD

No comments:

Post a Comment