Sunday, 12 April 2015

THÔNG ĐIỆP LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Năm 1931, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với một nữ tu người Balan, tên là Faustina Kawalska, và trao cho chị một thông điệp: “Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.
 Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho linh hồn ấy thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn ấy như là bảo vệ vinh quang của riêng Cha.”
Và bức ảnh mà Chúa Giêsu muốn nữ tu Faustina vẽ, chính là bức ảnh kính lòng Chúa thương xót, mà chúng ta nhìn thấy ngày nay. Đức Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim. và từ trái tim có hai luồng ánh sáng chiếu tỏa ra, một luồng màu đỏ và một luồng màu trắng nhạt.

"Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu thị cho Nước. Nước sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu thị cho Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Chúa Giêsu, lúc trái tim hấp hối của Ngài bị lưỡi đồng đâm thâu, mở rộng ra.”

Nữ tu Faustina qua đời vào ngày 05/10/1938, khi mới 33 tuổi, và đã được Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, phong thánh ngày 30/04/ năm 2000 và Đức Gioan Phaolô II, cũng ấn định ngày Chúa nhật thứ II Phục Sinh, là Chúa Nhật dành riêng để kính nhớ Lòng Chúa thương xót, theo như chỉ thị Đức Giêsu Phục Sinh đã ban cho thánh nữ.

Bài Tin Mừng trong ngày lễ kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót (Ga 20,19-31) cho chúng ta nghe lại những lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Thật ngạc nhiên, Đức Giêsu đã không chọn một thân xác đẹp trai, hoàn hảo hơn, sáng láng hơn.

Ngài đã hiện ra với một thân xác đầy những thương tích. Mà chúng ta thường gọi là những vết sẹo. Những vết sẹo trên hai lòng bàn tay, vết sẹo trên cạnh sườn. Những cái lỗ trên đôi bàn tay và cạnh sường Ngài trông thật ghê rợn.

Tại sao Đức Giêsu lại mang thân xác Phục Sinh đầy sẹo như thế đến gặp các môn đệ? Tại sao ngài không chọn một thân xác lành lặn hơn, đẹp đẻ hơn?

Thưa! vì chỉ qua những vết sẹo ấy mà các môn đệ mới nhận ra Chúa. Chính những vết tích ấy mới giúp các môn đệ tin rằng đó là Chúa. Họ không nhận ra Chúa bằng gương mặt hay giọng nói. Chúa Giêsu hiện ra, ban bình an, cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn.
Và chính Tôma đã đòi hỏi phải được sỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn thì ông mới tin rằng đó là Chúa của Ông đã sống lại.

Hơn nữa, Đức Giêsu cũng muốn cho các môn đệ và mỗi người chúng ta luôn nhớ rằng: Đức Kitô Phục Sinh, thật sự là Đức Kitô đã chịu đóng đinh, chịu đâm thâu trái tim, đã đổ máu và nước ra hết vì yêu thương nhân loại. Đó là một Đức Kitô không ngần ngại chịu đau khổ vì yêu thương, không ngần ngại mang những vết sẹo xấu xí suốt đời vì yêu thương.

Đức Giêsu trong bức ảnh lòng Chúa thương xót cũng thế, những dòng nước và máu luôn sẵn sàng chảy tuôn vì tình yêu thương đối với nhân loại.

Mừng lễ kính lòng Chúa thương xót hôm nay, một lần nữa nhắc nhở mỗi người chúng ta về tình yêu vô bờ mà Thiên Chúa đã và đang dành cho chúng ta. Để rồi chúng ta tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu của Ngài bằng cách nghe theo lời mời gọi của Ngài, đừng rời xa Thiên Chúa nữa, nhưng luôn tìm cơ hội đến với Ngài mọi nơi mọi lúc. Đặc biệt là năng đến với Ngài nơi các bí tích. Cách riêng Bí Tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, để chúng ta lãnh nhận những nguồn ơn thiêng nuôi sống hồn xác chúng ta.

Trong thế giới hiện đại, thẩm mỹ viện mọc ra nhiều hơn, chứng tỏ nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp thân xác ngày càng nở rộ. Đó âu cũng là nhu cầu chính đáng của con người, cách riêng là phái đẹp. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Phục Sinh với thân xác đầy sẹo luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: một trái tim yêu thương là một trái tim sẵn sàng đổ máu vì người mình yêu.

Chúa Giêsu mời gọi những người vợ, những người chồng sẵn sàng mang những thương tích cho nhau và vì nhau. Ngài mời gọi những bà mẹ hãy sẵn sàng mang những vết sẹo vì những đứa con của mình. Ngài mời gọi những người cha sẵn sàng hy sinh cho con mình được thành người. Ngài cũng mời gọi những người con đừng chỉ ít kỷ chăm chút cho bản thân mình nhưng dám xả thân vì tình yêu đối với cha mẹ. Ngài cũng mời gọi những kitô hữu, những thành viên của một giáo xứ hãy sẵn sàng mang những thương tích thể xác và tâm hồn vì yêu thương bạn hữu, vì lòng mến tha nhân của mình.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn mang lấy tâm tình của Đức Kitô giàu lòng thương xót, một Đức Kitô sẵn sàng mang những vết sẹo vì nhân loại. Có như vậy chúng ta mới tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực giữa trăm chiều gian nan thử thách trong cuộc đời làm người này. Amen.
Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 2015
Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment