Saturday, 28 February 2015

Ý NGHĨA VIỆC ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH

a. Bối cảnh& giới hạn
- Bối cảnh: đoạn 9, 2-13 nằm trong đoạn IV: 8,27-10,52, giúp cho đọc giả nhận ra Đức Ki-tô là Đấng nào- Đấng không như người ta nghĩ. Trong đoạn này Đức Giê-su đem 3 môn đệ lên núi, biến đổi hình dạng và xuống núi, trao đổi về Ê-li-a. 
- Giới hạn: Đoạn văn bắt đầu với cụm “sáu ngày sau” (c.2) đánh dấu phân cách với đoạn trước. Tác giả không đề cập gì đến trong sáu ngày, chứng tỏ nội dung đoạn văn trước vẫn còn trong sáu ngày. Đoạn văn kết trong viễn cảnh Thập Giá- Đức Giê-su trong đời thường bị khinh khi. C.14 diễn tả Đức Giê-su cùng 3 môn đệ gặp lại nhóm môn đệ và kết thúc hành trình đi riêng và khởi đầu cho một câu chuyện khác.

b. Cấu trúc: 3 tiểu đoạn được chi theo không gian.

A. 9,2a Lên núi: không trao đổi gì, tách biệt cuộc sống thường ngày
B. 92b-8 Trên núi: Biến hình và được gọi là con
A. 9,11-13 Xuống núi: trao đổi về Ê-li-a 

c. Phân tích

Đoạn văn là một bức tranh khá cân đối về mặt không gian, diễn tả lại một cảm nghiệm đặc biệt của 3 môn đệ với đỉnh cao là việc Đức Giê-su biến hình trên núi. Đoạn văn này sẽ được phân tích theo như cấu trúc đã đưa ra:

(1) Lên núi: Khoảng thời gian “sáu ngày sau” cũng như khoảng thời gian lên núi là một khoảng lặng như là một sự chuẩn bị cho độc giả đón nhận biến cố trọng đại. Núi cao gợi nhớ đến ni Si-nai, nơi Ong Mô-sê gặp gỡ Chúa. Núi không có tên vì vượt ra khỏi không gian bình thường. 

Việc chỉ có nhóm 3 môn đệ là nhóm thu nhỏ của nhóm 12 và các môn đệ cho thấy chưa đến lúc phổ biến rộng rãi. Bộ ba này cũng là bộ ba hiện diện trong những dịp đặc biệt: cho con gai bà Gai-a sống lại (5,37-43), trong vườn Giết-si-ma-ni (14,33-34). Không có dấu hiệu nào cho thấy sự thân tín của bộ ba này với Đức Giê-su. Nhưng có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh đến tư cách làm chứng của bộ ba này- đại diện cho các môn đệ khác. Và cũng có thể ba môn đệ này đang có vị trí quan trọng trong Giáo Hội lúc Tin Mừng được viết ra.

(2) Trên núi: biến hình. Đây là sự kiện rất quan trọng trong Tin Mừng Mac-cô. Bản văn có rất nhiều chi tiết đáng suy để tâm. Tuy nhiên ở đây chỉ xin đề cập đến ba ý nghĩa chính của sự kiện. Thứ nhất, vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ cho thấy triều đai Thiên Chúa đã hiện diện, bắt đầu với sự hiện diện của Đức Giê-su chứ không phải đợi đến lúc Ngài Phục Sinh. Triều đại Thiên Chúa đến trước và biến cố Thương Khó – Phục Sinh sẽ hoàn trọn. Thứ hai, biến hình loan báo cuộc Phục Sinh vinh hiển của Đức Giê-su, xác nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. 

Việc Tin Mừng kết thúc mà không nhắc đến những lần hiện ra ngụ ý là đã nói đến trong biến cố biến hình. Thứ ba, lời tuyên bố “Đây là Con ta” chính là mục đích và đỉnh cao của toàn Tin Mừng, vì khẳng định căn tính và sứ vụ của Đức Giê-su trước nhân loại. Khởi đầu Tin Mừng tác giả giới thiệu đây là Tin Mừng … Con Thiên Chúa (1,1) và cuối Tin Mừng viên đại đội trưởng tuyên xưng Ngài là “Con Thiên Chúa” (15,39). Đỉnh núi chính là đỉnh cao của không gian và cũng là đỉnh cao của mạc khải trong Tin Mừng Mác-cô – mạc khải về căn tính Đức Giê-su. chính nơi đây cũng chứa đựng lời mời gọi quan trọng nhất cho mọi tín hữu: “Hãy nghe người”

(3) Xuống núi: bàn luận về Ê-li-a: có hai lập trường về sự bàn luận về Ê-li-a trong đoạn này. Thứ nhất, theo lập trường của Người Do Thái thì Ê-li-a sẽ đến trước để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a dựa trên Mlk 2,23-14 và Hc 48,10. Thứ hai, đây có thể là một lập trường do Ki-tô giáo đưa vào để giải thích cho việc xuất hiện của Gioan trước Đức Giê-su. Sự chính xác của hai lập trường này không quan trọng cho bằng thông điệp của đoạn văn này. Đó là số phận bi thảm của Gioan cũng như Ê-li-a như là một hình ảnh báo trước cuộc Thương Khó – Phục Sinh của Đức Ki-tô. Bí mật Đấng Mê-si-a vẫn chưa được bật mí đối với đa số dân chúng và họ đã xử với Gioan như ý họ muốn (c.13).

Đức Giê-su rồi cũng sẽ chung số phận như vậy. Có một chi tiết hơi nghịch lý trong câu hỏi của các môn đệ: “Tại sao các kinh sư lại nói rằng: Ê-li-a phải đến trước? Câu hỏi này dường như chẳng ăn nhập gì đến điều các ông đang bàn hỏi với nhau: “từ cõi chết sống lại” có nghĩa gì. Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su mới làm sáng rõ ý câu hỏi của các ông: “Tại sao lại đã viết về Con Người… chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?”. Câu trả lời của Đức Giê-su bộc lộ sự ngu muội của các môn đệ về sứ mạng của Đấng Mê-si-a. Xưa nay các ông vẫn nhầm tưởng Đức Giê-su sẽ khôi phục Vương Quốc Ít-ra-en bằng quyền lực chính trị, và vừa rồi các ông thấy Ngài tỏ lộ vinh quang, và lại được Ê-li-a – vị ngôn sứ lẫy lừng thời Cưu Ước dọn đường nữa. Điều này càng làm cho các ông không thể hiểu nổi việc Con Người sẽ “chịu nhiều đau khổ” và từ cõi chết sống lại. “Bí mật Đấng Mê-si-a” vẫn chưa bật mí với các ông mãi đến sau Phục Sinh. Đau khổ và vinh quang được pha trộn vào nhau là một hình ảnh quá kinh hãi đối với người Do thái.


Đây quả thật là một bức tranh sinh động đầy màu sắc về sứ vụ của Đấng Mê-si-a trong đó hai gam màu tương phản: Thập Giá – Thương Khó và Vinh Quang- Phục Sinh luôn được phối hợp cách hài hòa. Hình ảnh lên núi và xuống núi cũng là hai hình ảnh diễn tả một hành trình quan trọng trong sứ vụ Đấng Mê-si-a: Thương khó (xuống núi) – Phục Sinh (lên núi). Đây cũng là lời mời gọi người tin qua mọi thời đại cần nhìn nhận đúng con đường và sứ mạng của Đấng Mê-si-a để không có một ảo tưởng vinh quang không có thập giá.

Duy Thạch SVD

No comments:

Post a Comment