Saturday, 24 January 2015

MỘT SỰ SÁM HỐI ĐÚNG NGHĨA!


Trong liveshow có chủ đề là “về chốn bình yên” gồm những ca khúc hát về cha mẹ và về Phật Giáo, diễn ra tại sân khấu Lan Anh, tối mùng 5 tháng 11 năm 2014, ca sĩ Quách Tấn Du đã làm toàn bộ khán giả trong khán phòng sững sờ anh khi tiến ra cùng với hai vị sư phụ và bất ngờ xuống tóc, cạo đầu ngay trên sân khấu. Hành động của Quách Tân Du sau đó đã bị cư dân mạng ném đá vì cho rằng anh đã lợi dụng Đạo Phật để đánh bóng tên tuổi mình. Quách Tấn Du giải thích rằng: “Trải qua nhiều biến cố thập tử nhất sinh trong cuộc đời, tôi xuống tóc như hành động sám hối cho những lỗi lầm trong quá khứ. Đây cũng là tâm nguyện một lòng hướng về cõi thanh tịnh của tôi".
Kính thưa cộng đoàn, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta về lời mời gọi đầu tiên của Đức Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Dân Ninivê thời Cựu Ước đã nghe theo lời rao giảng của ngôn sứ Giôna, để rồi họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Và Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người đã hối tiếc về tai họa Người tuyên bố sẽ giáng xuống trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
Dân Ninivê ngày xưa sám hối tội lỗi vì họ sợ Thiên Chúa trừng phạt. Còn Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta sám hối vì một lý do khác, “thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Sự sám hối mà Đức Giêsu muốn mời gọi không còn giới hạn vào việc sám hối tội lỗi nữa. Động từ “metanoéồ” trong tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ gốc của sách Tin Mừng, thường được dịch là “sám hối”, đúng ra phải được dịch là hoán cải, là thay đổi trí lòng.

Sự hoán cải mà Đức Giêsu muốn nói có một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Đó là một sự thay đổi trí lòng, thay đổi lối sống cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Nhìn nhận và từ bỏ lỗi lầm chỉ là một bước trong tiến trình hoán cải. Sự hoán cải này còn bao hàm cả việc “tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đó chính là Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài. Nghĩa là sự hoán cải mà Đức Giêsu mời gọi không chỉ dành cho những người tội lỗi, nhưng là cho tất cả những ai không đi theo đường lối của Ngài và chưa tin vào Ngài.

Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau lời mời gọi “hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” là câu chuyện Đức Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên: Simôn, Anrê, Giacôbê và Gioan. Các ông lập tức đi theo Ngài. Simôn và Anrê thì bỏ chài lưới lại. Đó là biểu tượng cho cuộc từ bỏ chén cơm, cần câu cơm, đảm bảo cho đời sống thường ngày. Gioan và Giacôbê thì quyết liệt hơn. Hai ông bỏ cha mình lại trên thuyền cùng với người làm công. Đó là biểu tượng cho một sự từ bỏ người thân, gia đình, một mái ấm của con người.

Cuộc hoán cải của các môn đệ đầu tiên chỉ xảy ra khi họ dám tin vào Tin Mừng, tin vào chính Đức Giêsu và bước theo Ngài. Đó mới thực sự là một cuộc hoán cải triệt để. Cuộc hoán cải của các môn đệ không chỉ là từ bỏ tội lỗi nhưng từ bỏ chính lối sống, lối suy nghĩ, nghề nghiệp, cha mẹ, gia đình người thân để bước theo Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Một cuộc hoán cải như thế phải bắt nguồn từ việc mong mỏi Nước Chúa trị đến; phải bị thu hút bởi sự hiển trị của Nước Chúa thì con người ta mới dám hoán cải đến từ bỏ mọi sự để xây dựng Nước Chúa với Đức Giêsu.

Cuộc sống hiện đại, thời đại kim tiền, trào lưu hưởng thụ. Tất cả như lôi kéo con người, ngay cả người Công Giáo lạc xa rời lời mời gọi đầu tiên của Đức Giêsu. Chúng ta vẫn được nghe lời mời gọi đó, nhưng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô quá yếu, không đủ để chúng ta làm cuộc hoán cải như các tông đồ.

Hơn nữa, vương quốc trần gian quá đẹp và thu hút, làm cho chúng ta quên đi vẻ đẹp của Vương Quốc Nước Trời mà Đức Giêsu đang xây dựng, vương quốc ấy đã đến cách đây hơn kém 2015 năm, nhưng nó vẫn ở đâu đó chứ chưa đi vào nhà chúng ta và vào lòng chúng ta.

Nếu chúng ta không thực sự say mê Nước Thiên Chúa thì chúng ta chẳng quan tâm đến sự hoán cải. Giả như chúng ta muốn hoán cải nhưng nếu chúng ta không tin vào Tin Mừng, không dám tín thác vào Đức Giêsu thì chúng ta cũng không thể hoán cải.
Tỉ phú George Soros đã có lần than thở trên một tờ nhật báo rằng: “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; tôi đang làm chủ số phận hay là nô lệ cho thành công? Bởi vì để thành công tôi phải làm việc như một con chó; để giàu có tôi phải chịu căng thẳng trường kỳ; và để duy trì phú quí tôi phải chịu cảnh bất an liên tục, một sự bất an mà thiết tưởng kẻ nghèo khổ nhất hiện nay cũng chưa phải gánh chịu.”

Thế rồi một hôm kia, một tiếng gọi vang lên từ nơi thẳm sâu của tâm hồn George Soros. Trong âm thầm ông đã hành động. Ông chi viện hàng năm 300 triệu đô la cho người nghèo bên phương Đông, trợ giúp 50 triệu cho người Macedoinia đang bị các nước chung quanh cô lập; ông chi 50 triệu cho thành phố Sarajevo trong việc tái thiết hệ thống cung cấp nước cho người di tản. Sau những công tác cứu trợ nhiều quốc gia và dân tộc, George Soros cảm nghiệm rằng: “Chỉ từ khi biết yêu thương và chia sẻ, đời tôi mới bắt đầu nếm được mùi hạnh phúc và sung túc thật sự.”


Cảm nghiệm của George Soros quả là một điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ giữa một dòng đời ngược xuôi tất bật, đầy dẫy những tính toán chuyện áo cơm, chuyện bán mua cả tình cảm và nhân phẩm con người. Nguyện xin Chúa biến đổi mỗi người chúng ta, cho chúng ta một ước vọng hoán cải, để rồi tập trung tất cả tài năng, sức lực và mọi sự chúng ta có nhằm xây dựng một Nước Trời. Một vương quốc thái bình thịnh vượng, nơi mà lòng yêu mến Chúa và lòng yêu thương con người được lên ngôi, trổi vượt hơn tất cả mọi giá trị khác. Amen.
CNIIITNB (Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
JOS. DUY THẠCH SVD

No comments:

Post a Comment