“Lân la khách lạ nên quen. Rồi
ngón tay tình chắp mối duyên. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy
ai quên.”
Đó là những vần thơ thân thương,
quen thuộc mà thi sĩ Thế Lữ đã ghi lại trong một thi phẩm có nhan đề: “Lời Than
Thở của nàng mỹ thuật” đề tặng ông Nguyễn Đỗ Cung.
Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng lễ hai thánh
Tông đồ Phêrô và Phaolô. Cả Thánh Phêrô và thánh Phaolô đều có những phút gặp gỡ
thuở ban đầu lưu luyến với Đức Giêsu để rồi mãi mãi gắn bó với Ngài.
Thánh Phêrô đã gặp gỡ Chúa
Giêsu lần đầu tiên trên biển hồ Ghênêgiarét. Sau khi Đức Giêsu giúp cho ông cùng
các bạn chài bắt được một mẽ cá lạ lùng, hai thuyền đầy cá gần chìm. Phêrô bỗng
sụp xuống trước mặt Chúa Giêsu và thưa lên: “Lạy Chúa! xin tránh xa con vì con
là kẻ tội lỗi”. Đó là một cảm giác rất thật, cảm giác về tội lỗi, về sự bất xứng
của một con người trước một vị Thiên Chúa quá hoàn mỹ. Nhưng thật lạ lùng! Đức
Giêsu chẳng những không tránh xa Phêrô mà còn chọn ông làm môn đệ của mình. Đức
Giêsu đã ôn tồn nói cùng Phêrô rằng: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ làm người thu phục
người ta”.
Chính kinh nghiệm ấy đầu đời ấy
đã giúp cho Phêrô gắn bó với Đức Giêsu trong cuộc đời Tông đồ của mình. Đã có
lúc Phêrô thăng hoa tột độ khi ông đưa ra một lời xác tín quan trọng. Đó là lời
xác tín mà chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa Hằng Sống”. Đó là lời tuyên tín rất thực, rất đúng và rất đẹp. Lời
tuyên tín cần thiết, nền tảng để Đức Giêsu đặt ông lên làm tông đồ trưởng, làm
người lãnh đạo toàn Giáo Hội.
Tuy nhiên, Phêrô vẫn chưa thật
sự hiểu, thật sự cảm nhận như thế nào gọi là Đấng Kitô đích thực. Chính vì thế
mà thánh nhân cần một kinh nghiệm tội lỗi khác, kinh nghiệm của kẻ chìm sâu
trong bùn đen của tội lỗi. Ngài đã từng chối đến 3 lần là: “Tôi không biết,
không quen con người ấy”; “tôi không hề biết Đức Giêsu”. Đó là một chối từ thật
đớn đau và phủ phàng. Thế nhưng, đó lại một lời nói thật từ đáy lòng. Phêrô
tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống”. Nhưng Đấng Kitô của
ông là một Đấng Kitô đầy quyền uy lẫy lừng chứ không phải Đấng Kitô chịu đau khổ.
Đấng Kitô chịu đau khổ, chịu sỉ nhục chịu đánh đòn, không phải là Đấng Kitô mà
ông biết.
Kinh nghiệm lỗi lầm ấy thật sự
là một điểm sáng, giúp cho Phêrô bừng tỉnh để nhận ra mức độ yếu đuối của mình,
và trên hết là nhận ra thế nào là Đấng Kitô thật, một Đấng Kitô quyền năng, uy
dũng nhưng chấp nhận, chịu nạn, chịu chết, hy sinh tất cả vì yêu thương ông, vì
yêu nhân loại.
Để rồi, trước 3 câu hỏi của
Chúa Giê-su Phục Sinh bên bờ hồ Ti-bê-ri-a, Phêrô lại 3 lần xác tín: “Con yêu mến
Thầy”. Câu trả lời: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến thầy” đã bao
trùm và khỏa lấp tất cả quá khứ tội lỗi đau thương và khởi đầu một đời sống mới
huy hoàng. Câu trả lời của thánh Phê-rô cho thấy vấn đề không phải là biết Chúa
thế nào nhưng là yêu mến Chúa ra sao. Quả thế, khoảng thời gian sau đó, thánh
Phê-rô đã cho thấy mình yêu mến bằng việc sống Tin Mừng Chúa, hăng say rao giảng
Tin Mừng Chúa và đặc biệt là chịu tử nạn như Chúa.
Thánh Phaolô cũng có một cuộc
gặp gỡ đặc biệt với Chúa Giêsu. Ngài cũng bắt đầu bằng một kinh nghiệm lỗi lầm.
Với lòng hăng say nhiệt thành, Phao-lô đã hăng hái lên đường bắt bớ, tiêu diệt
những người theo Chúa Giê-su. Đức Giê-su phục sinh đã đón ngài gặp trên đường
đi Đa-mas và đã chiếm đoạt con tim ngài hoàn toàn.
Thật diệu kỳ, từ một người chống
đối, bắt bớ Chúa, ngài đã yêu Chúa say đắm đến nỗi trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa như ngài thừa nhận: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô
sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài coi việc được biết Chúa Ki-tô là một mối lợi
trên hết mọi mối lợi như ngài nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với
mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi
đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8).
Để rồi cả cuộc đời còn lại
ngài dấn thân trọn vẹn cho công cuộc loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho toàn thế
giới. Ngài trải qua 3 cuộc hành trình truyền giáo đầy gian khổ. Ngài đã kể lại
rằng: “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh
đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển
khơi! … Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói
khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,24-27).
Dẫu những khó khăn như thế,
Ngài vẫn xem việc loan báo Tin Mừng là vấn đề sống còn của chính bản thân mình.
Ngài nói: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó
là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng
Tin Mừng” (1Cr 9,16). Và cuối cùng ngài đã “đổ máu ra làm lễ tế”, chịu tử đạo
và cảm thấy mãn nguyện vì mình đã “chiến đấu hết mình trong cuộc thi cao đẹp”,
được “lãnh nhận vòng nguyệt quế dành cho người công chính” do Thiên Chúa ban tặng.
Thánh Phêrô và Phaolô đã cho
chúng ta một kinh nghiệm rất sống động, rất thực của đời người. Đó là kinh nghiệm
tình yêu Chúa dành cho những người lầm lỗi. Chắc hẳn, không ai chủ động phạm lỗi lầm để rồi trải
nghiệm được tình yêu và sự tha thứ. Tuy nhiên, một khi chúng ta biết nhìn nhận
lỗi lầm không thể tránh khỏi của mình, biết nhìn nhận thân phận yếu đuối của kiếp
người, thì chúng càng có cơ may nhận ra tình yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa
dành cho mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng
ta luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa dành cho mình, cảm nhận được ơn
Chúa trong cuộc đời mình; để chúng ta có được một trái tim yêu mến Chúa, đến nỗi
sẵn sàng sống chết vì Chúa. Tình yêu Chúa giúp chúng ta mở lòng ra với anh chị
em mình. Tình yêu Chúa thúc bách chúng ta nghĩ đến hạnh phúc của người khác. Tình
yêu buộc chúng ta xác tín nhiệm vụ đem tin vui, tin bình an cho người khác là
điều quan trọng nhất trong cuộc sống, và dám dấn thân, hy sinh cho mục tiêu ấy,
để làm cho xứ đạo mình, xã hội mình, ngày càng hạnh phúc hơn yên bình yên theo
thánh ý Chúa. Amen!
DUY THẠCH SVD
No comments:
Post a Comment