Saturday 26 April 2014

CẦN MỘT SỰ BÌNH AN GIỮA NHỮNG SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI

Vinh Danh Thiên Chúa trên các trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương (Lc 2,14). Đó là điều mà các thiên thần đã nguyện chúc cho nhân loại ngay trong ngày Đức Giêsu giáng sinh. Trong thời kỳ rao giảng, sau khi chữa lành bệnh tật cho một người nào đó, Đức Giêsu cũng thường căn dặn: Con hãy đi bình an (Lc 7,59; 8,48; Mc 5,34). Rồi, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Ngài cũng dặn các ông: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : "Bình an cho nhà này !" (Lc 10,5; Mt 10,12). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu lại để lại món quà bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Sự bình an đích thực là món quà rất quý giá mà Đức Giê-su luôn khao khát trao ban cho các môn đệ và cho toàn thể nhân loại ngay từ lúc Giáng Sinh cho đến lúc Ngài “bỏ thế gian và đi về cùng Chúa Cha” (Ga 13,1). Thế nhưng, dường sự bình an vẫn là cái gì đó hết sức xa xỉ đối với nhiều người và ngay cả đối với các môn đệ của Ngài. Chính vì thế, mà sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, trong các cuộc gặp gỡ với các môn đệ, Ngài luôn lặp lại điệp khúc: “Bình an cho anh em”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 20,19-31) chúng ta nghe Đức Giêsu lặp lại đến 3 lần: “bình an cho anh em”. Đó là điều cần thiết nhất đối với các môn đệ lúc bấy giờ.

Khi mà, một không khí khủng hoảng vẫn bao trùm cộng đoàn các môn đệ. Một đêm tối đức tin dày đặc vẫn đang phủ kín cõi lòng họ. Sự sợ hãi “những người Do thái” vẫn ám ảnh họ từng ngày. Sự thất vọng vì một giấc mộng vàng vỡ tan. Nỗi đau đớn trước sự chia ly, chết chóc của Thầy Chí thánh. 

Dẫu rằng, lúc bấy giờ Phê-rô đã chứng kiến ngôi mộ trống; Bà Maria Mácđala cũng đã nói với các môn đệ rằng: “Tôi đã thấy Chúa”  và bà đã kể cho họ nghe những điều Đức Giêsu phục sinh đã nói với bà. Thế nhưng, những chứng cứ ấy là chưa đủ, để khỏa lấp cái vực thẳm bất an to lớn đang chôn vùi tâm hồn họ. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sự hiện diện và sự trao ban bình an của Đức Giêsu Phục Sinh mới làm cho các môn đệ an lòng.

Quả vậy, Đức Giêsu đã hiện ra, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em! Và các ông đã vui mừng khôn kể xiết khi được gặp lại Thầy Giêsu. Thật không may cho Tôma là ông không hiện diện và vì thế, không được gặp Thầy như các môn đệ khác. Tuy nhiên, chính sự vắng mặt ấy lại là cơ may cho một cuộc gặp gỡ ly kỳ, hấp dẫn khác. Tôma đã quả quyết rất mạnh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

Chính câu nói này đã khiến cho tên tuổi Tôma được người ta gắn liền với sự kém tin. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tâm trạng của Tôma cũng là tâm trạng chung của tất cả các môn đệ lúc bấy giờ. Phê-rô cũng phải thấy Chúa rồi mới tin, hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng phải gặp Chúa, nói chuyện với Chúa cả buổi, rồi đến lúc Chúa bẻ bánh mới nhận ra Chúa; bà Maria Mácđala thì tưởng Chúa là người làm vườn, chỉ đến khi Chúa gọi tên bà: “Maria!” thì bà mới nhận ra Chúa.

Có thể nói, Thánh Tô-ma như là người thay lời, nói lên tâm trạng nghi ngờ chung của tất cả các môn đệ. "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."

Nếu Phê-rô không thấy Chúa, Phê-rô cũng không tin, nếu Maria Madalena không thấy Chúa, bà cũng không tin, nếu hai môn đệ trên đường Emmaus không thấy Chúa họ cũng không tin, nếu Chúa không hiện ra với các môn đệ thì các môn đệ cũng không tin. Tôma cũng vậy, tuy nói thì mạnh như thế, nhưng Tôma cũng không cần xỏ tay vào lỗ đinh, cũng không cần đặt bàn tay vào cạnh sườn thầy mình mà chỉ cần được nhìn thấy Thầy như các môn đệ khác thôi.

Vì thế, Chúng ta nên nhớ đến Tôma nhiều hơn ở một lời tuyên xưng tuyệt vời, lời tuyên xưng mà chỉ có duy nhất một mình ông mới có được: “Lạy Đức Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Tôma là người đầu tiên xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa, chứ không phải Phêrô hay môn đệ thân tín nào khác. Như vậy, tuy tiến trình đến với niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh của Tôma có vẻ chậm hơn nhưng lại chắc hơn hết, niềm tin của ông đạt đến mức thập toàn.

Cũng chính nhờ thánh Tôma mà Đức Giêsu đã tuyên bố mối phúc khác, có thể gọi là mối phúc thứ 9: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Đây là một mối phúc hết sức quan trọng cho cộng đoàn các tín hữu thế hệ đầu tiên và cho tất cả các tín hữu qua mọi thời đại, kể cả chúng ta nữa. Đức Giêsu đã về trời. Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nữa. Chính vì thế niềm tin của chúng ta đòi hỏi một cảm nghiệm thiêng liêng về sự hiện diện vô hình, mọi lúc, mọi nơi của Ngài.

Mỗi người chúng ta đều đã, đang hoặc sẽ, đối diện với biết bao nhiêu lo lắng sợ hãi. Sợ hãi vì bệnh tật, chết chóc. Lo lắng vì nghèo khổ; vì nợ nần chồng chất; bất an vì những tai nạn thảm khốc; bất an vì tội lỗi, xa cách Chúa; bất an vì gia đình tan vỡ; bất an vì con cái rơi vào nghiện ngập, sa đọa. Những đau khổ trong cuộc đời nhiều khi quá lớn đến nỗi chúng ta đánh mất niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó mới thực sự là nỗi bất an đáng lo ngại nhất.

Thánh Phêrô đã nói rằng: “anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.”(1Pr 1,6-7). Chúc cho anh chị em luôn có được niềm tin vững chắc vào sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh để rồi luôn tìm được nguồn bình an đích thực giữa những sóng gió của cuộc đời mình, của người thân, của gia đình mình và được hưởng vinh quang nước trời mai sau. Amen!
Ga 20,19-31;Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9
DUY THẠCH SVD

No comments:

Post a Comment