Chúa nhật trước Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa thường
được gọi là Lễ Ba Vua hay là Lễ Hiển Linh. Đó là ngày Lễ hết sức ý nghĩa cho mọi
dân trên toàn thế giới, ngày Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Trong tường thuật độc
nhất vô nhị của mình thánh Mát-thêu ghi lại 3 cuộc tìm kiếm của ba nhóm người
khác nhau nhưng chỉ có duy nhất một sự gặp gỡ mà thôi.
1. Cuộc tìm kiếm của Vua Hê-rô-đê
Khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi về tung tích của vị vua Người Do Thái mới sinh ra, vua Hê-rô-đê tá hoả tâm tinh, bối rối quá đỗi và toàn thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao rung động. Sự kinh ngạc hoà lẫn sự sợ hãi cho một quyền lực sắp lung lay, sụp đổ. Đó là có thể là một tin mừng đối với các nhà chiêm tinh nhưng lại là một hung tin cho hoàng đế đương nhiệm. Việc có một vị vua thừa kế mới sinh nhưng lại không nằm trong hoàng tộc của mình làm cho vua Hê-rô-đê trở nên hoang mang thật sự. Theo phản ứng tự vệ tự nhiên, trước tiên ông cho mời tất cả các kinh sư và thượng tế trong dân lại để hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Sau đó, nhà vua
đã bí mật cho mời các nhà chiêm tinh đến và hỏi cặn kẽ
ngày giờ ngôi sao xuất hiện và chỉ thị cho các nhà chiêm tinh phải dò hỏi tường
tận về Hài Nhi và quan trọng hơn là phải “báo
lại cho tôi để tôi cùng đến bái thờ Ngài”. Đề nghị của nhà vua nghe cũng rất
bình thường nhưng trong đó lại ẩn chứa một âm mưu to lớn. Ông muốn biết cặn kẽ
về thời gian và nơi chốn của Hài Nhi Giê-su, Người mà ông đã nghe biết đến
trong dân như là một Đấng Ki-tô. Ông nóng lòng quan tâm đến nơi chốn và thời
gian sinh ra của Hài Nhi, không phải vì sự hiếu kỳ, không phải vì tò mò và càng
không phải vì lòng yêu mến, ngưỡng mộ nhưng chỉ vì quan tâm đến ngai vàng của
mình. Sự tìm kiếm của ông chất chứa một sự ghen ghét và tranh chấp quyền lực.
Lòng ông đang toan tính một kế hoạch toàn vẹn nhằm trừ khử một Hài Nhi để bảo vệ
ngai vàng của mình. Chính vì những toan tính xấu xa như thế nên chắc chắn ông sẽ
không thể gặp được Hài Nhi Giê-su. Âm mưu thất bại, tuy vậy, Hê-rô-đê vẫn cho
thấy rằng mình là một vị vua quyền lực và tàn ác như vua cha. Ông sẵn sàng tàn
sát tất cả những trẻ thơ vô tội tại Bê-lem và vùng lân cận (khoanh vùng) từ hai
tuổi trở xuống (khoanh độ cả tuổi) với ý
nghĩ may ra trong đó cũng có Hài Nhi Giê-su. Thế là quá rõ, âm mưu dối trá của
Hê-rô-đê đã bị chính ông lật tẩy. Nói là tìm Hài Nhi để bái thờ nhưng thực chất
là để thủ tiêu. Ông đã không gặp được
Ngài.
2. Cuộc
tìm kiếm của tất cả thượng tế và kinh sư:
Trước tin tức một vị vua mới sắp
được sinh ra toàn thể các thượng tế và kinh sư được triệu tập để tham vấn về
nơi sinh của Đấng Ki-tô. Rất chuyên nghiệp, họ dựa vào Thánh Kinh và có thể nói
ngay là Đấng ấy phải sinh: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn
sứ, có chép rằng: "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải
là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân
Ta sẽ ra đời." Bê-lem cũng được Gioan nhìn nhận là nơi chôn nhau cắt rốn
của Đấng Mê-si-a: “Nào Kinh Thánh đã chẳng
nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua
Đa-vít sao? " (Ga 7,42). Thật
ra, thông tin trên được các kinh sư và thượng tế chắp nối từ hai thông điệp của
hai sách ngôn sứ Mikha và Samuen quyển thứ hai: "Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người
lãnh đạo Ít-ra-en." (2Sm 5,2) và
“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc
Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh
Ít-ra-en” (Mk 5,1). Truyền thống về sự mong chờ một Đấng Mê-si-a đã tồn tại
khá lâu trong dân Ít-ra-en kể từ khi ngôn sứ Samuel tuyên sấm một vị vua sẽ nối
nghiệp Đa-vít, vĩ đại hơn Đa-vít với triều đại vững bền mãi mãi: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm
xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do
chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền (2Sm 7,12). Sau này, truyền thống ấy được
gia cố thêm bởi lời tuyên sấm của ngôn sứ Isaia với vua A-khát: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các
ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên
là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Đó
là niềm hy vọng chung của Dân Chúa và hơn ai hết các kinh sư và thượng tế là những
người nắm vững những thông tin về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a mà họ đang mong
chờ. Hơn cả ngôi sao, Thánh Kinh mới là cuốn kim chỉ nam dẫn đường đến với Đấng
Mê-si-a. Thế nhưng, thật ngạc nhiên là ngay thời điểm Đấng Mê-si-a sinh ra thì
không ai trong số họ mặn mà hỏi cặn kẽ về thông tin mà các nhà chiêm tinh đưa
ra và làm lay động cả thành Giê-ru-sa-lem.
Phải
chăng tất cả các kinh sư và thượng tế chỉ là những người nghiên cứu (research
on) Sách Thánh, họ nghiên cứu về nơi chốn xuất hiện của Đấng Mê-si-a, nhưng
không thật sự mong chờ hay tìm kiếm (search for) Đấng Mê-si-a? hoặc giả Đấng
Mê-si-a đã giáng trần trong một cách thức bình thường, tại một nơi chốn quá
nghèo hèn đến đỗi họ không bận tâm để ý? Tất cả đều là giả thiết. Có một điều rất
chắc chắn. Đó là tất cả các kinh sư và các thượng tế đã không gặp được Hài Nhi
Giê-su. Đó là dấu hiệu báo trước cho một thái độ chống đối và tấn công của các
nhà lãnh đạo Do thái đối với Đức Giê-su sau này.
3. Cuộc
tìm kiếm của ba nhà thông thái
Xuất
phát từ một tâm tình tìm kiếm thật sự các nhà chiêm tinh (thông thái) đã rời bỏ
quê hương, xứ sở để theo ánh sao mà tìm cho được nơi xuất hiện của vị “Vua mới của người Do Thái”. Theo các nhà
chú giải thì ánh sao nào mang tính cách biểu tượng. Hình ảnh Ngôi sao lạ ấy được
Mát-thêu xây dựng dựa trên truyền thống kết hợp giữa ngôi sao nhà Gia-cóp được
nói đến trong Ds 24,17: “từ nhà Gia-cóp mọc lên một tinh tú, từ Ít-ra-en sẽ xuất
hiện một người” với sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Cuộc tìm kiếm của các nhà
chiêm tinh là một cuộc tìm kiếm nghiêm túc bởi hội đủ các yếu tố: Nghiên cứu,
tìm hiểu, chuẩn bị lễ vật đầy đủ và nhất là dấn thân cất bước đi, khi bị mất “dấu”
lại không nản chí nhưng vẫn tiếp tục miệt mài tìm kiếm. Mát-thêu chỉ nói đến
các nhà chiêm tinh chứ không nói đến số lượng bao nhiêu người. Thế nhưng, sau
này truyền thống Giáo Hội Đông Phương cho rằng có ba đạo sĩ dựa theo số lượng lễ
vật mà họ mang theo và gọi họ là ba vua [Xc. Jacques Hervieux, bản Việt ngữ Tin Mừng Mát-Thêu, (Nguyên
ngữ: L’evangile De Matthieu,Centurion, 1991), tr.42]. Quả thế theo Tv 72,10-15:
Hàng vương giả các nước đến dâng châu báu của sứ sở lên cho Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên,
thực sự Mát-thêu không gọi họ là vua. Họ chỉ là những người dân ngoại khiêm hạ,
dựa theo những hiểu biết khoa học tự nhiên để đến với Đức Giê-su. Thuật ngữ
“Magi” (nhà chiêm tinh, khôn ngoan) nguyên gốc chỉ về một tầng lớp các đạo sĩ
Ba Tư có khả năng giải mộng rất tốt. Ở đây họ xuất hiện như những nhà chiêm
tinh, người có khả năng quan sát sự chuyển động của các vì sao mà biết được những
dấu chỉ về một sự kiện lớn nào đó. Chi tiết họ đến từ Phương Đông cùng với việc
họ không biết nơi chốn Đấng Ki-tô sinh ra giả định rằng họ thuộc dân ngoại. Họ
đến từ Phương Đông nào? Điều này không rõ ràng. Qua thuật ngữ “Magi” có thể
đoán là Ba-tư, những biệt tài về chiêm tinh cho thấy họ là người Babylon và những
lễ vật họ dâng cho thấy họ là người A-rập hay sa-mạc Sy-ri (Xc. Daniel
Harrington, The Gospel of Mathew,
p.42). Nghĩa là những chi tiết ấy quả thật không thể cho biết nguồn gốc rõ ràng
về những người này. Có lẽ điều có thể nói về nguồn gốc của họ như truyền thống
Giáo Hội nhìn nhận ngày nay là: họ là những người thuộc thành phần dân ngoại.
Chính vì thế, người Hy Lạp gọi Thánh Lễ Hiển Linh (Epiphanie) là lễ “Chúa tỏ hiện”
(Théophanie), lễ kêu gọi dân ngoại (Xc. Hồng Phúc, Chúa Giê-su, Hà nội: Tôn giáo, 2011, tr.48).
Các
nhà chiêm tinh với những hiểu biết tự nhiên của họ, với sự tìm kiếm miệt mài,
và bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng, đã nhận được một kết quả mỹ mãn. Có
thể nói họ đạ miệt mài tìm Chúa trong suốt cuộc đời mình và họ đã gặp được
Chúa. Cuộc tìm kiếm của họ đã cho thấy họ đã lao tâm tổn lực đến mức nào và lễ
vật của họ dâng biểu lộ một lòng tôn kính mến yêu Đấng Mê-si-a làm sao. Quãng
đường từ Phương Đông đến Bê-lem biểu trưng
cho quãng thời gian một đời người, một đời tìm Chúa. Họ xứng đáng được
hưởng niềm vui sướng, hân hoan của giây phút gặp gỡ Chúa nơi căn nhà Bê-lem.
Không những thế, sau khi gặp Chúa, họ đã đi lối khác mà về. Lối khác cũng có
nghĩa là một cách sống mới, một lối sống mới, lối sống theo sự chỉ dẫn của chính
Chúa chứ không phải là ngôi sao lạ nữa.
Tạm kết
Như
vậy, Thiên Chúa vẫn tỏ mình ra cho hết tất cả mọi người. Trước hết là dân tộc
Do thái qua việc tuyển chọn, dẫn dắt họ, ban cho họ những mạc khải khá rõ ràng
trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, điều đó không bảo đảm cho họ một sự gặp gỡ đương
nhiên với Đấng Mê-si-a mà họ mong chờ, khi họ không nhiệt tâm tìm kiếm Ngài. Những
kẻ tìm kiếm Ngài theo một âm mưu gian ác kiểu vua Hê-rô-đê cũng sẽ không bao giờ
đạt được một kết cục khả quan. Ngược lại, những con người đơn sơ khiêm hạ không
thuộc Dân Thánh, không biết đến những mạc khải Thánh Kinh, nhưng với lòng yêu mến,
khao khát, dấn thân, tìm kiếm thật sự thì luôn luôn sẽ gặp Ngài.
Câu chuyện Ba Vua tìm, gặp Chúa
và hân hoan vui sướng dĩ nhiên không dừng lại ở đây và không phải là chỉ là một
câu chuyện quá khứ. Đó chỉ là một khúc dạo đầu cho một bản hoà tấu ẩn chứa nhiều
giai điệu “đảo phách” và “nghịch phách” phía sau trong cuộc đời rao giảng công
khai của Đức Giê-su, và qua mọi thời đại. Mát-thêu đã cho thấy Đức Giê-su ưu ái
thế nào đối với dân tộc Ít-ra-en: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,6);
"Thầy chỉ được sai đến với những con
chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi” (Mt 15,24); "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26).
Thế nhưng đến cuối cùng, chính những kinh sư, thượng tế và các luật sĩ, đại diện
cho dân tộc Do thái lại không tin vào Ngài dẫn đến. Ngay cả những môn đệ do Đức
Giê-su trực tiếp tuyển chọn và huấn luyện cũng có nhiều lúc nửa tin nửa ngờ. Mát-thêu
ghi lại khá nhiều lần Đức Giê-su tỏ ra khó hiểu đối với sự cứng lòng của các
môn đệ mình (Xc. Mt 6,30; 8,26; 14,31;16,18; 17,20). Ngược lại với thái độ cứng
lòng của những người Ít-ra-en là thái độ tin tưởng một cách tuyệt vời nơi dân
ngoại. Đức Giê-su ắt hẳn không khỏi đau lòng trước sự cứng lòng và dửng dưng của
dân Ít-ra-en đối với sự viếng thăm của Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng có lý do để
vui mừng khi nhìn thấy dân ngoại đón nhận Ngài và được ơn cứu độ. Quả thế,
trong câu chuyện Đức Giê-su chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng, Ngài đã
thừa nhận và tuyên bố: "Tôi bảo thật
các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.Tôi nói cho
các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ
phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời” (Mt 8,10-11).
Tìm
Chúa, gặp Chúa và theo Chúa là một hồng ân Chúa ban và là một quá trình đáp trả
liên lỉ và kiên trì, một cuộc đời chứ không phải là một khoảnh khắc. Không phải
cứ mang “nhãn mác” ki-tô hữu là dĩ nhiên được vào Nước Trời. Chính vì thế mà
Giáo Hội luôn nghiêm túc căn dặn con cái mình: “Những ai dù đã gia nhập Giáo Hội nhưng không kiên trì sống đức ái, nên
chỉ ở trong Giáo Hội theo “thể xác” chứ không phải với tâm hồn, thì vẫn không
được cứu độ. Tất cả những người con của Giáo Hội phải nhớ rằng địa vị cao trọng
họ có được không phải do công trạng riêng của mình, nhưng do ân sủng đặc biệt của
Đức Ki-tô, nếu không đáp lại ân sủng ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì
thay vì được cứu độ họ sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (LG, số 14).
Jos. Phạm Duy Thạch
No comments:
Post a Comment