Mỗi khi suy niệm
về Đức Giê-su Ki-tô vua vũ trụ, tôi liền nhớ đến bài hát “Lời Vọng Tình Yêu” rất
nổi tiếng của Lm nhạc sĩ Đỗ Vy Hạ: “Trên đồi cao, trong tiếng lao xao mời, gọi
tình yêu. Giê-su gục ngã, treo trên thập giá, giang cánh tay, ôm tội loài người.
Thân tàn hơi Con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi. Ôi! Nhân loại hỡi sao chưa
hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi. Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết
cho trần gian. Vì Người chỉ đến sống cho tình yêu chết cho tình yêu. Để cứu
muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi”.
Đó chính là
dung mạo đẹp nhất, tuyệt vời nhất về một Đức Giê-su, một vị vua của toàn cõi vũ
hoàn. Trong khi ngày hôm nay, trong hầu hết các ngôi thánh đường, đều vang lên
những bài thánh ca, chúc tụng, hoan hô Đức Giê-su là Vua, thì phụng vụ Lời Chúa
lại chọn bài Tin Mừng diễn tả khung cảnh ảm đảm, bi thảm nhất của
cuộc đời Đức
Giê-su. Đó là khung cảnh Đức Giê-su đang chịu treo trên thập giá cùng với hai
tên gian phi.
Đối với hầu hết người Do thái thời bấy giờ thế là hết. Còn các môn đệ thì “mộng vàng tan thành
mây khói”. Hy vọng một cuộc giải phóng, một cuộc khôi phục vương quốc Ít-ra-en,
chỉ con le lói như ngọn đèn treo trước gió, sẽ chực vụt tắt cùng với hơi thở của
Đức Giê-su. Dân chúng thì đứng nhìn ngao ngán, các thủ lãnh thì nhạo cười mĩa
mai. Ngay cả dòng chữ ghi trên đầu Người “Đây là vua của Người Do thái” cũng chỉ
là một lời chế giễu. Ngay cả một tên trộm hết thời cũng buôn lời nhục mạ Người.
Thế nhưng,
chính trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, Đức Giê-su lại biểu lộ uy quyền và
bản chất của một vị quân vương đích thực nhất. Một vị quân vương đã dùng chính quả
tim của mình để đối đãi với thần dân của mình. Đó là một vị quân vương yêu nhân
loại cho đến chết, một tình yêu đạt đến cảnh giới cao nhất. “Không có tình yêu
nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”
(Ga 15,13). Đức Giê-su là một vị quân vương đến chỉ “để phục vụ và hiến dâng mạng
sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Với một vị
vua cai trị dựa trên tiêu chí tình yêu, thì thập giá chính là ngai vàng và vòng
gai chính là vương miện. Và mục đích của cả cuộc đời Người là mưu cầu hạnh phúc
cho con dân của Người. Người làm tất cả mọi việc để giúp họ được ơn cứu độ, được
hưởng hạnh phúc mai sau với Người.
Chính vì thế
mà khi nghe người trộm lành thưa: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin
nhớ đến tôi! " (Lc 23, 42). Đức Giê-su liền tuyên bố ngay: “Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23,43). Tưởng chừng
như đó là mong ước của người trộm lành, nhưng không, Đức Giê-su còn mong mỏi điều
ấy hơn cả anh ta nữa. Đó là cung cách của một vị vua thật sự, một vị vua có khả
năng làm cho bất kỳ người bất hạnh nào trên thế gian này đều tìm thấy niềm vui
và hạnh phúc trọn vẹn.
Đó là điều mà
thánh Phao-lô đã xác nhận cùng tín hữu Cô-lô-sê trong bài đọc 2 hôm nay: “Thiên
Chúa đã muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người
đổ ra trên thập giá,Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn
vật trên trời”(Cl1,20).
Mới đây,
trong buổi triều yết chung, thứ tư ngày 06 tháng 11 năm 2013, Đức Giáo Hoàng
Phanxico đã dừng lại, cầu nguyện và ôm hôn một người đàn ông tên là Vinicio Riva,
đến từ Vicenza ở miền bắc Italy. Người đàn ông này mắc một triệu chứng di truyền từ người mẹ quá cố. Khắp từ đầu đến chân ông mọc
lên các khối u, đặc biệt dày đặc ở khuôn mặt.
Ngay
lập tức, những hình ảnh Đức Giáo Hoàng ôm hôn người đàn ông mặt đầy u nhọt
nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, làm nổi bật hình ảnh về một “Giáo Hoàng của
mọi người”. Đức Giáo hoàng Phanxicô được thế giới ca ngợi về lòng trắc ẩn và
hành động được ví với Thánh Phanxicô Assisis, người đã từng hôn lên những vết
thương của một bệnh nhân phong cùi.
Ngài cũng đã từng
rửa chân cho cho 12 phạm nhân trẻ tuổi, bao gồm hai cô gái người Hồi giáo tại
nhà tù Casal del Marmo, ở Rome nhân lễ Phục Sinh.
Trong buổi tiếp kiến dành cho các
gia đình nhân dịp Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng cũng để cho một cậu bé tự nhiên
xuất hiện, đi lại trên lễ đài, ôm chầm lấy chân ngài, khi ngài phát biểu và thậm
chí ngồi cả lên ghế dành riêng cho ngài.
Đức Giáo hoàng phanxico quả là một
mẫu gương cho những nhà lãnh đạo trong thời đại này.
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội
đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, với ước nguyện sao cho cuối
cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu
thương, một nước thái bình hạnh phúc.
Ngày chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được tham
dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Giê-su. Mừng lễ Chúa Ki-tô
vua vũ trụ, chúng ta cũng được mời gọi nhớ lại và tiếp tục sống ơn gọi vương đế
ấy như Chúa Ki-tô đã làm. Quyền vương đế của chúng ta được thể hiện tốt nhất
khi chúng ta biết dùng quả tim để yêu thương mọi người và dùng đôi tay mà phục
vụ tất cả những người Chúa giao phó cho chúng ta.
Thật vui, khi xã hội ngày nay có những người cha, người mẹ
dám hy sinh tính mạng cho con cái của mình. Có những người dám quên mình lao
thân vào dòng nước lũ để cứu người khác, và chịu nước cuốn trôi. Tuy nhiên,
cũng còn biết bao ông bố, bà mẹ, ngược đãi, đánh đập, thậm chí bán chính con
ruột của mình với giá vài chục triệu bạc. Có những người con bất hiếu gây ưu
phiền cho cha mẹ mình.
Lễ Chúa Ki-tô vua vũ trụ và những ngày cuối năm phục vụ là
dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại tương quan của mỗi người chúng ta đối với
những người chúng ta có trách nhiệm chăm sóc. Một khi chúng ta vô trách nhiệm,
hay chúng ta chưa lấy tình yêu thương mà đối đãi với cha, mẹ, anh, chị, em ruột
thịt, cũng như anh chị em trong cùng một xứ đạo, bà con chòm xóm, là chúng ta
chưa sống đúng với chức vụ vương đế mà Chúa đã trao cho chúng ta.
“Ngay hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Nguyện chúc
cho tất cả quý OBACE, luôn đem đến niềm vui cho người thân, bạn bè và tất cả mọi
người chúng ta gặp gỡ. Triều đại vua Ki-tô sẽ thật sự hưng thịnh, và hạnh phúc
khi mỗi người ki-tô hữu biết trao cho nhau những cử chỉ yêu thương; khi mỗi người
dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền của và ngay cả chính mạng sống mình để mưu
cầu hạnh phúc cho tha nhân. Amen!
No comments:
Post a Comment